Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2019

Lợi và hại trong chiến tranh mậu dịch

Ngô Nhân Dụng

Tổng thống Donald Trump rất lạc quan khi bắt đầu dùng đòn quan thuế để bắt Cộng Sản Trung Quốc phải thay đổi cách mua bán làm ăn với Mỹ. Ông khởi động cuộc chiến tranh mậu dịch với niềm tin tất thắng. Ông nói, "Chiến tranh mậu dịch tốt, rất dễ thắng !" (Trade wars are good, and easy to win).

loi0

Donald Trump đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp bảo hộ chống lại Trung Quốc, bị buộc tội "xâm lược kinh tế" chống lại Hoa Kỳ ! - Tranh biếm họa

Trong năm 2018, Tổng thống Trump đã đánh và tăng thuế trên 12% tổng số hàng nước Mỹ nhập cảng, từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Mục tiêu của ông là làm cho hàng nhập nội tăng giá, giúp các xí nghiệp Mỹ bớt bị cạnh tranh, giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ khi dân Mỹ sẽ bớt mua hàng nước ngoài.

Trong năm ngoái, số hàng trị giá 283 tỷ USD này bị đánh thuế quan từ 10% tới 50%. Quả nhiên, số hàng nhập cảng vào Mỹ đó đã giảm, vì giá cao thêm từ 10% đến 50%. Các nước khác trả đũa, cũng tăng thuế quan hàng mua từ nước Mỹ, tổng số 121 tỷ USD.

Đợt tấn công đầu vào tháng Giêng, 2018, những máy giặt của Trung Quốc bị đánh thuế 20% đến 50% ; và và các tấm kiếng biến điện từ mặt trời bị đánh 30%. Đợt thứ nhì vào tháng Ba, đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng, trị giá 18 tỷ USD ; tiếp theo là 22 tỷ USD các sản phẩm nhôm, thép vào tháng Sáu.

Tháng Bảy là cuộc tổng tấn công, đánh thuế quan 10% trên hàng ngàn món hàng Trung Quốc, trị giá 250 tỷ USD ; với đe dọa sẽ tăng lên 25% vào đầu tháng Ba năm nay.

Nhưng gần đây ông Trump đã cho hoãn đợt tấn công này, chưa biết đến bao giờ.

Không cần làm tính thử cũng biết ngay chính phủ Mỹ đã thâu được rất nhiều tiền thuế đánh trên hàng nhập cảng. Chỉ cần 10% trên 250 tỷ cũng là 25 tỷ USD một năm rồi.

Cho nên Tổng thống Trump đã hân hoan "tuýt" tin mừng cho dân chúng và những người ủng hộ ông chia vui. tháng Mười Một năm ngoái ông viết, "Bao nhiêu tỷ đô la đã tuôn vào kho tiền nước Mỹ nhờ hàng Trung Quốc bị đánh thuế quan". tháng Giêng năm nay, ông nói, "Ngân Khố Mỹ đã thu vào NHIỀU tỷ đô la do thuế quan đánh trên Trung Quốc và các nước khác trước đây không đối xử công bằng với chúng ta". tháng Hai, ông nói, "Bao nhiêu tỷ đô la Trung Quốc đã phải trả cho Mỹ dưới hình thức quan thuế".

Những tin vui trên đúng một nửa. Ngân khố Mỹ đã thâu rất nhiều tiền nhờ thuế đánh trên hàng nhập cảng. Phần không đúng, là các nước bị tấn công không hề đóng thuế cho chính phủ Mỹ.

Hàng hóa của Trung Quốc, thép hoặc nhôm từ Đức, Nhật Bản, Canada bán sang Mỹ, giá cả tùy theo thị trường. Chính các công ty nhập cảng phải đóng thuế, nếu bị đánh, khi mua hàng nước ngoài. Họ có thể kỳ kèo yêu cầu người bán giảm giá, nhưng hơi khó. Vì các công ty ngoại quốc bán hàng vô Mỹ họ cũng cạnh tranh với nhau, phải hạ giá xuống vừa đủ để kiếm lời. Nếu hạ thấp hơn nữa thì không làm ăn được.

