Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Con đường tơ lụa : Nước Ý cô độc trên võ đài Trung-Mỹ

Tổng thống Pháp có thể vượt qua khốn khó ? Ý chơi với Trung Quốc lợi hại như thế nào ? Chế độ tham ô ở Algeria là cội nguồn thúc đẩy giới trẻ xuống đường sang trang lịch sử. Vì sao Putin sẽ bỏ Al Assad ? Có nên tiếp tục nghe nhạc Michael Jakson hay không ? Đó là một số chủ đề trên các tạp chí cuối tuần tại Pháp.

y1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại dinh tổng thống Ý, Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019. Tiziana Fabi/Pool via Reuters

Bóng đen Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Châu Âu gây ra những phản ứng cảnh giác khác thường và sôi động chưa từng thấy : Bóng đen Trung Quốc trên bầu trời Châu Âu, tựa của tuần báo L’Obs. Nước Ý sẽ bị trả đũa nếu tham gia vào con đường tơ lụa, phân tích của một báo Ý La Republica được Courrier International trích dịch với tựa : Bắt tay với Bắc Kinh, Roma chọc giận Washington, từ lâu nay cực lực chống dự án địa chiến lược con đường tơ lụa.

Theo nhật báo trung tả, do vô tâm, chính quyền Ý đã leo lên võ đài quyền Anh nơi mà hai võ sĩ hạng nặng Mỹ- Trung đang chuẩn bị xáp chiến. Chắc chắn Ý sẽ trúng thương nếu bênh vực bên này hay bên kia. Ý vừa chọc giận đương kim vô địch là đồng minh Hoa Kỳ vừa bị Trung Quốc lợi dụng để tiến gần trung ương đầu não của khối tây phương. Bởi vì khác với Putin, muốn đẩy NATO càng xa biên giới Nga càng tốt, Tập Cận Bình tìm cách tiến sát đối thủ để chiếm thế độc tôn. Một khi chiếm được trung tâm võ đài, Trung Quốc hy vọng là các nước khác sẽ gia nhập theo.

Con đường tơ lụa mới chính là dự án điạ chiến lược, mở một vành đai với ba cột trụ : phát triển hạ tầng lập con đường hàng hải nối liền Châu Á, Châu Âu đến Châu Phi. Sau Hy Lạp, Bắc Kinh nhắm đến Ý được xem là những mục tiêu bị xem là dễ chiêu dụ nhất. Trung Quốc dùng lá bài đầu tư tài chính nhưng thật ra là để tạo ra một mạng lưới doanh nhân, cộng động Hoa kiều thân Bắc Kinh gây áp lực hành lang ủng hộ các dự án của Trung Quốc và nếu thấy cần hơn nữa thì sẽ xuất khẩu lao động. Cột thứ hai là xâm nhập vào guồng máy chính trị và định chế quốc gia của đối tác… thành viên NATO. Thứ ba là thiết lập một loạt căn cứ quân sự trên vành đai chiến lược : Djibouti nằm ngay yết hầu trục Ấn Độ-Thái Bình Dương dẫn đến Địa Trung Hải ngang qua kinh đào Suez là bước đầu trong kế hoạch.

Trâu bò húc nhau….

Do đó, La Repubblica cảnh báo : Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận cho Trung Quốc lấn sân chơi. Quân đội hai nước đã nghiên cứu rất kỹ kịch bản xảy ra xung đột quân sự trực diện. Chắc chắn một điều là Donald Trump sẽ trả đũa.

Trong bối cảnh tiền chiến tranh, áp giá thuế quan chỉ là một khía cạnh nhỏ, tham vọng của Trung Quốc bị bao vây tứ bề. Con đường tơ lụa là "mối đe dọa sinh tử" sau một thời gian bị xem thường. Washington sẵn sàng trả đũa một cách dữ dội và bất tương xứng nhất là nếu nước tham gia là một đồng minh.

Donald Trump đã đe dọa Đức và Ý sẽ giảm quan hệ tình báo trong vụ Hoa Vi. Nước Ý chỉ là một nước Đức nhỏ dưới mắt của Hoa Kỳ do vậy càng phải thận trọng. Donald Trump nói và sẽ làm nếu không sẽ mất uy tín với đồng minh và các đối thủ. Nếu Roma cho Trung Quốc lập kho hàng ở cảng Genova và Trieste, Mỹ sẽ chận lại và sẽ cho Ý một bài học nhất là qua trung gian các cơ quan thẩm định tài chính.

La Republica đưa ra hai giải pháp : trước hết phải khẩn cấp thành lập trung tâm chiến lược quốc gia, quyết định chính sách chung, chấm dứt tình trạng sứ quân địa phương hay cá nhân cam kết với ai tùy tiện, bất chấp an ninh quốc gia. Thứ hai, phải tương thân với Châu Âu mà cho đến nay, chính phủ dân túy không xem ra cái gì cả. Và cuối cùng, nước Ý có quyền chính đáng và bổn phận thu hút đầu tư nhưng không chỉ có đầu tư của Trung Quốc. Roma phải rút kinh nghiệm khôn ngoan của các thành viên NATO khác, hội ý trước với Mỹ, một lằn ranh vàng không vượt qua. Thời kỳ vô tư đã chấm dứt, tờ báo trung tả kết luận.

Cũng trong chiều hướng này, L’Obs, tuần báo Pháp thiên tả cảnh giác : lợi dụng tình trạng tê liệt của Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc đổ tiền vào các nước thành viên Balkan, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Bây giờ, đến phiên nước Ý. Không chỉ có Mỹ tức giận. Pháp và Đức cũng rất bực mình về chính sách của chính quyền Roma và tìm cách phản ứng chung nhưng có lẽ đã trễ.

Nhắc lại câu nói của Napoleon : "Hãy để Trung Hoa ngủ yên, vì nếu nó tỉnh dậy, thế giới sẽ rung chuyển", tác giả kêu gọi "Châu Âu phải thức dậy", thà trễ còn hơn là tiếp tục ngủ mê.

Algeria : Bouteflika hãy tự xét mình

Tình hình thế giới Ả Rập ra sao ? bài phân tích dài trên nhật báo đối lập El Watan ở Algeria khẳng định : Hoang phí tài nguyên, đặc quyền đặc lợi, tham ô toàn diện trong suốt bốn nhiệm kỳ của tổng thống Bouteflika tác hại đến kinh tế và tài chính quốc gia là cội nguồn của phong trào phản kháng của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ. Với khẩu hiệu "Các ông ăn hết đất nước" (Klitou lebled), giới trẻ xuống đường đòi sang trang lịch sử. Liberté cũng nhận định : sinh viên, học sinh Algeria muốn tự mình nắm vận mệnh và làm chủ đất nước.

Syria : Assad lo thân

Cũng trong khu vực, Courrier International tuyển chọn hai bài của truyền thông Liban. Bài thứ nhất của báo Daraj : Iran-Saudi Arabia, hai chế độ thù nghịch có điểm giống nhau là trấn áp các phụ nữ tranh đấu nhân quyền. Phụ nữ bị giam cầm không phải vì hành động của họ mà vì họ là phụ nữ tranh đấu.

Bài thứ hai của báo Al-Modon : Liệu tổng thống Syria Assad có thể bị Nga bỏ rơi. Tác giả lý giải : Iran và Nga sắp lãnh một loạt biện pháp trừng phạt mới. Không phải là chuyện tình cờ mà cuối tháng Hai, Assad bay qua Iran trong khi thủ tướng Israel sang thăm Nga. Trong khi Netanyahu kêu gọi Putin vận động cho tất cả lực lượng ngoại nhập rút khỏi Syria thì Assad khẳng định nhu cầu liên minh Iran- Syria.

Vì sao có hai kêu gọi mâu thuẫn này ? Để hiểu lý do, theo lập luận của Al-Modon, vào tháng 5 tới, Mỹ sẽ ban hành một loạt trừng phạt mới chống Iran : giảm lượng dầu khí xuất khẩu từ 4 triệu thùng mỗi này xuống còn một triệu. Đối với Nga, biện pháp trừng phạt mới đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhắm vào các đại xí nghiệp tham gia tái thiết tại Syria. Thật ra, các đại tập đoàn này đến Syria để khai thác tài nguyên như thực dân hơn là tái thiết. Cụ thể là Stroytransgaz, khai thác phosphate trong 50 năm, chia lời theo tỷ lệ Nga 70%, Syria 30%.

