Mỹ đoạn tuyệt quan hệ với WHO vì bị Trung Quốc thao túng
Hải Yến, Thoibao.de, 31/05/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nói rằng WHO thất bại không đáp ứng thích đáng với virus corona vì Trung Quốc "kiểm soát hoàn toàn" tổ chức toàn cầu này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Ảnh minh họa
Quyết định trên được Tổng thống Trump công bố tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng Nhà Trắng, viện dẫn cách xử lý đại dịch Covid-19 của WHO cùng sự chi phối ghê gớm của Trung Quốc lên tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực y tế này.
Ông Trump nói các quan chức Trung Quốc "đã phớt lờ trách nhiệm báo cáo của họ" về virus với WHO, và gây sức ép để WHO "đánh lạc hướng thế giới" khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện những ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên.
Ông Trump phát biểu : "Trung Quốc đã nắm toàn quyền kiểm soát WHO bất chấp việc chỉ đóng 40 triệu USD mỗi năm, so với những gì Mỹ vẫn đang đóng vào khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Chúng tôi đã nêu chi tiết những cải tổ họ phải thực hiện và liên hệ trực tiếp với họ nhưng họ đã từ chối hành động".
"Vì họ đã không thực hiện những cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với WHO và chuyển những khoản tiền quỹ đó cho những nhu cầu y tế cộng đồng toàn cầu khẩn cấp khác trên thế giới".
Hiện vẫn chưa rõ khi nào quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ có hiệu lực. Được biết, Nghị quyết năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Và Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp – đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Quyết định này của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay bên trong nước Mỹ, đặc biệt là giới lập pháp đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng chỉ trích các quyết định của Tổng thống Trump liên quan đến WHO, cho đó là "vô nghĩa", "bất hợp pháp" và nói rằng các thành viên đảng Dân chủ sẽ thách thức động thái này "ngay lập tức". Theo bà Pelosi, WHO đang giữ vai trò cần thiết trong cuộc chiến với Covid-19.
Ngày 29/5, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander cho biết, ông không tán thành quyết định của Tổng thống Donald Trump. Theo ông, việc rút tiền tài trợ và tư cách thành viên của Mỹ tại WHO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vaccine phòng Covid-19, cũng như các hoạt động của WHO liên quan các dịch bệnh khác có thể xâm nhập vào nước Mỹ. Việc rút khỏi WHO cũng có thể khiến hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng khẳng định, WHO có vai trò hàng đầu trong việc điều phối phản ứng toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia thành viên kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
Còn Bộ trưởng Y tế Ireland Simon Harris đã gọi quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Tổng thống Mỹ là một quyết định "tồi tệ" và "khủng khiếp". Theo vị quan chức này, hiện là thời điểm thế giới đang cần chủ nghĩa đa phương hơn bao giờ và rằng "1 đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của toàn thế giới". Ông kêu gọi các nước nên đoàn kết hơn trong việc chống dịch, thay vì đối đầu với nhau.
Đây cũng là quan điểm từng được nhiều nhà lãnh đạo thế giới và Châu Âu nhắc tới trước đây như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ diễn ra khi thời hạn 30 ngày mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra cho WHO cải cách chưa kết thúc.
Tối hậu thư Tổng thống Trump gửi Tổng giám đốc WHO được chia sẻ trên Twitter
Trước đó, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 được giới truyền thông gọi là ‘tối hậu thư’ gửi Tổng giám đốc WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để "sửa sai", nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Trong thư gửi Tổng giám đốc WHO, ông Trump nói rằng : "Rõ ràng những sai lầm do ông và tổ chức của ông mắc phải trong cách ứng phó với đại dịch đã gây tổn thất cực lớn cho thế giới. Cách duy nhất với WHO lúc này là thực sự chứng tỏ sự độc lập với Trung Quốc".
Các cáo buộc mà "tối hậu thư" nêu ra là :
– WHO đã "liên tục phớt lờ những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus corona tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12-2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa", trong đó có các báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet.
– WHO đã không tiến hành điều tra độc lập các báo cáo đáng tin cậy có nội dung xung đột trực tiếp với những thông tin do Chính phủ Trung Quốc cung cấp.
– Đài Loan đã sớm gửi báo cáo tới WHO để cảnh báo sự lây nhiễm từ người sang người của chủng virus mới nhưng đã bị WHO cố tình phớt lờ.
– WHO nhiều lần đưa ra những tuyên bố sai lệch về virus corona chủng mới hoặc rất thiếu chính xác, hoặc lừa dối dư luận, bao gồm tuyên bố ngày 14/01/2020, trong đó WHO tái khẳng định tuyên bố của Trung Quốc nói rằng virus corona không thể lây nhiễm từ người sang người, một điều mà tới giờ đã được chứng minh là sai.