Khi các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng thêm 10% hay 30% thuế, thì họ chỉ còn một đường là tăng giá bán để bù lại. Những máy giặt đem qua Mỹ bán trực tiếp cho khách hàng phải tăng giá. Thép và nhôm bán cho các hãng chế tạo máy cày hoặc xe hơi, các hãng này mua vật liệu cao giá hơn, cũng phải tăng giá khi bán hàng. Các công ty ở Mỹ sản xuất cùng một thứ như các hàng hóa mới bị đánh thuế cũng nhân cơ hội này tăng giá. Điển hình là các công ty thép và nhôm. Cuối cùng, chính những người tiêu thụ ở Mỹ phải bỏ thêm tiền khi đi mua.

Một món hàng mua từ Tàu giá 10 USD trước khi có chiến tranh mậu dịch, sau khi bị đánh thuế quan 25% sẽ bán giá 12,5 USD. Nếu người ta tiếp tục mua hàng nhập cảng, họ sẽ bị tốn thêm 2,5 USD. Lợi tức quốc gia (GDP) không thay đổi, vì chính phủ cũng thâu được đúng 2,5 USD.

Nếu người Mỹ mua cũng món hàng đó, ở Malaysia hay Việt Nam, với giá bán 11 USD, thì người tiêu thụ chỉ tốn thêm 1 USD. Trong trường hợp này, chính phủ Mỹ không đánh thuế, không thu đồng nào hết, cả nền kinh tế Mỹ mất 1 USD vì đổi nơi mua hàng nhập cảng.

Giả thử bây giờ có xí nghiệp Mỹ sản xuất món hàng đó, bán với giá 11,5 USD, thì người tiêu thụ tốn thêm 1,5 USD, chính phủ Mỹ không thu được đồng thuế quan nào. Nhưng khi một công ty Mỹ sản xuất một món hàng thay thế cho hàng mua từ bên Tàu, thì họ cũng phải dùng đến tiền vốn đầu tư và công nhân ở nước Mỹ. Những nguồn tư bản và lao động đó đáng lẽ có thể dùng để sản xuất thứ khác, nay được chuyển sang làm đồ thay thế hàng nhập cảng. Nghĩa là công ty sản xuất cũng bị thiệt hại vì mất cơ hội tạo ra một số lời gần bằng 1,5 USD !

Tóm lại, đánh và tăng thuế quan trước hết sẽ làm thiệt hại cho giới tiêu thụ.

Trong năm qua, người tiêu thụ ở Mỹ đã trả thêm bao nhiêu tiền ?

Hai bài nghiên cứu mới được công bố cuối tuần qua đã cho biết những con số.

Ngày thứ Bảy, là bài phúc trình của ba giáo sư kinh tế thuộc các Đại Học Columbia, Princeton, và Ngân Hàng Dự Trữ New York, New York Federal Reserve. Nhan dề : Ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch trên giá cả và phúc lợi. Ba giáo sư Mary Amiti, Stephen Redding và David Weinstein tính ra rằng trong năm 2018 người tiêu thụ và các xí nghiệp nhập cảng ở Mỹ mỗi tháng tốn thêm 3 tỷ USD. Giá các món hàng bị đánh thuế tăng trung bình từ 10% đến 30%.

Ngoài chi phí vì phải đóng thuế, nhiều công ty đã phải tổ chức lại việc mua bán của mình để đi mua hàng từ nước khác ; thay vì mua từ Trung Quốc họ chuyển qua mua của Mexico hay Việt Nam. Công việc đó cũng tốn tiền ; tổng số lên tới 165 triệu USD.

