Gia đình nghi ngờ về sự ra đi đột ngột của tù nhân chính trị tại Trại giam số 6 Nghệ An
RFA, 06/01/2023
Gia đình nghi vấn về cái chết đột ngột của mục sư Tin Lành Đinh Diêm, người đang thi hành án tù 16 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Mục sư Tin Lành Đinh Diêm trong phiên tòa - FB Nguyễn Kim Thanh
Ông Đinh Diêm, 61 tuổi, đột nhiên đau nặng vào tối 04/1 trong phòng giam, và được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, vào khoảng 9 giờ sáng thứ Năm, gia đình được cán bộ trại giam báo ông đã mất.
Bà Đinh Thị Xa, vợ của mục sư Đinh Diêm cùng hai người trong gia đình đã vào Nghệ An để tham gia vào việc an táng ông tại nghĩa trang của trại giam.
Bà cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết gia đình tới bệnh viện lúc hai giờ đêm nhưng 7 giờ 30 phút ngày 06/1 mới được nhìn thấy xác chồng. Bà cho biết phía bệnh viện có tiến hành khám nghiệm tử thi cho dù gia đình không đồng ý.
Bà nói về cái chết của chồng mình như sau :
"Họ giải phẫu. Trên thi thể của ông có rất nhiều chỗ bị bầm, cổ chân bị bầm, đằng sau lưng có gạch ngang, ở cổ có bầm đen. Miệng thì há ra không được thấy vì họ băng vết thương ở trong miệng".
"Sau khi khám nghiệm tử thi xong, họ sang báo với người nhà ông có vài thương tích nhỏ mấy centimet đó. Ông bị dịch trong dạ dày".
Bà nói gia đình rất nghi ngờ về sự ra đi đột ngột của ông.
"Nói chung là ông không có đau bệnh. Đây là cái chết uẩn khúc, cái chết lạ lắm".
Bà cho biết sức khỏe của chồng mình trong thời gian gần đây rất tốt. Trong lần thăm gặp vào ngày 29/11 và trong cuộc gọi vào giữa tháng 12 vừa qua, ông rất vui vẻ vì một số bệnh về đường tiêu hóa đã gần như biến mất.
Gia đình ông Đinh Diêm (FB Nguyễn Kim Thanh)
Bác sĩ Đinh Đức Long ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có quá ít thông tin về ông Đinh Diêm để đưa ra kết luận khách quan. Ông nói với RFA qua tin nhắn :
"Với thông tin này (thông tin bà Đinh Thị Xa cung cấp- PV) thì không đủ để phân tích hay bình luận gì cả. Lẽ ra gia đình phải mời thêm người có kiến thức y khoa cùng dự giải phẫu tử thi và quay video toàn bộ quá trình này làm chứng cứ.
Còn mô tả chủ quan như vậy không đủ cơ sở khoa học và pháp lý để đưa ra kết luận khách quan".
Chúng tôi gọi điện cho Trại giam số 6 nhưng không ai nghe máy.
Bà Xa nói tuy được chứng kiến khám nghiệm tử thi nhưng mọi người trong gia đình bà bị tịch thu điện thoại vì sợ họ quay phim và chụp hình. Nhà chức trách nói sẽ gửi cho gia đình kết quả khám nghiệm qua bưu điện.
Trại giam số 6 nói với gia đình sau ba năm họ có thể đến để cải táng ông, bà cho biết.
Mục sư Đinh Diêm là tù nhân chính trị thứ ba qua đời trong vòng vài năm trở lại đây trong trại tù được xem là hà khắc nhất Việt Nam, theo nhận xét của nhiều cựu tù nhân lương tâm.
Năm 2019, cựu giáo chức Đào Quang Thực bị mất khi đang thi hành án tù 13 năm, và tháng 8 năm ngoái, nhà báo công dân Đỗ Công Đương qua đời trong thời gian thụ án tù 8 năm cũng tại trại giam này.
Ngoài ra, có một số tù nhân lương tâm khác cũng qua đời khi đang thi hành án ở nơi khác, như ông Phan Văn Thu mất ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) năm 2022 hay ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 năm 2019.
Việt Nam đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm trong điều kiện hà khắc. Nhiều tù nhân lương tâm phàn nàn với gia đình rằng họ không được chữa trị đầy đủ và kịp thời khi mắc bệnh hiểm nghèo trong khi chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong trại giam.
Nguồn : RFA, 06/01/2023
***************************
Tù nhân chính trị thứ ba qua đời khi đang thụ án ở Trại giam số 6 Nghệ An
RFA, 05/01/2023
Mục sư Tin Lành Đinh Diêm, 61 tuổi, người đang thụ án tù 16 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), qua đời tại trại giam này trong sáng ngày 05/01.
Mục sư Đinh Diêm trong một thánh lễ - Facebook Nguyễn Chương
Mục sư Đinh Diêm là tù nhân chính trị thứ ba qua đời trong vòng vài năm trở lại đây trong trại tù được xem là hà khắc nhất Việt Nam, theo nhận xét của nhiều cựu tù nhân lương tâm.
