Các nhà hoạt động trẻ tuổi chiến đấu vì các giá trị cộng sản dường như là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh
Các nhà hoạt động ở Thâm Quyến hồi tháng trước giăng biểu ngữ kêu gọi trừng trị các cảnh sát tham nhũng và thả các công nhân nhà máy bị giam giữ. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters
Họ chính là những gì mà các trường đại học tốt nhất của Trung Quốc được hoạch định là sẽ đào tạo ra : những nam nữ thanh niên thấm nhuần ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Họ đọc Marx, Lenin và Mao và thành lập các nhóm sinh viên để thảo luận về tiến trình của chủ nghĩa xã hội. Họ điều tra việc giai cấp vô sản của trường, bao gồm cả những người làm công tác tạp vụ, đầu bếp và công nhân xây dựng, được đối xử như thế nào. Họ tình nguyện giúp đỡ các gia đình ở nông thôn gặp khó khăn và kính trọng răm rắp đọc những khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau đó, sau khi tốt nghiệp, vào tháng trước, họ đã cố gắng áp dụng các lý tưởng đã được tuyên bố của đảng vào hành động, từ khắp Trung Quốc họ hội tụ nhau về Huệ Châu, một thành phố ở miền nam (Trung Quốc), vận động thành lập các tổ chức công đoàn tại các nhà máy gần đó và tiến hành các cuộc biểu tình kêu đòi một sự bảo vệ lớn hơn đối với những người lao động.
Đó là khi đảng chợt nhận ra rằng nó có vấn đề.
Các nhà chức trách đã nhanh chóng nghiền nát những nỗ lực của các nhà hoạt động trẻ tuổi, giam giữ hàng tá người trong số họ và bóp chết những lời kêu gọi của họ về công lý - nhưng không phải ở thời điểm trước khi ví dụ của họ trở thành một lời hiệu triệu đối với những người trẻ tuổi trên khắp đất nước (Trung Quốc) vốn không hài lòng với sự bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng và chủ nghĩa sùng bái vật chất trong xã hội Trung Quốc. Mà là sau đó.
Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Các bạn là lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân !" (gợi nhớ câu thơ "Khi là cây mác. cây chông. Khi là biển cả, khi không là gì" của Nguyễn Long – người dịch ) tại một cuộc biểu tình nói chuyện với những người công nhân tại một nhà máy thiết bị. "Chúng tôi chia sẻ những vinh quang và cả những cay đắng của các bạn" Các cuộc biểu tình là phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi những người lao động những người mà vốn không có nơi nào khác để bày tỏ tình cảnh của giai cấp mình trong một quốc gia không có các công đoàn độc lập, không có các tòa án độc lập và cũng không có các phương tiện truyền thông độc lập. Nhưng các cuộc biểu tình ở Huệ Châu là không bình thường bởi vì chúng được tổ chức bởi các sinh viên (đang theo học) và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây từ một số trường đại học hàng đầu của đất nước, những người mà thường đứng ngoài các hoạt động đường phố kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 đã kết thúc trong biển máu tại quảng trường Thiên An Môn.
Trong nhiều thập kỷ kể từ sau vụ thảm sát đó, sinh viên đại học nói chung đã giúp thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của đảng (cộng sản Trung Quốc), tập trung vào công ăn việc làm, tậu nhà tậu cửa và các khía cạnh khác của đời sống trung lưu khá giả về mặt vật chất trong khi ủng hộ ách cai trị độc đoán, hoặc ít nhất là tránh né, xa rời các hoạt động chính trị. Khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, các quan chức đảng đã trở nên lo lắng hơn về các ảnh hưởng của phương Tây đối với giới trẻ của đất nước (Trung Quốc), những người mà hơn bao giờ hết có thể kết nối toàn cầu và bằng kỹ thuật số.
Nhưng các nhà hoạt động tại Huệ Châu lại cho thấy có một mối đe dọa mà các nhà chức trách không hề mong đợi, không hề lường trước.
