Tuần này, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thi nhau bày tỏ sự oán giận giới mà về lý thuyết là đầy tớ của họ.
Dư luận nói rằng căn biệt thự của đại tá Lê Văn Tam là do Phan Văn Anh Vũ tặng.
Xét về logic, oán giận kẻ… dưới là một nghịch lý. Thế nhưng bên cạnh nghịch lý này còn thêm một nghịch lý nữa : Dù oán giận dâng cao nhưng giới mà về lý thuyết được xem là chủ hoàn toàn… bất lực !
***
Đầu tuần này, Đại tá Lê Văn Tam "vời" báo giới đến nói chuyện. Có thể là ông Đại tá Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng tin rằng, hệ thống truyền thông chính thức sẽ giúp ông "giải độc dư luận". Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, cáo buộc ông nhận từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") một biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng, dẫu chỉ lan truyền trên mạng xã hội cũng hết sức tai hại cho cả "sự nghiệp chính trị" lẫn "sinh mạng chính trị" của ông.
Tuy "lưỡi không xương" - đã phủ nhận biệt thự có diện tích tới 1.000 mét vuông, tọa lạc trong Europe Village mà gia đình ông sở hữu có dính dáng tới Vũ "nhôm", thậm chí đã khẳng định, đang suy nghĩ xem có nên đề nghị hệ thống công quyền điều tra, xử lý "thông tin có tính bịa đặt" này hay không. Song Đại tá Tam không thể giải thích tại sao ông chỉ là sĩ quan công an, vợ chỉ là giáo viên mà có thể tạo lập một biệt thự song lập trong khu dân cư được xem là sang trọng nhất Đà Nẵng.
Nỗ lực "giải độc dư luận" của Đại tá Tam không chỉ bất thành mà còn phản tác dụng.
Qua tờ Tuổi Trẻ, một tiến sĩ tên là Nguyễn Hoàng Chương trình bày tính toán của ông, theo đó, thu nhập tối đa của một viên chức trong hệ thống công quyền ở Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng, muốn tạo lập bất động sản có giá trị 100 tỉ đồng thì phải mất… 277 năm, vậy mà không ít viên chức đang là chủ khối tài sản khổng lồ cỡ như vậy. Ông Chương kể rằng, ông đã thử vào google, lấy "biệt phủ" (danh từ mà công chúng, báo giới ở Việt Nam thường dùng để mô tả các tư gia nguy nga, lộng lẫy của giới đầy tớ ở Việt Nam) làm "keyword" để tra thông tin thì chỉ cần 0,49 giây đã tìm thấy 4,92 triệu đề mục ! Ông Chương gọi thực tế vừa kể là nghịch lý, là nguyên nhân dấy lên những bất bình, mỉa mai của dân chúng.
Tuy xác định những viên chức thủ đắc, sở hữu các khối tài sản khổng lồ là bất chính, là bán mình cho quỷ, đề cập đến lòng tự trọng, sự liêm chính nhưng nhìn chung ông Chương bày tỏ suy nghĩ của ông hết sức chừng mực. Báo chí chính thức luôn luôn như thế, thậm chí không muốn cũng phải giữ cho được sự chừng mực như thế giống như "giữ con ngươi trong mắt mình".
Mạng xã hội thì khác…
Từ đề nghị của Lợi Mai Phan - dùng năm từ để diễn đạt theo hướng hài hóa lý do các viên chức có trăm tỉ, tạo lập "biệt phủ" - Văn Song Nguyễn khái quát : Tiền của dân cả đấy ! Nguyễn Tiến góp vào, đó là : Không từ một thứ gì ! Xuan Hoang thì bảo đó là : Thế thì chỉ có cướp ! Vinh Tran nhận định đó là : Cướp không có đối lập ! Đơn Thương Độc Mã thì bỡn cợt : Hồng phúc của nhân dân. Đặt mình vào vị trí viên chức, Peter PeterTran Tran đề nghị : Ơn cái ổ tò vò. Tương tự, Trần Văn Thắng cho rằng, đó là : Ơn Đảng, ơn Chính phủ !...