Bà Đinh Thị Xa, vợ của mục sư Đinh Diêm, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trên đường tới trại giam ngay sau khi nhận được điện thoại từ ban giám thị trại :
"Mới tháng trước ông gọi điện về nói rất khỏe. Sáng nay đột ngột họ (giám thị trại - PV) thông báo là ông đau nặng, đau cấp cứu. Một tiếng sau thì họ nói ông đã qua đời. Họ nói gia đình đi vào gấp để phối hợp".
Phía trại giam cho biết, ông Đinh Diêm mất vào lúc 9 giờ sáng ngày 05/01 và thi thể ông đang quàn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, tuy nhiên cán bộ trại không cho biết nguyên nhân vì sao dẫn đến sự qua đời đột ngột của người tù chính trị này.
Phóng viên gọi cho số điện thoại di động của cán bộ trại, người báo tin cho gia đình ông Đinh Diêm nhưng không có người nhấc máy, chúng tôi cũng gọi cho số bàn của trại giam để xác minh thông tin nhưng không thể kết nối.
Ông Nguyễn Văn Đài, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ, một người theo đạo Tin Lành, cho RFA biết về mục sư Đinh Diêm như sau :
"Mục sư Đinh Diêm là quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Lutheran tức Hội thánh Tin lành Anh Quốc giáo ở Quảng Ngãi. Ông là một mục sư người sắc tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi.
Trước khi tham gia Hội thánh Tin lành Anh Quốc giáo, ông là mục sư của Tổng Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam".
Vào giữa tháng 7 năm 2018, ông bị tuyên án 16 năm tù về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng cho rằng ông là mục sư tự phong của Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam–Hoa Kỳ, một tổ chức tôn giáo không được công nhận tại Việt Nam. Ông bị cho là đã tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" tại Mỹ do ông Đào Minh Quân đứng đầu.
Kết luận điều tra của Công an Việt Nam nói rằng ông Đinh Diêm đã được ông Đào Minh Quân bổ nhiệm chức vụ "Chủ tịch lâm thời Hội đồng Liên Tôn Việt Nam" và sau đó vận động, kêu gọi một số chức sắc tôn giáo tham gia vào tổ chức lưu vong ở Hoa Kỳ với mục đích được cho là "nhằm phát triển lực lượng và tiến hành hoạt động lật đổ chế độ".
Hoà thượng Thích Không Tánh, thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam hiện đang ở TPHCM cho RFA biết, mục sư Đinh Diêm cũng là thành viên của tổ chức đấu tranh cho tự do tôn giáo ở quốc gia này. Tuy nhiên, ông Diêm ít tham gia họp trực tiếp của Hội đồng Liên Tôn do khoảng cách địa lý.
Vị hoà thượng này cũng cho biết trước khi bị bắt, công an Quảng Ngãi gây sức ép liên tục, buộc ông Diêm phải từ bỏ tư cách thành viên của hội đồng.
Năm 2019, cựu giáo chức Đào Quang Thực cũng mất tại Trại giam số 6 khi đang thụ án tù 13 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", cáo trạng cũng nói ông tham gia tổ chức "Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời".
Mới tháng 8 năm 2022, nhà báo công dân Đỗ Công Đương qua đời khi đang thi hành án tù tám năm về hai tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" và "gây rối trật tự công cộng".
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới ngay sau đó ra thông cáo bày tỏ thất vọng về cái chết trong nhà tù của nhà báo công dân người Bắc Ninh.
Thông cáo nhắc lại thực trạng ông Đỗ Công Đương bị bệnh suốt nhiều tháng, rồi qua đời và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy có hành động nhằm bảo đảm các nhà báo khác đang bị giam cầm tại Việt Nam được sống, không phải rơi vào tình cảnh như của ông Đương.
Ngoài ra, có một số tù nhân lương tâm khác cũng qua đời khi đang thi hành án, như ông Phan Văn Thu mất ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) năm 2022 hay ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 năm 2019.
Cả hai đều là thành viên của Ân Đàn Đại Đạo (hay còn được biết đến với tên Hội đồng công luật công án Bia Sơn), một nhóm tôn giáo độc lập ở Phú Yên không được chính quyền công nhận
Chỉ có gia đình ông Phan Thu được Trại giam Gia Trung cho phép đưa thi thể ông về an táng tại địa phương. Trong các trường hợp còn lại, phía trại giam từ chối đề nghị của gia đình và an táng họ tại nghĩa trang của trại giam.
Nhiều tù nhân lương tâm phàn nàn với gia đình rằng họ không được chữa trị đầy đủ và kịp thời khi mắc bệnh hiểm nghèo trong khi chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong trại giam.
Nguồn : RFA, 05/01/2023
Khởi tố vụ án gây chết người tại nơi giam giữ (RFA, 10/05/2020)
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra Lê Hoàng Quang (21 tuổi, phạm nhân tại nhà giam giữ Công an huyện Châu Đức) vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Quang Lập (36 tuổi, một phạm nhân khác tại nơi giam giữ). Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trích thông tin từ lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết như vậy hôm 10/5.
