Soi sáng cách mạng công nghệ bằng tư tưởng Marx : Cuộc đấu tranh giai cấp 4.0 (RFA, 08/05/2018)
Tại sao lại là cách mạng công nghệ 4.0 ?
Trước hết, theo định nghĩa của các học giả, "cách mạng công nghệ" hàm chứa một sự thay đổi vô cùng to lớn, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật một cách toàn diện.
Karl Marx, người kiên định với định luật : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. AFP
Ba cuộc cách mạng công nghệ lớn của lịch sử loài người đã từng bước đưa nhân loại đến với một cuộc sống ngày càng tinh vi và hoàn thiện hơn. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước. Lần thứ hai, từ 1870, loài người phát minh ra động cơ điện. Điện thoại, Internet mà con người đang được sử dụng ngày nay chính là thành quả từ cuộc cách mạng lần thứ 3, từ 1969, con người phát minh ra điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau.
Và bây giờ, cách mạng công nghệ 4.0. Năm 2013, nước Đức là quốc gia đầu tiên sử dụng cụm từ này trong một báo cáo đề cập đến tương lai thế giới sẽ không cần dùng sức lao động của con người nữa, thay vào đó là những robot hoàn toàn được điều khiển bằng lập trình điện toán.
Mỗi một ngày, qua các bản tin về công nghệ kỹ thuật mới, có thể thấy thế giới đang dần tiến đến một xã hội mà trong đó, con người chỉ có "bấm nút ra hiệu lệnh", chỉ cần đưa suy nghĩ của mình đến vật thể khác để thực hiện thay.
Với tất cả những định nghĩa chung ấy, thì trong cuộc chạy đua tiến lên cách mạng 4.0 cùng với thế giới, Việt Nam quyết định sử dụng dùng ngọn đuốc tư tưởng Mác để soi sáng, có phù hợp hay không ?
Khập khiễng
Trả lời cho vấn đề này, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt nêu lên quan điểm của ông một cách khá mạnh mẽ.
"Đứng về mặt này thì ông Marx là ông dốt hoàn toàn. Không biết gì về khoa học cả. Nhân loại này tiến bộ là do nó tự sinh hoạt rồi nó tự cọ xát giữa các mặt đối lập và nó tự tìm đường của nó, chứ không có ai dám nghĩ ra 1 cái học thuyết cho nhân loại này cả".
Loài người, theo phân tích của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, loài người là một thể sống tự tiến hóa và vạch đường đi. Trên cơ sở đó, nhân loại rút ra các bài học và dần tiến hóa đến một xã hội ngày một cao hơn.
Động lực phát triển lịch sử theo bản chất của nó là sự thoả mãn của nhân loại về các nhu cầu của vật chất. Các nhu cầu ấy là bệ đỡ cho các cuộc cách mạng công nghệ từ lần thứ nhất đến nay. Thế nhưng, trong chủ nghĩa Mác – Lê từng tuyên bố rằng "Đoạn tuyệt 1 cách triệt để với các giá trị truyền thống".
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu hoàn toàn phản đối tư tưởng này. Ông cho rằng con người vốn dĩ tiến được từ chỗ thấp đến chỗ cao là do tích luỹ và gia tăng trí tuệ. Bản năng này chỉ có ở con người.
"Động vật không có. Vì động vật thì những kết quả thu được do bố mẹ không thể truyền được cho thế hệ sau. Nhưng ở loài người có ngôn ngữ, có tiếng nói, có chữ viết, nên kết quả của thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau. Cho nên thế hệ sau đứng được trên vai thế hệ trước để đi tiếp.
Định luật to nhất của Marx : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội là đã bậy rồi".
Với lý thuyết của Marx, "đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội". Nhưng với bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp ngày nay, động lực để phát triển xã hội là nhu cầu của sự hiện đại hóa, tối giản sức lao động của con người.
Suy diễn
Hơn thế nữa, trong sự tiến hóa của nhân loại không thể không đề cập đến giáo dục, nền tảng cơ bản tạo ra sự phát triển của loài người và xã hội. Tuy Marx là một học giả của thế kỷ 19, nhưng theo bài phân tích của nhà Triết học người Úc Peter Singer, cũng là Giáo sư khoa Đạo Đức Học ở Đại học Princeton, Melbourne nêu rõ về tư tưởng Marx, do nhà biên dịch Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ : "Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn : Cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người".
"Bài học quan trọng nhất rút ra từ quan điểm của Marx về lịch sử là một bài học tiêu cực : sự tiến hóa của các tư tưởng, tôn giáo, và các thể chế chính trị không độc lập với những công cụ mà chúng ta dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng không độc lập với những cấu trúc kinh tế mà chúng ta tổ chức xoay quanh những công cụ ấy, hay với những lợi ích kinh tế mà chúng tạo ra".
Cũng đồng quan điểm, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đã có những sự kết hợp không còn tương thích trong dòng chảy của lịch sử.