Tấn công vào các đại gia của Nga có hai cái lợi. Một là tác động đến kinh tế Nga và hai là gây chia rẽ giới thân cận của Putin với chủ nhân điện Kremlin. Trong năm 2018, gần 68 tỷ đô la bị tẩu tán, tăng hơn gấp đôi so với số liệu 2017. Giới doanh nghiệp cũng bớt hăng hái ủng hộ chính sách đối ngoại của Putin.

Nếu sau chiến thắng quân sự, Nga bị sa lầy tại Syria với một nền kinh tế suy yếu, liệu tổng thống Nga sẽ làm gì ? Bỏ Assad và thúc giục Iran rút quân ? Chế độ Hồi giáo phản ứng thế nào ? Một số nhà quan sát, theo nhật báo Liban, tin rằng Putin dùng Assad như món hàng mặc cả và sẽ bỏ tổng thống Syria khi có cơ hội. Ẩn số không phải là có hay không mà là lúc nào ?

Nga : cái giá phải trả cho Crimea và Syria

Vladimir, cố gắng thêm nào ? Đó là tựa bài bình luận về khả năng có giới hạn của tổng thống Nga trên Le Point : Năm 2018, nước Nga thành công củng cố uy thế đại cường nhưng đất nước ngày càng bị cô lập, người dân trả giá nặng cho chiến thắng quân sự. Tái đắc cử với 77% , kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm còn 4%, thất nghiệp thấp, 4%... Nỗ lực quốc phòng tạo ra một quân đội hùng mạnh, hệ thống tên lửa ấn tượng, chiến tranh phức hợp quân sự, chính trị, tuyên truyền hiệu quả… Thế nhưng, tổng thống Nga ngày càng cô độc.

Chiến thuật kích động tinh thần dân tộc và tố cáo Tây Phương can thiệp vào nội tình mất sức thuyết phục dân Nga đang túng nghèo vì nợ và nạn tham ô. Phẩm chất thực phẩm và thuốc men sụt giảm nghiêm trọng do chạy đua sản xuất bù đắp cấm vận kinh tế. Dân chúng bất bình vì thuế xăng dầu gia tăng như TVA từ 18% lên 20% cộng với phong trào chống ô nhiễm, tố cáo chính sách quản lý rác, biến nhiều địa phương thành bãi chứa đồ phế thải của thủ đô.

Nước Nga cũng đang chiến thắng chiến tranh lạnh vì chính sách rút chân của Donald Trump, bỏ ngỏ Đông Âu và Trung Đông. Với hệ thống chiến tranh mạng và guồng máy kiểm soát, định hướng công luận, Putin chắc chắn sẽ tiếp tục cầm quyền sau năm 2024. Nhưng quyền lực tuyệt đối một lần nữa ghi dấu thất bại trong cố gắng canh tân nước Nga.

Vô tình, tổng thống Nga đã chứng minh rằng triết gia Pháp Alexis de Tocqueville đã dự báo đúng tương lai hai nước Nga và Mỹ từ thế kỷ thứ 19 : Nước Mỹ chiến đấu chống sa mạc và sự man rợ, còn Nga chống lại nền văn minh với tất cả mọi vũ khí và quyền lực tập trung trong tay một người. Mỹ hành động với phương tiện chính yếu là tự do còn Nga bằng áp đặt phục tùng, Le Point kết luận.

Emmanuel Macron có bật lên được không ?

Tổng thống Pháp cũng bị đưa lên bàn cân phân tích. "Thiên tài lâm đại nạn" là tựa của bài bình luận trên Courrier International tổng hợp những ý kiến khác nhau của các đồng nghiệp quốc tế.

Hình ảnh Khải Hoàn Môn bị đập phá ngày 01 tháng 12 năm 2018 và những cuộc bạo động khác loan truyền trên các kênh truyền hình thế giới tạo ra một hình ảnh nước Pháp chẳng khải hoàn chút nào trong khi dân chúng khát khao cải cách.

Nhìn từ Luân Đôn, Financial Times khen ngợi những đề nghị táo bạo canh tân Châu Âu, tái cấu trúc không gian Schengen, củng cố một số thành viên cốt lõi cùng chung một chính sách về di dân và kinh tế.

Nhìn từ Roma, theo Il Foglio, tổng thống Pháp phục hồi được hình ảnh của một nhà chính trị năng động tích cực. Trong vòng hai tháng, uy tín tăng thêm 11 điểm, lên 34%, trở lại thời kỳ trước khủng hoảng Áo Vàng. Tuy Pháp vẫn còn bị hai cản lực truyền thống là công đoàn và giới công chức cao cấp, nhưng ông Macron đã thông qua được đạo luật lao động thích nghi với thế kỷ 21. Nỗ lực của tổng thống Macron đã mang lại một số kết quả khích lệ : trong vòng ba tháng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ từ 20,5% giảm xuống 18,8%.

Nhưng rồi, vụ bạo động biến đại lộ Champs-Elysées thành bãi chiến trường hôm thứ bảy tuần trước "một lần nữa giam tổng thống Macron vào vòng vây", nhận định của Le Temps. Nhật báo Thụy sĩ nêu lên hai câu hỏi : Những kẻ bịt mặt, mặc quần áo đen cướp phá là ai ? Tại Pháp, ai là kẻ thủ lợi và ai sợ thành phần bất hảo cướp chính quyền ?

Nhìn từ Đức, báo chí không mấy hài lòng về tổng thống Pháp vì cho rằng dự án tái cấu trúc Châu Âu mở đường cho một Liên Hiệp Châu Âu "hai vận tốc",hàm chứa nhiều rủi ro : Sáng kiến không có lợi cho Đức vì mọi chia rẽ chỉ làm cho Liên Âu tan rã, đó là nhận định của Suddeutsch Zeitung.

Từ Tây Ban Nha, báo ABC cũng lấy làm tiếc rẻ là tổng thống Pháp, tuy trẻ và mới lên cầm quyền, mà đã bị hiện tượng "xoi mòn, mỏi mệt" như nữ thủ tướng Đức. Vấn đề là bà Angela Merkel đã sắp rời chính trường sau 20 năm hoạt động còn Emmanuel Macron mới lên đài. Hai nhà lãnh đạo Pháp Đức có một điểm chung khác là tạo được uy tín quốc tế nhưng ở trong nước thì gặp cảnh "bụt nhà không thiêng".

Ấu dâm, khủng bố

Cuối cùng , vụ thảm sát nhân danh da trắng thượng đẳng ở New Zealand và các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em, trong giới tu sĩ và chuyện ca sĩ quá cố Michael Jackson bị hai nạn nhân tố cáo lạm dụng lúc họ còn trẻ thơ được phân tích rộng rãi.

Não bộ kẻ khủng bố Christchurch nghĩ gì, làm cách nào để chống lại những kẻ khủng bố có tâm lý ngưỡng mộ những sát thủ đi trước ? tựa của Le Point. Trong khi đó, L’Obs tìm hiểu chuyện gì diễn ra trong đầu, chính xác là ở thùy thái dương, của kẻ ấu dâm mà qua nghiên cứu khoa học đã "khám phá" được khi cho thủ phạm nhìn ảnh một đứa trẻ

Đối với câu hỏi có nên xóa nhạc của Michael Jackson, có hai ý kiến trái nhau trên Courrier International. Cần phải cấm vì không thể ích kỷ cho rằng người nghe chỉ thưởng thức âm nhạc mà không cần biết gì về đời tư của nghệ sĩ, như là sống mà không quan tâm đến môi trường xung quanh. Tiếng nhạc có sức thu hút hàng chục triệu người có thể là cái giá khổ đau của một số nạn nhân vô tội của Michael Jackson.