Thi thể của anh Nguyễn Quang Lập có rất nhiều vết bầm tím. Courtesy of Facebook Huyền Diệu
Anh Nguyễn Quang Lập bị tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại nhà tạm giam Công an huyện Châu Đức. Anh Lập bị án 6 tháng tù về tội đánh bạc.
Chị Huyền Diệu, em gái anh Lập cho biết công an thông báo với gia đình rằng anh Lập bị bạn tù dùng cây ba tong đánh hai lần. Tuy nhiên hình ảnh chụp tử thi anh Lập sau đó cho thấy nhiều vết bầm tím trên cơ thể và gia đình không tin anh Lập chết vì hai phát đánh.
Người nhà anh Lập cho biết họ nhận được tin anh tử vong vào ngày 8/5. Vào cùng ngày, gia đình cho biết họ vẫn chờ kết quả khám nghiệm tử thi và sẽ làm đơn kiện để đòi lại công bằng cho anh Lập.
Theo báo Pháp Luật, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã cử cán bộ đến huyện Châu Đức để tìm hiểu. Việc điều tra diễn ra độc lập.
*******************
Một phạm nhân tử vong sau 3 ngày bị giam ở Bà Rịa-Vũng Tàu (RFA, 08/05/2020)
Phạm nhân Nguyễn Quang Lập (36 tuổi) tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại trại giam Công an huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nguyễn Quang Lập tử vong trong nhà giam giữ, thi thể của anh có rất nhiều vết bầm tím. (Ảnh : Người nhà cung cấp)
Truyền thông trong nước loan tin ngày 8/5 cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh khám nghiệm tử thi điều tra vụ việc.
Trong lúc đó, người nhà gia đình của nạn nhân đã đăng tải những video và hình ảnh lên mạng xã hội cho thấy thi thể của anh Nguyễn Quang Lập có rất nhiều vết bầm tím.
Trả lời phỏng vấn RFA vào tối ngày 8/5, chị Huyền Diệu, em gái của nạn nhân cho biết lý do tử vong mà phía công an đưa ra :
Họ bảo có một bạn tù được tự do đi tới đi lui, đưa cơm trong vòng một vài tiếng đồng hồ và có thù hằn. Người đó kiếm được một cây ba tong rồi vô quất hai cây. Nghĩ làm sao nhìn cái xác như vậy mà họ bảo đập hai cây lỡ tay chết. Có một chị này cũng là nhà báo ở Vũng Tàu lên. Họ nhờ chị đó tới nói như vậy chứ họ không có giấy xác nhận. Họ chỉ nhờ chị đó tới nhà nói là bị bạn tù lén đánh chết chứ công an huyện không nói gì hết.
Anh Nguyễn Quang Lập được gia đình xác nhận là một người nghiện rượu và bị bắt cùng 11 người khác trong một vụ đánh bạc. Vào tháng 2/2020, Toà án Nhân dân huyện Châu Đức tuyên anh Lập án sáu tháng tù.
Người nhà nạn nhân cho biết sau dịp lễ 30/4, anh Lập tự nguyện đi thụ án vào ngày 5/5.
Vào sáng 8/5, gia đình nạn nhân nhận được tin anh Lập đã tử vong. Hiện người nhà nạn nhân nói vẫn chưa có kết quả khám nghiệm tử thi và sẽ làm đơn kiện để đòi lại công bằng.
Nhiều vụ việc người dân chết bất minh trong đồn công an hoặc trong lúc thi hành án bị ghi nhận ở Việt Nam với lý do tử vong được chính quyền đưa ra là tự sát hoặc bị bạn tù đánh.
*****************
Tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc bị ngược đãi, đánh đập nơi tạm giam (RFA, 08/05/2020)
Một người đang bị giam tại số 4, đường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh , anh Lê Quý Lộc được cho biết bị ngược đãi đánh đập trong khi bị giam giữ.
Tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc. Courtesy of FB Nguyễn Thúy Hạnh/RFA Edited
Vào tối ngày 8 tháng 5, Đài Á Châu Tự Do liên lạc với bà Nguyễn Thị Điệp, vợ của anh Lê Quý Lộc và được chị cho biết :
Bên phía công an không cho chị gặp mặt từ lúc bắt giam anh Lộc đến bây giờ là gần 2 năm rồi. Lý do là chưa có chung hộ khẩu và chưa có giấy đăng ký kết hôn, cho nên mọi thứ đều nhờ vào luật sư hết. Ví dụ như thông tin anh Lộc bị đánh này là do một người trong trại giam cũng đi thăm nuôi vậy đó rồi báo ra ngoài, vì nhóm bị bắt có 8 người nên tôi nhờ luật sư vào gấp để tìm hiểu lý do gì vì sao anh Lộc, chồng của chị bị đánh, chắc có lẽ ngày mai khi luật sư đi thì mới biết được tin tức vì sao. Tôi đang họp ở cơ quan thì nghe thông tin chồng tôi bị đánh từ ngày 24 đến nay là hơn 1 tuần lễ nay mà tôi không có một thông tin gì hết.
