WHO báo động dịch Covid-19 bước vào "giai đoạn nguy hiểm" (RFI, 20/06/2020)
Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo động về "một giai đoạn mới và nguy hiểm" của dịch Covid-19, vào lúc đại dịch tiếp tục hoành hành tại Châu Mỹ, với số ca nhiễm ở Brazil đã vượt quá một triệu.
Thăm người bệnh Covid-19 tại một bệnh viện ở Sao Paolo, Brazil. Ảnh chụp ngày 17/06/2020. Brazil vẫn là quốc gia có số tử vong cao thứ nhì thế giới. Reuters- Amanda Perobelli
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã báo động như trên trong một cuộc họp báo qua video hôm qua, 19/06/2020. Theo lãnh đạo tổ chức này, dịch virus corona "đang tăng tốc", với hơn 150.000 ca mới được ghi nhận chỉ trong một ngày, đa số ở Châu Mỹ, mức cao chưa từng có. Ông Tedros Ghebreyesus còn cảnh báo về những nguy cơ của việc dỡ bỏ phong tỏa.
Tổng giám đốc WHO nói : " Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới và nguy hiểm. Rất nhiều người, và điều này có thể hiểu được, đã quá mệt mõi vì cứ phải ở trong nhà. Các quốc gia muốn mở cửa trở lại cho xã hội và cho nền kinh tế. Nhưng virus vẫn lây lan rất nhanh, vẫn gây nhiều tử vong".
Ông Tedros Ghebreyesus kêu gọi toàn thể các quốc gia và mọi người phải vẫn rất cảnh giác, tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa và nhất là nhanh chóng tìm ra các ca nghi nhiễm bệnh, cách ly và xét nghiệm các ca đó và chữa trị họ, đồng thời truy tìm những người có tiếp xúc với các ca bệnh để cách ly họ.
Tổng giám đốc WHO đưa ra lời cảnh báo nói trên vào lúc Brazil hôm qua đã vượt qua ngưỡng 1 triệu ca nhiễm và sắp vượt qua mức 50.000 ca tử vong, tiếp tục là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số người chết do virus corona chủng mới, chỉ sau Hoa Kỳ. Mêhicô cũng vừa vượt qua ngưỡng 20.000 ca tử vong hôm qua, cùng với hơn 5.000 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày.
Theo tổng kết của hãng tin AFP, số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến hôm qua đã là 456.000 người, nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn còn thấp hơn thực tế rất nhiều.
Tại Châu Âu, nhiều nước đang tiếp tục dỡ bỏ phong tỏa, như tại Pháp trong đêm qua, chính phủ thông báo mở lại các rạp xinê và các sòng bài kể từ thứ hai tuần tới. Các sân vận động cũng sẽ được mở lại kể từ ngày 11/07, nhưng không được tiếp nhận quá 5.000 khán giả.
Nhưng tại Ý, cơ quan y tế hôm qua đã kêu gọi người dân nước này nên "thận trọng" vì virus vẫn còn lây lan nhiều, sau khi ghi nhận những tín hiệu báo động về nhiễm Covid-19, đặc biệt là tại Roma.
Thanh Phương
********************
WHO : Đại dịch Covid-19 leo thang, tệ hại nhất tại Châu Mỹ (VOA, 20/06/2020)
Đại dịch virus corona đang leo thang, với 150.000 ca mới hôm 18/6, cao nhất trong một ngày, và một nửa những ca này xảy ra tại Châu Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
"Thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo trên mạng tại trụ sở WHO ở Geneva. "Virus vẫn còn lây lan nhanh, vẫn còn gây chết người, và mọi người vẫn còn dễ bị ảnh hưởng".
Hơn 8,53 triệu người đã bị nhiễm virus corona trên toàn thế giới và 453.834 người đã chết, Reuters cho biết ngày 19/6.
Ông Tedros thúc đẩy vẫn giữ giãn cách xã hội và "cực kỳ cảnh giác".
Cũng như tại Châu Mỹ, một số lớn những ca mới xảy ra tại Nam Á và Trung Đông, ông Tedros nói thêm.
Chuyên gia khẩn cấp của WHO Mike Ryan nêu lên sự chú ý vào tình hình Brazil, nơi ông nói có 1.230 ca tử vong thêm vì Covid-19 trong 24 giờ trước.
