Đề án không dùng tiền mặt
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Một nhân viên ngân hàng đang đếm tiền. AFP
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người có học vị Tiến sĩ kinh tế cho rằng đưa ra một tiêu chuẩn giảm chỉ còn 10% như vậy thì đó là một điều gần như không tưởng và có thể còn một ẩn ý trong đó là hợp thức hóa cho việc đổi tiền. Ông nói :
Xét về lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường và xã hội thì trong 10 năm qua Việt Nam in tiền quá nhiều. Bằng chứng là vào năm 2008 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay chỉ có 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 đã lên tới 7 triệu tỷ đồng, tức là gấp khoảng 2,5 lần. Và với mức độ tăng trưởng tín dụng như vậy thì có nghĩa là một năm Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước đã phải in từ 400 ngàn đến 500 ngàn tỷ đồng.
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền.
Ông nói thêm rằng với tình hình hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước không những không thể thu tiền về mà càng phải bung tiền ra, thậm chí phải in thêm tiền để bù đắp cho bội chi ngân sách, bù đắp cho rất nhiều khoản chi không nằm trong kế hoạch. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù với lượng tiền mặt lưu thông nhiều khủng khiếp như hiện nay nhưng tình hình bội chi ngân sách nếu không phải ở trung ương thì ở các địa phương vẫn còn liên tục tiếp diễn và dường như ngày càng tăng cao.
Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây vào năm 2013, 2014 là đỉnh điểm của bội chi ngân sách trung ương, lúc đó bội chi tới 9% so với kế hoạch đề ra, bây giờ ngân sách của một số địa phương đã bội chi rất cao, có thể lên tới gần 20%.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện ở Na Uy thì cho rằng mục tiêu của đề án trên rất khó được thực hiện. Ông nói :
Chúng ta muốn đạt mục tiêu thì chúng ta thử xemcác nước phát triển có tỷ lệ không dùng tiền mặt như thế nào. Chúng ta thấy có ba nước trên thế giới hiện nay được xếp hạng về người dân không dùng tiền mặt nhiều nhất đó là Canada, Anh và Thụy Điển. Tổng số giao dịch mà không dùng tiền mặt chỉ gần 60% và chỉ 40% dùng tiền mặt. Việt Nam đặt mục tiêu 10% dùng tiền mặt còn phần còn lại dùng cách thanh toán khác thì đó là một mục tiêu có thể nói là rất khó đạt được trong ngắn hạn.
Dân vẫn xài tiền mặt
Theo tổng kết của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) năm 2017 thì thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt với tỉ trọng ở mức 94% trong những năm gần đây.
Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM. AFP
Điều này cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt vẫn rất cao từ nông thôn cho đến thành thị vì nhiều lý do. Thứ nhất là do thói quen của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn dùng tiền mặt, thứ hai là muốn sử dụng thẻ thay tiền mặt thì phải đồng bộ giữa bên mua và bên bán, chứ bên mua muốn trả thẻ mà bên bán không chấp nhận hay ngược lại thì giao dịch cũng không thành.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với RFA rằng chuyện không dùng tiền mặt và chuyển sang dùng thẻ tùy thuộc rất lớn vào thói quen cũng như cơ sở hạ tầng trong việc bảo đảm việc thực thi dùng tiền mặt ví dụ như người dân có thẻ ngân hàng hay không và các cửa hàng có nhận thẻ hay không nữa. Ông nói thêm về yếu tố mà người làm chính sách phải tính đến khi muốn thúc đẩy người dân trong việc ít thanh toán bằng tiền mặt.
Phải có động lực để những cửa hàng chấp nhận thanh toán không thông qua tiền mặt. các hiện hàng hiện nay thích thanh toán tiền mặt hơn bởi thanh toán tiền mặt thì họ có thể lách thuế, họ lại có tiền ngay lập tức. Nếu thanh toán qua mạng hay thẻ thì họ phải đợi một vài ngày tiền mới vô tài khoản.và lượng tiền đó lại bị theo dõi, bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các cơ quan của chính phủ khi báo cáo thuế chẳng hạn.
Anh Trịnh Bá Tư hiện sống ở tỉnh miền núi Hòa Bình cho chúng tôi biết :
Ở nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt.
Còn ở những thành phố lớn thì tình hình có khác hơn một chút vì có những siêu thị lớn, những trung tâm thương mại khang trang chấp nhận các giao dịch bằng thẻ, nhưng để người dân có thể chi tiêu tại những trung tâm thương mại này thì mức sống người dân phải cao, chứ với mức lương công nhân hiện nay thì làm sao họ có thể mua sắm tại những nơi như thế. Và chuyện công nhân nhận lương qua tài khoản ngân hàng nhưng phải rút tiền mặt để xài là một nỗi khổ khác. Chị Phương hiện sống ở sài Gòn cho biết thêm :
Mới trong khoảng 7 năm nay là chuyển thẻ hết. Ngân hàng yêu cầu chuyển lương cho công nhân qua thẻ. Công ty cho mỗi người 50 ngàn để mở thẻ rồi chuyển trực tiếp vô đó. Tội công nhân lắm vì tới tháng lãnh lương phải xếp hàng dài, đông khủng khiếp mấy chục người một lần mà mấy cây rút tiền không đủ tiền để rút.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc thanh toán bằng thẻ sẽ không thể thực hiện được vì Việt Nam hiện đang ngổn ngang giữa một xã hội của người giàu, người trung bình thấp và nghèo. Tỷ lệ người giàu và trung lưu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% trong khi tỷ lệ người thu nhập tương đối thấp và nghèo thì còn rất cao. Áp dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ thì chỉ có thể áp dụng trong những siêu thị hoặc những trung tâm thương mại cao cấp, chứ làm sao có thể áp dụng ở những khu vực chợ bán lẻ, kể cả chợ bán buôn.
Anh Trịnh Bá Tư nói rằng các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều chính sách nhưng thực tế đều phải bỏ đi vì không thể thực hiện được. Anh chia sẻ :
Với hiểu biết của bản thân em thì đề xuất đó tính khả thi rất thấp vì thực tế thì ở nơi em sống và những người em biết thì chỉ có công ty trả tiền cho công nhân qua thẻ, còn sinh hoạt đời thường của người dân từ buôn bán, chợ búa đều dùng tiền mặt. Nếu chuyển sang dùng thẻ thì yêu cầu về công nghệ và nhiều thay đổi khác nên em nghĩ trước mắt chưa thể thực thi được.
Ngoài việc người dân có thói quen xài tiền mặt thì các vụ mất tiền trong tài khoản ATM thời gian qua mà truyền thông trong nước đưa tin cũng là một trong những lý do khiến người dân không muốn để tiền trong ngân hàng, và chuyện xài tiền mặt không thể giảm được trong tương lai gần.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 11/10/2018