Anh Lê Quý Lộc, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bắt hôm 4/9/2018 khi đang dự định tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng. Anh Lộc là một thành viên của "Nhóm Hiến Pháp", một tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền đàn áp.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Quý Lộc bị cáo buộc tội "Phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ Luật hình sự.
Phiên tòa dự kiến vào ngày 14 tháng 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xét xử 8 thành viên thuộc nhóm có tên Hiến Pháp với cáo buộc ‘phá rối an ninh ‘bị hoãn lại. Thời gian cho phiên toà hiện vẫn chưa được thông báo.
**********************
Đồng phục khẩu trang đỏ : Lối giáo dục giáo điều, mù quáng ! (RFA, 07/05/2020)
Báo chí do nhà nước quản lý hôm 5/5 đăng bài và hình ảnh khen ngợi một cô giáo và 30 em học sinh tiểu học rực rỡ, nổi bật trong ngày đầu đi học trở lại ở Ninh Bình với đồng phục khẩu trang ‘cờ đỏ sao vàng’ và tấm chắn giọt bắn.
Cô giáo Nguyễn Hạnh Nguyên và các em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Courtesy ninhbinh.gov.vn
Bài báo cho rằng, việc làm của cô giáo và 30 em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, khiến nhiều người thích thú, vì dùng chính những hình ảnh trực quan để tuyên truyền cho các em học sinh về kỹ năng phòng dịch Covid-19.
Cô T., một phụ huynh và cũng là một giáo viên tại trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 :
"Sống ở đâu thì mình phải theo ở đó thôi, như con tôi đi học, nhiều khi không đồng tình lắm nhưng con mình học ở đâu thì mình phải theo ở đó thôi. Theo tôi thì cấp một nên dạy các em về nhân cách, sống tự lập, đạo đức... Nhưng mà nhà nước đưa ra cách dạy thì cách nào mình cũng phải theo".
Tuy nhiên, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 từ Đà Nẵng qua tin nhắn, chị Hằng Huỳnh một facebooker, cho rằng :
"Chuyện đeo khẩu trang đó rất phản cảm cái chỗ là, cờ đỏ và búa liềm cứ như chặn tất cả lời nói của các em, một sự tuyên truyền rất ngu".
Theo Chị Hằng, giáo viên bây giờ vì cơm áo gạo tiền nên không biết phân biệt đúng sai, thay vì dạy cho các em lòng tự trọng, sự liêm sĩ và nhân cách thì chính họ làm răm rắp theo sự sắp đặt của cấp trên bất chấp đúng sai. Chị viết tiếp :
"Tôi rất ghét cái thói học vẹt, học sinh hầu như ko tiếp thu được kiến thức, cách học theo chỉ tiêu, mọi thứ cứ như văn hóa mù. Kể cả lịch sử dạy cho các em sự lừa dối, một chế độ ngủ hóa người dân, có lẽ ít ai nhận thấy điều này".
Cũng theo bài báo về cô giáo và lớp học ở Ninh Bình, ngoài đồng phục khẩu trang đỏ, tấm chống giọt bắn, các em học sinh còn mặc một bộ đồng phục, có in hình bản đồ nước Việt Nam phía trước ngực.
Chị Ngô Thị Thứ, người khởi xướng làm khẩu trang có in hình NoU, phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc đơn phương lập ra ở Biển Đông, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 từ Đà Lạt qua tin nhắn, cho biết ý kiến của mình :
"Không biết áo có in Hoàng Sa Trường Sa không ? Theo tôi thì áo có in cờ hay in bản đồ đất nước thì tốt thôi... Vì cờ của Việt Nam hiện nay là đỏ sao vàng... thích thì may... như tôi thích thì may hình NO U LINE... Đài Loan cũng làm khẩu trang có hình cờ... Tùy theo thẩm mỹ thích hay không".
Các em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Courtesy ninhbinh.gov.vn
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, các học sinh tiểu học ở Ninh Bình mặc đồng phục, với một màu đỏ rực và màu vàng tươi chói trong trường lớp, dễ làm người ta liên tưởng đến lối giáo dục ‘tẩy não’ từ nhỏ, và tầng lớp giáo viên cũng bị ‘mù quáng’ !
Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 5 năm 2020, về hiện tượng này :
"Cái đấy thì tôi thấy nó thể hiện một sự sốt sắng quá mức, và nói cũng không phù hợp. Nhưng mà nó vẫn tồn tại vì nhiều nơi họ chạy theo phong trào, chạy theo bệnh thành tích, nên có những hình ảnh đó... Nhưng tôi nghĩ việc đó thật sự không cần thiết".
