Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đốt lò" là biệt ngữ mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để chỉ việc phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Đảng. Khi đốt lò, sẽ có thi hành các đại án, bắt các lãnh đạo cao cấp của chế độ và sân sau của họ. Nhưng những gì đang diễn ra trong lòng chế độ và xã hội Việt Nam cho thấy việc tiếp tục đốt lò đồng nghĩa với Đảng đang thiêu chính mình.

Việc bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch công ty Vạn Thịnh Phát bị bắt hay chưa thì người dân không biết. Chỉ biết có lệnh khởi tố bắt tạm giam bà Lan, đại gia mới nhất bị đưa lên giàn thiêu. Người dân chỉ cần biết đến thế để thoả mãn tâm lý. Sau đó, các vụ bắt đại gia cũng trở thành tin giải trí trong một xã hội bát nháo các loại giá trị. Tài sản của các đại gia sau đó sẽ được xử lý thế nào để đúng với ý nghĩa của cụm từ "tịch thu sung công"? Không ai được biết. Và chính Đảng đang đốt lò, nhưng cũng không biết bao giờ mới xong và đốt để làm gì. Chống tham nhũng chỉ là khẩu hiểu của ông Trọng, ko ai còn tin và biết làm thế nào ngoài bắt và bắt. Sự thanh trừng và chiếm đoạt lại tài sản mới là ý nghĩa chính. Nhưng hai ý nghĩa này, đã bị đánh mất. Đảng cộng sản quá vụng về trong quá trình đốt lò và họ đang tự đẩy nhanh quá trình xuống vực.

bat1

Chiến dịch đốt lò của ông Trọng đã bắt giữ rất nhiều quan chức cao cấp và đại gia nhưng kết quả sẽ là gì ? Có chống được tham nhũng không ? Câu trả lời là : Không. (Ảnh : Cựu chủ tịch Hà Nội và cựu bộ trưởng Y tế)

"Đảng cộng sản Việt Nam không nắm được xương sống của quá trình phát triển kinh tế. Họ cũng không đóng góp công sức bằng chính sách. Súng không thay được tiền và công nghệ. Súng và quyền có thể đoạt ngân hàng nhưng không thể đoạt được cách vận hành. Dù các đại gia Việt Nam chủ yếu là giữ đất, nhưng cũng từ đất, họ nắm rất nhiều lực lượng lao động qua việc tái đầu tư vào một vài lĩnh vực sản xuất khác (một vài thôi, Việt Nam không có sản xuất cơ bản và thị trường nội địa). Chiếc áo giáp đã được mặc. An toàn tuyệt đối thì không, nhưng an toàn hơn những ai đang bị vắt kiệt lẫn bị thanh trừng thì có". Tạm gọi họ là các đại gia ‘hạng A’. Khi viết những dòng này một năm trước, lúc Covid-19 đang tàn phá xã hội Việt Nam, người viết cho rằng Đảng vẫn phải ‘giữ kẽ’ với các đại gia ‘hạng A’ này vì chưa kịp chuẩn bị cho hậu Covid-19.

Vậy mà một năm sau, các đại gia ‘hạng A’ cũng không còn giữ được an toàn sau chiếc áo giáp. Các tỉ phú ‘vượng ích’, những người có thể khá an tâm với khối tài sản và lực lượng lao động mình nắm, ảnh hưởng được một phần cấu trúc xã hội, cũng đã bị tống vào lò. Nhưng đây là diễn biến rất đặc thù của các chế độ cộng sản sau các cơn khủng hoảng lớn : Không có kế hoạch giải quyết.

Làm sao có thể có kế hoạch vĩ mô với một nhóm người đặt vị thế chính trị của họ lên trên vị thế quốc gia. Đảng cộng sản không chuẩn bị được việc thu hồi tài sản và vận hành tài sản đó để phát triển kinh tế. Họ bị quán tính và sức ép chính họ tạo ra trong bài chống tham nhũng: Vẫn cứ phải bắt và bắt liên tục. Tầng lớp doanh nhân được thai nghén và trưởng thành trong chế độ đang bị dập nát. Làm sao có thể dùng nghị quyết và súng để áp đặt kế hoạch phát triển.

