Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam : Thị trường tử thần của người Việt buôn người Việt

Vì sao Úc hết sợ Trung Quốc ? Vụ án đường dây buôn người Việt Nam sang Anh Quốc, Donald Trump dốc toàn lực với hy vọng lật ngược thế cờ, Vladimir Putin đối mặt với khủng hoảng ven biên trong bối cảnh kinh tế Nga suy thoái là những chủ đề của mục điểm báo hôm nay.

buon01

Nhân viên điều tra chung quanh chiếc xe tải đông lạnh bên trong có thi thể 39 người Việt, được khám phá tại Grays (Anh Quốc), ngày 23/10/2019.  Ảnh minh họa (VietnamNet)

Trước hết, đại dịch Covid-19 tràn lan trên trang nhất. Macron sẵn sàng siết chặt thêm các biện pháp trói buộc. Đi trước các đồng nghiệp, Les Echos dự báo nội dung thông điệp của tổng thống Pháp vào chiều thứ Tư 14/10/2020. Đợt tấn công thứ hai của virus corona đến nhanh và mạnh hơn tiên liệu, buộc tổng thống phải lên tuyến đầu. Tại Anh Quốc, các tỉnh phía bắc trong đó có Liverpool, bị xếp vào vùng "nguy hiểm". Đông Âu cũng chung một số phận đặc biệt là Cộng hòa Czech. La Croix trình bày các phương thức xét nghiệm mới mà chính phủ đang chuẩn bị để đối phó với đợt dịch thứ hai đến cùng một lúc với dịch cúm mùa đông.

Le Monde tập trung vào hai hệ quả ngoài y tế : Khủng hoảng làm dấy lên cuộc tranh luận có nên giảm thuế cho người giàu để khuyến khích đầu tư tại Pháp. Ngay trước mắt, thành phần thiệt thòi nhất là giới quán bar giải khát, ở vùng báo động đỏ bị thất thu.

Thị trường tử thần : Vụ án 39 di dân Việt Nam chết ngạt trong xe tải

Liên quan tới Việt Nam, trong bối cảnh vụ xử đường dây buôn người, làm 39 thanh niên nam nữ Việt Nam chết ngạt trên xe đông lạnh bắt đầu diễn ra tại Luân Đôn, Le Monde dành hai trang dài tường thuật thảm kịch xảy ra cách nay một năm, dựa theo kết quả điều tra của cảnh sát Anh, Pháp, Bỉ.

Câu chuyện bắt đầu từ đêm 22 rạng sáng 23 tháng 10 năm 2019 khi 39 di dân Việt Nam, tất cả quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình bước lên chiếc xe vận tải đông lạnh ở Bierne, một làng quê thuộc khu công nghệ ở miền bắc nước Pháp. Hôm sau, thi thể của 39 người được phát hiện tại Waterglade, một khu công nghệ khác bên Anh. Nạn nhân không chết vì lạnh mà chết vì ngộp thở, hệ thống điều hòa bị cắt.

Thảm kịch gây chấn động quốc tế vì đường dây buôn người được tổ chức quy mô từ Việt Nam, Trung Quốc qua tới Bỉ, Pháp và Anh, có cả một hệ thống cung cấp hộ chiếu Trung Quốc, tài xế xe taxi ở Pháp hám lợi đã bao nhiêu lần qua mắt cảnh sát biên phòng Châu Âu. Anh, Pháp, Bỉ và Ailen thành lập cơ quan điều tra với 1.300 nhân viên đặc trách. Nhưng phiên tòa tại Anh không phải là vụ xử duy nhất. Tại Việt Nam, 7 can phạm bị kết án tù hồi tháng 9, tư pháp Pháp, Bỉ cũng bắt nhiều người trong mùa hè vừa qua.

Xin lược bớt chi tiết, điều mà các nhà điều tra nắm được là đường dây này vẫn tiếp tục được kích hoạt, với một mạng lưới đa dạng nhưng tựu chung theo các con đường nhập cư hợp pháp của dân đi lao động xuất khẩu từ miền bắc Việt Nam đi Đông Âu thời Liên Xô cũ.

Cảnh sát Pháp phát hiện một đường dây nhà hàng Châu Á ở miền nam nước Pháp, từ Lyon đến tận biên giới Tây Ban Nha, sử dụng một số di dân trong nhóm 39 nạn nhân, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cho đến khi họ đủ tiền trang trải chi phí. Créteil, ngoại ô Paris, cũng là nơi mà 20 trong số 39 nạn nhân được mạng lưới buôn người tổ chức cho tạm trú từ vài tháng đến vài năm trước khi lên chiếc xe tải định mệnh.