– Ngày 21/01/2020, dưới sức ép của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, WHO đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch Covid-19 và chỉ 1 tuần sau đó mới thay đổi quyết định này vì không thể bác bỏ các chứng cứ quá thuyết phục.
Cũng trong ngày 18/5 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị trực tuyến Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 73. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc công khai và minh bạch về dịch Covid-19 – dịch bệnh xuất hiện trước tiên ở nước này vào cuối năm 2019 – và sẽ ủng hộ cuộc điều tra được tiến hành một cách khách quan và công bằng.
Ông cũng cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong 2 năm, giúp đối phó Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ vaccine nào được phát triển ngừa Covid-19 tại Trung Quốc "đều sẽ có lợi cho cộng đồng". Ông nói : "Việc phát triển và triển khai vaccine chống Covid-19 tại Trung Quốc, khi có sẵn, sẽ trở thành một sản phẩm mà toàn cầu có thể tiếp cận. Đây sẽ là sự đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả vaccine đối với các nước đang phát triển"
Theo ông Tập, khoản tiền này sẽ được đóng góp trong vòng 2 năm. Năm ngoái Trung Quốc đóng góp khoảng 86 triệu USD cho WHO. Chủ tịch Trung Quốc cho biết trong những tuần gần đây nước này cũng đã gửi trang thiết bị y tế tới hơn 50 nước Châu Phi và 46 nhóm nhân viên y tế của Trung Quốc hiện đang có mặt tại Châu lục này để hỗ trợ các chính quyền sở tại.
Khoản viện trợ quốc tế 2 tỷ USD sẽ dùng để ủng hộ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh cũng như khôi phục phát triển kinh tế – xã hội của các nước bị tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dành lời ca ngợi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông Tập nói : "Dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Tedros, WHO đã đóng góp lớn trong việc lãnh đạo và thúc đẩy phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng kết quả công việc của họ cần được cộng đồng quốc tế hoan nghênh".
Bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc không nhận được sự hoan nghênh từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ.
Ảnh chụp màn hình thống kê của trang mạng worldometers.info tính đến ngày 30/5 vào lúc 13g45 GMT về tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, theo đó đã có hơn 6 triệu người nhiễm bệnh và gần 370.000 tử vong vì Covid-19.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Ullyot khẳng định, cam kết của Trung Quốc "là một biểu hiện nhằm đánh lạc hướng lời kêu gọi của ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu giải trình trách nhiệm về sự thất bại của Chính phủ Trung Quốc trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của họ… nói lên sự thật và cảnh báo thế giới về những gì đang diễn ra".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 20/5 tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề virus corona. Ông gọi khoản tiền 2 tỷ đô la mà Bắc Kinh cam kết chống đại dịch là "quá nhỏ" so với mất mát hàng trăm ngàn sinh mạng con người và hàng ngàn tỷ đô la.
Ông Pompeo đã bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh đã hành động minh bạch sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói nếu ông Tập muốn thể hiện điều đó, ông nên tổ chức một cuộc họp báo và cho phép các phóng viên hỏi ông bất cứ điều gì họ muốn.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo nói : "Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong tuần này rằng Trung Quốc đang hành động với trách nhiệm công khai, minh bạch. Tôi ước gì sự thật là như vậy".
Ngoại trưởng Mỹ buộc tội Bắc Kinh tiếp tục giữ các mẫu virus, chưa cho phép tiếp cận các cơ sở, kiểm duyệt thảo luận, và nhiều việc khác nữa.
Ông nói thêm : "Tôi mong sẽ thấy họ thực sự thực hiện cam kết trị giá 2 tỷ đô la đó. Những đóng góp của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch là quá nhỏ, so với thiệt hại mà họ đã gây ra trên thế giới".
Trong một diễn biến khác, ngày 27/5, WHO loan báo thành lập một tố chức để vận động các nguồn tài trợ có thể giúp giảm bớt thiếu hụt tiền mặt trong lúc WHO dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona.
Loan báo việc thành lập WHO Foundation, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói việc này không liên hệ tới "các vấn đề tài trợ gần đây" mà đã được xúc tiến trong nhiều năm qua.
Ông Tedros nói WHO đã cảnh báo "nhiều lần" về đại dịch trong những năm gần đây. Các nước đã nhận biết những cách biệt trong việc chuẩn bị chống đại dịch, nhưng tài chính chưa được vật chất hóa, ông Tedros nói.
Trong tháng này, ông Tedros tuyên bố ngân sách hàng năm của WHO vào khoảng 2,3 tỉ đô la là "rất nhỏ" đối với một cơ quan toàn cầu, chỉ bằng ngân sách một bệnh viện trung bình tại các nước phát triển.
Ông cũng nói các nguồn tài trợ hết sức không chắc chắn.