Câu chuyện Càn Long dùng Hòa Thân như một nơi giữ ngân khố quốc gia cho đời nhà Thanh được một số người trích dẫn như một chiêu bài cao tay của Đảng trong ‘nuôi’ các đại gia. Thực tế đó là việc so sánh vô cùng hài hước. Hình thức kinh tế, việc lưu trữ tài sản của Hoà Thân khác các đại gia Việt. Và kinh tế bây giờ có cấu trúc khác hẳn thời Càn Long. Dễ hiểu là tài sản Hòa Thân thanh khoản và tái sử dụng dễ hơn nhiều so với các đại gia thế kỷ 21 này ở Việt Nam, vốn phi tập trung, thiếu minh bạch và thiếu cả tính hiệu quả với một nền kinh tế thiên về dịch vụ, bất động sản và sản xuất nhỏ lẻ.

Rồi các phe phái cũng tan tác. Không phe phái nào đủ thời gian và tiền bạc để thiết lập địa vị chính trường. Covid-19 đã tàn phá ghê gớm xã hội Việt Nam, nhưng địa chính trị thế giới mới quyết định sự hình thành các phe phái thời cộng sản. Thực tế Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn được Trung Quốc hậu thuẫn. Cả xã hội Việt Nam đang gánh chịu những khó khăn vô cùng lớn về mọi mặt từ ách cai trị giai đoạn cuối của Đảng cộng sản.

bat2

Cả xã hội Việt Nam đang gánh chịu những khó khăn vô cùng lớn về mọi mặt từ ách cai trị giai đoạn cuối của Đảng cộng sản. (Ảnh : Người dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hàng mua xăng)

Lời hứa đầu tư vào Việt Nam từ các nước dân chủ vốn là một lời hứa có điều kiện. Và nhiều khả năng chỉ là hứa suông trong vài năm tới. Đảng không thể xây dựng được nền kinh tế có trọng tâm sản xuất vì nó quá thiếu lương thiện và chẳng thể tạo ra một nền kinh tế minh bạch, giàu tinh thần học hỏi công nghệ để đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm. Nếu mở rộng được gia công trong bối cảnh khó khăn chung thế này, lợi nhuận sẽ chỉ là tối thiểu và chỉ đảm bảo được một phần công ăn việc làm cho công nhân.

Biến cố chính trị với đất nước không còn xa, có thể tiên liệu trong 5 năm đổ lại. Lúc này, trong từng bộ ngành đang cố hết sức để cải thiện "làm thật". Họ cũng cố gắng để "làm thật". Nhưng nguồn lực và con người đâu mà làm. Càng làm càng rối và càng mau vỡ chế độ vì những mâu thuẫn không bao giờ giải quyết được. Một số bộ, ngành đang cố gắng trong 2 năm nữa, sẽ dọn dẹp sạch sẽ những bất cập để "làm cho ra làm". Khi Đảng cố gắng tự cải tiến, nó sẽ càng sớm vỡ. Nhất là khi các nước dân chủ đang liên kết lại để nâng cấp khái niệm liên minh dân chủ ở cả phương diện thế chế và kinh tế. Sự nâng cấp này sẽ thay đổi hệ thống chính trị toàn cầu.

Nếu Nguyễn Xuân Phúc nắm được ghế Tổng bí thư, việc này sẽ làm tan vỡ rất nhanh chế độ với những mâu thuẫn đầy rẫy và công khai trên mạng truyền thông. Mà nếu không, thì dù ai chăng nữa thay ông Trọng, thì đó cũng là người duy nhất trong lịch sử Đảng, không nhận được bất kỳ sự chống lưng nào từ nước ngoài, không có bất kỳ năng lực lí luận hay thậm chí cuồng tín về hệ tư tưởng nào. Bài tính dựa vào Nga cũng đã phá sản khi Nga xâm lăng Ukraine và thất bại. Ai lên thay ông Trọng cũng tự biến mình thành con mồi của tất cả các thế lực trong nội bộ Đảng xâu xé. Không còn ai thực sự có đủ uy tín nên ông Trọng cứ phải ngồi mãi ở ghế Tổng bí thư.

