Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/10/2020

Điểm báo Pháp - Thị trường tử thần của người Việt buôn người Việt

RFI tiếng Việt

Việt Nam : Thị trường tử thần của người Việt buôn người Việt

Vì sao Úc hết sợ Trung Quốc ? Vụ án đường dây buôn người Việt Nam sang Anh Quốc, Donald Trump dốc toàn lực với hy vọng lật ngược thế cờ, Vladimir Putin đối mặt với khủng hoảng ven biên trong bối cảnh kinh tế Nga suy thoái là những chủ đề của mục điểm báo hôm nay.

buon01

Nhân viên điều tra chung quanh chiếc xe tải đông lạnh bên trong có thi thể 39 người Việt, được khám phá tại Grays (Anh Quốc), ngày 23/10/2019.  Ảnh minh họa (VietnamNet)

Trước hết, đại dịch Covid-19 tràn lan trên trang nhất. Macron sẵn sàng siết chặt thêm các biện pháp trói buộc. Đi trước các đồng nghiệp, Les Echos dự báo nội dung thông điệp của tổng thống Pháp vào chiều thứ Tư 14/10/2020. Đợt tấn công thứ hai của virus corona đến nhanh và mạnh hơn tiên liệu, buộc tổng thống phải lên tuyến đầu. Tại Anh Quốc, các tỉnh phía bắc trong đó có Liverpool, bị xếp vào vùng "nguy hiểm". Đông Âu cũng chung một số phận đặc biệt là Cộng hòa Czech. La Croix trình bày các phương thức xét nghiệm mới mà chính phủ đang chuẩn bị để đối phó với đợt dịch thứ hai đến cùng một lúc với dịch cúm mùa đông.

Le Monde tập trung vào hai hệ quả ngoài y tế : Khủng hoảng làm dấy lên cuộc tranh luận có nên giảm thuế cho người giàu để khuyến khích đầu tư tại Pháp. Ngay trước mắt, thành phần thiệt thòi nhất là giới quán bar giải khát, ở vùng báo động đỏ bị thất thu.

Thị trường tử thần : Vụ án 39 di dân Việt Nam chết ngạt trong xe tải

Liên quan tới Việt Nam, trong bối cảnh vụ xử đường dây buôn người, làm 39 thanh niên nam nữ Việt Nam chết ngạt trên xe đông lạnh bắt đầu diễn ra tại Luân Đôn, Le Monde dành hai trang dài tường thuật thảm kịch xảy ra cách nay một năm, dựa theo kết quả điều tra của cảnh sát Anh, Pháp, Bỉ.

Câu chuyện bắt đầu từ đêm 22 rạng sáng 23 tháng 10 năm 2019 khi 39 di dân Việt Nam, tất cả quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình bước lên chiếc xe vận tải đông lạnh ở Bierne, một làng quê thuộc khu công nghệ ở miền bắc nước Pháp. Hôm sau, thi thể của 39 người được phát hiện tại Waterglade, một khu công nghệ khác bên Anh. Nạn nhân không chết vì lạnh mà chết vì ngộp thở, hệ thống điều hòa bị cắt.

Thảm kịch gây chấn động quốc tế vì đường dây buôn người được tổ chức quy mô từ Việt Nam, Trung Quốc qua tới Bỉ, Pháp và Anh, có cả một hệ thống cung cấp hộ chiếu Trung Quốc, tài xế xe taxi ở Pháp hám lợi đã bao nhiêu lần qua mắt cảnh sát biên phòng Châu Âu. Anh, Pháp, Bỉ và Ailen thành lập cơ quan điều tra với 1.300 nhân viên đặc trách. Nhưng phiên tòa tại Anh không phải là vụ xử duy nhất. Tại Việt Nam, 7 can phạm bị kết án tù hồi tháng 9, tư pháp Pháp, Bỉ cũng bắt nhiều người trong mùa hè vừa qua.

Xin lược bớt chi tiết, điều mà các nhà điều tra nắm được là đường dây này vẫn tiếp tục được kích hoạt, với một mạng lưới đa dạng nhưng tựu chung theo các con đường nhập cư hợp pháp của dân đi lao động xuất khẩu từ miền bắc Việt Nam đi Đông Âu thời Liên Xô cũ.

Cảnh sát Pháp phát hiện một đường dây nhà hàng Châu Á ở miền nam nước Pháp, từ Lyon đến tận biên giới Tây Ban Nha, sử dụng một số di dân trong nhóm 39 nạn nhân, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cho đến khi họ đủ tiền trang trải chi phí. Créteil, ngoại ô Paris, cũng là nơi mà 20 trong số 39 nạn nhân được mạng lưới buôn người tổ chức cho tạm trú từ vài tháng đến vài năm trước khi lên chiếc xe tải định mệnh.