Định mệnh, như người cha của nạn nhân trẻ nhất, than trách : Phải chi ông không trốn sang Anh để đoàn tụ với vợ thì con trai của ông đâu có liều lĩnh làm gì ?

Như tường thuật của Le Monde, biết đâu kết cục đã đổi khác, nếu cảnh sát tới sớm khi được bà cụ ở địa phương báo động ? Nếu hai cô gái trẻ hẹn giúp cho cảnh sát thông tin cần thiết ? Nếu chiếc xe vận tải thứ hai đến đúng giờ thì 39 di dân đâu có dồn lên một chiếc…

Nhưng câu hỏi then chốt là vì sao họ ra đi trong khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới ?

Theo linh mục Nguyễn Đức Thăng, giáo xứ Việt Nam ở Luân Đôn, đặc trách lo cho gia đình nạn nhân thì thảm họa Formosa, tên công ty Đài Loan thải hóa chất ra biển vào năm 2016, làm 200.000 ngư dân tiêu tan sự nghiệp là một lý do. Nhưng theo linh mục, không thể bài trừ đường dây buôn người như Tây phương đang làm mà phải giải quyết nạn di dân từ nguồn cội : Thảm họa môi trường, chế độ tham nhũng, nghèo khó, không có tự do. Phải làm như người thợ ống nước, phải bịt lỗ hỏng trước đã.

Để rộng đường công luận, Le Monde trích quan điểm của Luke Holmes, một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ tại Oxford, về di dân Việt Nam. Luke Holmes nhìn nhận nghèo khó là một nguyên nhân nhưng lý do thứ hai là vì giới trẻ khi thấy "làng tỷ phú" ở Nghệ An thì nghĩ rằng các ngôi biệt thự này là bằng chứng rõ ràng là có thể làm giàu khi di cư ra nước ngoài.

Năm 2018, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về là 15,9 tỷ đôla, tương đương với 6,6% GDP.

Úc- Trung : "Tiểu quốc" thách thức "đại quốc" ?

Vì sao nước Úc trong thời gian gần đây tỏ thái độ cương cường ăn miếng trả miếng với Trung Quốc từ thương mại cho đến địa chiến lược ? Nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, liệu có tác động gì đến quan hệ Canberra-Bắc Kinh hay không ? Câu trả lời trên trang quốc tế của Le Figaro.

Theo nhật báo thiên hữu, từ nhiều tháng nay, gần như không ngày nào không có thông tin đào sâu thêm mối bất hòa giữa Trung Quốc và Úc.

Thứ Hai vừa qua, có tin Bắc Kinh chỉ thị cho các công ty luyện kim ngưng nhập than đá của Úc. Tuần trước, ngoại trưởng Úc Marise Payne, phụ họa với 40 quốc gia khác lên án Trung Quốc ngược đãi dân Duy Ngô Nhĩ.

Với 25 triệu dân, "tiểu quốc" Úc dường như hết sợ làm Trung Quốc bất bình.

Từ chuyện đòi phải điều tra nguồn cội siêu vi gây đại dịch từ Vũ Hán cho đến chuyện hồi tháng 8, Bộ Tài chính Úc dùng quyền phủ quyết không cho tập đoàn sữa Trung Quốc mua công ty Úc Lion Dairy vì đi ngược lại quyền lợi quốc gia, theo giải thích của bộ trưởng Úc.

Vài hôm sau, thủ tướng Scott Morrison thông báo ý định rà soát lại khoảng 100 thỏa thuận ký kết giữa các bang của Úc, các đại học, các thành phố Úc với "đối tác nước ngoài" cũng với lý do "quyền lợi quốc gia". Trong tầm nhắm của chính phủ Úc là thỏa thuận mà bang Victoria ký với Trung Quốc vào năm 2019 trong khuôn khổ "con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc.

Tại sao Úc dám chơi bạo như thế ? Le Figaro đặt câu hỏi. Theo chuyên gia Úc Richard McGregor, bởi vì lãnh vực kinh tế trọng yếu của Úc, kim loại và than đá, không bị Trung Quốc đe dọa. Cả hai đều cần nhau, lệ thuộc vào nhau.

Cơ quan quản lý mỏ quặng của Úc cũng thẩm định là trong trung hạn, không có gì đáng lo.