Vậy thì càng đốt lò, Đảng càng tự đẩy mình vào thế đối đầu với chính những lực lượng sắp lâm nguy cộng sinh với nhau. Và khi nền kinh tế bị khủng hoảng, họ sẽ không thể làm gì khác ngoài buông xuôi. Khẳng định lại một điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề cập nhiều lần : Giải pháp cho đất nước không bao giờ tới từ trong lòng chế độ cộng sản.

Quốc Bảo

(10/10/2022)

Additional Info

  • Author Quốc Bảo
Published in Quan điểm

 

Khó có ngày nào đọc báo mà không thấy tin một hay một vài quan chức bị bắt, thậm chí là cả những quan chức cấp cao như thứ trưởng hay bộ trưởng. Chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng trở nên sôi động hơn hẳn trong những tháng qua. Chiến dịch này, theo chính lời ông Trọng, là để cứu đảng : "xử một người để cứu muôn người". Vậy chiến dịch đốt lò sẽ đưa Đảng cộng sản đi về đâu, nó có cứu được đảng như ông Trọng mong muốn ?

Không phải phòng chống tham nhũng 

Chiến dịch "đốt lò", theo lời Đảng cộng sản cũng như nhiều người khác, gọi là chiến dịch phòng chống tham nhũng. Cách gọi này không đúng. Chính xác thì đây chỉ là hành động xử lý một phần và là một phần nhỏ, hậu quả của tham nhũng với việc bắt một số quan chức và tịch thu một ít tiền. Nó không phòng, cũng không chống được tham nhũng. Phòng chống tham nhũng đòi hỏi phải giáng cho tham nhũng một đòn ngay từ đầu, để nó không có cơ hội xảy ra. Còn nếu nó đã xảy ra, đặc biệt là với quy mô và mức độ như dưới chế độ cộng sản, thì dù có phát hiện và xử lý cũng không thể nào lấy lại được những thiệt hại đã mất. 

Một thí dụ là vụ Việt Á, vụ việc một công ty hối lộ cho các quan chức để bán các sản phẩm y tế kém chất lượng với giá cắt cổ, để chống đại dịch Covid-19. Bao nhiêu người đã chết vì những sai lầm trong công tác truy vết, chống dịch đến từ những kết quả sai bởi loại kit test kém chất lượng này ? Không ai biết, nhưng chắc chắn là những mất mát đó không thể nào bù đắp nổi, ngay cả khi những người có trách nhiệm bị xử hàng chục năm tù. Hay là vụ những chuyến bay "giải cứu" kiều bào đem về hàng nghìn tỉ đồng cho các quan chức trong đại dịch.

Cộng đồng hải ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng với đất nước, trách nhiệm của một chính quyền Việt Nam như vậy là phải tăng cường sự gắn kết giữa cộng đồng này với đất nước, khi có những người Việt Nam gặp khó khăn trong đại dịch và muốn về nước thì chính quyền đương nhiên phải giúp đỡ, miễn phí vé máy bay nếu có điều kiện. Tuy nhiên chính quyền này không những không giúp đỡ, mà còn lợi dụng lúc đồng bào mình gặp khó khăn để trấn lột họ, giá vé máy bay cao gấp 5 đến 10 so với thông thường. Thật không biết phải dùng từ ngữ nào để miêu tả hành động cướp bóc trắng trợn này. Những đổ vỡ về tình cảm quốc gia là không thể hàn gắn được, ít nhất là tới chừng nào thủ phạm - chế độ này còn tồn tại. 

dotlo1

Chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng có cứu được Đảng cộng sản không ? Câu trả lời là không.

Vấn đề phòng, chống tham nhũng vô vọng dưới chế độ cộng sản

Tham nhũng là một hành vi lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Các quan chức tham nhũng vì những các quan chức khác cũng vậy. Họ không quan tâm một cách đủ mạnh tới những thiệt hại cho đất nước, tức là họ đặt quyền lợi của mình lên trên đất nước. Nhưng việc đặt mình lên cao hơn đất nước lại là văn hóa nền tảng của Đảng cộng sản. Từ ngày thành lập tới nay họ đã bất chấp mọi thiệt hại cho đất nước để duy trì quyền lực của mình bằng mọi giá, thậm chí họ còn chẳng thèm che dấu điều này, họ ngang nhiên yêu cầu quân đội và công an phải trung thành với mình, tự trao cho mình quyền thống trị đất nước vĩnh viễn như trong hiến pháp 2013. Văn hóa của Đảng cộng sản là văn hóa tham nhũng. 

