Hàng trăm cột điện gãy đổ : không thể đổ lỗi thiên tai !
Diễm Thi, RFA, 22/09/2020
Thống kê của Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế sáng 18 tháng 9 năm 2020 cho thấy sau khi cơn bão số 5 đi qua, có 408 cột điện bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280 ngàn khách hàng và 2.050 trạm biến áp trên tổng số 2.371 trạm biến áp toàn công ty bị mất điện.
Trụ điện bị đổ ở Đà Nẵng không thấy lõi sắt bên trong. Photo : baophapluat.vn
Đến ngày 22 tháng 9, Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế đưa ra con số 272 cột điện bị gãy, và giải thích con số 408 đưa ra trước đó là do sai sót trong quá trình thống kê. Tại Đà Nẵng cũng có trụ điện gãy ngang trong bão.
Theo những hình ảnh được truyền thông, truyền hình Nhà nước loan đi, người ta thấy bên trong những cột điện gãy đổ hoàn toàn rỗng chứ không đặc ruột đan xen các lõi sắt như người ta thường thấy trước đây. Nhiều người cho rằng, trụ điện đúc không có lõi sắt thép bên trong.
Trước những thông tin như thế, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng giải thích đây là cột dự ứng lực. Với loại cột này, các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi gia công đúc cột tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép này có xu hướng tụt vào bên trong thân cột. Vì vậy, khi cột điện bị đứt gãy, nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy được lõi sắt thép.
Còn tại Huế, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc công ty điện lực tỉnh này khẳng định các cột điện này là loại cột ly tâm dự ứng lực nên ruột rỗng. Sản phẩm đã qua kiểm nghiệm chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12. Ông Phúc khẳng định, không có chuyện hệ thống cột điện của công ty bị gãy đổ là do chất lượng kém.
Ông Hà Thanh Long, cấp trên của ông Phúc thì cho rằng, cột điện đổ nhiều là do khi sản xuất đã không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện.
Là một kỹ sư quản lý xây dựng, ông Nguyễn Kế Quang cho cách giải thích của các vị lãnh đạo là không thuyết phục vì hai ký do : Thứ nhất là cơn bão số 5 với sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11, chưa vượt cấp 12. Thứ hai là cột xi măng chứ đâu phải cao su hay nhựa mà có hiện tượng các sợi thép tụt vào bên trong thân cột khi cột gãy. Ông giải thích thêm về cột ly tâm dự ứng lực :
"Với hiểu biết cá nhân tôi trong lĩnh vực xây dựng thì dù có bê tông dự ứng lực thì vẫn phải có lõi thép bên trong. Khi người ta đúc bê tông dự ứng lực thì họ dùng công nghệ ly tâm, tức có lực hướng tâm ra bên ngoài để ép bê tông cho chắc chắn hơn. Công nghệ này tiết kiệm được vật liệu bởi bên trong có thể rỗng nhưng cốt thép vẫn phải có chứ không thể không.
Cách giải thích của mấy ông điện lực Thừa Thiên Huế hay Đà Nẵng giống như nói với mấy đứa học sinh tiểu học chưa biết gì. Nói vậy là họ xem trí tuệ của người dân không ra cái gì hết ! Người dân tay ngang bình thường còn không tin nổi nói gì đến những người có chuyên môn hiểu biết về lãnh vực công nghệ vật liệu xây dựng".
Ông Quang nhắc lại, cách đây vài năm đã có trường hợp những cơn bão ở miền Trung làm đổ những trụ bê tông bên trong không có lõi thép.
Một kỹ sư xây dựng khác là ông Trần Bang thì nhận định :
"Là dân trong nghề tôi biết thứ nhất là những cái cột điện, thứ hai là những cái cọc bê tông không phải khi trồng lên nó mới hỏng, mà hư hỏng thường xuất hiện trong quá trình vận chuyển. Nó có thể gãy hoặc nứt khi cẩu lên hoặc thả xuống. Nó nứt thì lại tiếc, sợ mất tiền cái cột nên cứ thế nghiệm thu. Đến lúc gió bão nó mới lộ ra.
Đây không chỉ là gẫy đổ cột điện mà là gẫy đổ hệ thống truyền tải điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần 300 cột điện gẫy đổ gây mất điện cho 280 ngàn hộ dân. Cả trạm biến áp cũng đổ. Tại sao lại có chuyện gẫy đổ hệ thống truyền tải điện như thế ?"