Trái lại, ý kiến phản bác cho rằng có cấm cũng không làm thay đổi gì. Thứ đến là không thể xóa những tác phẩm của Michael Jackson có giá trị văn hóa trong lịch sử âm nhạc. Và có biết chắc là những văn nghệ sĩ mà chúng ta hâm mộ, đều là những người hoàn hảo hay không ?

Tú Anh

Published in Quốc tế

Sau Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Hoa vào cuối năm 2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng lại con đường tơ lụa hay Nhất Đới Nhất Lộ vào năm 2013. Năm năm sau, Diễn đàn Kinh tế sẽ tạm sơ kết về tiến độ của kế hoạch quy mô này.

obor1

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại trung tâm hội nghị quốc tế Yuanqi Lake, Trung Quốc - AFP

Sơ kết tiến độ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, năm năm trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình của Đảng cộng sản Trung Hoa đã lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Mới. Sau đó, Bắc Kinh đưa thêm nhiều chi tiết và cải danh ra "Nhất Đới Nhất Lộ" gọi theo Anh ngữ là "One Belt One Road" hay OBOR, rồi mới có tên chính thức từ năm 2016 là "Sáng Kiến Đới Lộ" hay "Belt and Road Initiative" gọi tắt là BRI. Theo dõi nỗ lực lớn lao này của Trung Quốc, liệu ông có thể làm một sơ kết về tiến độ thực hiện hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về sáng kiến "Nhất Đới Nhất Lộ" do Tập Cận Bình đề ra gần năm năm trước, chúng ta nên nhớ tới hai phần là sáu "tẩu lang" hay hành lang trên đất liền, gọi là Nhất Đái hay Nhất Đới, và các đường hải vận ngoài biển gọi là Nhất Lộ. Kế hoạch đó có hai mục tiêu là kinh tế và an ninh. Từ đời Hán rồi, con đường giao thương ấy nhắm vào mục tiêu an ninh là phòng thủ Trung Nguyên rồi bành trướng ảnh hưởng qua Tây Vực để lập ra vùng trái độn quân sự. Nhiều đời sau, từ nhà Đường cho tới Mao trong thế kỷ 20, hai mục tiêu đó vẫn như vậy. Họ Mao thôn tính Tân Cương và bành trướng qua hướng Tây cũng để bảo vệ nội địa Trung Hoa. Ngày nay, khi hoàn cảnh Trung Quốc có thay đổi vì lệ thuộc nhiều hơn vào việc buôn bán với bên ngoài, Tập Cận Bình hâm nóng khái niệm xưa và nhấn mạnh tới mục tiêu kinh tế nhưng bên trong thì vẫn chú trọng tới an ninh, là bảo vệ nội địa đồng thời bành trướng ra ngoài.

Khi nhắc lại bối cảnh, ta thấy ra mục tiêu đa diện của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là không chỉ vượt Tây Vực, Trung Á rồi Trung Đông mà còn muốn vào Địa Trung Hải và tận Đông Âu. Như vậy, ta thấy hai phần quan trọng là 1/ mở đường thông thương cho các tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc và 2/ bành trướng ảnh hưởng kinh tế lẫn chiến lược của Bắc Kinh qua các khu vực khác.

"Marshall" của Trung Quốc

Nguyên Lam : Thế giới thường chú ý tới khía cạnh kinh tế và cho rằng Bắc Kinh tung tiền tranh thủ các nước, tương tự như kế hoạch Marshall là viện trợ của Hoa Kỳ cho Âu Châu sau Thế Chiến Hai, nhưng người ta không quên mục tiêu chiến lược kia. Thưa ông , bây giờ chúng ta có thể tạm tổng kết những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin tóm lược ở ba ý chính. Thứ nhất, sáng kiến của Bắc Kinh nhắm vào các nước nghèo hơn ở chung quanh nhưng rốt cuộc tốn tiền vào nhiều dự án ít giá trị kinh tế mà đầy lãng phí và gây nạn cho các nước được giúp. Thứ hai, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong kế hoạch đó lại bị các cường quốc khác nghi ngờ và ngấm ngầm ngăn chặn. Thứ ba, do kích thước quá lớn của Nhất Đái Nhất Lộ, những trở ngại, chậm trễ và hủy bỏ sẽ là tất yếu.

Chúng ta cần nhìn lại tấm bản đồ của cả đại lục Âu Á, từ Tây Âu tới Viễn Đông, trùm lên Trung Á và Trung Đông thì mới thấy kế hoạch lớn lao này trải ngang 70 quốc gia lớn nhỏ. Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh dốc toàn lực ngoại giao qua hiệp ước hợp tác với các nước, đồng thời khai thông tình trạng sản xuất dư dôi ở bên trong. Nhưng khi các định chế quốc tế nói tới nhu cầu khoảng tám chín ngàn tỷ đô la qua nhiều thập niên để thực hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở chuyển vận qua một không gian bát ngát đó thì cho tới nay, Bắc Kinh mới chi ra chừng 34 tỷ đô la là nhiều, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và mạng lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí hủy bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi ngại của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ quyền để thanh toán nợ nần !

Nguyên Lam : Ông nhắc đến chuyện nợ nần thì thính giả của chúng ta liên tưởng đến chuyện thời sự khi nhà đầu tư Trung Quốc rộng rãi cho vay để thực hiện các dự án trong lãnh thổ Việt Nam, sau này đòi nợ mà nhà nước không trả nổi thì đành gán đất cho Bắc Kinh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng nhiều định chế tài chính kể cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có cảnh báo chuyện ấy và một số quốc gia đang phát triển bắt đầu phát giác mối tai họa đó. Nhân đây, xin nói luôn là Hội đồng Duyệt Xét Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới có một phúc trình hôm 14 vừa qua về việc Bắc Kinh tung tiền bành trướng ảnh hưởng tới các quần đảo ở tận miền Nam Thái Bình Dương, xuống tới Úc Châu. Trào lưu đó là kết quả của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ khiến Chính quyền Úc báo động và chuẩn bị tài trợ các xứ quần đảo này để khỏi bị Bắc Kinh thao túng. Trung tuần Tháng Sáu, Ngoại trưởng Úc là bà Julie Bishop nói đến việc đó. Tức là Bắc Kinh chưa làm được gì thì nhiều cường quốc đã báo động về dụng ý của Trung Quốc !

Mục đích của hành lang kinh tế

Nguyên Lam : Ông mới chỉ trình bày sơ lược diễn tiến của gần năm năm qua mà ta đã thấy phản ứng của các cường quốc trong khu vực. Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn vạch qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Mục đích của họ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh vẽ ra sáu "tẩu lang" bắc ngang 14 nước. Tẩu lang thứ nhất vắt qua Mông Cổ và Liên bang Nga. Thứ hai là hệ thống cầu đường trải ngang lục địa Âu Á qua Kazahkstan và Nga. Thứ ba là tẩu lang nối Tân Cương với Trung Á và Tây Á là Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Iran, Georgia, Azerbaijan, Armenia và Turkey. Tẩu lang thứ tư nối tiếp Trung Cộng với Pakistan xuống Ấn Độ Dương. Tẩu lang thứ năm trải ngang Bangladesh, Miến Điện, Ấn Độ và sau cùng là Tẩu Lang Đông Dương, từ Vân Nam Quý Châu xuống ba nước Việt, Miên, Lào rồi Thái Lan. Vị trí của đảo Phú Quốc nằm trong hành lang thứ sáu này.

