Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2020

Vòng lẩn quẩn đói nghèo, lao động trẻ em và buôn người ở Việt Nam

Thanh Trúc

Nghèo, lao động trẻ em, buôn bán người ở Việt Nam là tựa bài báo tiếng Anh trên tờ ASEAN Post hôm 21/9 vừa qua.

doingheo1

Trẻ em đánh giầy trên phố ở Hà Nội hôm 15/11/2006 / AFP - Ảnh minh họa

Bài báo khiến người ta liên tưởng đến cái mắt xích, cái vòng luẩn quẩn giữa nghèo với lao động thiếu nhi và tệ nạn buôn bán người, không riêng ở Việt Nam mà cả những nước Đông Nam Á khác, là nhận định của bà Diệp Vương, Chủ tịch tổ chức Pacific Links - Vòng Tay Thái Bình, hoạt động tại Việt Nam hơn 2 thập niên qua :

"Mình phải thấy chuyện chênh lệch giàu nghèo là vấn đề. Việc trẻ em nghèo phải bỏ học sớm để đi làm là cái khổ tâm vì chúng tôi có những chương trình học bổng và chúng tôi biết năm nay là năm các em bỏ học nhiều hơn những năm vừa qua. Tại vì gia đình nào mà mất việc thì cũng nghĩ con ở nhà phải đi kiếm việc mà không biết rằng trong toàn cảnh dịch COVID bây giờ việc làm không có. Thành ra có bỏ học đi kiếm việc cũng không ra. Đây là lúc phải tăng cường hỗ trợ đối với người nghèo để bảo vệ cho họ thoát chuyện trở thành nô lệ, trở thành nạn nhân bị mua bán".

Bài báo trên ASEAN Post hôm thứ Hai 21/9 đã nhắc lại sự kiện kinh hoàng hồi tháng 10/2019, gọi là "Cái chết trong xe tải ở Essex", với 39 thi thể đông cứng mà nhà chức trách sở tại khẳng định là 39 người Việt trên đường đi chui vào nước Anh để kiếm việc làm.

Theo bà Diệp Vương, cả thảy 39 người xấu số đều có điểm xuất phát chung từ vùng nghèo Nghệ An miền Trung, được một đường dây buôn người đưa ra khỏi nước với điểm đến sau cùng là Anh quốc :

"Số tiền họ phải trả là 11.000 đô la/người để có một ghế trong cuộc đánh cược với từ thần. Mười một ngàn đô la này là giá từ quảng đường qua Anh thôi, chứ còn tổng số tiền đi từ Việt Nam qua Anh khoảng chừng 30.000 bảng Anh tức 40.000 đô la".

Báo ASEAN Post cũng nêu tên một bản phúc trình hồi tháng 3/2019, có tên Precarious Journey, Hành trình gian khổ, do ECPAT UK – tổ chức chuyên hỗ trợ làm việc với nạn nhân buôn người, cùng với Anti Slavery International - Quốc Tế Phòng Chống Nô Lệ và Pacific Links - Vòng Tay Thái Bình phối hợp thực hiện.

doingheo2

Hình chụp hôm 20/10/2018 : những người ở trên một căn nhà nổi ở kênh Xuyên Tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh / AFP

Kết quả điều tra từ phúc trình này cho thấy chỉ tính trong vòng một năm rưỡi trở lại, trên 3.100 người lớn và trẻ vị thành niên Việt Nam đã bị bán qua Anh, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Ba Lan để lao động chui tức không có giấy tở hợp pháp.