Văn hoá chính trị đã bệnh hoạn như vậy, còn nhân sự chính trị của đảng thì thế nào ? Tuyệt đại đa số quan chức hiện nay đều xem việc làm chính trị là để tìm kiếm quyền lực và quyền lợi cho mình, tức là để tham nhũng hơn là để phục vụ đất nước. Có thể họ cũng quan tâm tới đất nước nhưng họ còn quan tâm tới tiền và quyền của mình nhiều hơn. Họ cũng đặt mình lên trên đất nước nếu không họ đã phải chống lại chế độ. Nhân sự của chế độ cũng là nhân sự tham nhũng. Muốn phòng và chống tham nhũng thì chắc chắn là phải thay đổi cả văn hóa chính trị lẫn nhân sự chính trị này, tức là phải thay đổi chế độ. Chúng ta cần một cuộc cách mạng. 

Không tiêu diệt được tham nhũng nhưng chiến dịch "đốt lò" sẽ đánh sập đảng

Để duy trì một chính quyền không có sự chính đáng, không có lý tưởng và không có cả sự hậu thuẫn của dân chúng, Đảng cộng sản cầm quyền chỉ còn cách dựa vào việc ban phát quyền lợi cho các phe phái khác nhau nhằm mua chuộc sự trung thành của họ với đảng. Guồng máy chính quyền chạy được nhờ vào "nhiên liệu" là quyền lợi, đương nhiên là quyền lợi bất chính. Vậy sẽ thế nào nếu nguồn "nhiên liệu" này bị cắt đứt hay bị đe dọa sẽ cắt đứt ?

Đương nhiên là bộ máy sẽ gặp trục trặc, thậm chí là ngừng chạy. Đây là tình trạng của ngành y tế hiện nay, các quan chức trong ngành đang sống trong lo sợ, nhiều cơ sở thiếu thuốc men, vật tư, các y bác sĩ đua nhau nghỉ việc, một số cơ sở y tế địa phương gần như tê liệu… Sẽ ra sao nếu tình trạng này xảy ra với ngành công an và quân đội ? Chế độ chắc chắn sẽ sụp đổ. Đó sẽ là cái kết của chiến dịch "đốt lò". 

Mobile

Bộ máy chính quyền sẽ ngừng hoạt động khi nó… không tham nhũng. Những gì đang xảy ra với ngành y tế là một minh chứng.

Đằng nào cũng chết 

Chiến dịch "đốt lò" sẽ "đốt" luôn đảng, nhưng vấn đề là họ không có chọn lựa khác. Việc các đảng viên mất hết niềm tin vào lý tưởng cộng sản đã dẫn tới hậu quả tai hại là đảng mất hết đồng thuận cho những mục tiêu chung, những cố gắng chung, để hướng tới những thành công chung. Hiện giờ chỉ còn lại những thành công cá nhân cho mỗi người. Tình trạng này vừa tạo ra xung đột giữa các đảng viên, khi mục tiêu của mỗi người, mỗi phe nhóm là giành quyền lợi cho riêng mình vừa làm tê liệt đảng khi ai cũng chỉ biết tới mình mà không biết tới cái chung. Kết quả là tình trạng "thanh toán" lẫn nhau xảy ra tràn lan trong đảng. Các đảng viên có nhu cầu triệt hạ những đảng viên khác đang "tranh ăn" với mình, đảng có nhu cầu phải loại bỏ bớt các phe phái để có thể lấy được một quyết định trong tình trạng mất đồng thuận chung. 