Trong cuộc chiến tranh cân não này, Trung Quốc còn lên án Úc đi theo chính sách của Mỹ mà theo chuyên gia Richard McGregor cũng có một phần sự thật. Washington gây áp lực rất mạnh với Canberra. Thủ tướng Scott Morrison cũng không hợp với tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nếu Joe Biden có đắc cử đi nữa thì quan hệ Úc-Trung, cũng theo Richard McGregor, có thể ổn định nhưng không có nghĩa là "được cải thiện".

Miến Điện vẫn không bình yên

Libération cho biết xung đột võ trang giữa quân đội chính phủ và các nhóm ly khai ở miền tây bùng dậy. Không quân, pháo binh được huy động. Gần 100 ngàn dân của 180 ngôi làng phải tản cư.

Đây là một cuộc chiến âm thầm nhưng ngày càng lan rộng và sôi động. Lực lượng Arakan và quân chính phủ đang mặc cả với nhau qua các trận đánh lớn. Lệnh phong tỏa vì Covid-19, kiểm duyệt internet, đường sá hiểm trở không cho phép giới quan sát nắm vững tình hình tại chỗ. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền, qua hình ảnh vệ tinh, biết được phần nào những gì đang xảy ra và tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Quân đội Miến Điện vẫn theo kịch bản cũ đối xử với người Rohingya để trấn áp tại bang Rakhine : tấn công làng mạc, tra tấn, cưỡng hiếp …

Ngày 14/09 vừa qua, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michèle Bachelet tố cáo các hành động mà bà gọi là "những tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, một lần nữa tái dễn tại Miến Điện".

Donald Trump, Vladimir Putin : mỗi người một mối lo

Tổng thống Mỹ, tổng thống Nga có lẽ đang ăn không ngon ngủ không yên. Donald Trump đánh lá bài cuối cùng trong cuộc đua tái ký hợp đồng 4 năm ở Nhà Trắng, trong khi chủ nhân điện Kremlin đối mặt với tình trạng kinh tế suy sụp và bất ổn ngày càng nhiều ở các nước ven biên.

Theo Le Monde, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay không còn "lực lượng cử tri trừ bị" như thời 2016. Lúc đó ông có lá phiếu của phụ nữ. Giờ đây, Donald Trump chỉ có thể trông cậy vào hai cơ may : Một là cử tri da trắng bình dân đi bầu thật đông đảo, đông hơn năm 2016. Thứ nhì là nhờ lá phiếu của đại cử tri mà cách phân phối theo từng bang như hiện nay, bất lợi cho đảng Dân Chủ. Như Hillary Clinton năm 2016, và nhiều trường hợp khác như trong cuộc đọ sức George W Bush và Al Gore năm 2000, phe Cộng hòa thua về phiếu nhưng lại đông đại cử tri hơn phe đối thủ nên chiến thắng.

Tổng thống Nga lo gì ?

Nước Nga của Putin tiếp tục suy thoái kinh tế mặc dù chủ nhân điện Kremlin khẳng định đang từng bước phục hồi. Le Monde đơn cử nhiều chỉ dấu. Cụ thể là tập đoàn Rosneft, nội lực dầu khí của Nga, giảm lợi nhuận đến 80%, công nghiệp sản xuất -7%, thất nghiệp và nạn nghèo khó gia tăng. Chỉ trong quý hai, thêm 1,2 triệu người Nga gia nhập đạo quân 20 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó tức 1 trên 7 người dân.

Hệ quả là lời hứa thanh toán cho 50% dân (hết) nghèo vào năm 2024 được tổng thống xin triển hạn cho đến 2030.

Trong khi đó, tình hình bất ổn ở các nước ngoại vi cũng là một gánh nặng cho Putin. Le Figaro với tựa : "Moskva đối mặt với bất ổn ở các nước gần", La Croix : "Vladimir Putin gần như vô kế khả thi đối với khủng hoảng từ Belarus, Thượng Karabakh đến Kirghizstan". Cái khó cho chính quyền Nga là dân chúng các nước láng giềng có cùng khát vọng, ước mơ một chế độ trong sạch, tôn trọng quyền con người.