Ông Trần Bang nói thêm rằng, nếu không có bão, thì chất lượng hệ thống truyền tải điện không lộ ra. Chất lượng hệ thống truyền tải gồm : Thiết kế (gồm cả tư vấn thăm dò, khảo sát...) ; Thi công ; Vận hành, bảo dưỡng, duy tu. Chỉ cần một trong những bước trên không đạt yêu cầu, nghĩa là không đúng với hồ sơ thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng ngay. Ông kết luận :
Công ty điện lực là công ty của Nhà nước. Công ty độc quyền. Dân mua điện chứ không mua hệ thống truyền tải điện. Chỉ có Nhà nước mới là người có thể kiểm tra, kiểm soát được công ty điện lực".
Trên nguyên tắc, một công trình hay một hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng phải qua quá trình nghiệm thu. Đây là quá trình kiểm định, thu nhận và kiểm tra công trình sau khi xây dựng. Hay còn có thể hiểu là quy trình kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng. Quy trình này được thực hiện bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, dựa vào bản vẽ và các số đo chất lượng công trình đã được thi công từ đó đưa ra đánh giá công trình có đạt chuẩn chất lượng để đưa vào sử dụng hay không.
Một kỹ sư từng tu nghiệp ở Nhật chia sẻ thêm với RFA rằng, có rất nhiều công trình mà chất lượng không đạt yêu cầu những vẫn qua được cửa nghiệm thu bằng nhiều cách. Có những công trình mà bên thi công bắt tay với bên giám sát để rút ruột hay tráo đổi vật tư chất lượng kém hơn để ăn chênh lệch. Đó là lý do vì sao có những con đường mới khánh thành đã lún, sụt ; có những chung cư mới xây xong đã nứt, thấm nước…
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/09/2020
***********************
Vì sao bão không lớn nhưng hơn 400 cột điện ở Huế bị gãy đổ ?
Nguyễn Vương, VTC News, 24/09/2020
(VTC News) - Một kỹ sư có kinh nghiệm về mảng xây dựng cho biết, phải lấy một vài mẫu ở các cột điện đúc cùng 1 đợt để đi kiểm định độc lập thì mới xác định được rõ nguyên nhân.
Được đánh giá là không quá mạnh nhưng bão số 5 lại gây thiệt nặng nề cho ngành điện ở Thừa Thiên - Huế.
Thời gian gần đây, dư luận ở Thừa Thiên - Huế xôn xao trước việc dù bão số 5 vừa qua không quá lớn nhưng có đến hơn 400 cột điện ở địa phương này bị gió bão quật gãy. Đáng chú ý, trong số cột bị gãy, có không ít cột điện bê tông ly tâm được cho là có khả năng chịu lực tốt và có chống được sức gió giật trên cấp 12.
Trả lời PV VTC News, một kỹ sư đang công tác tại cơ quan đầu ngành của Bộ GTVT cho biết, khi nhìn nhiều cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị gãy sau bão số 5, cảm quan cá nhân nhận thấy đá để dùng cho bê tông có dầu hiệu không đảm bảo chất lượng, đá phong hoá nhiều... Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục, cần lấy một vài mẫu cột điện chưa đổ hãy hoặc cột đúc cùng số No mang đi kiểm tra, kiểm định độc lập và cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra rõ sự việc.
Cột điện bê tông ly tâm vẫn bị bão nhẹ quật gãy?
Vị kỹ sư xin giấu tên cho biết, cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực hay cột điện bê tông cốt thép ly tâm là cột điện được sản xuất theo tiêu chuẩn mới TCVN 5847:2016 do Hội Bê tông Việt Nam biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. TCVN 5847:2016 thay thế cho TCVN 5847:1994 và TCVN 5846:1994.
Theo kỹ sư giấu tên, về lý thuyết là cột điện được thiết kế, đúc cột, kiểm định thi công lắp đặt ngoài hiện trường phải đạt được những yếu tố theo quy định của quy trình mới được đưa ra lắp đặt. Ngay cả các yếu tố, trường hợp bất lợi nhất như gió, động đất cũng được tính đến.
Tuy nhiên, sau cơn bão số 5 vừa qua, cần xem xét lại các vấn đề quản lý chất lượng từ khâu thiết kế, đúc cột, lắp đặt ở thực tế hiện trường để xem sai phạm ở chỗ nào.
Vị kỹ sư nói trên nhận định, về thiết kế được chuẩn hoá, định hình trong cả nước nên sai sót ở khâu này rất ít xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình đúc cột lại có thể xảy ra những vấn đề chất lượng vật liệu đầu vào: cát, đá, xi măng, thép, cáp dự ứng lực, nêm, neo không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
"Cần phải làm rõ cát sử dụng nguồn ở đâu, thành phần hạt thế nào? Đá dùng có mỏ nào? Chất lượng đá có vấn đề gì hay không? Xi măng dùng xi măng gì (PC hay PCB), cáp dự ứng lực, nêm neo của hãng nào? Đã được kiểm định hay thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý hay chưa? Thiết bị phục vụ công tác căng kéo cáp: Kích còn kiểm định hay không?", vị này đặt câu hỏi.
