HRW tố Việt Nam gian dối Liên Hiệp Quốc về hồ sơ nhân quyền (VOA, 02/02/2019)
Tổ chức chuyên theo dõi nhân quyền quốc tế hôm 1/2 tố cáo chính quyền Việt Nam đã "đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế" về hồ sơ nhân quyền của mình trong đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Liên Hiệp Quốc gần đây.
Phái đoàn Việt Nam tham gia đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát ở Geneva vào ngày 22/01/2019.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), báo cáo của chính phủ cho rằng Việt Nam đã thực thi được 175 trong số 182 khuyến nghị mà nước này chấp thuận từ đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát năm 2014 là "rất xa thực tế".
"Các nhà lãnh đạo của Việt Nam lẽ ra có thể vận dụng phiên kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc để thực thi các cải cách về nhân quyền thực sự, nhưng thay vào đó họ lại lún sâu hơn qua việc chối bỏ hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình", ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, nhận định trong thông cáo đưa ra hôm 1/2 của tổ chức này.
HRW cho biết họ đã ghi nhận việc chính quyền Việt Nam bắt giữ tùy tiện đối với ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger trong năm 2017 và 2018, kết tội ít nhất 15 nhà hoạt động và blogger theo các cáo buộc "ngụy tạo" về an ninh quốc gia, với nhiều bản án lên tới mức hơn 10 năm tù giam. Các luật sư bào chữa không có đủ thời gian hoặc không được trình bày ý kiến trong các phiên tòa có động cơ chính trị.
Tổ chức nhân quyền nói thực tế này trái ngược với những gì mà Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung báo cáo tại Liên Hiệp Quốc rằng "Việt Nam đảm bảo cho mọi người quyền bình đẳng trước pháp luật".
HRW cũng dẫn ra nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhân quyền, trong đó có trường hợp của nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng, nói rằng ông Lượng đã bị cấm không được tiếp xúc với luật sư cho đến tận 1 tháng trước khi bị kết án 20 năm tù. Ngoài ra, còn có trường hợp "mất tích" của blogger Nguyễn Danh Dũng sau khi ông này bị bắt vào tháng 12/2016.
HRW còn đưa ra các trường hợp thực tế khác để phản biện lại tuyên bố của Việt Nam về quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.
"Chính quyền Việt Nam phát biểu rằng ‘Việt Nam đã trở thành một nước có tốc độ phát triển internet cao nhất thế giới’, với hơn nửa dân số sử dụng internet và khoảng 58 triệu tài khoản Facebook, nhưng đã lờ đi thực tế rằng theo luật an ninh mạng mới có hiệu lực, hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ không có quyền bảo mật riêng tư và có thể bị bắt giữ tùy tiện vì đăng tải thông tin bị chính quyền cho là đe dọa tới an ninh quốc gia", thông cáo của HRW nói.
Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 2007 nhằm rà soát định kỳ tình hình nhân quyền của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trước kỳ kiểm điểm lần này, Việt Nam từng tham gia UPR vào năm 2009 và năm 2014.
Cũng như hai lần kiểm điểm trước, Việt Nam khẳng định đã "đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người" và được các nước tham gia kiểm điểm "ghi nhận các thành tựu" trong nỗ lực bảo đảm quyền con người, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam nói hôm 24/1.
Ngược lại, nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động trong nước đều lên án Việt Nam về tình trạng trấn áp nhân quyền ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Tại kỳ kiểm điểm lần này, nhiều quốc gia tham gia chất vấn cũng nêu ra những quan ngại đối với Việt Nam về khả năng vi phạm nhân quyền của Luật An ninh mạng, tình trạng tra tấn, vấn đề công đoàn, quyền tự do hội họp, tự do tôn giáo, môi trường an toàn cho xã hội dân sự…
*******************
Đắk Nông : Một Facebooker bị bắt ngay trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 (RFA, 02/02/2019)
Bà Dương Thị Lanh, một Facebooker ở tỉnh Đắk Nông vừa bị bắt hôm 30/1/2019 khi lên Ủy ban nhân dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp theo giấy triệu tập lần 1 của Cơ quan điều tra để làm việc liên quan đến 2 tài khoản Facebook có tên "Uyên Thùy" và "Mai Bùi".
Facebooker Dương Thị Lanh - Courtesy of FB SG Ngoc Lan
Ông Trần Côi, chồng của bà Lanh xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin về việc bắt giữ tuy nhiên cho hay công an Đắk Nông không đưa ra bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh.