Khoảng 12% ca lây nhiễm tại Brazil liên hệ dến nhân viên y tế, ông nói thêm.
Ngoài Mỹ, Brazil có số ca tệ hại nhất, 978.142 ca được xác nhận và 47.748 người chết.
Theo Reuters
*******************
Trung Quốc phát hiện chủng virus Châu Âu tại Bắc Kinh, WHO nói cần nghiên cứu thêm (VOA, 20/06/2020)
Ngày 19/6, Trung Quốc loan báo xác định một chủng virus corona từ Châu Âu gây nên đợt bùng phát mới đây tại Bắc Kinh, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới nói việc này chỉ xảy ra trong trường hợp virus được du nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh và cần điều tra thêm.
Bán hàng trên đường Jianghan ở Vũ Hán ngày 8/6/2010.
Trung Quốc đã công bố dữ liệu chu kỳ gen của virus từ những mẫu lấy ở Bắc Kinh, mà các giới chức ở đó nói giống như một chuỗi Châu Âu căn cứ trên những cuộc điều tra sơ khởi.
Có khoảng 183 người bị lây nhiễm khi virus tái xuất hiện bắt đầu cách đây 8 ngày liên hệ đến trung tâm bán sỉ thực phẩm Xinfadi ở Bắc Kinh.
"Virus và các dòng chủng loại virus luân chuyển trên toàn thế giới", chuyên gia khẩn cấp hàng đầu WHO, bác sĩ Mike Ryan, nói tại một cuộc họp báo ở Geneva.
"Do đó tôi nghĩ việc này không hề chỉ ra rằng Châu Âu là nguồn gốc. Việc này có thể nói là hầu như bệnh có lẽ được nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh ở một thời điểm nào đó".
Điều cần thiết là xác định được khi nào virus đến Bắc Kinh, bao nhiêu người bị lây nhiễm trong thời kỳ này, và yếu tố nào mở rộng sự lây lan, ông Ryan nói. Tuy nhiên điều này "tái xác nhận" là virus có nguồn gốc từ người, ông nói thêm.
Trung Quốc chịu áp lực phải công bố các dữ liệu sớm vào lúc các ca Covid-19 gia tăng tại thủ đô.
Chính quyền Mỹ đổ lỗi chính phủ Trung Quốc chậm trễ trong việc chế ngự bùng phát lúc ban đầu.
Trung Quốc nói họ tiết lộ ngay những tin tức về chu kỳ gen của virus trong đợt bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán.
Chu kỳ gen virus mới nhất được công bố vào cuối ngày 18/6, và đã chia sẻ với WHO và Sáng kiến Dữ liệu Cúm Toàn cầu (GISAID) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC).
Chu kỳ gen của virus là trọng yếu và là công cụ chuyển biến nhanh chóng trong việc chẩn đoán Covid-19 và trong việc hiểu biết về sự lây lan và kiểm soát virus corona chủng mới.
Ba mẫu
Các chi tiết được trang mạng của Trung tâm Dữ liệu Vi Sinh học Quốc gia Trung Quốc công bố cho biết dữ liệu gen Bắc Kinh được căn cứ trên 3 mẫu (hai mẫu của người và một mẫu môi trường) được thu thập vào ngày 11/6, cùng ngày thủ đô Trung Quốc loan báo ca lây nhiễm Covid-19 địa phương đầu tiên trong nhiều tháng.
"Theo những kết quả của cuộc nghiên cứu sơ khởi về gen và dịch tễ học, virus đến từ Châu Âu, nhưng khác với virus hiện lây lan tại Châu Âu", viên chức CDC Zhang Yong nói.
"Virus này cũ hơn virus hiện lây lan tại Châu Âu".
Ông Wu Zunyou, chuyên gia trưởng dịch tễ học của CDC, nói với truyền thông nhà nước trong tuần này là chuỗi virus ở Bắc Kinh tương tự như chủng Châu Âu, dù không nhất thiết là chuyển trực tiếp từ các nước Châu Âu. Ông Wu không nêu chi tiết về những nhận xét trước khi dữ liệu gen được công bố.
Ông nói thêm là chuỗi tìm thấy tại Mỹ và Nga hầu hết đến từ Châu Âu.
