Đề án không dùng tiền mặt
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Một nhân viên ngân hàng đang đếm tiền. AFP
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người có học vị Tiến sĩ kinh tế cho rằng đưa ra một tiêu chuẩn giảm chỉ còn 10% như vậy thì đó là một điều gần như không tưởng và có thể còn một ẩn ý trong đó là hợp thức hóa cho việc đổi tiền. Ông nói :
Xét về lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường và xã hội thì trong 10 năm qua Việt Nam in tiền quá nhiều. Bằng chứng là vào năm 2008 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay chỉ có 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 đã lên tới 7 triệu tỷ đồng, tức là gấp khoảng 2,5 lần. Và với mức độ tăng trưởng tín dụng như vậy thì có nghĩa là một năm Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước đã phải in từ 400 ngàn đến 500 ngàn tỷ đồng.
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền.
Ông nói thêm rằng với tình hình hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước không những không thể thu tiền về mà càng phải bung tiền ra, thậm chí phải in thêm tiền để bù đắp cho bội chi ngân sách, bù đắp cho rất nhiều khoản chi không nằm trong kế hoạch. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù với lượng tiền mặt lưu thông nhiều khủng khiếp như hiện nay nhưng tình hình bội chi ngân sách nếu không phải ở trung ương thì ở các địa phương vẫn còn liên tục tiếp diễn và dường như ngày càng tăng cao.
Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây vào năm 2013, 2014 là đỉnh điểm của bội chi ngân sách trung ương, lúc đó bội chi tới 9% so với kế hoạch đề ra, bây giờ ngân sách của một số địa phương đã bội chi rất cao, có thể lên tới gần 20%.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện ở Na Uy thì cho rằng mục tiêu của đề án trên rất khó được thực hiện. Ông nói :
Chúng ta muốn đạt mục tiêu thì chúng ta thử xemcác nước phát triển có tỷ lệ không dùng tiền mặt như thế nào. Chúng ta thấy có ba nước trên thế giới hiện nay được xếp hạng về người dân không dùng tiền mặt nhiều nhất đó là Canada, Anh và Thụy Điển. Tổng số giao dịch mà không dùng tiền mặt chỉ gần 60% và chỉ 40% dùng tiền mặt. Việt Nam đặt mục tiêu 10% dùng tiền mặt còn phần còn lại dùng cách thanh toán khác thì đó là một mục tiêu có thể nói là rất khó đạt được trong ngắn hạn.
Dân vẫn xài tiền mặt
Theo tổng kết của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) năm 2017 thì thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt với tỉ trọng ở mức 94% trong những năm gần đây.
Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM. AFP
Điều này cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt vẫn rất cao từ nông thôn cho đến thành thị vì nhiều lý do. Thứ nhất là do thói quen của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn dùng tiền mặt, thứ hai là muốn sử dụng thẻ thay tiền mặt thì phải đồng bộ giữa bên mua và bên bán, chứ bên mua muốn trả thẻ mà bên bán không chấp nhận hay ngược lại thì giao dịch cũng không thành.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với RFA rằng chuyện không dùng tiền mặt và chuyển sang dùng thẻ tùy thuộc rất lớn vào thói quen cũng như cơ sở hạ tầng trong việc bảo đảm việc thực thi dùng tiền mặt ví dụ như người dân có thẻ ngân hàng hay không và các cửa hàng có nhận thẻ hay không nữa. Ông nói thêm về yếu tố mà người làm chính sách phải tính đến khi muốn thúc đẩy người dân trong việc ít thanh toán bằng tiền mặt.
Phải có động lực để những cửa hàng chấp nhận thanh toán không thông qua tiền mặt. các hiện hàng hiện nay thích thanh toán tiền mặt hơn bởi thanh toán tiền mặt thì họ có thể lách thuế, họ lại có tiền ngay lập tức. Nếu thanh toán qua mạng hay thẻ thì họ phải đợi một vài ngày tiền mới vô tài khoản.và lượng tiền đó lại bị theo dõi, bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các cơ quan của chính phủ khi báo cáo thuế chẳng hạn.
Anh Trịnh Bá Tư hiện sống ở tỉnh miền núi Hòa Bình cho chúng tôi biết :
Ở nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt.