Bắc Triều Tiên trưng bày tên lửa mới nhưng chưa thử nghiệm

Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa chưa thử nghiệm nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, trước bầu cử Mỹ, Bình Nhưỡng tránh mọi hành động khiêu khích nhưng sau đó sẽ dùng sức mạnh để trắc nghiệm tổng thống mới. Trong trường hợp Joe Biden thắng, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục bị trừng phạt và do vậy sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Kim Jong-un lo ngại nhưng đó là một thực tế. Do vậy, Kim chờ sau bầu cử sẽ tung lá bài hạt nhân để thăm dò ý định của chủ nhân Nhà Trắng lúc đó.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Nghèo, lao động trẻ em, buôn bán người ở Việt Nam là tựa bài báo tiếng Anh trên tờ ASEAN Post hôm 21/9 vừa qua.

doingheo1

Trẻ em đánh giầy trên phố ở Hà Nội hôm 15/11/2006 / AFP - Ảnh minh họa

Bài báo khiến người ta liên tưởng đến cái mắt xích, cái vòng luẩn quẩn giữa nghèo với lao động thiếu nhi và tệ nạn buôn bán người, không riêng ở Việt Nam mà cả những nước Đông Nam Á khác, là nhận định của bà Diệp Vương, Chủ tịch tổ chức Pacific Links - Vòng Tay Thái Bình, hoạt động tại Việt Nam hơn 2 thập niên qua :

"Mình phải thấy chuyện chênh lệch giàu nghèo là vấn đề. Việc trẻ em nghèo phải bỏ học sớm để đi làm là cái khổ tâm vì chúng tôi có những chương trình học bổng và chúng tôi biết năm nay là năm các em bỏ học nhiều hơn những năm vừa qua. Tại vì gia đình nào mà mất việc thì cũng nghĩ con ở nhà phải đi kiếm việc mà không biết rằng trong toàn cảnh dịch COVID bây giờ việc làm không có. Thành ra có bỏ học đi kiếm việc cũng không ra. Đây là lúc phải tăng cường hỗ trợ đối với người nghèo để bảo vệ cho họ thoát chuyện trở thành nô lệ, trở thành nạn nhân bị mua bán".

Bài báo trên ASEAN Post hôm thứ Hai 21/9 đã nhắc lại sự kiện kinh hoàng hồi tháng 10/2019, gọi là "Cái chết trong xe tải ở Essex", với 39 thi thể đông cứng mà nhà chức trách sở tại khẳng định là 39 người Việt trên đường đi chui vào nước Anh để kiếm việc làm.

Theo bà Diệp Vương, cả thảy 39 người xấu số đều có điểm xuất phát chung từ vùng nghèo Nghệ An miền Trung, được một đường dây buôn người đưa ra khỏi nước với điểm đến sau cùng là Anh quốc :

"Số tiền họ phải trả là 11.000 đô la/người để có một ghế trong cuộc đánh cược với từ thần. Mười một ngàn đô la này là giá từ quảng đường qua Anh thôi, chứ còn tổng số tiền đi từ Việt Nam qua Anh khoảng chừng 30.000 bảng Anh tức 40.000 đô la".

Báo ASEAN Post cũng nêu tên một bản phúc trình hồi tháng 3/2019, có tên Precarious Journey, Hành trình gian khổ, do ECPAT UK – tổ chức chuyên hỗ trợ làm việc với nạn nhân buôn người, cùng với Anti Slavery International - Quốc Tế Phòng Chống Nô Lệ và Pacific Links - Vòng Tay Thái Bình phối hợp thực hiện.

doingheo2

Hình chụp hôm 20/10/2018 : những người ở trên một căn nhà nổi ở kênh Xuyên Tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh / AFP

Kết quả điều tra từ phúc trình này cho thấy chỉ tính trong vòng một năm rưỡi trở lại, trên 3.100 người lớn và trẻ vị thành niên Việt Nam đã bị bán qua Anh, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Ba Lan để lao động chui tức không có giấy tở hợp pháp.

Đó là chuyện năm ngoái, còn năm nay, theo bà Diệp Vương, vì đại dịch kéo dài nên có vẻ những đường dây đưa người ra khỏi nước bằng máy bay đang tạm dừng lại :

"Tuy nhiên việc mua bán người bằng đường bộ thực sự đang trên đà tăng lên. Vấn nạn xảy ra ngày 11/9 vừa qua là bộ đội biên phòng Lào Cai chận bắt hai mươi mấy người bị đưa bán qua biên giới. Đồng thời, chính những chủ Trung Quốc sử dụng lao động Việt Nam trái phép, khi không có việc làm nữa thì họ lại đi kêu công an Trung Quốc tới xúc mấy người này thảy trở về Việt Nam. Trong số người bị đẩy trở về như vậy cũng có rất nhiều cô gái đã bị bán qua Trung Quốc, bị lạm dụng tình dục, và bị những gia đình mua những cô này thảy các cô trở về. Hậu quả của Covid đối với người nghèo càng nặng nể hơn".