WHO Foundation được thành lập như là một thực thể độc lập tìm tài trợ để hỗ trợ cho những nỗ lực toàn cầu của WHO giải quyết những vấn đề y tế khó khăn nhất bằng cách gây quỹ mới từ "những nguồn không truyền thống".
Cũng tại buổi họp báo ngày 27/5, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nhắc lại WHO khuyến cáo chống lại việc dùng thuốc hydroxychloroquine để chữa Covid-19 – đây là thuốc mà Tổng thống Trump nói đã sử dụng.
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 31/05/2020
***********************
EU kêu gọi Trump xem xét lại quyết định cắt tài trợ cho WHO
VOA, 31/05/2020
Liên Hiệp Châu Âu ngày thứ Bảy kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại quyết định cắt tài trợ của Mỹ cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa những chỉ trích toàn cầu về bước đi này.
Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen ngày thứ Bảy kêu gọi Mỹ "nên tránh những hành động làm suy yếu kết quả quốc tế".
Ông Trump ngày thứ Sáu cáo buộc WHO đã không ứng phó thỏa đáng với đại dịch, nói rằng cơ quan này của Liên Hiệp Quốc chịu sự "kiểm soát hoàn toàn" của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen ngày thứ Bảy kêu gọi ông Trump xem xét lại, nói rằng "nên tránh những hành động làm suy yếu kết quả quốc tế" và rằng "giờ là lúc tăng cường hợp tác và tìm ra những giải pháp chung".
"WHO cần tiếp tục có khả năng dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với đại dịch, hiện tại và trong tương lai", bà nói. "Để đạt được điều này rất cần và bắt buộc phải có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các nước".
Mỹ là nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất cho WHO, và sự ra đi của Mỹ dự kiến sẽ làm suy yếu đáng kể tổ chức này. Ông Trump nói Mỹ sẽ chuyển tiền sang "các nhu cầu y tế công cấp thiết toàn cầu đáng hỗ trợ khác" mà không nêu chi tiết cụ thể.
WHO không bình luận về thông báo này nhưng Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize gọi đây là một diễn tiến "không may".
"Chắc chắn, khi đối mặt với đại dịch nghiêm trọng, chúng ta muốn tất cả các quốc gia trên thế giới đặc biệt tập trung vào kẻ thù chung", ông nói với các phóng viên.
Gần 6 triệu ca nhiễm virus corona đã được báo cáo trên toàn thế giới, với hơn 365.000 trường hợp tử vong và gần 2,5 triệu trường hợp đã phục hồi, đeo con số được kiểm đếm bởi Đại học Johns Hopkins. Con số thực sự được cho là lớn hơn đáng kể, với các chuyên gia nói rằng nhiều người đã chết mà chưa bao giờ được xét nghiệm.
Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch này, với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 103.000 ca tử vong.
******************
Tổng thống Trump : Mỹ chấm dứt đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới
Trọng Thành, RFI, 30/05/2020
Trong bài phát biểu hôm 29/05/2020 về Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã góp phần khiến đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Hoa Kỳ quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO.
Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse
Nguyên thủ Mỹ đã đe dọa ngừng đóng góp hoàn toàn cho WHO từ nhiều tuần nay. Ngày 14/04, ông Trump thông báo tạm ngừng tài trợ, và bây giờ là quyết định chấm dứt hẳn. Tổng thống Mỹ tố cáo chính quyền Trung Quốc "thao túng hoàn toàn Tổ chức Y tế Thế giới". Đây là một lý do cơ bản khiến chính quyền Trump ngừng bỏ tiền cho WHO. Theo tổng thống Trump, số tiền này sẽ được chuyển sang để tài trợ cho một số mục tiêu y tế khẩn cấp khác trên thế giới.
Quyết định của tổng thống Mỹ khiến nhiều nước bất bình. Hôm nay, theo AFP, bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận xét việc Washington cắt đứt tài trợ cho WHO là một "tổn thất nghiêm trọng cho y tế toàn cầu".
Sáng kiến gây quỹ mới
Để bù lấp phần thiếu hụt, ngày 27/05, Tổ chức Y tế Thế giới lập ra một quỹ mới mang tên Quỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (La Fondation de l’OMS), kêu gọi các quỹ tư nhân và công dân toàn cầu đóng góp.
Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche cho biết thêm :
Phải chăng đã có một sự ngẫu nhiên hoàn toàn ? Chỉ vài ngày trước tuyên bố của ông Donald Trump, Tổ chức Y tế Thế giới đã lập ra một quỹ để kêu gọi các nguồn đóng góp tài chính bổ sung khác.
Hiện tại, ngoài khoản đóng góp bắt buộc từ các quốc gia thành viên, khoảng 80% nguồn tài trợ tình nguyện còn lại cho WHO là do một số quốc gia hoặc khu vực tư nhân tình nguyện bỏ ra. Bên đóng góp tình nguyện có tiếng nói quan trọng đối với các chương trình mà họ quyết định bỏ tiền ra.