Cũng đã có những facebooker như Thương Nguyễn Thị kêu gọi Đại tá Tam công khai hóa nguồn gốc số tiền ông kiếm được để tạo lập biệt thự song lập trong Europe Village. Theo hướng một số viên chức đã bị lộ từng chọn để biện bạch về nguồn gốc tài sản (làm vườn, nuôi heo, bện chổi, chạy xe ôm, nhận thừa kế…), Tuan Anh Vu đề nghị Đại tá Tam nên giải thích là "trúng số". Minh Tran thì khuyên chỉ nên giải thích chung chung rằng "nhờ các… biện pháp nghiệp vụ". Sông Chu hiến kế, Đại tá Tam nên chọn lý do đó là thu nhập từ "nhặt rác ngoài giờ". Bởi Đại tá Tam là dân Quảng Nam, thành đạt ở Đà Nẵng và có lẽ là đồng hương của ông Tam, Phong Nguyễn phỏng đoán, có thể Đại tá Tam sẽ chọn lý do "vác đá mướn ở Ngũ Hành Sơn" để giải thích tại sao ông giàu… Dường như chẳng còn lòng dạ nào để đùa, Lại Thành Long than, rừng vàng, biển bạc cần bảo tồn thì không giữ được, lũ súc sinh này không cần bảo tồn mà sao lắm vậy ?…
Giữa lúc mũi dùi của dư luận và công luận đang chĩa vào Đại tá Tam, Trần Hồng Tiệm khuyến cáo, có một câu hỏi khác đúng hơn, cần nêu ra là Ủy viên nào của Bộ chính trị, Ủy viên nào của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không có "biệt phủ" ? Tại sao tất cả họ đều giàu và nguồn gốc những khối tài sản khổng lồ ấy từ đâu mà có ? Không nêu câu hỏi ấy thì chuyện trở thành vô nghĩa.
Chưa biết lúc nào thì dân chúng nhập cuộc, điều tra - trưng bày thông tin, hình ảnh về tài sản là "bề nổi" của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như gợi ý của Trần Hồng Tiệm nhưng ít nhất trong tuần này, ngoài Đại tá Tam được dư luận bày lên… đĩa, còn có ít nhất một viên chức khác, dẫu chức vụ không cao nhưng tài sản đủ làm thiên hạ choáng váng đã được chọn - giới thiệu trên facebook…
Chỉ qua ba tấm ảnh, Trương Châu Hữu Danh làm nhiều người sững sờ về tư gia của ông Trần Ngọc Quang - cựu Chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Hồi còn tại nhiệm, ông Quang là người thúc giục kiểm lâm, công an săn lùng lâm tặc. Trước lúc nghỉ hưu, ông bắt đầu xây tư dinh toàn bằng danh mộc (căm xe, cà chít) ngay bên cạnh Hạt Kiểm lâm Ea Súp. Ông Quang khoe, ông phải thuê thợ mộc từ miền Trung lên để dựng tư dinh, tạo tác vật dụng trong nhà từ danh mộc gỗ (hương, cẩm lai), công việc kéo dài suốt ba năm. Tư dinh của ông Quang không chỉ lớn nhất huyện Ea Súp mà còn là dinh thự thuần túy bằng gỗ lớn nhất Tây Nguyên. Danh than, anh ở Long An, mỗi khi có khách, Danh thường dẫn họ đi thăm "Nhà Trăm cột" - một di tích văn hóa cấp quốc gia và cũng là một trong những niềm tự hào của dân Long An. "Nhà Trăm cột" vốn là tư gia của một đại điền chủ - siêu giàu, được dựng khi rừng còn bạt ngàn nhưng sau khi tham quan dinh thự bằng gỗ của ông Quang, Danh thấy "Nhà Trăm cột" xứ mình chỉ là… "muỗi" !