"Những vấn đề mà Marx đưa ra như lý thuyết thặng dư có giá trị sai lạc và phát triển thực tế ngày nay đã ra ngoài những gì Marx đã nghĩ tới, đã kiên định. Theo tôi lý thuyết Marx là 1 lý thuyết của thế kỷ 19. Qua thế kỷ 20 đến thế kỷ 20, những điều Marx đã sử dụng không còn ý nghĩa nữa. Những nghiên cứu về vô sản không còn giá trị nữa. Vì theo tôi nghĩ đâu phải công nhân mới là vô sản. Những người tri thức, học hành không có tài sản nhiều cũng là vô sản nhưng đây là những người có đầu tư về trí tuệ, họ có vốn liếng trí thức của mình.
Trong xã hội này, vốn trí thức rất là quan trọng".
Như thế, nếu tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Mác trong thời đại ngày nay để phù hợp với cách mạng khoa học công nghệ thì kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ như thế nào ?
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đó là sự suy diễn hoàn toàn và không dựa vào bất kỳ một logic khoa học nào cả.
"Mỗi thời kỳ có 1 lý luận của nó với những dữ kiện mới về khoa học kỹ thuật, về tiến hóa xã hội. Không thể suy diễn 1 lý thuyết cổ lổ sĩ qua thế kỷ 20 rồi, bây giờ đến thế kỷ 21, với 1 công nghệ mới hoàn toàn nằm ngoài cái mà Marx đã biết. Bây giờ mà sử dụng nó thì tôi nghĩ là một phép màu mà chỉ có những người thích suy diễn theo ý mình mới làm được".
Khẳng định sự tương thích hay không, thuận hay nghịch về quan điểm soi sáng cách mạng công nghệ 4.0 bằng tư tưởng của Marx, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói rằng theo ông, "Marx không có chỗ đứng trong một Hội nghị về khoa học".
Và câu hỏi đặt ra, nếu lý thuyết Marx được sử dụng để soi sáng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì phải chăng sẽ có cuộc đấu tranh giai cấp 4.0, giữa một bên là con người và một bên là "người" nhân bản ?
******************
Trung Quốc truyền bá tư tưởng cộng sản cho sinh viên hải ngoại (VOA, 08/05/2018)
Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đang mở rộng các hoạt động nhắm vào sinh viên Trung Quốc ở Mỹ và các quốc gia khác.
Ảnh tư liệu - Một hình ảnh về Đảng Cộng sản được tuyên truyền trong bộ phim tài liệu "Amazing China" được công chiếu ngày 22/03/2018 tại Viện Phim Quốc gia ở Bắc Kinh.
Đài Á Châu tự do (RFA) tường thuật rằng sự khuếch trương này là nỗ lực để giữ vững hệ tư tưởng của đảng cộng sản trong tâm trí công dân Trung Quốc du học ở nước ngoài và cũng là để tìm cách chống lại "những tư tưởng xấu" góp nhặt từ các nước có thể ảnh hưởng đến sinh viên Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cơ cấu tại những trường đại học ở hải ngoại theo cách tương tự như ở Trung Quốc, theo RFA. Những nỗ lực này là một phần của một chiến dịch tư tưởng được gọi là Mặt trận Thống nhất, nhằm đưa các nhóm người cụ thể vào đảng.
Tin nói các chi nhánh nước ngoài được dùng để truyền bá thông điệp tư tưởng của đảng trên toàn thế giới. Một chi nhánh như vậy đã được thành lập năm ngoái bởi các sinh viên Trung Quốc trong một chương trình trao đổi tại Đại học California Davis ở miền bắc California.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tại thành phố Đại Liên, loan báo trên trang web của mình rằng bảy sinh viên Trung Quốc đã thành lập chi nhánh đảng cộng sản tại trường đại học này.
Nhóm này - gồm các sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau - đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 11/2017, trang web này cho biết. Theo đó, cuộc họp đầu tiên tập trung vào việc dạy sinh viên cách chống lại "các loại ảnh hưởng tiêu cực" đối với suy nghĩ của họ trong lúc học tập ở nước ngoài.
Nhóm này dự kiến sẽ họp hai lần một tháng để nghiên cứu "tư duy tư tưởng mới nhất" của đảng cộng sản, tờ báo Ming Pao của Hồng Kông đưa tin. Tổ chức này cũng có mục đích cung cấp "sự giúp đỡ và quan tâm" cho sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài.
Một bài báo gần đây trên tờ Foreign Policy xuất bản ở Mỹ cho hay các chi nhánh Đảng cộng sản Trung Quốc được người Trung Quốc thiết lập tại các trường đại học ở một số tiểu bang Mỹ, bao gồm Illinois, Ohio, New York, Connecticut, Bắc Dakota và Tây Virginia.
Một chi nhánh đảng cộng sản được thành lập vào tháng 7 năm 2017 bởi một nhóm gồm chín sinh viên và giáo viên Trung Quốc từ Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc, bài báo nói.
Các sinh viên này đã tham gia vào một chương trình mùa hè tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Họ tổ chức các cuộc họp để thảo luận về các giáo lý của đảng và cung cấp "hướng dẫn tư tưởng" cho các sinh viên Trung Quốc, tờ Foreign Policy tường thuật.