Chùm virus corona lây nhiễm đầu tiên được truy nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Kể từ đó virus đã lây nhiễm hơn 8,5 triệu người trên toàn thế giới.
Về nguồn gốc của chủng lây nhiễm tại Bắc Kinh, ông Wu nói virus không xuất phát từ thủ đô Trung Quốc.
"Đó phải là từ người hay hàng hóa bên ngoài thành phố mang vào chợ Xinfadi", ông Wu nói trong cuộc phỏng vấn của truyền hình nhà nước được phát ngày 19/6.
"Hiện chưa rõ ai, hay loại hàng hóa nào, đã mang virus vào Bắc Kinh".
Theo Reuters
WHO yêu cầu Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19 (RFI, 02/05/2020)
Đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan ra toàn thế giới, khiến hơn 230.000 người chết, hơn một nửa dân cư địa cầu bị phong tỏa. Nhiều quốc gia, trước hết là Hoa Kỳ, cáo buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bao che cho Trung Quốc, khiến thế giới lâm vào thế bị động trước nguy cơ đại dịch virus corona mới. Ngày 01/05/2020, WHO kêu gọi Trung Quốc cho tham gia điều tra nguồn gốc dịch bệnh.
Logo của Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO tại trụ sở ở Geneve, Thụy Sỹ, ngày 30/01/2020. Reuters - Denis Balibouse
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lại thông báo của phát ngôn viên Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tarik Jasarevic, theo đó "WHO mong muốn phối hợp với các đối tác quốc tế và theo lời mời của chính phủ Trung Quốc, để tham gia vào cuộc điều tra về nguồn gốc" của đại dịch Covid-19. WHO cho biết thêm là cho dù "hiện tại đã có một số nghiên cứu đang diễn ra nhằm hiểu rõ hơn về nguồn gốc bệnh dịch tại Trung Quốc, bao gồm các trường hợp đầu tiên có triệu chứng nhiễm virus tại Vũ Hán, và vùng phụ cận, trong giai đoạn cuối năm 2019", nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới này đã không hề được tham gia vào các nghiên cứu nào tại Trung Quốc.
Trong điện thư trả lời VOA, người phát ngôn WHO cũng nhấn mạnh rằng các điều tra là rất quan trọng, cho phép đối phó tốt hơn với các bệnh dịch mới trong tương lai. Phát ngôn viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng nhắc lại khả năng virus corona mới xuất phát từ loài dơi, có thể được truyền đến người thông qua một động vật trung gian khác, có nhiều tiếp xúc hơn với con người.
Trước đó, hôm 30/04, đại diện của WHO tại Trung Quốc, bác sĩ Gauden Galea đã đưa ra một phát biểu được một số nhà quan sát đánh giá là hiếm có trong quan hệ giữa WHO và Trung Quốc, khi khẳng định WHO đã "không được Bắc Kinh mời" tham gia vào các cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.
Khả năng Bắc Kinh xóa bỏ "bằng chứng trong phòng thí nghiệm"
Trong thời gian gần đây, lãnh đạo một số quốc gia tỏ ý nghi ngờ, thậm chí tố cáo Trung Quốc không minh bạch về nguồn gốc của dịch Covid-19. Ngày 30/04, tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên nói có bằng chứng về virus gây bệnh Covid-19 thoát ra từ một cơ sở thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, nhưng không đưa ra chi tiết. Khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là điều mà chính quyền Bắc Kinh thường xuyên cực lực bác bỏ.
Hiện tại, nguồn gốc trực tiếp của virus khiến dịch bùng lên tại Vũ Hán vẫn hoàn toàn bí ẩn. Báo mạng Anh The Daily Telegraph hôm nay, 02/05, cho biết hiện có trong tay tài liệu dài 15 trang, do một số quốc gia phương Tây soạn thảo, tố cáo chính quyền Bắc Kinh "đã xóa bỏ hay phá hủy các bằng chứng" về nguồn gốc và diễn biến của bệnh dịch, bao gồm "các bằng chứng trong phòng thí nghiệm".
Về phía Trung Quốc, báo South China Morning Post hôm nay dẫn lại thông tin từ báo chí chính thức Trung Quốc, yêu cầu Washington minh bạch một số nghiên cứu bí mật về virus trong phòng thí nghiệm, cũng như công khai các phản ứng đầu tiên của chính quyền Mỹ trước dịch bệnh Covid-19.
