Chuyện này không phải mới mẻ gì nữa, nhưng đến nước này, thì không thể hành xử như kiểu trâu bò ngồi im nhìn cọp beo ca hát được nữa rồi. Số tiền vài trăm ngàn tỉ đồng để chấn hưng văn hóa theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất là một số tiền quá lớn và quá nguy cơ. Nếu không muốn nói đây là số tiền mua thêm vi trùng vào cơ thể văn hóa Việt Nam vốn đã rệu rã.
Cứ nơi nào được công nhận văn hóa thì nơi ấy bỗng dưng trở nên nhặng xị, tệ hại và bệ rạc, hết thuốc chữa.
Trước nhất, muốn chấn hưng văn hóa thì cần phải hỏi là chấn hưng văn hóa gì, văn hóa nào ? Bởi văn hóa có vật thể, phi vật thể, văn hóa dân gian, văn hóa hàn lâm, văn hóa hành chính, văn hóa nhân dân, văn hóa quốc gia, dân tộc, văn hóa từng tộc người gồm cả người Việt (Kinh). Vậy thì chấn hưng là chấn hưng cái gì ? Bắt đầu từ đâu ? Và tiền có mua được văn hóa không ? Sâu xa hơn, văn hóa có phải là sự áp đặt hay không ?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đủ nội lực để làm việc này, tức chấn hưng văn hóa hay không ? Xin thưa, đây là Bộ có những chương trình làm việc ầu ơ và kém văn hóa nhất, từ cách hành xử của cán bộ văn hóa địa phương, văn hóa tỉnh cho đến văn hóa trung ương, rất khó để tìm ra một người có đủ tầm để nói về văn hóa. Hãy nhìn cách họ định nghĩa về văn hóa thì cũng đủ biết tầm của họ ở đâu ? Và giả sử có đủ tầm thì cách làm này có mang lại hiệu quả không ?
Bài học kinh nghiệm cho thấy đã có hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí trong nhiều năm nay, đã có hàng trăm ngàn tỉ đồng đổ vào việc quản lý, xác lập, mở tiêu chí văn hóa, từ làng văn hóa, thôn văn hóa, làng nghề, làng văn hóa các dân tộc thiểu số, điểm văn hóa, di chỉ văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử... Cứ nơi nào chuẩn bị có công nhận của Bộ Văn hóa thì nơi ấy sôi sùng sục từ chuyện tiền bạc cho đến trùng tu, phục chế. Mà càng trùng tu, phục chế bao nhiêu thì càng trở nên hỏng hóc, sến súa, chuệch choạc bấy nhiêu. Bởi cách làm qua loa chiếu lệ, làm thiếu chuyên môn, chưa làm đã nghĩ đến chấm mút, xơ múi, tham nhũng, bòn rút, quan lớn ăn miếng nạc, quan nhỏ gặm cục gân, người lao động cũng tranh thủ lúc các quan bận ăn miếng ngon, véo một tí mỡ còn dính lại, cuối cùng, công trình văn hóa còn lại đúng cục xương ruồi bâu kiến đậu, chẳng giống thứ gì cả.
Và rồi thêm nạn cứ dân nơi nào có cái bảng Văn Hóa gắn lên thì liền sau đó mọi thứ trở nên lộn xộn, thực dụng, dòm ngó nhau, tranh hơn tranh thua, vấy máu ăn phần... Cứ nơi nào được công nhận văn hóa thì nơi ấy bỗng dưng trở nên nhặng xị, tệ hại và bệ rạc, hết thuốc chữa. Và khi mọi thứ trở nên bệ rạc cũng là lúc cơ quan văn hóa lên đề án này, dự án nọ để tiếp tục trùng tu, phục chế, phục hồi... kính thưa các loại đề án nuốt tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ nhưng kết quả chẳng khác nào cái bãi rác lịch sử.
Thế nhưng càng nát, người ta càng tiếp tục ăn trên sự đổ nát đó, một thực tế bày ra trước mắt. Và đến thời điểm này, nếu hỏi cơ quan nào vô văn hóa nhất thì người ta không ngại ngần nói thẳng : Đó là cơ quan Văn Hóa. Nếu có ai hỏi tờ báo nào là vô văn hóa nhất, người ta cũng không ngại ngần nói thẳng, đó là tờ báo Văn Hóa. Sao lại có chuyện tệ mạt như vậy ? Vì có một thực tế, hầu hết cán bộ văn hóa đều không có chuyên môn, họ cũng lớn lên từ phong trào, từ các chuyên đề tuyên truyền. Cán bộ văn hóa cấp xã, hầu hết là cái ghế mạt rệp nhất trong cơ quan nên đương nhiên kẻ nào yếu thế nhất được đẩy vào cái ghế này, và mặt bằng chung của cán bộ xã là chuyên tu, tại chức, gần đây có chính qui, nhưng cán bộ văn hóa cấp xã vẫn là người có năng lực yếu kém nhất trong cơ quan.
Lên cơ quan cấp huyện, thành phố cũng vậy, cái miếng mồi văn hóa gần đây có kha khá do phát triển du lịch, nên có ăn hơn chút đỉnh, nhưng nhìn lại, cán bộ văn hóa, nếu xét về chiều ngang, vẫn là loại yếu kém nhất, hay nói khác đi là một loại chạy việc tuyên truyền. Lên cấp trung ương, những ông kễnh trung ương yếu thế bị đẩy vào Bộ Văn hóa, cao lắm có Bộ trưởng với mấy thứ trưởng còn có ăn một chút chứ hạng chuyên viên thì may ra đi hù thiên hạ mới có tí cháo, lấy đâu ra tiền nhiều, miếng thơm như các bộ, ngành khác được.
Chính vì không có ăn so với các bộ ngành khác nên cán bộ yếu thế, yếu năng lực thường bị đẩy vào Bộ Văn hóa, trình độ chuyên sâu rất kém, nhưng giỏi lý luận, chính vì giỏi lý luận nên cứ mang cái lý luận ra đổi ngang với văn hóa và xem lý luận chính trị là văn hóa, cái gì nằm trong vòng cương tỏa của lý luận chính trị Mác - Lê nin ấy chính là văn hóa. Chính nếp nghĩ này sinh là thứ "văn hóa" áp đặt, một thứ văn hóa vô văn hóa có tính đặc trưng của lịch sử.
Trong khi đó, văn hóa không bao giờ là sự áp đặt và văn hóa là bề dày có tính truyền thừa, kế thừa, từ đời này qua đời khác và văn hóa vừa mang địa phương tính vừa mang sắc tộc tính cũng như dân tộc tính. Không có công thức chung nào cho văn hóa cả, chính vì không có công thức nên không thể dùng bất kì hệ qui chiếu nào để áp lên văn hóa của một quốc gia có quá nhiều vùng miền khác nhau bởi những đặc thù sắc tộc của một dân tộc gồm rất nhiều sắc tộc như Việt Nam.
Vậy thì liệu tiền có thể chấn hưng văn hóa được không ? Chấn hưng kiểu gì ? Xin lỗi, văn hóa là hành xử của dân tộc, là bề dày tri thức, nhân văn, giá trị tự do, giá trị sáng tạo, giá trị nhân văn, giá trị hướng thượng của một dân tộc. Và văn hóa không bao giờ là một tiêu điểm hay một đối tượng bất di bất dịch mà là một sự tiếp nối, phát triển và biến thể liên tục theo thời gian.
Văn hóa của người Việt, ví dụ như văn hóa ẩm thực, người Việt ăn cơm với thức ăn chủ đạo là thịt, cá. Nhưng cơm của một trăm năm trước khác với cơm bây giờ từ nội dung đến hình thức, thịt kho, thịt nướng, thịt biến tấu của trăm năm trước không bao giờ giống với thịt kho, thịt nướng, thịt biến tấu của hôm nay từ nội dung tới hình thức, cá cũng vậy, rau củ quả cũng vậy. Bây giờ xác định mốc văn hóa chỗ nào để chấn hưng, phục hồi về vị trí nguyên trạng đây ?
Văn hóa của người Việt, văn hóa ứng xử của trăm năm trước, hoặc gần thôi, nửa thế kỉ trước, với văn hóa bây giờ, hoàn toàn khác nhau, mà nếu nói chính xác thì nửa thế kỉ trước, miền Nam Việt Nam đã có một nền văn hóa tươi sáng, ổn định và chuẩn mực trong lúc miền Bắc Việt Nam vẫn còn rị mọ xây dựng xã hội chủ nghĩa với những cuộc đấu tố gắt máu, chết chóc, những hành xử rừng rú... Vậy thì chấn hưng theo hướng nào cho phải lẽ, cho ra dáng văn hóa ?