Mang theo các tấm ảnh chân dung Mao và hát vang các bài ca xã hội chủ nghĩa, họ tán thành chính những lý tưởng mà chính phủ đã bồi dưỡng, giáo dục họ nhiều năm trong các lớp học tư tưởng bắt buộc, trong khi lên tiếng phiền trách về các vấn đề như đói nghèo, quyền công nhân và bình đẳng giới - một số trong những mối quan tâm cốt lõi của ý thức hệ cộng sản.
"Những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý", Chen Kexin, một sinh viên năm cuối của Đại học Nhân dân (Renmin) tại Bắc Kinh, đã tham gia vào các cuộc biểu tình. "Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa Mác. Chúng tôi ngợi ca chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đứng về phía những người công nhân. Nhà chức trách không thể nhắm vào chúng tôi (để đàn áp)".
Nhưng các sinh viên đã nhầm. Họ đã bị nhắm như những mục tiêu. Vào sáng ngày 24 tháng 8, các nhân viên cảnh sát trong trang phục cảnh sát chống bạo động đã đột kích vào căn hộ 4 phòng ngủ mà các nhà hoạt động đang thuê ở Huệ Châu và đã bắt giữ khoảng 50 người. Khi cảnh sát đạp cửa xông vào, các nhà hoạt động cùng nắm tay nhau và cùng hát vang bài Quốc tế ca (Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian - "L’Internationale").
Mặc dù một số đã được thả, nhưng 14 nhà hoạt động và người lao động khác vẫn bị giam giữ hoặc bị quản thúc tại gia, theo thông tin từ những người ủng hộ nhân quyền. Cảnh sát địa phương cáo buộc công nhân đã hành động do bị xúi giục bởi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Kể từ khi Tập Chủ tịch lên nắm quyền vào năm 2012, đảng đã tìm cách hạn chế việc sử dụng các sách giáo khoa phương Tây và ngăn chặn sự lây lan của "các giá trị phương Tây" trong khuôn viên các trường đại học, đề cập đến những lý tưởng về luật pháp và dân chủ mà có thể làm suy yếu, làm xói mòn quyền lực của họ.
Đồng thời, ông Tập đã yêu cầu các trường đại học mở rộng việc giảng dậy các giáo lý, giáo điều của họ về Mao và Marx. Hồi tháng Năm, ông Tập đã viếng thăm Đại học Bắc Kinh và khuyến khích sinh viên quảng bá chủ nghĩa Mác, nói rằng điều quan trọng là trường đại học phải "lấy chủ nghĩa Mác làm họ tên của mình".
Một nhóm các nhà hoạt động sinh viên và những người Mao trẻ tuổi đang tìm cách các công nhân nhà máy hình thành một liên minh lao động ở Huệ Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters
Nhưng một số người trong đảng dường như không mấy an tâm trước sự gia tăng của các nhóm học sinh sinh viên nhiệt thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mao, họ lo ngại ra mặt rằng những lời kêu gọi bình đẳng kinh tế và quyền công nhân của các sinh viên có thể làm suy yếu thị trường tư bản hiện đại của Trung Quốc.
Trong khi chỉ có một số ít học sinh sinh viên tham gia, họ đại diện cho một sự phê phán từ cánh tả của xã hội Trung Quốc mà dường như càng ngày càng có sức hút đối với các khuôn viên các trường đại học, một phần vì chính quyền đã phân vân, do dự hơn trong việc đàn áp nó so với các hoạt động thảo luận chính trị khác.
Trên mạng Internet Trung Quốc, hàng ngàn thanh niên tham gia vào các phòng chat Maoist và Marxist sôi nổi, và một số đã bắt đầu các trang tin tức mang hơi hướng cánh tả, cho đến gần đây vẫn đăng bình luận về các chủ đề như ô nhiễm, toàn cầu hóa và lý thuyết kinh tế mà không có sự can thiệp của người kiểm duyệt.