Nhóm Five Eyes điều tra về các chuyên gia virus corona
Vẫn liên quan đến mối nghi ngờ xung quanh khả năng virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, từ hai ba hôm nay, trên các mạng xã hội lan truyền tin đồn về việc nhà nghiên cứu hàng đầu về virus corona ở loài dơi, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) đã đào thoát khỏi Trung Quốc, và hiện xin tị nạn tại đại sứ quán Mỹ ở Paris, cùng với hàng ngàn trang tài liệu.
Chiều hôm nay, 02/05, báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn thông tin báo nhà nước Trung Quốc cho hay chuyên gia về virus corona Thạch Chính Lệ khẳng định trên mạng WeChat cùng ngày là bà cùng gia đình vẫn đang ở tại Trung Quốc. Các cơ quan tình báo trong nhóm Five Eyes (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) đang tập trung hướng điều tra vào vai trò của các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc về virus corona, trong đó có bà Thạch Chính Lệ, người thường được mệnh danh là "bà dơi" (batwoman).
Trọng Thành
******************
Virus corona : Trump nói ông 'tìm thấy bằng chứng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc' (BBC, 01/05/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang phá đám các cơ quan tình báo của chính mình bằng cách tuyên bố ông đã thấy bằng chứng virus corona có nguồn gốc trong một phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Trump nói ông 'tìm thấy bằng chứng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc'
Trước đó, văn phòng của giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang điều tra nguồn gốc của virus.
Nhưng văn phòng này cho biết họ đã xác định Covid-19 "không phải là do nhân tạo hay biến đổi gen".
Trung Quốc đã bác bỏ giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm và chỉ trích phản ứng của Mỹ đối với Covid-19.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, virus corona được xác nhận đã lây nhiễm 3,2 triệu người và giết chết hơn 230.000 người.
Tổng thống Trump nói gì ?
Tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, ông Trump được một phóng viên hỏi : "Ông có thấy bất cứ điều gì vào thời điểm này khiến ông thực sự tin rằng Viện Virus học Vũ Hán là nguồn gốc của virus này ?"
"Vâng, tôi có. Vâng, tôi có", tổng thống nói, mà không nói chi tiết. "Và tôi nghĩ Tổ chức Y tế Thế giới nên xấu hổ vì bản thân họ giống như một cơ quan quan hệ công chúng cho Trung Quốc".
Sau đó, khi được đề nghị làm rõ nhận định của mình, ông nói : "Tôi không thể nói với quý vị điều đó. Tôi không được phép nói với qúy vị điều đó".
Ông cũng nói với các phóng viên : "Liệu họ [Trung Quốc] đã phạm sai lầm, hay liệu việc này đã bắt đầu như một sai lầm và sau đó họ đã phạm phải một sau lầm khác, hay ai đó đã cố tình làm gì đó ?
"Tôi không hiểu vì sao mà mọi người không được phép vào phần còn lại của Trung Quốc, nhưng họ được phép vào phần còn lại của thế giới. Điều đó thật tồi tệ, đó là một câu hỏi khó để họ có thể trả lời".
Tờ New York Times đưa tin hôm thứ Năm rằng các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã yêu cầu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ điều tra xem virus có xuất phát từ phòng thí nghiệm của Vũ Hán hay không.
Các cơ quan tình báo cũng đã được giao nhiệm vụ xác định xem Trung Quốc và WHO có giấu thông tin về virus từ ban đầu hay không, các quan chức giấu tên nói với NBC News hôm thứ Tư.
Giám đốc tình báo nói gì ?
Trong một tuyên bố công khai hiếm hoi, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, nơi giám sát các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Năm, họ đồng tình với "sự đồng thuận khoa học rộng rãi" về nguồn gốc tự nhiên của Covid-19.
"[Cộng đồng tình báo] sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt các thông tin để xác định xem liệu dịch bệnh bắt đầu do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay đó là kết quả của một vụ tai nạn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán".
Đó là phản ứng rõ ràng đầu tiên từ tình báo Mỹ lật tẩy các thuyết âm mưu - cả từ Mỹ và Trung Quốc - rằng virus corona là vũ khí sinh học.
