Học thuyết Mác sẽ để lại gì trên đất nước Việt Nam ? Có chút tương lai nào cho học thuyết đó ? Nói rộng ra, tương lai nào sau khi độc tài toàn trị chấm dứt ?
Giáo sư Đỗ Mạnh Tri
Tôi cứ nhìn hai bức ảnh trên trang FB của nhà báo Huynh Ngoc Chenh, cùng với lời bình của ông ("Cái này không phải do khác nhau vùng miền mà khác nhau do sống vớ cộng sản lâu hay mau. Giống như người Hoa lục với Hoa Hồng Kông. Tất cả đều do giáo dục mà ra") mà không khỏi có đôi chút băn khoăn.
Ngoài việc cầm bút, Huỳnh Ngọc Chênh còn có thời gian dài cầm phấn nên nhận định thượng dẫn hẳn rất khó sai nhưng tôi e rằng vẫn chưa đủ. Cùng với giáo dục, theo thiển ý, kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân – chắc chắn – cũng ảnh hưởng (ít nhiều) đến cách ứng xử của từng người.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu tâm sự :
"Xem những bức ảnh, tôi không suy luận không kết luận người Nam ý thức người Bắc tham lam, tôi chỉ thấy họ đói, họ đang đói. Cái đói làm họ sợ hơn sợ virus, nên chen lấn, giằng co nhau trước máy nhả gạo. Bạn không bao giờ hiểu được cảm giác đó, vì bạn nằm trong biên chế nhà nước, thế nào lương cũng không bị cắt. Bạn không thể nào hiểu nỗi lo ngày lo đêm trong cơn bĩ cực của người nghèo, nó đau đến mức nào, cả thể xác lẫn tinh thần, khi tài khoản tiết kiệm của bạn đủ tiền để mua cá mua thịt trữ đầy tủ lạnh và trả tiền internet cho việc tải về các bộ phim ưa thích… Tôi hiểu cái đói cái nghèo, không làm gì ra tiền nó kinh khủng tới mức nào. Không gì diễn tả nổi. Nó tàn phá mọi giá trị. Nền kinh tế đóng băng, nhiều trung lưu vỡ nợ, nhiều người nghèo đang đói, rất đói, khắp mọi miền Việt Nam… Tôi thương họ, như đã từng bất lực thương bố mẹ anh chị, thương mình những năm tám mươi".
Chuyện gì xẩy ra vào những năm 80, hay trước đó ?
Xin nghe thêm một câu chuyện nhỏ, từ một nhà văn khác :
"Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa... Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo : Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh...
Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại... vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn : "Cá về ! Cá về !
Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao ! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá"… (1).
Trận đói khốc liệt 1945 và nạn "đói góp" kéo dài đến vài thập niên, mãi cho đến Thời Kỳ Đổi Mới, khiến người dân miền Bắc phải chịu đựng mọi thiếu hụt lâu hơn dân chúng miền Nam và (chắc) vì thế nên tâm thức cũng bất an hơn – theo như suy luận của nhà văn Võ Đắc Danh :
"Người dân xứ tôi có lẽ chỉ chịu những cú đánh vào bao tử mới mười lăm năm nên chưa bị xoáy mòn nhân cách, chưa thành di chứng, sự hào phóng chưa biến mất bởi nó được tích lũy gần 300 năm ưu đãi của thiên nhiên. Đọc mấy câu ‘phán’ của anh Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tự hỏi, nếu cái chủ nghĩa xã hội quái thai còn kéo dài ở miền Nam cho tới bây giờ, liệu chúng ta có được bức ảnh người Sài Gòn xếp hàng trật tự với khoảng cách hai mét trước cái máy ATM gạo để chúng ta so sánh với người Hà Nội hay không ?"
Câu hỏi này lại khiến tôi lại trộm nghĩ thêm rằng nếu thay được những lời lẽ kỳ thị, hay miệt thị (giữa cơn đại dịch, và giữa lúc biển đảo đang mất dần dần) bằng ánh mắt bao dung, bằng ngôn từ hoà thuận, cùng với tấm lòng nhân ái thì quan hệ vùng miền Nam/Bắc – chắc chắn – sẽ tốt đẹp hơn, và cũng vững mạnh hơn (nhiều) khi đất trước đang đối diện với nạn ngoại xâm. Chả những thế, tự thâm tâm tôi còn thành thật tin rằng dân Việt hiện nay (thuộc bất cứ thế hệ nào, đang sinh sống bất cứ nơi nao) cũng đều vướng phải ít nhiều thương tật và cũng đều đáng thương hơn đáng trách.
Tôi sống tha hương gần hết đời mình nên kinh nghiệm về XHCN (xếp hàng cả ngày) không được phong phú lắm ; dù thế, chuyện xô đẩy hay chen lấn thì cũng chả lạ lùng gì. Chừng hơn mười năm trược – có hôm – tôi dừng xe trước một tiệm giò chả Việt Nam (nổi tiếng) ở miền Bắc California, rồi bảo đứa con gát út :
- Từ nay, con tự mua thức ăn lấy nhá.
