Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2023

Chấn hưng văn hóa hay mở cửa cho tham nhũng văn hóa ?

JB Nguyễn Hữu Vinh - Nguyễn Vũ Bình - Gió Bấc

Chấn hưng hay chấn lột ?

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 23/09/2023

Kể từ khi cái mầm mống cộng sản được đưa vào Việt Nam đến nay đã gần 100 năm. Trong đó, đảng lãnh đạo đất nước đã 78 năm kể từ khi cướp được chính quyền năm 1945. Cụ thể hơn, đảng đã lãnh đạo cả đất nước gần nửa thế kỷ "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội". Đảng đã khẳng định như thế, chắc chắn như thế, như đinh đóng cột rằng thì là đường lối của đảng là nhất quán, là kiên định không hề thay đổi… Bởi đảng là sáng suốt, là trí tuệ kết tinh của nhân loại, là khoa học của mọi khoa học và nhất là có Chủ nghĩa Mác – Lenin soi đường chỉ lối.

Thế nhưng, thực tế thì đảng không sáng suốt và kiên định như đảng nói.

chanhung1

Lê Duẩn là tác nhân của 3 cuộc cách mạng, bao gồm Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học Kỹ thuật, và Cách mạng về Tư tưởng và Văn hóa.

Ba cuộc "cách mạng"

Với những khẳng định chắc nịch, đảng hô hào toàn dân tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, bao gồm Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học Kỹ thuật, và Cách mạng về Tư tưởng và Văn hóa.

Ba cuộc cách mạng ấy, được đảng hô hào cả dân tộc đổ xô vào bằng mọi giá, trả bằng mọi cái có thể trả từ tiền của, công sức, tính mạng, đạo đức dân tộc và nền văn hóa ngàn năm.

Cuộc Cách mạng về quan hệ sản xuất nhằm xóa bỏ giai cấp bóc lột, đưa giai cấp công nhân được gọi là tiên tiến, giai cấp bần cố nông liên minh lên lãnh đạo xã hội, thực chất là phá vỡ hoàn toàn quy luật kinh tế xã hội và tiêu diệt những mầm mống tinh hoa của nền kinh tế đất nước.

Đi kèm theo cái gọi là Cách mạng về quan hệ sản xuất, nghĩa là thay đổi chủ sở hữu, thay đổi đối tượng sản xuất, bằng những cuộc cướp tập thể, cướp trắng trợn, cướp ngang nhiên, cướp như là thành tích, là thắng lợi để tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến và tư bản. Và đó là cuộc đào thải, xóa bỏ nền văn hóa ngàn năm được xây dựng trong đất nước văn hiến mà cha ông bao đời đã đắp xây. Để rồi từ đó, cả đất nước, cả dân tộc tôn thờ thứ chủ nghĩa bạo lực và phản động, chống lại mọi quy luật xã hội, quy luật cuộc sống.

Và kết quả là sau một thời gian dài hò hét, hô hào tiêu diệt chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân tiên phong giữ vai trò chủ đạo. Đảng đưa nền kinh tế đất nước vào tình trang kiệt quệ đến mức khó có cơ sở tồn tại. Đói, rét, thiếu thốn… Cả đất nước chỉ lo mỗi mấy miếng nhét bụng không bao giờ đủ.

Và người dân buộc phải "bung ra" buộc phải "phá rào" để kiếm đường sống dù đảng không muốn, dù đảng lo sợ sẽ "chệch hướng xã hội chủ nghĩa".

Thế rồi cuối cùng, đói quá, đảng cũng phải chấp nhận. Và hài hước thay, đảng tự nhận đó là công lao của mình, gọi là "đổi mới".

Cuộc Cách mạng về Khoa học kỹ thuật được định nghĩa là "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp". Nguyên văn như thế, cách làm ra sao, kết quả thế nào thì câu trả lời là sau hơn 2/3 thế kỷ, nền công nghiệp Việt Nam hiện được đánh giá là chưa làm nổi một con vít đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Cuộc Cách mạng về văn hóa và tư tưởng, là cuộc cách mạng kéo dài nhất, thảm thương nhất tác động lớn nhất đến việc đưa đất nước, đưa dân tộc vào một tình trạng của một trang trại chăn nuôi.