Nhưng còn có một lý do quan trọng hơn buộc ông Trọng phải "đốt lò", đó là nó nhắm tìm kiếm cho chế độ một sự chính đáng nào đó, tức là một lý do để tồn tại. Một chế độ chỉ có thể tồn tại được nếu nó có lý do để tồn tại. Lý do này ngày trước là lý tưởng cộng sản, lý tưởng xây dựng một xã hội công bằng không có áp bức, bóc lột. Lý do này đã làm "nức lòng" các đảng viên, đoàn kết họ trong một mục tiêu chung và giúp họ áp đặt được những hi sinh tàn nhẫn lên xã hội để đi tới thắng lợi sau cùng. Nhưng ngày nay, nhìn vào tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam chẳng ai còn tin vào lý tưởng này. Đảng cộng sản cần và buộc phải tìm cho mình một lý do khác để tiếp tục cầm quyền. 

Và lý do để mọi đảng phái có thể cầm quyền trong thế giới văn minh ngày nay là chúng phải là giải đáp cho những vấn đề của đất nước. Vấn đề lớn nhất của đất nước ta hiện nay đúng là chống tham nhũng, bên cạnh việc xây dựng một chế độ dân chủ, thực hiện hòa giải dân tộc, xây dựng một ý thức quốc gia mới và phát triển đất nước để bắt kịp những nước giàu mạnh. Những vấn đề khác thì chắc chắn là Đảng cộng sản không có giải pháp, họ chỉ còn có thể chọn chống tham nhũng để ít nhiều tìm kiếm cho mình một sự chính đáng nào đó, một lý do để chế độ hiện hữu. Không "đốt lò" không được, nhưng đốt lò cũng không xong. Đằng nào cũng chết, đó đang là tình trạng của Đảng cộng sản.

th1

Đất nước đang cần một giải pháp khác vì ‘giải pháp cộng sản’ đã hoàn toàn thất bại

Cái đúng

Chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng dù không phòng, không chống được tham nhũng mà chỉ là xử lý hậu quả của tham nhũng thì cũng là một hành động đúng nên làm, những quan chức đã ăn trên đầu của nhân dân phải bị trừng phạt. Nhưng tại sao làm một hành động đúng cũng khiến chế độ sụp đổ ? Đó là vì chế độ này không có ngay cả tư cách để làm điều đúng.

Hãy lấy một ví dụ là việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của quân đội, một hành động rất đúng vì việc kinh doanh làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội trong khi chúng ta cần một quân đội mạnh để bảo vệ chủ quyền. Hoạt động này cũng làm méo mó quy luật thị trường, nó cũng là cái ổ cho tham nhũng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các công ty nhà nước khác vì các công ty quân đội khó bị theo dõi bởi báo chí và dư luận hơn. Nhưng nếu hành động đúng này được thực hiện thì nó sẽ làm sụp đổ chế độ. Các tướng lĩnh sẽ chống lại vì họ biết rằng những người muốn tước bỏ lợi ích của họ, không phải vì đất nước, mà chỉ để "tranh ăn" với họ, tức là cũng chẳng khác gì họ.

Tình hình sẽ hoàn toàn khác nếu hành động này được thực hiện dưới một chế độ dân chủ, bởi một chính quyền được hậu thuẫn của dân chúng thông qua các cuộc bầu cử tự do, với những người lãnh đạo không thể nghi ngờ về sự lương thiện. Khi đó có lẽ chỉ mất vài tháng để giải quyết một vấn đề mà chế độ mất hàng thập kỷ cũng không giải quyết nổi. 

Một hành động dù đúng, cũng không thể thực hiện nổi dưới chế độ cộng sản nhưng lại có thể sẽ rất đơn giản dưới một chế độ dân chủ. Nhiều vấn đề khác của đất nước cũng vậy, ngay cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ không có, chúng do chế độ cộng sản mà có nên sẽ nhanh có và cũng chỉ có giải pháp một khi chế độ cộng sản biến mất, vấn đề phòng chống tham nhũng là một thí dụ. 

Trần Hùng

(30/06/2022)

Additional Info

  • Author Trần Hùng
Published in Quan điểm

Một tuần trước ngày bầu cử quốc hội khóa 15, trên các mạng xã hội và báo chí xuất hiện lá đơn "kêu cứu và tố cáo" của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Toàn bộ nội dung của 64 trang viết tay và 30 trang đánh máy "Đơn kêu oan và tố cáo" của Vũ "nhôm" gửi lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước có đăng trên website : Baotiengdan.com (1).

