Mỹ đoạn tuyệt quan hệ với WHO vì bị Trung Quốc thao túng
Hải Yến, Thoibao.de, 31/05/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nói rằng WHO thất bại không đáp ứng thích đáng với virus corona vì Trung Quốc "kiểm soát hoàn toàn" tổ chức toàn cầu này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Ảnh minh họa
Quyết định trên được Tổng thống Trump công bố tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng Nhà Trắng, viện dẫn cách xử lý đại dịch Covid-19 của WHO cùng sự chi phối ghê gớm của Trung Quốc lên tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực y tế này.
Ông Trump nói các quan chức Trung Quốc "đã phớt lờ trách nhiệm báo cáo của họ" về virus với WHO, và gây sức ép để WHO "đánh lạc hướng thế giới" khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện những ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên.
Ông Trump phát biểu : "Trung Quốc đã nắm toàn quyền kiểm soát WHO bất chấp việc chỉ đóng 40 triệu USD mỗi năm, so với những gì Mỹ vẫn đang đóng vào khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Chúng tôi đã nêu chi tiết những cải tổ họ phải thực hiện và liên hệ trực tiếp với họ nhưng họ đã từ chối hành động".
"Vì họ đã không thực hiện những cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với WHO và chuyển những khoản tiền quỹ đó cho những nhu cầu y tế cộng đồng toàn cầu khẩn cấp khác trên thế giới".
Hiện vẫn chưa rõ khi nào quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ có hiệu lực. Được biết, Nghị quyết năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Và Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp – đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Quyết định này của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay bên trong nước Mỹ, đặc biệt là giới lập pháp đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng chỉ trích các quyết định của Tổng thống Trump liên quan đến WHO, cho đó là "vô nghĩa", "bất hợp pháp" và nói rằng các thành viên đảng Dân chủ sẽ thách thức động thái này "ngay lập tức". Theo bà Pelosi, WHO đang giữ vai trò cần thiết trong cuộc chiến với Covid-19.
Ngày 29/5, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander cho biết, ông không tán thành quyết định của Tổng thống Donald Trump. Theo ông, việc rút tiền tài trợ và tư cách thành viên của Mỹ tại WHO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vaccine phòng Covid-19, cũng như các hoạt động của WHO liên quan các dịch bệnh khác có thể xâm nhập vào nước Mỹ. Việc rút khỏi WHO cũng có thể khiến hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng khẳng định, WHO có vai trò hàng đầu trong việc điều phối phản ứng toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia thành viên kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
Còn Bộ trưởng Y tế Ireland Simon Harris đã gọi quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Tổng thống Mỹ là một quyết định "tồi tệ" và "khủng khiếp". Theo vị quan chức này, hiện là thời điểm thế giới đang cần chủ nghĩa đa phương hơn bao giờ và rằng "1 đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của toàn thế giới". Ông kêu gọi các nước nên đoàn kết hơn trong việc chống dịch, thay vì đối đầu với nhau.
Đây cũng là quan điểm từng được nhiều nhà lãnh đạo thế giới và Châu Âu nhắc tới trước đây như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ diễn ra khi thời hạn 30 ngày mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra cho WHO cải cách chưa kết thúc.
Tối hậu thư Tổng thống Trump gửi Tổng giám đốc WHO được chia sẻ trên Twitter
Trước đó, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 được giới truyền thông gọi là ‘tối hậu thư’ gửi Tổng giám đốc WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để "sửa sai", nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Trong thư gửi Tổng giám đốc WHO, ông Trump nói rằng : "Rõ ràng những sai lầm do ông và tổ chức của ông mắc phải trong cách ứng phó với đại dịch đã gây tổn thất cực lớn cho thế giới. Cách duy nhất với WHO lúc này là thực sự chứng tỏ sự độc lập với Trung Quốc".
Các cáo buộc mà "tối hậu thư" nêu ra là :
– WHO đã "liên tục phớt lờ những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus corona tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12-2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa", trong đó có các báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet.
– WHO đã không tiến hành điều tra độc lập các báo cáo đáng tin cậy có nội dung xung đột trực tiếp với những thông tin do Chính phủ Trung Quốc cung cấp.
– Đài Loan đã sớm gửi báo cáo tới WHO để cảnh báo sự lây nhiễm từ người sang người của chủng virus mới nhưng đã bị WHO cố tình phớt lờ.