"Nó chỉ có đánh giấy mời đi làm việc cuối năm, ghi trong đó là có liên quan đến Facebook Uyên Thùy, Mai Bùi ; nó hẹn 2 giờ lên làm việc, khi lên thì nó bắt luôn.
Lúc bắt em ở nhà thì em không biết, lúc nó nhốt xong nó chở Ngọc Lan (nickname Facebook của bà Lanh) quay lại nhà nó khám xét nhà.
Em mới hỏi là có lệnh khám xét nhà không, thì nó nói là vợ anh đã bị tạm giam rồi, nên giờ tôi có lệnh khám xét nhà. Xong em hỏi : Ủa, lý do gì tạm giam, có lệnh bắt không ?
Nó nói : bắt hay không anh không cần hỏi là cái thứ nhất.
Cái thứ hai là hỏi bắt về tội gì, nó không trả lời kêu hỏi vợ anh, là tụi tui không trả lời. Nó chỉ đọc lệnh khám xét nhà thôi", ông Trần Côi thuật lại việc bắt giữ của cơ quan công an.
Giấy triệu tập lần 1 với bà Dương Thị Lanh - Courtesy of FB Trần Côi
Theo ông Trần Côi, khi khám xét nhà vào chiều ngày 30/1, lực lượng công an thu giữ 1 số tài sản gồm quần áo và nón giống đồ của lính Mỹ và 3 cái điện thoại, đồng thời thông báo bà Lanh sẽ bị tạm giam 3 tháng ở trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông.
Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho đường dây nóng của Công an tỉnh Đắk Nông, để hỏi về trường hợp này, tuy nhiên người trực ban nói "không có thông tin gì".
Bà Dương Thị Lanh, sinh năm 1982, hiện đang sinh sống tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Trong đoạn live stream cuối cùng trên tài khoản SG Ngọc Lan vào ngày 27/01/2019 bà Lanh cho hay, bản thân có tham dự cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018 và bị bắt giữ cùng với 10 người khác hôm 11/06/2018 khi đang ngồi ở công viên tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại trụ sở Công an bà bị phạt 150 ngàn đồng và được trả tự do.
Bà Lanh phủ nhận mình là thành viên của nhóm Hiến pháp cũng như cho hay đã từng ủng hộ tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời của ông Đào Minh Quân vào năm 2017, tuy nhiên sau đó không còn ủng hộ nữa.
Chúng tôi được biết bà Dương Thị Lanh là người thứ 3 bị bắt giữ trong năm 2019.
Trước đó, ngày 12/1/2019, Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ 2 ông Châu Ngọc Khảm, người Úc gốc Việt là thành viên của Việt Tân và ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên của hội Anh em dân chủ.
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam cũng có báo cáo về trường hợp Facebooker Huỳnh Minh Tâm ở Đồng Nai bị bắt giữ hôm 26/01/2019, tuy nhiên Đài Á Châu Tự Do chưa xác minh được thông tin này.
*****************
Bình Dương : Thợ lắp camera bị bắt vì cáo buộc "tham gia vào Việt Tân" (RFA, 02/02/2019)
Ngày 23/1/2019, anh Trần Văn Quyền, sinh năm 1999, một thợ lắp đặt camera tạm trú tại tỉnh Bình Dương vừa bị Cơ quan An ninh điều tra bắt giữ với cáo buộc "tham gia vào tổ chức khủng bố Việt Tân". Anh trai của anh Trần Văn Quyền và luật sư đại diện của anh Quyền cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 2/2/2019.
Anh Trần Văn Quyền - Courtesy of FB Vịnh Xuân Quyền
Anh Quyền là trường hợp thứ 4 bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến An ninh quốc gia trong năm 2019 mà truyền thông ghi nhận được.
Đài Á Châu Tự Do chưa liên lạc được với cơ quan an ninh để xác nhận về thông tin này.
Chiều ngày 2/2/2019, anh Trần Văn Cường, anh trai của Quyền nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, em mình bị bắt từ ngày 23/1 nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào công an giao cho gia đình.
"Cái ngày 23/1 trong lúc buổi sáng em vừa mới ngủ dậy thì thấy công an tới đọc lệnh khám nhà khẩn cấp. Tầm lúc đó người ta tới khoảng 8 giờ, nhưng trước đó thì Quyền đi uống cafe ở Bình Dương với các bạn cùng quê. Đang uống thì công an họ ập tới bắt Quyền, sau đó họ đưa Quyền lên xe và đưa 1 nhóm người đến nhà em để khám nhà.
