Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội của mọi quốc gia, chăm sóc bảo vệ sức khỏe trong điều kiện mức độ tốt nhất đó là quyền công dân, là trách nhiệm của xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người già, hưu trí, thu nhập thấp lệ thuộc hoàn toàn vào bảo hiểm y tế thì việc sống chết hoàn toàn do hên xui trời định. Đây là câu chuyện đau lòng có thật của bạn tôi, một người hưu trí thâm niên 40 năm, mức lương hưu gần 4 triệu. Có lẽ cũng là nỗi khổ chung của nhiều người cùng hoàn cảnh.

khambenh0

Hiện tại, còn nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh vì không nộp được số tiền ngoài phần quỹ bảo hiểm y tế chi trả (Ảnh : Kim Hải)

Tôi đã 63 tuổi, mang nhiều bệnh nền mãn tính như huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, tiểu đường, giãn tĩnh mạch là khách hàng thường xuyên của bệnh viện quận ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước dịch covid 19, tuy phải chịu đựng việc chen chút, bắt số qua nhiều vòng, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt khám, bác sĩ hỏi qua loa chưa đầy một phút rồi ra toa thuốc y như toa tháng trước, nhưng ít khi bị thiếu thuốc. Chỉ có điều thuốc điều trị toàn loại rẻ tiền, thay đổi tên thương phẩm xoành xoạch tùy theo nguồn cung cấp của kho dược có chi dùng nấy. Chuyện cơ địa bệnh nhân thích ứng loại thuốc ấy hay không hoàn toàn không xem xét. Không sao ! Miễn có thuốc uống đã là may rồi.

Vướng suy thận mãn vì thiếu thuốc, xét nghiệm !

Điều cắc cớ thách thức người lớn tuổi hay quên là phải đi khám đúng ngày hoặc trễ ngày hẹn theo lịch. Nếu đến sớm dù chỉ một ngày cũng không được chấp nhận. Phải khăn gói đi về !

Nhưng nhớ lại đó là những ngày bình an hạnh phúc ở Thành Phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước.

Covid 19 tràn đến, ổ dịch xuất hiện cách nhà chưa đến 100 m. Tôi tự di tản về quê ở miền Tây hy vọng vào môi trường sống thông thoáng thiên nhiên. Trong cao điểm dịch, tránh chỗ tập trung đông người tôi toàn dùng toa thuốc cũ mua thuốc bên ngoài đến khi tạm lắng mới dám mò vô khám ở bệnh viện huyện. Do huyện ở vùng xanh, bảo hiểm của tôi thuộc vùng đỏ nên trước khi khám bệnh phải ngoáy mũi chờ kết quả âm tính, chi phí hơn 300.000 đồng, mất 1/10 lương hưu. Thôi thì dịch giả phải cắn răng chịu. Điều quan trọng là hy vọng được bác sĩ khám và có phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng mà theo nguyên tắc thì với người tiểu đường ít nhất 6 tháng phải kiểm tra một lần Hsbc bình quân hàm lượng đường trong máu và chức năng gan thận và nhiều chỉ tiêu khác nhưng do dịch bệnh nên cả năm qua chưa làm lần nào. Xin bác sĩ cho xét nghiệm xem xét chức năng gan thận bác sĩ ngao ngán lắc đầu "Máy hư rồi ! Chưa biết khi nào mới sửa xong !". Nghe xong tay chân bủn rủn tập một.

Oái oăm là khám xong, bác sĩ chỉ cho từ 2 đến 3 trong 7 loại thuốc điều trị thường xuyên. Đó là những loại thuốc hết sức cần thiết như Insulin để chuyển hóa đường trong máu, Bisala điều hòa nhịp tim hay Lipantil để chuyển hóa mỡ trong máu. Bác sĩ giải thích đơn giản là "Hết thuốc rồi !"

Hóa ra mất tiền ngoáy mũi, mất cả buổi sắp hàng chờ đợi mà không được xét nghiệm, thuốc cũng thiếu, vẫn phải đi mua thêm thuốc bên ngoài.

