Một tuần trước ngày bầu cử quốc hội khóa 15, trên các mạng xã hội và báo chí xuất hiện lá đơn "kêu cứu và tố cáo" của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Toàn bộ nội dung của 64 trang viết tay và 30 trang đánh máy "Đơn kêu oan và tố cáo" của Vũ "nhôm" gửi lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước có đăng trên website : Baotiengdan.com (1).
Vũ "nhôm" sinh ngày 2/11/1975, một ông trùm bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng đồng thời là cựu giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty như Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, công ty IVC... Trước khi bị bắt và khởi tố Vũ còn là đảng viên, thượng tá tình báo thuộc Tổng cục 5, Tổng Cục tình báo Bộ Công an.
Vũ nhôm bị bắt hôm 4/1/2018 tại sân bay Nội Bài, sau khi bị chính quyền Singapore trục xuất. Các bản án tuyên cho Vũ nhôm lên đến 65 năm tù và Vũ phải bồi thường một số tiền khổng lồ là 3.100 tỉ đồng.
Vũ xuất thân từ một người thợ phụ làm nhôm kính nên mới có biệt danh là Vũ "nhôm". Sự nghiệp của Vũ nhôm bắt đầu thăng tiến sau khi kết hôn với người vợ là con của một quan chức Đà Nẵng. Các công ty mà Vũ nhôm làm Chủ tịch hội đồng quản trị được Tổng cục tình báo hậu thuẫn nhằm thâu tóm rất nhiều bất động sản vàng thuộc sỡ hữu nhà nước. Dư luận cho rằng các công ty mà Vũ làm giám đốc là các công ty sân sau, bình phong của Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.
Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm"
Ra tòa cùng Vũ nhôm có nhiều tướng tá cao cấp như cựu Thứ trưởng công an, Trung tướng Bùi Văn Thành (1959) bị 30 tháng tù. Trần Việt Tân (1955), cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng, bị 36 tháng tù về cùng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phan Hữu Tuấn (1955), cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, cùng Nguyễn Hữu Bách (1963), cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an, cả hai đều bị 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...
Hiện tại Vũ nhôm đang bị truy tố tiếp trong vụ án "môi giới và đưa hối lộ" liên quan tới đại tá Nguyễn Duy Linh, Tổng Cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an, con trai tướng Nguyễn Văn Hưởng (đã về hưu).
Trong đơn "kêu cứu và tố cáo" của mình Vũ "nhôm" tố cáo đích danh Trung tướng Trần Văn Vệ (nghỉ hưu cuối năm 2019), quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục trưởng C01, Bộ Công an, đã cho "đặc tình" đóng giả phạm nhân, đến ở chung buồng giam và khủng bố tinh thần, đánh đập, ép cung, đòi thủ tiêu… Vũ "nhôm". Vũ "nhôm" cũng cho rằng, Tổng cục 2 đã "báo cáo không đúng sự thật" mọi vấn đề liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" lên Tổng Bí thư, Thủ tướng, rằng "một số người" lợi dụng "chiến dịch đốt lò" của ông Trọng, nhằm "thanh trừng phe nhóm, triệt hạ đồng đội, xây dựng ê kíp…" (2).
Phải nói là rất bức xúc và tuyệt vọng nên Vũ nhôm mới viết trong "Đơn kêu oan và tố cáo" rằng : "Đúng ra đơn này tôi phải viết bằng máu của tôi để nói lên sự uất hận, đau đớn khi mà tôi phải chịu nổi oan này. Nhưng việc viết bằng máu là vi phạm nội qui giam giữ, cho nên tôi không thực hiện được" (Trại T16, ngày 1/3/2021 Phan Văn Anh Vũ).
..............................
Vũ nhôm viết "đơn kêu cứu và tố cáo" (trang 1 và trang 64) trong tuyệt vọng và uất hận.
Đến đây chúng ta cùng nhớ lại những lời tuyệt vọng sau cùng của các quan chức cộng sản sau khi bị tống vào lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, hai ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hay mới nhất là ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng... Câu nói của ông Đinh La Thăng trước tòa đã nói lên kết cục buồn dành cho các quan chức cao cấp Đảng cộng sản khi bị tống vào lò : "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người" (3).
