Tổng thống Donald Trump rất lạc quan khi bắt đầu dùng đòn quan thuế để bắt Cộng Sản Trung Quốc phải thay đổi cách mua bán làm ăn với Mỹ. Ông khởi động cuộc chiến tranh mậu dịch với niềm tin tất thắng. Ông nói, "Chiến tranh mậu dịch tốt, rất dễ thắng !" (Trade wars are good, and easy to win).
Donald Trump đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp bảo hộ chống lại Trung Quốc, bị buộc tội "xâm lược kinh tế" chống lại Hoa Kỳ ! - Tranh biếm họa
Trong năm 2018, Tổng thống Trump đã đánh và tăng thuế trên 12% tổng số hàng nước Mỹ nhập cảng, từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Mục tiêu của ông là làm cho hàng nhập nội tăng giá, giúp các xí nghiệp Mỹ bớt bị cạnh tranh, giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ khi dân Mỹ sẽ bớt mua hàng nước ngoài.
Trong năm ngoái, số hàng trị giá 283 tỷ USD này bị đánh thuế quan từ 10% tới 50%. Quả nhiên, số hàng nhập cảng vào Mỹ đó đã giảm, vì giá cao thêm từ 10% đến 50%. Các nước khác trả đũa, cũng tăng thuế quan hàng mua từ nước Mỹ, tổng số 121 tỷ USD.
Đợt tấn công đầu vào tháng Giêng, 2018, những máy giặt của Trung Quốc bị đánh thuế 20% đến 50% ; và và các tấm kiếng biến điện từ mặt trời bị đánh 30%. Đợt thứ nhì vào tháng Ba, đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng, trị giá 18 tỷ USD ; tiếp theo là 22 tỷ USD các sản phẩm nhôm, thép vào tháng Sáu.
Tháng Bảy là cuộc tổng tấn công, đánh thuế quan 10% trên hàng ngàn món hàng Trung Quốc, trị giá 250 tỷ USD ; với đe dọa sẽ tăng lên 25% vào đầu tháng Ba năm nay.
Nhưng gần đây ông Trump đã cho hoãn đợt tấn công này, chưa biết đến bao giờ.
Không cần làm tính thử cũng biết ngay chính phủ Mỹ đã thâu được rất nhiều tiền thuế đánh trên hàng nhập cảng. Chỉ cần 10% trên 250 tỷ cũng là 25 tỷ USD một năm rồi.
Cho nên Tổng thống Trump đã hân hoan "tuýt" tin mừng cho dân chúng và những người ủng hộ ông chia vui. tháng Mười Một năm ngoái ông viết, "Bao nhiêu tỷ đô la đã tuôn vào kho tiền nước Mỹ nhờ hàng Trung Quốc bị đánh thuế quan". tháng Giêng năm nay, ông nói, "Ngân Khố Mỹ đã thu vào NHIỀU tỷ đô la do thuế quan đánh trên Trung Quốc và các nước khác trước đây không đối xử công bằng với chúng ta". tháng Hai, ông nói, "Bao nhiêu tỷ đô la Trung Quốc đã phải trả cho Mỹ dưới hình thức quan thuế".
Những tin vui trên đúng một nửa. Ngân khố Mỹ đã thâu rất nhiều tiền nhờ thuế đánh trên hàng nhập cảng. Phần không đúng, là các nước bị tấn công không hề đóng thuế cho chính phủ Mỹ.
Hàng hóa của Trung Quốc, thép hoặc nhôm từ Đức, Nhật Bản, Canada bán sang Mỹ, giá cả tùy theo thị trường. Chính các công ty nhập cảng phải đóng thuế, nếu bị đánh, khi mua hàng nước ngoài. Họ có thể kỳ kèo yêu cầu người bán giảm giá, nhưng hơi khó. Vì các công ty ngoại quốc bán hàng vô Mỹ họ cũng cạnh tranh với nhau, phải hạ giá xuống vừa đủ để kiếm lời. Nếu hạ thấp hơn nữa thì không làm ăn được.
Khi các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng thêm 10% hay 30% thuế, thì họ chỉ còn một đường là tăng giá bán để bù lại. Những máy giặt đem qua Mỹ bán trực tiếp cho khách hàng phải tăng giá. Thép và nhôm bán cho các hãng chế tạo máy cày hoặc xe hơi, các hãng này mua vật liệu cao giá hơn, cũng phải tăng giá khi bán hàng. Các công ty ở Mỹ sản xuất cùng một thứ như các hàng hóa mới bị đánh thuế cũng nhân cơ hội này tăng giá. Điển hình là các công ty thép và nhôm. Cuối cùng, chính những người tiêu thụ ở Mỹ phải bỏ thêm tiền khi đi mua.
Một món hàng mua từ Tàu giá 10 USD trước khi có chiến tranh mậu dịch, sau khi bị đánh thuế quan 25% sẽ bán giá 12,5 USD. Nếu người ta tiếp tục mua hàng nhập cảng, họ sẽ bị tốn thêm 2,5 USD. Lợi tức quốc gia (GDP) không thay đổi, vì chính phủ cũng thâu được đúng 2,5 USD.
Nếu người Mỹ mua cũng món hàng đó, ở Malaysia hay Việt Nam, với giá bán 11 USD, thì người tiêu thụ chỉ tốn thêm 1 USD. Trong trường hợp này, chính phủ Mỹ không đánh thuế, không thu đồng nào hết, cả nền kinh tế Mỹ mất 1 USD vì đổi nơi mua hàng nhập cảng.
Giả thử bây giờ có xí nghiệp Mỹ sản xuất món hàng đó, bán với giá 11,5 USD, thì người tiêu thụ tốn thêm 1,5 USD, chính phủ Mỹ không thu được đồng thuế quan nào. Nhưng khi một công ty Mỹ sản xuất một món hàng thay thế cho hàng mua từ bên Tàu, thì họ cũng phải dùng đến tiền vốn đầu tư và công nhân ở nước Mỹ. Những nguồn tư bản và lao động đó đáng lẽ có thể dùng để sản xuất thứ khác, nay được chuyển sang làm đồ thay thế hàng nhập cảng. Nghĩa là công ty sản xuất cũng bị thiệt hại vì mất cơ hội tạo ra một số lời gần bằng 1,5 USD !
Tóm lại, đánh và tăng thuế quan trước hết sẽ làm thiệt hại cho giới tiêu thụ.
Trong năm qua, người tiêu thụ ở Mỹ đã trả thêm bao nhiêu tiền ?
Hai bài nghiên cứu mới được công bố cuối tuần qua đã cho biết những con số.
Ngày thứ Bảy, là bài phúc trình của ba giáo sư kinh tế thuộc các Đại Học Columbia, Princeton, và Ngân Hàng Dự Trữ New York, New York Federal Reserve. Nhan dề : Ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch trên giá cả và phúc lợi. Ba giáo sư Mary Amiti, Stephen Redding và David Weinstein tính ra rằng trong năm 2018 người tiêu thụ và các xí nghiệp nhập cảng ở Mỹ mỗi tháng tốn thêm 3 tỷ USD. Giá các món hàng bị đánh thuế tăng trung bình từ 10% đến 30%.
Ngoài chi phí vì phải đóng thuế, nhiều công ty đã phải tổ chức lại việc mua bán của mình để đi mua hàng từ nước khác ; thay vì mua từ Trung Quốc họ chuyển qua mua của Mexico hay Việt Nam. Công việc đó cũng tốn tiền ; tổng số lên tới 165 triệu USD.
Ngày Chủ Nhật, thêm một bài nghiên cứu được công bố, của ba nhà kinh tế khác, Pinelopi Goldberg, kinh tế gia trưởng Ngân Hàng Thế Giới, World Bank ; Giáo Sư Pablo Fajgelbaum, Đại Học UCLA ; và Patrick Kennedy, Đại Học UC Berkeley. Họ thấy thuế quan cao hơn đã làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ khoảng $68 tỷ USD. Nhưng khi tính thêm những lợi lộc của các công ty sản xuất trong nước Mỹ nhờ hàng tăng giá thì số thiệt hại giảm xuống, chỉ còn 6,4 tỷ USD.