Tháng kế tiếp, vẫn tiếp tục tốn tiền ngoáy mũi, nhưng vẫn không được xét nghiệm và thuốc vẫn thiếu. Tháng thứ ba. Máy đã sửa, được xét nghiệm. Thông thường để khảo sát chức năng gan thận phải phân tích hàng chục chỉ tiêu trong máu và nước tiểu, nhưng thiếu hóa chất hay vì lý do nào đó, chỉ xét nghiệm máu ba chỉ tiêu là Glucose (hàm lượng đường trong máu) và Creatinin (đánh giá chức năng thận) và Ure. (xem ảnh kết quả xét nghiệm chỉ có ba chỉ tiêu)

Nhưng chỉ với kết quả hai xét nghiệm trên cũng đủ choáng tối tăm mặt mày. Hàm lượng đường cao ngất. Chỉ số Creatinin cao ở mức suy thận mãn độ ba. Thuốc thì vẫn thiếu những thứ cần yếu.

Bài học rút ra ở đây là cùng bệnh viện cấp quận huyện, chưa nói đến trình độ năng lực của y bác sĩ, mức chênh lệch về điều kiện thuốc men, trang bị kỹ thuật giữa nông thôn và thành thị cách nhau quá xa. Hóa ra về nông thôn tránh covid, do điều kiện y tế yếu kém của bệnh viện huyện tôi đã vướng vào chứng suy thận mãn khó khả năng hồi phục. Với tiền sử bệnh tiểu đường hơn 20 năm, cộng thêm sự suy thoái này thời gian sống của tôi sẽ rút ngắn lại với tương lai ảm đạm phải kiêng cữ đủ loại thực phẩm từ các món nhiều bột đường đến đạm, mở và các khoáng chất Kali, Natri, Phospho. Bạn bè làm nghề y đã khuyên nhủ tôi, tình trạng suy thận là hệ quả biến chứng của tiểu đường hoàn toàn có thể phát hiện, ngăn ngừa nếu kiểm soát được đường huyết và kiểm tra các chỉ số gan thận thường xuyên. Tôi đã mang thêm cái bệnh hoàn toàn có thể tránh được. Tôi thương mình và thương những người dân quê đang cậy nhờ vào bảo hiểm y tế. Biết bao nhiêu người cùng chung tình trạng vướng bệnh không đáng có vì thiếu thuốc, không được xét nghiệm như tôi ?

Hạn chế chuyển viện tuyến trên

Đến lúc này thì tôi buộc phải trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Xét nghiệm máu lần này cho thấy ngoài các bệnh mãn tính cũ và suy thận, chỉ số bạch cầu cao cho thấy tôi bị viêm nhiễm ở chỗ nào đó. Nghi ngờ viêm mũi, bác sĩ khoa Nội chuyển tôi sang khoa Tai Mũi Họng. Đã gần hết giờ làm việc sáng nên tôi phải chấp nhận đóng 190.000 tiền dịch vụ nội soi mũi. Bác sĩ kết luận mũi có polyp và bị viêm. Quả thật tôi thường xuyên bị viêm mũi và mỗi lần như vậy thở rất khó khăn. Tôi xin chuyển viện lên Tai Mũi Họng của TP để phẫu thuật nhưng bác sĩ cho rằng tôi đã lớn tuổi nên không mổ được và cho thuốc uống trong 5 ngày.

Tháng kế tiếp tôi xin khám mắt vì bị mờ đến mức không thể đọc chữ được, ra đường thì nắng chói làm mọi thứ đều lờ mờ, đo thị lực để thay kính lão thì được biết mờ là do cườm chứ độ lão không tăng. Bác sĩ khoa mắt của bệnh viện quận cũng xác định tôi bị cườm nhưng không chịu chuyển lên bệnh viện mắt Điện Biên Phủ mỗ vì cho rằng cườm non.

Theo phân cấp của ngành Y tế và quy chế của Bảo hiểm Y tế, nếu không có giấy chuyển viện của bệnh viện quận huyện là tuyến cơ sở, nơi khám chữa bệnh ban đầu thì khi khám và điều trị ở các bệnh viện chuyên Tai Mũi Họng hay Mắt hay các bệnh viện cấp trên sẽ không được thanh toán chi phí hoặc thanh toán theo tỉ lệ rất thấp. Không có tiền để mổ ở bệnh viện tư hay các bệnh viện tuyến trên tôi đành chịu khó thở và mắt mờ, không đọc, không xem, không ngửi được mùi vị.

