Biển Azov : Mặt trận thứ ba của Nga và "chiến lược con lửng"
Thời sự quốc tế nổi bật nhất là về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga
Trong bài viết "Biển Azov, mặt trận thứ ba của Nga", Le Monde nhận định xung đột đóng băng có thể được làm nóng lên bằng cách mở ra mặt trận mới, và đó chính là điều Nga vừa mới thực hiện. Chủ Nhật 25/11, ba chiếc tàu của Ukraine ngoài khơi Crimea đã bị Nga nhắm bắn và bắt giữ.
Mọi việc sau đó, theo Le Monde, diễn ra đúng kiểu cổ điển. Nga tố cáo Hải quân Ukraine gây sự cố sau khi đã cân nhắc kỹ càng vì biết rằng những chiếc tàu của nước này sẽ bị Hải Quan Nga chặn xét. Trong khi đó, Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga. Ba trong số các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ đã xuất hiện trên truyền hình Nga tối hôm thứ Ba, 12 người bị xử tạm giam 60 ngày. Diễn tiến vụ việc kiểu này cũng khá quen thuộc.
Như vậy là 5 năm sau vụ ủng hộ phe nổi dậy ở quảng trường Maïdan, 4 năm rưỡi sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, rồi sau đó là cuộc chiến ở Donbass khiến 10.000 người thiệt mạng, nay Moskva đã mở mặt trận thứ ba trong cuộc chiến chống Ukraine. Lần này là nhằm thôn tính biển Azov, "không hơn, không kém".
Diễn tiến này không làm các nhà quan sát - vốn quan tâm đến tình hình ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine - ngạc nhiên. Hồi tháng 10, đặc phái viên của báo Le Monde, Benoît Vitkine, đã mô tả cặn kẽ cách mà Nga siết chặt gọng kìm quanh các cảng biển Azov của Ukraine kể từ khi Moskva cho xây trái phép cây cầu nối từ Crimea đến Nga gần eo biển Kertch. Được khánh thành hồi tháng 05, với sự hiện diện của tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều cao của cây cầu đã được tính toán kỹ để cản trở nhiều tàu vận chuyển hàng đến hai cảng của Ukraine hay đến đó nhập hàng.
Chiến lược của Nga rất rõ ràng : bóp nghẹt dần dần vùng lãnh thổ này của Ukraine bằng cách ngăn cản các hoạt động nhập hàng hay xuất khẩu qua đường biển, nhất là trong bối cảnh các trận chiến ở vùng xung đột phía bắc thành phố Mariupol khiến sân bay địa phương phải đóng cửa và vận chuyển đường bộ trở nên phức tạp.
Cách nay 2 tuần, tổ chức tư vấn European Council on Foreign Relations đã cử một nhóm công tác tới vùng biển Azov. Báo cáo của họ mang tính tiên liệu : Biển Azov có nguy cơ biến thành mặt trận thứ ba. Moskva dường như quyết tâm đẩy lui Ukraine khỏi vùng biển này, bằng cách khiến các các cảng của Ukraine ở biển Azov phải đóng cửa. Nguy cơ xảy ra một vụ đụng độ trực tiếp giữa Ukraine và Nga là có thực. Ukraine sợ rằng Nga sẽ tấn công quân sự từ phía biển, nơi mà Ukraine dễ tổn hại nhất, nhưng nguy cơ này lại không được quốc tế chú ý đúng mức.
Lời tiên đoán nói trên đã đưa ra, nhưng ngoài các nước vùng Baltic và Ba Lan, vốn thường rất nhạy cảm trước các hành động của Nga, thì "sự chú ý của quốc tế" vẫn chỉ là sự chờ đợi. Phương Tây kêu gọi hai bên xuống thang, giảm căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm kêu gọi nguyên thủ Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraine Petro Porochenko hành động hợp lý.
Trong khi đó, tổng thống Ukraine Porochenko cho thông qua thiết quân luật một tháng tại các vùng miền nam nước này. Phản ứng khá chậm, nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 28/11 đột nhiên dọa hủy cuộc gặp với đồng nhiệm Putin, dự kiến được tổ chức ở Buenos Aires, bên lề thượng đỉnh G20, vào cuối tuần này.
