Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/05/2020

Chết trong tù, tù chính trị bị đánh, khẩu trang tuyên truyền

RFA tiếng Việt

Khởi tố vụ án gây chết người tại nơi giam giữ (RFA, 10/05/2020)

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra Lê Hoàng Quang (21 tuổi, phạm nhân tại nhà giam giữ Công an huyện Châu Đức) vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Quang Lập (36 tuổi, một phạm nhân khác tại nơi giam giữ). Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trích thông tin từ lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết như vậy hôm 10/5.

tu1

Thi thể của anh Nguyễn Quang Lập có rất nhiều vết bầm tím. Courtesy of Facebook Huyền Diệu

Anh Nguyễn Quang Lập bị tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại nhà tạm giam Công an huyện Châu Đức. Anh Lập bị án 6 tháng tù về tội đánh bạc.

Chị Huyền Diệu, em gái anh Lập cho biết công an thông báo với gia đình rằng anh Lập bị bạn tù dùng cây ba tong đánh hai lần. Tuy nhiên hình ảnh chụp tử thi anh Lập sau đó cho thấy nhiều vết bầm tím trên cơ thể và gia đình không tin anh Lập chết vì hai phát đánh.

Người nhà anh Lập cho biết họ nhận được tin anh tử vong vào ngày 8/5. Vào cùng ngày, gia đình cho biết họ vẫn chờ kết quả khám nghiệm tử thi và sẽ làm đơn kiện để đòi lại công bằng cho anh Lập.

Theo báo Pháp Luật, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã cử cán bộ đến huyện Châu Đức để tìm hiểu. Việc điều tra diễn ra độc lập.

*******************

Một phạm nhân tử vong sau 3 ngày bị giam ở Bà Rịa-Vũng Tàu (RFA, 08/05/2020)

Phạm nhân Nguyễn Quang Lập (36 tuổi) tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại trại giam Công an huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

tu2

Nguyễn Quang Lập tử vong trong nhà giam giữ, thi thể của anh có rất nhiều vết bầm tím. (Ảnh : Người nhà cung cấp)

Truyền thông trong nước loan tin ngày 8/5 cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh khám nghiệm tử thi điều tra vụ việc.

Trong lúc đó, người nhà gia đình của nạn nhân đã đăng tải những video và hình ảnh lên mạng xã hội cho thấy thi thể của anh Nguyễn Quang Lập có rất nhiều vết bầm tím.

Trả lời phỏng vấn RFA vào tối ngày 8/5, chị Huyền Diệu, em gái của nạn nhân cho biết lý do tử vong mà phía công an đưa ra :

Họ bảo có một bạn tù được tự do đi tới đi lui, đưa cơm trong vòng một vài tiếng đồng hồ và có thù hằn. Người đó kiếm được một cây ba tong rồi vô quất hai cây. Nghĩ làm sao nhìn cái xác như vậy mà họ bảo đập hai cây lỡ tay chết. Có một chị này cũng là nhà báo ở Vũng Tàu lên. Họ nhờ chị đó tới nói như vậy chứ họ không có giấy xác nhận. Họ chỉ nhờ chị đó tới nhà nói là bị bạn tù lén đánh chết chứ công an huyện không nói gì hết.

Anh Nguyễn Quang Lập được gia đình xác nhận là một người nghiện rượu và bị bắt cùng 11 người khác trong một vụ đánh bạc. Vào tháng 2/2020, Toà án Nhân dân huyện Châu Đức tuyên anh Lập án sáu tháng tù.

Người nhà nạn nhân cho biết sau dịp lễ 30/4, anh Lập tự nguyện đi thụ án vào ngày 5/5.

Vào sáng 8/5, gia đình nạn nhân nhận được tin anh Lập đã tử vong. Hiện người nhà nạn nhân nói vẫn chưa có kết quả khám nghiệm tử thi và sẽ làm đơn kiện để đòi lại công bằng.

Nhiều vụ việc người dân chết bất minh trong đồn công an hoặc trong lúc thi hành án bị ghi nhận ở Việt Nam với lý do tử vong được chính quyền đưa ra là tự sát hoặc bị bạn tù đánh.