Còn ở những thành phố lớn thì tình hình có khác hơn một chút vì có những siêu thị lớn, những trung tâm thương mại khang trang chấp nhận các giao dịch bằng thẻ, nhưng để người dân có thể chi tiêu tại những trung tâm thương mại này thì mức sống người dân phải cao, chứ với mức lương công nhân hiện nay thì làm sao họ có thể mua sắm tại những nơi như thế. Và chuyện công nhân nhận lương qua tài khoản ngân hàng nhưng phải rút tiền mặt để xài là một nỗi khổ khác. Chị Phương hiện sống ở sài Gòn cho biết thêm :
Mới trong khoảng 7 năm nay là chuyển thẻ hết. Ngân hàng yêu cầu chuyển lương cho công nhân qua thẻ. Công ty cho mỗi người 50 ngàn để mở thẻ rồi chuyển trực tiếp vô đó. Tội công nhân lắm vì tới tháng lãnh lương phải xếp hàng dài, đông khủng khiếp mấy chục người một lần mà mấy cây rút tiền không đủ tiền để rút.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc thanh toán bằng thẻ sẽ không thể thực hiện được vì Việt Nam hiện đang ngổn ngang giữa một xã hội của người giàu, người trung bình thấp và nghèo. Tỷ lệ người giàu và trung lưu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% trong khi tỷ lệ người thu nhập tương đối thấp và nghèo thì còn rất cao. Áp dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ thì chỉ có thể áp dụng trong những siêu thị hoặc những trung tâm thương mại cao cấp, chứ làm sao có thể áp dụng ở những khu vực chợ bán lẻ, kể cả chợ bán buôn.
Anh Trịnh Bá Tư nói rằng các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều chính sách nhưng thực tế đều phải bỏ đi vì không thể thực hiện được. Anh chia sẻ :
Với hiểu biết của bản thân em thì đề xuất đó tính khả thi rất thấp vì thực tế thì ở nơi em sống và những người em biết thì chỉ có công ty trả tiền cho công nhân qua thẻ, còn sinh hoạt đời thường của người dân từ buôn bán, chợ búa đều dùng tiền mặt. Nếu chuyển sang dùng thẻ thì yêu cầu về công nghệ và nhiều thay đổi khác nên em nghĩ trước mắt chưa thể thực thi được.
Ngoài việc người dân có thói quen xài tiền mặt thì các vụ mất tiền trong tài khoản ATM thời gian qua mà truyền thông trong nước đưa tin cũng là một trong những lý do khiến người dân không muốn để tiền trong ngân hàng, và chuyện xài tiền mặt không thể giảm được trong tương lai gần.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 11/10/2018
Đổi tiền để chống lạm phát : Dân Venezuela hoang mang
"Lạm phát năm nay có thể lên đến một triệu phần trăm, muốn mua xăng giá bao cấp phải trình "Sổ yêu nước". Từ đồng "bolivar mạnh" đổi sang đồng "bolivar giữ vững chủ quyền", bỏ đi năm số 0. Đồng tiền mới tương đương với "100.000 bolivar mạnh", kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018. Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong bốn ngày để đổi tiền, gây hoang mang trong dân chúng".
Con gà bày bán trong một chợ nhỏ ở Caracas ngày 16/08/2018 có giá 14.600.000 bolivar. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Các gia đình hai miền Triều Tiên bị chia cắt được hội ngộ, Hy Lạp lại có được chủ quyền về tài chính sau tám năm khủng hoảng, cuộc đời và sự nghiệp cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay.
Liên quan đến Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nhận xét "Người Venezuela khủng hoảng vì những cải cách của ông Maduro". Nhiều biện pháp của chính phủ đưa ra bị phản đối, cũng như việc phát hành tiền mới.
Từ "bolivar mạnh" đổi sang "bolivar chủ quyền"
"Tôi muốn đất nước lành bệnh, tôi có phương thuốc, hãy tin tôi". Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm thứ Sáu 17/08/2018 để loan báo về "hệ thống mới về kinh tế của Venezuela". Người kế nhiệm Hugo Chavez cố vẫy vùng để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng tuy các biện pháp được loan báo rất quy mô, thì phương tiện để thực hiện vẫn hết sức mơ hồ.