Một bức ảnh của nhóm đã được đăng trên trang web của Đại học Huazhong cùng với một bài báo về các hoạt động của họ.
Tháng 10 năm ngoái, một tờ báo ở tỉnh Chiết Giang loan tin "các chi nhánh tạm thời" của đảng Cộng sản được thành lập ở Canada, Singapore và New Zealand.
Tờ Tin tức hàng ngày Chiết Giang cho biết các chi nhánh được thành lập bởi Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Yiwu để phục vụ các sinh viên ở hải ngoại. Mục tiêu của đảng là cung cấp các dịch vụ để giáo dục và quản lý sinh viên nước ngoài, tờ báo đưa tin.
Theo RFA, nhiều người trong số những vị điều hành các chi nhánh của đảng là các giáo viên Trung Quốc được đưa tới các trường đại học nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình trao đổi giáo dục.
Khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, theo ước tính của Viện Giáo dục Quốc tế, chiếm khoảng 35% trong số gần 1 triệu người nước ngoài đang du học tại Mỹ.
Tình báo Trung Quốc trên giảng đường Mỹ
Vào tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray thông báo với Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ rằng FBI đang điều tra về khả năng có các đặc vụ tình báo Trung Quốc trong các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Ông cho biết FBI đã theo dõi các "giáo sư, nhà khoa học và sinh viên" Trung Quốc đang học tập, nghiên cứu trên khắp nước Mỹ.
Ông Wray nói Trung Quốc sử dụng rất nhiều đặc vụ phi truyền thống thu thập tình báo và công nghệ, cả trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong các trường đại học. Ông Wray cho rằng nhiều quan chức đại học Mỹ không hề hay biết về các hoạt động này.
Ông Wray lưu ý rằng việc thu thập thông tin tình báo như vậy lợi dụng sự cởi mở trong nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại nhiều trường đại học Mỹ. Các viện này cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa cho sinh viên Mỹ. Trung Quốc nói chương trình được thiết kế để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Nhưng ông Wray cho biết FBI hiện đang theo dõi sự phát triển của các viện này và trong một số trường hợp đã thực hiện "các bước điều tra".
Một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Các học giả quốc gia có trụ sở tại Mỹ tố cáo các Viện Khổng tử giới hạn quyền tự do giáo dục và giảng dạy "một cái nhìn méo mó" về lịch sử và văn hóa Trung Quốc.
**********************
Học giả Việt Nam ca ngợi Trung Quốc vận dụng Chủ nghĩa Marx (VOA, 08/05/2018)
Một quan chức cao cấp của Việt Nam ca ngợi Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho phong trào chủ nghĩa xã hội toàn cầu bằng cách vận dụng chủ nghĩa Marx vào bối cảnh Trung Quốc, trong khi các blogger ở trong nước chỉ trích mô hình chủ nghĩa Marx "chỉ mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người". Các blogger đơn cử trường hợp Việt Nam là một trong các xã hội điển hình kiểu này.
Hôm 8/5, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của Karl Marx, Tân Hoa Xã trích câu trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói rằng : "Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã phát huy và bổ sung các lý thuyết của chủ nghĩa Marx, và tôi cho rằng những học thuyết này đã có nhiều đóng góp to lớn cho các phong trào cộng sản và xã hội chủ nghĩa của thế giới".
Ông Thảo nhận định rằng dựa trên học thuyết này, tư tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có ý nghĩa rất lớn, "không chỉ đối với công cuộc đổi mới và mở cửa của Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam".
Theo Tân Hoa Xã, ông Thảo còn nhấn mạnh rằng Việt Nam đang học tập các thực tiễn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Tư tưởng Tập Cận Bình.
Một số nhà bình luận và blogger Việt Nam đã phản bác những đóng góp của Chủ nghĩa Marx.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân : "Chủ nghĩa Marx được tung hô (ở các nước xã hội chủ nghĩa) là học thuyết cải tạo thế giới hoàn hảo… Vậy mà mọi mô hình áp dụng nó, từ Liên Sô đến Đông Âu, sang Mỹ Châu như Cuba và Venezuela, rồi Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, đều mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người".
Ông Philip Nguyễn, một người gốc Việt định cư tại Đức, nơi chủ nghĩa Marx được hình thành, viết trên Facebook : "Xét cho cùng, nếu chủ nghĩa Cộng sản ở Nga đã chính thức kết thúc vào năm 1991, thì người Trung Quốc cũng đã lặng lẽ từ bỏ nó và thay thế nó bằng một thương hiệu chủ nghĩa tư bản độc đáo của Trung Quốc. Còn các "đồng minh" cũ của Liên Xô cũng không chọn theo chủ nghĩa Cộng sản ngay khi họ giành được độc lập mà cái gọi là chủ nghĩa cộng sản theo tư tưởng vị lãnh tụ của nước họ".
Blogger Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa viết : "Không phải Marx, mà chính những kẻ núp bóng, dựa hơi ông đã và đang đày đọa Việt Nam".
Truyền thông Việt Nam trích bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh K. Marx (5/5/1818-5/5/2018), có đoạn : "Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong suốt 88 năm qua là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về giá trị bền vững, sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Marx-Lenin".