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện có nhiều quan điểm khác nhau, liên quan việc giáo dục gượng ép trẻ nhỏ :
"Theo tôi thì trẻ cần phải được giáo dục các kỹ năng nhất định, những hiểu biết nhất định. Để có những kỹ năng thì bao giờ chúng ta cũng phải rèn luyện thì nó mới thành kỹ năng được, thế thì khi rèn luyện đúng là phải ép trẻ con. Tuy nhiên, cách ép như thế nào để không tạo thành áp lực nhiều quá, không tạo thành một kiểu áp đặt quá nhiều".
Trong bài viết của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, đăng tải trên trang chủ của Viện Triết học Việt Nam, Chủ Nghĩa Mác - Lênin mà Việt Nam đang theo đuổi, về thực chất, không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều dưới bất kỳ hình thức nào.
Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu chủ nghĩa giáo điều, hay ít ra là những biến tướng của nó, có còn ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển xã hội trong điều kiện hiện nay không ?
Theo ông Đinh Ngọc Thạch, căn bệnh giáo điều có thể do hạn chế về nhận thức, không đủ khả năng tiếp thu... dẫn đến những ngộ nhận về giá trị, về các chuẩn mực, chấp nhận cái sẵn có một cách máy móc, thiếu tinh thần phê phán.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục hơn bốn mươi năm, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 5 năm 2020, liên quan vấn đề này :
"Tôi ở trong ngành giáo dục cũng lâu rồi, tôi dạy đại học bốn mươi mấy năm, chuyện đó cũng không ai bắt buộc. Không ai bắt làm mà quan trọng tại sao cô giáo nghĩ ra chuyện đó, cái đó mới đáng nói. Một người bình thường họ sẽ thấy đồng phục khẩu trang như vậy là kỳ quái. Chưa kể nếu mình đặt mình vào trong địa vị chỗ đứng của cha mẹ học trò, thì càng thấy khổ hơn nữa, vì chạy đi mua cho đúng khẩu trang màu đỏ đâu có dễ. Trong khi nếu chỉ yêu cầu đeo khẩu trang nào cũng được thì lại là câu chuyện khác. Thành ra tôi không hiểu đầu óc nào lại nghĩ ra như thế được. Ngay cả đối với suy nghĩ không lý luận thì người ta đã thấy kỳ quái và không làm. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên đâu, trước đó tôi đã thấy tấm ảnh chụp một đại hội đảng địa phương, các đại biểu đeo khẩu trang đỏ có cờ đảng... ai cũng cười cả. Rất dễ tạo điều kiện để người ta suy luận ra những cái rất là bôi bác cho chính chế độ".
Theo truyền thông trong nước đăng tải, hôm 25 tháng 3 năm 2020, các đại biểu đảng bộ xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An khi tham dự bỏ phiếu tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đeo toàn khẩu trang màu đỏ có in hình sao vàng, và khẩu trang màu đỏ in hình búa liềm, tượng trưng cho cờ đảng cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời RFA vào thời điểm đó cho rằng, có lẽ vì đằng nào cũng buộc mọi người phải có khẩu trang, nên ban tổ chức thà làm khẩu trang như vậy cho có hình thức là có khẩu trang, nhưng vừa có ý nghĩa chính trị... nhưng họ không tính đến sự lố lăng khi đập vô mắt dân chúng như vậy.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, một cây bút hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả bài viết kêu gọi Đảng 'không biệt phái, giáo điều' và đừng để ý thức hệ cản trở nguồn lực dân tộc 'sáng tạo, phát triển' cho rằng, đổi mới không chỉ thay đổi mô hình kinh tế mà còn thay đổi mô hình phát triển xã hội nói chung, phải vượt qua tư duy cũ về phát triển - kiểu phát triển tuyến tính, xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khoảng cách từ lý thuyết của ông Hoàng Chí Bảo đến thực tế những gì các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đang làm, được cho là còn khá xa.
Từ cái chết của ông Đào Quang Thực nhìn lại trách nhiệm của trại giam
Diễm Thi, RFA, 10/12/2019
Bàng hoàng nhưng không bất ngờ
Tù nhân chính trị Đào Quang Thực, người đang phải thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vừa qua đời sáng ngày 10/12/2019 với lý do được đưa ra là xuất huyết não và viêm phổi. Gia đình không được mang xác về mà phải mai táng trong Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An.
Một trại giam ở Hà Nội. Minh họa. Reuters
Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế ở hai nước Campuchia và Việt Nam bày tỏ sự đau buồn và bàng hoàng về cái chết này và khẳng định việc không cho người nhà nhận thi thể là việc làm trái đạo đức không thể chấp nhận được. Ông nói :
"Chúng tôi cũng nhận được tin là hiện nay gia đình đang cố gắng nhận lại thi thể của tù nhân lương tâm Đào Quang Thực và mong muốn an táng ông ở quê nhà. Tuy nhiên trại giam nhất quyết không đồng ý và muốn chôn cất ông tại trong trại giam, theo chúng tôi đây là việc làm hết sức trái đạo đức và nó trái với cả đạo đức không chỉ của người Việt Nam mà còn là đối với bất cứ một nền đạo đức nào khác trên thế giới. Điều đó là điều không thể chấp nhận được !".