Với quỹ mới này, WHO hy vọng có được một sự độc lập tương đối với các đối tác. Điều này càng trở nên quan trọng vào lúc mà Tổ chức Y tế Thế giới phải tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ của mình mà không có sự đóng góp của Mỹ. Khoảng hơn 400 triệu đô la hàng năm. Tức 15% ngân sách của WHO, gấp hơn 10 lần phần đóng góp của Trung Quốc.
Đứng từ quan điểm này, việc chính quyền Mỹ rút khỏi WHO là phản tác dụng. Bối cảnh hiện nay đã để lại khoảng trống cho phép Bắc Kinh tung hoành. Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sự ủng hộ đối với WHO về mặt chính trị và tài chính.
Liên minh 37 nước kêu gọi chia sẻ vac-xin
Song song với sáng kiến nói trên của WHO, hôm 29/05, một liên minh gồm hơn 37 quốc gia, đa số là các nước đang phát triển, đứng đầu là Costa Rica, với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, kêu gọi chia sẻ vac-xin, phương pháp trị liệu và xét nghiệm, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới hoan nghênh sáng kiến này. Tuy nhiên Liên Đoàn Quốc Tế các Doanh Nghiệp Dược Phẩm (IFPMA) tỏ ra lo ngại trước nguy cơ bản quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Tìm kiếm một loại vac-xin chống Covid-19 chung cho toàn cầu, và các phương thức trị liệu dễ dàng đến với đông đảo dân chúng cũng là mục tiêu được Pháp và Ủy Ban Châu Âu ủng hộ.
Trọng Thành
******************
Mỹ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới vì Covid-19
AP, VOA, 30/05/2020
Tổng thống Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và nói rằng WHO thất bại không đáp ứng thích đáng với virus corona vì Trung Quốc "kiểm soát hoàn toàn" tổ chức toàn cầu này.
Tổng thống Donald Trump họp báo tại Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc, ngày 29/5/2020.
Ông Trump nói các giới chức Trung Quốc "làm ngơ" nghĩa vụ phúc trình lên WHO và làm áp lực để WHO hướng dẫn sai lạc thế giới khi virus được phát hiện đầu tiên.
Ông lưu ý Mỹ đóng góp khoảng 450 triệu đô la cho tổ chức thế giới này trong khi Trung Quốc cung cấp chừng 40 triệu đô la.
Hoa Kỳ là nguồn tài trợ lớn nhất của WHO và việc Mỹ ra khỏi tổ chức này sẽ làm tổ chức yếu đi một cách đáng kể.
Ông Trump nói Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng tài trợ cho "những tổ chức toàn cầu khác và những nhu cầu y tế công cộng khẩn cấp trên thế giới" nhưng ông không nói rõ chi tiết.
Theo AP
Sinh thời ông Nguyễn Bá Thanh, cố bí thư thành phố đáng sống Đà Nẵng, có nhiều câu nói phản tỉnh nổi tiếng, đặc biệt nhất là câu "Không đâu có sợi dây kinh nghiệm dài như nước ta, rút hoài, rút mãi vẫn không hết". Nhưng bất ngờ, sợi dây ấy đã xuất ngoại và nối dài tới trụ sở WHO. Người nắm đầu dây ấy chính là Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Lấp liếm lươn lẹo, đối phó với những sai lầm, tội ác không thể che giấu được để tiếp tục thực hiện những tội ác khác nghiêm trọng hơn. Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng không nằm ngoài quỷ đạo đó.
Lê Duẩn miệng chống Tàu nhưng lại bê nguyên mô hình kinh tế xã hội của Mao áp dụng cho cả nước
Thật ra, ông Nguyễn Bá Thanh nói đúng mà chưa đủ "rút kinh nghiệm" không phải chỉ là sản phẩm lô-cal của Việt Nam mà là sản phẩm của thế giới lãnh đạo cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã từng rút kinh nghiệm từ "Cải cách ruộng đất" bất thành dẫn đến "Trăm hoa đua nở" rồi "Đại nhảy vọt" gây ra nạn đói giết chết hàng chục triệu người dân, đọa đày hàng triệu văn nghệ sĩ, trí thức, tiếp đến lại mở ra "Cách mạng văn hóa" đánh ngay vào hàng ngũ của Đảng.
Rút kinh nghiệm để càng độc ác hơn
Cũng y theo bài bản này, sau khi cải cách ruộng đất giết oan hàng vạn người dân ở Miền Bắc, Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm, thậm chí còn khóc trước quốc dân rồi tiếp đó là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đàn áp, bức hại cả một thế hệ văn nghệ sĩ trí thức tinh hoa của đất nước....
Sau khi cưởng chiếm Miền Nam, Lê Duẩn miệng chống Tàu nhưng lại tiếp tục bê nguyên mô hình kinh tế xã hội của Mao áp dụng cho cả nước, biến Miền Nam phồn thịnh văn minh thành xã hội thiếu đói, tan rã với hàng triệu người phải vượt biển ly hương.