Cháu đã đã học qua 5 năm tiếng Việt vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, đã được nuôi dậy cả chục năm trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều ngọng nghịu tiếng Anh nên cả nhà chỉ nói thuần tiếng Việt. Tôi tin là nó đã đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ để có thể mua sắm lặt vặt cho chính bản thân. Vài phút sau, con bé bước ra khỏi tiệm tay không và mặt đỏ bừng bừng :
- Con ghét người Việt Nam, con không thích họ tí nào ! I hate Vietnamese, I don’t like them at all !
Vẻ giận dữ của cháu khiến tôi ái ngại :
- Chuyện gì vậy con ?
- Con đứng xếp hàng nhưng mấy người đến sau cứ chen lên trước nên đợi mãi cũng chả đến lượt mình.
Con tôi chào đời ở Hoa Kỳ nên không biết rằng khách hàng trong tiệm này, ông bà, cô dì, chú bác … phần lớn (cũng y như bố nó) đều là thuyền nhân. Họ đã bán tống bán tháo, hoặc "dâng hiến" hết cả tài sản để bỏ của chạy lấy người. Tất cả đâm xầm ra biển, xô đẩy chen lấn và sẵn sàng đạp lên nhau (nếu cần) với ước mong duy nhất là có thể dành được một chỗ trên một con thuyền ọp ẹp hay mong manh nào đó. Kẻ nhanh chân chưa chắc đã sống sót đến bờ nhưng người kẻ chậm lại thì chắc chết, chết chắc, vì tù tội và tán gia bại sản.
Kinh nghiệm hãi hùng này vẫn còn in đậm trong tâm trí và cách hành xử của rất nhiều người tị nạn cộng sản nên cứ thấy đám đông là là họ chen ngay (cứ như một phản xạ tự nhiên) dù chỉ để mua vài ổ bánh mì hay mấy cây chả lụa. Chính tôi cũng thế, cũng đã năm lần bẩy lượt – chứ chả ít ỏi gì – vượt đèn vàng hay len lách trên xa lộ một cách hoàn toàn vô thức (và vô cùng ngu xuẩn) dù chả có chuyện gì đến nỗi phải vội vàng đến thế.
Nhìn gương mặt đỏ au, và nghe giọng nói uất ức của con mà không dưng tôi chợt nhớ đến một câu nói (khó quên) của G.S Đỗ Mạnh Tri : "Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác".
Mà di sản của Marx để lại, ở đất nước này, nào có phải chỉ giới hạn trong chuyện tranh dành hay chen lấn. Di lụy của CNXH còn là vô số những thứ "bệnh tật kinh niên" khác nữa : chèn ép, hiếp đáp, trù dập, phe cánh, chạy chọt, luồn lọt, lươn lẹo, lừa lọc, tham lam, gian xảo, trộm cắp, rình rập, soi mói, ti tiện, hèn hạ, huyênh hoang, hợm hĩnh, hung bạo, khoác lác, tục tằn, trơ trẽn, tráo trở, ích kỷ, dối trá, vô trách nhiệm, vô văn hoá, vô giáo dục, vô liêm sỷ …
Chúng ta chỉ cần vài thập niên để có thể tạo dựng lại một nền kinh tế lành mạnh và hiệu quả nhưng e sẽ mất đến đôi ba thế hệ mới loại bỏ dần được những thói hư (và tật xấu) vừa nêu. Vấn đề không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn cần đến sự nhẫn nại, bao dung, và thông cảm (lẫn thương cảm) nữa. Nếu không thì dân tộc này vẫn sẽ tiếp tục bước hết từ bi kịch sang bi kịch khác – cho dù chế độ toàn trị và nguy cơ bị trị không còn.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 20/04/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Thế Giang. "Lộc Thánh". Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa : Người Việt, 1987. 119-123
Các nhà hoạt động trẻ tuổi chiến đấu vì các giá trị cộng sản dường như là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh
Các nhà hoạt động ở Thâm Quyến hồi tháng trước giăng biểu ngữ kêu gọi trừng trị các cảnh sát tham nhũng và thả các công nhân nhà máy bị giam giữ. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters
Họ chính là những gì mà các trường đại học tốt nhất của Trung Quốc được hoạch định là sẽ đào tạo ra : những nam nữ thanh niên thấm nhuần ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Họ đọc Marx, Lenin và Mao và thành lập các nhóm sinh viên để thảo luận về tiến trình của chủ nghĩa xã hội. Họ điều tra việc giai cấp vô sản của trường, bao gồm cả những người làm công tác tạp vụ, đầu bếp và công nhân xây dựng, được đối xử như thế nào. Họ tình nguyện giúp đỡ các gia đình ở nông thôn gặp khó khăn và kính trọng răm rắp đọc những khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau đó, sau khi tốt nghiệp, vào tháng trước, họ đã cố gắng áp dụng các lý tưởng đã được tuyên bố của đảng vào hành động, từ khắp Trung Quốc họ hội tụ nhau về Huệ Châu, một thành phố ở miền nam (Trung Quốc), vận động thành lập các tổ chức công đoàn tại các nhà máy gần đó và tiến hành các cuộc biểu tình kêu đòi một sự bảo vệ lớn hơn đối với những người lao động.