Ông phân tích thêm, sai sót cũng rất dễ xảy ra nếu đơn vị đúc cọc, đơn vị đặt hàng, tư vấn giám sát không theo dõi sát sao... Nếu kích không đảm bảo yêu cầu có thể dẫn đến thừa lực kéo (cáp đứt) hoặc thiếu lực khiến cáp không đủ ứng suất để tham gia chịu lực. Cả hai việc này đều có khả năng làm cột gãy khi ngoại lực tác động vào.
Ngoài ra, cần làm rõ việc điểm định đánh giá từng No (một từ chuyên môn ý chỉ những cột được sản xuất cùng đợt) do đơn vị nào kiểm định, có kiểm định thật hay không hay chỉ là xuất kết quả cho phù hợp để xuất xưởng? Việc lắp đặt tại hiện trường thì công tác thi công giám sát có đảm bảo các yếu tố kỹ thuật theo chỉ dẫn hay chưa (kích thước hố móng, kích thước bê tông chân cột, chất lượng bê tông chân cột bị gãy) đều có thể dẫn đến việc đổ gãy cột khi có gió lớn.
Nhìn vào hình ảnh cột điện bê tông ly tâm ở Huế gãy đổ sau bão số 5, kỹ sư nhận định chất lượng đá và bê tông có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Zing).
"Khi nhìn nhiều cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị gãy sau bão số 5, cảm quan cá nhân tôi nhận thấy đá để dùng cho bê tông có dầu hiệu không đảm bảo chất lượng, đá phong hoá nhiều. Phần bê tông giáp lõi cột cũng có dấu hiệu chất lượng kém, tỷ lệ kích thước chiếp trên 10%. Đối với các loại bê tông mác cao (mác 500) thời gian trộn phải đạt 180 giây. Tuy nhiên, ở các cột điện bị gãy vẫn dễ nhìn thấy các hạt cát sạn bên trong bê tông mà nguyên nhân có thể thời gian chưa đủ", vị kỹ sư phân tích.
Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục, cần lấy một vài mẫu cột điện chưa đổ hãy hoặc cột đúc cùng số No mang đi kiểm tra, kiểm định độc lập và cơ quan chức năng cần vào cuộc để rà soát tất cả các lỗi có thể dẫn đến sai sót; nếu có sai phạm, phải xử lý nghiêm.
Tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực
Trả lời báo chí, ông Hà Thanh Long - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho hay, đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua ngành điện bị thiệt hại nghiêm trọng như vậy. Cơn bão số 5 có gió cấp 7-8, giật khoảng cấp 10 nhưng số cột điện bị hư hỏng rất nhiều.
Theo thống kế của Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế, gió bão quật gãy đổ hơn 400 cột điện. Cụ thể số lượng bị quật gãy là 272 cột, số còn lại bị quật đổ. Số lượng cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực bị gãy là 30 cột (trung thế là 7 cột và hạ thế là 23 cột), chiếm tỉ lệ 11% tổng số cột bị gãy.
Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, theo thiết kế thì cột điện ly tâm dự ứng lực chịu được sức gió giật trên cấp 12. Theo thiết kế, loại cột này có khả năng chịu gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế. Tuy nhiên, cơn bão vừa qua gió giật chưa đến cấp 12 nhưng nó vẫn bị gãy.
Theo ông Long, hiện ở Thừa Thiên - Huế có 2 loại cột điện gồm cột thép đúc truyền thống và ly tâm dự ứng lực. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu lực tốt, nhưng có đặc tính giòn. Trong khi đó, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo.
Rất nhiều cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị đổ gãy sau bão số 5.
Cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284-997. Trước khi xuất xưởng, sản phẩm này đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, phá hủy và được đóng dấu Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Với những đặc tính trên và giá thành rẻ hơn từ 5-10% nên từ năm 2016, theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hầu hết tỉnh, thành đều sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực.
Cột thép đúc truyền thống hay ly tâm dự ứng lực cũng có lõi thép cả. Tuy nhiên, loại ly tâm dự ứng lực có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy.
Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép có xu hướng tụt vào bên trong khoảng 1cm nên người dân không thấy. Trước khi đưa cột điện dự ứng lực vào sử dụng đại trà, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiên cứu, đánh giá chất lượng đảm bảo. Việc chọn nhà sản xuất cũng được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Quá trình lắp đặt cũng đúng theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Người đứng đầu Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, công ty điện lực cũng chỉ là đơn vị sử dụng chứ không sản xuất cột điện. Để xác định rõ nguyên nhân các cột điện bị gãy cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học thì mới chính xác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực. Trước mắt, ngành điện lực sẽ dừng sử dụng loại cột này để các nhà khoa học đánh giá lại xem việc sử dụng nó có phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão như các tỉnh miền Trung.