Nhiều công ty Mỹ được lợi nhờ thuế quan đánh trên hàng nhập cảng, thí dụ các công ty thép và nhôm sẽ được dịp tăng giá, do đó, cũng thuê mướn thêm người làm việc. Nhưng khi giá thép tăng lên thì nhiều công ty dùng thép làm nguyên liệu sẽ phải mua giá cao hơn, do đó tăng giá bán cho khách hàng. Người ta bớt mua, công ty giảm bớt công việc, và sa thải công nhân.
Cuộc chiến tranh mậu dịch thật phức tạp, hiện nay chưa thấy lợi nhiều bằng thiệt hại. Nước Mỹ sẽ bớt nhập cảng từ Trung Quốc nhưng chưa chắc đã chế tạo các thứ ở Mỹ để thay thế. Nhiều xí nghiệp có thể còn phải chuyển ra nước ngoài nếu họ tiếp tục phải nhập cảng với thuế quá cao.
Công ty Bumble Bee Seafoods đã hoạt động ở California từ năm 1899, hiện có thêm một cơ xưởng ở tiểu bang New Jersey, tổng cộng 500 công nhân. Công ty chuyên đóng cá hộp, cá thu, từ 120 năm nay.
Thường cá thu đánh ở vùng phía Tây Thái Bình Dương được đưa vào nước Tàu để làm thịt, rửa, và đóng gói gửi qua Mỹ ; cá thu vùng biển phía Đông được làm ở đảo Fiji, và cá từ Ấn Độ Dương làm thịt ở đảo Mauritius. Sau khi quan thuế đánh 10% trên cá thu nhập cảng từ Trung Quốc, từ tháng Chín năm ngoái, Bumble Bee không biết có thể tiếp tục chịu đựng hay không.
Vì giá cá thu nhập lên cao, công ty có thể phải đóng cửa một cơ xưởng và chuyển công việc sang một nước khác ở vùng Đông Nam Á.
Công ty làm nón baseball tên Cap America, ở Fredericktown, tiểu bang Missouri, với 285 nhân viên, cũng gặp khó khăn khi những cái nón làm ở bên Tàu bị đánh thuế 10%. Làm lấy những cái nón đó rất khó, vì phần lớn các nhà dệt vải làm nón đã rời khỏi nước Mỹ ; các nhà làm máy may và các nhân viên kỹ thuật của họ cũng đi nước khác mất rồi, hoặc đã già quá, về hưu cả. Cap America cũng đang tính chuyển công việc qua một nước khác, không bị đánh thuế quan.
Trong nền kinh tế Mỹ, những con số bạc triệu hay bạc tỷ trên đây không đáng kể ! Vì thị trường Mỹ đủ rộng lớn, tỷ lệ nền ngoại thương của Mỹ rất nhỏ so với cả nền kinh tế, không như những nước mạnh nhờ xuất cảng như Đức, Nhật Bản, và Trung Quốc. Dù nước Mỹ bị thiệt 68,8 tỷ USD trong năm qua vì đánh thuế quan trên hàng Trung Quốc, thì con số đó cũng chưa bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng nội địa (GDP).
Tuần trước, ông Robert Lighthizer nói với Quốc hội rằng chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp với Trung Quốc nếu họ không chịu "thay đổi cơ cấu". Vị "đại diện thương mại", tương đương với bộ trưởng ngoại thương trong chính phủ Donald Trump nói rằng đó mới là mục tiêu của cuộc chiến tranh mậu dịch ; chứ không phải "giải pháp đậu nành" mà ông chế nhạo.
Hy vọng Tổng thống Trump sẽ giữ vững lập trường đó trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát của ông ở Florida.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 05/03/2019
Tổng thống Donald Trump chắc đang bắt đầu theo kế của Khổng Minh Gia Cát Lượng !
Khi giao cho Quan Vân Trường trấn thủ Kinh Châu, Khổng Minh dăn dò : “Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền.” Vân Trường quên lời của quân sư, đánh nhau với cả hai, thành mất mà mạng sống cũng không giữ được.
Bài học trong truyện Tam Quốc là : Không nên đánh nhau với hai đối thủ cùng một lúc.
Tổng thống Trump đã gây chiến, chiến tranh mậu dịch, với hầu hết các nước. Phía Bắc là Canada, phía Nam là Mexico, nhưng đó là những nền kinh tế nhỏ. Ông còn muốn tấn công hai đối thủ kinh tế mạnh nhất nằm bên kia bờ các đại dương : Phía Tây có Trung Quốc, phía Đông là Liên Hiệp Châu Âu (EU). Vũ khí ông dùng là quan thuế, thuế đánh trên hàng nhập cảng từ các nước này.
Sau cuộc gặp gỡ với ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Hội Châu Âu, ông Trump đã theo kế Khổng Minh : Hòa với phía Đông để lo đối phó mặt Tây, nước Tàu ở bên kia Thái Bình Dương.
Mấy tuần trước, ông Trump gọi đích danh EU là “địch thủ” (Foe) về mậu dịch vì Châu Âu bán nhiều mà mua ít, Mỹ bị thâm thủng $152 tỷ một năm. So với gần $400 tỷ chênh lệch khi mua bán với nước Tàu thì con số này nhỏ, nhưng ông Trump vẫn quyết san bằng.
Ông Jean-Claude Juncker đến nước Mỹ cũng chuẩn bị như Gia Cát Lượng vào Giang Đông : Trước hết phải lấy lòng gia chủ. Juncker mang theo một tấm hình chụp nghĩa địa quân đội Mỹ ở nước Luxembourg, quê hương ông, trong đó có mộ Tướng George Patton, người đã chỉ huy quân Mỹ trên mặt trận Pháp, Đức thời Đại Chiến Thứ Hai. Ông viết lời đề tặng : “Dear Donald, hãy nhớ lại chúng ta chung một lịch sử.”
Ông Juncker bước vào Tòa Bạch Ốc, trong tay cầm hơn chục tấm thẻ ghi tóm tắt để nhớ (cue cards), mỗi tấm về một vấn đề, trình bày cả chữ lẫn hình vẽ và con số ; đụng chuyện nào sẽ biết mình phải nói cái gì. Cái trò này thì đời xưa Khổng Minh không dùng tới, nhưng đời nay thì cần vì trước một vấn đề mậu dịch giữa hai khối kinh tế lớn nhất thế giới không ai có thể nhớ hết được. Có lẽ ông Juncker đã không phải dùng hết cả chục tấm thẻ, vì ngay từ lúc bắt tay, ông Trump đã muốn hòa hoãn !
Tổng thống Trump đã chịu “hóa giải” cuộc xung đột không phải vì ông Juncker có tài thuyết phục như Khổng Minh, mà vì các đại biểu quốc hội Cộng Hòa đã dọa sẽ làm luật ngăn cản không cho tiếp tục gây chiến nhiều quá. Trong Tòa Bạch Ốc, ông cố vấn kinh tế Larry Kudlow cũng khuyến cáo như vậy, và đã báo trước cho phái đoàn Juncker biết.
Những điều Juncker và Trump thỏa hiệp giúp cho hai bên đều có thể tuyên bố thắng lợi. Nhưng được lợi nhất là nền kinh tế nước Mỹ, Châu Âu, và cả thế giới. Chỉ cần hai bên tuyên bố ngưng chiến, các xí nghiệp sẽ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đợi coi cuộc chiến sẽ tới đâu. Các công nhân sẽ bớt lo mất việc, và người tiêu thụ không lo giá cả sẽ tăng.
Ông Juncker có thể tuyên bố thắng lợi vì những điều chính mà hai bên đồng ý cũng là những điều kiện của Liên Hiệp Châu Âu từ hai tháng trước, khi họ muốn Mỹ đừng đánh thuế nhập cảng trên thép và nhôm. Chỉ có một thay đổi, là EU hứa sẽ mua đậu nành, một món quà tặng riêng cho Tổng thống Trump.
Ông Juncker còn có thể khoe rằng ông không nhượng bộ trong một vấn đề quan trọng, vì tổng thống Mỹ không đòi hỏi mở cửa thị trường nông phẩm Châu Âu cho Mỹ tự do vào bán. Chính quyền Barack Obama đã đòi hỏi điều này khi hai bên thảo luận một hiệp ước mậu dịch tự do, gọi là TTIP (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership), nhưng Châu Âu từ chối từ năm 2016. Khi trở về Bruxelles, ông Juncker nhấn mạnh rằng ngay từ đầu ông đã nói với ông Trump xin đừng nói gì tới chuyện đòi mở thị trường nông sản, và ông Trump đồng ý.
