Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/01/2017

Ai tung tin đổi tiền ?

Việt Hoàng

Dư luận Việt Nam thời gian gần đây nóng lên vì tin đồn đổi tiền với giá trị giảm 1000 lần, tức là 100.000 VND sẽ đổi lấy 100 VND.

doitien1

Sẽ có đổi tiền hay không ?

Chưa biết sự tình thế nào nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng lên tiếng trấn an là không có chuyện đổi tiền và đồng thời yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, truy tìm kẻ tung tin đổi tiền.

Điều đầu tiên có thể thấy được qua vụ tung tin đồn đổi tiền đó là sự mong manh và thụ động của chính quyền Việt Nam. Niềm tin của dân chúng Việt Nam vào những tin đồn (thất thiệt) như vậy luôn được quan tâm và chia sẻ rộng rãi bất chấp sự trấn an của nhà nước.

Sẽ có đổi tiền hay không ? Theo nhận định của chúng tôi thì có lẽ là không. Với mức lạm phát trung bình cỡ 20-30% mỗi năm hiện nay trên thực tế (còn trên báo cáo của chính phủ thì mỗi năm lạm phát vào khoảng 5%) Việt Nam không có lý do gì để đổi tiền. Năm 1978 và 1986 đổi tiền là vì lạm phát lúc đó lên đến 700 %.

Một lý do nữa khiến chính quyền Việt Nam không đổi tiền trong lúc này là vì nó sẽ lập tức gây ra hỗn loạn. Chúng ta đều biết là quan hệ giữa người dân Việt Nam và chính quyền Việt Nam không có gì là tốt đẹp. Mối quan hệ đó không phải dựa trên sự chính danh (khi chính quyền được người dân bầu chọn) mà dựa trên sức mạnh và sự áp đặt của đảng cộng sản Việt Nam.

Bất cứ một sự thay đổi nào, trong mọi chính sách liên quan đến cuộc sống của người dân từ phía chính quyền đều nhanh chóng bị người dân lợi dụng và thao túng để trục lợi hoặc phao tin làm xói mòn đi sự chính đáng của nhà nước.

Như vậy ai là người tung tin đổi tiền ? Tất nhiên đó là những thế lực có lợi nhất khi có tin đồn đổi tiền . Thế lực hay nhóm lợi ích đó là ai ? Không khó để nhận thấy rằng có ít nhất ba nhóm lợi ích có lợi khi người dân hoảng hốt trước tin đồn đổi tiền đó là nhóm đầu cơ Vàng, USD, Bất động sản và có thể là chứng khoán.

Khi hoang mang bởi tin đồn đổi tiền và bị ám ảnh với quá khứ đổi tiền mang đậm tính cướp bóc của nhà nước thì người dân sẽ rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng về và đầu tư vào ba mặt hàng tương đối "đảm bảo" đó là vàng, USD và bất động sản.

Ba mặt hàng "chiến lược" này đều tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Giá vàng tại Việt Nam chênh lệch so với thế giới khoảng 5 triệu đồng VND mỗi lượng, USD đã vượt mốc 23.000 VND, bất động sản tại Hà Nội và Sài Gòn đều tăng giá mạnh, trung bình khoảng 30% (thậm chí ở Sài Gòn nhiều khu vực đã tăng giá 100%).

Hệ quả hay hậu quả của việc tăng giá Vàng, USD và bất động sản đối với nền kinh tế Việt Nam vốn đã ốm yếu lại càng thêm nghiêm trọng. Không ai còn nghĩ đến chuyện đầu tư sản xuất hay kinh doanh. Tất cả đều lo giữ và bảo quản cho đồng vốn của mình không bị thất thoát. Khi đồng vốn bị rút khỏi thị trường và hệ thống kinh doanh thì tiền mặt sẽ trở nên khan hiếm. Hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn vì công việc sản xuất và kinh doanh sẽ bị trì trệ, thậm chí nhiều cơ sở sản xuất sẽ dừng hoạt động. Sức mua của người dân sẽ giảm sút nghiêm trọng vì tâm lý hoang mang, lo lắng. Tết này sẽ là một cái Tết ảm đạm.

Một nền kinh tế được xem là ổn định và phát triển khi người dân tập trung đầu tư cho sản xuất và kinh doanh chứ không phải đem tiền đầu tư cho Vàng, USD và bất động sản. Đang có một hiện tượng bất bình thường là các ngân hàng bị ứ đọng tiền mặt VND. Các ngân hàng phải tìm mọi cách để giải ngân mà không được. Người cần tiền thì không muốn vay vì không thể sản xuất và kinh doanh trong tình hình bất ổn như hiện nay.