Nguyên Lam : Ông nhắc tới đảo Phú Quốc thì người ta thấy giật mình ! Thưa ông, thế còn các con đường hàng hải mà Bắc Kinh gọi là Nhất Lộ thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh gọi đó là Đường Tơ Lụa Trên Biển cho Thế Kỷ 21. Sáng kiến đó muốn nối liền mặt biển Đông Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi. Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy tham vọng của Bắc Kinh là hội nhập một khu vực có nhiều quốc gia chưa phát triển, từ Trung Quốc tới tận Trung Âu hay Đông Âu, từ Tân Cương vào Trung Á xuống Nam Á và Đông Nam Á. Các quốc gia ấy có thể chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng thật ra chiếm vị trí chiến lược nếu liên kết và trở thành đồng minh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Nam Á như Ấn Độ và cả Âu Châu thì ngần ngại vì dù thấy giá trị kinh tế của nhiều dự án hạ tầng, họ không quên mục đích an ninh của Bắc Kinh. Các nước nghèo thì thấy việc Bắc Kinh tài trợ qua Quỹ Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở gọi tắt là AIIB có vẻ hấp dẫn vì lớn hơn khả năng tín dụng của họ, hoặc còn lớn hơn sức tài trợ của Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB. Theo một phúc trình của Liên hiệp quốc thì có 11 quốc gia nghèo nhất thế giới, như Lào, Tanzania hay Djibouti, rất cần đầu tư cho hạ tầng mà khó được các định chế quốc tế tài trợ theo tiêu chuẩn của Tây phương. Vì vậy, họ dựa vào nguồn tài trợ của Bắc Kinh, có vẻ dễ dãi hơn. Nhưng sợi dây mềm mại đó lại cột rất chặt, có khi tới tắt thở !

Kết quả

Nguyên Lam : Thưa ông, đó là nhận thức ngày càng rắc rối hơn của các nước khác. Nếu nhìn từ Bắc Kinh ra thì người ta đánh giá kết quả như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Bắc Kinh chỉ là trâu chậm uống nước đục ! Sau Thế chiến II, và trong 50 năm qua, các nước nghèo đều được nhiều định chế tài chính quốc tế viện trợ, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu, Phi Châu để dần dần phát triển. Nhưng nhiều nước đi sau thật ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và lại bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa nên cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ chưa biết làm sao thanh toán, là trường hợp của Bangladesh, Miến Điện hay Kazahkstan và Pakistan !

Bắc Kinh cầm sợi dây nợ mà chưa biết làm gì, hoặc muốn làm gì đó mà sợ thiên hạ phát giác tà ý ! Chẳng lẽ lại đòi thực hiện các đặc khu kinh tế tự trị để gán nợ, nhưng kiếm lời gì từ những đặc khu đó, khi người dân bản xứ ngày càng nghi ngờ các món nợ ghê tởm này ? Họ có hưởng gì đâu mà bắt con cháu phải trả bằng đất đai ? Họ phát giác là Bắc Kinh dựa vào Nhất Đới Nhất Lộ để mua chuộc các chế độ tham ô và gây họa cho dân bản xứ. Trường hợp điển hình chính là Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua khiến Thủ tướng cũ bị truy tố và Chính quyền mới của Thủ tướng Mohamad Mahathir đang đòi rà soát lại các dự án của Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có một số dự án điển hình như vậy tại Pakistan, Sri Lanka, và Miến Điện, nhưng ấn tượng chung là cái gì đó rất tệ cho Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Khi thấy dân Sri Lanka, Miến Điện và Malaysia phản đối dự án do Bắc Kinh thực hiện cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì người ta phải trở về với câu hỏi là ai sẽ trả những món nợ này ? Thưa ông, ông kết luận ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu trả lời nằm ngay trước mắt chúng ta. Bắc Kinh dùng sợi dây mềm để tài trợ các nước nghèo, sau đó siết dây để gán nợ. Đó là dự án hải cảng Gwadar tại Pakisan và hải cảng Hambantota tại Sri Lanka. Với Pakistan, Bắc Kinh được thuê đất quanh quân cảng Gwadar trong 43 năm. Với Sri Lanka thì Bắc Kinh được thuê đất trong… 99 năm, con số khá quen thuộc với dân ta ! Còn xứ khác, như Lào, Djibouti, Montenegro hoặc Tajikistan, Kygyzstan thì trả nợ bằng tài nguyên khoáng sản hay năng lượng.

Chính là hiện tượng trấn lột đó khiến các cường quốc như Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ và cả Đức, Pháp, v.v… đều cảnh báo về động thái của Bắc Kinh. Tại Úc, Chính quyền và cơ quan an ninh đã quan tâm đến việc Bắc Kinh tung tiền đầu tư và còn lũng đoạn nhiều lãnh vực của Úc, từ học đường tới doanh trường và các chính trị gia của hai đảng nên họ chuẩn bị cải sửa luật pháp để ngăn ngừa. Một thí dụ là hải cảng Darwin tại miền cực Bắc của Úc được cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê trong 99 năm. Vị trí của hải cảng có tính chất an ninh vì trông ra biển Thái Bình tại hướng Bắc lại còn kế cận một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Viên chức Úc chấp thuận dự án này sau đó được doanh nghiệp Trung Cộng thuê làm tư vấn kinh tế với thù lao là 800 ngàn đô la một năm. Tuần qua, hai tờ báo Úc là The Age và Sydney Morning Herald đã đi lọat bài về Sáng Kiến Đới Lộ và xin độc giả góp ý. Hôm Thứ Ba 26, họ công bố kết quả là có tới 59% nêu ý kiến rằng nước Úc nên tránh yểm trợ sáng kiến này của Trung Quốc !.

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng mặt trái của Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ vẫn là sự hoài nghi của nhiều nước nghèo và sự cảnh giác của các nước giàu về ẩn ý của lãnh đạo Bắc Kinh ? Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/06/2018

Published in Diễn đàn

Trung Quốc thất bại trong ý đồ kéo Anh Quốc vào Con Đường Tơ Lụa

Trang nhất báo Pháp ra ngày 02/02/2018, chủ yếu dành cho thời sự liên quan đến Pháp, nhất là vòng công du Châu Phi đang diễn ra của tổng thống Emmanuel Macron. Trong toàn cảnh đó, không hẹn mà gặp, hai nhật báo lớn Le MondeLe Figaro đã cùng chú ý đến chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh để tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong thời hậu Brexit. Nhận định chung của hai tờ báo là Trung Quốc muốn lợi dụng thế yếu của Anh Quốc để thúc đẩy Luân Đôn ký tên vào đề án Con Đường Tơ Lụa Mới, nhưng đã không thành công.

tolua1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp thủ tướng Anh Theresa May tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 01/02/2018. Reuters/Wu Hong

Trong bài viết mang tựa đề "Theresa May khởi sự một chuyến thăm tế nhị tại Trung Quốc", Le Monde xác định phương trình khó mà thủ tướng phải giải đáp nhân chuyến công du : làm sao thuyết phục Bắc Kinh tăng cường giao thương với Luân Đôn sau khi Anh Quốc chia tay hẳn với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không bị buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã được tiếp đón trọng thể, và cùng với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã xưng tụng "Kỷ nguyên hợp tác vàng son" giữa hai nước - một thuật ngữ có từ thời George Osborne, bộ trưởng Tài Chính của chính phủ bảo thủ Anh tiền nhiệm vào cuối năm 2015.

Đáp ứng yêu cầu của Anh Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết là Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa để đón Anh Quốc, và quan hệ Bắc Kinh-Luân Đôn sẽ không thay đổi "chỉ vì quan hệ giữa Anh Quốc và Châu Âu đang thay đổi".

Giống như với tổng thống Pháp Macron ba tuần trước đây, Trung Quốc đã hứa mở cửa thị trường thịt bò cho Anh Quốc, bị Bắc Kinh đóng kín từ hai thập niên nay viện có chống hiểm họa "bệnh bò dại".

Đối với Le Monde, chính sách của Bắc Kinh cho đến nay là ủng hộ sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu - được xem là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ - nhưng cũng không ngần ngại sử dụng mọi cơ hội chính trị hoặc kinh tế để gây mâu thuẫn giữa các nước Châu Âu.

Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt trên các nước Châu Âu một thỏa thuận 15 điểm liên quan đến việc thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới, dự án hàng đầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nước Châu Âu không chê dự án đó, nhưng lo ngại rằng Con Đường Tơ Lụa Mới chỉ có lợi cho các công ty Trung Quốc, và từ chối ký kết thỏa thuận đó ngày nào mà các quy tắc và yêu cầu của Châu Âu về tài chính (để tránh các khoản tín dụng rất tốn kém của Trung Quốc), về tính minh bạch trong đấu thầu, về trách nhiệm xã hội và sinh thái không được đưa vào văn kiện.

Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã không đi ngược lại lập trường chung của Châu Âu, và đã từ chối ký kết bản ghi nhớ về dự án của Trung Quốc.

Trung Quốc không thể bù đắp cho mất mát vì Brexit

Cũng về chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh, nhật báo Le Figaro chạy tựa rất đơn giản "Theresa May đến Trung Quốc để tìm kiếm các quan hệ hậu Brexit". Tuy nhiên, tờ báo xác định ngay là kể cả khi Luân Đôn có được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, điều đó vẫn không tài nào bù đắp được thiếu hụt bắt nguồn từ việc Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

Le Figaro ghi nhận sự kiện bà May được người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, long trọng tiếp đón, nhưng đã làm chủ nhà thất vọng.

Giống như tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, thủ tướng Anh đã từ chối ký thỏa thuận về sáng kiến ​​Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Bà đã hoan nghệnh các "cơ hội" mà dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ này mang tới, nhưng nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng "các chuẩn mực quốc tế".

Bà cũng không ngần ngại gợi lên với chủ nhà một số hồ sơ tế nhị như nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông trước đây là thuộc địa Anh Quốc.

Theo Le Figaro, thủ tướng May rời Trung Quốc hôm 02/02/2018 với 10 tỷ euro hợp đồng, được Trung Quốc hứa sẽ mở lại thị trường để nhận thịt bò Anh, nhiều hướng đã được mở ra để loại bỏ rào cản thương mại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Figaro, Trung Quốc chỉ chiếm hơn 4% ngoại thương của Anh, trong khi Châu Âu chiếm đến 44%.

Theo những người chủ trương Brexit, tăng trưởng ngoài Châu Âu sẽ mang lại những cơ hội vàng mà Anh Quốc, một khi bỏ Liên Hiệp Châu Âu, có thể nắm bắt. Thế nhưng nghiên cứu mật của chính phủ Anh về tác động của Brexit, bị rò rỉ trên báo chí tuần này, cho thấy, một thỏa thuận tự do thương mại với Hoa Kỳ chỉ giúp Anh tăng trưởng thêm 0,2%, và các hiệp ước tương tự với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, các quốc gia vùng Vịnh và Nam Á gộp lại cũng chỉ mang lại thêm từ 0,1% đến 0,4% tăng trưởng.

Trong khi đó thì việc chia tay với Bruxelles sẽ làm Luân Đôn mất từ 2 đến 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm !

Đài Loan tố cáo các hành động hù dọa của Trung Quốc

Cũng nhìn về Trung Quốc, báo La Croix chú ý đến hành động "Hù dọa quân sự của Trung Quốc đã khiến Đài Loan phẫn nộ", tựa bài viết trên trang quốc tế.

Tác giả bài viết, Dorian Molovic, ghi nhận là các cuộc thao diễn trên không và trên biển chung quanh đảo từ hơn một năm nay, gây lo ngại cho Đài Bắc. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã phải lên tiếng cảnh báo về "sự bành trướng quân sự" của Trung Quốc,

Trong lúc mà thế giới dán mắt vào bán đảo Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông và Hoa Đông và ngày càng thường xuyên hơn chung quanh Đài loan.

Đại diện Đài Bắc ở Paris, tiếp xúc với báo giới và chuyên gia về Châu Á, đã nêu bật các con số : "Từ 8/2016 đến 12/2017, Trung Quốc đã thực hiện 32 chiến dịch ở eo biển Đài Loan và chung quanh đảo. Đến tháng Giêng 2018, Bắc Kinh đã sử dụng những hành lang hàng không, trên eo biển, không thông báo với Đài Loan và bị Đài Loan phản đối.."..

Về vấn đề hành lang hàng không, La Croix nhắc lại rằng các quy định lưu thông ở eo biển Đài Loan đã dựa theo một thỏa thuận năm 2015 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, cho phép những chuyến bay dọc theo một đường trung tuyến ở giữa eo biển, nhưng chỉ duy nhất từ theo hướng từ bắc xuống nam.

Điều mà Đài Loan trách Trung Quốc là việc các hãng máy bay Hoa Lục sử dụng hành lang gọi là M503, theo hướng Nam-Bắc, điều không được cho phép trong thỏa thuận 2015. Theo quy định hàng không quốc tế, trong trường hợp khẩn cấp hay khi bị đe dọa, phi công phái quẹo sang phải và như thế sẽ xâm nhập không phận Đài Loan.

Công chức : Macron phá vỡ một điều "cấm kị"

Về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt quan tâm đến việc tổng thống Macron đang phá vỡ "một cấm kị" : phá vỡ cái khung cứng ngắt của ngành công chức.

Theo tờ báo, phá vỡ một biểu tượng không phải là không nguy hiểm, và đụng đến quy chế của công chức, như ông Macron loan báo hôm 01/02, sẽ làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía các công đoàn.

Tuy nhiên, mục tiêu của tổng thống Pháp là cải tổ lãnh vực công với mục đích cuối cùng là giảm thiểu chi tiêu của Nhà Nước. Cải tổ thành công thì sẽ có thể giảm khoảng 120.000 công chức. Và các cuộc thương lượng gay go với các công đoàn sẽ diễn ra trong suốt năm 2018 này.

Hoa Kỳ : Kinh tế Mỹ có tốt lên nhờ ông Trump hay không ?

Nhật báo La Croix đã nêu lên câu hỏi ở mục tranh luận. Tờ báo nhắc lại là tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos vừa qua, và sau đó trong diễn văn về tình hình Liên Bang, tổng thống Mỹ đã khoe là kinh tế Mỹ đã hùng mạnh trở lại, và đó là nhờ công lao của ông.

La Croix đã trích ý kiến các chuyên gia, nhận xét rằng thực tế có phần khác với lời tự nhận của ông Trump.

Trong Diễn Văn về Tình Hình Liên Bang, ông Trump cho là "Cuối cùng thì người ta cũng thấy lương bổng tăng lên, sau nhiều năm bị khựng lai". Tuy nhiên, theo Gregory Daco, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics, thực tế có hơi khác : Lương bổng tại Mỹ thực ra là đã tăng lên từ nhiều năm qua, và năm ngoái thậm chí còn tăng chậm hơn là những năm trước đó.

Còn theo Julien Marcilly, kinh tế trưởng ở hãng Coface, nếu nhìn các chỉ số kinh tế vĩ mô, phải thừa nhận là kinh tế Mỹ khá năng động. Với một tỷ lệ tăng trưởng 2,3% năm 2017, Mỹ như vậy đã kinh qua 9 năm tăng trưởng liên tục, chu kỳ thứ 3 dài nhất từ thế kỷ XX, và chỉ sau các năm 1960 và 1990. Đối với năm 2018, tăng trưởng dự báo cũng vẫn ở 2,3%, theo Coface, trong lúc một số dự báo khác còn nói đến 3%.

Nhưng phần đóng góp của ông Trump là gì ? Thật ra thì kinh tế Mỹ vực dậy là chủ yếu nhờ vào chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương FED, đã mau chóng quyết định giảm lãi suất chỉ đạo xuống mức zero sau khủng hoảng tài chính 2008, vực dậy được hoạt động kinh tế…

Tuy nhiên, theo chuyên gia nói trên, cũng có thể công nhận "đóng góp" của ông Trump trong 3 việc : Với những tuyên bố của ông, dù cố ý hay không, ông đã góp phần làm đồng đô la giảm sụt, điều này rất tốt cho các công ty xuất khẩu. Sau đó là việc ông đã không đưa ra biện pháp dứt khoát nào về chính sách thương mại cho dù liên tục tỏ thái độ bảo hộ mậu dịch, và thứ ba là đã thành công trong việc cải tổ thuế.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế
samedi, 21 octobre 2017 21:18

Tham vọng của ông Tập

Cái sự bất thường ở một quốc gia như Trung Quốc với tầm vóc và sức mạnh kinh tế là lãnh tụ Tập Cận Bình không có bài diễn văn thường niên "về tình trạng quốc gia" cho toàn dân. Công việc đó nằm trong báo cáo thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường, người mà mỗi tháng Ba đọc bài diễn văn báo cáo về tình hình trong khóa họp thường niên của quốc hội bù nhìn.

tcb1

Những con đường tơ lụa của Tập Cận Bình trên đất liền và trên biển

Thành ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng hôm thứ Tư, 18 tháng Mười, vừa qua trong một dịp hiếm có ở đại hội đảng cộng sản, được tổ chức mỗi năm năm một lần, nó chắc chắc là bài diễn văn quan trọng nhất đầu tiên về chính sách đối nội và đối ngoại kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng Mười Một, 2012. Ông đã lợi dụng tối đa cơ hội, gây ngạc nhiên cho cử tọa của khoảng 2.300 đại biểu bằng cách đọc một bài diễn văn gần bốn tiếng đồng hồ.