Phía bên này, Tổng thống Trump cũng có quyền tuyên bố thắng lợi vì ông Juncker đã hứa Châu Âu sẽ mua đậu nành của Mỹ. Ngày hôm sau, ông Trump đã đem thành tích này ra khoe với các nhà trồng đậu nành ở các tiểu bang miền Trung Tây. Họ đang lo lắng vì đậu nành xuống giá, và sang năm chưa biết biết trồng gì thay thế. Có nhà xuất cảng đậu nành Mỹ phải đổ xuống biển các bao đậu nành trên một chuyến tàu, chỉ vì con tàu đến bến Đại Liên chậm mấy tiếng sau khi Bắc Kinh áp dụng thuế trả đũa. Người mua từ chối nhận hàng vì phải đóng thuế quan thì giá tăng lên 25% ngay lập tức, trong khi họ có thể mua đậu nành từ Brazil, không phải đóng thuế. Nay ông Trump trấn an các trạo chủ đậu nành : Châu Âu là khách hàng mới. Ông Juncker dễ dàng chấp nhận yêu cầu của ông Trump, vì các nước Châu Âu lâu nay vẫn không đánh thuế đậu nành, cũng không trợ cấp các nhà nông trồng đậu nành, trong khi đánh thuế nặng trên các nông sản khác mua từ Mỹ.
Tổng thống Trump cũng có thể tuyên bố thắng lợi khi Châu Âu hứa sẽ mua khí đốt lỏng (LNG) từ nước Mỹ. Khi qua Bruxelles họp khối NATO, Tổng thống Trump đã chỉ đích danh nước Đức là đã lệ thuộc khi mua quá nhiều khí đốt của Nga – mua hơn 50% số khí dùng.
Nhưng lý do chính khiến dân Châu Âu dùng khí đốt của Nga là nó rẻ. Giá khí đốt mua của Mỹ đắt thêm 20%. Hiện nay, nước Mỹ sản xuất rất nhiều khí đốt nhờ các kỹ thuật khai thác mới, nhưng các khách hàng chính mua LNG là các nước Châu Mỹ La Tinh và Á Châu – là những nơi Nga chưa đặt được ống dần dầu khí ! Biến khí đốt thành chất lỏng đã tốn tiền, đem LNG trên tầu thủy đi bán lại đòi hỏi phải thiết lập những bến cảng đặc biệt. Tất cả làm cho giá thành của khí đốt tăng gấp đôi nếu bán qua Châu Âu.
Nhưng các nước Châu Âu cũng biết họ không thể tùy thuộc quá vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp, vì khi cần đến ông Putin có thể khóa ống dẫn khí để tạo áp lực. Hai nước cựu Cộng Sản láng giềng của Nga là Poland và Lithuania cũng đang xây những bến cảng đặc biệt để tiếp nhận LNG. Cho nên, từ Tháng Năm vừa qua, EU đã đề nghị sẽ mua khí đốt của Mỹ.
Mua khí đốt bây giờ là đúng lúc, vì giá dầu lửa thế giới đang lên cao, khí đốt sẽ cạnh tranh dễ dàng hơn. Nhưng chính phủ Mỹ và 28 nước Châu Âu không đứng ra mua bán, công việc này hoàn toàn do tư nhân quyết định. Ngay trong nội bộ Châu Âu, mỗi nước cũng có nhu cầu và chủ trương riêng. Đức muốn cùng Mỹ xóa bỏ hết thuế quan, vì họ sống giầu nhờ xuất cảng. Pháp thì đặc biệt muốn bảo vệ các nhà nông, bằng cách hạn chế thị trường nông sản. Vì vậy, việc thực hiện những lời hứa của ông Juncker với ông Trump sẽ cần nhiều tháng, có thể nhiều năm mới thực hiện được. Tuy nhiên, ai cũng thấy vụ EU mua đậu nành và khí đốt lỏng làm thỏa mãn cả hai bên, EU thì không mất gì hết, còn Tổng thống Trump thì được ghi một thành tích.
Một điều khác làm Châu Âu hài lòng, là Tổng thống Trump sẽ hoãn, không đánh thuế 25% trên xe hơi nhập cảng từ Đức, Pháp, Ý hay Anh trong mấy tháng tới nữa, trong khi hai bên thương lượng việc xóa bỏ quan thuế trên các mặt hàng công nghiệp khác. Tổng thống Trump than phiền xe hơi Mỹ đánh thuế quan 10%, gấp bốn lần suất thuế Mỹ đánh trên xe hơi từ Châu Âu. Ông chỉ lờ đi không tiết lộ rằng Mỹ đánh thuế 25% trên các xe tải và SUV mua vào, để bảo vệ thị trường cho các công ty xe ở Mỹ, khi bán xe tải họ kiếm lời gấp bội so với bán xe hơi.
Một tin mừng cho kinh tế thế giới là Tổng thống Trump đồng ý hai khối Mỹ và EU sẽ cùng sử dụng WTO, tổ chức Mậu Dịch Thế Giới, trong việc đối phó với Trung Quốc. Trước đây, ông Trump coi WTO là một tổ chức hoàn toàn bất lợi cho Mỹ. Hai khối sẽ hiệp lực trong cuộc tấn công vào các thủ đoạn của Cộng Sản Trung Quốc nhằm đánh cắp các sản phẩm trí tuệ khi cộng tác với các công ty Âu Mỹ.
Trong cả năm qua, khi những lời đe dọa chiến tranh mậu dịch của Tổng thống Trump khiến thế giới lo ngại, thì Trung Quốc đã làm đủ cách chia rẽ Mỹ với các nước Châu Âu cũng như Nam Hàn và Nhật Bản. Bây giờ ông Trump đã theo kế Khổng Minh : Ngưng chiến với Châu Âu, để có thể cùng tấn công Trung Quốc !
Trong khi đó Bắc Kinh đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh mậu dịch “trường kỳ” bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế để đáp lại tình trạng xuất cảng tụt xuống. Những biện pháp cũ kỹ này, chỉ có tính vá víu nhất thời, không biết sẽ giúp Trung Quốc cầm cự được bao lâu.
Nhưng một hậu quả tức thời là Tập Cận Bình phải tạm ngưng công việc cải tổ cơ cấu nền “kinh tế bao cấp” mà ông đã hô hào từ khi nhậm chức. Ngưng cải tổ, tức là nước Tàu tiến chậm hơn, sẽ khó vươn lên thành một cường quốc kinh tế đầy đủ thực lực.
Ngô Nhân Dụng
*********************
Một hôm sau khi tổng thống Donald Trump loan báo thỏa thuận giảm tranh chấp thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, các quan chức Mỹ hôm qua, 26/07/2018 đã không che giấu ẩn ý đằng sau điều có thể gọi là cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Châu Âu : Đó là ổn định mặt trận Châu Âu để có thể tập trung sức lực cho một cuộc chiến gay gắt hơn nhắm vào Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái), nói về thương mại song phương trong cuộc họp báo tai Nhà Trắng, ngày 25/07/2018. REUTERS/Joshua Roberts
Theo thỏa thuận bất ngờ giữa tổng thống Mỹ với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm 25/07, Washington sẽ đình chỉ việc áp mọi loại thuế quan mới trên hàng hóa nhập từ Châu Âu, kể cả thuế 25% đề nghị trên xe hơi Châu Âu. Hai bên cũng sẽ đàm phán về thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu từ Châu Âu. Đổi lại thì Châu Âu sẽ nhập thêm đậu nành và năng lượng từ Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó, một quan chức Nhà Trắng, xin ẩn danh, đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters rằng một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận với Châu Âu, là hai bên đã đồng ý liên kết với nhau để giải quyết vấn đề Trung Quốc lạm dụng thị trường : « Họ muốn hợp tác với chúng tôi trên hồ sơ Trung Quốc và muốn giúp chúng tôi cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».
Theo ghi nhận của Reuters, trong thời gian qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt mức thuế trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn chặn đà vươn lên của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đe dọa thế thống trị hiện nay của Hoa Kỳ.