Bên cạnh đó là việc đổi tiền. Venezuela chuyển từ đồng "bolivar mạnh" sang đồng "bolivar giữ vững chủ quyền". Đồng tiền mới được bỏ đi năm số 0, một "bolivar chủ quyền" tương đương với "100.000 bolivar mạnh", kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018. Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong bốn ngày để đổi tiền, gây hoang mang trong dân chúng.
Nhà nghiên cứu Paula Vasquez của CNRS giải thích : "Người dân muốn rút tiền từ hôm thứ Năm 16/8 để mua những thứ cần thiết cho cuối tuần. Tôi thấy những hàng người dài hơn một cây số trước các ngân hàng. Nhưng số tiền rút được tối đa là 100.000 bolivar, còn chưa đủ để mua vé xe buýt trở về nhà". Lạm phát năm nay có thể lên đến một triệu phần trăm, và ông Maduro còn loan báo muốn mua xăng giá bao cấp phải trình "Sổ yêu nước".
Không "yêu nước" không được mua xăng trợ giá
"Sổ yêu nước" có giá trị như thẻ căn cước, dùng để mua nhu yếu phẩm theo giá bao cấp, được xác nhận theo mỗi kỳ bầu cử và không phải người dân Venezuela nào cũng có. Giá một lít xăng bán theo sổ chưa tới hai xu theo đô la Mỹ, còn nếu không có "Sổ yêu nước" giá trung bình lên đến 1,16 đô la. Hiện nay giá xăng ở Venezuela rẻ một cách kỳ lạ. Bà Vasquez cho biết vì quá rẻ nên khi đổ xăng khó tìm ra tiền mệnh giá thấp để trả, có lần người bán đã cho không.
Tổng thống Maduro cũng loan báo tăng lương tối thiểu từ 3 triệu "bolivar mạnh" sang 1.800 "bolivar chủ quyền", tức 6.000%. Đồng tiền ảo petro dựa trên giá một thùng dầu thô được lập ra hồi đầu năm, được ấn định là 3.800 "bolivar chủ quyền". Chính phủ cũng nhìn nhận giá trị thực của đồng tiền so với chợ đen, cho giảm giá 96%, hứa hẹn không thâm hụt thuế khóa.
Các đảng đối lập Primero Justicia, Voluntad Popular và Causa R kêu gọi tổng đình công và bất tuân dân sự vào ngày 21/8 để chống lại kế hoạch của chính phủ. Theo họ, đó chỉ là "một tổng thể các biện pháp hổ lốn, càng làm tăng thêm khủng hoảng" ; cho rằng việc tăng lương sẽ làm cho hàng triệu công ty phải đóng cửa. Người dân Venezuela tự hỏi bao giờ mới đổi tiền, vì chưa ai thấy tờ giấy bạc mới ra sao cả, thậm chí nghi ngờ tiền còn chưa được in ra.
Các nước láng giềng lao đao vì khủng hoảng Venezuela
Nhà phân tích Luis Vicente Leon cho biết không lạc quan trước mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng ghi nhận rốt cuộc chính quyền cũng đã công nhận sự hiện diện của đô la chợ đen và sự quan trọng của thị trường. Chuyên gia Siobhan Mordel trên Les Echos thì cho rằng việc giảm trợ giá xăng và xác định lại giá trị đồng tiền là hướng tốt, nhưng không giúp Venezuela trả được nợ trái phiếu.
Chỉ riêng trong năm nay có 440.000 người Venezuela phải chạy sang Colombia để kiếm sống. Nhưng Le Figaro nhắc nhở, cuộc khủng hoảng Venezuela bắt đầu đè nặng lên các nước láng giềng. Tại Brazil hôm thứ Bảy 18/8, những cuộc đụng độ đã nổ ra ở Pacariuma (bang Roraima) giữa dân địa phương và người tị nạn Venezuela. Cư dân đã buộc người tị nạn phải quay về nước, sau khi đốt những thùng carton mà họ dùng làm nơi trú ngụ trên đường phố, lý do là bốn người Venezuela đã tấn công một người bán hàng để trộm cắp. Cũng từ hôm thứ Bảy, Ecuador buộc phải trình hộ chiếu để qua biên giới.