Ông Giang Trach Dân, vị cựu lãnh tụ 91 tuổi, tuổi hạc đã cao, tuy rằng không cần phải dìu đi nhưng cũng phải có người đỡ mới đi đến ghế ngồi được, nhiều lần nhìn đồng hồ trong suốt bài diễn văn tràng giang đại hải này. Tờ South China Morning Post (mà hồi xưa còn được gọi là Bưu Điện Hoa Nam) đếm được 10 lần cụ xem đồng hồ vì sốt ruột quá. Nhưng trên Internet, những địa chỉ liên lạc xã hội chia sẻ hình ảnh từ các em học sinh đến các nhà sư ngồi nghiêm chỉnh khi họ xem chương trình duy nhất trên truyền hình nhà nước phát chỉ có bài diễn văn này.

Một post viết : "Nó làm tôi nhớ lại Big Brother trong 1984", nhắc lại đến những chương trình tuyên truyền được phát ra không nghỉ trong cuốn tiểu thuyết về một thế giới nghịch ảo tưởng của nhà văn George Orwell. Cũng xin nói thêm cuốn tiểu thuyết về một xã hội độc tài toàn trị kinh hồn này bán rất chạy ở Trung Quốc và có đến hai ba bản dịch mới. Cách đây năm năm, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đọc bài diễn văn trước đại hội đảng, bài diễn văn của ông coi ra khá ngắn chỉ có 90 phút.

Ông Tập cũng phải thêm, có nhiều tham vọng hơn ông Hồ và ông Giang. Trong khi hai vị tiền nhiệm của ông được đích thân lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chọn và do đó có liên hệ chặt chẽ với cố lãnh tụ đầy ảnh hưởng đó, ông Tập đã nói rõ là ông chờ đợi triều đại của ông đánh dấu sử khởi đầu của một thời đại mạnh tiến mới của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới này.

Ông Tập khẳng định : "Trung Quốc nay đứng thẳng và vững chãi ở phương Đông". Lời nói đó mang âm hưởng của tuyên bố vào tháng Chín, 1949 của ông Mao Trạch Đông, người anh hùng lãnh đạo cuộc cách mạng đưa đảng cộng sản lên nắm quyền, vốn tuyên bố : "Nhân dân Trung Hoa, gồm một phần tư nhân loại, nay đã đứng dậy".

Thông điệp đó được các đại biểu học nhập tâm và sau đó lập lại như những con vẹt trong các cuộc họp tổ. Ông Lưu Cần Kiệm, bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, chẳng hạn đã nói : "Đảng chúng ta đang bước vào thời đại mới dưới sự lãnh đạo nòng cốt của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình".

Ông Tập thêm "chúng ta đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn vốn lâu nay nằm trong nghị trình như chưa bao giờ được giải quyết", hẳn là muốn nói đến 10 năm ông Hồ nắm quyền cho đến năm 2012. Nhiều viên chức Trung Quốc coi giai đoạn đó là "thập niên bỏ mất", có tham nhũng lan tràn, đã chào đón quyết tâm được tuyên bố của ông Tập để "thực hiện ước mơ của người Trung Quốc cho sự hồi sinh của quốc gia".

"Đại hội này là về chính trị và kiểm soát chính trị", nhà phân tích Jude Blanchette, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu The Conference Board, hiện đang sống ở Bắc Kinh, giải thích.

Lễ khai mạc của đại hội lần thứ 19 đảng cộng sản Trung Quốc hôm Thứ Tư thực sự là một sự mở đầu thiếu kịch tính cho một cuộc họp chính trị tối quan trọng. Khóa họp kết thúc vào ngày 24 tháng Mười tới đây sẽ công bố tân Ban Thường Vụ Quốc Hội của ông Tập, vốn là cơ quan quyền lực tối thượng của đảng và của đất nước.

Những hàng lãnh đạo mới sẽ cho chúng ta thấy quyền lực của chủ tịch nước đến mức nào trong những cuộc điều đình chính trị gay go, và sẽ cho biết những chỉ dấu là liệu ông sẽ có tiếp tục bám lấy quyền lực ngoài thời gian 10 năm mà nay đã thành thông lệ từ thời ông Đặng Tiểu Bình đến nay. Một trong những cố vấn của các lãnh tụ Trung Quốc khác bảo : "Ông Tập không có toàn quyền lựa chọn toán thứ nhì của ông. Nhưng ông có lẽ sẽ có đến mức tự do tối đa mà ông có thể có".

Ông Tập cũng được chờ đợi sẽ tìm cách sửa đổi điều lệ đảng để bao gồm "Tư tưởng Tập Cận Bình" hay là "chủ thuyết", một vinh dự mà cho đến nay mới chỉ dành cho ông Đặng Tiểu Bình và ông Mao Trạch Dân. Tiến sĩ Christopher Johnson của trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies ở Washington, DC thì nhận xét : "Nếu ông Tập đưa được tên ông vào điều lệ đảng thì có thể lúc đó không quan trọng lắm là ai vào được Thường vụ Bộ chính trị, bởi vì lúc đó, chống lại ông sẽ có nhiều nguy hiểm hơn".

Cũng như vào năm 2013, khi đảng đưa một khuôn mẫu cải tổ ngược đời, hôm thứ Tư, ông Tập nhấn mạnh đến sự quan trọng của các cơ chế thị trường và một khu vực quốc doanh hùng mạnh trong khi hứa hẹn với các công ty ngoại quốc một bầu không khí ngày càng mở cửa hơn và công bằng hơn.

Nhưng sự thất bại của chính quyền ông Tập trong việc thực hiện nhiều những cải tổ khó khăn về kinh tế và tài chánh hứa hẹn cách đây bốn năm, cùng với những việc ông liên tiếp nhắc nhở đảng là "nòng cốt của quốc gia", cho thấy những đòi hỏi chính trị thắng cải tổ kinh tế.

Giáo sư Tony Saich, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Harvard University, giải thích : "Tôi không chờ đợi thay đổi kịch tính ở đại hội này. Có một cái đà giới hạn về những cải tổ quan yếu được đề ra năm 2013, mà phần lớn thất bại vì sự chống cự của những nhóm đặc quyền trong đảng".

Nhưng Giáo sư Saich cũng nhắc là những cuộc điều đình về mọi sự từ một hàng lãnh đạo mới đến thay đổi điều lệ đảng có lẽ đang còn tiếp tục. Và "mặc dầu có những chuẩn bị tỉ mỉ, nhiều chuyện có thể quyết định vào giây phút chót".

Lê Phan

Published in Châu Á

Nước Ý cuốn theo "giấc mộng Trung Hoa"

Trong số cuối của loạt bài nói về Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, Le Monde (15/08/2017) nói đến "Tham vọng của Trung Quốc và giấc mơ của Ý".

silk2

Tập Cận Bình : Con đường tơ lụa và Giấc mơ Trung Hoa

Từ một thành phố trung bình của Ý, nằm cách Milan khoảng 1 giờ tầu hỏa, Mortara trở nên sôi động từ vài tháng gần đây vì nhà ga thành phố, một trạm vận tải có quy mô lớn của Ý, sẽ được mở rộng thêm, vì Mortara được tập đoàn Changjiu Group chọn là ga cuối của những chuyến tầu đến từ Trung Quốc. Theo phát biểu ngày 05/06 của đại diện nhà ga, "đây là món quà từ trên trời rơi xuống với thành phố".