Nhưng khả năng virus corona có thể vô tình bị rò rỉ từ một cơ sở nghiên cứu vẫn chưa được chứng minh.
Bối cảnh
Ông Trump gần đây đã leo thang cuộc chiến ngôn từ với Trung Quốc về đại dịch sau những gì các quan chức trong chính quyền của ông mô tả là một thỏa thuận đình chiến với Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư, ông nói Trung Quốc muốn ông thất bại khi tái tranh cử vào tháng 11.
Ông Trump trước đây đã cáo buộc các quan chức Trung Quốc che giấu virus từ sớm và nói rằng họ có thể đã ngăn chặn căn bệnh này lây lan.
Ông đã có các chỉ trích tương tự với WHO và rút tiền tài trợ của Hoa Kỳ cho cơ quan này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong khi đó, đã cáo buộc chính quyền Trump cố gắng đánh lạc hướng khỏi các vấn đề của chính họ trong giải quyết cuộc khủng hoảng.
Một phát ngôn viên của Bộ này cũng đã nhiều lần thúc đẩy ý tưởng - không có bằng chứng - rằng Covid-19 có thể có nguồn gốc từ Mỹ.
Theo Washington Post, chính quyền Trump đang tìm cách trừng phạt tài chính Trung Quốc. Các cuộc thảo luận bao gồm cho phép chính phủ Hoa Kỳ kiện đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ nghĩa vụ nợ.
Chiến tranh tuyên truyền Mỹ-Trung
Phân tích của Barbara Plett-Usher
Đây là tuyên bố dứt khoát đầu tiên về vấn đề này từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Nó bác bỏ những lý thuyết âm mưu cực đoan nhất về nguồn gốc của đại dịch - rằng người Trung Quốc đã phát triển và thả virus corona ra như một vũ khí sinh học.
Nhưng nó không loại trừ khả năng virus này đã vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nơi nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm.
Đặc biệt, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nói về kịch bản đó, kêu gọi Trung Quốc cho phép các chuyên gia bên ngoài vào cơ sở nghiên cứu này, và đặt câu hỏi về an toàn phòng thí nghiệm ở các khu vực khác của đất nước. Chính phủ Trung Quốc nói rằng bất kỳ cáo buộc như vậy là không có cơ sở và bịa đặt
Khiếu nại và phản bác về nguồn gốc của virus là một phần của cuộc chiến tuyên truyền về việc xử lý khủng hoảng virus corona của Trung Quốc.
Nhưng họ cũng phản ánh sự thất vọng của Mỹ với Trung Quốc vì không chia sẻ thêm dữ liệu về việc đại dịch đã tiến triển thế nào
Hơn trăm quốc gia bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, 120.000 người bị lây nhiễm, gần 5.000 người tử vong.
WHO công bố đại dịch trong bối cảnh Trung Quốc có những chuyển biến tích cực về phòng chống dịch bệnh. Trước đó vào ngày 10/3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tới Vũ Hán – khởi gốc dịch bệnh. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng nhanh chóng khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch do số ca nhiễm mới đang giảm nhanh.
Tại sao sau 24 giờ Chủ tịch Trung Quốc đến Vũ Hán và mở khả năng dở bỏ cách ly Vũ Hán, WHO tuyên bố đại dịch ? Liệu có quan hệ gì giữa việc hỗ trợ cho Bắc Kinh giữ chân các doanh nghiệp sản xuất ở lại công xưởng lớn nhất thế giới ? Hay lần công bố này diễn ra trong tình thế nền kinh tế thế giới đang đi vào quỹ đạo khủng hoảng ?
Không phải ngẫu nhiên tại Trung Quốc xảy ra hiện tượng rất nhiều nhà máy bật điện, chạy sản xuất nhưng lại vắng bóng công nhân. Điều này xuất phát từ mệnh lệnh chính trị buộc tái khởi động sản xuất trong nước, bất chấp dịch bệnh vẫn còn bao quanh tại quốc gia này.