Đó là chuyện năm ngoái, còn năm nay, theo bà Diệp Vương, vì đại dịch kéo dài nên có vẻ những đường dây đưa người ra khỏi nước bằng máy bay đang tạm dừng lại :

"Tuy nhiên việc mua bán người bằng đường bộ thực sự đang trên đà tăng lên. Vấn nạn xảy ra ngày 11/9 vừa qua là bộ đội biên phòng Lào Cai chận bắt hai mươi mấy người bị đưa bán qua biên giới. Đồng thời, chính những chủ Trung Quốc sử dụng lao động Việt Nam trái phép, khi không có việc làm nữa thì họ lại đi kêu công an Trung Quốc tới xúc mấy người này thảy trở về Việt Nam. Trong số người bị đẩy trở về như vậy cũng có rất nhiều cô gái đã bị bán qua Trung Quốc, bị lạm dụng tình dục, và bị những gia đình mua những cô này thảy các cô trở về. Hậu quả của Covid đối với người nghèo càng nặng nể hơn".

Vì nghèo mà trở thành nạn nhân của buôn người thì có nhưng không hoàn toàn đúng, là nhận định của ông Georges Blanchard, giám đốc ATT Liên Minh Chống Buôn Người hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 :

"Nói chung nghèo là lý do, nhưng có người không nghèo, nghĩa là có nhà, có đất mà muốn đi để có nhiều tiền hơn. Tôi thấy phụ nữ nghèo mới là nạn nhân, con của người ta còn nguy cơ hơn nữa. Đối với tôi là có trường hợp bị mua bán và trường hợp tự đi".

Cô Tăng Thị Duyên Hồng, tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change do cô sáng lập để hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, cho rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam là có, báo chí và chính quyền cũng thừa nhận và cũng có nhiều vụ việc được tiếp cận một cách công khai như câu chuyện "Cái chết trong xe tải ở Essex" mà báo ASEAN Post nói đến :

"Hầu hết đều nói rằng nguyên nhân là đói nghèo, nhưng theo tôi nguyên nhân không phải là đói nghèo mà chính xác hơn là nỗi ám ảnh về sự đói nghèo. Cụ thể như vụ 39 người chết chẳng hạn, họ có nhà có cửa, thậm chí nhà rất to chứ không phải túp lều tranh của người nhất định phải ra khỏi sự đòi nghèo".

"Vậy thì cái ám ảnh về sự đói nghèo là vấn nạn chung của hầu hết người Việt Nam, đặc biệt những người vùng Thanh-Nghệ Tĩnh có truyền thống, có câu chuyện và có những bài vè về đói nghèo nó ám vào tâm trí rằng họ là nghèo đói và phải vượt qua bằng mọi giá".

"Có thể thấy rõ ở những làng quê của tỉnh Nghệ An, nạn buôn người hay đúng hơn là những người chủ động trở thành nạn nhân của nạn buôn người, chủ động để bị bán đi sang Anh. Còn ở miền Tây là hôn nhân sắp đặt, gả con gái cho người Trung Quốc, người Đài Loan, người Hàn Quốc, chủ động cho con trở thành nạn nhân buôn người, nghĩa là chủ động bị bán đi. Mỗi lần gả bán đó thì phụ huynh kiếm được một khoản tiền".

Cùng với buôn người thì lao động trẻ em, theo ASEAN Post, cũng phải được nêu lên như một vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam.

Kết quả từ chương trình Khảo sát quốc gia về Lao động trẻ em mà Hà Nội khởi động hồi 2012 cho thấy Việt Nam có hơn 1,7 triệu trẻ lao động với 85% là trẻ ở nông thôn, và trên 1/3 phải làm việc trên 42 giờ/tuần.

Đây là cuộc khảo sát do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Trong một lần trao đổi với RFA, bà Võ Kim Hiền, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm, Viện Khoa học lao động và xã hội từng nhận định rằng :

"Đối với các trẻ em sống trong gia đình nghèo thì việc đi kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Ở Việt Nam có hiện tượng trẻ đi kiếm sống sớm thì các em đã bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại và thủ đoạn bóc lột ngày càng tinh vi hơn. Vấn đề là không thể để trẻ em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm".