Ngay mùa Thu 2017, mỗi tuần sẽ có hai chuyến tầu từ Thành Đô (Chengdu), thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vượt qua 10.800 km trong vòng 18 ngày để đến Mortara, thuộc vùng Lombardia. Năm 2018 sẽ có 3 chuyến mỗi tuần và sau đó sẽ nâng lên khoảng 10 chuyến. Từ hàng xa xỉ đến danh lam thắng cảnh, từ rượu vang đến ẩm thực, Ý có đủ điều điện để thu hút giới nhà giầu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Ý thoát khỏi hai thập niên khủng hoảng và trì trệ.

Ngoài một kỷ niệm buồn vào năm 2014 khi một nhà đầu tư Thượng Hải, mua lại câu lạc bộ bóng đá Pavie của Mortara hai năm trước đó, "ra đi" với gần 1 triệu euro nợ thuế, nước Ý nói chung và vùng Milan nói riêng thu hút lượng đầu tư đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân được Andrea Goldstein, kinh tế gia người Ý, nêu lên là quốc gia Nam Âu này "là cánh cửa lý tưởng để đặt chân vào Liên Hiệp Châu Âu".

Le Monde nhắc lại một vài thương vụ lớn, như công ty sản xuất lốp Pirelli được chuyển nhượng năm 2015 cho tập đoàn ChemChina của nhà nước Trung Quốc. Trên quy mô nhỏ hơn, phải kể đến vụ sáp nhập năm 2008 của Cifa, nhà sản xuất máy trộn bê tông hay Krizia trong lĩnh vực thời trang vào năm 2014. Kín đáo hơn, Trung Quốc còn có cổ phần trong nhiều cơ quan hạ tầng năng lượng (Snam và Terna) hay các doanh nghiệp điều hành đường cao tốc.

Trong lĩnh vực thể thao, vụ hai câu lạc bộ bóng đá lớn Inter Milan (thuộc gia đình Moratti) và Milan AC (thuộc nhà tỉ phú-cựu thủ tướng Ý Berlusconi) được chuyển nhượng cho Trung Quốc vẫn còn gây sốc.

Ngoài ra, thành phố Milan chọn một doanh nghiệp Thượng Hải để cung cấp hệ thống dịch vụ dùng chung xe đạp. Hệ thống hiện đại này hoạt động kết nối thông qua điện thoại di động mà không cần trạm giữ cố định với khoảng 12.000 xe được đưa vào phục vụ ngày tháng 10/2017.

Từ khi nhậm chức năm 2016, thị trưởng Milan liên tục đến Trung Quốc để thắt chặt quan hệ với các nhà đầu tư quan trọng của nước này. Có thể nói, Ý tìm mọi cách để không bị loại khỏi "Con Đường Tơ Lụa Mới" đang được hình thành.

Ngoài thành phố Milan và cảng đường sắt khổng lồ Mortara nằm trong vị trí lý tưởng, thủ đô Roma cũng muốn trở thành cửa ngõ chính dẫn vào Châu Âu bằng đường hàng hải. Ngoài ra, phải kể đến Trieste, nằm ở cửa ngõ Trung Âu, và Venice, thành phố của nhà thám hiểm Marco Polo. Tham vọng của Venice là đón những tầu biển khổng lồ từ Trung Quốc tại cảng Porto Marghera. Thậm chí, thị trưởng Luigi Brugnaro còn muốn biến Venice thành "Dubai của Châu Âu trong vòng 20 năm tới".

Để ca ngợi tình hữu nghị Ý-Trung, Bắc Kinh đã mở Viện Khổng Tử tại quê hương Macerata của nhà truyền giáo nổi tiếng Matteo Ricci hồi thế kỷ XVII.

Tây Tạng : vết thương của những mỏ khai thác lithium

Tỉnh Tứ Xuyên, nơi xuất phát của đoàn tầu sang Châu Âu, cũng bị cuốn theo vào quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Jiajika, nằm trên cao nguyên Garze ở Tây Tạng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, là mỏ quặng spodumene lớn nhất Châu Á, từ khoáng chất này có thể chiết xuất được chất lithium để sản xuất pin tái sử dụng.

Hiện hai tập đoàn Rongda và Tianqi đã có mặt tại Jiajika. Nếu như mỏ Tianqi vẫn đang trong quá trình xây dựng, thì chỉ riêng mỏ Rongda, bắt đầu khai thác, đã gây ra hai đợt ô nhiễm nghiêm trọng vào năm 2013 và 2016. Theo một thanh niên Tây Tạng trả lời phóng viên của Le Monde, "dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối và rất nhiều bò Tây Tạng lăn ra chết vì uống nước sông, hay chỉ giẫm chân vào nước. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cá bị chết".

Vấn đề ô nhiễm mỏ khiến người dân Tây Tạng bức xúc, cũng như chương trình phát triển ồ ạt mà Bắc Kinh cho triển khai ở các vùng chống lại ảnh hưởng của chính quyền trung ương. Khi sự cố xảy ra, người dân đổ cá chết ra đường để phản đối. Chính quyền điều đình, rồi triển khai cảnh sát bán quân sự. Chính quyền địa phương hứa sẽ ra văn bản đình chỉ hoạt động của mỏ Rongda "vì gây nhiễm độc", nhưng đến giờ, vẫn không ai giải thích được chất gì đã gây ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, các nhà quản lý tập đoàn Rongdan vẫn khẳng định "đó là hành động ác ý" không phải do Rongda gây ra và "một cuộc điều tra đang được tiến hành".

Cũng trong năm 2016, học sinh của một trường tiểu học bị ngộ độc vì nước, nhưng các bậc phụ huynh bị bịt miệng về vụ việc này.

Với trữ lượng khoảng 1,88 triệu tấn lithium, mỏ Jiajika chắc chắn còn tương lai trước mắt. Thậm chí, đầu năm 2017, chính quyền Garze còn tuyên bố thủ phủ Lhagang sẽ trở thành "thủ đô lithium của Trung Quốc".

Dù khoảng 1,2 triệu dân địa phương (trong đó 70% là người Tây Tạng) được hưởng lợi một phần từ sự phát triển kinh tế, nhưng chính quyền trung ương có vẻ ít quan tâm đến việc giảm bớt hay hiểu rõ hơn về những xáo trộn của những thay đổi đến con người và môi trường tại Tây Tạng.

Venezuela : "Phong trào kháng chiến" giữa thất vọng và cực đoan

Từ ngày 04/08/2017, không có thêm bất kỳ cuộc tuần hành nào phản đối chính quyền Nicolas Maduro và phe đối lập đang tìm chiến lược mới. Chính điều này lại khiến những thanh niên "kháng chiến" Venezuela có cảm giác bị phe đối lập phản bội.

Với rất nhiều thanh niên tham gia "Resistencia", họ "không còn đường quay lại và sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh. Và khi cần, sẽ có cả vũ khí". Nhiều người trong số họ phải ngủ ngoài đường, bới đồ ăn thừa trong thùng rác các nhà hàng. Thậm chí, gia đình của một thanh niên "kháng chiến" chết đói trong một khu ổ chuột ở phía tây thành phố. Cảm giác tổn thương vì bị bỏ rơi, họ nói không còn gì để mất.

Tuy nhiên, hành động bạo lực của nhưng thanh niên này lại bị đánh giá là bôi nhọ hình ảnh phong trào đối lập. Thêm vào đó, các cuộc trấn áp của chính phủ cũng khiến một bộ phận thanh niên "kháng chiến" ôn hòa nhất rơi vào tình trạng thất vọng, còn một bộ phận khác bị đẩy theo con đường cực đoan.

Chính vì vậy, một nhà đấu tranh đối lập cho rằng nhiệm vụ khó khăn nhất lúc này là "thuyết phục được" những thanh niên đang bị nhiệt huyết chi phối, đang bị phe đối lập làm thất vọng cũng như bị chính phủ bóp nghẹt.