Ai cũng biết rõ một điều là chính phủ Việt Nam đang bị thất thu ngân sách trầm trọng. Trong 9 tháng của năm 2016 chính phủ Việt Nam đã vay nợ tới 16 tỉ USD từ nước ngoài và từ dân chúng trong nước qua việc phát hành các loại trái phiếu chính phủ và từ Quĩ bảo hiểm xã hội... Kế hoạch của chính phủ là sẽ vay nợ khoảng 20 tỉ USD trong năm 2016.

Lý do chính của việc nhà nước luôn bị thất thu ngân sách là do nạn tham nhũng. Tham nhũng khiến chính phủ thất thu thuế nghiêm trọng. Các doanh nghiệp thay vì nộp thuế cho nhà nước thì họ "đóng hụi chết" cho các quan chức nhà nước.

Nguồn ngân sách ít ỏi đó của Việt Nam phải dùng để nuôi ba bộ máy một lúc : Chính phủ, các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Nạn lãng phí như việc xây dựng các công trình vô bổ như nhà văn hóa, tượng đài…cũng gây thâm thủng nặng cho ngân sách. Một nguồn chi khổng lồ và thường xuyên nữa từ ngân sách là dùng để trả lương cho hai lực lượng, được gọi là "thanh kiếm và lá chắn" của chế độ tức là quân đội và công an. Lương bổng, chế độ và phụ cấp dành cho hai lực lượng đặc biệt này rất cao và vượt quá khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.

Nhiều cơ quan và xí nghiệp đã nợ lương của cán bộ công nhân viên hàng năm trời và không biết bao giờ mới có tiền để trả lương. Ví dụ, tỉnh Cà Mau đã nợ lương giáo viên lên đến 200 tỉ VND.

Các nguồn thu của chính phủ từ việc bán tài nguyên thô như dầu mỏ, quặng… đều bị hạn chế do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 vẫn chưa kết thúc. Nguồn thu chủ yếu hiện nay có lẽ là tiền thu thuế chuyển đổi đất nông nghiệp lên đất thổ cư ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cũng không mấy tiến triển do sự thiếu minh bạch và tình trạng tranh dành giữa các nhóm lợi ích với nhau.

Việc tung tin đổi tiền có lẽ cũng đến từ các nhóm lợi ích thân cận của chính phủ, hoặc là họ đã có được thông tin từ kế hoạch đổi tiền trong tương lai hoặc là chính họ tham mưu cho chính phủ rồi lại tung tin ra bên ngoài để trục lợi. Các nhóm lợi ích này này không khác gì các bầy kền kền đang sẵn sàng rỉa thịt chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Các nhóm lợi ích đang cố gắng làm chuyến tàu vét để chuồn trước khi con tàu đắm hẳn.

Điều đáng nói là não trạng và tư duy của chính quyền Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Vụ tổ chức quốc tang chủ tịch Cuba Fidel Castro là một ví dụ. Ý thức hệ cộng sản quyết định cho mọi chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Việt Nam. Việt Nam vẫn chọn Trung Quốc là vì cùng ý thức hệ. Quan hệ với Mỹ sẽ không thật lòng và không thực chất vì không cùng ý thức hệ.

Trong nước, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đàn áp và phá hoại các tổ chức chính trị đối lập kể cả những tổ chức ôn hòa nhất. Họ đang tự đóng đinh vào quan tài của chính mình khi chống lại mọi diễn biến hòa bình. Khi một đám đông cuồng nộ, không có người dẫn dắt và lãnh đạo, nổi giận thì một cuộc cách mạng đường phố bằng bạo lực sẽ nổ ra và sẽ san phẳng tất cả.

Cho dù tin đồn đổi tiền là thất thiệt thì hậu quả của nó vẫn là rất nghiêm trọng với nền kinh tế ốm yếu và có quá nhiều vấn đề như Việt Nam. Những tin đồn như thế này vẫn sẽ còn xuất hiện dài dài và gây hậu quả xấu cho chính phủ. Muốn dập tắt các tin đồn như vậy thì chỉ có cách duy nhất là tăng cường sự minh bạch và công khai trong các hoạt động của chính phủ và ngân hàng nhà nước. Thậm chí phải để ngân hàng nhà nước độc lập với chính phủ.

Vấn đề nào cũng có giải pháp, quan trọng là chính quyền Việt Nam không muốn và không thể thay đổi được hệ thống chính trị bảo thủ và toàn trị của mình. Không thay đổi chính trị thì không thể có bất cứ một giải pháp nào mang lại hiệu quả như mong muốn.

Việt Hoàng

(16/12/2016)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1049 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)