Mà quan trọng nhất là văn hóa có thể chấn hưng bằng tiền không ? Tiền mua được thứ gì để bổ khuyết cho văn hóa ? Bởi văn hóa đi ra từ căn để của dân tộc, từ tình nhân văn, từ tri đức, từ lòng tự tôn, lòng tự trọng, từ chuẩn mực ứng xử, từ nhận thức cá nhân và tập thể, vậy tiền mua được cái gì để nhét vào những lỗ hổng tri đức, nhân văn, chuẩn mực, lòng tự trọng... khi mà hầu hết cán bộ nhà nước là những kẻ không có uy tín, nói một đường làm một nẻo, bẻm mép và tham lam, bất chấp, thiếu vắng lòng tự trọng.
Đó, cán bộ nhà nước, dù sao cũng là gương mặt đại diện văn hóa, nhưng nghiệt nỗi, họ chỉ khá hơn nhân dân bộ vó, vẻ bề ngoài, còn nội dung thì thối nát, nhân dân ngửi không vào. Và cũng chính từ chỗ gương mặt văn hóa, chuẩn mực, người đi tiên phong, người lãnh đạo chả ra gì này đã kéo theo ứng xử của nhân dân cũng tập tọ léo hánh, rồi quen dần với thủ đoạn, cái xấu, bất chấp, máu lạnh... Đến thời điểm này, mọi sự nhìn bề ngoài vẫn cứ diễn ra bình thường nhưng bên trong đã hoàn toàn rệu rã, tính nhân văn biến mất, lòng tự trọng bốc hơi, tính liêm sỉ vắng bóng, tự do không có mặt, sáng tạo bị kìm kẹp, tính khai phóng bị nhốt tù... Tính tham lam, bần tiện, đểu cáng và dối trá lên ngôi. Vậy thì chấn hưng văn hóa từ chỗ nào ?
Tiền có thể mua được lòng tự trọng, tính liêm sỉ, lòng trắc ẩn, tri đức, tự do... của một dân tộc chăng ? Hay là tiền một lần nữa thỏa mãn lòng tham, sự dối trá, sự kèn cựa, làm việc hình thức, qua loa chiếu lệ, là cái cớ để thi nhau ngoạm vào cục xương ngân sách quốc gia lần nữa ! Tiền chỉ có thể biến cán bộ văn hóa thành những đối tượng dũng mãnh tranh nhau cục xương có nhiều nạc mang tên Chấn Hưng Văn Hóa nhưng không bao giờ mang lại văn hóa cho bất cứ ai, thậm chí còn sinh ra một thứ thói quen thủ đoạn mới, bỉ ổi và xảo trá hơn.
Vậy không rõ số tiền 350.000 tỷ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất để chấn hưng văn hóa là chấn hưng cái gì ? Hay chỉ là cái cớ để các nhóm quan tham mượn màu tuyên truyền mà kiếm ăn thêm lần nữa ?
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 21/10/2023
Dù làm việc nhiều năm trong Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) nhưng tôi chưa bao giờ tiếp xúc trực tiếp hoặc trò chuyện với danh ca Bảo Yến. Chỉ gặp chị trong sân HTV. Đôi bên cúi chào với nụ cười xã giao, mỗi khi vô tình giáp mặt. Tôi cũng không có thái độ vồn vã, mặc dù rất yêu thích giọng ca của chị - Một giọng ca đúng nghĩa Trời cho. Bởi ca khúc vào trong giọng hát của chị, đi đến từng nốt nhạc - từng ca từ, muốn dịu dàng - đằm thắm hay nồng nàn - tê tái, chị vẫn da diết từng câu hát ; cần dữ dội - kích động hay bãng lãng - phiêu bồng, chị vẫn làm thỏa lòng người mộ điệu.
Cặp nghệ sĩ Bảo Yến - Quốc Dũng thời trẻ.
Nữ danh ca Bảo Yến và chồng - nhạc sĩ Quốc Dũng, tuy không giàu có như lớp đàn em sau này nhưng gia đình chị vẫn sống sung túc và ấm êm, sau nhiều phong ba trường đời và tình đời. Tên tuổi và sự nghiệp của vợ chồng chị không hề xa lạ với giới chuyên môn, kể cả quần chúng mộ điệu.
Nhạc sĩ Quốc Dũng mất vào lúc hơn 9 giờ sáng ngày 24/9/2023. Danh ca Bảo Yến không nhận vòng hoa - phúng điếu và cho biết đưa linh cữu chồng hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa vào trưa ngày 25/9/2023.
Một bức ảnh hiếm hoi về bàn thờ của nhạc sĩ Quốc Dũng trên trang facebook của nữ danh ca Bảo Yến [1], khiến tôi sững lại đôi giây để viết...
Sự sững sờ không phải vì sự đơn sơ đến giản dị mà nó cho thấy, nhạc sĩ Quốc Dũng và danh ca Bảo Yến đạt được sự ngưỡng mộ trong và ngoài giới chuyên môn, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong cái thường tình đó, lại là điều tinh khôi của một Nhân Cách Sống - Bảo Yến. Tôi muốn nói đến sự ung dung tự tại, trong cuộc đời quá vang danh của chị.
Nhạc sĩ Quốc Dũng (1951-2023).
Nhạc sĩ Quốc Dũng đã nằm xuống, anh không còn biết gì xung quanh. Theo lẽ thường tình, với sự nổi tiếng của họ, Bảo Yến hoàn toàn đủ sức làm một đám tang rình rang, thu hút hàng triệu người hâm mộ và báo giới chộp lấy cơ hội để "khai thác" như một miếng mồi ngon, kể cả giới youtuber luôn rình rập và gây náo loạn như trong đám tang của nghệ sĩ cải lương Vũ Linh.
Cho tôi được chắp tay và xá ba lạy, trước vong linh của nhạc sĩ Quốc Dũng và đặt bàn tay lên trái tim để nói lời chơn tâm THÀNH THẬT THƯƠNG TIẾC một nhạc sĩ tài hoa và gởi lòng ngưỡng mộ trước người vợ Thủy Chung Vẹn Vẻ - Bảo Yến !
*****
Ngày 9/9/2023, báo Tiền Phong đưa tin [2] : Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất để thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, với mức "đầu tư" lên đến 350.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 15 tỷ USD (!) Một con số khủng khiếp cho cái gọi là "chấn hưng văn hóa" trong 10 năm !
Văn hóa là sản phẩm của loài người, do loài người tạo ra và phục vụ cho loài người, do đó văn hóa không chỉ là những cái đẹp cần kế thừa, truyền bá, học hỏi, chuyển giao lẫn nhau mà trên hết, văn hóa là những gì phù hợp với xã hội cụ thể, trong những quốc gia cụ thể. Điều này lý giải tại sao có những nền văn hóa, những nét văn hóa đã mai một dần trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Luận điểm này cũng nhằm giải thích thêm, có những loại hình văn hóa phù hợp với quốc gia này, dân tộc này nhưng không chắc được quốc gia khác, dân tộc khác chấp nhận.
Những năm sau này, nhiều loại hình văn hóa Việt Nam bỗng ngày càng dị dạng đến mức không thể hình dung ra nổi, tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng "đổ đốn" đến như vậy ! Trong đó, có văn hóa về đám tang - người ta bắt gặp những đám tang của giới trọc phú và các nhân vật nổi tiếng ngày càng diêm dúa - kệch cỡm và vô cùng tốn tiền, với hàng ngàn vòng hoa, hàng chục xe đưa tiễn ; với những chi tiết mang tên "lễ nghi" dành cho người chết ngày càng dị hợm, không thiếu những màn nhảy nhót, ca hát, ăn nhậu v.v... rất bầy hầy, ngay trước quan tài, lại không thiếu những gương mặt phờ phạc - khóc như mưa gió ngày giông bão v.v... để cuối cùng tất cả trôi tuột đi như những cơn mưa trái khuấy dị thường.
Đám tang tướng Nguyễn Chí Vịnh rất tốn kém cho ngân sách mà lòe loẹt bông hoa như đám rừng.
Chấn hưng văn hóa là một vấn đề rất phức tạp - vô cùng khó khăn, bởi chiều dài cai trị, ít nhứt gần nửa thế kỷ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cùng lối cai trị "Nhồi Sọ", khiến cho tuyệt đại đa số dân chúng u mê lao vô những điều mê tín - dị đoan hơn là biết sùng kính Tôn giáo. Vì vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy làm từ những việc tưởng nhỏ nhặt nhưng nhứt định đạt hiệu quả, từ những đám tang của những nhân vật nổi tiếng như nữ danh ca Bảo Yến đã làm cho chồng mình. Việc học theo rất có ý nghĩa :
1. Đỡ tốn tiền cho dân, đặc biệt là các nhân vật cấp cao, như mới đây : đám tang tướng Nguyễn Chí Vịnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành v.v... Mỗi lần làm đám tang cho những người này, rất tốn kém ngân sách mà lòe loẹt bông hoa như đám rừng.