May sao, bạn tôi từ bên Mỹ giới thiệu tôi với bác sĩ bệnh viện Mắt và chấp nhận mỗ cho tôi theo chế độ Bảo Hiểm Y tế không chỉ một mà cả hai con. Hóa ra không phải cườm non mà vì lý do nào đó, bác sĩ Mắt bệnh viện tuyến quận không muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Phải chăng, đó cũng là lý do mà bác sĩ Tai Mũi Họng không chuyển cho tôi đi mỗ ? Lẽ nào người 63 tuổi thì không thể mổ mũi ?

Khống chế toa thuốc dưới 300.000 đồng !

Mới đây, lần khám bệnh định kỳ tháng 11, vị bác sĩ thường xuyên điều trị cho tôi cứ ngồi trầm ngâm tính toán bấm máy cộng trừ nhân chia cho đó, cuối cùng quyết định rút ngắn định kỳ khám bệnh của tôi từ một tháng xuống còn ba tuần. Tôi thắc mắc, sao không cho thuốc tròn tháng như từ trước đến giờ, vị bác sĩ thành thật giải đáp, theo quy định mới của Bảo Hiểm Y tế, mỗi toa thuốc không được quá 300.000 đồng. Tôi bệnh nhiều thứ nên nếu cho thuốc đủ một tháng sẽ vượt định mức này nên phải tính toán .

Tôi giật mình sửng sờ trước quy định khống chế một toa thuốc không quá 300.000 quái ác này ! Ngành Y tế đang dự thảo quy định hoành tráng về chi phí dịch vụ trong bệnh viện công. Trong đó có những phòng VIP chưa tính thuốc men, chi phí dịch vụ điều trị, chỉ tiền phòng thôi đã lên đến 3.000.000 đồng/ngày, tức gấp 10 lần định mức tối đa cho toa thuốc điều trị người bệnh của bảo hiểm y tế. Ôi sao khoảng cách chất lượng sống của người giàu và người hưởng bảo hiểm y tế xa nhau đến vậy ? Mặt khác, theo thời giá hiện nay một tô phở đã 50.000 đồng, toa thuốc giá trị bằng 6 tô phở ấy sẽ mua được những loại thuốc gì ? Tác dụng điều trị ra sao ?

Tôi nghĩ đến số phận của mình. Với mức khống chế này, phải đi lại khám bệnh nhiều lần hơn, có phiền một chút cũng chấp nhận được nhưng xa hơn chút nữa đến lúc phải chạy thận nhân tạo hay các biến chứng tiểu đường khác phát sinh thì cái toa thuốc 300.000 đồng này có giá trị được bao nhiêu ngày ? Tương lai sức khỏe của tôi là bức màn đen !

Tôi nghĩ đến vị bác sĩ quen tận tâm ngồi tính toán cân đong toa thuốc cho tôi và hoang mang lo lắng. Từ bao giờ người ta lại bắt thầy thuốc phải kiêm thêm công việc của một kế toán trong khi riêng việc khám chữa bệnh hàng ngày của họ đã quá tải ? Thời gian nào cho việc khám, điều trị ít nhất cũng hơn 60 ca bệnh mỗi ngày, thời gian nào cho việc cộng trừ nhân chia tính tiền hơn 60 toa thuốc để cân đối dưới 300.000 đồng ? Theo quy luật của Marx lượng đổi thì chất đổi. Khối lượng công việc của bác sĩ tăng lên gấp đôi gấp ba thì chất lượng phải giảm đi theo cùng tỉ lệ. Điển hình là ngay toa thuốc của tôi, dù tận tụy, quan tâm tới người bệnh nhưng quá tải, vị bác sĩ đã bỏ sót thuốc Bisala hết sức cần thiết !

Với não trạng và cung cách quản lý điều hành keo kiệt, tính toán thủ lợi theo kiểu trọc phú này, bảo hiểm y tế trở thành công cụ sinh lãi cho người quản lý còn người bệnh hưởng chế độ bảo hiểm sống chết do trời ! Nếu ở một đất nước khác mà xã hội dân sự được tôn trọng, có nhiều tổ chức bảo hiểm y tế cạnh tranh nhau và các tổ chức bảo hiểm y tế này được các tổ chức dân sự giám sát, tệ trạng này không thể xảy ra. Khốn thay, tôi đang sống ở xứ thiên đường !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 25/11/2022

Additional Info

  • Author Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Khoảng 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính thêm khoản gọi là ‘chi phí quản lý’. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

bhyt1

Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Lý do tăng : "Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 14818/BTC-QLG ngày 27/11/2018 ; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp" - Thông tư số 39/2018/TT-BYT giải thích như vậy (1).