Cuộc cách mạng ấy được xác định ngay từ đầu với những từ ngữ và văn bản thật vĩ đại, thật "hoành tráng" và quy mô mà nhìn vào đó, người ta cứ ngỡ chỉ một thời gian thôi, sau khi xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, thì Việt Nam vượt trước thế giới văn minh nhiều bậc.

Ở đó, nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được xác định là điều kiện quyết định đưa nhân dân lao động thực sự trở thành chủ thể tự giác và hưởng thụ văn hóa của xã hội mới. Nhằm để cho hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa không còn là đặc quyền, đặc lợi của thiểu số giai cấp bóc lột. Đặc trưng này phản ánh bản chất giai cấp công nhân và tính đảng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Thế rồi những cuộc Cách mạng văn hóa bằng cách phá bỏ những truyền thống ngàn đời cha ông xây đắp. Thay vì "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng" thì đảng đã phát động "Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, Cho ruộng đồng nhanh tốt, thuế mau xong". Thay vì "Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận ở Sách Trời" thì đảng đã thay bằng "Bên kia biên giới là nhà, bên ni biên giới cũng là quê hương". Thay vì "Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ Cha, Kính mẹ ấy là chân tu" thì ngày nay, theo đảng học cách con tố cha, vợ tố chồng…

Và cái nếp văn hóa phá sạch, đốt sạch ấy đã để lại một xã hội nham nhở, tanh tưởi, ngụp lặn trong sự cuồng bạo, duy vật chất và đẫm máu.

Thế rồi, sau hơn 2/3 thế kỷ tiến hành Cách mạng tư tưởng và văn Hóa, thì mới đây, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đưa ra Dự án với số tiền 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ đôla) để gọi là "Chấn hưng văn hóa".

chanhung2

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đưa ra Dự án với số tiền 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ đôla) để gọi là "Chấn hưng văn hóa".

Chấn hưng ? Vì sao phải Chấn hưng ?

Như vậy là đã 78 năm, hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, đủ mọi lớp người đã nếm trải đủ mọi trò "văn hóa" của đảng với đủ loại thành tích từ xây dựng "con người mới" cho đến xây dựng thành công "nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa". Đến mức đi từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nhan nhản "gia đình văn hóa", tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa và tất cả đều văn hóa.

Không chỉ có vậy, cái gọi là nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa được đảng hô hào, ca ngợi cách đây hơn 2/3 thế kỷ rằng "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người mới xã hội chủ nghĩa". Và con đường "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội", đảng dẫn cả đất nước, cả dân tộc cứ vậy cắm đầu cắm cổ mà đi. Để rồi khi đi được 2/3 thế kỷ thì phía trước vẫn cứ mịt mờ một ngày mai nào đó không hạn định, hết sức mông lung và chiếc bánh vẽ dần dần nhạt màu.

Thế rồi, một ngày xấu trời đã đến, ngày đó, Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng huỵch toẹt ra rằng : Đừng có mà mơ, cuối thế kỷ này chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, cả con đường "quá độ" mà đảng vẫn dẫn dắt cả đất nước "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên đó nay đám tuyên giáo vẫn khẳng định rằng chưa biết nó là con đường gì, và cứ đi rồi "dần dần sẽ định hình rõ".

Và như vậy, nghĩa là cả dân tộc, cả đất nước bao thế hệ qua đổ máu xương, tài nguyên, tiền của đã trở thành công cốc, đã trở thành một dạng Đông Kysot.

Tương tự, những chàng Đông Ky sốt xứ An Nam đã trưởng thành với chứng hoang tưởng được đào luyện, được hun đúc bằng những ngón nghề dối trá, đã trở thành tầng lớp lãnh đạo đất nước này đến hôm nay. Đã đưa đất nước Việt Nam đến hiện trạng không còn có cơ cứu chữa.

Những lớp con người mới ấy được xây dựng, được đào tạo hết thế hệ này qua thế hệ khác cho đến hôm nay đã trở thành "bầy sâu" như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang. Và bầy sâu ấy, đã "ăn của dân không chừa một thứ gì" như lời của Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước. Và chúng ăn một cách tàn bạo, ăn "quá dày" như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Với đội ngũ "con người mới" là sản phẩm của quá trình Cách mạng tư tưởng văn hóa như vậy, thử hỏi đất nước này, giang sơn này đánh giá ra sao về thành quả cách mạng vĩ đại của Đảng sau gần một thế kỷ lãnh đạo tuyệt đối với Cách mạng Việt Nam ?