"Chiến lược con lửng"
Trong khi đó Nga lại cho rằng chẳng có gì xảy ra hết. Cần hòa giải ư ? Nhưng mà để làm gì ? Ngoại trưởng Nga phát biểu như vậy từ Paris hôm thứ Ba. Còn tại Berlin, trong một cuộc họp báo, Alexeï Pouchkov, chủ tịch một ủy ban của Quốc hội Nga, cho rằng cảm xúc mà vụ này tạo ra là "hơi thái quá một chút" và khẳng định "sau một tuần, mọi chuyện sẽ được quên đi".
Cách nay một năm, một chuyên gia Nga lưu ý trong một bài viết được tổ chức Carnegie ở Moskva đăng tải là chính sách đối ngoại của Nga là thực hiện "chiến lược con lửng". Con lửng vốn là loài vật "thông minh và hung dữ, nó dùng nanh và vuốt vượt quá cả sức mạnh thực sự của mình. Nó có thể tấn công các con vật ngay từ khi nhìn thấy nếu chúng là một mối đe dọa thực sự với nó, kể cả sư tử, hổ báo hay cá sấu Mỹ. Con lửng không thể giết những con vật đó, nhưng có thể đẩy lui chúng. Con lửng cũng có trí nhớ đáng ngạc nhiên : nó nhớ tất cả những con vật đã tấn công nó, và nó báo thù".
Thông điệp của tác giả nói trên cho thấy vụ việc giữa Hải quân Nga - Ukraine hôm 25/11 không phải là một sự cố. Việc Nga khám soát tàu của Ukraine là sự phô trương sức mạnh nhằm thể hiện rằng Moskva làm chủ lối vào biển Azov.
Quan chức Nga Pouchkov trấn an quốc tế rằng đó không phải là một giai đoạn thù hằn mới mà chỉ là "sự tiếp nối". Le Monde kết luận đó là một tin xấu cho Kiev và các đồng minh phương Tây của Ukraine, vì trong khi những nỗ lực của các nước này nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột ở Donbass vẫn giậm chân tại chỗ, thì Moskva không những không mở lối thoát mà ngược lại còn lao sâu hơn vào xung đột.
Đức : Nước xếp cuối bảng Châu Âu về hiến nội tạng
Trong lĩnh vực xã hội, nhìn sang nước Đức, báo công giáo La Croix cho biết "Đức muốn tăng mức cho hiến nội tạng" bằng cách thay đổi luật. Bộ trưởng Y tế Đức cho biết hiện có 10.000 bệnh nhân đang chờ được ghép nội tạng, trong khi cả năm 2017, Đức chỉ ghi nhận có 769 người đồng ý hiến nội tạng sau khi qua đời. Đức hiện đang đứng cuối bảng ở Châu Âu về tỉ lệ người hiến tặng nội tạng. Trong khi ở Tây Ban Nha và Pháp, lần lượt cứ 1 triệu dân thì có 40 người và 28 người đăng ký hiến nội tạng, thì con số này ở Đức chỉ là 9,3 người.
Theo luật hiện hành ở Đức, chính quyền chỉ cho phép dùng nội tạng của một người vừa qua đời cho các ca cấy ghép nếu khi còn sống người này đã đăng ký hiến nội tạng. Hiện mới chỉ có 36% người Đức đăng ký. Để cải thiện tình hình, bộ trưởng Y tế Đức đề xuất thông qua một đạo luật giống như đạo luật đang được áp dụng ở khoảng 20 nước Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, theo đó mỗi công dân được cho là đương nhiên sẽ hiến nội tạng sau khi qua đời, trừ khi là họ chủ động làm thủ tục ngay từ khi còn sống là sẽ không hiến nội tạng.
Đề xuất của bộ trưởng Y tế Đức sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào đầu năm 2019. Hiện nhiều người phản đối đề xuất của bộ trưởng Đức vì cho rằng làm như vậy là vi phạm "quyền tự quyết" của công dân. Sự phản đối ở các tổ chức công giáo Đức khá mạnh mẽ. Họ không muốn biến một hành động nhân văn thành một nghĩa vụ bắt buộc về pháp lý và một sự trói buộc về đạo đức. Nhiều tổ chức ủng hộ tăng ý thức về việc hiến nội tạng nhưng nhấn mạnh đó không thể là một sự bắt buộc.
Một nhóm dân biểu thì đề xuất là chính phủ phải cung cấp thông tin về việc hiến tạng, mỗi khi công dân làm một thủ tục hành chính quan trọng, chẳng hạn xin cấp lại thẻ căn cước, vừa đảm bảo công dân có quyền lựa chọn, nhưng cũng góp phần làm tăng tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người dân.
Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi
Nhìn sang Châu Á, trong bài viết "Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi", đặc phái viên của báo Libération tại Rangun nhận định ba năm sau khi bà Aung San Suu Kyi đắc cử lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, niềm hy vọng của dân chúng đã tiêu tan, các vụ vi phạm quyền tự do ngày càng nghiêm trọng. Sự thiếu hành động của đảng của bà Aung San Suu Kyi có thể khiến bà phải trả giá đắt trong kỳ bầu cử vào năm 2020.
Vụ bắt hai nhà báo Reuters chỉ là một trong số nhiều vụ nhà báo bị bắt giam, quấy rối hay sát hại dưới chế độ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Theo Athan, một tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, số phóng viên và nhà hoạt động tranh đấu bị tư pháp quấy nhiễu dưới chế độ của bà Aung San Suu Kyi đã tăng gấp ba lần so với thời tổng thống Thein Sein (2011-2016).
Lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội cho rằng "quá trình chuyển giao dân chủ đang tụt lùi và Miến Điện đang tiến gần đến một chế độ phát-xít", làn sóng tôn giáo cực đoan đang dâng cao, trong khi không ai có thể chỉ trích các quan chức Nhà nước cấp cao.
Aung Min, đạo diễn, nhà làm phim có nhiều phim bị kiểm duyệt vì nói tới các đề tài nhạy cảm, cho đặc phái viên Libération biết : "Từ sau kỳ bầu cử 2015, Miến Điện bước vào thời tuyên truyền về dân chủ, bà Aung San Suu Kyi được coi là hiện thân của nền dân chủ, vì thế bất cứ ai chỉ trích bà đều bị xếp vào diện đáng nghi".
Chỉ có rất ít nhà đối lập dám chỉ trích nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyivề sự thiếu vắng cải cách chính trị và sự thất bại của tiến trình hòa bình với các sắc tộc thiểu số. Những người ủng hộ khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1991 thì biện minh rằng công cuộc cải cách đất nước gần như là điều không thể vì phe quân sự chiếm tới 25% số ghế ở Quốc hội.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội khẳng định đảng của bà Aung San Suu Kyi vẫn chiếm đa số ở Quốc hội, nếu họ muốn thì vẫn có thể làm được nhiều điều, vấn đề là họ không chịu lắng nghe các nhà tranh đấu, nhất là giới trẻ, họ cho rằng họ biết nhiều hơn nhân dân.
Việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ mất lòng tin yêu của người dân, nhất là ở giới trẻ, đang bộc lộ ngày càng rõ nét. Không quá quan tâm đến các quyền tự do vốn bị nhiều người cho là trừu tượng, giới trẻ đặc biệt lo ngại về tình hình kinh tế, nhất là vì hệ thống ngân hàng, vốn đã có bước nhảy vọt dưới thời tổng thống Thein Sein, nay lại tụt hậu và cản trở các nhà đầu tư. Ngân sách cho quân đội còn cao hơn ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Trang nhất các báo Pháp
Về trang nhất các báo Pháp, thời sự trong nước được nhiều tờ báo quan tâm. Phong trào đấu tranh "Áo Vàng" vẫn là đề tài đáng chú ý trên trang nhất báo Le Monde : "Tổng thống Macron khó thuyết phục phong trào Áo Vàng". Le Monde cũng giành trang nhất cho hồ sơ thiết bị cấy ghép y khoa đang làm rúng động dư luận, với câu hỏi "Giới công nghiệp len vào phòng phẫu thuật bằng cách nào ?" Còn báo công giáo La Croix chạy tít "Khi truyền thông trở thành một mục tiêu" và nhận định giới lãnh đạo chính trị và người biểu tình ngày càng tấn công nhiều nhà báo.
Trong khi đó, báo Libération nói về vấn nạn nhà cũ nát ở thành phố Marseille : "Marseille : Hoạt động kinh doanh nhà ổ chuột". Còn báo kinh tế Les Echos đề cập tới việc triển khai thu thuế tận gốc tại Pháp : "Thuế khấu lưu xuất hiện trên bảng lương". Số tiền thuế tạm truy thu từ gốc, kể từ tháng Giêng 2019, sẽ được ghi trên bảng lương tháng 11 của 8 triệu người làm công ăn lương.
Nhìn rộng ra Liên Hiệp Châu Âu, báo Le Figaro nhận định : "Di dân : dự án của Liên Hiệp Quốc gây chia rẽ Châu Âu".
Thùy Dương