Tuy gọi là ‘một số trường hợp’ nhưng có tới 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng.

Điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở

Lý giải về sự điều chỉnh giá này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay bao gồm hai khoản chi phí là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. 

Tiền lương tính trong giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn tính theo mức lương cơ sở được ban hành từ năm 2013 là 1.150.000 đồng. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng nhiều lần tăng lương cơ sở, đặc biệt từ ngày 01/07/2019, tăng lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,4 triệu đồng/tháng.

Dĩ nhiên là các khoản phí trích đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn, và… ‘Đảng phí’ cũng tăng theo do tính theo tỷ lệ phần trăm tính trên tiền lương.

Với người dân, giá dịch vụ y tế tăng là chất thêm nỗi lo về gánh nặng kinh tế, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Hiện nay, theo con số từ cơ quan chức năng thì cả nước có khoảng 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, với nhóm dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ khiến họ gặp khó khăn. 

Một điều dưỡng khoa ung bướu ở Bệnh viện Bình Dân làm phép tính, hiện tại bệnh nhân ung thư điều trị và phẫu thuật, chưa đến giai đoạn phải xạ trị, nếu đúng tuyến thì chi phí phần lớn được bảo hiểm y tế chi trả đến 80% ; một số xét nghiệm y khoa có phần đồng chi trả hạn chế, hoặc không chi trả bảo hiểm y tế, như chụp MRI, chỉ đồng thanh toán nếu như bệnh nhân ấy tham gia đóng bảo hiểm liên tục 5 năm liền.

Thông thường, một ca chữa trị ung thư, chưa đến mức xạ trị, nếu không có bảo hiểm y tế, số tiền thực tế phải chi trả có thể hơn 200 triệu đồng. Nhưng với mức phải thanh toán gọi là đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm y tế khoảng 60 triệu đồng vẫn là số tiền lớn, với nhiều người nghèo là không dễ xoay xở được.

"Qua đánh giá 1.900 dịch vụ y tế đã được công bố giá, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều dịch vụ có thể giảm giá do các yếu tố đầu vào chưa chuẩn. Cùng một dịch vụ sử dụng dịch truyền nhưng giá lại chênh lệch quá nhiều, dẫn đến giá thay đổi. 

Cách tính viện phí theo hướng lương tăng thì phí tăng là đúng theo luật giá, nhưng khi giá đầu vào thay đổi thì cần tính toán lại đầu vào và đầu ra để có giá mới phù hợp. Sẽ có rất nhiều người bệnh bị ảnh hưởng bởi phí dịch vụ y tế tăng. Điều mà người bệnh mong mỏi là được chăm sóc điều trị tốt nhất, tương xứng với đồng tiền họ phải bỏ ra để chữa bệnh". Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận xét.

Tiêu chí công bằng của tài chính bệnh viện trong chuyện viện phí tăng

Các cơ chế cấp tài chính cho cơ sở cung cấp dịch vụ y tế gồm có : cấp từ ngân sách nhà nước, từ quỹ bảo hiểm y tế và chi trả viện phí trực tiếp của người bệnh. 

Về bản chất, hầu hết các nguồn cấp tài chính này đều do người dân đóng góp. Ngân sách nhà nước được hình thành từ thuế và một phần từ viện trợ quốc tế ; quỹ bảo hiểm y tế được hình thành từ phí bảo hiểm tính theo tỷ lệ thu nhập của người lao động và sự đóng góp của người sử dụng lao động ; chi trả trực tiếp hay còn gọi là chi từ tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế và cho hiệu thuốc. 

Các nguồn cấp tài chính cho cơ sở dịch vụ y tế thông qua ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế được coi là tài chính công (hay chi tiêu công/ chi từ quỹ chung), còn nguồn chi trả trực tiếp của người dân cho dịch vụ y tế, hoặc để mua thuốc được coi là nguồn tài chính tư (hay chi tư/ chi riêng của từng cá nhân). 