Rút kinh nghiệm của cộng sản không phải là thành tâm nhìn ra bản chất sự thật để thay đổi hướng thiện mà chỉ là sự giả vờ nhìn nhận một cách hình thức những sai sót không thể giấu giếm để tiếp tục tồn tại và thực hiện những ý đồ thâm độc của mình. Nó như con tắc kè đổi màu theo môi trường trong khoảnh khắc hiểm nguy.
Theo dõi diễn biến dịch virus Vũ Hán từng ngày, lúc đầu tôi vẫn ngờ ngợ trước những cáo buộc Tedros Adhanom Ghebreyesus là do Trung Quốc cài cắm vào WHO, nên thân thiện, thỏa hiệp và hành động theo quỹ đạo của Trung Quốc.
Tedros Adhanom Ghebreyesus là virus Trung Quốc cắm vào WHO
Dù thực tế hành xử của Tedros Adhanom Ghebreyesus với cương vị Tổng giám đốc trong chống dịch virus Vũ Hán rõ là có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho phần còn lại của thế giới một cách có hệ thống, tôi vẫn le lói hy vọng vào sự minh bạch của định chế quốc tế như WHO, cố xem đó chỉ là sự sai sót, lầm lẫn do yếu kém, không cố ý.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là virus cộng sản mà Trung Quốc đã cắm vào cơ thể của WHO trước khi gieo rắc virus Vũ Hán ra toàn thế giới
Nhưng với thâm niên 45 năm sống dưới chế độ cộng sản, thái độ ứng xử của Tedros Adhanom Ghebreyesus trước và sau khi Trump tạm ngừng hỗ trợ tài chính cho WHO đã thành điều kiện đủ để xác định ông ta chính là virus cộng sản mà Trung Quốc đã cắm vào cơ thể của WHO trước khi gieo rắc virus Vũ Hán ra toàn thế giới.
Chất cộng sản của Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thể hiện chính là sự thừa tự tin và thiếu thành thật và thiếu tự trọng, né tránh trách nhiệm trong cách rút kinh nghiệm của mình và khôn lỏi gắp lửa bỏ vào tay đối thủ.
Do cái lỗi ràng ràng : phủ nhận các cảnh báo về đại dịch, một thời gian dài WHO thông tin lạc quan một chiều theo nguồn tin từ chính quyền Trung Quốc. Chính sự chậm trễ đó làm thế giới mất đi thời gian vàng chống dịch đồng thời giúp Trung Quốc cơ hội âm thầm thu vét khẩu trang, dụng cụ y tế và lùa 5 triệu dân Vũ Hán đi gieo virus khắp thế giới.
WHO của Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ công bố đại dịch khi trên 120 quốc gia với hàng trăm ngàn ca được phát hiện là bị nhiễm. Tình huống này giống như vị bác sĩ biết bệnh nhân bị ung thư từ rất sớm nhưng chờ đến lúc di căn mới bắt tay điều trị, Tedros Adhanom Ghebreyesus biện bạch ngọt ngào : "Ngay từ đầu, WHO đã chiến đấu với đại dịch với tất cả tâm hồn và tinh thần. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi kết thúc".
Vào thời điểm mà thế giới có hơn hai triệu người nhiễm và hơn 135.000 người tử vong, Trump, nhiều nguyên thủ quốc gia và công luận với trên 960.000 chữ ký yêu cầu Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì không còn lòng tin vào chính ông ta. Lẽ ra, nếu là người tự trọng, có trách nhiệm Tedros Adhanom Ghebreyesus nên từ chức.
Thế nhưng ông ta hết sức tự tin kéo níu vào cơ chế xem xét bình thường mà Trung Quốc đã cài đặt sẳn đa số thành viên bảo vệ ông ta như đã từng đưa ông ta vào chức vụ này, "Hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong xử lý đại dịch Covid-19 sẽ được các quốc gia thành viên và các cơ quan độc lập xem xét vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm. Đây là một phần của tiến trình bình thường được các quốc gia thành viên đề ra", Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 15/4.
Là tác nhân làm đại dịch thêm trầm trọng, Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn tự tin bám trụ vào cái ghế quyền lực "Và sẽ có những bài học cho tất cả chúng tôi. Nhưng bây giờ trọng tâm của tôi là ngăn chặn virus", ông nói.
Nếu là nhà khoa học có trách nhiệm, lẽ ra Tedros Adhanom Ghebreyesus phải tự hỏi, nếu không có ông ta liệu thế giới có chống virus Vũ Hán tốt hơn không ? Chỉ có cộng sản mới đủ trâng tráo đá đểu rằng "Mỹ là một người bạn lâu năm và hào phóng với WHO và chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục như vậy" (1).