Bên ngoài căn nhà của ông Trần Ngọc Quang. Ảnh: PLO
Danh nói thêm, tháng vừa qua, anh đã đi khắp Tây Nguyên, từ Đắk Nông sang Đắk Lắk, tới Gia Lai, Kon Tum rồi qua Lâm Đồng, dù đã có lệnh đóng cửa rừng, chỗ nào cũng thấy rừng bị triệt phá, gỗ từ rừng vẫn ào ạt chảy đi các nơi… Có vào rừng mới thấy, lâm tặc là thành phần dưới đáy xã hội. Lệnh đóng cửa rừng chỉ làm "chi phí bôi trơn" tăng lên, thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Ở thành phố Buôn Ma Thuật hiện không thiếu những ngôi nhà gỗ trị giá hàng triệu Mỹ kim. Chủ nhân những ngôi nhà ấy không phải là những doanh nhân siêu giàu mà là các viên chức.
Dư luận về dinh thự bằng gỗ của ông Quang từng buộc Tỉnh ủy Đắk Lắk phải kiểm tra. Vì ông Quang sử dụng đến 153 mét khối gỗ bất hợp pháp nên Tỉnh ủy Đắk Lắk nhìn nhận "không thể xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự". Tuy nhiên Tỉnh ủy Đắk Lắk không chuyển hồ sơ cho công an. Công an không có căn cứ để khởi tố thành ra… huề ! Danh cho rằng, trước giờ, hàng lậu thường được xử lý bằng cách đốt, có lẽ ông Quang nên đốt dinh thư bằng gỗ của mình rồi giơ tay chịu trói để làm gương.
Đọc xong status của Danh, Johny Duong chửi thề vì "nhà cán bộ kiểu này thì rừng trọc hết là phải". DL Ngọc Hiền thắc mắc : Chắc mấy thằng này coi chánh phủ như bù nhìn ! Và tự trả lời luôn : Ờ mà cũng giống bù nhìn thiệt ! Đêm Trường Trung Cổ ủng hộ chuyện nên đốt dinh thự bằng gỗ của ông Quang vì thứ đó không phải đầy tớ. Đó là ông cố nội của dân. Minh Hang kết luận, đó chính là lý do tại sao dân ghét quan chức. Cứ nhắc tới là thấy căm phẫn.
***
Trong bài viết gửi cho tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Chương cảnh báo, dân chúng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chạy chức - tham nhũng - bòn rút - phung phá tài nguyên, những người yếu thế vẫn lầm lũi đi dưới bóng nợ nần, thiếu hụt và khi họ ngước mặt lên để lau vội mồ hôi, nước mắt, những biệt phủ nguy nga đập vào mắt họ ! Vô hình trung, họ bị ức chế trong suy nghĩ, rách nát trong trái tim, nông nổi trong hành vi...
Dường như ông Chương chưa tuyệt vọng, vẫn còn hy vọng vào khả năng "làm rõ trắng đen". Làm sao có thể "làm rõ trắng đen" khi chính ông cũng thấy, kê khai tài sản - thu nhập chỉ là thủ tục và "chính sự vô cảm ấy, dung túng ấy, thỏa hiệp ấy đã làm mọc lên thêm những biệt phủ".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/04/2018
Những đề nghị, quyết định kỷ luật, thậm chí tống giam để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự một cữu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam như ông Đinh La Thăng cho thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) vẫn tiếp tục xem hàng trăm triệu người Việt như một lũ đần !
Biệt phủ Yên Bái của Phạm Sỹ Quý.
***
Tuần rồi, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố rộng rãi hàng loạt đề nghị kỷ luật đảng viên cao cấp, chẳng hạn ông Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam)…
Đầu tuần này, từ đề nghị của Ủy ban Kiểm tra, Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định tước bỏ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà ông Phạm Văn Vọng đã… từng mang trước khi nghỉ hưu. Tước bỏ tất cả chức vụ trong Đảng cộng sản Việt Nam của ông Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa).
Ông Thanh, ông Thu, ông Toàn, bị đề nghị kỷ luật, ông Vọng, ông Tuấn vừa bị kỷ luật đều vì lựa chọn, bổ nhiệm những (chứ không phải một) cá nhân mà bây giờ được xem là bất xứng. Ông Lê Phước Hoài Bảo (con ông Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư) hoặc bà Trần Vũ Quỳnh Anh (cựu Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, đã được "qui họach" làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa) chỉ là các ví dụ.