Và khi đó, đảng hô hào đổ tiền của của dân để "Chấn hưng".

chanhung3

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội ngày 12/9/2023 ff làm 56 người thiệt mạng

Thế nhưng làm sao có thể chấn hưng được nền văn hóa ấy ?

Làm sao có thể vực dậy một cái thây ma rệu rã đến mức kinh tởm điển hình như Bộ Văn Hóa kết hợp Ban Tuyên giáo của đảng vừa thể hiện bằng màn nhảy nhót với cờ đảng ngay sau thảm họa cháy tại Hà Nội, ngay bên những xác chết, những người bị thương đang quằn quại và cả nước đang nín thở theo dõi họ. Hành động đó của các quan chức đứng đầu ngành văn hóa, ngành tuyên giáo… mang tên "Nền văn hóa mới Xã hội Chủ nghĩa".

Bởi đó là nền văn hóa đảng, nền văn hóa mang tính đảng và có nguồn gốc từ sự tồn tại vô lý của Đảng cộng sản Việt Nam trong dân tộc, đất nước này.

Bởi điều đơn giản, là văn hóa, đâu phải chỉ có đổ ra nhiều tiền, lắm bạc của dân thì cứ có văn hóa ? Cha ông ta bao đời nay, sống trong nghèo khổ, lạc hậu vẫn biết gìn giữ nếp văn hóa từ ngàn xưa, sống hòa đồng với làng, với nước, quyết gìn giữ non sông, sống chung tình trọn đạo, vẹn nghĩa trọn tình với đất nước với tiền nhân. Những điều đó, tiền của nào có thể mua được ?

Ngược lại, điều mà ai cũng thấy bấy lâu nay, hễ cứ có dự án, hễ có tiền dân, thì ở đó, cái nếp văn hóa tham nhũng, văn hóa cướp, văn hóa trộm cắp lập tức hình thành và phát triển không ngừng và hết sức kịp thời.

chanhung4

Điều mà ai cũng thấy bấy lâu nay, hễ cứ có dự án, hễ có tiền dân, thì ở đó, cái nếp văn hóa tham nhũng, văn hóa cướp, văn hóa trộm cắp lập tức hình thành

Điều đó không do sự thù nghịch, không do thế lực thù địch nào tô vẽ, mà chính từ hàng ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú nhất của đảng mà ra. Từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh, Thành phố… khi có điều kiện tiếp xúc tiền bạc và cơ hội lập tức hò nhau trấn lột của người dân bất chấp tất cả.

Hai vụ đại án Việt Á và "Chuyến bay giải cứu" là những ví dụ không thể rõ ràng hơn. Nó xảy ra ngay trong đại hoạn nạn, trong dịch bệnh, trong khi cả thế giới đang lo đứng lo ngồi cho những người họ không quen biết, không hề buộc phải có trách nhiệm không chỉ trong quốc gia họ, mà trên trường Quốc tế.

Và nhẫn tâm hơn, khốn nạn hơn khi đám "đầy tớ trung thành và tận tụy" kia nhân danh đảng phục vụ nhân dân, đã hò nhau bằng mọi cách nặn bóp ông chủ đến kiệt cùng.

Vậy thì cái dự án được vẽ ra trên giấy với 350.000 tỷ đồng tiền máu xương của người dân, để xây nhà văn hóa, để xây thư viện, để chấn hưng văn hóa… lại sẽ là những cơ hội cho các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, có dịp hò nhau xâu xé nhân danh phục vụ người dân.

Và khi đó, thay cho việc "Chấn hưng", đống tiền của kia của người dân sẽ là mồi ngon cho đám quan tham đua nhau "Chấn lột" (chứ không phải "Trấn lột").