Đó là khi đảng chợt nhận ra rằng nó có vấn đề.
Các nhà chức trách đã nhanh chóng nghiền nát những nỗ lực của các nhà hoạt động trẻ tuổi, giam giữ hàng tá người trong số họ và bóp chết những lời kêu gọi của họ về công lý - nhưng không phải ở thời điểm trước khi ví dụ của họ trở thành một lời hiệu triệu đối với những người trẻ tuổi trên khắp đất nước (Trung Quốc) vốn không hài lòng với sự bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng và chủ nghĩa sùng bái vật chất trong xã hội Trung Quốc. Mà là sau đó.
Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Các bạn là lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân !" (gợi nhớ câu thơ "Khi là cây mác. cây chông. Khi là biển cả, khi không là gì" của Nguyễn Long – người dịch ) tại một cuộc biểu tình nói chuyện với những người công nhân tại một nhà máy thiết bị. "Chúng tôi chia sẻ những vinh quang và cả những cay đắng của các bạn" Các cuộc biểu tình là phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi những người lao động những người mà vốn không có nơi nào khác để bày tỏ tình cảnh của giai cấp mình trong một quốc gia không có các công đoàn độc lập, không có các tòa án độc lập và cũng không có các phương tiện truyền thông độc lập. Nhưng các cuộc biểu tình ở Huệ Châu là không bình thường bởi vì chúng được tổ chức bởi các sinh viên (đang theo học) và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây từ một số trường đại học hàng đầu của đất nước, những người mà thường đứng ngoài các hoạt động đường phố kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 đã kết thúc trong biển máu tại quảng trường Thiên An Môn.
Trong nhiều thập kỷ kể từ sau vụ thảm sát đó, sinh viên đại học nói chung đã giúp thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của đảng (cộng sản Trung Quốc), tập trung vào công ăn việc làm, tậu nhà tậu cửa và các khía cạnh khác của đời sống trung lưu khá giả về mặt vật chất trong khi ủng hộ ách cai trị độc đoán, hoặc ít nhất là tránh né, xa rời các hoạt động chính trị. Khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, các quan chức đảng đã trở nên lo lắng hơn về các ảnh hưởng của phương Tây đối với giới trẻ của đất nước (Trung Quốc), những người mà hơn bao giờ hết có thể kết nối toàn cầu và bằng kỹ thuật số.
Nhưng các nhà hoạt động tại Huệ Châu lại cho thấy có một mối đe dọa mà các nhà chức trách không hề mong đợi, không hề lường trước.
Mang theo các tấm ảnh chân dung Mao và hát vang các bài ca xã hội chủ nghĩa, họ tán thành chính những lý tưởng mà chính phủ đã bồi dưỡng, giáo dục họ nhiều năm trong các lớp học tư tưởng bắt buộc, trong khi lên tiếng phiền trách về các vấn đề như đói nghèo, quyền công nhân và bình đẳng giới - một số trong những mối quan tâm cốt lõi của ý thức hệ cộng sản.
"Những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý", Chen Kexin, một sinh viên năm cuối của Đại học Nhân dân (Renmin) tại Bắc Kinh, đã tham gia vào các cuộc biểu tình. "Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa Mác. Chúng tôi ngợi ca chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đứng về phía những người công nhân. Nhà chức trách không thể nhắm vào chúng tôi (để đàn áp)".
Nhưng các sinh viên đã nhầm. Họ đã bị nhắm như những mục tiêu. Vào sáng ngày 24 tháng 8, các nhân viên cảnh sát trong trang phục cảnh sát chống bạo động đã đột kích vào căn hộ 4 phòng ngủ mà các nhà hoạt động đang thuê ở Huệ Châu và đã bắt giữ khoảng 50 người. Khi cảnh sát đạp cửa xông vào, các nhà hoạt động cùng nắm tay nhau và cùng hát vang bài Quốc tế ca (Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian - "L’Internationale").
Mặc dù một số đã được thả, nhưng 14 nhà hoạt động và người lao động khác vẫn bị giam giữ hoặc bị quản thúc tại gia, theo thông tin từ những người ủng hộ nhân quyền. Cảnh sát địa phương cáo buộc công nhân đã hành động do bị xúi giục bởi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Kể từ khi Tập Chủ tịch lên nắm quyền vào năm 2012, đảng đã tìm cách hạn chế việc sử dụng các sách giáo khoa phương Tây và ngăn chặn sự lây lan của "các giá trị phương Tây" trong khuôn viên các trường đại học, đề cập đến những lý tưởng về luật pháp và dân chủ mà có thể làm suy yếu, làm xói mòn quyền lực của họ.