Khi nguồn chi tư chiếm hơn 50% tổng chi cho y tế của toàn xã hội, thì đó là dấu hiệu của một cơ chế tài chính mất công bằng quá mức (2).

Bởi vì nếu trên 50% là nguồn chi tư (tức là nguồn chi trả trực tiếp của người bị đau ốm), thì trên thực tế "ai ốm đau nhiều sẽ phải chi trả nhiều", không có sự chia sẻ đầy đủ của các nguồn tài chính được tập hợp thành quỹ, hay tài chính công (ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế), trong đó có sự đóng góp đáng kể của những người khoẻ mạnh và những người có thu nhập cao. 

Đây là điểm khác biệt cơ bản của công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Nếu trong kinh tế công bằng là "phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác", thì công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không phải như vậy, không có nghĩa là ai đau ốm nhiều thì phải trả nhiều tiền, tức là không thể gắn khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với khả năng chi trả.

Những lập luận nói trên là căn cứ theo góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ở Việt Nam thì mọi chuyện không như vậy.

Bộ trưởng Y tế cứ như đang sống ở… cõi trên !

Ngày 01/03/2016, đã có hơn 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo quy định của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Lúc đó, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi viện phí tính cả lương bác sĩ, các bệnh viện sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ với người bệnh... vì nếu không bệnh viện sẽ phải ngồi chơi xơi nước.

Chưa hết, trước thắc mắc được báo chí chuyển đến Bộ Y tế : "1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng thì những người nghèo chúng tôi làm sao có cơ hội chữa bệnh ?", thì ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, hồi đáp đầy chất ‘tuyên giáo’ trong một văn bản có nội dung nguyên văn như sau :

"Theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn ; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ; các xã đảo, huyện đảo... được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. 

Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán…".

Như vậy, với những người nghèo nếu đã thực hiện các quy định về thủ tục hành chính liên quan chuyện nghèo này thì họ mới cơ may được hưởng những phúc lợi an sinh từ Đảng và Nhà nước như lời trần tình của ông Nguyễn Nam Liên. Giờ thì sắp sửa điều chỉnh tăng hơn 1.900 dịch vụ y tế, chắc chắn người nghèo khi bệnh tật sẽ thêm khốn khó.

Dẫn chứng liên quan về chuyện ‘hộ nghèo/ cận nghèo’ : Trong văn bản có tên "Quyết định số 299/QĐ-UBND về việc phê duyệt số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017" của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (3), thì số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017 của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau : Số hộ nghèo là 3.206 hộ nghèo trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,09%.

Trong đó số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là : 1.989 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,68% ; Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là : 1.217 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,41% ; Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,98%".

Ở quyết định kể trên cho biết ở thành phố Thủ Dầu Một chỉ có 29 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội – tức nằm trong diện được Đảng và Nhà nước chăm lo về bảo hiểm y tế như lời của ông Nguyễn Nam Liên.

Những con số liên quan ‘nghèo’ ở tỉnh Bình Dương xem ra khó thuyết phục về độ tin cậy. Tuy nhiên đó lại là chứng cứ pháp lý cho chuyện liên quan bảo hiểm y tế.

Oái oăm hơn là số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cho rằng ở tỉnh Bình Dương là tỉnh duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo căn cứ vào thống kê Tổng hợp diễn biến hộ nghèo cả nước năm 2016. [Nguồn : Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký ban hành ngày 22/06/2017 (4).

Xem ra ‘ở cõi trên’ không chỉ có bà bộ trưởng Y tế, mà còn có cả ông bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội ; hay nói rộng hơn là còn cả Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất quốc gia trong mọi vấn đề sách lược an sinh.

Ước gì các quan chức Bộ Chính trị từng bị… nghèo tiền !

Chuẩn nghèo mà Chính phủ ban hành giai đoạn 2016 - 2020 quy định mức thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị. 

Trong khi đó, tháng 10-2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo của tỉnh với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Điều này giải thích cho chuyện chênh lệch số liệu như đã đề cập ở phần trên.

Do khập khiểng về chuyện chuẩn nghèo, nên trước đây gia đình ông Lê Văn Trung 75 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 8/2016, gia đình ông được khu phố 8 và UBND phường Tương Bình Hiệp đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời cắt luôn chế độ bảo trợ xã hội. 