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 22/09/2023

************************

Chấn hưng văn hóa

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 21/09/2023

Thời gian gần đây, bộ Văn hóa Việt Nam đã đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, với số tiền dự chi là 350 ngàn tỷ đồng.

chanhung5

Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam- Báo Công Lý online ngày 10/9

Chương trình mục tiêu quốc gia này là để triển khai thực hiện các nghị quyết của đảng, cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa của đất nước. Trên thực tế, với chương trình này, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những mục tiêu cho những lĩnh vực văn hóa cụ thể : "Cũng theo Chương trình mà Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang trình, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau : 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa - thể thao ; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo ; Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa ; Hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước ; Tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa ; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP ; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm" (Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam- Báo Công Lý online ngày 10/9).

Có một vấn đề rất quan trọng thuộc về văn hóa nhưng không thấy bộ Văn Hóa và các nhà "văn hóa" nhắc tới. Đó là vấn đề nền tảng đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thực ra cũng không có gì khó hiểu, sau 93 năm đảng cộng sản có mặt ở Việt Nam, sau 78 năm đảng lãnh đạo một nửa đất nước, và sau 48 năm đảng thống nhất lãnh đạo đất nước, nền tảng đạo đức xã hội đã bị phá hủy hoàn toàn. Đây mới là lĩnh vực văn hóa cần phải chấn hưng mà chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn không nhắc tới. Có thể nói rằng, để thiết lập và duy trì độc quyền lãnh đạo, sự thống trị của đảng cộng sản với người dân Việt Nam, đảng cộng sản đã từng bước phá hủy những nền tảng đạo đức mà người dân Việt Nam xây dựng hàng nghìn đời. Đến nay về cơ bản đã hoàn thành.

Như vậy, việc chấn hưng văn hóa cũng chính là chấn hưng nền tảng đạo đức của xã hội. Với thực trạng nền tảng đạo đức xã hội ngày nay, cần thực hiện ít nhất bốn vấn đề để từng bước khôi phục nền tảng đạo đức xã hội. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy, bốn vấn đề này cũng chính là những bước đi của đảng cộng sản phá hủy nền tảng đạo đức xã hội.

Thứ nhất, khôi phục vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, phục hồi tự do tôn giáo. Tôn giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân. Các tôn giáo đều rao giảng và thực hành tình yêu thương giữa người với người, là nền tảng của đạo đức xã hội. Con người Việt Nam hôm nay, hầu như đã vắng bóng tình yêu thương, sao có thể nói đến văn hóa được. Mục tiêu của nhà cầm quyền là tiêu diệt tôn giáo, sau đó không tiêu diệt được thì chuyển sang chiến lược làm biến chất các tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không còn chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân, cũng không còn rao giảng và thực hành tình yêu thương nữa. Chính vì vậy, muốn khôi phục nền tảng đạo đức xã hội, trước tiên cần phục hồi vai trò, vị thế của tôn giáo, thực thi tự do tôn giáo ngay lập tức tại Việt Nam.

Thứ hai, khôi phục tính trung thực xã hội. Tính trung thực xã hội đã biến mất từ khi đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam. Có thể nói rằng, người Việt Nam hiện nay hoàn toàn không còn đức tính trung thực. Từ quan chức cho tới những cháu thiếu niên vừa tốt nghiệp phổ thông đã nói dối một cách thuần thục. Khi các cháu được gia đình chạy điểm thi vào đại học, dù biết rõ bản thân được nâng điểm mới đỗ đại học, thủ khoa trường này trường kia, các cháu vẫn nói dối một cách thản nhiên, như thật về thành tích của mình. Nói dối như một bản tính của người Việt hiện nay, sao có thể nói đến văn hóa ? Sự thiếu trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Vậy nên, muốn phục hồi đạo đức xã hội, không thể không khôi phục tính trung thực xã hội.

Thứ ba, xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chí. Xã hội ngày nay các giá trị đã bị đảo lộn, tiêu chuẩn đánh giá con người cũng không còn đúng, chuẩn mực. Những gì là đúng là sai, là tốt là xấu, là hay là dở, con người là giỏi, là dốt đều đã không thể phân biệt được và bị biến dạng. Chúng ta chứng kiến những quan chức, miệng rao giảng đạo đức, tay tham nhũng đã phải vào tù. Những anh hùng sống của chế độ đều đang trong ngục tù vì ăn cướp, ăn cắp của nhân dân. Không có tiêu chuẩn, chuẩn mực đúng đắn làm sao có thể biết đúng sai, tốt xấu mà có thể nói đến văn hóa. Xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực là yêu cầu bắt buộc để khôi phục nền tảng đạo đức xã hội.