Đồng thời, ông Tập đã yêu cầu các trường đại học mở rộng việc giảng dậy các giáo lý, giáo điều của họ về Mao và Marx. Hồi tháng Năm, ông Tập đã viếng thăm Đại học Bắc Kinh và khuyến khích sinh viên quảng bá chủ nghĩa Mác, nói rằng điều quan trọng là trường đại học phải "lấy chủ nghĩa Mác làm họ tên của mình".
Một nhóm các nhà hoạt động sinh viên và những người Mao trẻ tuổi đang tìm cách các công nhân nhà máy hình thành một liên minh lao động ở Huệ Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters
Nhưng một số người trong đảng dường như không mấy an tâm trước sự gia tăng của các nhóm học sinh sinh viên nhiệt thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mao, họ lo ngại ra mặt rằng những lời kêu gọi bình đẳng kinh tế và quyền công nhân của các sinh viên có thể làm suy yếu thị trường tư bản hiện đại của Trung Quốc.
Trong khi chỉ có một số ít học sinh sinh viên tham gia, họ đại diện cho một sự phê phán từ cánh tả của xã hội Trung Quốc mà dường như càng ngày càng có sức hút đối với các khuôn viên các trường đại học, một phần vì chính quyền đã phân vân, do dự hơn trong việc đàn áp nó so với các hoạt động thảo luận chính trị khác.
Trên mạng Internet Trung Quốc, hàng ngàn thanh niên tham gia vào các phòng chat Maoist và Marxist sôi nổi, và một số đã bắt đầu các trang tin tức mang hơi hướng cánh tả, cho đến gần đây vẫn đăng bình luận về các chủ đề như ô nhiễm, toàn cầu hóa và lý thuyết kinh tế mà không có sự can thiệp của người kiểm duyệt.
Tuần này, các quan chức nhà trường đã làm khó cho các nhà hoạt động Mác-xít trẻ tuổi tại hàng chục các trường đại học và ngăn chặn một số cuộc họp. Và năm ngoái, cảnh sát ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã bắt Zhang Yunfan, một nhà lãnh đạo trẻ của một nhóm nghiên cứu các trước tác Maoist, cáo buộc người này là "tụ tập đám đông để gây mất trật tự xã hội" (câu này nghe quen quá ! – người dịch).
Giới trẻ Trung Quốc thường được mô tả là thờ ơ, ích kỉ và bị ám ảnh bởi tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà nghiên cứu các tác phẩm sử ký của Trung Quốc, nói rằng thế hệ sinh ra sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn không có sự sợ hãi bản năng đối với quyền lực của các thế hệ già trước đó.
Ông nói "Họ sẵn sàng đi ra ngoài đường phố hơn và liều mạng hơn. Không có nhiều sự đánh giá, sự nhìn nhận về những gì có thể xảy ra một cách sai trái".
Sự vụ ở Huệ Châu bắt đầu vào tháng Bảy, sau khi Jasic Technology, một nhà sản xuất thiết bị hàn, ngăn cản công nhân của mình thành lập một công đoàn độc lập. Trung Quốc cho phép tổ chức lao động (công đoàn) chỉ (hoạt động) dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các công đoàn toàn Trung Quốc, một tổ chức chính thức, bị kiểm soát bởi đảng (cộng sản Trung Quốc).
Các công nhân cho biết các nhà quản lý đã nắm quyền kiểm soát các chi nhánh, chi hội của công đoàn chính thức (công đoàn quốc doanh, công đoàn cấp ủy). Khiếu nại về việc bị trả lương thấp và bị đối xử như nô lệ, họ bắt đầu tổ chức một cuộc họp kiến nghị trước khi cảnh sát can thiệp và giam giữ một số người trong số họ.
Các nhà hoạt động trẻ tuổi đã thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của giới công nhân thông qua các ứng dụng nhắn tin trên internet và bắt tay vào sự nghiệp của họ, với khoảng 40 sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đã hội tụ tại Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất có dân số là 4,8 triệu người. Hàng trăm người khác đã lên tiếng hỗ trợ trực tuyến - rất nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên của họ không nên đến Huệ Châu.
"Tôi không thể ngồi yên", Yue Xin, một sinh viên mới tốt nghiệp gần đây của Đại học Bắc Kinh chuyên ngành ngoại ngữ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi cô bị giam giữ. "Tôi không thể để bản thân mình trở thành một nhà bình luận trên internet. Tôi phải đứng dậy".
Zhang Shengye, 21 tuổi, mới tốt nghiệp hồi tháng 6 Đại học Bắc Kinh với văn bằng dược học, cho biết anh được truyền cảm hứng để tham gia các cuộc biểu tình bởi những cuộc đấu tranh của gia đình anh. Cha của anh, một thủy thủ, bị sa thải khỏi một công ty nhà nước trong làn sóng tư nhân hóa vào những năm 1990, một trải nghiệm mà Zhang mô tả như là một "ngày tận thế về tài chính và tình cảm".