Tuần này, các quan chức nhà trường đã làm khó cho các nhà hoạt động Mác-xít trẻ tuổi tại hàng chục các trường đại học và ngăn chặn một số cuộc họp. Và năm ngoái, cảnh sát ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã bắt Zhang Yunfan, một nhà lãnh đạo trẻ của một nhóm nghiên cứu các trước tác Maoist, cáo buộc người này là "tụ tập đám đông để gây mất trật tự xã hội" (câu này nghe quen quá ! – người dịch).
Giới trẻ Trung Quốc thường được mô tả là thờ ơ, ích kỉ và bị ám ảnh bởi tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà nghiên cứu các tác phẩm sử ký của Trung Quốc, nói rằng thế hệ sinh ra sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn không có sự sợ hãi bản năng đối với quyền lực của các thế hệ già trước đó.
Ông nói "Họ sẵn sàng đi ra ngoài đường phố hơn và liều mạng hơn. Không có nhiều sự đánh giá, sự nhìn nhận về những gì có thể xảy ra một cách sai trái".
Sự vụ ở Huệ Châu bắt đầu vào tháng Bảy, sau khi Jasic Technology, một nhà sản xuất thiết bị hàn, ngăn cản công nhân của mình thành lập một công đoàn độc lập. Trung Quốc cho phép tổ chức lao động (công đoàn) chỉ (hoạt động) dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các công đoàn toàn Trung Quốc, một tổ chức chính thức, bị kiểm soát bởi đảng (cộng sản Trung Quốc).
Các công nhân cho biết các nhà quản lý đã nắm quyền kiểm soát các chi nhánh, chi hội của công đoàn chính thức (công đoàn quốc doanh, công đoàn cấp ủy). Khiếu nại về việc bị trả lương thấp và bị đối xử như nô lệ, họ bắt đầu tổ chức một cuộc họp kiến nghị trước khi cảnh sát can thiệp và giam giữ một số người trong số họ.
Các nhà hoạt động trẻ tuổi đã thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của giới công nhân thông qua các ứng dụng nhắn tin trên internet và bắt tay vào sự nghiệp của họ, với khoảng 40 sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đã hội tụ tại Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất có dân số là 4,8 triệu người. Hàng trăm người khác đã lên tiếng hỗ trợ trực tuyến - rất nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên của họ không nên đến Huệ Châu.
"Tôi không thể ngồi yên", Yue Xin, một sinh viên mới tốt nghiệp gần đây của Đại học Bắc Kinh chuyên ngành ngoại ngữ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi cô bị giam giữ. "Tôi không thể để bản thân mình trở thành một nhà bình luận trên internet. Tôi phải đứng dậy".
Zhang Shengye, 21 tuổi, mới tốt nghiệp hồi tháng 6 Đại học Bắc Kinh với văn bằng dược học, cho biết anh được truyền cảm hứng để tham gia các cuộc biểu tình bởi những cuộc đấu tranh của gia đình anh. Cha của anh, một thủy thủ, bị sa thải khỏi một công ty nhà nước trong làn sóng tư nhân hóa vào những năm 1990, một trải nghiệm mà Zhang mô tả như là một "ngày tận thế về tài chính và tình cảm".
Nhưng ở trường đại học, anh quyết định đáp lời kêu gọi của Marx là "lao động vì nhân loại", anh nói. Thất vọng bởi mức lương thấp và tình trạng bị đối xử tàn tệ của người lao động trong khuôn viên nhà trường, anh và 60 sinh viên khác, tự gọi mình là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Việt nam cũng đã từng có cái Hội này ! – người dịch), công bố một báo cáo ghi lại các vi phạm lao động.
"Chúng tôi chia sẻ một sự thông cảm rất đơn giản đối với những người lao động và khát vọng của một tương lai tốt đẹp hơn đối với chủ nghĩa cộng sản", anh nói.
Ở Huệ Châu, các nhà hoạt động trẻ gọi nhau là "đồng chí" và mặc áo phông với hình ảnh nắm tay nắm chặt và khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh". Họ đồng hành bên cạnh công nhân, cầm các băng rôn tuyên bố, "Thành lập công đoàn không phải là tội ác". Họ diễn dựng lại các hành động lạm dụng mà những người công nhân cho biết là họ đã phải chịu đựng tại nhà máy.