Sau khi họ về, cái chỗ Quyền làm thì ở chỗ nhà em luôn, Quyền có một kệ đặt các thiết bị camera, họ lục tung lên mà cũng không có thiết bị gì, thì xong họ đi.
Họ yêu cầu em ký vào 2 biên bản là khám nhà nhưng họ không có để lại bên em 1 biên bản nào cả.
Sau khi họ khám xong thì cách đây 3 ngày bên an ninh họ có gọi em lên để mang đồ lên cho Quyền, họ nói gửi cho Quyền 2 quần đùi, 2 quần lót và áo, khăn mặt.
Em có lên đưa đồ cho Quyền mà không gặp, họ thông báo giam Quyền ở trại giam B34 Củ Chi. Còn họ gọi lên làm việc ở 238 đường Nguyễn Trãi, Quận 1", anh Cường thuật lại việc bắt giữ người thân của mình.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người được gia đình Trần Văn Quyền ký hợp đồng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước tòa, cho biết gia đình của anh Quyền được cán bộ điều tra thông báo bằng miệng rằng "Quyền bị bắt vì tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân".
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân tại Hoa Kỳ không khẳng định anh Quyền là thành viên của Việt Tân nhưng bày tỏ quan ngại :
"Trong những năm gần đây tình trạng đàn áp gia tăng rất nhiều tại Việt Nam nên tất cả những vụ công an bắt người với lý do chính trị đều cần phải lên án. Chúng tôi rất quan tâm đến tất cả những vụ bắt bớ gần đây và dĩ nhiên cả trường hợp mới nhất của anh Trần Văn Quyền".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nhận xét việc bắt giữ anh Quyền diễn ra trong "tình trạng không khẩn cấp lắm, mà lại bắt người trước Tết là cái tết đoàn viên của dân tộc Việt Nam".
Ông Miếng cũng nói thêm là việc bắt giữ anh Quyền không có giấy tờ gì được giao cho gia đình thì ông đã từng gặp ở một số vụ án khác.
"Tôi nghi ngờ những lệnh bắt đó họ có đọc nhưng chưa được phê duyệt hoặc là những lệnh đó không có. Sau đó họ mới hợp thức hóa những lệnh đó, ngày tháng, ngày giờ để phù hợp với thời gian và trình tự của vụ án", luật sư tham gia bào chữa nhiều vụ án liên quan đến An ninh quốc gia nêu ý kiến.
Anh Trần Văn Quyền, năm nay 20 tuổi, quê quán ở xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và làm nghề lắp đặt camera ở Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Theo anh của Trần Văn Quyền, em trai của mình thời gian qua có lên tiếng về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền và lên tiếng bảo vệ tiếng nói của người dân.
Trên Facebook có tên Vịnh Xuân Quyền được cho là của anh Trần Văn Quyền có chia sẻ các bài viết từ năm 2017 về việc các linh mục ở các giáo xứ ở Nghệ An bị hội cờ đỏ tấn công.
****************
Blogger Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan sau khi xin tị nạn chính trị ? (VOA, 01/02/2019)
Hôm 1/2, trang The Vietnamese loan tin rằng cựu tù nhân chính trị Trương Duy Nhất bị mất tích ở Thái Lan sau khi đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Bangkok hôm 25/1. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính quyền Việt Nam xác nhận với VOA rằng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt tại Thái Lan, nhưng "tin mật" này chỉ được phép loan báo sau dịp Tết Nguyên Đán.
Trang The Vietnamese loan tin ông Trương Duy Nhất bị mất tích ở Thái Lan. Photo The Vietnamese.
Theo trang The Vietnamese, Blogger Trương Duy Nhất đã rời Việt Nam vào đầu tháng 1/2019 và được nhìn thấy lần cuối tại văn phòng UNHCR ở Bangkok vào thứ Sáu tuần trước 25/1.
Trang The Vietnamese do hai nhà hoạt động ở trong nước là Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long biên tập, và Luật sư Tran Vi ở Hoa Kỳ làm Tổng biên tập.
Cộng đồng các nhà tranh đấu Việt Nam hôm 1/2 cũng đồng loạt loan tin ông Trương Duy Nhất bị mất tích.