Được biết, khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực.
Cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực sản xuất theo công nghệ thép được kéo ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm bê tông mác cao (Mác 500) để tạo ra cột.
Cốt lõi của việc kết cấu bê tông ứng suất trước có khả năng chịu tải rất lớn là nhờ việc tạo ra các biến dạng ngược với khi làm việc bình thường.
Cột điện dự ứng lực có ưu điểm là mác bê tông cao hơn, chịu lực ở đầu cột lớn hơn. Do bê tông được ứng suất trước nên sản phẩm cột bê tông ly tâm dự ứng lực sẽ không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp dựng và sử dụng. Thép sử dụng trong cột điện dự ứng lực sử dụng thép nhập hàm lượng cacbon cao hơn.
Trong quá trình tải trọng lực ở cột điện dự ứng lực cao hơn cột thông thường. Bên cạnh đó, chất lượng, thiết kế cột đều được kiểm tra định kỳ, mác bê tông đều đạt trên 500. Trong quá trình làm đều được kiểm soát, khi nhìn vào lỗ bên trong thấy bê tông đều bên trong là đạt chất lượng.
Do sử dụng bê tông và thép cường độ cao nên tiết diện cốt thép giảm, dẫn đến trọng lượng của sản phẩm giảm rất nhiều, thuận lợi cho việc di dời, vận chuyển, thi công, lắp dựng. Sản phẩm cột bê tông ly tâm dự ứng lực sử dụng phù hợp thích ứng với các vùng biển, nước mặn.
Ngoài ra, khả năng thiết kế những trụ điện có lực đầu trụ rất cao, khi kép đến tải trọng thiết kế có biến dạng dư rất thấp, có khả năng chịu lực nén, uốn, lực tải dọc rất cao. Bên cạnh đó, chất lượng tốt, giá thành giảm hơn so với bê tông thông thường
Nguyễn Vương
Nguồn : VTC News, 22/09/2020
**************************
EVN dừng sử dụng cột điện dự ứng lực sau sự cố 400 cột điện đổ ở Huế
RFA, 22/09/2020
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 22/9 quyết định tạm dừng sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực tại những vùng có bão để đánh giá lại. Quyết định này được đưa ra sau khi có hơn 400 cột điện tại tỉnh như Thừa Thiên Huế gãy đổ do bão số 5, dù sức gió dưới cấp 10.
Những cột điện bị gãy đổ ở Huế theo dạng đứt lìa, cột khi bị đứt lộ ra cốt thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt. Courtesy TP
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày.
Thống kê của EVN Huế cho thấy sau khi cơn bão số 5 đi qua Huế, đã làm 408 cột điện bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280 ngàn khách hàng và 2.050 trạm biến áp...
Tin cho biết, những cột điện bị gãy đổ theo dạng đứt lìa, cột khi bị đứt lộ ra cốt thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt ; chứ không bị oằn, uốn cong lộ lõi thép cỡ 16 - 18 mm như cột điện truyền thống trước đây. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm, số cột điện bị hư hỏng do bão nhiều như vậy.
Trước phản ứng của dư luận báo chí, đến chiều ngày 22/9, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên tiếng giải thích. Theo ông, loại cột ly tâm dự ứng lực này là sản phẩm chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12, đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Còn ông Hà Thanh Long, Giám đốc EVN Thừa Thiên Huế thì cho rằng, cột điện đổ nhiều là do khi sản xuất đã không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện.
Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, cơn bão số 5 đi qua Huế sáng ngày 18/9 chỉ có sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11. Chưa kể, có những nơi giữa đồng không hề có cây xanh, nhưng cột điện ly tâm dự ứng lực cũng bị gió bão "chém" đứt lìa.
Không đồng tình với ý kiến phóng viên tại buổi họp báo, ông Long cho rằng, cột ly tâm dự ứng lực giữa đồng bị gãy là do hiệu ứng domino, một khi trong dãy đường điện có những cột bị nghiêng, cột chịu lực lớn nhất sẽ bị gãy, đổ.
Cột điện ly tâm dự ứng lực hiện đang được sử dụng đồng loạt tại các tỉnh, thành tại Việt Nam, do giá thành rẻ hơn từ 5-10% so với cột truyền thống. Đây là sản phẩm được cơ quan chức năng thẩm định và công bố theo TCVN.
Nguồn : RFA, 22/09/2020