Nhưng ở trường đại học, anh quyết định đáp lời kêu gọi của Marx là "lao động vì nhân loại", anh nói. Thất vọng bởi mức lương thấp và tình trạng bị đối xử tàn tệ của người lao động trong khuôn viên nhà trường, anh và 60 sinh viên khác, tự gọi mình là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Việt nam cũng đã từng có cái Hội này ! – người dịch), công bố một báo cáo ghi lại các vi phạm lao động.
"Chúng tôi chia sẻ một sự thông cảm rất đơn giản đối với những người lao động và khát vọng của một tương lai tốt đẹp hơn đối với chủ nghĩa cộng sản", anh nói.
Ở Huệ Châu, các nhà hoạt động trẻ gọi nhau là "đồng chí" và mặc áo phông với hình ảnh nắm tay nắm chặt và khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh". Họ đồng hành bên cạnh công nhân, cầm các băng rôn tuyên bố, "Thành lập công đoàn không phải là tội ác". Họ diễn dựng lại các hành động lạm dụng mà những người công nhân cho biết là họ đã phải chịu đựng tại nhà máy.
Mặc dù họ tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa Mao (Maoists), những các nhà hoạt động là những người bất bạo động kiên định, không giống như những phiến quân Maoist ở các nước như Nepal và Ấn Độ, những người trung thành bám lấy cuộc cách mạng bạo lực. Triết lý của họ cũng khác với những người theo chủ nghĩa Mao cổ xưa của Trung Quốc, những người mà phần lớn là tập trung vào việc loại bỏ gốc rễ của những ảnh hưởng phương Tây trong xã hội Trung Quốc và ít đối đầu với đảng (cộng sản Trung Quốc).
Những người biểu tình trẻ nhấn mạnh rằng họ là những người cộng sản tốt, những người ủng hộ Tập Chủ tịch. Trước khi bị bắt giam, cô Yue đã viết một bức thư ngỏ gửi ông Tập trong đó nói rằng cô được truyền cảm hứng từ cuộc chiến chống tham nhũng và thời gian ông (Tập) làm việc trong một ngôi làng nghèo khổ ở nông thôn như một thanh niên.
Cô Yue nói thêm rằng nguồn gốc của phong trào ở Huệ Châu không phải bắt nguồn từ những ý tưởng của nước ngoài, mà là bắt nguồn từ Phong trào Ngũ tứ năm 1919, một cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo ở Trung Quốc mà đảng (cộng sản Trung Quốc) coi là tiền thân của Cách mạng Cộng sản.
Cô Yue, cũng là một nhà lãnh đạo của phong trào #MeToo của Trung Quốc, người đã lên tiếng chống lại việc quấy rối tình dục và tấn công tình dục trong khuôn viên nhà trường, đã không có tăm tích gì kể từ khi cô bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc đột kích ngày 24 tháng 8.
Bạn bè cũng lo lắng về Shen Mengyu, một trong những sinh viên đầu tiên kêu gọi sự chú ý đối với phong trào của người lao động. Cô bị bắt giữ bởi các nhân viên an ninh tại một khách sạn và hiện đang bị giám sát tại nhà của cha mẹ cô (tức là được cho ăn bánh canh ! – người dịch), các nhà hoạt động cho biết như vậy.
Một số công nhân tại nhà máy thiết bị này cũng đã chính thức bị bắt và bị buộc tội gây rối trật tự xã hội. Huang Lanfeng, và chồng là Yu Juncong, cũng ở trong số những người bị giam giữ, nói rằng chính phủ đã trừng phạt một cách không công bằng những người lao động trong khi bỏ qua các vụ lạm dụng tại nhà máy.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", cô nói. "Chúng tôi thề sẽ chống lại các lực lượng tà quyền cho đến tận cùng".
Trong khi năm học mới đã bắt đầu, các nhà hoạt động tuyên bố sẽ nhấn mạnh, sẽ xiển dương phong trào của họ. Anh Zhang và những người khác đã tổ chức một cuộc biểu tình tại quê hương của Mao, Thiều Sơn/ (Shaoshan), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 ngày mất của nhà lãnh đạo Trung Quốc (Mao chết ngày 09tháng Chín, 1976 – người dịch) trong tháng này, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các bạn bè của họ. Cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình và bắt giam Zhang một thời gian ngắn, người cũng bị giam giữ và thả ra sau cuộc đột kích ngày 24/8.
Anh Zhang đã cho lưu hành một bản kiến nghị kêu gọi đảng (cộng sản Trung Quốc) trừng phạt các quan chức địa phương. Anh viết :
"Chúng tôi ở đây vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng những gì chúng tôi làm là hợp pháp và công bằng. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi muốn đền đáp những người công nhân vì những gì chúng tôi đã học được trong nhiều năm qua. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi không muốn tin rằng các thế lực đen tối có thể cười cợt một cách độc ác trong thế giới mà chúng ta đang sống".