Dù giá dầu tăng (chiếm 95% nguồn thu nhập của Venezuela) nhưng sản xuất công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty tư nhân sợ bị quốc hữu hóa và bị kiểm soát giá cả, đã giảm tối đa sản xuất. Nhưng theo Les Echos, chính phủ Venezuela tiếp tục đổ cho "các thế lực thù địch" đã tiến hành "chiến tranh kinh tế" làm cho vật giá tăng lên.
Triều Tiên : Sáu giờ gặp gỡ sau nửa thế kỷ đợi chờ
Tại Châu Á, La Croix nói về "Các gia đình hai nước Triều Tiên sẽ có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi", còn Libération trích câu nói của một người Hàn Quốc sẽ được gặp anh ruột ở miền Bắc "Tôi biết rằng chúng tôi gặp nhau lần này là lần cuối".
Ông Lee Soo Nam, 77 tuổi cho Libération biết : "Tôi chuẩn bị một ít quà như dụng cụ điện gia đình, mỹ phẩm, những tấm ảnh cũ… và vì anh tôi đã lớn tuổi rồi, nên thêm thực phẩm chức năng". Ông là một trong số 93 người Hàn Quốc bị chia cắt với thân nhân từ gần 60 năm qua, sẽ gặp 88 thành viên gia đình ở Bắc Triều Tiên từ ngày 20 đến 26/8.
Theo La Croix, những người ruột thịt ở hai miền chỉ được tiếp xúc với nhau trong hai bữa ăn, và có hai tiếng đồng hồ để hàn huyên. Tổng cộng là sáu tiếng đồng hồ sau nửa thế kỷ chờ đợi, và họ biết rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa trong đời.
Vị đắng của lần gặp cuối trong cuộc đời
Libération dẫn số liệu của bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết, từ 1998 đến nay có 132.114 người đăng ký xin gặp người thân ở Bắc Triều Tiên, nhưng nay chỉ còn 57.000 người trong số đó còn sống. Máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên, và theo Hồng thập tự Hàn Quốc, thì tỉ lệ được chọn là 1/569. Tuy nằm trong số những người may mắn này, nhưng ông Lee tâm sự : "Niềm vui xen lẫn nỗi buồn ly biệt. Chúng tôi đều đã già, đây là lần cuối cùng gặp nhau".
Ông Jae Eun Jung, Hội Hồng thập tự nhìn nhận theo với thời gian, đa số những người "trúng số" đều cảm thấy vị đắng, vì người thân mà họ muốn gặp thường đã qua đời. Rốt cuộc họ chỉ gặp con cháu, những người mà họ chỉ biết sơ qua hoặc chưa hề biết mặt. Cụ Kim Seon Gu, 87 tuổi kể lại, tất cả thành viên trong gia đình đã chết, cụ chỉ gặp được hai em trai hồi chia đôi đất nước mới 4 và 7 tuổi, chẳng có kỷ niệm nào chung.
Đối với Sim Gu Seop, chủ tịch Hiệp hội các gia đình Triều Tiên bị chia cắt, địa điểm gặp gỡ không còn quan trọng nữa. Ông mong rằng các gia đình ở hai miền có thể trao đổi thư từ và nhìn được mặt người thân qua smartphone. "Nhiều người đã qua đời rồi, không còn mấy thời gian nữa".
Kofi Annan, tông đồ hòa bình lạc lõng trong thế kỷ 21
Một nhân vật vừa khuất núi được tất cả các báo vinh danh : cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. "Kofi Annan, cái chết của một tông đồ hòa bình" (Le Figaro), "Lương tâm của Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan qua đời" (Les Echos), "Kofi Annan, một cuộc đời chiến đấu cho hòa bình" (La Croix), "Kofi Annan, nhà ngoại giao của một thời kỳ đã qua" (Libération).
Theo Libération, cùng với sự ra đi của ông Kofi Annan, là sự biến mất của một cung cách ngoại giao lịch sự, lặng lẽ, tôn trọng cả tập thể và cá nhân, niềm tin vào thương lượng và chủ nghĩa đa phương. Nói chung, là tin vào năng lực của con người đấu tranh với những xu hướng xấu. Ông là hiện thân cho sự hoàn hảo của tổ chức mà ông đã lãnh đạo từ năm 1997 đến 2006.
Đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền và hòa bình, ông Kofi Annan là nhà ngoại giao của cuối thế kỷ 20, lạc lõng trong cơn bão cuồng điên của đầu thế kỷ 21. Ông qua đời ở tuổi 80, vào lúc Liên Hiệp Quốc yếu hơn bao giờ hết, trước những ích kỷ dân tộc chủ nghĩa, xu hướng cực đoan và ý hướng tự khép kín.
Giải Nobel hòa bình 2001 là người đầu tiên báo động về hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên và bất bình đẳng xã hội – hai vết thương của thế giới hiện đại. Kofi Annan tâm đắc câu châm ngôn của tổng thống Mỹ Harry Truman : "Trách nhiệm của các Nhà nước lớn là phục vụ chứ không phải thống trị các dân tộc" - một công thức chưa bao giờ xa rời thực tế như bây giờ.
Hy Lạp sang trang mới nhưng nhiều giấc mơ đã tan vỡ
Trên lãnh vực kinh tế, "Hy Lạp sang trang mới, không còn bị giám hộ về tài chính", là tựa đề bài viết của Le Figaro. "Hy Lạp rốt cuộc cũng được vực dậy sau tám năm cầm cự", nhận định của Les Echos. Tuy nhiên các báo đều cho rằng tương lai hãy còn nhiều bất định, và cái giá phải trả về kinh tế cũng như xã hội cho chương trình thắt lưng buộc bụng trong thời gian qua là khá cao.
Trong bài "Hy Lạp, sau giảm phát là trầm cảm", Libération nhận xét, trong khi thủ tướng Alexis Tsipras vui mừng vì đất nước ra khỏi chương trình trợ giúp của Châu Âu, người dân Hy Lạp vẫn bi quan. Hưu bổng ở mức tối thiểu, lớp trẻ di cư đi các nước, tỉ lệ sinh đẻ ở mức thấp nhất Châu Âu… những chỉ số xã hội là đáng báo động.
Khoảng 300.000 đến 500.000 trên tổng số 10 triệu dân Hy Lạp đã bỏ đất nước ra đi từ năm 2010, chủ yếu là những thanh niên dưới 25 tuổi. Phân nửa trong số 900.000 công ty có dưới 10 nhân viên đã đóng cửa ; tỉ lệ thất nghiệp từ 10% tăng lên gần 28% trong năm 2013, nay đã giảm dưới mức 20% nhưng số người trẻ không có việc làm lại tăng gấp đôi. Chỉ có 8% người thất nghiệp được hưởng trợ cấp, những người khác phải sống nhờ gia đình hoặc bán đi tài sản với giá rẻ mạt.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng tiêu thụ thuốc tâm thần tăng lên 35 lần, thuốc an thần tăng 19 lần, thuốc chống trầm cảm tăng 11 lần. Nhiều người thấy giấc mơ của mình tan vỡ : một phụ nữ, chủ một công ty địa ốc sắp đóng cửa được Libération hỏi chuyện cho biết phải quay về nhà cha mẹ, người yêu sang nước khác kiếm sống, dự tính cưới hỏi và sinh con phải hoãn lại không biết đến bao giờ. Cô kết luận : "Đất nước đã trở thành siêu thị cho người nước ngoài đến mua bất động sản, còn chúng tôi thành lao động giá rẻ".
Thụy My
Dư luận Việt Nam thời gian gần đây nóng lên vì tin đồn đổi tiền với giá trị giảm 1000 lần, tức là 100.000 VND sẽ đổi lấy 100 VND.
Sẽ có đổi tiền hay không ?
Chưa biết sự tình thế nào nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng lên tiếng trấn an là không có chuyện đổi tiền và đồng thời yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, truy tìm kẻ tung tin đổi tiền.
Điều đầu tiên có thể thấy được qua vụ tung tin đồn đổi tiền đó là sự mong manh và thụ động của chính quyền Việt Nam. Niềm tin của dân chúng Việt Nam vào những tin đồn (thất thiệt) như vậy luôn được quan tâm và chia sẻ rộng rãi bất chấp sự trấn an của nhà nước.