Ông Trung kể vợ chồng ông đều già yếu : "Tôi có 4 người con đều nghèo khó, ở nhà trọ, cũng không có tiền để cho vợ chồng tôi. Bản thân tôi cũng muốn đi làm nhưng lớn tuổi rồi không ai mướn cả". Còn theo bà Bông, vợ của ông Trung, hằng ngày hai ông bà sống nhờ gạo từ thiện của một cơ sở tôn giáo, còn thức ăn thì hàng xóm cho.

Việc đưa gia đình ông Trung ra khỏi danh sách hộ nghèo, ông Lê Văn Chí, Trưởng ban Điều hành khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, phân trần : "Ở khu phố còn nhiều người nghèo hơn, chúng tôi phải đưa những trường hợp như gia đình ông Trung ra khỏi danh sách để đưa những người khó khăn hơn vào cho họ hưởng chế độ bảo hiểm y tế và nhận quà vào những dịp lễ tết". 

Ông Chí cũng giải thích : "Do chuẩn nghèo của tỉnh quá cao so với quốc gia nên phải xét như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo". 

"Tỷ lệ hộ nghèo còn bị khống chế theo đề án xây dựng nông thôn mới. Không giảm được hộ nghèo thì ấp không đạt danh hiệu khu ấp văn hóa. Xã không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó những hộ nghèo như đã nói ở trên chúng tôi xác định là nghèo bền vững". Ông Lê Văn Thanh, Trưởng ban Điều hành ấp Yên Ngựa, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cho biết.

Người nghèo - đặc biệt là với 'nghèo bền vững' lại phải thắt họng khi khám chữa bệnh kể từ ngày 01/07 tới đây xem ra là điều hiển nhiên trong bối cảnh có những chuẩn nghèo đầy ‘cõi trên’ đến như vậy !

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 24/06/2019

(1) http://bit.ly/2Ix1pM4

(2) WHO, "Strategy on Health care financing for the countries of the Western Pacific and South – East Asia Regions (2006 – 2010)", Manila, 2005. 

(3) http://bit.ly/2ZJ9vqr

(4) http://bit.ly/2xbNnZS

Published in Diễn đàn

Một báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nợ bệnh viện này số tiền bảo hiểm y tế đồng chi trả cùng bệnh nhân, lên tới con số hơn 900 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Bảo hiểm xã hội còn nợ bảo hiểm y tế của bệnh viện này là 597,7 tỉ đồng.

baohiem1

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dùng tiền đóng bảo hiểm của người dân để cho vay, và đã làm thất thoát luôn số tiền bạc ngàn tỷ - Ảnh minh họa

Nghi vấn đặt ra : liệu có phải đây là hệ lụy của việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dùng tiền đóng bảo hiểm của người dân để cho vay, và đã làm thất thoát luôn số tiền bạc ngàn tỷ này ?

Sai phạm có hệ thống ?

Tại báo cáo kiểm toán công bố đầu năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa thu hồi được 769,3 tỷ đồng nợ gốc và hơn 735 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính II và 26,26 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính I (cả hai công ty này đều thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Agribank).

Ngày 26/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Phước Tường, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật hình sự).

Đáng nói là trước đó ông Nguyễn Phước Tường cũng đã từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo tại kỳ họp thứ 21 vào tháng 11/2013. Lý do là trong thời gian giữ chức vụ Trưởng ban, phụ trách Phòng Quản lý đầu tư quỹ, ban Kế hoạch Tài chính, ông Tường đã có khuyết điểm, vi phạm. 

Xem ra khi người ta dung dưỡng sai phạm đưa đến hệ lụy "Cố ý làm trái", rõ ràng có sự ‘tiếp tay’ từ cơ quan quản lý cấp trên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nhà dột từ nóc là vậy.

Lần lại hồ sơ vụ việc cho thấy hồi năm 2011 đã có một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty cho thuê tài chính II với tổng dư nợ lên 1.050 tỷ đồng. Kết luận kiểm toán thời điểm đó cũng cho hay, đối chiếu với các quy định thì lúc bấy giờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. Thế nhưng Công ty cho thuê tài chính II không thuộc đối tượng này lại vẫn được vay 1.050 tỷ đồng.