"Mở đèn và điều hòa không khí cả ngày trong các văn phòng không người, bật thiết bị, làm giả bảng chấm công và thậm chí hướng dẫn công nhân nhà máy nói dối thanh tra chỉ là một số cách mà các công ty áp dụng để có được thống kê ‘màu hồng’ cho chính quyền địa phương báo cáo lên trên. Dữ liệu tiêu thụ điện thường được xem là thước đo cho tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khi các tỉnh báo cáo lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh và công chúng" [1].
Forbes trong một bài viết đầu tháng 3 chỉ ra, dịch virus chủng mới là cú đòn knock-out đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp sẽ rút ra khỏi Trung Quốc. Và ‘nếu ông Trump tái đắc cử, các công ty sẽ càng nhanh chóng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc’.
Quan trọng hơn khi virus chủng mới đe dọa nghiêm trọng vai trò ‘công xưởng của thế giới’ Trung Quốc sở hữu trong 30 năm qua thì khủng hoảng kinh tế sẽ xuất hiện và đe doạ ổn định chính trị, đặt dấu hỏi nhiều hơn cho tương lai chính trị của Tập Cận Bình, người hiện không còn giới hạn về mặt nhiệm kỳ trong vai trò Chủ tịch nước.
Do đó có thể công bố đại dịch của WHO sẽ lôi kéo các doanh nghiệp trở lại Trung Quốc hoặc ít nhất chấm dứt tình trạng di chuyển công xưởng sản xuất ra khỏi đất nước này.
WHO dưới thời Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị chỉ trích là quan liêu, trì trệ. Những gì mà tổ chức y tế hàng đầu làm đến hiện nay là ‘ca ngợi’ cách xử lý của Trung Quốc với dịch bệnh, đổi tên gọi virus, và không hình dung ra được dịch bệnh sẽ đi đâu và về đâu.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 13/03/2020
Tham khảo :
WHO công bố coronavirus là tình trạng khẩn cấp toàn cầu (VOA, 31/01/2020)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 công bố đợt bùng phát dịch coronavirus ở Trung Quốc khiến 170 người chết là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong lúc dịch bệnh đã lây lan ra 18 nước.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hoa Kỳ cùng ngày báo cáo ca lây coronavirus đầu tiên giữa người sang người trên đất Mỹ. Với ca nhiễm mới, Mỹ nằm trong số ít nhất 5 nước mà coronavirus đang lây lan thông qua sự tiếp xúc giữa người với người.
Các chuyên gia cho rằng các ca bệnh lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc đặc biệt đáng quan ngại vì cho thấy virus có nhiều khả năng phát tán xa rộng hơn nữa.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva rằng trong những tuần gần đây đã xảy ra đợt bùng phát dịch chưa từng có trước nay và cách đáp ứng chưa từng có trước nay.
Ông nói việc WHO tuyên bố coronavirus là tình trạng khẩn cấp toàn cầu không phải là một lá phiếu bất tín nhiệm đối với Trung Quốc. Vẫn theo lời ông, quan tâm lớn nhất là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.
Công bố của WHO về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước. Công bố này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu việc lây lan bệnh dịch xuyên biên giới.
Đa số trong hơn 7800 ca bị nhiễm bệnh được phát hiện trên toàn cầu, theo số liệu mới nhất của WHO, là ở Trung Quốc, nơi coronavirus xuất hiện tại một ngôi chợ buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, gần 100 ca bệnh đã xuất hiện tại các nước khác bên ngoài Trung Quốc, khiến du lịch bị cắt giảm và làm bùng phát lên tinh thần bài Trung tại một số nơi cũng như tăng cao nhu cầu về khẩu trang bảo vệ.
Theo Reuters
*******************
WHO ban bố "tình trạng khẩn cấp toàn cầu" do virus Corona (RFA, 31/01/2020)
Vào chiều ngày 30/1/2020 theo giờ Geneva, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) đã ra tuyên bố sự lây lan của virus Corona đã tạo thành một Tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Phiên họp của Ủy ban khẩn cấp về virus Corona (Ảnh : WHO)
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau phiên họp thứ hai của Ủy ban khẩn cấp về dịch bệnh do Tổng giám đốc WHO triệu tập theo Quy định Y tế Quốc tế.