VOA đã liên lạc với với con gái của ông ở Vancouver nhưng chưa được phản hồi.
Gia đình xác nhận với trang The Vietnamese rằng ông Nhất không bị chính quyền Thái Lan hay Trung Tâm Giam Giữ Người Nhập Cư Thái Lan (IDC) giam giữ.
Trước đây, vào năm 2014, ông Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù theo Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999.
Việt Nam đã cáo buộc một số bài viết trên blog Một góc nhìn khác của ông là "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi của nhà nước".
Blogger này bị cáo buộc đã "đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam".
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Nhất cho rằng ông đã bị bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Sau khi được thả tự do vào năm 2015, ông Nhất tiếp tục viết blog và cư trú tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Vợ của Trương Duy Nhất hiện vẫn còn ở Việt Nam, trang The Vietnamese cho biết thêm.
Gần đây các vụ người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài và đưa về nước cũng không hiếm, gần nhất là vụ bắt ông Trần Bắc Hà ở Campuchia, ông Phan Văn Anh Vũ ở Singapore, hay ông Trịnh Xuân Thanh nghi bị bắt từ Đức.
******************
Hong Kong triệt phá đường dây buôn lậu vảy tê tê sang Việt Nam (VOA, 02/02/2019)
Hải quan Hong Kong triệt phá một đường dây buôn lậu lớn các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ Châu Phi, thu giữ một lượng vảy tê tê nhiều kỉ lục cùng với hơn 1.000 ngà voi, trong khi nhà chức trách đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Vảy tê tê là một trong những sản phẩm động vật hoang dã thường được vận chuyển tới Việt Nam.
Giá trị của lượng hàng vừa bị tịch thu - tương đương khoảng 500 con voi và lên tới 13.000 con tê tê - là hơn 62 triệu đôla Hong Kong (7,9 triệu đôla Mỹ), Reuters dẫn lời nhà chức trách cho biết hôm thứ Sáu. Có nguồn gốc từ Nigeria, lô hàng này trên đường hướng tới Việt Nam, họ nói thêm.
Trong một vụ việc khác, các quan chức hải quan tại cảng Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam đã phát hiện thêm 1,4 tấn vảy tê tê trong một container vận chuyển từ Nigeria, thông tấn xã Việt Nam đưa tin hôm thứ Sáu.
Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã chặn hơn tám tấn vảy tê tê và ngà voi, cũng từ Nigeria. Đây là một trong những vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp lớn nhất bị triệt phá tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc là một điểm đen toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã. Thành phố này là một điểm trung chuyển quan trọng, cung cấp một loạt các sản phẩm dã sinh bao gồm gỗ, vây cá mập và sừng tê giác khắp Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đại lục.
Hải quan Hong Kong vào ngày 16 tháng 1 đã thu giữ khoảng 8.300 kg vảy tê tê và 2.100 kg ngà voi tại cảng hàng hóa Quỳ Dũng. Đó là vụ tịch thu các bộ phận tê tê lớn nhất ở Hong Kong vào thời điểm đó.
Một cơ quan của chính phủ Mỹ mới chính thức khởi động giai đoạn 3 của sáng kiến "Chí" (1) với mục đích giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Một bảng quảng cáo ở Hà Nội, kêu gọi người dân không sử dụng sừng tê giác.
"Chí" là một sáng kiến truyền thông xã hội với mục đích giảm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác nhằm thể hiện đẳng cấp của người sử dụng.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Động thực vật hoang dã Châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sáng kiến trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam.
"Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới nhằm chống lại tội phạm động thực vật hoang dã và chấm dứt tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ động vật hoang dã", ông Craig Hart, Quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam, phát biểu cuối tháng trước.
Theo USAID, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, "là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại Châu Phi và đẩy nhiều loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng".
Cơ quan này đánh giá rằng chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm liên quan tới động vật hoang dã, trong đó có việc ban hành Bộ Luật Hình sự mới với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng.
Tuy nhiên, theo USAID, Việt Nam vẫn đang được xem là thị trường "nóng" trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác mà nhiều người Việt vẫn coi là có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư.
Theo USAID, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, "là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại Châu Phi.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia quốc tế bấy lâu nay khẳng định rằng sừng tê giác không phải "thần dược", mà nó chỉ có thành phần giống móng tay người, nên không có các công dụng như được quảng bá.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, báo chí trong nước thời gian qua vẫn đăng tải nhiều bài viết về việc buôn lậu sừng tê giác.