2. Thường dân nhìn vô các đám ma của những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn, chắc chắn sẽ học theo, nhằm tiết kiệm tiền bạc cho chính gia cảnh khốn khó của từng người hiện nay. Bởi vì xứ thiên đàng, dân bị nhồi sọ hàng chục năm, hễ các nhân vật cao cấp và giới showbiz nổi tiếng cùng các trọc phú tên tuổi giàu có làm đám tang ra sao, dân sẽ học vậy. Đặc biệt, giới chức sắc thuộc Phật giáo - Công giáo có sức ảnh hưởng rất lớn trên hàng triệu người dân u mê.
3. Thông qua các đám tang, với sức ảnh hưởng trên triệu triệu dân thường, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang chấn hưng văn hóa & giáo dục xứ thiên đàng một cách thiết thực, không cần phải chi ra tới 350.000 tỷ đồng, để mong văn hóa tốt hơn !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 02/10/2023
[1] https://www.facebook.com/baoyencasi/posts/pfbid0vPLW9zc7Nrf9m3VkeZXyjYKK...
Chấn hưng hay chấn lột ?
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 23/09/2023
Kể từ khi cái mầm mống cộng sản được đưa vào Việt Nam đến nay đã gần 100 năm. Trong đó, đảng lãnh đạo đất nước đã 78 năm kể từ khi cướp được chính quyền năm 1945. Cụ thể hơn, đảng đã lãnh đạo cả đất nước gần nửa thế kỷ "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội". Đảng đã khẳng định như thế, chắc chắn như thế, như đinh đóng cột rằng thì là đường lối của đảng là nhất quán, là kiên định không hề thay đổi… Bởi đảng là sáng suốt, là trí tuệ kết tinh của nhân loại, là khoa học của mọi khoa học và nhất là có Chủ nghĩa Mác – Lenin soi đường chỉ lối.
Thế nhưng, thực tế thì đảng không sáng suốt và kiên định như đảng nói.
Lê Duẩn là tác nhân của 3 cuộc cách mạng, bao gồm Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học Kỹ thuật, và Cách mạng về Tư tưởng và Văn hóa.
Ba cuộc "cách mạng"
Với những khẳng định chắc nịch, đảng hô hào toàn dân tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, bao gồm Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học Kỹ thuật, và Cách mạng về Tư tưởng và Văn hóa.
Ba cuộc cách mạng ấy, được đảng hô hào cả dân tộc đổ xô vào bằng mọi giá, trả bằng mọi cái có thể trả từ tiền của, công sức, tính mạng, đạo đức dân tộc và nền văn hóa ngàn năm.
Cuộc Cách mạng về quan hệ sản xuất nhằm xóa bỏ giai cấp bóc lột, đưa giai cấp công nhân được gọi là tiên tiến, giai cấp bần cố nông liên minh lên lãnh đạo xã hội, thực chất là phá vỡ hoàn toàn quy luật kinh tế xã hội và tiêu diệt những mầm mống tinh hoa của nền kinh tế đất nước.
Đi kèm theo cái gọi là Cách mạng về quan hệ sản xuất, nghĩa là thay đổi chủ sở hữu, thay đổi đối tượng sản xuất, bằng những cuộc cướp tập thể, cướp trắng trợn, cướp ngang nhiên, cướp như là thành tích, là thắng lợi để tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến và tư bản. Và đó là cuộc đào thải, xóa bỏ nền văn hóa ngàn năm được xây dựng trong đất nước văn hiến mà cha ông bao đời đã đắp xây. Để rồi từ đó, cả đất nước, cả dân tộc tôn thờ thứ chủ nghĩa bạo lực và phản động, chống lại mọi quy luật xã hội, quy luật cuộc sống.
Và kết quả là sau một thời gian dài hò hét, hô hào tiêu diệt chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân tiên phong giữ vai trò chủ đạo. Đảng đưa nền kinh tế đất nước vào tình trang kiệt quệ đến mức khó có cơ sở tồn tại. Đói, rét, thiếu thốn… Cả đất nước chỉ lo mỗi mấy miếng nhét bụng không bao giờ đủ.
Và người dân buộc phải "bung ra" buộc phải "phá rào" để kiếm đường sống dù đảng không muốn, dù đảng lo sợ sẽ "chệch hướng xã hội chủ nghĩa".
Thế rồi cuối cùng, đói quá, đảng cũng phải chấp nhận. Và hài hước thay, đảng tự nhận đó là công lao của mình, gọi là "đổi mới".
Cuộc Cách mạng về Khoa học kỹ thuật được định nghĩa là "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp". Nguyên văn như thế, cách làm ra sao, kết quả thế nào thì câu trả lời là sau hơn 2/3 thế kỷ, nền công nghiệp Việt Nam hiện được đánh giá là chưa làm nổi một con vít đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Cuộc Cách mạng về văn hóa và tư tưởng, là cuộc cách mạng kéo dài nhất, thảm thương nhất tác động lớn nhất đến việc đưa đất nước, đưa dân tộc vào một tình trạng của một trang trại chăn nuôi.
Cuộc cách mạng ấy được xác định ngay từ đầu với những từ ngữ và văn bản thật vĩ đại, thật "hoành tráng" và quy mô mà nhìn vào đó, người ta cứ ngỡ chỉ một thời gian thôi, sau khi xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, thì Việt Nam vượt trước thế giới văn minh nhiều bậc.
Ở đó, nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được xác định là điều kiện quyết định đưa nhân dân lao động thực sự trở thành chủ thể tự giác và hưởng thụ văn hóa của xã hội mới. Nhằm để cho hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa không còn là đặc quyền, đặc lợi của thiểu số giai cấp bóc lột. Đặc trưng này phản ánh bản chất giai cấp công nhân và tính đảng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Thế rồi những cuộc Cách mạng văn hóa bằng cách phá bỏ những truyền thống ngàn đời cha ông xây đắp. Thay vì "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng" thì đảng đã phát động "Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, Cho ruộng đồng nhanh tốt, thuế mau xong". Thay vì "Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận ở Sách Trời" thì đảng đã thay bằng "Bên kia biên giới là nhà, bên ni biên giới cũng là quê hương". Thay vì "Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ Cha, Kính mẹ ấy là chân tu" thì ngày nay, theo đảng học cách con tố cha, vợ tố chồng…
Và cái nếp văn hóa phá sạch, đốt sạch ấy đã để lại một xã hội nham nhở, tanh tưởi, ngụp lặn trong sự cuồng bạo, duy vật chất và đẫm máu.
Thế rồi, sau hơn 2/3 thế kỷ tiến hành Cách mạng tư tưởng và văn Hóa, thì mới đây, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đưa ra Dự án với số tiền 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ đôla) để gọi là "Chấn hưng văn hóa".
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đưa ra Dự án với số tiền 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ đôla) để gọi là "Chấn hưng văn hóa".
Chấn hưng ? Vì sao phải Chấn hưng ?
Như vậy là đã 78 năm, hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, đủ mọi lớp người đã nếm trải đủ mọi trò "văn hóa" của đảng với đủ loại thành tích từ xây dựng "con người mới" cho đến xây dựng thành công "nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa". Đến mức đi từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nhan nhản "gia đình văn hóa", tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa và tất cả đều văn hóa.
Không chỉ có vậy, cái gọi là nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa được đảng hô hào, ca ngợi cách đây hơn 2/3 thế kỷ rằng "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người mới xã hội chủ nghĩa". Và con đường "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội", đảng dẫn cả đất nước, cả dân tộc cứ vậy cắm đầu cắm cổ mà đi. Để rồi khi đi được 2/3 thế kỷ thì phía trước vẫn cứ mịt mờ một ngày mai nào đó không hạn định, hết sức mông lung và chiếc bánh vẽ dần dần nhạt màu.
Thế rồi, một ngày xấu trời đã đến, ngày đó, Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng huỵch toẹt ra rằng : Đừng có mà mơ, cuối thế kỷ này chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, cả con đường "quá độ" mà đảng vẫn dẫn dắt cả đất nước "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên đó nay đám tuyên giáo vẫn khẳng định rằng chưa biết nó là con đường gì, và cứ đi rồi "dần dần sẽ định hình rõ".
Và như vậy, nghĩa là cả dân tộc, cả đất nước bao thế hệ qua đổ máu xương, tài nguyên, tiền của đã trở thành công cốc, đã trở thành một dạng Đông Kysot.
Tương tự, những chàng Đông Ky sốt xứ An Nam đã trưởng thành với chứng hoang tưởng được đào luyện, được hun đúc bằng những ngón nghề dối trá, đã trở thành tầng lớp lãnh đạo đất nước này đến hôm nay. Đã đưa đất nước Việt Nam đến hiện trạng không còn có cơ cứu chữa.