*****************

Tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc bị ngược đãi, đánh đập nơi tạm giam (RFA, 08/05/2020)

Một người đang bị giam tại số 4, đường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh , anh Lê Quý Lộc được cho biết bị ngược đãi đánh đập trong khi bị giam giữ.

tu3

Tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc. Courtesy of FB Nguyễn Thúy Hạnh/RFA Edited

Vào tối ngày 8 tháng 5, Đài Á Châu Tự Do liên lạc với bà Nguyễn Thị Điệp, vợ của anh Lê Quý Lộc và được chị cho biết :

Bên phía công an không cho chị gặp mặt từ lúc bắt giam anh Lộc đến bây giờ là gần 2 năm rồi. Lý do là chưa có chung hộ khẩu và chưa có giấy đăng ký kết hôn, cho nên mọi thứ đều nhờ vào luật sư hết. Ví dụ như thông tin anh Lộc bị đánh này là do một người trong trại giam cũng đi thăm nuôi vậy đó rồi báo ra ngoài, vì nhóm bị bắt có 8 người nên tôi nhờ luật sư vào gấp để tìm hiểu lý do gì vì sao anh Lộc, chồng của chị bị đánh, chắc có lẽ ngày mai khi luật sư đi thì mới biết được tin tức vì sao. Tôi đang họp ở cơ quan thì nghe thông tin chồng tôi bị đánh từ ngày 24 đến nay là hơn 1 tuần lễ nay mà tôi không có một thông tin gì hết.

Anh Lê Quý Lộc, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bắt hôm 4/9/2018 khi đang dự định tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng. Anh Lộc là một thành viên của "Nhóm Hiến Pháp", một tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền đàn áp.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Quý Lộc bị cáo buộc tội "Phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ Luật hình sự.

Phiên tòa dự kiến vào ngày 14 tháng 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xét xử 8 thành viên thuộc nhóm có tên Hiến Pháp với cáo buộc ‘phá rối an ninh ‘bị hoãn lại. Thời gian cho phiên toà hiện vẫn chưa được thông báo.

**********************

Đồng phục khẩu trang đỏ : Lối giáo dục giáo điều, mù quáng ! (RFA, 07/05/2020)

Báo chí do nhà nước quản lý hôm 5/5 đăng bài và hình ảnh khen ngợi một cô giáo và 30 em học sinh tiểu học rực rỡ, nổi bật trong ngày đầu đi học trở lại ở Ninh Bình với đồng phục khẩu trang ‘cờ đỏ sao vàng’ và tấm chắn giọt bắn.

tu4

Cô giáo Nguyễn Hạnh Nguyên và các em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Courtesy ninhbinh.gov.vn

Bài báo cho rằng, việc làm của cô giáo và 30 em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, khiến nhiều người thích thú, vì dùng chính những hình ảnh trực quan để tuyên truyền cho các em học sinh về kỹ năng phòng dịch Covid-19.

Cô T., một phụ huynh và cũng là một giáo viên tại trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 :

"Sống ở đâu thì mình phải theo ở đó thôi, như con tôi đi học, nhiều khi không đồng tình lắm nhưng con mình học ở đâu thì mình phải theo ở đó thôi. Theo tôi thì cấp một nên dạy các em về nhân cách, sống tự lập, đạo đức... Nhưng mà nhà nước đưa ra cách dạy thì cách nào mình cũng phải theo".

Tuy nhiên, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 từ Đà Nẵng qua tin nhắn, chị Hằng Huỳnh một facebooker, cho rằng :

"Chuyện đeo khẩu trang đó rất phản cảm cái chỗ là, cờ đỏ và búa liềm cứ như chặn tất cả lời nói của các em, một sự tuyên truyền rất ngu".

Theo Chị Hằng, giáo viên bây giờ vì cơm áo gạo tiền nên không biết phân biệt đúng sai, thay vì dạy cho các em lòng tự trọng, sự liêm sĩ và nhân cách thì chính họ làm răm rắp theo sự sắp đặt của cấp trên bất chấp đúng sai. Chị viết tiếp :

"Tôi rất ghét cái thói học vẹt, học sinh hầu như ko tiếp thu được kiến thức, cách học theo chỉ tiêu, mọi thứ cứ như văn hóa mù. Kể cả lịch sử dạy cho các em sự lừa dối, một chế độ ngủ hóa người dân, có lẽ ít ai nhận thấy điều này".

Cũng theo bài báo về cô giáo và lớp học ở Ninh Bình, ngoài đồng phục khẩu trang đỏ, tấm chống giọt bắn, các em học sinh còn mặc một bộ đồng phục, có in hình bản đồ nước Việt Nam phía trước ngực.

Chị Ngô Thị Thứ, người khởi xướng làm khẩu trang có in hình NoU, phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc đơn phương lập ra ở Biển Đông, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/5/2020 từ Đà Lạt qua tin nhắn, cho biết ý kiến của mình :

"Không biết áo có in Hoàng Sa Trường Sa không ? Theo tôi thì áo có in cờ hay in bản đồ đất nước thì tốt thôi... Vì cờ của Việt Nam hiện nay là đỏ sao vàng... thích thì may... như tôi thích thì may hình NO U LINE... Đài Loan cũng làm khẩu trang có hình cờ... Tùy theo thẩm mỹ thích hay không".

tu5

Các em học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Courtesy ninhbinh.gov.vn

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, các học sinh tiểu học ở Ninh Bình mặc đồng phục, với một màu đỏ rực và màu vàng tươi chói trong trường lớp, dễ làm người ta liên tưởng đến lối giáo dục ‘tẩy não’ từ nhỏ, và tầng lớp giáo viên cũng bị ‘mù quáng’ !

Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 5 năm 2020, về hiện tượng này :

"Cái đấy thì tôi thấy nó thể hiện một sự sốt sắng quá mức, và nói cũng không phù hợp. Nhưng mà nó vẫn tồn tại vì nhiều nơi họ chạy theo phong trào, chạy theo bệnh thành tích, nên có những hình ảnh đó... Nhưng tôi nghĩ việc đó thật sự không cần thiết".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện có nhiều quan điểm khác nhau, liên quan việc giáo dục gượng ép trẻ nhỏ :

"Theo tôi thì trẻ cần phải được giáo dục các kỹ năng nhất định, những hiểu biết nhất định. Để có những kỹ năng thì bao giờ chúng ta cũng phải rèn luyện thì nó mới thành kỹ năng được, thế thì khi rèn luyện đúng là phải ép trẻ con. Tuy nhiên, cách ép như thế nào để không tạo thành áp lực nhiều quá, không tạo thành một kiểu áp đặt quá nhiều".

Trong bài viết của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, đăng tải trên trang chủ của Viện Triết học Việt Nam, Chủ Nghĩa Mác - Lênin mà Việt Nam đang theo đuổi, về thực chất, không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều dưới bất kỳ hình thức nào.

Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu chủ nghĩa giáo điều, hay ít ra là những biến tướng của nó, có còn ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển xã hội trong điều kiện hiện nay không ?

Theo ông Đinh Ngọc Thạch, căn bệnh giáo điều có thể do hạn chế về nhận thức, không đủ khả năng tiếp thu... dẫn đến những ngộ nhận về giá trị, về các chuẩn mực, chấp nhận cái sẵn có một cách máy móc, thiếu tinh thần phê phán.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục hơn bốn mươi năm, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 5 năm 2020, liên quan vấn đề này :

"Tôi ở trong ngành giáo dục cũng lâu rồi, tôi dạy đại học bốn mươi mấy năm, chuyện đó cũng không ai bắt buộc. Không ai bắt làm mà quan trọng tại sao cô giáo nghĩ ra chuyện đó, cái đó mới đáng nói. Một người bình thường họ sẽ thấy đồng phục khẩu trang như vậy là kỳ quái. Chưa kể nếu mình đặt mình vào trong địa vị chỗ đứng của cha mẹ học trò, thì càng thấy khổ hơn nữa, vì chạy đi mua cho đúng khẩu trang màu đỏ đâu có dễ. Trong khi nếu chỉ yêu cầu đeo khẩu trang nào cũng được thì lại là câu chuyện khác. Thành ra tôi không hiểu đầu óc nào lại nghĩ ra như thế được. Ngay cả đối với suy nghĩ không lý luận thì người ta đã thấy kỳ quái và không làm. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên đâu, trước đó tôi đã thấy tấm ảnh chụp một đại hội đảng địa phương, các đại biểu đeo khẩu trang đỏ có cờ đảng... ai cũng cười cả. Rất dễ tạo điều kiện để người ta suy luận ra những cái rất là bôi bác cho chính chế độ".

Theo truyền thông trong nước đăng tải, hôm 25 tháng 3 năm 2020, các đại biểu đảng bộ xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An khi tham dự bỏ phiếu tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đeo toàn khẩu trang màu đỏ có in hình sao vàng, và khẩu trang màu đỏ in hình búa liềm, tượng trưng cho cờ đảng cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời RFA vào thời điểm đó cho rằng, có lẽ vì đằng nào cũng buộc mọi người phải có khẩu trang, nên ban tổ chức thà làm khẩu trang như vậy cho có hình thức là có khẩu trang, nhưng vừa có ý nghĩa chính trị... nhưng họ không tính đến sự lố lăng khi đập vô mắt dân chúng như vậy.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo, một cây bút hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả bài viết kêu gọi Đảng 'không biệt phái, giáo điều' và đừng để ý thức hệ cản trở nguồn lực dân tộc 'sáng tạo, phát triển' cho rằng, đổi mới không chỉ thay đổi mô hình kinh tế mà còn thay đổi mô hình phát triển xã hội nói chung, phải vượt qua tư duy cũ về phát triển - kiểu phát triển tuyến tính, xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khoảng cách từ lý thuyết của ông Hoàng Chí Bảo đến thực tế những gì các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đang làm, được cho là còn khá xa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)