Có thể thấy những hàng tít như : "Sừng tê giác trăm triệu đồng/lạng, nanh hổ nhiều như nấm, hàng cấm đại gia thích vẫn có" hay "Phạt tù cựu cán bộ hải quan Thành phố Hà Nội ‘rút ruột’ ngà voi và sừng tê giác bán lấy tiền cá độ bóng đá".
Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC tại Việt Nam, nói rằng với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, "chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam".
Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID "hỗ trợ các giải pháp phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới", "với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã ; tăng cường năng lực thực thi pháp luật ; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật ; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, cụ thể là tại các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam".
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink hồi tháng Năm kêu gọi Việt Nam phối hợp với Mỹ để chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.
Hồi tháng Năm, USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã khởi động dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã với ngân sách gần 10 triệu đôla.
"Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ không chỉ là cam kết giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mà nó còn kết nối với nỗ lực của các tổ chức khác trong và ngoài Việt Nam có tham gia phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã. Chỉ bằng cách phối hợp cùng nhau chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề toàn cầu này", Đại sứ Daniel Kritenbrink phát biểu.
Theo USAID, dự án hỗ trợ chính phủ Việt Nam phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã thông qua ba mục tiêu tích hợp và bổ trợ lẫn nhau : Kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm ; và giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động, thực vật hoang dã.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, dự án tập trung vào các loài tê giác, voi và tê tê và các khu vực địa lý trọng điểm bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như tại các "điểm nóng" về buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã như vùng biên giới, hải cảng và sân bay.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 09/09/2018
(1) "Chí" hay "Sức tại Chí" là một sáng kiến truyền thông xã hội với mục đích giảm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác nhằm thể hiện đẳng cấp của người sử dụng.
Hải quan Malaysia bắt lượng vảy tê tê kỷ lục (RFA, 08/05/2017)
Ngày 8 tháng Năm, giới chức Hải quan Malaysia cho biết đã bắt giữ hơn 700 kg vảy tê tê hồi tuần trước, trị giá khoảng 2,12 triệu Mỹ kim.
Một quan chức hải quan Malaysia với vảy tê tê mẫu tại cuộc họp báo ở Sepang vào ngày 08 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Vụ bắt giữ 712 kg vảy tê tê được thực hiện trong 2 lần riêng biệt.
Vào ngày mùng 2 tháng Năm, 408 kg vảy tê tê chứa trong 8 bao tải được phát hiện ở nhà kho của sân bay Kuala Lumpur và số hàng này được cho là vận chuyển trên một chuyến bay từ Accra, Ghana và chuyển tiếp ở Dubai.
Hai ngày sau đó, 10 bao tải chứa 304 kg vảy tê tê được tìm thấy và bị tịch thu. Số hàng này được vận chuyển trên một chuyến bay từ Kinshasa, Cộng hòa Congo đến thành phố Nairobi, Kenya, chuyển tiếp ở Dubai trước khi đến Kuala Lumpur.
Giới chức Hải quan Malaysia cho biết hai vụ bắt giữ vảy tê tê vừa nêu là nhiều nhất và đang tiến hành điều tra.
********************
Bắt sừng tê giác tại Tân Sơn Nhất (RFA, 08/05
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cầm một sừng tê giác bị thu giữ tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2016. AFP photo
1,5 kg sừng tê giác giấu trong đồ chơi trẻ em vận chuyển từ Châu Phi về Việt Nam bị phát hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều thứ Hai, ngày 8 tháng Năm.
Nhân viên Hải quan, thuộc Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh vừa bắt giữ và khởi tố vụ án đối với một nam thanh niên, quốc tịch Việt Nam, nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất, trên một chuyến bay từ Châu Phi, với 3 khúc sừng tê giác, trọng lượng gần 1.5 kg. Số sừng tê giác này được giấu kỹ trong các hộp đồ chơi trẻ em để trong hành lý cá nhân.
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết tiếp tục phối hợp với lực lượng của các cơ quan chức năng để điều tra những đường dây, tổ chức buôn lậu sừng tê giác qua biên giới.
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng Tư đã bắt giữ 5 kg sừng tê giác và 4 kg các sản phẩm làm từ ngà voi Châu Phi và vảy tê tê vận chuyển trái phép qua cửa khẩu sân bay này.