Ngày Chủ Nhật, thêm một bài nghiên cứu được công bố, của ba nhà kinh tế khác, Pinelopi Goldberg, kinh tế gia trưởng Ngân Hàng Thế Giới, World Bank ; Giáo Sư Pablo Fajgelbaum, Đại Học UCLA ; và Patrick Kennedy, Đại Học UC Berkeley. Họ thấy thuế quan cao hơn đã làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ khoảng $68 tỷ USD. Nhưng khi tính thêm những lợi lộc của các công ty sản xuất trong nước Mỹ nhờ hàng tăng giá thì số thiệt hại giảm xuống, chỉ còn 6,4 tỷ USD.

Nhiều công ty Mỹ được lợi nhờ thuế quan đánh trên hàng nhập cảng, thí dụ các công ty thép và nhôm sẽ được dịp tăng giá, do đó, cũng thuê mướn thêm người làm việc. Nhưng khi giá thép tăng lên thì nhiều công ty dùng thép làm nguyên liệu sẽ phải mua giá cao hơn, do đó tăng giá bán cho khách hàng. Người ta bớt mua, công ty giảm bớt công việc, và sa thải công nhân.

Cuộc chiến tranh mậu dịch thật phức tạp, hiện nay chưa thấy lợi nhiều bằng thiệt hại. Nước Mỹ sẽ bớt nhập cảng từ Trung Quốc nhưng chưa chắc đã chế tạo các thứ ở Mỹ để thay thế. Nhiều xí nghiệp có thể còn phải chuyển ra nước ngoài nếu họ tiếp tục phải nhập cảng với thuế quá cao.

Công ty Bumble Bee Seafoods đã hoạt động ở California từ năm 1899, hiện có thêm một cơ xưởng ở tiểu bang New Jersey, tổng cộng 500 công nhân. Công ty chuyên đóng cá hộp, cá thu, từ 120 năm nay.

Thường cá thu đánh ở vùng phía Tây Thái Bình Dương được đưa vào nước Tàu để làm thịt, rửa, và đóng gói gửi qua Mỹ ; cá thu vùng biển phía Đông được làm ở đảo Fiji, và cá từ Ấn Độ Dương làm thịt ở đảo Mauritius. Sau khi quan thuế đánh 10% trên cá thu nhập cảng từ Trung Quốc, từ tháng Chín năm ngoái, Bumble Bee không biết có thể tiếp tục chịu đựng hay không.

Vì giá cá thu nhập lên cao, công ty có thể phải đóng cửa một cơ xưởng và chuyển công việc sang một nước khác ở vùng Đông Nam Á.

Công ty làm nón baseball tên Cap America, ở Fredericktown, tiểu bang Missouri, với 285 nhân viên, cũng gặp khó khăn khi những cái nón làm ở bên Tàu bị đánh thuế 10%. Làm lấy những cái nón đó rất khó, vì phần lớn các nhà dệt vải làm nón đã rời khỏi nước Mỹ ; các nhà làm máy may và các nhân viên kỹ thuật của họ cũng đi nước khác mất rồi, hoặc đã già quá, về hưu cả. Cap America cũng đang tính chuyển công việc qua một nước khác, không bị đánh thuế quan.

Trong nền kinh tế Mỹ, những con số bạc triệu hay bạc tỷ trên đây không đáng kể ! Vì thị trường Mỹ đủ rộng lớn, tỷ lệ nền ngoại thương của Mỹ rất nhỏ so với cả nền kinh tế, không như những nước mạnh nhờ xuất cảng như Đức, Nhật Bản, và Trung Quốc. Dù nước Mỹ bị thiệt 68,8 tỷ USD trong năm qua vì đánh thuế quan trên hàng Trung Quốc, thì con số đó cũng chưa bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng nội địa (GDP).

Tuần trước, ông Robert Lighthizer nói với Quốc hội rằng chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp với Trung Quốc nếu họ không chịu "thay đổi cơ cấu". Vị "đại diện thương mại", tương đương với bộ trưởng ngoại thương trong chính phủ Donald Trump nói rằng đó mới là mục tiêu của cuộc chiến tranh mậu dịch ; chứ không phải "giải pháp đậu nành" mà ông chế nhạo.

Hy vọng Tổng thống Trump sẽ giữ vững lập trường đó trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát của ông ở Florida. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 05/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)