Mặc dù họ tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa Mao (Maoists), những các nhà hoạt động là những người bất bạo động kiên định, không giống như những phiến quân Maoist ở các nước như Nepal và Ấn Độ, những người trung thành bám lấy cuộc cách mạng bạo lực. Triết lý của họ cũng khác với những người theo chủ nghĩa Mao cổ xưa của Trung Quốc, những người mà phần lớn là tập trung vào việc loại bỏ gốc rễ của những ảnh hưởng phương Tây trong xã hội Trung Quốc và ít đối đầu với đảng (cộng sản Trung Quốc).
Những người biểu tình trẻ nhấn mạnh rằng họ là những người cộng sản tốt, những người ủng hộ Tập Chủ tịch. Trước khi bị bắt giam, cô Yue đã viết một bức thư ngỏ gửi ông Tập trong đó nói rằng cô được truyền cảm hứng từ cuộc chiến chống tham nhũng và thời gian ông (Tập) làm việc trong một ngôi làng nghèo khổ ở nông thôn như một thanh niên.
Cô Yue nói thêm rằng nguồn gốc của phong trào ở Huệ Châu không phải bắt nguồn từ những ý tưởng của nước ngoài, mà là bắt nguồn từ Phong trào Ngũ tứ năm 1919, một cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo ở Trung Quốc mà đảng (cộng sản Trung Quốc) coi là tiền thân của Cách mạng Cộng sản.
Cô Yue, cũng là một nhà lãnh đạo của phong trào #MeToo của Trung Quốc, người đã lên tiếng chống lại việc quấy rối tình dục và tấn công tình dục trong khuôn viên nhà trường, đã không có tăm tích gì kể từ khi cô bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc đột kích ngày 24 tháng 8.
Bạn bè cũng lo lắng về Shen Mengyu, một trong những sinh viên đầu tiên kêu gọi sự chú ý đối với phong trào của người lao động. Cô bị bắt giữ bởi các nhân viên an ninh tại một khách sạn và hiện đang bị giám sát tại nhà của cha mẹ cô (tức là được cho ăn bánh canh ! – người dịch), các nhà hoạt động cho biết như vậy.
Một số công nhân tại nhà máy thiết bị này cũng đã chính thức bị bắt và bị buộc tội gây rối trật tự xã hội. Huang Lanfeng, và chồng là Yu Juncong, cũng ở trong số những người bị giam giữ, nói rằng chính phủ đã trừng phạt một cách không công bằng những người lao động trong khi bỏ qua các vụ lạm dụng tại nhà máy.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", cô nói. "Chúng tôi thề sẽ chống lại các lực lượng tà quyền cho đến tận cùng".
Trong khi năm học mới đã bắt đầu, các nhà hoạt động tuyên bố sẽ nhấn mạnh, sẽ xiển dương phong trào của họ. Anh Zhang và những người khác đã tổ chức một cuộc biểu tình tại quê hương của Mao, Thiều Sơn/ (Shaoshan), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 ngày mất của nhà lãnh đạo Trung Quốc (Mao chết ngày 09tháng Chín, 1976 – người dịch) trong tháng này, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các bạn bè của họ. Cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình và bắt giam Zhang một thời gian ngắn, người cũng bị giam giữ và thả ra sau cuộc đột kích ngày 24/8.
Anh Zhang đã cho lưu hành một bản kiến nghị kêu gọi đảng (cộng sản Trung Quốc) trừng phạt các quan chức địa phương. Anh viết :
"Chúng tôi ở đây vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng những gì chúng tôi làm là hợp pháp và công bằng. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi muốn đền đáp những người công nhân vì những gì chúng tôi đã học được trong nhiều năm qua. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi không muốn tin rằng các thế lực đen tối có thể cười cợt một cách độc ác trong thế giới mà chúng ta đang sống".