Tedros Adhanom Ghebreyesus giả vờ như không hiểu ý Trump là chỉ cắt tiền hỗ trợ với cái WHO nhiễm virus cộng sản chứ không phải do nước Mỹ nghèo hay keo kiệt. Chắc hẳn Mỹ sẽ tái tài trợ cho WHO nếu thiết chế này không còn bị Trung Quốc chi phối, nói một cách hình ảnh là không còn nhiễm virus cộng sản Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hiệu quả việc Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục điều hành WHO chống virus Vũ Hán tốt xấu thế nào còn tùy thuôc vào tương lai. Nhưng hiện tại, hậu quả những việc làm của WHO vừa qua không chỉ có phần trách nhiệm trong cái chết của trên 150.000 người và dịch càng ngày càng lan rộng mà còn làm phần còn lại của thế giới phải lệ thuộc, phải chịu sự thao túng của Trung Quốc về khẩu trang, thiết bị y tế phòng trị dich. Rõ ràng, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để nâng cao vị thế, quyền lực của mình.
WHO cần đươc thanh lọc hoặc thay thế
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với vai trò khách quan của mình đương nhiên phải kêu gọi sự đoàn kết trong chống dịch. Bill Gates vơi tư duy doanh nhân Nhạc Bất Quần đầu tư vài trăm triệu USD để thu về vài trăm tỉ đô lợi ích hợp tác với Trung Quốc là chuyện nhỏ. Bà Chủ tịch Hạ Viện Mỹ đương nhiên chống lại mọi ý kiến của Trump. Mọi người có thể nhìn sự việc này theo vai trò nhận thức của mình nhưng có điều theo bài bình luận trên VOA đã đặt vấn đề "Tại sao đa số người Việt ủng hộ Tổng thống Trump ?". Có lẽ giải đáp hợp lý nhất là những người Việt sống lâu năm trong chế độ cộng sản họ hiểu và nhạy cảm hơn ai hết những thủ đoạn của cộng sản mà nhất là Trung Quốc. Họ hiểu rằng những quyết sách mạnh mẽ không khoan nhựợng của Trump chính là liều thuốc đặc trị cần thiết cho những thiết chế đã nhiễm virus này.
Rất tiếc, có người có thể sống quá lâu trong xã hội phi cộng sản nên nhìn vấn đề một cách hồn hậu, ngây thơ. Báo Người Việt online có bài ví von đặt vấn đề Tổng thống Trump cắt tiền tài trợ là "Thay thợ cả hay đốt cả nhà ?".
Trong bài có đoạn : "WHO đâu phải của riêng ông Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus này đâu ?
WHO là của toàn thể nhân loại, là của chúng ta, là của những người thọ thuế trên toàn thế giới.
Ông ấy làm không được việc, làm không xong thì các quốc gia thành viên trên toàn thế giới, từ Châu Âu sang Châu Á, Châu Mỹ, từ Châu Phi cho tới Châu Đại Dương, sẽ bầu lên người khác lên thay.
Tỉ như một mái nhà bị dột, ông thợ cả này lợp lại không xong thì mình là dân, là chủ, sẽ kiếm, mướn ông thợ cả khác.
Chớ không lẽ mái nhà bị dột, thằng cha lợp nhà không biết lợp lại ra làm sao cho khỏi dột, khỏi ướt "đít", mà mình giận lẫy, đốt nhà luôn cho đã nữa sao ?"
Chúng tôi xin phép tranh luận lại rằng sau hơn ba năm làm Tổng Giám đốc, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có đủ điều kiện và thời gian để gieo rắc virus cộng sản cho tổ chức này. Nó không đơn giản là mái nhà bị dột mà đã thành một con bệnh nan y cần thanh lọc, điều trị. Việc thay thế Tedros Adhanom Ghebreyesus là điều kiện cần thiết đương nhiên nhưng chưa phải đủ. Vấn đề là thay thế Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng không phải dễ dàng khi y đươc bàn tay bảo trợ vững chắc của Trung Quốc.
Trump cắt tiền không phải đốt nhà mà chỉ là cắt nguổn dinh dưởng cho cơ thể đang bị virus độc hại ký sinh và đang trở thành nguồn dịch bệnh. Việc làm này là liệu pháp sốc để cộng đồng có thể nhận thức đúng hành động đúng là có thể điều trị, thanh lọc cơ thể ấy hay phải thay thế nó.
Người Việt Miền Nam thất bại trong cuộc chiến chống cộng phần lớn là quá ngây thơ về cộng sản. Ngay chính Phạm Duy cũng mơ hồ "Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai"
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 20/04/2020 (Gió Bấc's blog)
1. https://vtimes.com.au/tong-giam-doc-who-se-rut-kinh-nghiem-tu-covid-19-3...