Tại cuộc họp đầu tiên, các chuyên gia y tế của Ủy ban đánh giá rằng sự kiện này không tạo thành một trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, trước các báo cáo về số lượng người nhiễm bệnh được gia tăng nhanh chóng, phiên họp thứ hai của Ủy ban được triệu tập, và cuối cùng Ủy ban đồng ý rằng dịch bệnh hiện đã đáp ứng các tiêu chí để ban bố Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Dù vậy, Ủy ban tin rằng vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, với điều kiện các quốc gia áp dụng các biện pháp mạnh để phát hiện sớm bệnh dịch, cách ly và điều trị các trường hợp, theo dõi liên lạc và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xã hội tương xứng với rủi ro.
Khi đánh giá tình hình, Ủy ban nhấn mạnh rằng việc tuyên bố cho Tình trạng khẩn cấp này cần được nhìn nhận trên tinh thần ủng hộ và đánh giá cao đối với Trung Quốc, và các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên tuyến đầu chống lại của sự bùng phát của dịch bệnh.
Ủy ban không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc giao dịch nào dựa trên thông tin hiện có. Các quốc gia cần phải thông báo cho WHO về bất kỳ hạn chế du lịch nào.
Ủy ban cũng đưa ra lời cảnh báo cho các quốc gia hành động chống lại sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm bệnh và người đến từ các quốc gia có dịch bệnh.
Qua đó Ủy ban kêu gọi cần có nỗ lực phối hợp toàn cầu để tăng cường việc phòng chống dịch bệnh ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Thông tin được Bộ Y tế Việt Nam cập nhật vào lúc 11h ngày 31/1/2020, số người mắc bệnh trên thế giới là 9.832 trường hợp, trong đó 213 người đã tử vong. Tại Việt Nam số người mắc bệnh là 05 trường hợp, trong đó 02 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi), và 03 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Minh Luật
********************
WHO nhắc đến Việt Nam trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (RFA, 31/01/2020)
Tổng Giám đốc tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 30/1/2020 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng vì tình trạng dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (nCoV).
Hình minh họa. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi họp báo của WHO ở Geneva hôm 30/1/2020 khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra AFP
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhắc đến Việt Nam là 1 trong 4 nước có tình trạng lây nhiễm từ người sang người trong tuyên bố của mình.
Trong khi đó ở Việt Nam, vào chiều ngày 30/1 tại cuộc họp về công tác ứng phó dịch do virus corona từ Trung Quốc tràn sang, thủ tướng chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam sẽ công bố tình trạng khẩn cấp khi WHO xác định đây là vấn đề khẩn cấp toàn cầu.
Tính đến chiều ngày 31/1, trên toàn thế giới đã có gần 10 ngàn ca nhiễm nCoV, trong số này 213 trường hợp đã tử vong.
Việt Nam với 5 ca nhiễm tính đến lúc này là một trong 22 quốc gia có trường hợp được xác nhận nhiễm nCoV.
Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 31/1 tiếp tục có cuộc họp khẩn về dịch virus corona mới. Phó giáo sư- tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp mới nhất này rằng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra phức tạp, quá nhanh, các hiểu biết về nguyên nhân, nguồn bệnh chưa rõ ràng do đó người dân còn hoang mang.
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp thì không nên tổ chức hội họp, tổ chức đông người, có thể thay thế bằng hình thức khác như họp trực tuyến…
Bộ Văn hóa- Thể thao-Du lịch đề nghị các địa phương trên cả nước tạm ngừng lễ hội để phòng, chống dịch do virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc lan đi.
Thủ tướng Chính phủ Hà Nội vào ngày 31/1 cũng ký ban hành chỉ thị yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của thủ tướng.
*******************
Hoa Kỳ và nhiều nước siết chặt hạn chế đi lại với Trung Quốc (VOA, 31/01/2020)
Hôm thứ Sáu 31/1, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã siết chặt lệnh hạn chế đi lại và các doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với vấn đề về chuỗi cung cấp vì dịch corona ở Trung Quốc, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Một đứa trẻ mang khẩu trang tại phi trường quốc tế Yangon ngày 31/1/2020. HHK Myanmar đình chỉ các chuyến bay sang TQ sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do virus nCoV. (Photo by Ye Aung THU / AFP)
Trong bối cảnh số người chết vì dịch tăng lên tới 213 người, tất cả đều ở Trung Quốc, Hoa Kỳ cảnh báo người Mỹ không nên du lịch sang Trung Quốc.