Vì nghèo mà trở thành nạn nhân của buôn người thì có nhưng không hoàn toàn đúng, là nhận định của ông Georges Blanchard, giám đốc ATT Liên Minh Chống Buôn Người hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 :

"Nói chung nghèo là lý do, nhưng có người không nghèo, nghĩa là có nhà, có đất mà muốn đi để có nhiều tiền hơn. Tôi thấy phụ nữ nghèo mới là nạn nhân, con của người ta còn nguy cơ hơn nữa. Đối với tôi là có trường hợp bị mua bán và trường hợp tự đi".

Cô Tăng Thị Duyên Hồng, tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change do cô sáng lập để hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, cho rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam là có, báo chí và chính quyền cũng thừa nhận và cũng có nhiều vụ việc được tiếp cận một cách công khai như câu chuyện "Cái chết trong xe tải ở Essex" mà báo ASEAN Post nói đến :

"Hầu hết đều nói rằng nguyên nhân là đói nghèo, nhưng theo tôi nguyên nhân không phải là đói nghèo mà chính xác hơn là nỗi ám ảnh về sự đói nghèo. Cụ thể như vụ 39 người chết chẳng hạn, họ có nhà có cửa, thậm chí nhà rất to chứ không phải túp lều tranh của người nhất định phải ra khỏi sự đòi nghèo".

"Vậy thì cái ám ảnh về sự đói nghèo là vấn nạn chung của hầu hết người Việt Nam, đặc biệt những người vùng Thanh-Nghệ Tĩnh có truyền thống, có câu chuyện và có những bài vè về đói nghèo nó ám vào tâm trí rằng họ là nghèo đói và phải vượt qua bằng mọi giá".

"Có thể thấy rõ ở những làng quê của tỉnh Nghệ An, nạn buôn người hay đúng hơn là những người chủ động trở thành nạn nhân của nạn buôn người, chủ động để bị bán đi sang Anh. Còn ở miền Tây là hôn nhân sắp đặt, gả con gái cho người Trung Quốc, người Đài Loan, người Hàn Quốc, chủ động cho con trở thành nạn nhân buôn người, nghĩa là chủ động bị bán đi. Mỗi lần gả bán đó thì phụ huynh kiếm được một khoản tiền".

Cùng với buôn người thì lao động trẻ em, theo ASEAN Post, cũng phải được nêu lên như một vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam.

Kết quả từ chương trình Khảo sát quốc gia về Lao động trẻ em mà Hà Nội khởi động hồi 2012 cho thấy Việt Nam có hơn 1,7 triệu trẻ lao động với 85% là trẻ ở nông thôn, và trên 1/3 phải làm việc trên 42 giờ/tuần.

Đây là cuộc khảo sát do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Trong một lần trao đổi với RFA, bà Võ Kim Hiền, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm, Viện Khoa học lao động và xã hội từng nhận định rằng :

"Đối với các trẻ em sống trong gia đình nghèo thì việc đi kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Ở Việt Nam có hiện tượng trẻ đi kiếm sống sớm thì các em đã bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại và thủ đoạn bóc lột ngày càng tinh vi hơn. Vấn đề là không thể để trẻ em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm".

Còn theo bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trong một đất nước phát triển, gia đình có khả năng nuôi con thì 18 là độ tuổi hợp pháp để có thể làm việc :

"Thực tế ở Việt Nam là con còn nhỏ vẫn phải đồng ý cho nó đi làm để kiếm tiền, thậm chí còn bắt con đi làm. Nhưng bây giờ bảo họ phải chấp hành theo quy định của luật thì gia đình họ lấy gì sống ? Mình có can thiệp nuôi được gia đình họ không ? Có những cái mà luật phải tùy tình hình thực tế nên phải có những áp dụng cho phù hợp để người dân có thể thực thi mà không vi phạm quy định pháp luật".

Tuy nhiên theo ASEAN Post, công bằng mà nói thì Việt Nam đã thực hiện nhiều bước tích cực nhằm giảm thiểu số lượng trẻ dưới tuổi vị thành niên.

Bài báo dẫn số liệu của Tổ chức Bảo vệ trẻ em Save The Children, cho thấy số trẻ lao động ở Việt Nam từ 67% năm 2000 đã giảm dần xuống còn 28% 2 thập niên qua và nay đang ở mức 9%.

Ngoài việc phê chuẩn các công ước của tổ chức Lao Động Quốc Tế ILO. Việt Nam còn là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên thế giới đã ký tên vào Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1990.

Tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam phê duyệt Công Ước số 182 liên quan các hình thức lao động thiếu nhi tồi tệ nhất (năm 1999).