Chuyện đúng - sai của các quan chức này tôi không bàn đến ở đây vì không thể biết được họ đúng - sai như thế nào. Bảo họ "sai" cũng đúng vì quan chức cộng sản không làm bậy, không tham nhũng thì sao họ có thể giàu như thế ? Nói họ "oan" cũng đúng vì làm gì có quan chức cộng sản nào không làm bậy và tham nhũng nhưng tại sao chỉ mỗi họ bị trừng phạt ?
Quay trở lại lá đơn tố cáo của Vũ nhôm thì có thể thấy được nhiều điểm bất ổn và vô lý trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Ví dụ : "Theo Vũ, chủ thể của tội phạm theo quy định của Điều 219 và 229 là chủ thể đặc biệt, phải là người có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phải mang quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, Vũ chỉ là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đồng thời là một công dân bình thường, hoàn toàn không mang quyền lực Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước, không có quyền giao đất, thu hồi đất, phê duyệt đất, cho thuê đất…Do đó, theo Vũ, nếu anh ta phạm tội thì chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức" (4).
Cũng theo Vũ thì "Việc Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ được mua nhiều nhà đất, công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Vũ cho rằng, chủ trương bán nhà, đất công sản trong thời gian từ 2006 đến 2014 không phải là chính sách, chủ trương mới có trong giai đoạn này và mục đích áp dụng cũng không phải chỉ để bán nhà công sản cho Vũ. UBND TP. Đà Nẵng đã bán trên 3.500 nhà, đất công sản từ năm 2002 đến 2016, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo các khóa trước. Trong khi đó, theo Bản án này, tôi chỉ có mua 15 nhà, đất và 4 dự án" (4).
"Trong đơn Vũ khẳng định, việc Tòa tuyên duy trì lệnh kê biên đối với 23 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu chung của Vũ và vợ, cùng 5 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn là vi phạm nghiêm trọng. Vũ cho rằng, nếu mình thật sự có tội, cơ quan tố tụng cũng chỉ được kê biên đối với phần tài sản thuộc sở hữu riêng của Vũ chứ không phải toàn bộ tài sản đứng tên chung của hai vợ chồng" (4).
Lời cuối của Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng trước Tòa là "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người".
Như đã trình bày, tôi không có ý định bào chữa cho Vũ hay bất cứ một quan chức nào của Đảng cộng sản. Dù vậy là một công dân, một con người thì trong bất cứ chế độ nào, họ cũng phải được tôn trọng nhân phẩm và được xét xử một cách công bằng bởi một tòa án độc lập, nơi mà các chánh án chỉ xét xử theo luật pháp và lương tâm. Chế độ cộng sản không tồn tại các tòa án như vậy. Các bản án lớn và quan trọng đều có sự chỉ đạo và giật dây của hệ thống chính trị. Nhìn vào các bản án mà nhà nước Việt Nam xét xử các nhà bất đồng chính kiến hay dân oan thì chúng ta đều thấy rõ điều đó.
Một điểm đáng chú ý là trong danh sách rất dài các cơ quan nhận được thư tố cáo của Vũ nhôm thì có hai người là đại biểu quốc hội khóa 14, ông Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hai ông nghị này nổi tiếng là nói thẳng, nói thật và cổ vũ cho việc sống, làm việc theo pháp luật. Khả năng cao là hai ông sẽ không được "bầu" vào quốc hội khóa tới.
Một hy vọng nữa của Vũ nhôm là trông chờ vào sự "cứu xét" của tân thủ tướng Phạm Minh Chính, một cựu trung tướng tình báo chăng? Chúng ta không thể biết được nhưng có một điều chắc chắn đó là cuộc "nội chiến" trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấm dứt. Khi lý tưởng chính trị để gắn kết các thành viên trong một đảng chính trị không còn nữa thì đấu đá và tan vỡ là điều không thể tránh khỏi.
Việt Hoàng
(19/05/2021)
(2) Vũ "nhôm" và thế lực bảo kê đang chơi canh bạc cuối cùng ?