Nhật Bản khuyên công dân nên hoãn những chuyến đi không khẩn cấp, Bộ trưởng Y tế Iran kêu gọi cấm nhập cảnh tất cả khách du lịch từ Trung Quốc, trong khi nước Anh báo cáo hai trường hợp lây nhiễm virus corona đầu tiên tại xứ này.
Singapore loan báo đang tạm dừng nhập cảnh đối với khách du lịch đã từng ghé sang Trung Quốc trong thời gian gần đây, và đình chỉ thị thực cho người mang hộ chiếu Trung Quốc. Lệnh cấm cũng sẽ được áp dụng cho những người chỉ quá cảnh tại Singapore.
Chính phủ Ý quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ngừng tất cả giao thông hàng không với Trung Quốc sau khi công bố các ca lây nhiễm đầu tiên nơi hai du khách Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loan báo trên trang web : "Đừng đi Trung Quốc do virus corona mới xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, nâng mức báo động đối với Trung Quốc lên ngang hàng với Afghanistan và Iraq".
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh đã đề ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt và toàn diện nhất, để đáp lại tuyên bố của WHO. Tỉnh Hồ Bắc hầu như bị phong tỏa hoàn toàn.
Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố : "Chúng tôi hoàn toàn tự tin và có đầy đủ khả năng để chiến thắng trong cuộc chiến này".
Nhưng các ca nhiễm trùng tăng vọt ở hai thành phố kế cận Vũ Hán đã làm dấy lên nỗi sợ rằng một số điểm nóng mới đang xuất hiện. Nhiều người đã rời và vào Hồ Bắc bằng cách đi bộ qua một cây cầu bắc qua sông Dương Tử, theo một nhân chứng của Reuters.
Các thị trường chứng khoán đã ổn định trở lại đôi chút sau khi WHO ca ngợi các nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế virus corona, sau một ngày chứng khoán giảm mạnh vì tác động ngày càng lớn của dịch corona đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và hệ quả của dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới nCoV gây ra trên toàn thế giới.
*******************
Coronavirus ở Trung Quốc có thể đưa công ăn việc làm trở lại nước Mỹ (VOA, 31/01/2020)
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 30/01 cho rằng đợt phát bùng coronavirus ở Trung Quốc sẽ giúp "đẩy nhanh" quá trình đưa công ăn việc làm trở tại Hoa Kỳ.
Một phụ nữ ở New York mang khẩu trang vì lo ngại sự lây lan của coronavirus. Hình chụp hôm 30/1/2020.
Lời nhận xét của Bộ trưởng Ross được đưa ra sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố số người chết vì virus đã tăng lên 170. Bắc Kinh cũng đã xác nhận hơn 7.700 trường hợp nhiễm virus. Một số quốc gia trên thế giới đã thông báo phát hiện bệnh nhân nhiễm loại virus chết người này, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi có năm trường hợp được xác nhận.
Phát biểu trong một lần xuất hiện trên Fox Business, Bộ trưởng Ross nói rằng ông không muốn "đạt được thắng lợi từ một căn bệnh hết sức không may và nguy hiểm thế này", nhưng lưu ý rằng theo ông tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy công ăn việc làm cho nước Mỹ.
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh công ăn việc làm quay trở lại Bắc Mỹ, một số tới Hoa Kỳ, có lẽ là một số đến Mexico nữa".
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại nói với tờ The Hill rằng Bộ trưởng Ross nhấn mạnh "chuyện đầu tiên phải là kiểm soát virus và giúp đỡ các nạn nhân của dịch bệnh trước đã".
Sự bùng phát của coronavirus có thể có tác động mạnh mẽ đến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Một nhà kinh tế nhà nước dự báo đầu tháng này rằng sự lây lan của virus sẽ làm giảm 1 điểm tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc, khiến chứng khoán toàn cầu và giá dầu giảm, Reuters đưa tin.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết hôm 29/01 rằng virus có thể sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế ở Đông Á. Ông nói thêm rằng những ảnh hưởng của nó có thể được cảm nhận trên toàn thế giới trong bối cảnh "hạn chế du hành và đóng cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh".
Tòa Bạch Ốc hôm 29/01 đã tuyên bố thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi coronavirus.
(Theo The Hill/CNBC)