Đến 2003, Việt Nam phê duyệt Công ước 138, qui định tuổi làm việc tối thiểu (năm 1973).

Năm 2015, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, để tới 2020 sẽ không còn nạn trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm.

Việt Nam cũng thành công nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, tăng cường ý thức về nạn buôn người, đầu tư mạnh vào giáo dục và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em trong vài năm trở lại đây, là đánh giá của ASEAN Post.

Chủ tịch Vòng Tay Thái Bình, bà Diệp Vương, đồng ý với nhận xét của ASEAN Post :

"Thực sự trong thời gian qua chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều và cũng có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên trong đại dịch này thì sự quan tâm về kinh tế sẽ đưa tới chuyện không quan tâm đúng mức đối với nguy cơ buôn người. Hiện thời chuyện quan trọng nhất là nâng cao ý thức vì nếu không họ sẽ liều mạng, sẽ dấn thân hơn là biết có nguy cơ này".

Đối với ông George Blanchard của Liên Minh Phòng Chống Buôn Người, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chống nạn buôn người, vấn đề là :

"Tôi làm ở Việt Nam từ 1992 nên là tôi có được kinh nghiệm gần 30 năm. So với nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á phải nói Việt Nam là phát triển tốt, chắc chắn phải có thay đổi, phải có thành công. Nói chung là có tiến bộ nhưng vẫn chưa ổn, quan trọng là giáo dục phòng ngừa về nguy cơ xâm hại tình dục, về nguy cơ buôn bán người"

"Luật pháp Việt Nam không có vấn đề, cán bộ và công an không thiếu, người ta biết tất cả, biết rất rõ, vấn đề là có người không muốn làm. Người ta đã tập huấn vấn đề buôn bán người với Thái Lan 30 năm rồi, làm hay không muốn làm là chuyện khác".

Theo kết luận của ASEAN Post, muốn xóa sạch nạn buôn người mà nhất là buôn bán trẻ em, Việt Nam phải kiên trì xóa nghèo, phải làm sao cho người dân nhập tâm và nhận thức rằng trường học là nơi trẻ được bảo vệ, học tập và vui chơi chứ không phải môi trường làm việc bên ngoài học đường.

Luật Phòng Chống Mua Bán Người của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29/03/2011, tiếp đó được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2012.

Kế tiếp là Luật Trẻ Em, được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực ngày 1/6/2017. Đến năm 2018 luật được sửa đổi, bổ sung một số điều khoản để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 22/09/2020

Published in Diễn đàn

Cái chết thương tâm của 39 người Việt ở Anh Quốc đã làm sáng tỏ vấn đề trầm trọng về buôn bán người từ lâu của Việt Nam.

buon0

Bà Hoàng Thị Ái giơ điện thoại cho coi bức ảnh của con trai Hoàng Văn Tiệp, người có thể là một trong những nạn nhân

Nạn buôn người là một vấn đề lớn ở Việt Nam. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán vì nhiều lý do, bao gồm khai thác tình dục và lao động, nô lệ trong nước và một loạt các hoạt động bóc lột khác.

Các nhóm chống nô lệ đã cảnh báo trong nhiều năm về sự gia tăng của tình trạng đưa lậu người Việt Nam vào Vương quốc Anh, nhưng không có kết quả. Nhưng bây giờ thế giới đã chứng kiến một thảm kịch tàn khốc và đau lòng chiếu rọi vào nạn nhân buôn người Việt Nam. 39 người được tìm thấy đã chết trong thùng container của một chiếc xe tải ở Anh, và đây là vụ án giết người lớn nhất trong lịch sử của cảnh sát Essex. Ngay sau đó, đã có xác nhận của cảnh sát rằng tất cả 39 người đã chết trong thùng đông lạnh là người Việt Nam trên hành trình nhập cảnh lậu vào nước này.

Khi Theresa May làm bộ trưởng nội vụ, bà đã thông qua Đạo luật nô lệ hiện đại, có hiệu lực vào năm 2015. Luật mới này nhằm chống lại chế độ nô lệ và tăng án tù giam tối đa cho những người phạm tội từ 14 năm tù đến chung thân. BộNội vụ của Vương quốc Anh ước tính vào thời điểm đó có khoảng 10.000 đến 13.000 người ở Vương quốc Anh là nạn nhân của nạn buôn người.