Trước hết, theo định nghĩa của các học giả, "cách mạng công nghệ" hàm chứa một sự thay đổi vô cùng to lớn, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật một cách toàn diện.
Karl Marx, người kiên định với định luật : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. AFP
Ba cuộc cách mạng công nghệ lớn của lịch sử loài người đã từng bước đưa nhân loại đến với một cuộc sống ngày càng tinh vi và hoàn thiện hơn. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước. Lần thứ hai, từ 1870, loài người phát minh ra động cơ điện. Điện thoại, Internet mà con người đang được sử dụng ngày nay chính là thành quả từ cuộc cách mạng lần thứ 3, từ 1969, con người phát minh ra điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau.
Và bây giờ, cách mạng công nghệ 4.0. Năm 2013, nước Đức là quốc gia đầu tiên sử dụng cụm từ này trong một báo cáo đề cập đến tương lai thế giới sẽ không cần dùng sức lao động của con người nữa, thay vào đó là những robot hoàn toàn được điều khiển bằng lập trình điện toán.
Mỗi một ngày, qua các bản tin về công nghệ kỹ thuật mới, có thể thấy thế giới đang dần tiến đến một xã hội mà trong đó, con người chỉ có "bấm nút ra hiệu lệnh", chỉ cần đưa suy nghĩ của mình đến vật thể khác để thực hiện thay.
Với tất cả những định nghĩa chung ấy, thì trong cuộc chạy đua tiến lên cách mạng 4.0 cùng với thế giới, Việt Nam quyết định sử dụng dùng ngọn đuốc tư tưởng Mác để soi sáng, có phù hợp hay không ?
Trả lời cho vấn đề này, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt nêu lên quan điểm của ông một cách khá mạnh mẽ.
"Đứng về mặt này thì ông Marx là ông dốt hoàn toàn. Không biết gì về khoa học cả. Nhân loại này tiến bộ là do nó tự sinh hoạt rồi nó tự cọ xát giữa các mặt đối lập và nó tự tìm đường của nó, chứ không có ai dám nghĩ ra 1 cái học thuyết cho nhân loại này cả".
Loài người, theo phân tích của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, loài người là một thể sống tự tiến hóa và vạch đường đi. Trên cơ sở đó, nhân loại rút ra các bài học và dần tiến hóa đến một xã hội ngày một cao hơn.
Động lực phát triển lịch sử theo bản chất của nó là sự thoả mãn của nhân loại về các nhu cầu của vật chất. Các nhu cầu ấy là bệ đỡ cho các cuộc cách mạng công nghệ từ lần thứ nhất đến nay. Thế nhưng, trong chủ nghĩa Mác – Lê từng tuyên bố rằng "Đoạn tuyệt 1 cách triệt để với các giá trị truyền thống".
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu hoàn toàn phản đối tư tưởng này. Ông cho rằng con người vốn dĩ tiến được từ chỗ thấp đến chỗ cao là do tích luỹ và gia tăng trí tuệ. Bản năng này chỉ có ở con người.
"Động vật không có. Vì động vật thì những kết quả thu được do bố mẹ không thể truyền được cho thế hệ sau. Nhưng ở loài người có ngôn ngữ, có tiếng nói, có chữ viết, nên kết quả của thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau. Cho nên thế hệ sau đứng được trên vai thế hệ trước để đi tiếp.
Định luật to nhất của Marx : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội là đã bậy rồi".
Với lý thuyết của Marx, "đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội". Nhưng với bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp ngày nay, động lực để phát triển xã hội là nhu cầu của sự hiện đại hóa, tối giản sức lao động của con người.
Hơn thế nữa, trong sự tiến hóa của nhân loại không thể không đề cập đến giáo dục, nền tảng cơ bản tạo ra sự phát triển của loài người và xã hội. Tuy Marx là một học giả của thế kỷ 19, nhưng theo bài phân tích của nhà Triết học người Úc Peter Singer, cũng là Giáo sư khoa Đạo Đức Học ở Đại học Princeton, Melbourne nêu rõ về tư tưởng Marx, do nhà biên dịch Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ : "Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn : Cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người".
"Bài học quan trọng nhất rút ra từ quan điểm của Marx về lịch sử là một bài học tiêu cực : sự tiến hóa của các tư tưởng, tôn giáo, và các thể chế chính trị không độc lập với những công cụ mà chúng ta dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng không độc lập với những cấu trúc kinh tế mà chúng ta tổ chức xoay quanh những công cụ ấy, hay với những lợi ích kinh tế mà chúng tạo ra".
Cũng đồng quan điểm, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đã có những sự kết hợp không còn tương thích trong dòng chảy của lịch sử.