Sẽ có đổi tiền hay không ? Theo nhận định của chúng tôi thì có lẽ là không. Với mức lạm phát trung bình cỡ 20-30% mỗi năm hiện nay trên thực tế (còn trên báo cáo của chính phủ thì mỗi năm lạm phát vào khoảng 5%) Việt Nam không có lý do gì để đổi tiền. Năm 1978 và 1986 đổi tiền là vì lạm phát lúc đó lên đến 700 %.
Một lý do nữa khiến chính quyền Việt Nam không đổi tiền trong lúc này là vì nó sẽ lập tức gây ra hỗn loạn. Chúng ta đều biết là quan hệ giữa người dân Việt Nam và chính quyền Việt Nam không có gì là tốt đẹp. Mối quan hệ đó không phải dựa trên sự chính danh (khi chính quyền được người dân bầu chọn) mà dựa trên sức mạnh và sự áp đặt của đảng cộng sản Việt Nam.
Bất cứ một sự thay đổi nào, trong mọi chính sách liên quan đến cuộc sống của người dân từ phía chính quyền đều nhanh chóng bị người dân lợi dụng và thao túng để trục lợi hoặc phao tin làm xói mòn đi sự chính đáng của nhà nước.
Như vậy ai là người tung tin đổi tiền ? Tất nhiên đó là những thế lực có lợi nhất khi có tin đồn đổi tiền . Thế lực hay nhóm lợi ích đó là ai ? Không khó để nhận thấy rằng có ít nhất ba nhóm lợi ích có lợi khi người dân hoảng hốt trước tin đồn đổi tiền đó là nhóm đầu cơ Vàng, USD, Bất động sản và có thể là chứng khoán.
Khi hoang mang bởi tin đồn đổi tiền và bị ám ảnh với quá khứ đổi tiền mang đậm tính cướp bóc của nhà nước thì người dân sẽ rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng về và đầu tư vào ba mặt hàng tương đối "đảm bảo" đó là vàng, USD và bất động sản.
Ba mặt hàng "chiến lược" này đều tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Giá vàng tại Việt Nam chênh lệch so với thế giới khoảng 5 triệu đồng VND mỗi lượng, USD đã vượt mốc 23.000 VND, bất động sản tại Hà Nội và Sài Gòn đều tăng giá mạnh, trung bình khoảng 30% (thậm chí ở Sài Gòn nhiều khu vực đã tăng giá 100%).
Hệ quả hay hậu quả của việc tăng giá Vàng, USD và bất động sản đối với nền kinh tế Việt Nam vốn đã ốm yếu lại càng thêm nghiêm trọng. Không ai còn nghĩ đến chuyện đầu tư sản xuất hay kinh doanh. Tất cả đều lo giữ và bảo quản cho đồng vốn của mình không bị thất thoát. Khi đồng vốn bị rút khỏi thị trường và hệ thống kinh doanh thì tiền mặt sẽ trở nên khan hiếm. Hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn vì công việc sản xuất và kinh doanh sẽ bị trì trệ, thậm chí nhiều cơ sở sản xuất sẽ dừng hoạt động. Sức mua của người dân sẽ giảm sút nghiêm trọng vì tâm lý hoang mang, lo lắng. Tết này sẽ là một cái Tết ảm đạm.
Một nền kinh tế được xem là ổn định và phát triển khi người dân tập trung đầu tư cho sản xuất và kinh doanh chứ không phải đem tiền đầu tư cho Vàng, USD và bất động sản. Đang có một hiện tượng bất bình thường là các ngân hàng bị ứ đọng tiền mặt VND. Các ngân hàng phải tìm mọi cách để giải ngân mà không được. Người cần tiền thì không muốn vay vì không thể sản xuất và kinh doanh trong tình hình bất ổn như hiện nay.
Ai cũng biết rõ một điều là chính phủ Việt Nam đang bị thất thu ngân sách trầm trọng. Trong 9 tháng của năm 2016 chính phủ Việt Nam đã vay nợ tới 16 tỉ USD từ nước ngoài và từ dân chúng trong nước qua việc phát hành các loại trái phiếu chính phủ và từ Quĩ bảo hiểm xã hội... Kế hoạch của chính phủ là sẽ vay nợ khoảng 20 tỉ USD trong năm 2016.