Đã có sự gia tăng đáng kể số nạn nhân Việt Nam bị buôn người vào Anh Quốc, từ 135 năm 2012 đến 739 năm 2018. Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu trên thế giới về số người bị buôn bán vào Vương quốc Anh trong 6 năm qua. Những kẻ buôn người đưa trẻ em và người lớn đi lao động hoặc khai thác tình dục từ Việt Nam đến các quốc gia như Nga, Đức hoặc Pháp trước khi đến Vương quốc Anh.

Khi viết báo cáo với tư cách chuyên gia cho nhiều khách hàng khác nhau, tôi có cơ hội nghe câu chuyện về một cậu bé Việt Nam tên là Tú, bị đưa lậu vào Anh để làm việc trong một trang trại cần sa lúc 10 tuổi. Tú bị nhốt, đánh đập, và buộc phải dùng thuốc gây nghiện. Cháu bị buộc phải làm việc trong điều kiện khủng khiếp, đôi khi phải chịu đựng sự lạm dụng thể xác hoặc tình dục. Và Tú chỉ là một trong số hàng ngàn trẻ em bị buôn bán từ Việt Nam đến Vương quốc Anh.

Những đứa trẻ đó đã thực hiện một hành trình dài, vất vả bao gồm đi bộ đường dài hoặc bám đằng sau những chiếc xe tải. Đôi khi phải mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm để thanh niên Việt Nam đến Vương quốc Anh. Những đứa trẻ này đang bị lạm dụng và khai thác trong thời gian quá cảnh qua ít nhất tám quốc gia ở Châu Âu, và tất cả bị buộc phải làm việc trong thời gian này.

Các băng đảng tội phạm cũng đưa phụ nữ Việt Nam đến Châu Âu để bán dâm và khai thác tình dục, thường được giấu trong các tiệm mát xa và trung tâm làm đẹp. Phụ nữ cũng bị đưa lậu vào để làm việc nhà, họ phải làm việc trong nhiều năm để trả nợ.

Một phụ nữ Việt Nam, 29 tuổi, bị buôn bán sang Trung Quốc để khai thác tình dục. Cô buộc phải cưới một ông già tàn tật. Cô bị giam trong một căn phòng nhỏ và không được phép liên lạc với những người bên ngoài vì chồng cô sợ cô sẽ trốn thoát. Cuối cùng cô đã trốn thoát và trở về Việt Nam, mang theo vết thương và nước mắt. Đã tám năm kể từ khi băng đảng buôn cô đến Trung Quốc, nhưng những cảnh tượng kinh hoàng này không thể xóa nhòa trong ký ức nạn nhân.

Các nạn nhân của nạn buôn người thường là từ các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Những người này nghèo, dễ bị tổn thương và xuất thân từ những gia đình tan vỡ. Họ thiếu giáo dục cũng như nhận thức về buôn bán người, và dễ dàng bị dụ dỗ với những lời chào về công việc tốt.

Những kẻ buôn người ngày càng sử dụng Internet, các trang web chơi game và đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội để dụ nạn nhân tiềm năng vào các tình huống dễ bị biến thành nạn nhân của buôn người. Đàn ông thường lôi kéo phụ nữ và cô gái trẻ có mối quan hệ hẹn hò trực tuyến và thuyết phục họ di chuyển ra nước ngoài, sau đó cưỡng bức họlao động hoặc buôn bán tình dục. Những kẻ cho vay nặng nãi có mối liên hệ chặt chẽ với nạn nhân của nạn buôn người và thường đóng vai trò là kẻ môi giới. Những kẻ buôn người thường lợi dụng sự ràng buộc nợ nần để kiểm soát nạn nhân của họ, vì các nạn nhân thường bị dụ dỗ bằng những lời hứa về cơ hội kiếm tiền. Những kẻ buôn người cũng đe dọa các gia đình của họ ở trong nước để đảm bảo các nạn nhân tiếp tục hợp tác.

Mặc dù có những thành tựu đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo vẫn không ngừng tăng lên ở Việt Nam trong những năm gần đây. Lao động trẻ và tầng lớp trung lưu phải chịu chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và Việt Nam có hàng triệu hộ gia đình nghèo. Giới trẻ tuổi đang vật lộn để kiếm sống và nhiều người có những khoản nợ đáng kể. Năm 2018, GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Việt Nam là 2.563 USD tính đến năm 2018 theo Ngân hàng Thế giới. Nghèo đói khiến những người trẻ tuổi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài.