Trong vấn đề này, cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo công ty Trung Quốc là đã tìm mọi cách để đánh cắp bí mật của công nghệ của phương Tây.
Do vậy, nếu được duy trì, điều hoàn toàn chưa chắc chắn, thỏa thuận hưu chiến thương mại giữa Mỹ và Châu Âu có thể cho phép cả hai bên tập trung mũi dùi vào Trung Quốc, mà đà vươn lên đe dọa cả hai khối.
Về phía Mỹ, giới lập pháp ở Washington vào hôm qua đã thông qua luật lệ nhằm làm chậm tiến trình Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, còn tại Châu Âu, những hồi chuông báo động đã liên tiếp được gióng lên trong thời gian gần đây về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, tin rằng « Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ là đồng minh trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nước đã phá vỡ hệ thống thương mại thế giới trong thực tế ». Ông Kudlow khẳng định là chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã nói rõ là ông dự định giúp nước Mỹ và tổng thống Trump trên vấn đề Trung Quốc.
Mới đây, trong nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, ông Trump đã nhân lên gấp bội lượng hàng hóa Trung Quốc mà ông đe dọa áp thuế hải quan, từ 50 tỷ đô la lên mức 450 tỷ đô la, sau khi Bắc Kinh có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ.
Đối với đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nhân vật phụ trách thương mại hàng đầu của tổng thống Trump, trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Washington không thể để mình bị thua.
Và để giành phần thắng, như vậy là Mỹ có dấu hiệu đang tìm kiếm đồng minh. Sau khi hòa dịu với Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm qua, Hoa Kỳ cũng tung tín hiệu tích cực về phía Canada và Mêhicô.
Trọng Nghĩa
**********************
Chính phủ Đức hôm nay 27/07/2018 loan báo đã mua 20% phần vốn của công ty quản lý mạng lưới điện 50Hertz để bảo vệ công ty chiến lược này không rơi vào tay Trung Quốc. Sự can thiệp này chứng tỏ Berlin ngày càng lo ngại trước chiến dịch thâu tóm của Bắc Kinh.
Một trạm biến áp của công ty 50Hertz tại Neuenhagen, Đức, 06/03/2014. REUTERS/Tobias Schwarz/File Photo
Bộ Kinh tế Đức cho biết, theo lệnh của chính phủ, vì lý do an ninh Ngân hàng Nhà nước KFW đã chi ra gần 1 tỉ euro mua lại 20% cố phiếu của công ty điện lực 50Hertz, một doanh nghiệp phụ trách cung cấp điện cho 18 triệu dân ở miền đông và miền bắc nước Đức.
Nghi ngại các ý định của Bắc Kinh, từ một năm qua chính quyền Đức đã ra nghị định không cho các nhà đầu tư nước ngoài mua trên 25% cổ phần các công ty chiến lược (cơ sở hạ tầng, vi tính, năng lượng). Nhưng do phần vốn đem bán của 50Hertz ở dưới mức này, không phong tỏa được nên chính phủ Đức quyết định mua hết để tránh lọt vào tay Trung Quốc.
Theo tạp chí kinh tế WirtschaftsWoche, Berlin cũng sẵn sàng vận dụng nghị định trên để cấm Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát một công ty Đức là Leifeld Metal Spining, chuyên sản xuất máy công cụ cao cấp được sử dụng trong kỹ nghệ hàng không hoặc nguyên tử.
Trong năm 2017, Trung Quốc đã chi ra đến 12 tỉ đô la để mua lại 36 công ty Đức. Tuy Bắc Kinh ra sức trấn an, nhưng người đứng đầu ngành phản gián Đức Hans-Georg Maassen đã cảnh báo : « Chẳng cần phải đi dọ thám nếu người ta có thể mua toàn bộ một xí nghiệp ».
Không chỉ có Đức lo lắng, mà Liên Hiệp Châu Âu cũng ưu tư trước việc Bắc Kinh vươn vòi bạch tuộc sang Đông Âu, với dự án « Con đường tơ lụa mới », qua công thức 16 + 1 (Trung Quốc cộng với ba nước Balkan, sáu nước Nam Tư cũ và bảy nước Đông Âu khác). Thủ tướng Angela Merkel công khai bày tỏ quan ngại, còn ngoại trưởng Sigmar Gabriel đánh giá « Con đường tơ lụa mới » là một « hệ thống hoàn chỉnh nhằm âm mưu chuyển đổi thế giới vì lợi ích của Trung Quốc ».
Thụy My
Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung có thể sẽ ‘lớn nhất lịch sử kinh tế thế giới’ (Người Việt, 06/07/2018)
Cuộc chiến mậu dịch bộc phát hôm Thứ Sáu, 6 tháng Bảy giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm tàng nguy cơ leo thang, có thể gây ra sự ngần ngại trong việc đầu tư, làm người dân ít mua sắm, gây bất ổn cho thị trường tài chánh và đưa nền kinh tế thế giới vào giai đoạn trì trệ.
Một kiện hàng container được đưa lên tàu ở cảng Savannah ở Georgia. (AP Photo/Stephen B. Morton)
Phát súng đầu tiên trong trận chiến này đã nổ ra sau lúc nửa đêm ngày Thứ Năm bước sang ngày Thứ Sáu, khi lệnh tăng thuế quan 25% của chính phủ Trump nhắm vào lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng cùng mức gia tăng trên cùng số trị giá hàng hóa nhập cảng từ Mỹ. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc rằng phía Mỹ làm bùng ra "cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới".
Trong vòng đầu của cuộc chạm trán này, các doanh gia Mỹ khởi sự phải trả thêm tiền cho các sản phẩm làm ở Trung Quốc như máy móc dùng trong xây cất và các loại cơ khí khác. Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc này khi các công ty nhập cảng tăng giá bán.
Trong khi đó, các nhà sản xuất sản phẩm Mỹ như đậu nành, thịt heo và rượu whiskey sẽ mất lợi thế thương trường ở Trung Quốc vì giá bán nay cao hơn.
Tuy vậy, việc tăng thuế quan sẽ không gây ảnh hưởng trầm trọng cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Ông Gregory Daco, người đặc trách về kinh tế Mỹ ở công ty Oxford Economics, tính toán rằng điều này chỉ làm giảm tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia vào khoảng 0,2% hoặc ít hơn, từ nay đến năm 2020.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu có thể sẽ sớm leo thang.
Tổng thống Donald Trump, người từng nói rằng chiến thắng trận chiến mậu dịch là điều dễ dàng đối với Mỹ, cho biết ông sẵn sàng tăng thuế quan nhắm tới 550 tỷ USD trị giá hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Con số này còn cao hơn trị giá lượng hàng Trung Quốc bán sang Mỹ hồi năm ngoái là 506 tỷ USD.
Việc leo thang trong cuộc chiến mậu dịch chắc chắn sẽ làm giới đầu tư ngần ngại và chờ xem tình hình diễn biến ra sao, trước khi bỏ tiền ra đầu tư vào các doanh nghiệp.
Nhiều giới chủ nhân có thể sẽ tạm ngưng thuê thêm người cho đến khi tình hình rõ ràng hơn. Các thiệt hại này cũng có thể xóa đi một số các thành quả kinh tế đạt được nhờ việc giảm thuế hồi năm ngoái.
"Việc mậu dịch bị ngăn trở có thể là mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển kinh tế toàn cầu", theo lời ông Dec Mullarkey, người điều hành chiến lược đầu tư tại Sun Life Investment Management.
Điều đáng lo ngại nữa là Mỹ hiện không chỉ có chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc mà còn đối đầu với Âu Châu, Canada và Mexico.
Chính phủ Trump đã tìm cách giới hạn ảnh hưởng của việc tăng thuế quan vòng đầu đối với các gia đình Mỹ, bằng cách nhắm vào các sản phẩm kỹ nghệ của Trung Quốc, chứ không nhắm vào các sản phẩm tiêu dùng.
Nhưng việc tăng thuế quan sẽ tăng chi phí đối với các công ty Mỹ vốn phải trông cậy vào máy móc hay các phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Và sau cùng rồi các công ty này phải bán sản phẩm của họ với giá cao hơn cho các công ty bán lẻ, và việc tăng giá chẳng bao lâu sau đó sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Những người thường đến tiệm Chick-fil-A thì có thể sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc tăng thuế quan.