Những câu hỏi kiểu như :
- Tại sao lại dùng ngân khố trang trải cho ông Bảo du học ngoại quốc rồi lấy lý do ông Bảo có học vị thạc sĩ để bổ nhiệm ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư ( ?), dù từ bé đến lớn, ông Bảo chỉ đi học và tuy chỉ là công chức trong một thời gian rất ngắn nhưng ông Bảo vẫn đủ khả năng làm chủ một trong những biệt thự sang trọng nhất ở thành phố Tam Kỳ ?..
- Hay tại sao bà Trần Vũ Quỳnh Anh có thể "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" từ vị trí một tạp vụ đến vị trí lãnh đạo một trong những bộ phận quan trọng nhất của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, thậm chí đã được sắp xếp để trở thành một trong những lãnh đạo của sở này ( ?), rồi nguồn tiền nào giúp bà Quỳnh Anh sở hữu hàng loạt biệt thự, căn hộ sang trọng ở Thanh Hóa, Hà Nội, chưa kể những chiếc xe hơi trị giá hàng chục tỉ đồng ( ?), ai sắp xếp cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc để hệ thống công quyền không thể truy cứu về nguồn gốc tài sản của bà Anh, ai tác động để Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả lại toàn bộ hồ sơ công chức cho bà Quỳnh Anh, ai tổ chức để bà Quỳnh Anh ra ngoại quốc định cư để cuối cùng, chỉ có thể xác định trách nhiệm – kỷ luật một mình ông Tuấn ?...
… giờ không cần phải trả lời nữa. Các đề nghị kỷ luật và các quyết định kỷ luật đã xóa toàn bộ những ván cờ gay cấn ! Thực thi công lý mà chỉ nửa chừng thì nên gọi là gì ?
***
Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, đề nghị kỷ luật những Thanh, Thu, Toàn, Bảo,… hoặc quyết định kỷ luật những Vọng, Tuấn,… hay tống giam để điều tra, truy cứu trách nhiệm một số cá nhân như Đinh La Thăng và thuộc hạ… chỉ có một mục tiêu : Mị dân !
Sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố đề nghị kỷ luật ông Thanh, ông Thu, ông Toàn vì lựa chọn, bổ nhiệm ông Bảo – con ông Toàn – làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam vi phạm nghiêm trọng các qui định hiện hành, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An, bảo với báo giới rằng, "tổ chức Đảng cũng như từng cá nhân liên quan đến việc đề bạt ông Bảo không thể trốn tránh trách nhiệm" nên ông Sự - cựu Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam, người đã từng bỏ phiếu đề bạt ông Bảo, "sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng". Ông Sự nhấn mạnh, sự liên đới về trách nhiệm là thứ "không thể chối bỏ được".
Bởi ông Sự đã nhắc đến "quy định của Đảng" thành ra nên nhắc lại một chút về các qui định này. Năm 1992, Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam từng ban hành Quyết định 44/QĐ-TW về quản lý cán bộ. Theo quyết định này thì những cá nhân như Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng công thương), Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam),… do Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam quản lý. Những cá nhân như Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam), Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa),… do Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quản lý. Tuy nhiên cho đến giờ này, các cá nhân là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư vẫn tự xem là họ vô can.
Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó đã là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị" là một trong ba "vấn đề cấp bách, cần làm ngay".
Tuy nhiên chưa bao giờ, ông Trọng – nhân vật đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2011 và trước nay, vẫn được ca ngợi như cá nhân dẫn đầu công cuộc "chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng" - lên tiếng thừa nhận, đủ loại sai phạm nghiêm trọng mà những thành viên cao cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã hội là trách nhiệm của cá nhân ông.
22222222222222222
Scandal Trần Vũ Quỳnh Anh trên báo Đất Việt.