Một khi nạn nhân được đưa đến Anh, các băng đảng tội phạm Việt Nam hoạt động tại đây buộc các nạn nhân phải làm việc, thường là trồng cần sa, nhà thổ và nhà hàng. Các băng đảng buôn người đưa ra một khoản phí lớn để đưa người lậu từ Việt Nam vào Vương quốc Anh và sau đó chúng buộc nạn nhân phải làm việc để trả nợ. Có nguồn tin nói rằng những kẻ buôn người tính phí khoảng 25.000 bảng để buôn lậu người từ Việt Nam đến Vương quốc Anh.

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cảnh báo các nạn nhân tiềm năng rằng mối nguy hiểm đã rõ ràng : Không nghe những người nói với bạn rằng có thể đưa bạn đến Vương quốc Anh bằng con đường lậu và giúp bạn kiếm tiền làm việc bất hợp pháp. Ông cảnh báo nên nhận thức được những rủi ro và đừng trở thành nạn nhân.

Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với buôn bán người. Chính phủ Việt Nam hiện đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc nâng cao nhận thức về nạn nhân buôn người. Chính quyền Việt Nam cũng đã bắt giữ một số kẻ buôn người liên quan đến những cái chết thê thảm ở Vương quốc Anh.

Mặc dù Việt Nam đang có những nỗ lực đáng kể để chống nạn buôn người, nhưng chính phủ Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người, theo Báo cáo buôn bán người của Anh Quốc năm 2019. Báo cáo cho thấy các quan chức của Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã và thôn, tạo điều kiện cho nạn buôn người hoặc khai thác nạn nhân bằng cách nhận hối lộ từ những kẻ buôn người, xem nhẹ nạn buôn người và tống tiền để đổi lấy sự đoàn tụ củanạn nhân với gia đình của họ. 

Một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy gần một phần ba số người đã hối lộ cho công chức tại Việt Nam. Theo khảo sát tương tự, cảnh sát ở Việt Nam là những người tham nhũng nhất trong số 12 ngành được khảo sát trong cả nước. Tham nhũng tiếp tục lan rộng ở Việt Nam, làm phức tạp các nỗ lực quét sạch nạn buôn người.

Đại đa số nạn nhân buôn người trước đây không muốn tố cáo những kẻ buôn người cho chính quyền địa phương. Họ lo lắng về sự trả thù từ các băng đảng tội phạm có tổ chức và cũng sợ những kẻ buôn người sẽ buộc tội họ là đồng phạm trong tội này.

Trong khi đó, ngay cả sau khi trở về nhà, những nạn nhân cũ của nạn buôn người vẫn gặp khó khăn trong việc bắt đầulại cuộc sống và hòa nhập trở lại với cộng đồng tại Việt Nam. Những nạn nhân buôn người trước đây, những người thường xuyên phải chịu đựng sự lạm dụng thể xác và tình dục, phải đối mặt với những kỳ thị ghê gớm trong xã hội Việt Nam. Thái độ tiêu cực từ hàng xóm cũng có thể ngăn cản họ hợp tác với chính quyền địa phương hoặc cung cấp thông tin về những kẻ buôn người. Do đó, là một phần trong nỗ lực chung, chính quyền Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn cho nạn nhân buôn người thông qua tài trợ cho các nhà tạm trú, dịch vụ tái hòa nhập, hỗ trợ trị liệu, hỗ trợ pháp lý và tài chính và giáo dục.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thừa nhận những vấn đề hiện tại, bao gồm thiếu nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân. Chính quyền cũng thừa nhận không giúp đỡ những nạn nhân không có giấy tờ tùy thân cần thiết khi trở về Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, chính quyền Việt Nam cần chi nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề buôn người đang diễn ra. Hiện tại, chính phủ đã hạn chế các biện pháp bảo vệ cho các nạn nhân cũ của nạn buôn người. Chính quyền Việt Nam cũng cần giúp đỡ để tất cả các nạn nhân của nạn buôn người trên khắp Việt Nam tái hoà nhập cộng đồng một cách hiệu quả, cả ở nông thôn và thành thị, sử dụng các chương trình tái hòa nhập dài hạn. Các tổ chức phi chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng và chung tay hỗ trợ các nạn nhân.

Đây là những giải pháp thực sự cho chính phủ Việt Nam để chống lại vấn đề buôn người. Nếu không, cái chết thương tâm của 39 người Việt Nam sẽ là vô ích.

Thoi Nguyen

Nguyên tác : Vietnam’s Human Trafficking Problem Is Too Big to Ignore, The Diplomat, 08/11/2019

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 16/11/2019

Thời Nguyễn là nghị viên ở Chatham House và là thành viên của tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh.

Published in Diễn đàn