Thứ tư, khôi phục tính chân thật của lịch sử. Lịch sử đã bị bóp méo để phục vụ sự thống trị của đảng, cả lịch sử cận hiện đại và cổ xưa. Khi chúng ta không biết được sự thật lịch sử, chúng ta không kết nối và gắn bó được với truyền thống của nhân dân và đất nước. Các truyền thống sẽ bị mai một. Những giá trị chân chính bị bóp méo thành cổ hủ, lạc hậu và xóa bỏ. Ngược lại, những yếu tố cần loại bỏ lại được tôn vinh, cổ súy dẫn tới sự lệch lạc, chỉ có lợi cho tầng lớp thống trị. Tính chân thật của lịch sử cần được khôi phục để người dân kết nối với quá khứ, vun đắp truyền thống để phục hồi nền tảng đạo đức xã hội.

Chấn hưng văn hóa là việc vô cùng cần thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Nhưng chấn hưng văn hóa cần phải đúng lĩnh vực cần chấn hưng. Đồng thời phải xác định đúng hiện trang và nguyên nhân để thực hiện việc chấn hưng văn hóa. Ngoài ra, nhưng việc khác chỉ là duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng và sự kiếm chác của quan chức mà thôi./.

Hà Nội, ngày 22/9/2023

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 22/09/2023

*************************

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch lại hiên ngang "hát trên những xác người", trấn áp dư luận, "Bộ cấp trên" tính sao ?

Gió Bấc, RFA, 20/09/2023

Chuyện ông Bộ trưởng Hùng câng mặt lấn quốc khách giành đi thảm đỏ cho thấy tầm văn hóa ông lùn tới mắt cá chân. Chuyện Bộ đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa trong lúc kinh tế đảo điên, quốc khố trống trơn thể hiện lòng tham ông không đáy, có mắt như mù, đã thấy quan tài Việt Á mà chưa đổ lệ. Hoan hỉ "hát trên những xác người", những 56 xác thân chết trong đau đớn chứng tỏ trái tim ông là đá cuội.

chanhung6

Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023)

Không rỏ duyên nợ từ đâu, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch liên tục khiêu khích và gần như tuyên chiến với người dân. Sau lễ hội tưng bừng "hát trên những xác người" bị dư luận phê phán nặng nề, ngày 15/9, Bộ này ra công văn số 3893/BVHTTDL-VP gửi Bộ Thông tin và truyền thông để đề nghị "phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc".

Theo công văn này "một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch liệt kê trong danh sách đính kèm…".

Công văn này nói rất đúng về việc "lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự "Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân". Đúng mà chưa đủ, chưa đúng mức.

Việc quan chức tham dự lễ và cách thực hiện lễ hát trên những xác người một cách vô cảm ấy không chỉ gây mất niềm tin vào những người tổ chức, người tham dự mà còn làm người dân phẫn nộ, khinh bỉ.

Cái ý chính của công văn lại quy chụp một cách gượng ép là "một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều…". Người ta hoàn toàn không hề lợi dụng chuyện cháy chung cư, bình luận về chuyện cháy chung cư mà bình luận về cách hành xử phi nhân, phi văn hóa khi Hà Nội đang có đại tang mà quan chức hồn nhiên tiệc tùng hát xướng. Cái phản cảm không ở trong lời bình luận mà chính trong hành vi của quan chức ngành văn hóa hàng đầu quốc gia.

Công văn tố cáo quy chụp đòi xử lý những ý kiến phê bình của Bộ không làm người ta sợ mà càng khinh khi, căm ghét.

Không phải kẻ xấu, một trí thức được đào tạo từ trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, cựu quan chức ngành văn hóa, hậu duệ của anh hùng lực lượng vũ trang, đỏ từ trứng nước đỏ ra, bà Nguyễn Thế Thanh nguyên TBT báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám Đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã biên một stt bình luận về công văn của Bộ với tựa đề "VÔ CẢM, NHẠY CẢM, PHẢN CẢM".

Bà Thế Thanh nhận định "Sự yếu kém cứ lộ ra rành rành thế này, bảo sao người dân thiếu tín nhiệm vào những người được giao việc Văn, việc Lễ.