Ông Charlie Souhrada thuộc hiệp hội các nhà sản xuất dụng cụ chế biến thực phẩm Bắc Mỹ (North American Food Equipment Manufacturers), nói rằng tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến nồi áp suất mà công ty Chick-fil-A đang sử dụng.
Một thí dụ khác là công ty Bobcat của Mỹ chuyên chế tạo các xe cơ giới được nông gia, các công ty làm vườn và công ty xây dựng Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, các món phụ kiện được gắn vào xe để dùng cho các mục đích khác nhau này, như đồ cào, móc, giá nâng hàng…, lại không được chế tạo ở Mỹ và phải nhập cảng từ Trung Quốc.
Công ty Bobcat thông báo họ sẽ phải tăng giá bán để đối phó với việc tăng thuế quan này.
Ông Jay Timmons, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (National Association of Manufacturers) cảnh cáo rằng "tăng thuế quan sẽ đem lại các biện pháp trả đũa và có thể tăng thêm thuế khác. Không ai chiến thắng trong cuộc chiến mậu dịch". (V.Giang)
******************
Chiến tranh mậu dịch : thái độ của Hoa Kỳ ngày càng cứng rắn (CaliToday, 06/07/2018)
Cuộc chiến mậu dịch giữa hai siêu cường kinh tế thế giới đang cận kề vào cuối tuần này và Tổng thống Trump lên tiếng đe dọa sẽ gia tăng thuế cho từng món hàng Trung Quốc nhập cảng vào Hoa Kỳ.
Photo Credit : Bloomberg
Sau nhiều tháng thương lượng bất thành, tổng trị giá 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ bị tăng thuế 25% vào nữa đêm thứ sáu 6/7 giờ của Hoa Thịnh Đốn, trong đó có các mặt hàng máy móc nông nghiệp và phụ tùng của máy bay.
Ngay lập tức Trung Quốc trả đũa bằng cách cho tăng thuế lên các mặt hàng nông sản của Mỹ như đậu nành và xe hơi cũng vào nữa đêm hôm nay. Cả hai phía đều không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ gì cả.
Chưa gì mà Tổng thống Trump loan báo đang xem xét thêm tổng trị giá 16 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập cảng sẽ bị tăng thuế và gợi ý là cuối cùng tổng trị giá hàng Trung Quốc chịu thuế sẽ lên tới 500 tỉ đô la, tức là cao hơn cả những gì mà Hoa Kỳ mua của Trung Quốc trong cả năm 2017.
Bộ Thương Mại Trung Quốc lên tiếng tố cáo chính phủ Mỹ đang chơi trò ‘hù dọa’ và đang khơi mào cho một cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu.
Tuy hành động của Tổng thống Trump sẽ khiến Cộng Hòa có thêm phiếu của các cử tri Mỹ vốn đồng ý với cái nhìn của Tổng thống Trump về thương mại, nhưng chiến tranh mậu dịch gia tăng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến phát triển kinh tế, các công ty và người tiêu thụ đều đứng trước mối nguy là giá cả sẽ leo thang.
Louis Kuijis, phân tích gia hàng đầu về Châu Á tại Viện Oxford Ecnomics, nhận xét : "Rõ ràng là những loạt đạn đầu tiên đã bắn ra, trong ý nghĩa đó, cuộc chiến mậu dịch đã mở màn, và chưa thấy có dấu hiệu chính xác là nó có cơ hội kết thúc".
Trần Vũ
*****************
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu (RFI, 06/07/2018)
Hoa Kỳ đã chính thức khai chiến với Trung Quốc và ngay lập tức Bắc Kinh trả đũa với biện pháp tương tự. Tổng trị giá hàng xuất khẩu của mỗi bên bị áp thuế là 34 tỷ đô la.
USD vs CNY - Ảnh minh họa. Reuters
Biểu thuế mới của Mỹ được áp dụng kể từ 04 giờ, giờ quốc tế. Tổng cộng 818 mặt hàng Trung Quốc bị tăng thuế nhập khẩu 25%. Danh sách thứ hai, sẽ có hiệu lực trong nay mai, nâng tổng trị giá hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 50 tỷ, để "bảo vệ thị trường nội địa"theo tuyên bố của tổng thống Donald Trump.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
Với lệnh áp thuế đánh vào hàng Trung Quốc đi vào hiệu lực kể từ hôm nay, Hoa Kỳ đã khai hỏa với rủi ro phát động một cuộc chiến tranh thương mại với những hệ quả rất khó lường.
Mức thuế mới tăng thêm 25% đánh trên 34 tỷ đô la trị giá lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng tránh không đụng đến những mặt hàng mà người Mỹ tiêu dùng hàng ngày như màn hình phẳng, điện thoại di động, giày dép… Trái lại, danh sách trừng phạt chủ yếu đánh vào máy móc, trang thiết bị kỹ nghệ như linh kiện máy bay, đĩa cứng máy vi tính… Hệ quả của biện pháp áp thuế này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có liên quan và cuối cùng có thể tác hại đến công ăn việc làm của người dân Mỹ mà tổng thống Donald Trump vẫn luôn nói là muốn bảo vệ.
Bắc Kinh hứa là sẽ đáp trả tức khắc đặc biệt là nhắm vào nông phẩm như là đậu nành mà Trung Quốc là thị trường lớn của Mỹ.
Tuy vậy, tổng thống Donald Trump có vẻ tin tưởng vào biện pháp áp thuế mà ông lý giải là để bảo vệ nền kinh tế thịnh vượng của Hoa Kỳ.
Ngân hàng trung ương, trái lại, tỏ ý nghi ngại "trước những bất trắc liên quan đến chính sách thương mại" của Hoa Kỳ.
Phản ứng của Trung Quốc
Sau khi Mỹ chính thức áp thuế mới lên sản phẩm Trung Quốc, "khai hỏa" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hôm nay 06/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cũng áp dụng thuế mới nhắm vào một số mặt hàng của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : "Các sức ép từ một phía là vô ích, Trung quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch". Không lâu sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo : "Trung Quốc đã hứa không nổ phát súng đầu tiên, nhưng để bảo vệ những lợi ích thiết yếu của dân tộc và nhân dân, Bắc Kinh không có cách nào khác là đáp trả khi cần thiết".
Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao và Thương Mại Trung Quốc đều không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Còn Tân Hoa Xã cho biết Bắc Kinh cũng sẽ áp mức thuế 25% đối với một số hàng hóa của Mỹ, tương tự mức thuế mới của Washington đối với hàng Trung Quốc.
Tú Anh
******************
Chiến tranh thương mại : Hậu quả nghiêm trọng không kém suy thoái 2008 (RFI, 06/07/2018)
Hôm nay 06/07/2018, Washington và Bắc Kinh chính thức bước vào cuộc chiến thương mại. Vào 04 giờ GMT, quyết định của Mỹ tăng thuế lên thành 25% đối với 818 mặt hàng với tổng trị giá 34 tỉ đô la nhập từ Trung Quốc - trong đó có xe hơi, ổ cứng máy tính, linh kiện máy bay - chính thức có hiệu lực. Bắc Kinh gọi đây là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay" và tuyên bố Trung Quốc không khai chiến với Hoa Kỳ, nhưng vì Mỹ áp thuế mới, Trung Quốc cũng đáp trả tương tự và Bắc Kinh sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới OMC.
Rượu vang nhập từ Mỹ tại cửa hàng Alexander Wine ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 6/07/2018. Reuters/Aly Song
Báo Le Monde gọi đây là cuộc chiến thương mại "điên rồ". Hội đồng phân tích kinh tế Pháp - đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng Pháp - thì cảnh báo là chiến tranh Mỹ-Trung sẽ dẫn tới "cuộc chiến thượng mại diện rộng", thậm chí là "chiến tranh thương mại toàn diện". Đây không còn là cuộc "song đấu" Mỹ-Trung mà sẽ liên quan tới cả thế giới, nhất là Châu Âu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì Đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009.
Theo dự báo của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu sẽ giảm 3-4%, riêng Pháp sẽ mất 3% GDP, trong khi GDP của Pháp chỉ giảm 2,2% do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ hoặc kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa mới là những nước bị tác động nhiều nhất, chẳng hạn Irland, Mêhicô và Hàn Quốc sẽ mất ít nhất 10% GDP.