Những lớp con người mới ấy được xây dựng, được đào tạo hết thế hệ này qua thế hệ khác cho đến hôm nay đã trở thành "bầy sâu" như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang. Và bầy sâu ấy, đã "ăn của dân không chừa một thứ gì" như lời của Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước. Và chúng ăn một cách tàn bạo, ăn "quá dày" như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Với đội ngũ "con người mới" là sản phẩm của quá trình Cách mạng tư tưởng văn hóa như vậy, thử hỏi đất nước này, giang sơn này đánh giá ra sao về thành quả cách mạng vĩ đại của Đảng sau gần một thế kỷ lãnh đạo tuyệt đối với Cách mạng Việt Nam ?
Và khi đó, đảng hô hào đổ tiền của của dân để "Chấn hưng".
Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội ngày 12/9/2023 ff làm 56 người thiệt mạng
Thế nhưng làm sao có thể chấn hưng được nền văn hóa ấy ?
Làm sao có thể vực dậy một cái thây ma rệu rã đến mức kinh tởm điển hình như Bộ Văn Hóa kết hợp Ban Tuyên giáo của đảng vừa thể hiện bằng màn nhảy nhót với cờ đảng ngay sau thảm họa cháy tại Hà Nội, ngay bên những xác chết, những người bị thương đang quằn quại và cả nước đang nín thở theo dõi họ. Hành động đó của các quan chức đứng đầu ngành văn hóa, ngành tuyên giáo… mang tên "Nền văn hóa mới Xã hội Chủ nghĩa".
Bởi đó là nền văn hóa đảng, nền văn hóa mang tính đảng và có nguồn gốc từ sự tồn tại vô lý của Đảng cộng sản Việt Nam trong dân tộc, đất nước này.
Bởi điều đơn giản, là văn hóa, đâu phải chỉ có đổ ra nhiều tiền, lắm bạc của dân thì cứ có văn hóa ? Cha ông ta bao đời nay, sống trong nghèo khổ, lạc hậu vẫn biết gìn giữ nếp văn hóa từ ngàn xưa, sống hòa đồng với làng, với nước, quyết gìn giữ non sông, sống chung tình trọn đạo, vẹn nghĩa trọn tình với đất nước với tiền nhân. Những điều đó, tiền của nào có thể mua được ?
Ngược lại, điều mà ai cũng thấy bấy lâu nay, hễ cứ có dự án, hễ có tiền dân, thì ở đó, cái nếp văn hóa tham nhũng, văn hóa cướp, văn hóa trộm cắp lập tức hình thành và phát triển không ngừng và hết sức kịp thời.
Điều mà ai cũng thấy bấy lâu nay, hễ cứ có dự án, hễ có tiền dân, thì ở đó, cái nếp văn hóa tham nhũng, văn hóa cướp, văn hóa trộm cắp lập tức hình thành
Điều đó không do sự thù nghịch, không do thế lực thù địch nào tô vẽ, mà chính từ hàng ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú nhất của đảng mà ra. Từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh, Thành phố… khi có điều kiện tiếp xúc tiền bạc và cơ hội lập tức hò nhau trấn lột của người dân bất chấp tất cả.
Hai vụ đại án Việt Á và "Chuyến bay giải cứu" là những ví dụ không thể rõ ràng hơn. Nó xảy ra ngay trong đại hoạn nạn, trong dịch bệnh, trong khi cả thế giới đang lo đứng lo ngồi cho những người họ không quen biết, không hề buộc phải có trách nhiệm không chỉ trong quốc gia họ, mà trên trường Quốc tế.
Và nhẫn tâm hơn, khốn nạn hơn khi đám "đầy tớ trung thành và tận tụy" kia nhân danh đảng phục vụ nhân dân, đã hò nhau bằng mọi cách nặn bóp ông chủ đến kiệt cùng.
Vậy thì cái dự án được vẽ ra trên giấy với 350.000 tỷ đồng tiền máu xương của người dân, để xây nhà văn hóa, để xây thư viện, để chấn hưng văn hóa… lại sẽ là những cơ hội cho các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, có dịp hò nhau xâu xé nhân danh phục vụ người dân.
Và khi đó, thay cho việc "Chấn hưng", đống tiền của kia của người dân sẽ là mồi ngon cho đám quan tham đua nhau "Chấn lột" (chứ không phải "Trấn lột").
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 22/09/2023
************************
Chấn hưng văn hóa
Nguyễn Vũ Bình, RFA, 21/09/2023
Thời gian gần đây, bộ Văn hóa Việt Nam đã đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, với số tiền dự chi là 350 ngàn tỷ đồng.
Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam- Báo Công Lý online ngày 10/9
Chương trình mục tiêu quốc gia này là để triển khai thực hiện các nghị quyết của đảng, cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa của đất nước. Trên thực tế, với chương trình này, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những mục tiêu cho những lĩnh vực văn hóa cụ thể : "Cũng theo Chương trình mà Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang trình, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau : 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa - thể thao ; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo ; Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa ; Hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước ; Tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa ; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP ; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm" (Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam- Báo Công Lý online ngày 10/9).
Có một vấn đề rất quan trọng thuộc về văn hóa nhưng không thấy bộ Văn Hóa và các nhà "văn hóa" nhắc tới. Đó là vấn đề nền tảng đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thực ra cũng không có gì khó hiểu, sau 93 năm đảng cộng sản có mặt ở Việt Nam, sau 78 năm đảng lãnh đạo một nửa đất nước, và sau 48 năm đảng thống nhất lãnh đạo đất nước, nền tảng đạo đức xã hội đã bị phá hủy hoàn toàn. Đây mới là lĩnh vực văn hóa cần phải chấn hưng mà chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn không nhắc tới. Có thể nói rằng, để thiết lập và duy trì độc quyền lãnh đạo, sự thống trị của đảng cộng sản với người dân Việt Nam, đảng cộng sản đã từng bước phá hủy những nền tảng đạo đức mà người dân Việt Nam xây dựng hàng nghìn đời. Đến nay về cơ bản đã hoàn thành.
Như vậy, việc chấn hưng văn hóa cũng chính là chấn hưng nền tảng đạo đức của xã hội. Với thực trạng nền tảng đạo đức xã hội ngày nay, cần thực hiện ít nhất bốn vấn đề để từng bước khôi phục nền tảng đạo đức xã hội. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy, bốn vấn đề này cũng chính là những bước đi của đảng cộng sản phá hủy nền tảng đạo đức xã hội.
Thứ nhất, khôi phục vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, phục hồi tự do tôn giáo. Tôn giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân. Các tôn giáo đều rao giảng và thực hành tình yêu thương giữa người với người, là nền tảng của đạo đức xã hội. Con người Việt Nam hôm nay, hầu như đã vắng bóng tình yêu thương, sao có thể nói đến văn hóa được. Mục tiêu của nhà cầm quyền là tiêu diệt tôn giáo, sau đó không tiêu diệt được thì chuyển sang chiến lược làm biến chất các tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không còn chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân, cũng không còn rao giảng và thực hành tình yêu thương nữa. Chính vì vậy, muốn khôi phục nền tảng đạo đức xã hội, trước tiên cần phục hồi vai trò, vị thế của tôn giáo, thực thi tự do tôn giáo ngay lập tức tại Việt Nam.
Thứ hai, khôi phục tính trung thực xã hội. Tính trung thực xã hội đã biến mất từ khi đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam. Có thể nói rằng, người Việt Nam hiện nay hoàn toàn không còn đức tính trung thực. Từ quan chức cho tới những cháu thiếu niên vừa tốt nghiệp phổ thông đã nói dối một cách thuần thục. Khi các cháu được gia đình chạy điểm thi vào đại học, dù biết rõ bản thân được nâng điểm mới đỗ đại học, thủ khoa trường này trường kia, các cháu vẫn nói dối một cách thản nhiên, như thật về thành tích của mình. Nói dối như một bản tính của người Việt hiện nay, sao có thể nói đến văn hóa ? Sự thiếu trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Vậy nên, muốn phục hồi đạo đức xã hội, không thể không khôi phục tính trung thực xã hội.
Thứ ba, xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chí. Xã hội ngày nay các giá trị đã bị đảo lộn, tiêu chuẩn đánh giá con người cũng không còn đúng, chuẩn mực. Những gì là đúng là sai, là tốt là xấu, là hay là dở, con người là giỏi, là dốt đều đã không thể phân biệt được và bị biến dạng. Chúng ta chứng kiến những quan chức, miệng rao giảng đạo đức, tay tham nhũng đã phải vào tù. Những anh hùng sống của chế độ đều đang trong ngục tù vì ăn cướp, ăn cắp của nhân dân. Không có tiêu chuẩn, chuẩn mực đúng đắn làm sao có thể biết đúng sai, tốt xấu mà có thể nói đến văn hóa. Xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực là yêu cầu bắt buộc để khôi phục nền tảng đạo đức xã hội.