"Những vấn đề mà Marx đưa ra như lý thuyết thặng dư có giá trị sai lạc và phát triển thực tế ngày nay đã ra ngoài những gì Marx đã nghĩ tới, đã kiên định. Theo tôi lý thuyết Marx là 1 lý thuyết của thế kỷ 19. Qua thế kỷ 20 đến thế kỷ 20, những điều Marx đã sử dụng không còn ý nghĩa nữa. Những nghiên cứu về vô sản không còn giá trị nữa. Vì theo tôi nghĩ đâu phải công nhân mới là vô sản. Những người tri thức, học hành không có tài sản nhiều cũng là vô sản nhưng đây là những người có đầu tư về trí tuệ, họ có vốn liếng trí thức của mình.
Trong xã hội này, vốn trí thức rất là quan trọng".
Như thế, nếu tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Mác trong thời đại ngày nay để phù hợp với cách mạng khoa học công nghệ thì kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ như thế nào ?
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đó là sự suy diễn hoàn toàn và không dựa vào bất kỳ một logic khoa học nào cả.
"Mỗi thời kỳ có 1 lý luận của nó với những dữ kiện mới về khoa học kỹ thuật, về tiến hóa xã hội. Không thể suy diễn 1 lý thuyết cổ lổ sĩ qua thế kỷ 20 rồi, bây giờ đến thế kỷ 21, với 1 công nghệ mới hoàn toàn nằm ngoài cái mà Marx đã biết. Bây giờ mà sử dụng nó thì tôi nghĩ là một phép màu mà chỉ có những người thích suy diễn theo ý mình mới làm được".
Khẳng định sự tương thích hay không, thuận hay nghịch về quan điểm soi sáng cách mạng công nghệ 4.0 bằng tư tưởng của Marx, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói rằng theo ông, "Marx không có chỗ đứng trong một Hội nghị về khoa học".
Và câu hỏi đặt ra, nếu lý thuyết Marx được sử dụng để soi sáng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì phải chăng sẽ có cuộc đấu tranh giai cấp 4.0, giữa một bên là con người và một bên là "người" nhân bản ?
******************
Trung Quốc truyền bá tư tưởng cộng sản cho sinh viên hải ngoại (VOA, 08/05/2018)
Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đang mở rộng các hoạt động nhắm vào sinh viên Trung Quốc ở Mỹ và các quốc gia khác.
Ảnh tư liệu - Một hình ảnh về Đảng Cộng sản được tuyên truyền trong bộ phim tài liệu "Amazing China" được công chiếu ngày 22/03/2018 tại Viện Phim Quốc gia ở Bắc Kinh.
Đài Á Châu tự do (RFA) tường thuật rằng sự khuếch trương này là nỗ lực để giữ vững hệ tư tưởng của đảng cộng sản trong tâm trí công dân Trung Quốc du học ở nước ngoài và cũng là để tìm cách chống lại "những tư tưởng xấu" góp nhặt từ các nước có thể ảnh hưởng đến sinh viên Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cơ cấu tại những trường đại học ở hải ngoại theo cách tương tự như ở Trung Quốc, theo RFA. Những nỗ lực này là một phần của một chiến dịch tư tưởng được gọi là Mặt trận Thống nhất, nhằm đưa các nhóm người cụ thể vào đảng.
Tin nói các chi nhánh nước ngoài được dùng để truyền bá thông điệp tư tưởng của đảng trên toàn thế giới. Một chi nhánh như vậy đã được thành lập năm ngoái bởi các sinh viên Trung Quốc trong một chương trình trao đổi tại Đại học California Davis ở miền bắc California.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tại thành phố Đại Liên, loan báo trên trang web của mình rằng bảy sinh viên Trung Quốc đã thành lập chi nhánh đảng cộng sản tại trường đại học này.
Nhóm này - gồm các sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau - đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 11/2017, trang web này cho biết. Theo đó, cuộc họp đầu tiên tập trung vào việc dạy sinh viên cách chống lại "các loại ảnh hưởng tiêu cực" đối với suy nghĩ của họ trong lúc học tập ở nước ngoài.
Nhóm này dự kiến sẽ họp hai lần một tháng để nghiên cứu "tư duy tư tưởng mới nhất" của đảng cộng sản, tờ báo Ming Pao của Hồng Kông đưa tin. Tổ chức này cũng có mục đích cung cấp "sự giúp đỡ và quan tâm" cho sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài.
Một bài báo gần đây trên tờ Foreign Policy xuất bản ở Mỹ cho hay các chi nhánh Đảng cộng sản Trung Quốc được người Trung Quốc thiết lập tại các trường đại học ở một số tiểu bang Mỹ, bao gồm Illinois, Ohio, New York, Connecticut, Bắc Dakota và Tây Virginia.
Một chi nhánh đảng cộng sản được thành lập vào tháng 7 năm 2017 bởi một nhóm gồm chín sinh viên và giáo viên Trung Quốc từ Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc, bài báo nói.
Các sinh viên này đã tham gia vào một chương trình mùa hè tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Họ tổ chức các cuộc họp để thảo luận về các giáo lý của đảng và cung cấp "hướng dẫn tư tưởng" cho các sinh viên Trung Quốc, tờ Foreign Policy tường thuật.
Một bức ảnh của nhóm đã được đăng trên trang web của Đại học Huazhong cùng với một bài báo về các hoạt động của họ.