Hôm qua 05/07, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cảnh báo việc Mỹ tăng thuế trên hàng hóa Trung Quốc sẽ là "gánh nặng" trên vai các tập đoàn quốc tế cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm có giá trị cao, trong đó có các công ty của Mỹ trên toàn thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh là cũng có nhiều tập đoàn Mỹ lắp ráp sản phẩm tại Trung Quốc trước khi đưa về bán tại Hoa Kỳ.
Theo ông Cao Phong, trong số 34 tỉ hàng hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà Mỹ áp thuế mới, hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc - trong đó có nhiều công ty Mỹ - chiếm tới 20 tỉ đô la, tức là 59% tổng giá trị hàng hóa bị Mỹ áp thuế mới. Như vậy là "gậy ông đập lưng ông", hay nói cách khác là theo Bắc Kinh, Washington đang "tự bắn vào chân mình".
Nhưng một câu hỏi đặt ra là nếu kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng thì tại sao Washington vẫn quyết tâm "khai hỏa" chiến tranh thương mại ? Theo kết quả một cuộc họp hồi tháng 06/2018 của Cục Dự trữ Liên bang (FED -Ngân hàng Trung ương Mỹ), nhưng mới được công bố hôm qua 05/07, cho dù sự bất định và các nguy cơ do các chính sách về thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng trong thời gian qua và có thể khiến giới doanh nghiệp mất lòng tin, gây thiệt hại cho đầu tư, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng và vẫn vững chắc.
Thùy Dương
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chúng ta vừa bước vào Quý 2 của năm 2018 thì điều người ta e ngại đã xảy ra khi Chính quyền Bắc Kinh quyết định nâng thuế nhập nội 10% trên 120 mặt hàng và 25% trên tám món hàng của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với kim ngạch lên tới ba tỷ đô la. Dường như biến động ấy làm thị trường chứng khoán tại Mỹ tuột giá mạnh. Theo dõi chuyện này từ đã lâu, ông thấy thính giả của chúng ta nên nghĩ thế nào về trận chiến mậu dịch vừa khai mào ?
Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm ngày 1 tháng 3,2018 - AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, về biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, ta có thể đếm ra ba bốn nguyên do khác nhau mà nỗi e sợ về trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là một. Mươi hôm trước, ta cũng thấy hiện tượng đó khi cổ phiếu sụt giá bốn ngày trong một tuần vì e ngại rồi đầu tuần sau lại lên giá mạnh. Bản thân tôi thì cho rằng chúng ta nên nhìn sự thể trong lâu dài và trên toàn cảnh thay vì bị dao động bởi những nhận định ngắn hạn.
Sự thể có khi khởi sự từ cả chục năm qua khi lãnh đạo Bắc Kinh có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, là điều ta sẽ phân tích sau. Kế tiếp, sự thể manh nha từ năm ngoái khi Chính quyền Donald Trump chỉ thị các cơ quan hữu trách nghiên cứu về những thiệt hại do chính sách mậu dịch của Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ. Ít ai chú ý tới các chỉ thị ấy cho đến khi kết quả nghiên cứu được báo cáo lên trên. Sau khi được báo cáo và theo đúng thủ tục, Tổng thống Mỹ mới thông báo việc có thể áp thuế trên các mặt hàng nhập khẩu như thép và nhôm, đó là vào ngày 16 tháng Hai. Qua ngày 22 tháng Ba, ông Trump thông báo tiếp một số biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng vì Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về tác quyền. Trong thực tế, Hoa Kỳ chưa áp dụng các biện pháp này. Nhưng Bắc Kinh lại nhanh tay ra đòn trước là sẽ không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà tăng thuế nhập nội trên 128 mặt hàng của Mỹ. Chuyện nó rắc rối phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông loan tải theo kiểu mỳ ăn liền !
Nguyên Lam : Như vậy thì Mỹ mới chỉ thông báo một số biện pháp sẽ áp dụng chứ chưa ban hành nhưng Bắc Kinh lại có biện pháp trả đũa trước dù chỉ liên hệ đến một ngạch số chừng ba tỷ đô la mà thôi trong luồng giao dịch lên tới mấy trăm tỷ giữa hai nước. Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta khởi sự từ nguyên ủy như ông đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này. Trước hết là về chuyện Bắc Kinh đã có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2000, Chính quyền Bill Clinton chấp thuận cho Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm sau. Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn cho lập ra một Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Hoa để thường xuyên tường trình mọi sự lợi hại lên giới dân cử của Lập pháp thẩm định. Hội đồng "US - China Economic and Security Review Commission" do các thành viên được lãnh đạo hai đảng bổ nhiệm và tuyển dụng các chuyên gia về an ninh, kinh tế và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu và phúc trình của cơ quan độc lập này được niêm yết công khai, nhưng ít ai chịu tham khảo, kể cả báo chí !
Tháng trước, Hội đồng có báo cáo về "Các khí cụ của chủ nghĩa kỹ thuật quốc gia của Trung Quốc". Họ đi từ sách lược "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2015" do Bắc Kinh đề ra trong "Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 tới 2020" để ưu tiên phát triển 10 khu vực then chốt và nhắm vào các chiến lược toàn diện, trường kỳ hầu lập ra các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh nội địa và quốc tế. Điều đáng chú ý là 10 khí cụ được Bắc Kinh áp dụng để thực hiện chính sách của họ.
Sau đó, trong phúc trình định kỳ và mới nhất, Hội đồng này cũng giải thích về Mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà Chính quyền Trump mới viện dẫn để đề nghị áp thuế. Nếu chịu khó tham khảo các tài liệu thuộc về bối cảnh phức tạp này thì chúng ta sẽ tỉnh táo hơn và bớt tin vào báo chí lười biếng.
Nguyên Lam : Nguyên Lam biết ông chịu khó tham khảo nhiều tài liệu khá chuyên môn để trình bày một cách dễ hiểu cho thính giả của chúng ta. Khi nói đến 10 khí cụ của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách của họ, ông muốn nhấn mạnh đến điểm nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau Thế chiến II, các nước Đông Á như Nhật Bản rồi Nam Hàn hay Đài Loan, đều có chính sách công nghiệp hóa với lộ trình dàn trải trong vài chục năm để từng bước xây dựng được nền công nghiệp tiên tiến. Đó là điều hợp lý, nhưng đáng chú ý là hệ thống tư doanh sẽ phát triển chính sách đó với sự yểm trợ của nhà nước. Họ tương đối thành công, mà đôi khi bị nhược điểm là các tập đoàn kinh tế được nhà nước nâng đỡ lại nhũng lạm, như vụ Samsung của Nam Hàn, thậm chí khủng hoảng như ta đã thấy trong các năm 1997-1998.
Đi sau và học theo các nước đó, Bắc Kinh cũng có sách lược công nghiệp hóa qua từng bước của một kế hoạch dài hạn. Nhưng lại có năm khác biệt. thứ nhất là dân số đông và nhân công rẻ nên tăng trưởng thật nhanh trong 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách. thứ hai là chế độ độc đảng không dân chủ như các nước đi trước. thứ ba là hệ thống quốc doanh vẫn giữ vị trí chủ đạo dù kém hiệu năng. thứ tư là hệ thống kinh tế chính trị ấy có tinh thần chiến tranh và nhìn hợp tác kinh tế quốc tế với nhãn quan đấu tranh, qua khẩu hiệu quen thuộc là "ăn của địch để đánh địch". Tức là đạo tắc về kinh doanh là điều không hề có. Sau cùng, với thế lực của xứ đông dân có sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, lãnh đạo xứ này ít coi trọng các quy tắc ứng xử thông thường của thiên hạ. Người nào còn mơ hồ thì xin nhớ đến dự án Cá Rồng Đỏ của Việt Nam. Bây giờ ta mới nói đến 10 khí cụ như 10 mũi khoan mậu dịch của Bắc Kinh.