Thứ tư, khôi phục tính chân thật của lịch sử. Lịch sử đã bị bóp méo để phục vụ sự thống trị của đảng, cả lịch sử cận hiện đại và cổ xưa. Khi chúng ta không biết được sự thật lịch sử, chúng ta không kết nối và gắn bó được với truyền thống của nhân dân và đất nước. Các truyền thống sẽ bị mai một. Những giá trị chân chính bị bóp méo thành cổ hủ, lạc hậu và xóa bỏ. Ngược lại, những yếu tố cần loại bỏ lại được tôn vinh, cổ súy dẫn tới sự lệch lạc, chỉ có lợi cho tầng lớp thống trị. Tính chân thật của lịch sử cần được khôi phục để người dân kết nối với quá khứ, vun đắp truyền thống để phục hồi nền tảng đạo đức xã hội.
Chấn hưng văn hóa là việc vô cùng cần thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Nhưng chấn hưng văn hóa cần phải đúng lĩnh vực cần chấn hưng. Đồng thời phải xác định đúng hiện trang và nguyên nhân để thực hiện việc chấn hưng văn hóa. Ngoài ra, nhưng việc khác chỉ là duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng và sự kiếm chác của quan chức mà thôi./.
Hà Nội, ngày 22/9/2023
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 22/09/2023
*************************
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch lại hiên ngang "hát trên những xác người", trấn áp dư luận, "Bộ cấp trên" tính sao ?
Gió Bấc, RFA, 20/09/2023
Chuyện ông Bộ trưởng Hùng câng mặt lấn quốc khách giành đi thảm đỏ cho thấy tầm văn hóa ông lùn tới mắt cá chân. Chuyện Bộ đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa trong lúc kinh tế đảo điên, quốc khố trống trơn thể hiện lòng tham ông không đáy, có mắt như mù, đã thấy quan tài Việt Á mà chưa đổ lệ. Hoan hỉ "hát trên những xác người", những 56 xác thân chết trong đau đớn chứng tỏ trái tim ông là đá cuội.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023)
Không rỏ duyên nợ từ đâu, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch liên tục khiêu khích và gần như tuyên chiến với người dân. Sau lễ hội tưng bừng "hát trên những xác người" bị dư luận phê phán nặng nề, ngày 15/9, Bộ này ra công văn số 3893/BVHTTDL-VP gửi Bộ Thông tin và truyền thông để đề nghị "phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc".
Theo công văn này "một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch liệt kê trong danh sách đính kèm…".
Công văn này nói rất đúng về việc "lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân". Đúng mà chưa đủ, chưa đúng mức.
Việc quan chức tham dự lễ và cách thực hiện lễ hát trên những xác người một cách vô cảm ấy không chỉ gây mất niềm tin vào những người tổ chức, người tham dự mà còn làm người dân phẫn nộ, khinh bỉ.
Cái ý chính của công văn lại quy chụp một cách gượng ép là "một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều…". Người ta hoàn toàn không hề lợi dụng chuyện cháy chung cư, bình luận về chuyện cháy chung cư mà bình luận về cách hành xử phi nhân, phi văn hóa khi Hà Nội đang có đại tang mà quan chức hồn nhiên tiệc tùng hát xướng. Cái phản cảm không ở trong lời bình luận mà chính trong hành vi của quan chức ngành văn hóa hàng đầu quốc gia.
Công văn tố cáo quy chụp đòi xử lý những ý kiến phê bình của Bộ không làm người ta sợ mà càng khinh khi, căm ghét.
Không phải kẻ xấu, một trí thức được đào tạo từ trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, cựu quan chức ngành văn hóa, hậu duệ của anh hùng lực lượng vũ trang, đỏ từ trứng nước đỏ ra, bà Nguyễn Thế Thanh nguyên TBT báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám Đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã biên một stt bình luận về công văn của Bộ với tựa đề "VÔ CẢM, NHẠY CẢM, PHẢN CẢM".
Bà Thế Thanh nhận định "Sự yếu kém cứ lộ ra rành rành thế này, bảo sao người dân thiếu tín nhiệm vào những người được giao việc Văn, việc Lễ.
Cứ đọc diễn văn và trao giải, cắt phần ca múa, thay vào đó là lời chia buồn gửi đến mấy chục đồng bào bị tử vong trong vụ hoả hoạn thương tâm mới xảy ra. Làm như vậy là hiểu lòng dân, là hợp đạo lý dân tộc, cấp trên nào dám khiển trách, kỷ luật ứng xử đúng đắn đó ?
Có một ứng xử vô cảm vào đúng thời điểm cần sự nhạy cảm thì đã đủ đáng trách lắm rồi, thế mà lại còn nhồi thêm một sự phản cảm nữa : không những không tự thấy mình sai ở đâu mà còn gửi công văn đòi xử lý những người chỉ ra sự yếu kém của mình" (1).
Nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thông đã bình luận trên fb cá nhân nặng nề hơn bóng gió nhắc nhở với cấp trên về việc dùng người, phải nhận dạng và loại bỏ những cán bộ quản lý văn hóa mà thiếu văn hóa đã thể hiện qua ứng xử một cách hệ thống "Những chuyện trước, có thể cho qua, chẳng hạn bộ trưởng giành thảm đỏ của quốc khách khiến khách phải bưng miệng cười. Có khi thức nghi lễ mà đứa trẻ con cũng hiểu ấy, biết đâu bộ trưởng chưa được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng vụ cháy xảy ra ngay tại thủ đô, chết tới 56 người, xém quốc tang, khi cả nước đau buồn, thì Bộ Văn hóa, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vui vẻ cười đùa, tổ chức lễ này trao nọ. Họ cãi cùn rằng đã trót lên lịch rồi, mời mọc rồi, chi tiền rồi, không thể không tiến hành. Đó là sự cùn thứ nhất. Cùn hơn nữa, không có cái đầu nào trong bộ máy văn hóa ấy biết cách xử sự phải đạo, rằng làm cứ làm nhưng cắt bỏ phần vui chơi nhảy múa. Họ vẫn cứ nhảy nhót, hát hò, cười đùa, vỗ tay trên những xác người. Nói thẳng ra, đó là tội ác, đáng ghê tởm
Như đã nói, con người ta, cũng như các tổ chức, đơn vị, đều có lúc thế này thế nọ. Chả ai, chả tổ chức nào toàn vẹn, toàn thiện toàn mỹ, toàn đúng. Sai thì nhận với thái độ cầu thị, chân thành, dân sẽ thông cảm. Đâu có cái thói xưng xỉa, làm mình làm mẩy, chụp mũ, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Khi họ tự bộc lộ cái tâm cái tầm thấp kém thì cũng chính là cơ hội để cấp trên đánh giá về họ, quyết định dùng hay không dùng" (2).
Nhưng có lẽ Bộ trưởng Hùng tự tin vào cây gậy chống lưng hoặc cái ô to nào đó nên tiếp tục thách thức dư luận, tiếp tục tổ chức "hát trên những xác người" ngay trong những ngày cả Thành phố Hà Nội ngừng hoạt động vui chơi giải trí từ ngày 14 - 17/9 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh.
Cho rằng chỉ dạo ấy chỉ có hiệu lực với các đơn vị trực thuộc Thành phố Hà Nội, ngày 16/9, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (khu vực Hồ Gươm), Nhà hát Múa rối Trung ương (trên đường Trường Chinh) thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đóng trên địa bàn Hà Nội vẫn tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khán giả. (3)
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phát biểu trên báo Thanh Niên, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên vì người Việt mình vẫn có câu "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".
"Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì "cả tàu" không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nói.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nên chủ động từ rất sớm dừng các chương trình biểu diễn có tính chất hát hò, vui chơi quá tưng bừng trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
"Đã làm trong Bộ Văn hóa thể thao và du lịch thì phải ý thức được mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Các cụ ta từ xưa đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể…" (4).
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương chắc hẳn không phải là kẻ xấu. Ý kiến của ông rất hợp lòng dân nhưng liệu đó có phải là ý kiến trên, của tập thể lãnh đạo khối văn hóa tư tưởng cấp trung ương và cả cái Bộ là cấp trên của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ?
Sau làn sóng gạch đá phê bình góp ý, quân ông Hùng tiếp tục hát hò giữa Hà Nội trắng khăn tang. Ông oai vệ phản ứng, trấn áp, quy chụp người dân, chứng tỏ ông được trui rèn và kế thừa bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản. Nhưng trong triều đình nhà Sản ông đâu chỉ đứng một mình. Trên ông còn nhiều tầng nấc, cấp chức cao hơn. Trên Bộ Văn hóa thể thao và du lịch quyền lực mèn mèn của ông còn có cái Bộ khác quyền uy tuyệt đối, nếu thấy ông sai, xúc phạm đến dân, lẽ nào Bộ ấy không lên giọng "sai đến đâu sửa đến đó". Nếu thấy ông đúng, lẻ nào Bộ ấy không hào phóng trao tặng huân chương như từng truy tặng ba công an rớt giếng ở Đồng Tâm.
Im lặng của Bộ cấp trên trong vụ này làm người dân quan ngại như người phát ngôn Nguyễn Phương Hằng quan ngại về hành vi hải quân Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, cướp tàu cá giết ngư dân có nằm trong sự nhất trí chiến lược của lãnh đạo tối cao hai nước.