Lý do chính của việc nhà nước luôn bị thất thu ngân sách là do nạn tham nhũng. Tham nhũng khiến chính phủ thất thu thuế nghiêm trọng. Các doanh nghiệp thay vì nộp thuế cho nhà nước thì họ "đóng hụi chết" cho các quan chức nhà nước.
Nguồn ngân sách ít ỏi đó của Việt Nam phải dùng để nuôi ba bộ máy một lúc : Chính phủ, các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Nạn lãng phí như việc xây dựng các công trình vô bổ như nhà văn hóa, tượng đài…cũng gây thâm thủng nặng cho ngân sách. Một nguồn chi khổng lồ và thường xuyên nữa từ ngân sách là dùng để trả lương cho hai lực lượng, được gọi là "thanh kiếm và lá chắn" của chế độ tức là quân đội và công an. Lương bổng, chế độ và phụ cấp dành cho hai lực lượng đặc biệt này rất cao và vượt quá khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Nhiều cơ quan và xí nghiệp đã nợ lương của cán bộ công nhân viên hàng năm trời và không biết bao giờ mới có tiền để trả lương. Ví dụ, tỉnh Cà Mau đã nợ lương giáo viên lên đến 200 tỉ VND.
Các nguồn thu của chính phủ từ việc bán tài nguyên thô như dầu mỏ, quặng… đều bị hạn chế do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 vẫn chưa kết thúc. Nguồn thu chủ yếu hiện nay có lẽ là tiền thu thuế chuyển đổi đất nông nghiệp lên đất thổ cư ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cũng không mấy tiến triển do sự thiếu minh bạch và tình trạng tranh dành giữa các nhóm lợi ích với nhau.
Việc tung tin đổi tiền có lẽ cũng đến từ các nhóm lợi ích thân cận của chính phủ, hoặc là họ đã có được thông tin từ kế hoạch đổi tiền trong tương lai hoặc là chính họ tham mưu cho chính phủ rồi lại tung tin ra bên ngoài để trục lợi. Các nhóm lợi ích này này không khác gì các bầy kền kền đang sẵn sàng rỉa thịt chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Các nhóm lợi ích đang cố gắng làm chuyến tàu vét để chuồn trước khi con tàu đắm hẳn.
Điều đáng nói là não trạng và tư duy của chính quyền Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Vụ tổ chức quốc tang chủ tịch Cuba Fidel Castro là một ví dụ. Ý thức hệ cộng sản quyết định cho mọi chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Việt Nam. Việt Nam vẫn chọn Trung Quốc là vì cùng ý thức hệ. Quan hệ với Mỹ sẽ không thật lòng và không thực chất vì không cùng ý thức hệ.
Trong nước, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đàn áp và phá hoại các tổ chức chính trị đối lập kể cả những tổ chức ôn hòa nhất. Họ đang tự đóng đinh vào quan tài của chính mình khi chống lại mọi diễn biến hòa bình. Khi một đám đông cuồng nộ, không có người dẫn dắt và lãnh đạo, nổi giận thì một cuộc cách mạng đường phố bằng bạo lực sẽ nổ ra và sẽ san phẳng tất cả.
Cho dù tin đồn đổi tiền là thất thiệt thì hậu quả của nó vẫn là rất nghiêm trọng với nền kinh tế ốm yếu và có quá nhiều vấn đề như Việt Nam. Những tin đồn như thế này vẫn sẽ còn xuất hiện dài dài và gây hậu quả xấu cho chính phủ. Muốn dập tắt các tin đồn như vậy thì chỉ có cách duy nhất là tăng cường sự minh bạch và công khai trong các hoạt động của chính phủ và ngân hàng nhà nước. Thậm chí phải để ngân hàng nhà nước độc lập với chính phủ.
Vấn đề nào cũng có giải pháp, quan trọng là chính quyền Việt Nam không muốn và không thể thay đổi được hệ thống chính trị bảo thủ và toàn trị của mình. Không thay đổi chính trị thì không thể có bất cứ một giải pháp nào mang lại hiệu quả như mong muốn.
Việt Hoàng
(16/12/2016)