Chẳng lẽ ông Trọng hoàn toàn vô can trong việc ông Thăng ung dung bước vào Bộ Chính trị sau khi phá banh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trị giá 5 tỉ Mỹ kim, rồi biến các dự án phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT trở thành một nan đề chưa tìm ra lời giải ? Chẳng lẽ ông Trọng không hề liên đới về trách nhiệm dẫu ông Vọng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng lúc làm Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhưng vẫn được Bộ Chính trị điều động về Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra – chuyên giám sát, thẩm tra việc thực thi các "qui định của Đảng" ?
Đâu chỉ có ông Trọng và các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những "ông" như Trịnh Văn Chiến (Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa), những "bà" như Phạm Thị Thanh Trà (bí thư Tỉnh ủy Yên Bái),… cũng vô sự. Cứ cho là công chúng "lệch lạc" khi nhận định ông Chiến mới là "nhân vật chính", tạo ra scandal Trần Vũ Quỳnh Anh và bà Trà hoàn toàn "công tâm" khi bổ nhiệm em trai – kẻ từng bị bắt quả tang đánh bạc – làm Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, tạo điều kiện cho em trai trở thành tỉ phú một cách bất minh, giờ có thể hợp pháp hóa hàng chục ngàn mét vuông đất đã thủ đắc bất hợp pháp,… song chẳng lẽ ông Chiến, bà Trà – những người đứng đầu hệ thống chính trị, điều khiển hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, Yên Bái không bị chi phối bởi "qui định của Đảng" ?
***
Rõ ràng là chưa bao giờ đảng viên cao cấp bị kỷ luật nhiều như hai năm gần đây. Dẫu tần suất kỷ luật lẫn mức độ "minh bạch" (liên tục phát hành "thông cáo báo chí") đều cao hơn hẳn so với trước nhưng con đường từ những sự kiện đó đến… nghiêm minh còn xa.
Vậy thì việc đề nghị kỷ luật, kỷ luật hàng loạt đảng viên cao cấp, kể cả lần đầu tiên truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị rồi công bố rộng rãi nhằm mục đích gì ? Cách nay hai tháng, ông Trọng từng tiết lộ lý do lúc phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12, tất cả nhằm làm "dân tin", có như vậy thì "chế độ ta", "đảng ta" mới… còn.
Cho rằng chỉ chừng đó mà đủ làm "dân tin" thì rõ ràng "chế độ ta", "đảng ta" vẫn xem dân như một đám nhẹ dạ, dễ gạt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/12/2017
Mấy ngày qua, khi dư luận như sôi lên về chuyện phát hiện các "biệt phủ" lộng lẫy của một số quan chức, một người bạn vốn là dân làm du lịch lâu năm nhanh nhạy nói với tôi : "Cái món này coi bộ làm du lịch được à…".
Dinh cơ của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái.
Theo anh thì các "biệt phủ" này thừa tiêu chuẩn để trở thành những "sản phẩm du lịch" ăn khách.
Thứ nhất là về độ nguy nga tráng lệ. Lấy điển hình như biệt phủ của giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sĩ Quý chẳng hạn, có mấy dinh thự của vua chúa hay công tử ngày xưa như vua Bảo Đại, vua Mèo hay công tử Bạc Liêu có thể sánh bằng ? Với diện tích bạt đồi rộng đến 13.000m2, có hồ nước, cầu dây văng, có hồ bơi, sân chơi thể thao, nhà hàng… thì so với quần thể này, dinh thự của công tử Bạc Liêu chắc chỉ xứng là một nhà khách nhỏ bé.
Khác với các cái tên thông dụng khác như là biệt thự hay dinh thự của những người giàu có, các công trình kiến trúc này có cái tên mới là "biệt phủ", một cái tên gợi nhớ đến thời quan lại cát cứ với câu định ngữ "cung vua phủ chúa". Gọi là "biệt phủ" còn bởi chúng còn chứa những bí ẩn, những giai thoại, những "chuyện cổ tích" xoay quanh việc xây dựng nên chúng.