Điều quan trọng là trong bửa tiệc "hát trên những xác người" ngày 14-9, bên cạnh Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn có ông Võ Trọng Nghĩa Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều Ủy viên Trung ương đảng khác cùng ngồi chễm chệ trên khán đài.
Tuy công văn đòi trấn áp xử lý những ý kiến phê phán bữa tiệc máu không gửi Bộ Công an nhưng đã được cơ quan ngôn luận của Tô Đại tướng đồng hè lên án với ngôn ngữ sắt thép bằng bài bình luận "Những thông tin nhiễu loạn về vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội".
"Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin không chính xác về vụ việc gây hoang mang và nhiễu loạn thông tin, sai lệch vụ việc. Các thế lực xấu lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Fanpage Việt Tân đưa tin xuyên tạc, vu cáo việc đoàn lãnh đạo Bộ Công an đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc khi vụ cháy xảy ra ; hay bài viết khác của page này cũng chỉ trích Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi không cho dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ ở nhiều nơi khi vụ cháy xảy ra…" (5).
Nghe văn phong kết án người ta thấy lạnh sống lưng. Phải chăng đây là khúc dạo đầu cho cơn biến động ?
Thầy giáo Chu Mộng Long có bài "CÁCH MẠNG VĂN HÓA : VĂN HÓA LÀ TAO, TAO LÀ VĂN HÓA !" (6) dẫn chiếu những "điển tích" thời Cách Mạng Văn Hóa ở xứ sở bạn vàng cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng không phải là người có sáng kiến cướp thảm đỏ của quốc khách. Ông học tập theo gương các tiểu tướng Hồng Vệ Binh ở trường Đại học Thanh Hoa năm 1958. Các tiểu tướng cũng đã tiệc tùng, vui chơi, trao thưởng trong đại tang chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Những ai góp ý phê bình cũng bị Lâm Bưu đưa vào danh sách phong thần trình lên Mao Chủ tịch. Đừng tưởng Bộ trưởng Hùng vô lễ, vô học, ông ta học đúng, làm đúng bài Cách Mạng Văn Hóa của Bác Mao
Xưa nay, cái gì "nước lạ" có thì nước "chiều nay" sẽ học theo. Tàu có Trăm hoa đua nở, Việt có Nhân Văn Giai Phẩm. Bác Tập "diệt ruồi đả hổ" thì Bác Trọng "gom củi đốt lò".
Chờ xem chấn hưng văn hóa kiểu "hát trên những xác người" trị giá 350.000 tỷ này Bộ cấp trên sẽ xử ra sao ?
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 20/09/2023
1. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0XRWf2E6ioHcyq9AC...
2. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Yh7vU4RvMj1GjVJv...
3. https://nld.com.vn/van-nghe/nha-hat-thuoc-bo-vh-tt-dl-van-bieu-dien-du-h...
4. https://thanhnien.vn/ha-noi-dung-hoat-dong-giai-tri-nha-hat-cua-bo-vh-tt...
5. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-thong-tin-nhieu-loan-...
6. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02DHGm6mcECh2qFRjN5dxQLF...
Sở dĩ Bộ Văn hóa thể thao và du lịch bị chỉ trích kịch liệt bởi tối 13/9/2023 vẫn tổ chức "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao du lịch lần thứ nhất" sau khi chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phát hỏa lúc rạng sáng 13/9/2023, khiến 56 người Việt thiệt mạng.
Ông Nguyễn Phú Trọng thường xuyên bày tỏ sự tự hào về nỗ lực xây dựng hệ thống đạt tới "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suất". Hình minh họa.
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyền cho nhau xem công văn số 3893/BVHTTDL-VP do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch soạn và gửi Bộ Thông tin và truyền thông hôm 15/9/2023 để đề nghị "phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc" (1).
Theo công văn vừa đề cập thì một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch liệt kê trong danh sách đính kèm.
Sở dĩ Bộ Văn hóa thể thao và du lịch bị chỉ trích kịch liệt bởi tối 13/9/2023 vẫn tổ chức"Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp phát triển Văn hóa thể thao và du lịch lần thứ nhất" sau khi chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phát hỏa lúc rạng sáng 13/9/2023, khiến 56 người Việt tử nạn. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho rằng, bộ vẫn tổ chức đàn ca, múa hát mừng công vì "chương trình đã có sự chuẩn bị từ trước", thuộc loại "trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân", đặc biệt là... "có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông" nên dường như vì vậy mà lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông cần... "hành động" !
***
"Lễ" khiến lãnh đạo Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vừa bị chỉ trích nặng nề lại liên quan đến... "văn hóa" ! Cách nay chừng mươi ngày, "văn hóa" đã từng là lý do khiến Bộ Văn hóa thể thao và du lịch bị thiên hạ dè bỉu vì bộ dự định xin cấp 350.000 tỉ để thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035".
Nếu chẳng may "chương trình" được duyệt thì từ 2025 đến 2035, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ cấp cho Bộ Văn hóa thể thao và du lịch khoảng 35.000 tỉ để xây các trung tâm văn hóa – thể thao, thư viện, bảo tàng trải dài từ các tỉnh xuống đến các huyện, xã,... Khoản này gấp rưỡi mức chi tiêu hàng năm cho y tế - dao động từ 20.000 tỉ đến 25.000 tỉ/năm(2).
Việt Nam đã từng dốc tiền xây dựng hệ thống nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, nhà triển lãm,... từ phường – xã lên đến quận – huyện, tỉnh – thành rồi phá bỏ, không ít cơ sở trong nhóm được gọi là "thiết chế văn hóa xã hội chủ nghĩa" này đã được chuyển từ sở hữu toàn dân thành tài sản cá nhân.
Ai thuộc thế hệ sinh từ đầu thập niên 1980 trở về trước cũng có thể trả lời câu hỏi, "thiết chế văn hóa" từng hiện hữu và vừa nhắc lại đã đóng góp những gì cho "phát triển văn hóa, xây dựng con người" ? Thế thì tại sao lại khai quật, đề nghị dùng đến 350.000 tỉ đồng để "tô son, trát phấn" cho thứ đã được tống táng ấy ?
***
"Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035" mà Bộ Văn hóa thể thao và du lịch giới thiệu hồi đầu tháng này là sản phẩm của "Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai" được tổ chức hồi tháng 11 năm 2021, cách Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất (1946) tới 75 năm.
Vì sao 75 năm sau Đảng cộng sản Việt Nam mới tổ chức "hội nghị văn hóa toàn quốc" lần thứ hai ? Cứ nhìn vào tình trạng kinh tế - xã hội càng ngày càng bi đát, nhân tâm – dân ý càng ngày càng bất lợi cho việc giữ gìn và duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ắt sẽ tìm được câu trả lời.
Khi CNXH hết thiêng, Đảng cộng sản Việt Nam tự đồng hóa chính họ với "văn hóa" : Đại hội lần thứ 13 của đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho quốc dân đi, khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc(3).
Trong diễn văn khai mạc "Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai", ông Nguyễn Phú Trọng, khẳng định, "chấn hưng văn hóa" là : Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội (4).
Tuy nhiên đến giờ, "chấn hưng văn hóa" lại trở thành kế hoạch khai thác công quỹ để xây đủ thứ theo kiểu phong trào. Ai tin rằng cứ đổ tiền ra xây Trung tâm văn hóa, Nhà hát, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Nhà Truyền thống, Thư viện... là "nền tảng tinh thần của xã hội" tự nhiên trở thành "vững chắc" ?
Ai tin Bộ Văn hóa thể thao và du lịch – nơi vừa giới thiệu "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035" và cũng là nơi vừa long trọng tổ chức"Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất" – có khả năng "hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học" như ông Trọng khẳng định khi thản nhiên tổ chức đàn ca, múa hát bất kể 56 đồng loại và cũng là đồng bào vừa tử nạn hết sức thảm thương, đồng thời khăng khăng đòi "các cơ quan chức năng phối hợp xử lý" những người đã phê phán bộ này.
***
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là nhân vật thường xuyên bày tỏ sự tự hào về nỗ lực xây dựng hệ thống đạt tới "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suất" (6). "Chấn hưng văn hóa" do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng là ví dụ mới nhất cho thấy tuy có "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng" nhưng "dọc ngang không thông" vì "hậu ủng" hay "bá ứng" hoặc "đồng lòng" chỉ là để tìm lợi nhỏ cho cá nhân, cho nhóm chứ không phải mưu lợi lớn cho dân tộc, cho xứ sở. "Thông" đến túi mấy gang khi "chấn hưng văn hóa" được nặn thành gói 350.000 tỉ để xây đủ thứ và cứ thắc mắc, góp ý là thành "xuyên tạc", phải xử lý ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/09/2023
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/photo?fbid=10223858864874642&set=pcb.10223858899675512
Trước khi chấn hưng văn hóa, quan chức cần phục hồi nhân tính !