2. https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/thay-tho-ca-hay-dot-ca-nha/
Sau Thế Chiến II, nhiều người mới nhận ra rằng tất cả mọi con người, và mọi quốc gia, đều tương thuộc nhau. Xung đột của một nơi lạ hoắc hoặc xa lắc vẫn có thể tác động lên các vấn đề con người (human affairs) ở bình diện vùng và toàn cầu.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.
Hoa Kỳ, vì thế, đã cùng các đồng minh nỗ lực thiết lập Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế khác để đối phó với an ninh, tài chánh, kinh tế, thương mại cũng như các Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) v.v… để giải quyết các vấn đề này trên bình diện vùng và toàn cầu.
Trước khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời khoảng 7 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 7 tháng Tư năm 1948 với một cam kết chung là "để đạt được sức khỏe tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi".
Nhưng từ đó đến nay, vai trò và trách nhiệm của WHO chưa bao giờ bị thử thách nặng nề như vào lúc đại dịch Covid-19 này.
Hiện nay, đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu với gần 130 ngàn người chết. Trong số này, Mỹ bị nặng nhất, nhiều hơn tất cả các nước khác, kể cả Ý, Tân Ban Nha, và Trung Quốc, về số ca nhiễm và số ca chết.
Với tình hình đại dịch như thế, chính phủ Hoa Kỳ - nước giàu nhất thế giới - đã thông qua 2 ngàn tỷ đô la (2 trillion) gói kích thích kinh tế - lớn chưa từng thấy - để cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế căn bản trong quốc gia, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, các tổ chức và cá nhân để duy trì và cầm cự trong thời gian ngắn tới hầu có sau đó thể vực dậy được [1].
Tuy có được gói kích thích kinh tế như thế, tình trạng quan ngại của đại dịch Covid-19 hiện nay không phải vì thế mà giảm đi. Sau đây là một số yếu tố chính : một, không đóng cửa biên giới sớm hơn, một phần vì Hoa Kỳ là nước mà quyền tự do cá nhân và chủ nghĩa cá nhân là trên hết ; hai, không có đủ dụng cụ để thử nghiệm, điều mà mọi quốc gia đều gặp phải trong giữa đại nạn này ; ba, gói kích thích này có phải là giải pháp hiệu quả và lâu dài cho Hoa Kỳ không vẫn còn là một câu hỏi lớn [2].
Những nguyên do nêu trên, cùng với hệ thống y tế bất toàn, nên các chuyên gia hàng đầu tại Mỹ ước đoán số người bị nhiễm có thể lên cả triệu và số người bị chết từ 100 đến 240 ngàn người [3]. Bác sĩ Anthony Fauci cũng thừa nhận rằng đóng cửa biên giới sớm hơn và nếu có sự chuẩn bị sớm hơn thì đã có thể cứu sống nhiều mạng người.
Một số lãnh đạo chính trị đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO gây tác hại nặng nề do sự quản lý Covid-19. Điều này có chính đáng không ?
Trước hết, rõ ràng là Trung Quốc đã ém nhệm, dấu giếm, không công bố với người dân của mình và với bên ngoài nạn dịch này, mặc dầu các chính quyền địa phương đều biết đến dịch bệnh này vào tháng 11 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán truyền từ người sang người [4]. Các báo cáo từ giữa tháng Giêng bởi một số cơ quan truyền thông như tờThe Guardian vào ngày 21 tháng Giêng năm 2020 đã cho thấy được mức độ quan ngại truyền bệnh từ người sang người của coronavirus này, trong khi WHO vẫn chưa thừa nhận hoàn toàn. Sau đó, khi mức độ lan truyền đã gia tăng đáng kể trong Trung Quốc và lan ra ngoài nước, WHO vẫn một mực không công nhận covid-19 là đại dịch. Vì sao ?
Một phần, vì một định nghĩ thế nào là một đại dịch (pandemic) là điều vẫn chưa rõ ràng và đang còn nhiều tranh cãi [5]. Có người cho rằng để gọi là một đại dịch thì cần có ba yếu tố : một, nó lan truyền từ người này sang người khác ; hai, nó giết hại ; và ba, nó lan rộng toàn cầu [6]. Mãi cho đến ngày 11 tháng Ba, Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của WHO, mới công bố tình trạng này là đại dịch. Lúc đó đã có 118.000 ca nhiễm trên 110 quốc gia [7]. Trước đó, ngay từ đầu tháng Hai, ông Ghebreyesus đã phản đối các quốc gia, từ Mỹ đến Úc đến Singapore, đã đóng cửa biên giới và cho rằng họ đã có phản ứng quá thái khi tình hình chưa đến nỗi quan ngại như sự đánh giá của WHO.
Trong khi đó, WHO vẫn nhìn nhận rằng sự lây lan của Covid-19 hiện nay là đáng quan ngại, nên tuyên bố "nạn dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thế giới" trong Bản Báo cáo Tình huống số 11 ngày 31 tháng Giêng. Thế nhưng WHO vẫn tin rằng Covid-19 có thể được ngăn chặn nếu áp dụng các biện pháp phát hiện, cách ly, chữa trị, tìm ra nguồn mối và đề cao cách ly xã hội [8].