Định mệnh, như người cha của nạn nhân trẻ nhất, than trách : Phải chi ông không trốn sang Anh để đoàn tụ với vợ thì con trai của ông đâu có liều lĩnh làm gì ?

Như tường thuật của Le Monde, biết đâu kết cục đã đổi khác, nếu cảnh sát tới sớm khi được bà cụ ở địa phương báo động ? Nếu hai cô gái trẻ hẹn giúp cho cảnh sát thông tin cần thiết ? Nếu chiếc xe vận tải thứ hai đến đúng giờ thì 39 di dân đâu có dồn lên một chiếc…

Nhưng câu hỏi then chốt là vì sao họ ra đi trong khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới ?

Theo linh mục Nguyễn Đức Thăng, giáo xứ Việt Nam ở Luân Đôn, đặc trách lo cho gia đình nạn nhân thì thảm họa Formosa, tên công ty Đài Loan thải hóa chất ra biển vào năm 2016, làm 200.000 ngư dân tiêu tan sự nghiệp là một lý do. Nhưng theo linh mục, không thể bài trừ đường dây buôn người như Tây phương đang làm mà phải giải quyết nạn di dân từ nguồn cội : Thảm họa môi trường, chế độ tham nhũng, nghèo khó, không có tự do. Phải làm như người thợ ống nước, phải bịt lỗ hỏng trước đã.

Để rộng đường công luận, Le Monde trích quan điểm của Luke Holmes, một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ tại Oxford, về di dân Việt Nam. Luke Holmes nhìn nhận nghèo khó là một nguyên nhân nhưng lý do thứ hai là vì giới trẻ khi thấy "làng tỷ phú" ở Nghệ An thì nghĩ rằng các ngôi biệt thự này là bằng chứng rõ ràng là có thể làm giàu khi di cư ra nước ngoài.

Năm 2018, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về là 15,9 tỷ đôla, tương đương với 6,6% GDP.

Úc- Trung : "Tiểu quốc" thách thức "đại quốc" ?

Vì sao nước Úc trong thời gian gần đây tỏ thái độ cương cường ăn miếng trả miếng với Trung Quốc từ thương mại cho đến địa chiến lược ? Nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, liệu có tác động gì đến quan hệ Canberra-Bắc Kinh hay không ? Câu trả lời trên trang quốc tế của Le Figaro.

Theo nhật báo thiên hữu, từ nhiều tháng nay, gần như không ngày nào không có thông tin đào sâu thêm mối bất hòa giữa Trung Quốc và Úc.

Thứ Hai vừa qua, có tin Bắc Kinh chỉ thị cho các công ty luyện kim ngưng nhập than đá của Úc. Tuần trước, ngoại trưởng Úc Marise Payne, phụ họa với 40 quốc gia khác lên án Trung Quốc ngược đãi dân Duy Ngô Nhĩ.

Với 25 triệu dân, "tiểu quốc" Úc dường như hết sợ làm Trung Quốc bất bình.

Từ chuyện đòi phải điều tra nguồn cội siêu vi gây đại dịch từ Vũ Hán cho đến chuyện hồi tháng 8, Bộ Tài chính Úc dùng quyền phủ quyết không cho tập đoàn sữa Trung Quốc mua công ty Úc Lion Dairy vì đi ngược lại quyền lợi quốc gia, theo giải thích của bộ trưởng Úc.

Vài hôm sau, thủ tướng Scott Morrison thông báo ý định rà soát lại khoảng 100 thỏa thuận ký kết giữa các bang của Úc, các đại học, các thành phố Úc với "đối tác nước ngoài" cũng với lý do "quyền lợi quốc gia". Trong tầm nhắm của chính phủ Úc là thỏa thuận mà bang Victoria ký với Trung Quốc vào năm 2019 trong khuôn khổ "con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc.

Tại sao Úc dám chơi bạo như thế ? Le Figaro đặt câu hỏi. Theo chuyên gia Úc Richard McGregor, bởi vì lãnh vực kinh tế trọng yếu của Úc, kim loại và than đá, không bị Trung Quốc đe dọa. Cả hai đều cần nhau, lệ thuộc vào nhau.

Cơ quan quản lý mỏ quặng của Úc cũng thẩm định là trong trung hạn, không có gì đáng lo.