Gió Bấc, RFA, 14/09/2023
Dân chúng Việt Nam chưa kịp nuốt trôi cơn phẫn uất về đề xuất đốt núi tiền 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa thì lại một lần nữa phải nén tiếng văng tục, nuốt nước bọt khi chứng kiến lễ hội đình đám "hát trên những xác người" của các quan chức hàng đầu ngành văn hóa, tư tưởng, truyền thông báo chí cấp trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường vụ cháy. (Ảnh : Dương Giang/TTXVN)
Ngày 13/9, dư luận xã hội, truyền thông nhà nước đều xót xa đau đớn kinh hoàng về vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng nửa đêm trước đó tại một chung cư mini cao khoảng 9 tầng nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hình ảnh kinh khiếp lửa bao trùm ngôi nhà, cột khói đen bốc cao hàng chục mét. Những khung cửa cháy đen, sắt thép cũng cong queo vặt vẹo thì còn gì thân thể con người. "Trong tòa chung cư mini có 45 căn hộ, nhiều mái ấm với 3-4 người cũng không còn ai sống sót. Số phận của họ đã được định đoạt trong bối cảnh chung cư không thiết kế sẵn lối thoát hiểm và ngọn lửa dữ đã bịt kín lối ra vào" (1).
Ngôi nhà nhỏ mặt bằng chỉ có 200m2 hình ống, trong ngách sâu 400m làm việc tiếp cận, cứu chữa càng khó khăn. Những nạn nhân chỉ có thời gian ngắn ngủi có thể giải thoát bằng cách liều lỉnh nhảy lần xuống sân thượng nhà lân cận. Có người không chết cháy mà chết vì chấn thương nhảy lầu.
Theo Công an Hà Nội, vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hơn 100 người được cứu thoát, nhưng có đến 56 người tử vong.
Thông tin dư luận đặt ra nhiều điều bức xúc như quản lý xây dựng đô thị vì sao để tồn tại khu chung cư mini mất an toàn như vậy ? Trách nhiệm về ai ? Quản lý phòng cháy chửa cháy thế nào để chung cư cao 9 tầng không có phương tiện thoát hiểm…
Đã rút ra kinh nghiệm gì từ vụ cháy chết hàng chục người ở Karaoke Bình Dương hơn một năm trước mà lại để xảy ra tổn thất lớn hơn ?
Nhưng theo tâm thức chung của con người, luồng dư luận chính vẫn là đau đớn xót thương những nạn nhân xấu số. Tiến sĩ Đoàn Lê Giang ở Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã viết stt ngắn trên nền đen tang tóc "Đề nghị Quốc tang để tưởng niệm 56 nạn nhân hỏa hoạn và để nhắc nhở cả nước sao cho thảm họa không lặp lại" (2) !
Sự kiện chấn động đến mức dù bận bịu với nhiều nhiệm vụ quan trọng trước chuyến đi Mỹ dự hội nghị Liên Hiệp Quốc và nhiều nước khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến hiện trường và vào bệnh viện Bạch Mai thăm các nạn nhân vụ cháy (3).
Thế như ngay trong tối đều tiên tang tóc ấy, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch hồn nhiên tưng bừng tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, thể thao và du lịch" lần thứ nhất. Đến dự lễ trao giải có đủ mặt các quan chức cao cấp nhất của đảng, nhà nước với những chức danh dài lòng thòng. Nào là Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ; nào là các Ủy viên Trung ương Đảng Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các tác giả đoạt giải cũng như phóng viên thông tấn, báo chí (4).
Buổi lễ được truyền hình đăng tin tràn ngập các mặt báo, các kênh truyền hình, truyền thông với hình ảnh diêm dúa cờ quạt, hoa tươi, ca múa hát hò.
Quan chức, báo chí, hớn hở tươi vui khen tặng nhau những thành tựu văn hóa, tự hào là người lãnh đạo văn hóa, người làm văn hóa, người truyền thông văn hóa giỏi nhưng tất cả đều không nhớ đến câu nói của ông bà xưa "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Người cộng sản thường truyền tụng nhau câu nói của Karl Marx "Chỉ có con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để săm soi bộ lông của mình". Ở đây còn hơn cả nỗi đau, đó là cái chết. Cao hơn đồng loại đó là đồng bào.
Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ không dằn được sự phẫn uất đã viết trên fb "trong khi hàng chục người dân thủ đô chết cháy thảm thương, Thủ tướng và Bí thư Hà Nội đều có mặt để chia buồn thì Bộ văn hóa vẫn vui vẻ tổ chức lễ lạt cho các nhà báo.
Từ lãnh đạo bộ cho đến các nhà báo đều... ko có chút văn hóa nào.
Vậy mà, ko biết hổ thẹn khi ngửa tay xin tiền "chấn hưng văn hóa".
Ít ra các nhà báo cũng phải biết từ chối, nếu còn một chút lương tri của người cầm bút để thương xót đồng bào mình" (5).
Nhà báo Trần Xuân Thái Thư ký Tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Việt Nam mượn tựa bài hát của Trịnh Công Sơn viết stt "Hát trên những xác người ?"
Trần Xuân Thái biện luận rằng "Nếu sự kiện vẫn phải diễn ra, dù không có bất kỳ lý do gì chính đáng để cần thiết phải diễn ra mà không thể tạm dừng, thay vì cắt bỏ chương trình văn nghệ mở màn để thay vào đó là phút tưởng niệm 56 đồng bào vừa tử nạn vì chết cháy và 37 đồng bào khác đang quằn quại trong nỗi đau phỏng cháy, họ lại nhảy nhót, ca múa để chào mừng đại biểu.
Không thể có sự vô cảm nào lớn hơn sự kiện của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức đêm qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi vừa xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu cháy hơn 1/3 số cư dân đang lưu trú.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham dự sự kiện trao giải báo chí Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa thể thao và du lịch, cảm giác đêm qua ra làm sao và sẽ trả lời trước nhân dân như thế nào ?
Xin hãy cầu nguyện cho những đồng bào đã khuất" (6) !
Fber Ha Vu Hien đã đưa ra sự so sánh hết sức xác đáng và cũng hết sức cay đắng về cách hành xử rất tế nhị, nhân văn của Đại sứ Mỹ trong cùng thời điểm
"Trong cuộc họp báo do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày hôm qua nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong phần phát biểu của mình, đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân của vụ cháy khủng khiếp vừa xảy ra tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội cướp đi mạng sống của gần 60 người.
Đấy là ứng xử văn hóa thường thấy ở các chính khách trước một sự kiện đau buồn như thế này.
Cũng tại Hà Nội tối qua, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa thể thao và du lịch" rất trọng thể. Rất nhiều người trong đó có các nhà báo, nhà văn hóa cho rằng Bộ này nên hoãn sự kiện trên để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong thảm họa trên. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn diễn ra. Tôi chưa có thông tin là trong buổi lễ này, ông Bộ trưởng có lời chia buồn nào tương tự như lời chia buồn của Đại sứ Mỹ với các nạn nhân của vụ cháy này hay không.
Dù thế nào, việc một cơ quan có tên là Bộ Văn hóa vẫn còn tâm trạng để tổ chức lễ lạt vui vẻ, hoành tráng trong những ngày đau buồn của cả nước như thế này là một thảm họa về văn hóa tiếp theo sau ngay thảm họa cháy kinh hoàng vừa xảy ra" (7).
Có thể trước làn sóng dư luận phẫn nộ sôi sục, đảng nhà nước phải đổi màu, ngưng trò hát trên những xác người. Chiều tối ngày 14/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do Thành phố, các đơn vị thuộc Thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức từ ngày 14/9 đến hết ngày 17/9. Đồng thời, thống nhất các cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến cơ sở đồng loạt tổ chức mặc niệm các nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy vào lúc 8g ngày 18/9/2023 (8).
Thà muộn còn hơn là không bao giờ ! Thông báo trễ tràng ấy có thể vuốt mắt cho những thi hài nám đen đỡ xót xa thân phận của công dân thủ đô ngàn năm văn vật, trái tim nhân loại mà phải chết oan khốc, thảm thương. Thân nhân của họ đỡ phải tủi hờn khi quan chức văn hóa tung tóe ca hát giữa đại tang.
Điều đáng nói là chỉ mới một tuần lể trước đó Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã trình Chính phủ cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với nguồn kinh phí hơn 350.000 tỉ đồng.
Bảo tàng Hà Nội, một công trình được đầu tư nhiều ngàn tỉ - Ảnh : Nguyễn Khánh
Vượt lên trên cách đốt tiền lẽ tẻ vài ngàn tỉ xây tượng đài, cổng chào nhà hát của người tiền nhiệm, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng đã sáng tạo đốt tiền sỉ từng núi, từng dãy núi tiền với chương trình tổng thể quốc gia như đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.
Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo…
Xin miễn bàn tính hữu ích, khả thi của chương trình chấn hưng văn hóa đó. Không bỏ bóng đá người nhưng phải áp dụng đúng lý luận của đảng để bàn. Xưa nay đảng thường nêu khẩu hiệu "Không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu không có con người mới xã hội chủ nghĩa". Tương tự, không thể chấn hưng văn hóa bởi những con người lãnh đạo thiếu văn hóa. Văn hóa bao hàm nghĩa rất rộng và căn bản nhất không thể thiếu là nhân tính.
Qua cách ứng xử phi nhân, bất nghĩa vừa rồi, khoan nói đến chấn hưng văn hóa dân tôc, không riêng ông Bộ Trưởng Hùng mà tất cả các quan chức đã tham dự lễ hội "Hát trên những xác người" vừa qua cần được đưa vào trường "phục hồi nhân tính" tương tự như cách đã đưa những cô gái bán trôn nuôi miệng vào trường "phục hồi nhân phẩm".
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 14/09/2023
2. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0FAhUfBdm9LyfcECK...
3. https://vnexpress.net/thu-tuong-thi-sat-hien-truong-vu-chay-chung-cu-min...
4. https://nhandan.vn/anh-le-trao-giai-bao-chi-toan-quoc-vi-su-nghiep-phat-...
5. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0aEzm2yTdgt6vnCDw...
6. . https://www.facebook.com/gairuouhelene/posts/pfbid0U9A2BZkwcVKsMvUXfhCEG...
*************************
Sinh mạng con người bị coi thường vì ‘cơ chế bao thư’ ?
RFA, 14/09/2023
"Có tiền là qua hết" là câu cửa miệng mà người dân Việt Nam nói đến trong tất cả mọi lĩnh vực, từ bệnh viện, trường học, giao thông, xã hội cho đến cả sinh mạng người dân.
444444444444444444444
Những căn nhà được cơi nới như thế này rất khó thoát thân nếu có hỏa hoạn - AFP
Với vụ cháy chết một phần ba cư dân tại một "chung cư mini" ở Hà Nội mới đây, có thể thấy tất cả công đoạn về an toàn cháy nổ cho cư dân nơi đây không được coi trọng. Theo thông tin được truyền thông Nhà nước loan tải, nguyên nhân vụ cháy chết nhiều người là do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên xe cứu hỏa không tiếp cận được ; chủ đầu tư tận dụng tối đa quỹ đất nên không có lối thoát hiểm ; cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức…
Một số người trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, luật an toàn trong xây dựng những chung cư, nhà ở đều có nhưng "cơ chế bao thư" đã khiến an toàn sinh mạng con người không còn được coi trọng nữa.
Ông Huỳnh Phi, chủ một văn phòng bảo hiểm nhân thọ ở Sài Gòn nói với RFA nhận định của ông :
"Cái ‘văn hóa bao thư’ của nó mà. Cái nào qua được là nó cho qua. Không phải chỉ có cái chung cư này đâu. Nó nhiều lãnh vực lắm. Họ đâu nghĩ đến chuyện sẽ cháy nhà mà chết đến năm mươi mấy người. Nói chung, cái chuyện sinh mạng ở Việt Nam người ta rất là coi thường.
Họ ăn hối lộ để cho qua cả những chuyện liên quan đến sinh mạng con người.
Bây giờ đi kiểm tra phòng cháy chữa cháy. Bỏ bao nhiêu ngàn tỷ để mua bình chữa cháy cho có phong trào. Qua phong trào đâu lại vào đó. Có thể ý thức về sinh mạng con người của người dân nó không cao. Nhưng về phía quản lý nhà nước, phải cảnh báo cho người dân những nguy hiểm thì mới đúng vai trò của nhà nước là người thổi còi. Do đó đòi hỏi luật pháp phải nghiêm để mọi người phải tuân thủ dù muốn dù không.
Một xã hội phải có dân và nhà nước. Mà có nhà nước là phải có quản lý nhà nước. Góc độ quản lý nhà nước là điều rất quan trọng. Bây giờ mình hỏi, vai trò quản lý nhà nước ở đâu, người kiểm tra phòng cháy chữa cháy chung cư có kiểm tra không hay chỉ tới lấy bao thư rồi về ?"
Ngoài chuyện cháy nổ gây chết người, còn nhiều lĩnh vực khác mà nguy cơ rình rập đến sinh mạng con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, là giao thông và thực phẩm.
Về lĩnh vực thực phẩm, những bản tin như ; Hàng tấn xúc xích không rõ nguồn gốc bị thu giữ ; Ba tấn nội tạng hôi thối trên đường vận chuyển đi tiêu thụ bị thu giữ ; Hơn 2 tấn gà chết đã bốc mùi chuẩn bị bán cho cơ sở giò chả ; Hơn ba tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc bị tiêu huỷ… cho thấy sinh mạng con người không được coi trọng. Trách nhiệm đến từ các cơ quan hữu trách.
Còn về giao thông, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra gần 5.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.800 người, bị thương gần 3.500 người.
Luật sư Lê Quốc Quân nhận định ;
"Rõ ràng, đời sống hay tính mạng của người Việt Nam ở trong nước rất rủi ro. Có thể nói, đời sống, sinh mạng hay nhân phẩm của một con người là như nhau ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng cái rủi ro đến với người dân Việt Nam rất nhiều và rất bất ngờ.
Đặc biệt là góc nhìn từ phía nhà nước thì tôi thấy nó không được tôn trọng, nó không đủ chặt chẽ. Tôi nghĩ về phía nhà nước họ làm chưa đủ trách nhiệm. Đặc biệt trong quá trình thực thi pháp luật.
Hai thứ rủi ro rất lớn cho người dân là tai nạn giao thông và chuyện cháy nổ. Hai cái này đều có những nguyên nhân thuộc về nhà nước, thuộc về hệ thống".
Theo vị luật sư này, nếu có "bao thư" thì người nào cũng được cấp bằng lái xe dù chưa đạt yêu cầu. Nếu có "bao thư" thì những vi phạm trên đường phố như xe không an toàn, lái xe không an toàn cũng đều được cho qua. Nếu có "bao thư" thì nhà xây không an toàn cũng được cấp phép cho thuê…
Nhắc lại vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Bác sĩ Nguyễn Viện nói với RFA về trách nhiệm của nhà quản lý trong việc bảo vệ sinh mạng người dân, theo quan điểm của ông :
"Thật ra khi xảy ra những sự cố như vậy thì đặt ra vấn đề chính phủ can thiệp ở mức độ nào để cứu dân. Nhưng đó là cái sau. Còn cái quan trọng nhất là phải ngăn ngừa từ đầu. Nếu xảy ra cháy thì phải có đường thoát để hạn chế mức thương vong cho người dân. Đó là trách nhiệm của các ban ngành, các địa phương.
Sau vụ này tôi không biết ai sẽ bị truy cứu trách nhiệm của những người tại địa phương đó ra sao. Người dân thì nhiều người hiểu biết cũng giới hạn và điều kiện, phương tiện cũng ít. Nhưng nhà quản lý phải làm sao cho tròn trách nhiệm, không thể coi thường sinh mạng người dân như vậy".
Nhà thơ, nhà báo Liêu Thái nêu ý kiến của ông với RFA sáng 14 tháng 9 :
"Nói về nguy cơ cháy nổ thì hầu như các chung cư đều có nguy cơ cháy nổ rất cao. Thứ nhất là do đường dây điện, chất lượng dây điện âm tường rất kém. Thứ hai là đường thoát hiểm không có. Thứ ba là không gian trong một căn hộ rất chật do thiết kế tiết kiệm mặt bằng. Nói chung cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rất kém.
Đó là mới nói riêng chuyện chung cư thôi. Còn nói chung, đời sống của hầu hết người lao động ở Việt Nam thì…không còn gì để nói nữa !
Vụ cháy nhà chết người vừa rồi chỉ là một trong những mối nguy mà người dân phải đối mặt thôi. Nói một cách nghiêm túc, ở Việt Nam khi xây dựng một công trình, người ta không hề nghĩ đến sinh mạng của người khác. Hoàn toàn không nghĩ. Họ gần như vô cảm với sinh mạng người khác. Do đó, cái chết của hàng chục sinh mạng như trong vụ cháy vừa rồi là hệ quả tất yếu thôi.
Chính người mình ‘giết’ người mình thôi. Chính những người lao động đang ‘giết’ những người lao động. Những người xây dựng ‘giết’ người đến ở. Nói chung, khi nói đến chuyện an toàn, sinh mạng của con người thì có thể nói, nó không an toàn ở đất nước này".
Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một trong những quyền nhân thân cơ bản và quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi công dân. Quyền này được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật dân sự năm 1995. Đây được coi là trách nhiệm chung của nhà nước và toàn xã hội.
Nguồn : RFA, 14/09/2023