Vũ "nhôm" sinh ngày 2/11/1975, một ông trùm bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng đồng thời là cựu giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty như Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, công ty IVC... Trước khi bị bắt và khởi tố Vũ còn là đảng viên, thượng tá tình báo thuộc Tổng cục 5, Tổng Cục tình báo Bộ Công an.

Vũ nhôm bị bắt hôm 4/1/2018 tại sân bay Nội Bài, sau khi bị chính quyền Singapore trục xuất. Các bản án tuyên cho Vũ nhôm lên đến 65 năm tù và Vũ phải bồi thường một số tiền khổng lồ là 3.100 tỉ đồng.

Vũ xuất thân từ một người thợ phụ làm nhôm kính nên mới có biệt danh là Vũ "nhôm". Sự nghiệp của Vũ nhôm bắt đầu thăng tiến sau khi kết hôn với người vợ là con của một quan chức Đà Nẵng. Các công ty mà Vũ nhôm làm Chủ tịch hội đồng quản trị được Tổng cục tình báo hậu thuẫn nhằm thâu tóm rất nhiều bất động sản vàng thuộc sỡ hữu nhà nước. Dư luận cho rằng các công ty mà Vũ làm giám đốc là các công ty sân sau, bình phong của Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.

vunhom1

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm"

Ra tòa cùng Vũ nhôm có nhiều tướng tá cao cấp như cựu Thứ trưởng công an, Trung tướng Bùi Văn Thành (1959) bị 30 tháng tù. Trần Việt Tân (1955), cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng, bị 36 tháng tù về cùng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phan Hữu Tuấn (1955), cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, cùng Nguyễn Hữu Bách (1963), cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an, cả hai đều bị 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...

Hiện tại Vũ nhôm đang bị truy tố tiếp trong vụ án "môi giới và đưa hối lộ" liên quan tới đại tá Nguyễn Duy Linh, Tổng Cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an, con trai tướng Nguyễn Văn Hưởng (đã về hưu).

Trong đơn "kêu cứu và tố cáo" của mình Vũ "nhôm" tố cáo đích danh Trung tướng Trần Văn Vệ (nghỉ hưu cuối năm 2019), quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục trưởng C01, Bộ Công an, đã cho "đặc tình" đóng giả phạm nhân, đến ở chung buồng giam và khủng bố tinh thần, đánh đập, ép cung, đòi thủ tiêu… Vũ "nhôm". Vũ "nhôm" cũng cho rằng, Tổng cục 2 đã "báo cáo không đúng sự thật" mọi vấn đề liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" lên Tổng Bí thư, Thủ tướng, rằng "một số người" lợi dụng "chiến dịch đốt lò" của ông Trọng, nhằm "thanh trừng phe nhóm, triệt hạ đồng đội, xây dựng ê kíp…" (2).

Phải nói là rất bức xúc và tuyệt vọng nên Vũ nhôm mới viết trong "Đơn kêu oan và tố cáo" rằng : "Đúng ra đơn này tôi phải viết bằng máu của tôi để nói lên sự uất hận, đau đớn khi mà tôi phải chịu nổi oan này. Nhưng việc viết bằng máu là vi phạm nội qui giam giữ, cho nên tôi không thực hiện được" (Trại T16, ngày 1/3/2021 Phan Văn Anh Vũ).

vunhom2

 

..............................

vunhom3

Vũ nhôm viết "đơn kêu cứu và tố cáo" (trang 1 và trang 64) trong tuyệt vọng và uất hận.

Đến đây chúng ta cùng nhớ lại những lời tuyệt vọng sau cùng của các quan chức cộng sản sau khi bị tống vào lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, hai ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hay mới nhất là ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng... Câu nói của ông Đinh La Thăng trước tòa đã nói lên kết cục buồn dành cho các quan chức cao cấp Đảng cộng sản khi bị tống vào lò : "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người" (3).