Quả thật, chính sự kỳ bí như có sự giúp đỡ của ông "thần đèn" trong truyện cổ tích để xây dựng nên các "biệt phủ" mà thanh tra các cấp đang "vào cuộc" để kiểm tra, như tỉnh Yên Bái đang thanh tra biệt phủ của giám đốc công an tỉnh Yên Bái Đặng Trần Chiêu hay Thanh tra chính phủ kiểm tra tài sản của ông Phạm Sĩ Quý. Như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã nêu nghi ngờ, thì với đồng lương của quan chức cấp tỉnh thì dù có cả trăm năm nhịn ăn nhịn mặc cũng không thể xây nổi các "biệt phủ" "hoành tá tràng" đến thế.
Các "biệt phủ" vì thế đã đáp ứng tiêu chuẩn thứ hai của một sản phẩm du lịch, đó là việc các dinh thự đền đài phải gắn với các giai thoại, huyền thoại. Có thể dẫn chứng như giai thoại về việc "chạy xe ôm thâu đêm suốt sáng" thời trẻ tích luỹ để xây "biệt phủ" của ông Nguyễn Sĩ Kỷ, phó Ban nội chính tỉnh uỷ Đắk Lắk ; hay giai thoại về việc "thời còn trẻ đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, có lúc lạc ngủ trong rừng" của ông Phạm Sĩ Quý…
Đó là các giai thoại, các "huyền thoại khởi nghiệp" của quan chức mà có lẽ chỉ có ở nước ta. Những người đang chạy xe ôm truyền thống hay Grab, Uber chắc phải xấu hổ khi nghe câu chuyện trên vì cứ mãi nghèo và đánh nhau để tranh giành khách mà không khá nổi. Và những người phụ nữ bán chổi đót, chổi lông gà hẳn phải nên hy vọng có ngày sẽ xây được "biệt phủ"…
Còn có những giai thoại khác về các biệt phủ, như việc những con đường công cộng tự dưng uốn cong một cách "kỳ diệu" để dẫn thẳng vào "biệt phủ" của quan chức, như vụ làm đường từ tỉnh lộ vào "biệt phủ" ông Phạm Thanh Hà, Uỷ viên Ban thường vụ tỉnh uỷ tỉnh Kon Tum, trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum ; hay vụ làm đường nhựa "cong mềm mại" vào biệt thự ông Hà Hải Dương, chủ tịch thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.
Điều kỳ lạ nữa là các biệt phủ này "bỗng dưng" lại đua nhau mọc lên trên cả nước, lộng lẫy nguy nga đến thế nhưng thật khó khăn để phát hiện. Chưa từng có một "biệt phủ" nào được các cấp thanh tra, kiểm tra phát hiện trước mà việc khám phá ra chúng chỉ do dư luận, công luận phát hiện để rồi sau đó mới có những sự "vào cuộc" thanh kiểm tra. Kỳ lạ hơn nữa, như có một "lời nguyền", một số người phát hiện ra chúng lại thường dính vào những "nghi án" nào đó, như vụ phát hiện biệt phủ ở Bến Tre mấy năm trước hay ở Yên Bái hiện nay.
Tiêu chuẩn thứ ba, theo anh bạn giám đốc công ty du lịch của tôi, thì các "biệt phủ" này phải được "trưng dụng" nếu có sai phạm về đạo đức công chức, để có thể trở thành một địa điểm du lịch công cộng nhằm nhắc nhở tới một bài học lịch sử nào đó. Anh lấy ví dụ như việc trưng dụng các di tích của thời phong kiến, tư sản, các di tích chiến tranh… cho du lịch.
Theo tôi thì tiêu chuẩn thứ ba này chắc khó trở thành hiện thực, bởi khó có cuộc thanh kiểm tra nào có hy vọng mang lại kết quả đó. Có muốn làm du lịch như sáng kiến của anh thì may ra phải chờ lúc các quan chức ấy về hưu, "hạ cánh", mở "tua" cho bà con tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng các "biệt phủ" của mình…
Đoàn Đạt
Nguồn : Một Thế Giới, 02/07/2017