Trong cuộc chiến tranh cân não này, Trung Quốc còn lên án Úc đi theo chính sách của Mỹ mà theo chuyên gia Richard McGregor cũng có một phần sự thật. Washington gây áp lực rất mạnh với Canberra. Thủ tướng Scott Morrison cũng không hợp với tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nếu Joe Biden có đắc cử đi nữa thì quan hệ Úc-Trung, cũng theo Richard McGregor, có thể ổn định nhưng không có nghĩa là "được cải thiện".

Miến Điện vẫn không bình yên

Libération cho biết xung đột võ trang giữa quân đội chính phủ và các nhóm ly khai ở miền tây bùng dậy. Không quân, pháo binh được huy động. Gần 100 ngàn dân của 180 ngôi làng phải tản cư.

Đây là một cuộc chiến âm thầm nhưng ngày càng lan rộng và sôi động. Lực lượng Arakan và quân chính phủ đang mặc cả với nhau qua các trận đánh lớn. Lệnh phong tỏa vì Covid-19, kiểm duyệt internet, đường sá hiểm trở không cho phép giới quan sát nắm vững tình hình tại chỗ. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền, qua hình ảnh vệ tinh, biết được phần nào những gì đang xảy ra và tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Quân đội Miến Điện vẫn theo kịch bản cũ đối xử với người Rohingya để trấn áp tại bang Rakhine : tấn công làng mạc, tra tấn, cưỡng hiếp …

Ngày 14/09 vừa qua, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michèle Bachelet tố cáo các hành động mà bà gọi là "những tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, một lần nữa tái dễn tại Miến Điện".

Donald Trump, Vladimir Putin : mỗi người một mối lo

Tổng thống Mỹ, tổng thống Nga có lẽ đang ăn không ngon ngủ không yên. Donald Trump đánh lá bài cuối cùng trong cuộc đua tái ký hợp đồng 4 năm ở Nhà Trắng, trong khi chủ nhân điện Kremlin đối mặt với tình trạng kinh tế suy sụp và bất ổn ngày càng nhiều ở các nước ven biên.

Theo Le Monde, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay không còn "lực lượng cử tri trừ bị" như thời 2016. Lúc đó ông có lá phiếu của phụ nữ. Giờ đây, Donald Trump chỉ có thể trông cậy vào hai cơ may : Một là cử tri da trắng bình dân đi bầu thật đông đảo, đông hơn năm 2016. Thứ nhì là nhờ lá phiếu của đại cử tri mà cách phân phối theo từng bang như hiện nay, bất lợi cho đảng Dân Chủ. Như Hillary Clinton năm 2016, và nhiều trường hợp khác như trong cuộc đọ sức George W Bush và Al Gore năm 2000, phe Cộng hòa thua về phiếu nhưng lại đông đại cử tri hơn phe đối thủ nên chiến thắng.

Tổng thống Nga lo gì ?

Nước Nga của Putin tiếp tục suy thoái kinh tế mặc dù chủ nhân điện Kremlin khẳng định đang từng bước phục hồi. Le Monde đơn cử nhiều chỉ dấu. Cụ thể là tập đoàn Rosneft, nội lực dầu khí của Nga, giảm lợi nhuận đến 80%, công nghiệp sản xuất -7%, thất nghiệp và nạn nghèo khó gia tăng. Chỉ trong quý hai, thêm 1,2 triệu người Nga gia nhập đạo quân 20 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó tức 1 trên 7 người dân.

Hệ quả là lời hứa thanh toán cho 50% dân (hết) nghèo vào năm 2024 được tổng thống xin triển hạn cho đến 2030.

Trong khi đó, tình hình bất ổn ở các nước ngoại vi cũng là một gánh nặng cho Putin. Le Figaro với tựa : "Moskva đối mặt với bất ổn ở các nước gần", La Croix : "Vladimir Putin gần như vô kế khả thi đối với khủng hoảng từ Belarus, Thượng Karabakh đến Kirghizstan". Cái khó cho chính quyền Nga là dân chúng các nước láng giềng có cùng khát vọng, ước mơ một chế độ trong sạch, tôn trọng quyền con người.

Bắc Triều Tiên trưng bày tên lửa mới nhưng chưa thử nghiệm

Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa chưa thử nghiệm nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, trước bầu cử Mỹ, Bình Nhưỡng tránh mọi hành động khiêu khích nhưng sau đó sẽ dùng sức mạnh để trắc nghiệm tổng thống mới. Trong trường hợp Joe Biden thắng, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục bị trừng phạt và do vậy sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Kim Jong-un lo ngại nhưng đó là một thực tế. Do vậy, Kim chờ sau bầu cử sẽ tung lá bài hạt nhân để thăm dò ý định của chủ nhân Nhà Trắng lúc đó.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 579 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)