Nguyên Lam : Có lẽ chúng ta đã quen với cách tiếp cận vấn đề theo từng bước tiệm tiến của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Bây giờ, xin đề nghị ông nói về 10 mũi khoan của Bắc Kinh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tương tác với các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chiếm thị phần là bước đầu. Chính quyền Bắc Kinh đặt tiêu chí cụ thể cho việc chiếm lĩnh phần thị trường nội địa và ngoại quốc. Sau đó, nhà nước tài trợ dưới nhiều diện như quỹ đầu tư, trợ cấp, miễn thuế, cho vay với điều kiện ưu đãi không có trên thị trường tư doanh, trợ giá và đảm bảo xuất khẩu, v.v... Những thí dụ hay dẫn chứng thì có rất nhiều, không thể kể hết ở đây.
Mũi khoan thứ ba là nhà nước chủ động tài trợ việc "nghiên cứu và phát triển" hay R&D, để mong bắt kịp Hoa Kỳ về các ngành công nghệ cao, nhất là tín học.
Thứ tư là chế độ cung cấp để doanh nghiệp nội địa được ưu thế hơn nước ngoài khi cung cấp cho nhu cầu của các cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ năm và khá gian ngoan là đề ra các tiêu chuẩn riêng của mình để loại bỏ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại quốc.
Thứ sáu và tinh vi nhất là đặt ra các luật lớn và lệ nhỏ được bộ máy thư lại tự tiện suy diễn nhằm cản trở nước ngoài.
Thứ bảy là viết ra các chính sách di động để hướng đầu tư nước ngoài vào các khu vực Bắc Kinh cho là chiến lược, khi thành công thì họ lại đổi chính sách !
Thứ tám là chiêu dụ nhân tài trong đại học hay doanh giới của thiên hạ, như một chương trình được phát động từ năm 2008.
Thứ chín là khích lệ doanh nghiệp trong các khu vực chiến lược của mình tung tiền đầu tư để thụ đắc tài sản, kiến năng và công nghệ của thiên hạ.
Mũi khoan thứ 10 là tiến hành nghiệp vụ tình báo kỹ nghệ trong đại học, doanh nghiệp và cả cơ quan công quyền Hoa Kỳ, là điều hoàn toàn phi pháp mà vẫn được Bắc Kinh tiến hành, như một số phát giác được đài Á Châu Tự Do vừa nhắc tới.
Nguyên Lam : Nếu một cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội Mỹ báo cáo về sách lược dài hạn như vậy của Bắc Kinh thì có lẽ chúng ta hiểu vì sao Chính quyền Donald Trump mới viện dẫn luật lệ Hoa Kỳ để có biện pháp ứng phó. Ông nghĩ thế nào về cục diện này, liệu chiến tranh mậu dịch có xảy ra không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là người dân Hoa Kỳ nói chung biết rất nhiều mà lại hiểu rất ít nên chẳng thấy ra vài ba sự thật. Đó là lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1972 đã lầm tưởng rằng kinh tế thị trường hay trao đổi tự do sẽ thuần hóa chế độ độc tài và hợp tác kinh tế sẽ biến cải Trung Quốc thành cường quốc có tinh thần trách nhiệm. Sau đó, doanh lợi khiến các tập đoàn kinh tế Mỹ tìm lợi nhuận khi làm ăn với Trung Quốc mà quên dần yếu tố an ninh, nếu có bị bắt chẹt hay móc túi thì cũng nín thinh. Trong khi đó, từ đầu đến cuối, lãnh đạo Bắc Kinh không hề xao lãng mục tiêu trường kỳ là bằng mọi thủ đoạn bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế, công nghệ và cả quân sự. Với Trung Quốc thì cả ba mặt ấy là một.
Ông Donald Trump được thành phần thất thế của nước Mỹ bầu lên thì cũng chỉ mới mường tượng ra những bất lợi của Hoa Kỳ nhưng dần dần học bài thêm và ngoài phong thái ồn ào nhiều khi bộp chộp, ông thấy ra sự thể từ cả hai giác độ an ninh và kinh tế. Trong kho luật lệ về Thương mại của Hoa Kỳ, các mục 232 trong Đạo luật 1962 hay 301 trong Đạo luật 1974 đã có sẵn từ lâu mà ít khi được sử dụng. Ông Trump cho Nội các nghiên cứu sự thể từ tháng Tư, tháng Tám năm ngoái rồi theo thủ tục mà sẽ áp dụng sau này cho một trận chiến mậu dịch thật ra đã có từ xưa rồi khi Trung Quốc lặng lẽ tiến hành kế hoạch của họ.
Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ một tháng trước rồi, khi thiên hạ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, tôi đã cố giải thích rằng ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu. Đó là thực lực của hai nền kinh tế. Chuyện khác nữa, khi lồng an ninh vào kinh tế, Hoa Kỳ cũng thấy nhiều bạn hàng của mình tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Đông Á là các đồng minh chiến lược nên sẽ tìm ra giải pháp thỏa hiệp, là điều không có với Bắc Kinh. Khi Hoa Kỳ chưa áp dụng những biện pháp chế tài mà Bắc Kinh đã vội ra đòn cỏn con thì chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu là trong trận đấu này, ai sợ ai ?
Nhìn về lâu dài và vì Trung Quốc đang cố phát triển công nghệ tín học cao cấp, chúng ta sẽ còn có dịp theo dõi trận đánh kế tiếp, thí dụ như trong việc thi đua sản xuất thế hệ vô tuyến thứ năm hay G-5 thì sẽ biết thế nào là được thua.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 03/04/2018
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế.
Thưa ông, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động khi thông báo hôm Thứ Năm mùng một, là Hoa Kỳ có thể tăng thuế 25% trên sản phẩm thép và 10% trên sản phẩm nhôm để bảo vệ các doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ sản xuất ra hai kim loại đó. Vì vậy trong hai ngày liền, cổ phiếu Mỹ sụt giá vì viễn ảnh của trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước sản xuất. Nhưng qua ngày Thứ Hai mùng bốn thì tình hình lại đảo ngược vì các thị trường cho là rủi ro về chiến tranh ngoại thương không đến nỗi trầm trọng như vậy.
Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta ?
Germany_EU_US : Trade-Politics AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước khi đi vào căn bản của hồ sơ mậu dịch hay thương mại, tôi thiển nghĩ chúng ta nên nhớ vài chi tiết xa xôi sau đây. Thứ nhất, từ cả năm nay, Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Thứ hai, ngày 19 Tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu xem việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 Tháng Tư sau đó ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum. Ngày nay, Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Chi tiết đáng chú ý khi ấy là Chính quyền Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự hạn chế của Quốc Hội.
Nguyên Lam : Tức là theo dõi vụ này, ông thấy chuyện thép và nhôm manh nha từ năm ngoái mà vì sao bây giờ mới gây chấn động ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về bối cảnh, Hoa Kỳ có đạo luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, trong đó có khoản 232 cho phép Hành pháp thương thuyết và giảm quan thuế biểu tới 80% nếu việc ấy không xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng sau khi nghiên cứu và thấy có xâm phạm an ninh thì Hành pháp có thể đòi Quốc Hội cho nâng thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu. Chuyện cần biết là Tổng thống phải xin phép Quốc hội sau khi Bộ Thương Mại và Đại sứ Thương Mại đề nghị. Ông Trump đang tiến hành thủ tục rắc rối ấy với sự ủng hộ của phe Dân Chủ theo xu hướng bảo hộ và trước sự ngần ngại của đa số Cộng Hòa theo chủ trương tự do mậu dịch. Chi tiết thứ ba đáng chú ý là phong cách của ông Trump khi nêu ra nhiều thay đổi đầy mâu thuẫn làm người ta không hiểu khi nào ông nói thật, nhưng biết đâu là ông dùng cái thuật đó để thăm dò, vận động và mặc cả !
Nguyên Lam : Thưa ông, có lẽ còn một vấn đề rộng lớn hơn. Đó là khi công ty sản xuất thép và nhôm bị cạnh tranh bất lợi nên cần bảo vệ và coi như được một phần, nhưng các doanh nghiệp tiêu thụ và dân chúng có khi bị thiệt vì mua nhôm thép ngoại nhập với giá đắt hơn.