Tháng 10 năm ngoái, một tờ báo ở tỉnh Chiết Giang loan tin "các chi nhánh tạm thời" của đảng Cộng sản được thành lập ở Canada, Singapore và New Zealand.
Tờ Tin tức hàng ngày Chiết Giang cho biết các chi nhánh được thành lập bởi Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Yiwu để phục vụ các sinh viên ở hải ngoại. Mục tiêu của đảng là cung cấp các dịch vụ để giáo dục và quản lý sinh viên nước ngoài, tờ báo đưa tin.
Theo RFA, nhiều người trong số những vị điều hành các chi nhánh của đảng là các giáo viên Trung Quốc được đưa tới các trường đại học nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình trao đổi giáo dục.
Khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, theo ước tính của Viện Giáo dục Quốc tế, chiếm khoảng 35% trong số gần 1 triệu người nước ngoài đang du học tại Mỹ.
Tình báo Trung Quốc trên giảng đường Mỹ
Vào tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray thông báo với Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ rằng FBI đang điều tra về khả năng có các đặc vụ tình báo Trung Quốc trong các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Ông cho biết FBI đã theo dõi các "giáo sư, nhà khoa học và sinh viên" Trung Quốc đang học tập, nghiên cứu trên khắp nước Mỹ.
Ông Wray nói Trung Quốc sử dụng rất nhiều đặc vụ phi truyền thống thu thập tình báo và công nghệ, cả trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong các trường đại học. Ông Wray cho rằng nhiều quan chức đại học Mỹ không hề hay biết về các hoạt động này.
Ông Wray lưu ý rằng việc thu thập thông tin tình báo như vậy lợi dụng sự cởi mở trong nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại nhiều trường đại học Mỹ. Các viện này cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa cho sinh viên Mỹ. Trung Quốc nói chương trình được thiết kế để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Nhưng ông Wray cho biết FBI hiện đang theo dõi sự phát triển của các viện này và trong một số trường hợp đã thực hiện "các bước điều tra".
Một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Các học giả quốc gia có trụ sở tại Mỹ tố cáo các Viện Khổng tử giới hạn quyền tự do giáo dục và giảng dạy "một cái nhìn méo mó" về lịch sử và văn hóa Trung Quốc.
**********************
Một quan chức cao cấp của Việt Nam ca ngợi Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho phong trào chủ nghĩa xã hội toàn cầu bằng cách vận dụng chủ nghĩa Marx vào bối cảnh Trung Quốc, trong khi các blogger ở trong nước chỉ trích mô hình chủ nghĩa Marx "chỉ mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người". Các blogger đơn cử trường hợp Việt Nam là một trong các xã hội điển hình kiểu này.
Hôm 8/5, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của Karl Marx, Tân Hoa Xã trích câu trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói rằng : "Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã phát huy và bổ sung các lý thuyết của chủ nghĩa Marx, và tôi cho rằng những học thuyết này đã có nhiều đóng góp to lớn cho các phong trào cộng sản và xã hội chủ nghĩa của thế giới".
Ông Thảo nhận định rằng dựa trên học thuyết này, tư tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có ý nghĩa rất lớn, "không chỉ đối với công cuộc đổi mới và mở cửa của Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam".
Theo Tân Hoa Xã, ông Thảo còn nhấn mạnh rằng Việt Nam đang học tập các thực tiễn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Tư tưởng Tập Cận Bình.
Một số nhà bình luận và blogger Việt Nam đã phản bác những đóng góp của Chủ nghĩa Marx.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân : "Chủ nghĩa Marx được tung hô (ở các nước xã hội chủ nghĩa) là học thuyết cải tạo thế giới hoàn hảo… Vậy mà mọi mô hình áp dụng nó, từ Liên Sô đến Đông Âu, sang Mỹ Châu như Cuba và Venezuela, rồi Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, đều mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người".
Ông Philip Nguyễn, một người gốc Việt định cư tại Đức, nơi chủ nghĩa Marx được hình thành, viết trên Facebook : "Xét cho cùng, nếu chủ nghĩa Cộng sản ở Nga đã chính thức kết thúc vào năm 1991, thì người Trung Quốc cũng đã lặng lẽ từ bỏ nó và thay thế nó bằng một thương hiệu chủ nghĩa tư bản độc đáo của Trung Quốc. Còn các "đồng minh" cũ của Liên Xô cũng không chọn theo chủ nghĩa Cộng sản ngay khi họ giành được độc lập mà cái gọi là chủ nghĩa cộng sản theo tư tưởng vị lãnh tụ của nước họ".
Blogger Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa viết : "Không phải Marx, mà chính những kẻ núp bóng, dựa hơi ông đã và đang đày đọa Việt Nam".
Truyền thông Việt Nam trích bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh K. Marx (5/5/1818-5/5/2018), có đoạn : "Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong suốt 88 năm qua là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về giá trị bền vững, sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Marx-Lenin".