Cứ đọc diễn văn và trao giải, cắt phần ca múa, thay vào đó là lời chia buồn gửi đến mấy chục đồng bào bị tử vong trong vụ hoả hoạn thương tâm mới xảy ra. Làm như vậy là hiểu lòng dân, là hợp đạo lý dân tộc, cấp trên nào dám khiển trách, kỷ luật ứng xử đúng đắn đó ?

Có một ứng xử vô cảm vào đúng thời điểm cần sự nhạy cảm thì đã đủ đáng trách lắm rồi, thế mà lại còn nhồi thêm một sự phản cảm nữa : không những không tự thấy mình sai ở đâu mà còn gửi công văn đòi xử lý những người chỉ ra sự yếu kém của mình" (1).

Nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thông đã bình luận trên fb cá nhân nặng nề hơn bóng gió nhắc nhở với cấp trên về việc dùng người, phải nhận dạng và loại bỏ những cán bộ quản lý văn hóa mà thiếu văn hóa đã thể hiện qua ứng xử một cách hệ thống "Những chuyện trước, có thể cho qua, chẳng hạn bộ trưởng giành thảm đỏ của quốc khách khiến khách phải bưng miệng cười. Có khi thức nghi lễ mà đứa trẻ con cũng hiểu ấy, biết đâu bộ trưởng chưa được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng vụ cháy xảy ra ngay tại thủ đô, chết tới 56 người, xém quốc tang, khi cả nước đau buồn, thì Bộ Văn hóa, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vui vẻ cười đùa, tổ chức lễ này trao nọ. Họ cãi cùn rằng đã trót lên lịch rồi, mời mọc rồi, chi tiền rồi, không thể không tiến hành. Đó là sự cùn thứ nhất. Cùn hơn nữa, không có cái đầu nào trong bộ máy văn hóa ấy biết cách xử sự phải đạo, rằng làm cứ làm nhưng cắt bỏ phần vui chơi nhảy múa. Họ vẫn cứ nhảy nhót, hát hò, cười đùa, vỗ tay trên những xác người. Nói thẳng ra, đó là tội ác, đáng ghê tởm

Như đã nói, con người ta, cũng như các tổ chức, đơn vị, đều có lúc thế này thế nọ. Chả ai, chả tổ chức nào toàn vẹn, toàn thiện toàn mỹ, toàn đúng. Sai thì nhận với thái độ cầu thị, chân thành, dân sẽ thông cảm. Đâu có cái thói xưng xỉa, làm mình làm mẩy, chụp mũ, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Khi họ tự bộc lộ cái tâm cái tầm thấp kém thì cũng chính là cơ hội để cấp trên đánh giá về họ, quyết định dùng hay không dùng" (2).

Nhưng có lẽ Bộ trưởng Hùng tự tin vào cây gậy chống lưng hoặc cái ô to nào đó nên tiếp tục thách thức dư luận, tiếp tục tổ chức "hát trên những xác người" ngay trong những ngày cả Thành phố Hà Nội ngừng hoạt động vui chơi giải trí từ ngày 14 - 17/9 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh.

Cho rằng chỉ dạo ấy chỉ có hiệu lực với các đơn vị trực thuộc Thành phố Hà Nội, ngày 16/9, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (khu vực Hồ Gươm), Nhà hát Múa rối Trung ương (trên đường Trường Chinh) thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đóng trên địa bàn Hà Nội vẫn tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khán giả. (3)

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phát biểu trên báo Thanh Niên, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên vì người Việt mình vẫn có câu "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

"Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì "cả tàu" không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nói.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nên chủ động từ rất sớm dừng các chương trình biểu diễn có tính chất hát hò, vui chơi quá tưng bừng trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

"Đã làm trong Bộ Văn hóa thể thao và du lịch thì phải ý thức được mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Các cụ ta từ xưa đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể…" (4).

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương chắc hẳn không phải là kẻ xấu. Ý kiến của ông rất hợp lòng dân nhưng liệu đó có phải là ý kiến trên, của tập thể lãnh đạo khối văn hóa tư tưởng cấp trung ương và cả cái Bộ là cấp trên của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ?