Một tài liệu khác cho thấy vào năm 2008 và 2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký 14 hợp đồng với Công ty cho thuê tài chính II với tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng. Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỷ đồng và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỷ đồng (đã được thu hồi khi đến hạn). Tuy nhiên, đến thời điểm giữa năm 2009, Công ty cho thuê tài chính II bắt đầu không thanh toán lãi hằng tháng và gốc khi đến hạn.

Được biết nhiều năm qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sử dụng nguồn tiền của người dân đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội cho các ngân hàng vay để hưởng lãi suất. Bên cạnh đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đầu tư vào một số dự án xây dựng, nên khi thị trường bất động sản đóng băng khiến số vốn này thâm thủng và gần như mất khả năng thu hồi.

Con nợ lớn nhất là… Chính phủ !

Trung tuần tháng 5/2018, báo chí đưa tin Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện chuyển 22.090 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách vào quỹ theo lộ trình năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, năm 2020 là 9.090 tỷ đồng. "Ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn để trả nợ quỹ Bảo hiểm xã hội" là lý do của việc phát hành trái phiếu này.

Lưu ý, vào cuối tháng 2/2017, thông tin 324.000 tỷ đồng Chính phủ vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển thành trái phiếu được công bố. Với việc chuyển 324 nghìn tỷ đồng Chính phủ vay thành trái phiếu – nâng tổng số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ngân sách Nhà nước vay dưới dạng trái phiếu lên 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ Bảo hiểm xã hội cho vay (hơn 435 nghìn tỷ đồng).

Chính phủ trở thành "con nợ" lớn nhất của nguồn quỹ an sinh này. Việc chuyển tiền thành trái phiếu để chính phủ vay được cho là rủi ro khá lớn, khi mức độ khả tín trong các khoản đầu tư của Chính phủ rất thấp, trong khi có nguy cơ lớn đồng tiền Việt Nam mất giá do lạm phát. Điều này cho thấy mâu thuẫn với xác tín khi kêu gọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, rằng "Quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước bảo hộ, nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước lo".

Nhũng nhiễu quyền lực ?

Bên cạnh nguồn quỹ bảo hiểm đang bị thâm thủng do lỗi điều hành của chính cơ quan này, thì theo giải trình của bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều khả năng cho thấy còn có dấu hiệu nhũng nhiễu trong việc sử dụng tiền đóng bảo hiểm y tế của người dân.

Trong một giải thích với báo chí, phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói rằng số tiền gần 600 tỷ đồng trong năm 2017 chưa được thanh toán là do bệnh viện Chợ Rẫy chưa hoàn tất biểu mẫu quyết toán.

Phía bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sở dĩ không đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội, bởi chính cơ quan bảo hiểm áp dụng những quy định nội bộ của mình vào việc thanh quyết toán không phù hợp với văn bản pháp luật của Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm ứng dụng công văn nội bộ 4262 của mình vào việc thanh quyết toán, mà không trùng khớp các văn bản quy phạm của Bộ Y tế mà các bệnh viện đang tuân thủ. Chẳng hạn, Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định kỹ thuật chạy tim phổi nhân tạo ECMO thanh toán mỗi 8 giờ, trong khi đó công văn 4262 của bảo hiểm ghi thanh toán 12 giờ. Bệnh viện làm theo thông tư Bộ Y tế hướng dẫn thì bảo hiểm y tế không đồng ý thanh toán. Bệnh viện cũng nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến từ Bộ Y tế, nhưng nhiều công văn gửi đi đều rơi vào im lặng !

Sau khi bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếng, nhiều bệnh viện ở Sài Gòn cũng xác nhận đang rơi vào khó khăn, nợ nần chồng chất do bảo hiểm y tế chưa trả tiền nên họ cũng bị tăng lãi suất do không thể trả nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao, máy móc cho nhà cung ứng.

Liệu có xảy ra bi kịch rằng người dân Việt sau này sẽ phải gánh thuế phí cao hơn nữa, nhằm để trả giúp khoản nợ do Chính phủ vay mượn từ tiền quỹ bảo hiểm, cũng như những quản trị kém cõi của những quan chức thuộc Chính phủ được giao quản lý nguồn quỹ an sinh này ?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/09/2018

Published in Diễn đàn