RFA trò chuyện với một vài thân nhân người tù cũng như chính những người tù bị kết án theo những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia của Việt Nam, thì hầu như họ không bất ngờ về những cái chết như trường hợp ông Thực. Họ bàng hoàng và càng thêm lo lắng, bởi theo họ, chính ban quản giáo nhà tù là một trong những nguyên nhân đưa đến những cái chết tức tưởi cho người tù.
Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc từng thụ án 3 năm tù giam với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, chia sẻ cảm xúc của ông :
"Tôi không hề ngạc nhiên mà tôi chỉ bàng hoàng khi nghe tin thầy giáo Đào Quang Thực vừa chết tại trại giam tỉnh Nghệ An. Những người đi tù như chúng tôi mới thấm thía và mới cảm thấy rất là đau đớn và bàng hoàng khi hay tin bạn tù mình chết".
Bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh em Dân chủ, bị tuyên án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam nói với RFA :
"Từ lúc nghe tin anh Đào Quang Thực chết trong tù là tôi lo lắm vì chồng tôi cũng cùng trại với anh Thực, chỉ khác buồng giam thôi. Lần nào lên thăm anh Túc cũng nói lần này lên gặp anh chứ lần sau có khi vợ chồng anh em lại không gặp được nhau".
Trường hợp ông Đào Quang Thực không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2019 đã có hai trường hợp tù chính trị chết khi bị giam. Trường hợp thứ nhất là cái chết của ông Đoàn Đình Nam vào tháng 10 năm 2019. Ông Nam bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam cũ trong một phiên tòa hồi năm 2013 tại Phú Yên.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) lên tiếng với RFA rằng chuyện này không lạ ở Việt Nam, một đất nước mà theo ông đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ông nói :
"Tôi nghĩ những người tù nhân lương tâm ở Việt Nam không được sự chăm sóc y tế đầy đủ và bị đối xử nghiệt ngã, hà khắc trong tù, chẳng hạn như vệ sinh kém, thức ăn thức uống không đảm bảo… Do đó những người tù bị suy giảm sức khỏe".
Trại giam phớt lờ yêu cầu của tù nhân
Với những cái chết của những tù nhân lương tâm những năm qua vì bệnh, không khó để nhận thấy trách nhiệm một phần lớn thuộc về những quản giáo, giám thị trại giam mà trường hợp ông Đoàn Đình Nam là một ví dụ. Sau 7 năm thụ án, ông Đoàn Đình Nam bị suy thận nặng và gia đình đã xin cho ông được tạm hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh. Tuy nhiên, phía trại giam đã khước từ.
Bà Bùi Thị Rề cũng lên tiếng với RFA về trường hợp của chồng bà, ông Nguyễn Văn Túc :
"Anh Túc nhiều bệnh lắm. Anh ấy có xin trại giam cho đi chữa bệnh nhưng nó không cho anh ấy đi. Mình biết làm thế nào được, nhà cứ gửi thuốc vào thôi (thuốc trĩ, tim mạch, cao huyết áp).
Nhà chỉ biết gửi thuốc chứ trong đấy thì không biết thế nào vì anh Túc lại ở chung với người tù án ma túy, nó hành hạ anh ấy khổ lắm".
Thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, từng ngồi tù hơn 4 năm với cáo buộc "Âm mưu lật đổ chính quyền", cho hay, theo anh được biết thì khi tù nhân có bệnh phải được chữa trị chứ không thể bị từ chối. Tất nhiên những tù nhân chính trị thường bị gặp khó khăn trong những việc như thế này. Anh nói thêm về kinh nghiệm của mình :
"Theo kinh nghiệm của tôi khi ở trong tù thì nếu bị bệnh nhẹ sẽ báo y tá của trại thì y tá sẽ cho thuốc. Nếu bệnh nặng thì trước hết cũng phải kêu y tá. Y tá sẽ làm đơn đưa lên cho giám thị trại giam đồng ý cho ra bệnh viện bên ngoài chạy chữa.
Việc ra bệnh viện bên ngoài theo kinh nghiệm của tôi là tốn khá nhiều thời gian, nên tốt nhất trong thời gian ở tù phải giữ sức khỏe cho tốt, tập thể dục, ăn uống đầy đủ chứ đừng phá sức".