Sau làn sóng gạch đá phê bình góp ý, quân ông Hùng tiếp tục hát hò giữa Hà Nội trắng khăn tang. Ông oai vệ phản ứng, trấn áp, quy chụp người dân, chứng tỏ ông được trui rèn và kế thừa bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản. Nhưng trong triều đình nhà Sản ông đâu chỉ đứng một mình. Trên ông còn nhiều tầng nấc, cấp chức cao hơn. Trên Bộ Văn hóa thể thao và du lịch quyền lực mèn mèn của ông còn có cái Bộ khác quyền uy tuyệt đối, nếu thấy ông sai, xúc phạm đến dân, lẽ nào Bộ ấy không lên giọng "sai đến đâu sửa đến đó". Nếu thấy ông đúng, lẻ nào Bộ ấy không hào phóng trao tặng huân chương như từng truy tặng ba công an rớt giếng ở Đồng Tâm.

Im lặng của Bộ cấp trên trong vụ này làm người dân quan ngại như người phát ngôn Nguyễn Phương Hằng quan ngại về hành vi hải quân Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, cướp tàu cá giết ngư dân có nằm trong sự nhất trí chiến lược của lãnh đạo tối cao hai nước.

Điều quan trọng là trong bửa tiệc "hát trên những xác người" ngày 14-9, bên cạnh Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn có ông Võ Trọng Nghĩa Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều Ủy viên Trung ương đảng khác cùng ngồi chễm chệ trên khán đài.

Tuy công văn đòi trấn áp xử lý những ý kiến phê phán bữa tiệc máu không gửi Bộ Công an nhưng đã được cơ quan ngôn luận của Tô Đại tướng đồng hè lên án với ngôn ngữ sắt thép bằng bài bình luận "Những thông tin nhiễu loạn về vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội".

"Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin không chính xác về vụ việc gây hoang mang và nhiễu loạn thông tin, sai lệch vụ việc. Các thế lực xấu lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Fanpage Việt Tân đưa tin xuyên tạc, vu cáo việc đoàn lãnh đạo Bộ Công an đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc khi vụ cháy xảy ra ; hay bài viết khác của page này cũng chỉ trích Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi không cho dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ ở nhiều nơi khi vụ cháy xảy ra…" (5).

Nghe văn phong kết án người ta thấy lạnh sống lưng. Phải chăng đây là khúc dạo đầu cho cơn biến động ?

Thầy giáo Chu Mộng Long có bài "CÁCH MẠNG VĂN HÓA : VĂN HÓA LÀ TAO, TAO LÀ VĂN HÓA !" (6) dẫn chiếu những "điển tích" thời Cách Mạng Văn Hóa ở xứ sở bạn vàng cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng không phải là người có sáng kiến cướp thảm đỏ của quốc khách. Ông học tập theo gương các tiểu tướng Hồng Vệ Binh ở trường Đại học Thanh Hoa năm 1958. Các tiểu tướng cũng đã tiệc tùng, vui chơi, trao thưởng trong đại tang chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Những ai góp ý phê bình cũng bị Lâm Bưu đưa vào danh sách phong thần trình lên Mao Chủ tịch. Đừng tưởng Bộ trưởng Hùng vô lễ, vô học, ông ta học đúng, làm đúng bài Cách Mạng Văn Hóa của Bác Mao

Xưa nay, cái gì "nước lạ" có thì nước "chiều nay" sẽ học theo. Tàu có Trăm hoa đua nở, Việt có Nhân Văn Giai Phẩm. Bác Tập "diệt ruồi đả hổ" thì Bác Trọng "gom củi đốt lò".

Chờ xem chấn hưng văn hóa kiểu "hát trên những xác người" trị giá 350.000 tỷ này Bộ cấp trên sẽ xử ra sao ?

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 20/09/2023

1. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0XRWf2E6ioHcyq9AC...

2. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Yh7vU4RvMj1GjVJv...

3. https://nld.com.vn/van-nghe/nha-hat-thuoc-bo-vh-tt-dl-van-bieu-dien-du-h...

4. https://thanhnien.vn/ha-noi-dung-hoat-dong-giai-tri-nha-hat-cua-bo-vh-tt...

5. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-thong-tin-nhieu-loan-...

6. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02DHGm6mcECh2qFRjN5dxQLF...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Vũ Bình, Gió Bấc
Read 438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)