– WHO nhiều lần đưa ra những tuyên bố sai lệch về virus corona chủng mới hoặc rất thiếu chính xác, hoặc lừa dối dư luận, bao gồm tuyên bố ngày 14/01/2020, trong đó WHO tái khẳng định tuyên bố của Trung Quốc nói rằng virus corona không thể lây nhiễm từ người sang người, một điều mà tới giờ đã được chứng minh là sai.
– Ngày 21/01/2020, dưới sức ép của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, WHO đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch Covid-19 và chỉ 1 tuần sau đó mới thay đổi quyết định này vì không thể bác bỏ các chứng cứ quá thuyết phục.
Cũng trong ngày 18/5 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị trực tuyến Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 73. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc công khai và minh bạch về dịch Covid-19 – dịch bệnh xuất hiện trước tiên ở nước này vào cuối năm 2019 – và sẽ ủng hộ cuộc điều tra được tiến hành một cách khách quan và công bằng.
Ông cũng cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong 2 năm, giúp đối phó Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ vaccine nào được phát triển ngừa Covid-19 tại Trung Quốc "đều sẽ có lợi cho cộng đồng". Ông nói : "Việc phát triển và triển khai vaccine chống Covid-19 tại Trung Quốc, khi có sẵn, sẽ trở thành một sản phẩm mà toàn cầu có thể tiếp cận. Đây sẽ là sự đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả vaccine đối với các nước đang phát triển"
Theo ông Tập, khoản tiền này sẽ được đóng góp trong vòng 2 năm. Năm ngoái Trung Quốc đóng góp khoảng 86 triệu USD cho WHO. Chủ tịch Trung Quốc cho biết trong những tuần gần đây nước này cũng đã gửi trang thiết bị y tế tới hơn 50 nước Châu Phi và 46 nhóm nhân viên y tế của Trung Quốc hiện đang có mặt tại Châu lục này để hỗ trợ các chính quyền sở tại.
Khoản viện trợ quốc tế 2 tỷ USD sẽ dùng để ủng hộ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh cũng như khôi phục phát triển kinh tế – xã hội của các nước bị tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dành lời ca ngợi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông Tập nói : "Dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Tedros, WHO đã đóng góp lớn trong việc lãnh đạo và thúc đẩy phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng kết quả công việc của họ cần được cộng đồng quốc tế hoan nghênh".
Bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc không nhận được sự hoan nghênh từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ.
Ảnh chụp màn hình thống kê của trang mạng worldometers.info tính đến ngày 30/5 vào lúc 13g45 GMT về tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, theo đó đã có hơn 6 triệu người nhiễm bệnh và gần 370.000 tử vong vì Covid-19.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Ullyot khẳng định, cam kết của Trung Quốc "là một biểu hiện nhằm đánh lạc hướng lời kêu gọi của ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu giải trình trách nhiệm về sự thất bại của Chính phủ Trung Quốc trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của họ… nói lên sự thật và cảnh báo thế giới về những gì đang diễn ra".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 20/5 tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề virus corona. Ông gọi khoản tiền 2 tỷ đô la mà Bắc Kinh cam kết chống đại dịch là "quá nhỏ" so với mất mát hàng trăm ngàn sinh mạng con người và hàng ngàn tỷ đô la.
Ông Pompeo đã bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh đã hành động minh bạch sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói nếu ông Tập muốn thể hiện điều đó, ông nên tổ chức một cuộc họp báo và cho phép các phóng viên hỏi ông bất cứ điều gì họ muốn.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo nói : "Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong tuần này rằng Trung Quốc đang hành động với trách nhiệm công khai, minh bạch. Tôi ước gì sự thật là như vậy".
Ngoại trưởng Mỹ buộc tội Bắc Kinh tiếp tục giữ các mẫu virus, chưa cho phép tiếp cận các cơ sở, kiểm duyệt thảo luận, và nhiều việc khác nữa.
Ông nói thêm : "Tôi mong sẽ thấy họ thực sự thực hiện cam kết trị giá 2 tỷ đô la đó. Những đóng góp của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch là quá nhỏ, so với thiệt hại mà họ đã gây ra trên thế giới".
Trong một diễn biến khác, ngày 27/5, WHO loan báo thành lập một tố chức để vận động các nguồn tài trợ có thể giúp giảm bớt thiếu hụt tiền mặt trong lúc WHO dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona.
Loan báo việc thành lập WHO Foundation, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói việc này không liên hệ tới "các vấn đề tài trợ gần đây" mà đã được xúc tiến trong nhiều năm qua.
Ông Tedros nói WHO đã cảnh báo "nhiều lần" về đại dịch trong những năm gần đây. Các nước đã nhận biết những cách biệt trong việc chuẩn bị chống đại dịch, nhưng tài chính chưa được vật chất hóa, ông Tedros nói.
Trong tháng này, ông Tedros tuyên bố ngân sách hàng năm của WHO vào khoảng 2,3 tỉ đô la là "rất nhỏ" đối với một cơ quan toàn cầu, chỉ bằng ngân sách một bệnh viện trung bình tại các nước phát triển.
Ông cũng nói các nguồn tài trợ hết sức không chắc chắn.
WHO Foundation được thành lập như là một thực thể độc lập tìm tài trợ để hỗ trợ cho những nỗ lực toàn cầu của WHO giải quyết những vấn đề y tế khó khăn nhất bằng cách gây quỹ mới từ "những nguồn không truyền thống".
Cũng tại buổi họp báo ngày 27/5, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nhắc lại WHO khuyến cáo chống lại việc dùng thuốc hydroxychloroquine để chữa Covid-19 – đây là thuốc mà Tổng thống Trump nói đã sử dụng.
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 31/05/2020
***********************
EU kêu gọi Trump xem xét lại quyết định cắt tài trợ cho WHO
VOA, 31/05/2020
Liên Hiệp Châu Âu ngày thứ Bảy kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại quyết định cắt tài trợ của Mỹ cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa những chỉ trích toàn cầu về bước đi này.
Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen ngày thứ Bảy kêu gọi Mỹ "nên tránh những hành động làm suy yếu kết quả quốc tế".
Ông Trump ngày thứ Sáu cáo buộc WHO đã không ứng phó thỏa đáng với đại dịch, nói rằng cơ quan này của Liên Hiệp Quốc chịu sự "kiểm soát hoàn toàn" của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen ngày thứ Bảy kêu gọi ông Trump xem xét lại, nói rằng "nên tránh những hành động làm suy yếu kết quả quốc tế" và rằng "giờ là lúc tăng cường hợp tác và tìm ra những giải pháp chung".
"WHO cần tiếp tục có khả năng dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với đại dịch, hiện tại và trong tương lai", bà nói. "Để đạt được điều này rất cần và bắt buộc phải có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các nước".
Mỹ là nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất cho WHO, và sự ra đi của Mỹ dự kiến sẽ làm suy yếu đáng kể tổ chức này. Ông Trump nói Mỹ sẽ chuyển tiền sang "các nhu cầu y tế công cấp thiết toàn cầu đáng hỗ trợ khác" mà không nêu chi tiết cụ thể.
WHO không bình luận về thông báo này nhưng Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize gọi đây là một diễn tiến "không may".
"Chắc chắn, khi đối mặt với đại dịch nghiêm trọng, chúng ta muốn tất cả các quốc gia trên thế giới đặc biệt tập trung vào kẻ thù chung", ông nói với các phóng viên.
Gần 6 triệu ca nhiễm virus corona đã được báo cáo trên toàn thế giới, với hơn 365.000 trường hợp tử vong và gần 2,5 triệu trường hợp đã phục hồi, đeo con số được kiểm đếm bởi Đại học Johns Hopkins. Con số thực sự được cho là lớn hơn đáng kể, với các chuyên gia nói rằng nhiều người đã chết mà chưa bao giờ được xét nghiệm.
Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch này, với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 103.000 ca tử vong.
******************
Tổng thống Trump : Mỹ chấm dứt đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới
Trọng Thành, RFI, 30/05/2020
Trong bài phát biểu hôm 29/05/2020 về Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã góp phần khiến đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Hoa Kỳ quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO.
Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse
Nguyên thủ Mỹ đã đe dọa ngừng đóng góp hoàn toàn cho WHO từ nhiều tuần nay. Ngày 14/04, ông Trump thông báo tạm ngừng tài trợ, và bây giờ là quyết định chấm dứt hẳn. Tổng thống Mỹ tố cáo chính quyền Trung Quốc "thao túng hoàn toàn Tổ chức Y tế Thế giới". Đây là một lý do cơ bản khiến chính quyền Trump ngừng bỏ tiền cho WHO. Theo tổng thống Trump, số tiền này sẽ được chuyển sang để tài trợ cho một số mục tiêu y tế khẩn cấp khác trên thế giới.
Quyết định của tổng thống Mỹ khiến nhiều nước bất bình. Hôm nay, theo AFP, bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận xét việc Washington cắt đứt tài trợ cho WHO là một "tổn thất nghiêm trọng cho y tế toàn cầu".
Sáng kiến gây quỹ mới
Để bù lấp phần thiếu hụt, ngày 27/05, Tổ chức Y tế Thế giới lập ra một quỹ mới mang tên Quỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (La Fondation de l’OMS), kêu gọi các quỹ tư nhân và công dân toàn cầu đóng góp.
Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche cho biết thêm :
Phải chăng đã có một sự ngẫu nhiên hoàn toàn ? Chỉ vài ngày trước tuyên bố của ông Donald Trump, Tổ chức Y tế Thế giới đã lập ra một quỹ để kêu gọi các nguồn đóng góp tài chính bổ sung khác.
Hiện tại, ngoài khoản đóng góp bắt buộc từ các quốc gia thành viên, khoảng 80% nguồn tài trợ tình nguyện còn lại cho WHO là do một số quốc gia hoặc khu vực tư nhân tình nguyện bỏ ra. Bên đóng góp tình nguyện có tiếng nói quan trọng đối với các chương trình mà họ quyết định bỏ tiền ra.
Với quỹ mới này, WHO hy vọng có được một sự độc lập tương đối với các đối tác. Điều này càng trở nên quan trọng vào lúc mà Tổ chức Y tế Thế giới phải tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ của mình mà không có sự đóng góp của Mỹ. Khoảng hơn 400 triệu đô la hàng năm. Tức 15% ngân sách của WHO, gấp hơn 10 lần phần đóng góp của Trung Quốc.
Đứng từ quan điểm này, việc chính quyền Mỹ rút khỏi WHO là phản tác dụng. Bối cảnh hiện nay đã để lại khoảng trống cho phép Bắc Kinh tung hoành. Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sự ủng hộ đối với WHO về mặt chính trị và tài chính.
Liên minh 37 nước kêu gọi chia sẻ vac-xin
Song song với sáng kiến nói trên của WHO, hôm 29/05, một liên minh gồm hơn 37 quốc gia, đa số là các nước đang phát triển, đứng đầu là Costa Rica, với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, kêu gọi chia sẻ vac-xin, phương pháp trị liệu và xét nghiệm, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới hoan nghênh sáng kiến này. Tuy nhiên Liên Đoàn Quốc Tế các Doanh Nghiệp Dược Phẩm (IFPMA) tỏ ra lo ngại trước nguy cơ bản quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Tìm kiếm một loại vac-xin chống Covid-19 chung cho toàn cầu, và các phương thức trị liệu dễ dàng đến với đông đảo dân chúng cũng là mục tiêu được Pháp và Ủy Ban Châu Âu ủng hộ.
Trọng Thành
******************
Mỹ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới vì Covid-19
AP, VOA, 30/05/2020
Tổng thống Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và nói rằng WHO thất bại không đáp ứng thích đáng với virus corona vì Trung Quốc "kiểm soát hoàn toàn" tổ chức toàn cầu này.
Tổng thống Donald Trump họp báo tại Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc, ngày 29/5/2020.
Ông Trump nói các giới chức Trung Quốc "làm ngơ" nghĩa vụ phúc trình lên WHO và làm áp lực để WHO hướng dẫn sai lạc thế giới khi virus được phát hiện đầu tiên.
Ông lưu ý Mỹ đóng góp khoảng 450 triệu đô la cho tổ chức thế giới này trong khi Trung Quốc cung cấp chừng 40 triệu đô la.
Hoa Kỳ là nguồn tài trợ lớn nhất của WHO và việc Mỹ ra khỏi tổ chức này sẽ làm tổ chức yếu đi một cách đáng kể.
Ông Trump nói Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng tài trợ cho "những tổ chức toàn cầu khác và những nhu cầu y tế công cộng khẩn cấp trên thế giới" nhưng ông không nói rõ chi tiết.
Theo AP