Với những cái chết của những tù nhân lương tâm những năm qua, không khó để nhận thấy trách nhiệm một phần lớn thuộc về những quản giáo, giám thị trại giam
Ông Nguyễn Đình Ngọc kể với RFA câu chuyện mà chính ông chứng kiến, kêu gọi và đòi hỏi quyền lợi cho bạn tù cùng trại là ông Phạm Xuân Thân, người nhận án chung thân vì một vụ án chính trị trước đó. Suốt một tuần lễ, cứ vào giờ sáng nhận cơm, ông Ngọc lại đứng trước cửa phòng giam kêu gọi đưa ông Thân đi chữa bệnh vì ông Thân bị khớp, bị viêm xoang… nhưng quản giáo phớt lờ coi như không có. Ông ví họ đang thực hiện chính sách "ba không" với những tù nhân như ông : Không nghe, không thấy, không biết. Ông kết luận :
"Điều trước tiên tôi phải nói là quyền con người trong xã hội ngày nay hầu như không đáng kể. Riêng đối với những người tù chúng tôi, tức những người tù bị khép vào tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì mạng người còn rẻ rúng hơn so với tất cả các loại tù thường phạm khác".
Theo NOW ! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, tính đến tháng 4/2019, Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự, bao gồm 221 người đã bị kết án, đa số bị kết tội với những tội danh nguỵ tạo như tuyên truyền chống lại nhà nước, lật đổ chế độ và phá hoại việc thực thi các chính sách đoàn kết dân tộc ; và 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử.
Ông Vũ Quốc Ngữ nhận định :
"Họ đang vi phạm công ước quốc tế về chống tra tấn và đối xử tàn bạo. Nó là mối lo ngại rất lớn của chúng tôi, của những người hoạt động nhân quyền. Việc tra tấn và đối xử hà khắc trong tù rất phổ biến, đặc biệt với tù nhân lương tâm".
Việt Nam hiện là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 10/12/2019
***********************
Quốc tế lên tiếng sau cái chết của tù nhân lương tâm Đào Quang Thực (RFA, 10/12/2019)
Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế ở hai nước Campuchia và Việt Nam chiều 10/12/2019 bày tỏ sự đau buồn và bàng hoàng về cái chết của Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực khi đang thụ án tù.
Hình minh họa. Thầy giáo Đào Quang Thực - Photo : RFA
Ông Sơn khẳng định việc không cho người nhà nhận thi thể ông Thực về quê an táng theo truyền thống của người Việt là việc làm trái đạo đức.
"Chúng tôi cũng nhận được tin là hiện nay gia đình đang cố gắng nhận lại thi thể của tù nhân lương tâm Đào Quang Thực và mong muốn an táng ông ở quê nhà. Tuy nhiên trại giam nhất quyết không đồng ý và muốn chôn cất ông tại trong trại giam, theo chúng tôi đây là việc làm hết sức trái đạo đức và nó trái với cả đạo đức không chỉ của người Việt Nam mà còn là đối với bất cứ một nền đạo đức nào khác trên thế giới.
Điều đó là điều không thể chấp nhận được !".
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng tù chính trị Đào Quang Thực đã qua đời điều đó cũng có nghĩa ông không phải chịu bất cứ sự quản chế nào của Nhà nước nữa và gia đình ông xứng đáng được nhận thi thể của ông để lo liệu thủ tục mai táng theo truyền thống của người Việt Nam.
Đại diện Ân Xá Quốc Tế cũng bày tỏ phẫn nộ khi biết được tin trại giam không đồng ý với yêu cầu đưa xác ông Thực về quê nhà chôn cất. Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức can thiệp, buộc Trại giam Số 6 phải trả lại thi thể ông Đào Quang thực cho gia đình ông.
Theo Điều 56 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì khi tù nhân qua đời trong trại giam hay cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian thi hành án mà "thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ" tuy nhiên luật này cũng nói người thân không được nhận thi thể trong trường hợp "có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường".
Chúng tôi gọi điện cho các số điện thoại của Trại giam số 6 Thanh Chương - Nghệ An để hỏi về việc người nhà ông Đào Quang Thực xin nhận thi thể ông về an táng thì bị cho là ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay vệ sinh môi trường như thế nào, tuy nhiên không thể liên lạc được.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 13/5 năm nay công bố bản danh sách gồm 128 tù nhân lương tâm hiện đang bị chính quyền Việt Nam cầm giữ trong đó có ông Đào Quang Thực.
Theo báo cáo này, ngày càng có nhiều người bị kết án tù ở Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm 2019.
Đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, phó giám đốc Phân ban Châu Á, vào ngày 10/12 lên tiếng về trường hợp tù chính trị Đào Quang Thực qua đời trong khi thi hành án và gia đình không được nhận xác về mai táng ở quê nhà rằng "Cái chết của ông Đào Quang Thực với lý do đưa ra bị tai biến lại đưa điều khủng khiếp của nhà tù Việt Nam vào tầm ngắm. Cái chết của ông này cần phải được điều tra một cách minh bạch và công bằng với kết quả về điều gỉ xảy ra cho ông phải được công bố rộng rãi".
Theo thông cáo của ông Phil Robertson thì tình trạng thiếu lương thực và dịch vụ y tế là một vấn đề lớn đối với các tù nhân tại Việt Nam. Ngay cả khi họ bị đau nặng vẫn không được tạm cho ra khỏi trại để chăm sóc y tế.