Thưa ông, vì vậy phải chăng tranh luận mới bùng nổ về sự lợi hại hay lẽ được thua của chế độ bảo hộ mậu dịch và mối nguy của một cuộc chiến mậu dịch xuất phát từ Hoa Kỳ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không làm thính giả của chúng ta thêm nhức đầu để nói về các trường phái lý thuyết kinh tế từ cổ điển đến hiện đại liên quan tới việc mua bán hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Tôi chỉ xin nhắc tới chi tiết thứ tư là Chính quyền Donald Trump, từ Nội các tới Ban Tham mưu, có các doanh gia và kinh tế gia với quan điểm trái ngược.
Trong Nội các, Đại sứ Thương mại Robert Lighthizer và Tổng trưởng Thương mại là tỷ phú Wilbur Ross ủng hộ quan điểm cứng rắn của Tổng thống. Mới được nâng cấp từ Tháng Chín, Cố vấn Thương mại là Giáo sư Peter Navarro là thành phần được gọi là bảo hộ mậu dịch. Nhưng Cố vấn Kinh tế Quốc gia là doanh gia Gary Cohn hay Ngoại trưởng Rex Tillerson, vốn cũng là doanh gia cao cấp, và nhiều người khác, kể cả Tổng trưởng Ngân khố Steven Munchin và các kinh tế gia đã cố vấn cho ông Trump như Arthur Laffer, Larry Kudlow hay Stephen Moore không đồng ý với vụ tăng thuế. Còn chi tiết thứ năm ít ai chú ý là Chính quyền Trump thống nhất quan điểm về mối nguy thật và lâu dài cho an ninh và kinh tế Hoa Kỳ là Trung Quốc.
Nói chung, các nhân vật đó, kể cả ông Trump, đều biết quy luật được/thua trên toàn cảnh và trường kỳ. Được về mậu dịch trong ngắn hạn với ngành thép sử dụng 140 ngàn công nhân mà lại thua về kinh tế trong trường kỳ vì các ngành tiêu thụ nhôm thép như năng lượng, xây dựng, ráp chế xe hơi, sản xuất nước uống, v.v… tuyển dụng tới sáu triệu rưởi công nhân. Tôi nghĩ họ gây tranh luận để thăm dò nghe ngóng lợi hại của các cuộc vận động từ mọi phía. Vì vậy, ta không nên chạy theo thời sự hàng ngày mà cần nhìn vào toàn cảnh, vào căn bản của mậu dịch.
Nguyên Lam : Nói về chuyện căn bản đó, ông muốn thính giả của chúng ta hiểu thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ hăm dọa về nguy cơ chiến tranh mậu dịch mà quên mất nhiều chuyện cơ bản. Sau Thế Chiến II, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Thế giới Tự do và khối cộng sản, yếu tố an ninh lấn át kinh tế khiến Hoa Kỳ nâng đỡ kinh tế các nước để có đồng minh, và trở thành thị trường tiêu thụ sau cùng mà lớn nhất cho tới khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Hoa Kỳ ngày càng thất thế về ngoại thương, bị khiếm hụt cán cân thương mại, là nhập hơn xuất.
Ngày nay, Chính quyền Trump hết muốn tiếp tục khuynh hướng đó nữa, nhất là khi các nền kinh tế mới phát triển, kể cả Trung Quốc, lại gây sức ép về cạnh tranh cho doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ. Ta nên hiểu ra sự hợp lý của phản ứng ấy khi xứ nào cũng muốn bán hàng cho Mỹ và khi an ninh bị đe dọa lại trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ.
Nguyên Lam : Nhưng nếu vì vậy mà Hoa Kỳ lại gây ra trận chiến thương mại thì phải chăng là mọi người đều thua ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thuyết đấu trí hay game theory có nói phe nào sợ thua thì sẽ thua ! Ta nên đi vào căn bản của vấn đề mậu dịch là tương quan lực lượng giữa các quốc gia trong quan hệ buôn bán với nhau. Tìm hiểu chuyện đó, ta thấy ra một thực tế đầy nghịch lý. Là nước nào cần xuất khẩu nhiều thì sẽ sợ thua và cuối cùng thì dễ nhượng bộ !
Xét về cơ cấu sản xuất, các nước công nghiệp hóa đều cần bán hàng và xuất khẩu chiếm hơn 30% của Tổng sản lượng. Điển hình là Đức, Canada hay Nhật Bản, Nam Hàn. Sau đó là các nước mới nổi, đặc biệt nhất là Trung Quốc, với chiến lược đầu tư mạnh, sản xuất thừa và bán thật rẻ để tạo ra công ăn việc làm ở bên trong, và ngày nay sản xuất phân nửa lượng thép của toàn cầu và đang cần bán rất rẻ.
Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn trường hợp của Hoa Kỳ thì sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ là một ngoại lệ chói lọi ! Xứ này có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% của Tổng sản lượng, còn 88% là sản xuất nội địa. Các con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ - như Liên Âu dọa sẽ bớt mua xe gắn máy Harley Davidson, quần Jean Levy’s và rượu Bourbon theo tỷ lệ một phần ba của ba sản phẩm ấy - thì cũng tựa muỗi đốt gỗ ! Vì trận đánh mậu dịch ấy chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng Mỹ thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua.
Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng sợ và muốn tránh, thì kinh tế Mỹ lại có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất, của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch giả định này.
Nguyên Lam : Nguyên Lam phải ngẫm nghĩ và nhắc lại điều ông vừa phát biểu. Vì ít lệ thuộc vào xuất khẩu lại có thị trường tiêu thụ lớn nhất trong các nước, nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ lại chiếm thế mạnh. Thưa ông, đó là một nghịch lý hơi bất ngờ cho nhiều thính giả của chúng ta. Có phải vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thiên hạ cứ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu.
Các quốc gia lâm chiến kia cũng vậy. Chính quyền Trump bị kết án là đòi gây chiến tranh mậu dịch, nếu cho rằng điều ấy đúng thì các nước sẽ xử trí và phản đòn ra sao với một nền kinh tế ít cần xuất khẩu mà thừa sức chống trả bằng thuế nhập nội hay hạn ngạch ? Vẫn biết chiến tranh là có tổn thất, nhưng các nước như Canada, Mexico, Nam Hàn, Đức hay Trung Quốc bị tổn thất nặng hơn Hoa Kỳ trong trận chiến đó.
Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta dần dần hiểu ra vì sao Chính quyền Donald Trump cứ bảo chiến tranh mậu dịch là điều tốt.
Thưa ông, phải chăng đấy là một cách nói quá cho các nước cùng nhìn lại tương quan lực lượng trong thực tế và tìm giải pháp hòa dịu qua đàm phán và thương thảo ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ vậy, và không quên rằng đối tượng ưu tiên cần đối phó của Hoa Kỳ, về cả an ninh lẫn kinh tế chính là Trung Quốc. Khi thấy Chính quyền Trump không sợ chiến tranh mậu dịch mà còn đòi lấn tới thì các nước phải nghĩ tới kịch bản xấu nhất là Hoa Kỳ sẽ gây chiến thật. Khi đó, xứ nào cần xuất khẩu mới bị kẹt. Thế rồi vì Trung Quốc lại đang gây ứ đọng về thép, và cố bán rẻ, các nước lâm chiến về thép với Mỹ sẽ khó bán cho Mỹ mà cố bán cho nhau. Hậu quả gián tiếp là Trung Quốc sẽ khó bán thép ! Nếu cuộc chiến lại lan qua ngành nhôm thì Bắc Kinh mới gặp vấn đề an ninh trong kinh tế vì các doanh nhiệp sản xuất nhôm của họ có thể bị vỡ nợ !
Nguyên Lam : Đề tài kỳ này quả là đặc biệt vì như ông vừa nhắc, chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng khi lâm chiến thì lẽ thắng bại là gì. Nguyên Lam xin đề nghị chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nêu ra một kết luận sơ khởi.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lẽ thắng bại của một cuộc chiến tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nói theo ngôn từ bình dân của ta là "đối đế" thì yếu tố căn bản vẫn là tương quan lực lượng sau khi các phe tham chiến đã tuyên truyền, hiệu triệu hay hăm dọa. Tương quan ấy cho thấy xứ nào cũng đòi hăm trả đòn Hoa Kỳ mà lại lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn kinh tế Mỹ và sẽ bị tổn thất nặng hơn. Vì vậy, lời hăm che giấu nhược điểm của họ, nhờ đó mà chiến tranh mậu dịch lại khó xảy ra !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy nghịch lý này.