Vì WHO không có quyền hạn gì lên chủ quyền của các quốc gia khác, nên các quốc gia như Mỹ, và Úc, cùng nhiều nước khác đã gạt qua đề nghị này và liền lập tức cấm các chuyến bay từ lục địa Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng Hai [9]. Khi nghe tin này, WHO liền phản đối mạnh mẽ và tuyên bố : "Hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi vì cản trở chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và gây hại cho nền kinh tế" [10]. Trung Quốc, qua các viên chức ngoại giao của họ, cũng lên án các quốc gia không theo đề nghị của WHO : "Đúng như WHO khuyến nghị chống lại các hạn chế đi lại, Mỹ đã chạy theo xu hướng ngược lại". Ông Ghebreyesus lại quả quyết rằng 151 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong được xác nhận tại 23 quốc gia ngoài Trung Quốc là số lượng nhỏ và các trường hợp này có thể được quản lý mà không cần các nước sử dụng các biện pháp cực đoan [11].
Trong những tuần sau đó cho đến ngày 11 tháng Ba, khi tình hình ngày càng trầm trọng, WHO mới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Cũng vì nghe lời khuyên của WHO trước đó nên nhiều quốc gia không sử dụng các biện pháp cứng rắn mạnh mẽ, trong đó không đóng cửa biên giới. Và kết cuộc, như chúng ta thấy, là một nạn đại dịch toàn cầu có nguy cơ tàn phá và thay đổi khủng khiếp nhất đời sống con người trong thời gian tới.
Nếu WHO là một tổ chức y tế toàn cầu với nhiệm vụ vô cùng trọng yếu như trên nhưng vì bị áp lực của Trung Quốc, hay vì không làm đúng chức năng của mình, thì những người trách nhiệm của WHO phải chịu trách nhiệm các tác động sâu sắc của Covid-19 lên mọi mặt sống trên toàn cầu hiện nay. Cho dù thật sự WHO không chịu áp lực từ Trung Quốc, WHO phải nhìn ra được xu hướng dịch bệnh gia tăng một cách quan ngại trong thời gian đó và cần đưa ra các đề nghị thích hợp, tùy theo tình hình và khả năng của quốc gia, để họ lấy quyết định đóng cửa biên giới và để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lây lan, thay vì lên án hành động đó là cực đoan hay không cần thiết.
Giả sử nhiều quốc gia khác, như Úc chẳng hạn, cũng nghe theo thời WHO, thì hình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều lần.
Điều này cho thấy WHO đã thất bại hoàn toàn trong việc thao dõi, nghiên cứu, điều hướng và lãnh đạo thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 này.
Nó cũng cho thấy rằng việc rà xét lại cung cách làm việc, tiến trình lấy quyết định, và đâu là những nguyên nhân làm cho WHO không đi đến những quyết định sớm hơn và quyết đoán hơn, qua vụ Covid-19, sẽ giúp cho tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, và sa thải những cá nhân nào đã tất trách trong công việc của mình trong thời gian qua.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 15/04/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Jordan Fabian and Justin Sink , "Trump Signs $2 Trillion Virus Bill, Largest Ever U.S. Stimulus ", Bloomberg ; 28 March 2020.
2. Stephanie Denning , "Why The $2 Trillion Stimulus Package Is Putting Dollars In The Wrong Place", 8 April 2020.
3. Michael D. Shear, Michael Crowley and James Glanz, "Coronavirus May Kill 100,000 to 240,000 in U.S. Despite Actions, Officials Say ", The New York Times, 31 March 2020.
4. Lily Kuo, in Beijing, "China confirms human-to-human transmission of coronavirus", 21 January 2020.
5. Manfred S. Green, "Did the hesitancy in declaring COVID-19 a pandemic reflect a need to redefine the term ? ", The Lancet, 13 March 2020.
6. Debora Mackenzie, "Covid-19 : Why won't the WHO officially declare a coronavirus pandemic ?", 26 February 2020.
7. Jamie Ducharme, "World Health Organization Declares COVID-19 a 'Pandemic.' Here's What That Means ", Time, 11 March 2020.
8. WHO, "Novel Coronavirus(2019-nCoV) Situation Report – 11", 31 January 2020.
9. Australia Prime Mister and Minister for Heatlh, "Extension Of Travel Ban To Protect Australians From The Coronavirus ", Media Release, 13 Feburary 2020.
10. BBC correspondents, "Coronavirus : US and Australia close borders to Chinese arrivals", 1 February 2020.
11. Lisa Schlein, "WHO Chief Urges Countries Not to Close Borders to Foreigners From China ", VOA, 3 February 2020.