Trong khi chúng ta không thể phát biểu chắc chắn về điều gì đã xảy đến cho ộng Đào Quang Thực, cái chết của ông nêu ra nhiều câu hỏi mà chính quyền Việt Nam phải trả lời. Đơn cử đó là tại sao trại giam không cho phép gia đình nhận xác để mai táng thay vì chôn ở trại. Trại có điều gì giấu giếm hay không ? Và thật rõ ràng là cơ quan chức năng có nhiều điều phải giải thie1ch về những gì xảy ra đối với ông Đào Quang Thực. Thế giới đang chờ và đang lắng nghe.
**********************
Tù chính trị Đào Quang Thực chết trong tù nhưng gia đình không được nhận xác (RFA, 10/12/2019)
Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực, người đang phải thụ án 13 năm tù giam vì bị cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vừa qua đời tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 10/12/2019.
Thầy giáo Đào Quang Thực tại phiên tòa hôm 19/9/2018 - Photo : cand
Ông Đào Duy Tùng, con trai thầy giáo tiểu học Đào Quang Thực trưa 10/12 xác nhận tin vừa nêu với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Như điều trị trong viện bác sĩ kết luận là xuất huyết não và viêm phổi.
Gia đình không được mang về mà mai táng trong Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, 3 năm sau thì mới được (mang hài cốt về - PV). Mong muốn của em là đưa bố về quê để an táng và không muốn khám nghiệm tử thi nhưng các lực lượng họ cưỡng chế bắt buộc cho khám nghiệm tử thi".
Theo ông Tùng, ông Đào Quang Thực khi đang thụ án trong Trại giam số 6 - Thanh Chương, Nghệ An, có dấu hiệu bị đau nên cán bộ quản giáo đã chuyển ông vào bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hôm 3/12.
Tuy nhiên, một ngày sau gia đình mới nhận được tin báo và vào viện chăm sóc cho ông Thực. Chỉ chưa đầy một tuần lễ thì ông qua đời.
Người thân khẳng định nạn nhân chưa bao giờ có tiền sử bệnh này khi ở nhà, tuy nhiên hồi tháng 4/2018 khi đang trong thời hạn bị tạm giam điều tra tại Công an tỉnh Hòa Bình thì phát bệnh và phải cấp cứu một lần.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho bệnh viện để hỏi về nguyên do người tù chính trị này qua đời, tuy nhiên người trực điện thoại từ chối cung cấp thông tin qua điện thoại và yêu cầu đến tận khoa nơi bệnh nhân qua đời để hỏi.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do cũng gọi điện cho Trại giam số 6 nhưng không liên lạc được.
Thầy giáo Đào Quang Thực sinh năm 1960, từng giảng dạy tại trường tiểu học Triệu Phúc Lịch, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong hơn 30 năm trước khi về hưu.
Ông bị cơ quan an ninh điều tra bắt giữ vào tháng 10/2017 vì bị cho là ông dùng 2 tài khoản Facebook "thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, bài chia sẻ, bình luận có nội dung chống Nhà nước".
Ông bị Tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên 14 năm tù vào phiên sơ thẩm và giảm còn 13 năm tù ở phiên phúc thẩm ngày 17/1/2019.
******************
Nhà tranh đấu Đào Quang Thực đột ngột mất khi đang bị tù đày (VOA, 10/12/2019)
Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực qua đời sáng 10/12 khi đang thụ án tù, giới hoạt động cho hay, dẫn thông tin từ gia đình ông Thực.
Nhà hoạt động Đào Quang Thực tại phiên tòa hồi tháng 9/2018
Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng Giám đốc tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, và các nhà hoạt động như Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Thúy Hạnh cho biết gia đình ông Thực nhận được tin báo từ Trại giam số 6 ở Nghệ An là ông qua đời tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Giới hữu trách nhà tù cho gia đình biết nguyên nhân tử vong là "xuất huyết não và viêm phổi". Gia đình ông Thực khẳng định ông không hề có tiền sử về bệnh tật dạng này trước khi bị giam cầm.
Gia đình nói họ đề nghị nhà tù cho nhận lại tử thi của ông Thực để đưa về an táng tại quê nhà ở Hòa Bình, song bị từ chối. Phía nhà tù nói ông sẽ được chôn cất trong nghĩa trang nhà tù. Theo quy định chung trong luật Việt Nam, sau 3 năm, gia đình có thể mang hài cốt về.
Tù nhân Đào Quang Thực, 59 tuổi, qua đời khi đang phải thụ án 13 năm tù giam vì bị nhà chức trách khép vào tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Theo tìm hiểu của VOA, ông Thực trước đây là giáo viên đã nghỉ hưu và tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội hồi năm 2016, 2017 về các vấn đề môi trường cũng như chống Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông.
Ông cũng đăng nhiều bài trên mạng xã hội về dân chủ, nhân quyền, dẫn đến việc ông bị chính quyền bắt giữ hồi tháng 10/2017. Năm 2018, ông bị nhà nước xử tù về tội "hoạt động lật đổ".
Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam hiện còn giam cầm gần 240 tù nhân lương tâm.