Còn theo bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trong một đất nước phát triển, gia đình có khả năng nuôi con thì 18 là độ tuổi hợp pháp để có thể làm việc :

"Thực tế ở Việt Nam là con còn nhỏ vẫn phải đồng ý cho nó đi làm để kiếm tiền, thậm chí còn bắt con đi làm. Nhưng bây giờ bảo họ phải chấp hành theo quy định của luật thì gia đình họ lấy gì sống ? Mình có can thiệp nuôi được gia đình họ không ? Có những cái mà luật phải tùy tình hình thực tế nên phải có những áp dụng cho phù hợp để người dân có thể thực thi mà không vi phạm quy định pháp luật".

Tuy nhiên theo ASEAN Post, công bằng mà nói thì Việt Nam đã thực hiện nhiều bước tích cực nhằm giảm thiểu số lượng trẻ dưới tuổi vị thành niên.

Bài báo dẫn số liệu của Tổ chức Bảo vệ trẻ em Save The Children, cho thấy số trẻ lao động ở Việt Nam từ 67% năm 2000 đã giảm dần xuống còn 28% 2 thập niên qua và nay đang ở mức 9%.

Ngoài việc phê chuẩn các công ước của tổ chức Lao Động Quốc Tế ILO. Việt Nam còn là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên thế giới đã ký tên vào Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1990.

Tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam phê duyệt Công Ước số 182 liên quan các hình thức lao động thiếu nhi tồi tệ nhất (năm 1999).

Đến 2003, Việt Nam phê duyệt Công ước 138, qui định tuổi làm việc tối thiểu (năm 1973).

Năm 2015, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, để tới 2020 sẽ không còn nạn trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm.

Việt Nam cũng thành công nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, tăng cường ý thức về nạn buôn người, đầu tư mạnh vào giáo dục và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em trong vài năm trở lại đây, là đánh giá của ASEAN Post.

Chủ tịch Vòng Tay Thái Bình, bà Diệp Vương, đồng ý với nhận xét của ASEAN Post :

"Thực sự trong thời gian qua chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều và cũng có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên trong đại dịch này thì sự quan tâm về kinh tế sẽ đưa tới chuyện không quan tâm đúng mức đối với nguy cơ buôn người. Hiện thời chuyện quan trọng nhất là nâng cao ý thức vì nếu không họ sẽ liều mạng, sẽ dấn thân hơn là biết có nguy cơ này".

Đối với ông George Blanchard của Liên Minh Phòng Chống Buôn Người, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chống nạn buôn người, vấn đề là :

"Tôi làm ở Việt Nam từ 1992 nên là tôi có được kinh nghiệm gần 30 năm. So với nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á phải nói Việt Nam là phát triển tốt, chắc chắn phải có thay đổi, phải có thành công. Nói chung là có tiến bộ nhưng vẫn chưa ổn, quan trọng là giáo dục phòng ngừa về nguy cơ xâm hại tình dục, về nguy cơ buôn bán người"

"Luật pháp Việt Nam không có vấn đề, cán bộ và công an không thiếu, người ta biết tất cả, biết rất rõ, vấn đề là có người không muốn làm. Người ta đã tập huấn vấn đề buôn bán người với Thái Lan 30 năm rồi, làm hay không muốn làm là chuyện khác".

Theo kết luận của ASEAN Post, muốn xóa sạch nạn buôn người mà nhất là buôn bán trẻ em, Việt Nam phải kiên trì xóa nghèo, phải làm sao cho người dân nhập tâm và nhận thức rằng trường học là nơi trẻ được bảo vệ, học tập và vui chơi chứ không phải môi trường làm việc bên ngoài học đường.

Luật Phòng Chống Mua Bán Người của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29/03/2011, tiếp đó được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2012.

Kế tiếp là Luật Trẻ Em, được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực ngày 1/6/2017. Đến năm 2018 luật được sửa đổi, bổ sung một số điều khoản để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 22/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)