Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/09/2018

Bảo hiểm xã hội mất khả năng đồng chi trả về bảo hiểm y tế ?

Thảo Vy

Một báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nợ bệnh viện này số tiền bảo hiểm y tế đồng chi trả cùng bệnh nhân, lên tới con số hơn 900 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Bảo hiểm xã hội còn nợ bảo hiểm y tế của bệnh viện này là 597,7 tỉ đồng.

baohiem1

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dùng tiền đóng bảo hiểm của người dân để cho vay, và đã làm thất thoát luôn số tiền bạc ngàn tỷ - Ảnh minh họa

Nghi vấn đặt ra : liệu có phải đây là hệ lụy của việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dùng tiền đóng bảo hiểm của người dân để cho vay, và đã làm thất thoát luôn số tiền bạc ngàn tỷ này ?

Sai phạm có hệ thống ?

Tại báo cáo kiểm toán công bố đầu năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa thu hồi được 769,3 tỷ đồng nợ gốc và hơn 735 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính II và 26,26 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính I (cả hai công ty này đều thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Agribank).

Ngày 26/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Phước Tường, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật hình sự).

Đáng nói là trước đó ông Nguyễn Phước Tường cũng đã từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo tại kỳ họp thứ 21 vào tháng 11/2013. Lý do là trong thời gian giữ chức vụ Trưởng ban, phụ trách Phòng Quản lý đầu tư quỹ, ban Kế hoạch Tài chính, ông Tường đã có khuyết điểm, vi phạm. 

Xem ra khi người ta dung dưỡng sai phạm đưa đến hệ lụy "Cố ý làm trái", rõ ràng có sự ‘tiếp tay’ từ cơ quan quản lý cấp trên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nhà dột từ nóc là vậy.

Lần lại hồ sơ vụ việc cho thấy hồi năm 2011 đã có một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty cho thuê tài chính II với tổng dư nợ lên 1.050 tỷ đồng. Kết luận kiểm toán thời điểm đó cũng cho hay, đối chiếu với các quy định thì lúc bấy giờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. Thế nhưng Công ty cho thuê tài chính II không thuộc đối tượng này lại vẫn được vay 1.050 tỷ đồng.

Một tài liệu khác cho thấy vào năm 2008 và 2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký 14 hợp đồng với Công ty cho thuê tài chính II với tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng. Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỷ đồng và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỷ đồng (đã được thu hồi khi đến hạn). Tuy nhiên, đến thời điểm giữa năm 2009, Công ty cho thuê tài chính II bắt đầu không thanh toán lãi hằng tháng và gốc khi đến hạn.

Được biết nhiều năm qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sử dụng nguồn tiền của người dân đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội cho các ngân hàng vay để hưởng lãi suất. Bên cạnh đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đầu tư vào một số dự án xây dựng, nên khi thị trường bất động sản đóng băng khiến số vốn này thâm thủng và gần như mất khả năng thu hồi.

Con nợ lớn nhất là… Chính phủ !

Trung tuần tháng 5/2018, báo chí đưa tin Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện chuyển 22.090 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách vào quỹ theo lộ trình năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, năm 2020 là 9.090 tỷ đồng. "Ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn để trả nợ quỹ Bảo hiểm xã hội" là lý do của việc phát hành trái phiếu này.

Lưu ý, vào cuối tháng 2/2017, thông tin 324.000 tỷ đồng Chính phủ vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển thành trái phiếu được công bố. Với việc chuyển 324 nghìn tỷ đồng Chính phủ vay thành trái phiếu – nâng tổng số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ngân sách Nhà nước vay dưới dạng trái phiếu lên 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ Bảo hiểm xã hội cho vay (hơn 435 nghìn tỷ đồng).

Chính phủ trở thành "con nợ" lớn nhất của nguồn quỹ an sinh này. Việc chuyển tiền thành trái phiếu để chính phủ vay được cho là rủi ro khá lớn, khi mức độ khả tín trong các khoản đầu tư của Chính phủ rất thấp, trong khi có nguy cơ lớn đồng tiền Việt Nam mất giá do lạm phát. Điều này cho thấy mâu thuẫn với xác tín khi kêu gọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, rằng "Quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước bảo hộ, nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước lo".

Nhũng nhiễu quyền lực ?

Bên cạnh nguồn quỹ bảo hiểm đang bị thâm thủng do lỗi điều hành của chính cơ quan này, thì theo giải trình của bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều khả năng cho thấy còn có dấu hiệu nhũng nhiễu trong việc sử dụng tiền đóng bảo hiểm y tế của người dân.

Trong một giải thích với báo chí, phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói rằng số tiền gần 600 tỷ đồng trong năm 2017 chưa được thanh toán là do bệnh viện Chợ Rẫy chưa hoàn tất biểu mẫu quyết toán.

Phía bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sở dĩ không đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội, bởi chính cơ quan bảo hiểm áp dụng những quy định nội bộ của mình vào việc thanh quyết toán không phù hợp với văn bản pháp luật của Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm ứng dụng công văn nội bộ 4262 của mình vào việc thanh quyết toán, mà không trùng khớp các văn bản quy phạm của Bộ Y tế mà các bệnh viện đang tuân thủ. Chẳng hạn, Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định kỹ thuật chạy tim phổi nhân tạo ECMO thanh toán mỗi 8 giờ, trong khi đó công văn 4262 của bảo hiểm ghi thanh toán 12 giờ. Bệnh viện làm theo thông tư Bộ Y tế hướng dẫn thì bảo hiểm y tế không đồng ý thanh toán. Bệnh viện cũng nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến từ Bộ Y tế, nhưng nhiều công văn gửi đi đều rơi vào im lặng !

Sau khi bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếng, nhiều bệnh viện ở Sài Gòn cũng xác nhận đang rơi vào khó khăn, nợ nần chồng chất do bảo hiểm y tế chưa trả tiền nên họ cũng bị tăng lãi suất do không thể trả nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao, máy móc cho nhà cung ứng.

Liệu có xảy ra bi kịch rằng người dân Việt sau này sẽ phải gánh thuế phí cao hơn nữa, nhằm để trả giúp khoản nợ do Chính phủ vay mượn từ tiền quỹ bảo hiểm, cũng như những quản trị kém cõi của những quan chức thuộc Chính phủ được giao quản lý nguồn quỹ an sinh này ?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)