Chuyện đúng - sai của các quan chức này tôi không bàn đến ở đây vì không thể biết được họ đúng - sai như thế nào. Bảo họ "sai" cũng đúng vì quan chức cộng sản không làm bậy, không tham nhũng thì sao họ có thể giàu như thế ? Nói họ "oan" cũng đúng vì làm gì có quan chức cộng sản nào không làm bậy và tham nhũng nhưng tại sao chỉ mỗi họ bị trừng phạt ?

Quay trở lại lá đơn tố cáo của Vũ nhôm thì có thể thấy được nhiều điểm bất ổn và vô lý trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Ví dụ : "Theo Vũ, chủ thể của tội phạm theo quy định của Điều 219 và 229 là chủ thể đặc biệt, phải là người có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phải mang quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, Vũ chỉ là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đồng thời là một công dân bình thường, hoàn toàn không mang quyền lực Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước, không có quyền giao đất, thu hồi đất, phê duyệt đất, cho thuê đất…Do đó, theo Vũ, nếu anh ta phạm tội thì chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức" (4).

Cũng theo Vũ thì "Việc Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ được mua nhiều nhà đất, công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Vũ cho rằng, chủ trương bán nhà, đất công sản trong thời gian từ 2006 đến 2014 không phải là chính sách, chủ trương mới có trong giai đoạn này và mục đích áp dụng cũng không phải chỉ để bán nhà công sản cho Vũ. UBND TP. Đà Nẵng đã bán trên 3.500 nhà, đất công sản từ năm 2002 đến 2016, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo các khóa trước. Trong khi đó, theo Bản án này, tôi chỉ có mua 15 nhà, đất và 4 dự án" (4).

"Trong đơn Vũ khẳng định, việc Tòa tuyên duy trì lệnh kê biên đối với 23 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu chung của Vũ và vợ, cùng 5 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn là vi phạm nghiêm trọng. Vũ cho rằng, nếu mình thật sự có tội, cơ quan tố tụng cũng chỉ được kê biên đối với phần tài sản thuộc sở hữu riêng của Vũ chứ không phải toàn bộ tài sản đứng tên chung của hai vợ chồng" (4).

vunhom4

Lời cuối của Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng trước Tòa là "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người".

Như đã trình bày, tôi không có ý định bào chữa cho Vũ hay bất cứ một quan chức nào của Đảng cộng sản. Dù vậy là một công dân, một con người thì trong bất cứ chế độ nào, họ cũng phải được tôn trọng nhân phẩm và được xét xử một cách công bằng bởi một tòa án độc lập, nơi mà các chánh án chỉ xét xử theo luật pháp và lương tâm. Chế độ cộng sản không tồn tại các tòa án như vậy. Các bản án lớn và quan trọng đều có sự chỉ đạo và giật dây của hệ thống chính trị. Nhìn vào các bản án mà nhà nước Việt Nam xét xử các nhà bất đồng chính kiến hay dân oan thì chúng ta đều thấy rõ điều đó.

Một điểm đáng chú ý là trong danh sách rất dài các cơ quan nhận được thư tố cáo của Vũ nhôm thì có hai người là đại biểu quốc hội khóa 14, ông Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hai ông nghị này nổi tiếng là nói thẳng, nói thật và cổ vũ cho việc sống, làm việc theo pháp luật. Khả năng cao là hai ông sẽ không được "bầu" vào quốc hội khóa tới.

Một hy vọng nữa của Vũ nhôm là trông chờ vào sự "cứu xét" của tân thủ tướng Phạm Minh Chính, một cựu trung tướng tình báo chăng? Chúng ta không thể biết được nhưng có một điều chắc chắn đó là cuộc "nội chiến" trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấm dứt. Khi lý tưởng chính trị để gắn kết các thành viên trong một đảng chính trị không còn nữa thì đấu đá và tan vỡ là điều không thể tránh khỏi.

Việt Hoàng

(19/05/2021)

(1) Ảnh chụp 64 trang viết tay "Đơn kêu oan và tố cáo" của Vũ "nhôm" và 30 trang đánh máy, gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước

(2) Vũ "nhôm" và thế lực bảo kê đang chơi canh bạc cuối cùng ?

(3) Ông Đinh La Thăng : 'Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người'

(4) Vũ ‘nhôm’ viết 64 trang kêu oan, tố cáo trong tù

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm