Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kiev cấm đàn ông Nga 16-60 tuổi vào Ukraine (BBC, 30/11/2018)

Ukraine tuyên bố sẽ không cho nam giới người Nga từ 16 dến 60 tuổi vào nước này trong thời gian áp lệnh thiết quân luật.

azov1

Lệnh thiết quân luật được áp dụng tại các vùng giáp biên với Nga, trong đó có Donetsk gần với khu vực có phe ly khai được Nga hậu thuẫn

Sẽ có ngoại lệ đối với "các trường hợp nhân đạo", chẳng hạn như để tới dự tang lễ. Nga nói không có kế hoạch áp dụng các biện pháp trả đũa.

Lệnh thiết quân luật đã được áp dụng tại 10 vùng của Ukraine, và sẽ có hiệu lực cho tới ngày 26/12.

Quyết định được đưa ra giữa lúc có lo sợ về việc Nga xâm lăng, sau khi các lực lượng Nga bắt ba tàu của Ukraine cùng 24 thủy thủ ở Biển Đen hôm Chủ Nhật.

Ukraine nói rằng vụ việc là sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế, còn Nga nói các tàu của Ukraine đã vi phạm vùng lãnh hải của Nga.

Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trên biển ngoài khơi Crimea kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo này vào Nga hồi 3/2014.

Ukraine nói gì ?

Việc áp lệnh hạn chế được công bố sau khi Tổng thống Petro Poroshenko gặp các quan chức an ninh cao cấp hàng đầu, trong đó có những người đứng đầu lực lượng biên phòng, tại Kiev.

azov2

Bản đồ Ukraine, Crimea và vùng biển Azov - Ảnh minh họa

Ông tổng thống đã viết trên Twitter (bằng tiếng Ukraine) rằng lệnh cấm được đưa ra nhằm ngăn chặn việc hình thành "những quân đội tư" bên trong Ukraine.

Ông nhắc tới các thành phần ly khai được Nga hậu thuẫn, vốn đã hình thành các đơn vị hồi tháng 4/2014 để giao tranh với các lực lượng chính phủ Ukraine tại miền đông nước này.

Ông Poroshenko cũng nói rằng các tiêu chuẩn đăng ký cũng sẽ được siết chặt đối với các công dân Nga sống tại khu vực trong thời gian có thiết quân luật.

Hôm thứ Ba, ông cảnh báo rằng có mối đe dọa về "cuộc chiến toàn diện" với Nga.

"Số xe tăng [Nga] tại các căn cứ đặt dọc biên giới chúng ta đã tăng lên gấp ba lần", ông nói.

Có năm trong số 10 khu vực biên giới là giáp biên với Nga, hai nơi nằm kế với vùng Trans-Dniester ly khai của Moldova, nơi lính Nga đồn trú. Ba vùng còn lại có biên giới với Biển Đen hoặc Biển Azov, gần với Crimea.

Phóng viên BBC tại Kiev, Johan Fisher, nói rằng lệnh cấm có thể sẽ có tác động tai hại tới việc qua lại hai bên biên giới khi kỳ nghỉ lễ đang tới gần. Nhiều người Nga có họ hàng sinh sống tại Ukraine.

Phản ứng về lệnh cấm của Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Moscow không có kế hoạch áp dụng các biện pháp tương đương, bởi điều đó "có thể gây ra sự điên loạn hoàn toàn".

Trước đó Nga nói rằng lệnh thiết quân luật 30 ngày tại Ukraine được đưa ra để nhằm tạm ngưng kỳ bầu cử tổng thống, theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3/2019.

Moscow nói Tổng thống Poroshenko - người đang bị tụt điểm tín nhiệm nghiêm trọng - hẳn sẽ là người được hưởng lợi trong việc này.

Ông Poroshenko bác bỏ và nói việc bầu cử sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.

***************

Biển Đông : 'Cảnh giác Trung Quốc sau sự cố Nga-Ukraine' (BBC, 29/11/2018)

Một nhà báo người Mỹ nói vụ Nga bắt tàu Ukraine ngoài khơi Crimea có thể là tiền lệ xấu ở Biển Đông.

azov3

Tiền lệ xấu từ vụ Nga bắt tàu Ukraine ở gần Crimea

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại London hôm 27/11/2018, nhà báo Greg Rushford cũng nói về tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là có từ lâu.

Tuần này Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau cuộc khủng hoảng Nga bắt giữ ba tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov, ngoài khơi Crimea.

"Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự tại Biển Đông.

"Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này".

Được biết các nhà lãnh đạo quốc tế gồm các ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, bà Angela Merkel...sẽ có mặt tại Hội nghị G20 cuối tuần này ở Argentina.

Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ có sẵn sàng tham chiến với tranh chấp ở Biển Đông hay không, nhà báo Rushford nói :

"Chẳng ai muốn có chiến tranh cả nhưng cũng chẳng ai muốn Trung Quốc muốn làm gì thì làm trong khu vực.

"Nếu câu hỏi là Hải quân Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh vì vấn đề này hay không thì rõ ràng là không. Nhưng chiến dịch tự do đi lại trên biển hay các biện pháp khác là cần thiết để tạo áp lực.

"Tôi là một trong số ít các phóng viên vào hồi giữa thập niên 90 chứng kiến việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn như thế nào. Trung Quốc chiếm phần lãnh thổ này và ngay lập tức họ triển khai súng ống tại đây và rõ ràng ngay từ lúc đầu Bắc Kinh đã có tham vọng quân sự hóa Đá Vành Khăn.

"Bill Clinton lúc đó là tổng thống Mỹ vào lúc đó đã trì hoãn việc xử ly hành động này và tỏ quan điểm rằng không cần thiết phải quá lo ngại về Trung Quốc vì họ quá nhỏ bé.

"Chính các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc Bắc Kinh quân sự hóa Đá Vành Khăn giữa thập niên 90 là các quan chức tham gia vào vụ việc Trung Quốc đưa tàu tới bãi cạn Scarborough là thuộc chủ quyền Philippines và Hải quân Philippines đã phải rời đây.

"Do đó hành động xâm lấn là rõ ràng và Trung Quốc có lâp trường bất cần và Bắc Kinh hành xử như các lãnh chúa thời thế kỷ 18 và nay vấn đề trở nên rất khó xử.

"Và nếu chúng ta trở lại vấn đề Nga đang làm tại Ukraine thì chúng ta thấy giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phải hiểu rằng nếu ta gửi đi một tín hiệu yếu thế tại một nơi nào đó trên thế giới với Nga thì Trung Quốc sẽ cảm nhận và tận dụng nó", nhà báo Greg Rushford, chủ bút trang The Rushford Report ở Hoa Kỳ nói.

******************

Lãnh đạo Ukraine kêu gọi Nato gửi tàu trợ giúp (BBC, 29/11/2018)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thúc giục Nato gửi tàu tới Biển Azov sau vụ đụng độ trên biển ngoài khơi Crimea.

azov4

Các lực lượng Ukraine đã được huy động tại cảng Mariupol ở Biển Azov

Ông nói với tờ báo Đức Bild rằng ông hy vọng các tàu sẽ được đưa đến để "hỗ trợ Ukraine và đưa đến an ninh".

Hôm Chủ Nhật, Nga nã đạn vào ba tàu của Ukraine và bắt thủy thủ đoàn ở khu vực Eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov.

Nato tỏ ý "hỗ trợ đầy đủ" Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của khối.

Trong lúc quan hệ hai bên đang xấu đi, hôm thứ Tư Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc ông Poroshenko tạo ra "sự khiêu khích" trên biển để tăng mức tín nhiệm cá nhân trước khi Ukraine có kỳ bầu cử vào năm 2019.

Tổng thống Poroshenko đã áp lệnh thiết quân luật dọc các vùng biên giới của Ukraine trong thời gian 30 ngày để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Ông Poroshenko nói gì ?

Trong cuộc phỏng vấn với Bild, ông Poroshenko nói Vladimir Putin muốn "chiếm biển [Azov]".

"Đức là một trong các đồng minh gần gũi nhất của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia trong khối Nato nay sẽ sẵn sàng tái phối trí các tàu hải quân tới Biển Azov để trợ giúp Ukraine và đưa đến an ninh", ông nói.

azov5

Tổng thống Poroshenko gặp gỡ lính tăng trong chuyến đi tới Chernihiv, bắc Ukraine

"Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách hung hăng này của Nga. Trước tiên là Crimea, rồi đông Ukraine, nay thì ông ta muốn Biển Azov. Cả nước Đức cũng cần tự hỏi minh : Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu như chúng ta không chặn ông ta lại ?".

azov6

Bản đồ ghi lại địa điểm tàu chiến của Ukraine bị Nga bắt giữ

Hôm thứ Hai, người đứng đầu khối Nato Stoltenberg kêu gọi Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine, và nói Moscow cần phải nhận thấy "những hậu quả của các hành động của mình".

Ông nói khối sẽ tiếp tục cung cấp "hỗ trợ chính trị và thực tế" cho Ukraine, một quốc gia đối tác của Nato.

Nato không có phản ứng tức thời trước tuyên bố mới nhất của ông Poroshenko.

Published in Quốc tế

Biển Azov : Mặt trận thứ ba của Nga và "chiến lược con lửng"

Thời sự quốc tế nổi bật nhất là về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

bien0

Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga

Trong bài viết "Biển Azov, mặt trận thứ ba của Nga", Le Monde nhận định xung đột đóng băng có thể được làm nóng lên bằng cách mở ra mặt trận mới, và đó chính là điều Nga vừa mới thực hiện. Chủ Nhật 25/11, ba chiếc tàu của Ukraine ngoài khơi Crimea đã bị Nga nhắm bắn và bắt giữ.

Mọi việc sau đó, theo Le Monde, diễn ra đúng kiểu cổ điển. Nga tố cáo Hải quân Ukraine gây sự cố sau khi đã cân nhắc kỹ càng vì biết rằng những chiếc tàu của nước này sẽ bị Hải Quan Nga chặn xét. Trong khi đó, Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga. Ba trong số các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ đã xuất hiện trên truyền hình Nga tối hôm thứ Ba, 12 người bị xử tạm giam 60 ngày. Diễn tiến vụ việc kiểu này cũng khá quen thuộc.

Như vậy là 5 năm sau vụ ủng hộ phe nổi dậy ở quảng trường Maïdan, 4 năm rưỡi sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, rồi sau đó là cuộc chiến ở Donbass khiến 10.000 người thiệt mạng, nay Moskva đã mở mặt trận thứ ba trong cuộc chiến chống Ukraine. Lần này là nhằm thôn tính biển Azov, "không hơn, không kém".

Diễn tiến này không làm các nhà quan sát - vốn quan tâm đến tình hình ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine - ngạc nhiên. Hồi tháng 10, đặc phái viên của báo Le Monde, Benoît Vitkine, đã mô tả cặn kẽ cách mà Nga siết chặt gọng kìm quanh các cảng biển Azov của Ukraine kể từ khi Moskva cho xây trái phép cây cầu nối từ Crimea đến Nga gần eo biển Kertch. Được khánh thành hồi tháng 05, với sự hiện diện của tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều cao của cây cầu đã được tính toán kỹ để cản trở nhiều tàu vận chuyển hàng đến hai cảng của Ukraine hay đến đó nhập hàng.

Chiến lược của Nga rất rõ ràng : bóp nghẹt dần dần vùng lãnh thổ này của Ukraine bằng cách ngăn cản các hoạt động nhập hàng hay xuất khẩu qua đường biển, nhất là trong bối cảnh các trận chiến ở vùng xung đột phía bắc thành phố Mariupol khiến sân bay địa phương phải đóng cửa và vận chuyển đường bộ trở nên phức tạp.

Cách nay 2 tuần, tổ chức tư vấn European Council on Foreign Relations đã cử một nhóm công tác tới vùng biển Azov. Báo cáo của họ mang tính tiên liệu : Biển Azov có nguy cơ biến thành mặt trận thứ ba. Moskva dường như quyết tâm đẩy lui Ukraine khỏi vùng biển này, bằng cách khiến các các cảng của Ukraine ở biển Azov phải đóng cửa. Nguy cơ xảy ra một vụ đụng độ trực tiếp giữa Ukraine và Nga là có thực. Ukraine sợ rằng Nga sẽ tấn công quân sự từ phía biển, nơi mà Ukraine dễ tổn hại nhất, nhưng nguy cơ này lại không được quốc tế chú ý đúng mức.

Lời tiên đoán nói trên đã đưa ra, nhưng ngoài các nước vùng Baltic và Ba Lan, vốn thường rất nhạy cảm trước các hành động của Nga, thì "sự chú ý của quốc tế" vẫn chỉ là sự chờ đợi. Phương Tây kêu gọi hai bên xuống thang, giảm căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm kêu gọi nguyên thủ Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraine Petro Porochenko hành động hợp lý.

Trong khi đó, tổng thống Ukraine Porochenko cho thông qua thiết quân luật một tháng tại các vùng miền nam nước này. Phản ứng khá chậm, nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 28/11 đột nhiên dọa hủy cuộc gặp với đồng nhiệm Putin, dự kiến được tổ chức ở Buenos Aires, bên lề thượng đỉnh G20, vào cuối tuần này.

"Chiến lược con lửng"

Trong khi đó Nga lại cho rằng chẳng có gì xảy ra hết. Cần hòa giải ư ? Nhưng mà để làm gì ? Ngoại trưởng Nga phát biểu như vậy từ Paris hôm thứ Ba. Còn tại Berlin, trong một cuộc họp báo, Alexeï Pouchkov, chủ tịch một ủy ban của Quốc hội Nga, cho rằng cảm xúc mà vụ này tạo ra là "hơi thái quá một chút" và khẳng định "sau một tuần, mọi chuyện sẽ được quên đi".

Cách nay một năm, một chuyên gia Nga lưu ý trong một bài viết được tổ chức Carnegie ở Moskva đăng tải là chính sách đối ngoại của Nga là thực hiện "chiến lược con lửng". Con lửng vốn là loài vật "thông minh và hung dữ, nó dùng nanh và vuốt vượt quá cả sức mạnh thực sự của mình. Nó có thể tấn công các con vật ngay từ khi nhìn thấy nếu chúng là một mối đe dọa thực sự với nó, kể cả sư tử, hổ báo hay cá sấu Mỹ. Con lửng không thể giết những con vật đó, nhưng có thể đẩy lui chúng. Con lửng cũng có trí nhớ đáng ngạc nhiên : nó nhớ tất cả những con vật đã tấn công nó, và nó báo thù".

Thông điệp của tác giả nói trên cho thấy vụ việc giữa Hải quân Nga - Ukraine hôm 25/11 không phải là một sự cố. Việc Nga khám soát tàu của Ukraine là sự phô trương sức mạnh nhằm thể hiện rằng Moskva làm chủ lối vào biển Azov.

Quan chức Nga Pouchkov trấn an quốc tế rằng đó không phải là một giai đoạn thù hằn mới mà chỉ là "sự tiếp nối". Le Monde kết luận đó là một tin xấu cho Kiev và các đồng minh phương Tây của Ukraine, vì trong khi những nỗ lực của các nước này nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột ở Donbass vẫn giậm chân tại chỗ, thì Moskva không những không mở lối thoát mà ngược lại còn lao sâu hơn vào xung đột.

Đức : Nước xếp cuối bảng Châu Âu về hiến nội tạng

Trong lĩnh vực xã hội, nhìn sang nước Đức, báo công giáo La Croix cho biết "Đức muốn tăng mức cho hiến nội tạng" bằng cách thay đổi luật. Bộ trưởng Y tế Đức cho biết hiện có 10.000 bệnh nhân đang chờ được ghép nội tạng, trong khi cả năm 2017, Đức chỉ ghi nhận có 769 người đồng ý hiến nội tạng sau khi qua đời. Đức hiện đang đứng cuối bảng ở Châu Âu về tỉ lệ người hiến tặng nội tạng. Trong khi ở Tây Ban Nha và Pháp, lần lượt cứ 1 triệu dân thì có 40 người và 28 người đăng ký hiến nội tạng, thì con số này ở Đức chỉ là 9,3 người.

Theo luật hiện hành ở Đức, chính quyền chỉ cho phép dùng nội tạng của một người vừa qua đời cho các ca cấy ghép nếu khi còn sống người này đã đăng ký hiến nội tạng. Hiện mới chỉ có 36% người Đức đăng ký. Để cải thiện tình hình, bộ trưởng Y tế Đức đề xuất thông qua một đạo luật giống như đạo luật đang được áp dụng ở khoảng 20 nước Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, theo đó mỗi công dân được cho là đương nhiên sẽ hiến nội tạng sau khi qua đời, trừ khi là họ chủ động làm thủ tục ngay từ khi còn sống là sẽ không hiến nội tạng.

Đề xuất của bộ trưởng Y tế Đức sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào đầu năm 2019. Hiện nhiều người phản đối đề xuất của bộ trưởng Đức vì cho rằng làm như vậy là vi phạm "quyền tự quyết" của công dân. Sự phản đối ở các tổ chức công giáo Đức khá mạnh mẽ. Họ không muốn biến một hành động nhân văn thành một nghĩa vụ bắt buộc về pháp lý và một sự trói buộc về đạo đức. Nhiều tổ chức ủng hộ tăng ý thức về việc hiến nội tạng nhưng nhấn mạnh đó không thể là một sự bắt buộc.

Một nhóm dân biểu thì đề xuất là chính phủ phải cung cấp thông tin về việc hiến tạng, mỗi khi công dân làm một thủ tục hành chính quan trọng, chẳng hạn xin cấp lại thẻ căn cước, vừa đảm bảo công dân có quyền lựa chọn, nhưng cũng góp phần làm tăng tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người dân.

Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi

Nhìn sang Châu Á, trong bài viết "Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi", đặc phái viên của báo Libération tại Rangun nhận định ba năm sau khi bà Aung San Suu Kyi đắc cử lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, niềm hy vọng của dân chúng đã tiêu tan, các vụ vi phạm quyền tự do ngày càng nghiêm trọng. Sự thiếu hành động của đảng của bà Aung San Suu Kyi có thể khiến bà phải trả giá đắt trong kỳ bầu cử vào năm 2020.

Vụ bắt hai nhà báo Reuters chỉ là một trong số nhiều vụ nhà báo bị bắt giam, quấy rối hay sát hại dưới chế độ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Theo Athan, một tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, số phóng viên và nhà hoạt động tranh đấu bị tư pháp quấy nhiễu dưới chế độ của bà Aung San Suu Kyi đã tăng gấp ba lần so với thời tổng thống Thein Sein (2011-2016).

Lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội cho rằng "quá trình chuyển giao dân chủ đang tụt lùi và Miến Điện đang tiến gần đến một chế độ phát-xít", làn sóng tôn giáo cực đoan đang dâng cao, trong khi không ai có thể chỉ trích các quan chức Nhà nước cấp cao.

Aung Min, đạo diễn, nhà làm phim có nhiều phim bị kiểm duyệt vì nói tới các đề tài nhạy cảm, cho đặc phái viên Libération biết : "Từ sau kỳ bầu cử 2015, Miến Điện bước vào thời tuyên truyền về dân chủ, bà Aung San Suu Kyi được coi là hiện thân của nền dân chủ, vì thế bất cứ ai chỉ trích bà đều bị xếp vào diện đáng nghi".

Chỉ có rất ít nhà đối lập dám chỉ trích nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyivề sự thiếu vắng cải cách chính trị và sự thất bại của tiến trình hòa bình với các sắc tộc thiểu số. Những người ủng hộ khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1991 thì biện minh rằng công cuộc cải cách đất nước gần như là điều không thể vì phe quân sự chiếm tới 25% số ghế ở Quốc hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội khẳng định đảng của bà Aung San Suu Kyi vẫn chiếm đa số ở Quốc hội, nếu họ muốn thì vẫn có thể làm được nhiều điều, vấn đề là họ không chịu lắng nghe các nhà tranh đấu, nhất là giới trẻ, họ cho rằng họ biết nhiều hơn nhân dân.

Việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ mất lòng tin yêu của người dân, nhất là ở giới trẻ, đang bộc lộ ngày càng rõ nét. Không quá quan tâm đến các quyền tự do vốn bị nhiều người cho là trừu tượng, giới trẻ đặc biệt lo ngại về tình hình kinh tế, nhất là vì hệ thống ngân hàng, vốn đã có bước nhảy vọt dưới thời tổng thống Thein Sein, nay lại tụt hậu và cản trở các nhà đầu tư. Ngân sách cho quân đội còn cao hơn ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Trang nhất các báo Pháp

Về trang nhất các báo Pháp, thời sự trong nước được nhiều tờ báo quan tâm. Phong trào đấu tranh "Áo Vàng" vẫn là đề tài đáng chú ý trên trang nhất báo Le Monde : "Tổng thống Macron khó thuyết phục phong trào Áo Vàng". Le Monde cũng giành trang nhất cho hồ sơ thiết bị cấy ghép y khoa đang làm rúng động dư luận, với câu hỏi "Giới công nghiệp len vào phòng phẫu thuật bằng cách nào ?" Còn báo công giáo La Croix chạy tít "Khi truyền thông trở thành một mục tiêu" và nhận định giới lãnh đạo chính trị và người biểu tình ngày càng tấn công nhiều nhà báo.

Trong khi đó, báo Libération nói về vấn nạn nhà cũ nát ở thành phố Marseille : "Marseille : Hoạt động kinh doanh nhà ổ chuột". Còn báo kinh tế Les Echos đề cập tới việc triển khai thu thuế tận gốc tại Pháp : "Thuế khấu lưu xuất hiện trên bảng lương". Số tiền thuế tạm truy thu từ gốc, kể từ tháng Giêng 2019, sẽ được ghi trên bảng lương tháng 11 của 8 triệu người làm công ăn lương.

Nhìn rộng ra Liên Hiệp Châu Âu, báo Le Figaro nhận định : "Di dân : dự án của Liên Hiệp Quốc gây chia rẽ Châu Âu".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Chủ Nhật 25/11/2018, Nga bắt giữ ba tầu chiến của Ukraine sau một cuộc va chạm giữa hải quân hai nước tại eo biển Kertch. Sự việc cho thấy Moskva đang kiểm soát gần như hoàn toàn vùng biển Azov mà Nga và Ukraine từng ký kết thỏa thuận "cùng quản lý". Câu hỏi đặt ra : Liệu biển Azov có phải là "ao nhà" của Nga, giống như Trung Quốc đang tham vọng kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông ?

azov1

Tầu của Ukraine bị Hải Quân Nga bắt giữ, cảng Kertch, ngày 26/11/2018. Reuters/Pavel Rebrov

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự cố vừa xẩy ra sẽ không đẩy Nga rơi vào trường hợp giống như Trung Quốc tại Biển Đông. Và những gì Nga đang làm tại biển Azov chỉ làm cho Trung Quốc phải mơ đến tại Biển Đông. Từ việc sáp nhập bán đảo Crimea, xây cầu nối bán đảo với lãnh thổ Nga, rồi dần dần kiểm soát eo biển Kertch và vùng biển Azov… tất cả những bước đi này của Nga chỉ gặp phải những phản ứng dè dặt từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Khác với Trung Quốc, Nga tin chắc rằng tranh chấp tại biển Azov sẽ không biến thành một thất bại ngoại giao quốc tế như những gì Trung Quốc đang hứng lấy khi đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Theo nhận định của đô đốc James Foggo, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại Châu Âu, trong một buổi hội thảo ở Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Washington, hồi tháng 10/2018, được tờ Defense News trích dẫn, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Azov.

Nếu như những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị tòa án quốc tế La Haye và nhiều nước khác bác bỏ, thì chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và biển Azov lại được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận.

Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, quy định Nga và Ukraine phải "hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển".

Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Hoa Kỳ hay nhiều nước phương Tây điều tầu chiến qua lại eo biển Kertch nhân danh "tự do lưu thông hàng hải" như tại Biển Đông, bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraine.

Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển.

Tuy nhiên, căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga và Ukraine liên quan đến eo biển, thì Kiev vẫn có thể mời tầu chiến Hoa Kỳ hay NATO ghé thăm các cảng biển nước này.

Trong khuôn khổ văn bản này, ngày 29/11/2018, tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã đề nghị các nước thành viên trong khối NATO và nhất là Đức triển khai tầu chiến tại Biển Azov nhằm hỗ trợ nước này đối phó với Nga.

Chỉ có điều một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị xem như một hành động "khiêu khích"và có nguy cơ gánh lấy những đòn trả đũa từ Nga.

Minh Anh

*****************

Vụ bắt giữ tàu Ukraine : Tổng thống Putin tố cáo đồng nhiệm Porochenko châm dầu vào lửa (RFI, 29/11/2018)

Ba ngày sau khi tuần duyên Nga bắt giữ và khám xét ba tàu chiến của Ukraine tại eo biển Kertch, ngày 28/11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin mới lên tiếng tố cáo đồng nhiệm Ukraine xúi giục gây ra sự cố và qua đó, tạo cớ để ban hành thiết quân luật, nhằm mục đích bầu cử. Ông Putin khẳng định tuần duyên Nga làm đúng nhiệm vụ của mình.

azov2

Cây cầu nối liền Nga và bán đảo Crimea tại eo biển Kerch nối biển Azov và Biển Đen. Reuters/Pavel Rebrov

Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot gửi về bài tường trình :

"Trong suốt câu trả lời giới báo chí, tổng thống Nga không lúc nào nhắc đến tên đồng nhiệm Ukraine. Ấy vậy mà theo Vladimir Putin, chính Petro Porochenko là kẻ xúi giục gây ra sự cố hàng hải xẩy ra hôm Chủ Nhật 25/11, ở ngoài khơi eo biển Kertch.

Ông Putin giải thích : Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, nguyên thủ Ukraine đang trong tình thế tồi tệ theo các cuộc thăm dò dư luận. Do vậy, ông ta cần kiếm cớ để ban hành thiết quân luật. Và tổng thống Nga tỏ ra ngạc nhiên là một sự cố ở biên giới như vậy cũng đủ để ban hành thiết quân luật ; tình trạng này không được ban bố đối với Crimea hay vùng Donbass.

Đối với Vladimir Putin, lực lượng tuần duyên Nga chỉ làm nhiệm vụ của mình qua việc bắt giữ và khám xét các tàu của Ukraine hiện diện trong vùng biển của Nga. Vẫn theo chủ nhân điện Kremlin, hồi tháng Chín vừa qua, nhiều tàu chiến của Ukraine đã đi qua eo biển Kertch bình an vô sự. Tuy nhiên, các tàu này đã tuân thủ các quy định hiện hành về lưu thông qua eo biển".

Nga thông báo triển khai tên lửa tại Crimea

Ngày 29/11, theo Reuters, bộ trưởng phụ trách Hạ tầng cơ sở Ukraine, ông Volodimir Omelian, cho biết là hai cảng, Berdiansk và Mariupol, của Ukraine ở biển Azov đã bị phong tỏa. Hơn ba chục tàu bè của Ukraine không thể hoạt động bình thường và đi qua eo biển Kertch.

Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn báo chí Đức, tổng thống Ukraine Petro Porochenko tố cáo nguyên thủ Nga Vladimir Putin muốn thôn tính toàn bộ nước Ukraine, sau khi Moskva, vào ngày 28/11, thông báo sẽ triển khai tên lửa phòng không S-400 tại bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi các nước thành viên NATO cho triển khai tàu chiến ở biển Azov để hỗ trợ Kiev trong cuộc đọ sức với Moskva.

Cũng trong ngày 29/11, theo AFP, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết là ông đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Trước đó một hôm, ông Erdogan đã lần lượt điện đàm với nguyên thủ Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết sự cố này thông qua con đường ngoại giao.

Hôm Chủ Nhật 25/11, hải quân Nga đã nổ súng, bắt giữ và khám xét ba tàu chiến của Ukraine tại eo biển Kertch, vùng biển Azov. Trong vụ này, 6 thủy thủ Ukraine bị thương. Theo Moskva, các tàu chiến Ukraine đã thâm nhập trái phép vùng biển của Nga.

RFI tiếng Việt

Published in Diễn đàn