Ngân hàng Châu Âu : Bản đồ mới thời hậu Brexit

Theo chương trình, Anh Quốc sẽ chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào cuối tháng 03/2019. Dù các cuộc thương lượng giữa Luân Đôn và Bruxelles đã được bắt đầu, thì vẫn không ai biết liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận chung về lĩnh vực tài chính hay không.

Trong bối cảnh này, các ngân hàng bắt đầu tìm cách xin giấy hành nghề tại một nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Le Monde nhận định "Bản đồ địa lý ngân hàng hậu Brexit đang được hình thành". Frankfurt, Dublin và Amsterdam đang chiếm ưu thế để tiếp nhận một phần khu tài chính Luân Đôn.

Frankfurt là lựa chọn của các ngân hàng Morgan Stanley, Citigroup, Standard Chartered, Nomura, Goldman Sachs, Daiwa, Sumitomo Mitsui… Dublin thu hút Barclays, ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch. Amsterdam sẽ là trụ sở của Mitsubishi UFJ và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland). Bruxelles sẽ là trụ sở Châu Âu của Lloyd’s cùng khoảng 100 nhân viên.

Trong khi đó, Paris mới chỉ nhận được duy nhất thông báo của HSBC với khoảng 1.000 việc làm. Vẫn theo Le Monde, "Paris đang huy động sức lực trong cuộc chiến quyến rũ City". Cụ thể, quốc vụ khanh Benjamin Griveaux thuộc bộ Kinh Tế và Tài Chính đã liên tiếp sang Luân Đôn và đến Nhật Bản để vận động các ngân hàng quốc tế đặt trụ sở tại Pháp.

Theo thẩm định của chủ tịch Paris Europlace, Pháp có thể tạo được 10.000 việc làm trực tiếp nhờ Brexit. Ong Griveaux nhấn mạnh : "Thu hút các ngân hàng quốc tế đến Pháp là điểm tốt cho nền kinh tế Pháp, cho ngân sách nhà nước, đồng thời gửi tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ… Không chỉ tận dụng cơ hội Brexit, biến nước Pháp trở nên thu hút hơn còn là chiến lược lâu dài của chính phủ".

Người dân Tây Ban Nha ngán tình trạng du lịch đại trà

Từ vùng Catalunya đến đảo Balears, phải chăng người Tây Ban Nha ngày càng ghét du lịch ? Trong khi lĩnh vực này chiếm đến 11,2% GDP của đất nước và vừa đạt được kỷ lục mới về số du khách, với hơn 36 triệu người, tăng 11,6% so với năm 2016.

Le Monde nêu trường hợp gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 7/2017, bốn người bịt mặt thuộc hội Arran, một phong trào thanh niên cực tả, bỗng chặn một xe khách du lịch ở Barcelona. Họ rạch lốp xe rồi viết lên tấm kính che gió "Du lịch giết các khu phố". Thành viên của phong trào này phản đối "một mô hình du lịch mang lại lợi nhuận cho ít người, nhưng lại làm trầm trọng điều kiện sống của phần đông dân cư".

Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, Tây Ban Nha được đánh giá là đất nước cạnh tranh nhất thế giới trong lĩnh vực du lịch nhờ thu hút lượng khách du lịch của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia vì an ninh bất ổn.

Ngành du lịch sử dụng đến 13% người ở độ tuổi lao động tại Tây Ban Nha, thậm chí là 20% ở vùng Catalunya, nhưng người lao động lại bị trả lương thấp và phải làm thời vụ, gây cảm giác "một đất nước bồi bàn" như báo chí từng cảnh báo.

Thế nhưng, ngành khách sạn lại cho rằng không nên giết con gà đẻ trứng vàng vì đã giúp Tây Ban Nha thoát khỏi khủng hoảng. Theo đánh giá của giám đốc TUI, hàng lữ hành số 1 thế giới, trong tương lai gần, Tây Ban Nha sẽ phải cạnh tranh với một số điểm du lịch mới nổi như Cap-Vert và Bulgari.

Trang nhất nhật báo

Ngày 15/08 là lễ Đức Mẹ lên trời, các nhật báo Pháp không phát hành, trừ báo Le Monde ra từ chiều hôm trước. Trang nhất của Le Monde đặt câu hỏi lớn : "Thế Vận Hội 2024, Paris muốn thổi ngọn đuốc Olympic như thế nào ?" cùng với một hồ sơ riêng nói về những thách thức mà thủ đô của Pháp phải đối mặt để chuẩn bị cho sự kiện thể thao quan trọng này.

Thời sự quốc tế nổi bật vẫn là Venezuela nhưng được Le Monde đề cập dưới khía cạnh "nỗi tuyệt vọng của giới trẻ" và vụ tấn công ở Charlottesvilles. Theo Le Monde, tổng thống "Trump bị lên án chiều lòng phe cực hữu".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Ấn Độ lên án con đường biên giới mới do Trung Quốc xây (RFA, 30/06/2017)

Ấn Độ vào ngày 30 tháng 6 tố cáo Trung Quốc về con đường mới mà Bắc Kinh cho xây dựng tại khu vực biên giới tranh chấp ở Himalaya.

himalaya1

Bản đồ ranh giới giữa Ấn Đô, Trung Quốc và Bhutan. Screen capture Google Map

Cáo buộc của New Dehli được đưa ra sau khi cũng trong tuần này Bắc Kinh có công hàm chính thức cáo buộc biên phòng Ấn Độ vượt biên giới đi vào vùng lãnh thổ của Trung Quốc ngăn chặn hoạt động xây dựng con đường vừa nêu.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào ngày 30 tháng 6 lại nói chính quân đội Trung Quốc xâm nhập đơn phương xây dựng con đường tại vùng biên giới ba nước Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rõ hoạt động xây dựng như thế làm thay đổi hiện trạng đáng kể tạo nên những quan ngại về an ninh đối với Ấn Độ.

Cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ có lịch sử tranh chấp lâu dài đường biên giới chung dài hơn 4500 kilomet ; hai bên thường xuyên cáo buộc lực lượng quân đội của phía này xâm nhập phi pháp vào vùng lãnh thổ của phía kia.

Bhutan cũng vừa có công hàm phản đối chính thức đối với Trung Quốc về việc xây con đường như vừa nêu vì theo Bhutan đó là vùng thuộc chủ quyền của nước này.

*******************

Bhutan phản đối Trung Quốc xây đường ở khu tranh chấp (RFA, 29/06/2017)

Vương quốc nhỏ bé chỉ với 800 ngàn dân trong vùng núi Himalaya là nước Bhutan phản đối Trung Quốc xây dựng đường xá trong vùng đất đang tranh chấp giữa hai nước.

himalaya2

Vị trí nước Bhutan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc - Google map

Bhutan gọi vùng đất này là Doklam và đã gửi lời yêu cầu cho Trung Quốc qua cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ.

Hai nước hiện không có quan hệ ngoại giao.

Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ nói rằng nước ông có văn bản thỏa thuận với Trung Quốc về việc giữ nguyên hiện trạng vùng tranh chấp để chờ đợi một thỏa thuận cuối cùng bằng biện pháp hòa bình.

Trong một diễn biến khác có liên quan, truyền thông Ấn Độ nói là Trung Quốc và Ấn Độ có đụng độ tại biên giới hai nước trong vài ngày trước đây tại khu vực giáp giữa bang Sikkim của Ấn Độ, và vùng Tây Tạng hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Bắc Kinh cho rằng quân đội Ấn đã vào lãnh thổ Trung Quốc để tìm cách ngăn cản việc xây dựng đường xá. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói là quân đội Ấn độ phải rút ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi đó thì phía Ấn Độ lại im lặng và chính phủ Ấn không bình luận về chuyện này.

Ấn độ và Trung Quốc có tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962, và hiện nay vẫn còn có 4507 cây số đường biên giới hai bên vẫn còn tranh chấp.

Published in Châu Á

Trong suốt hơn 1.600 năm, các thương gia, nhà buôn, các nhà sư và binh lính, những người đã tới Tây An, kinh đô cổ của Trung Quốc để chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của nơi này, đều đi trên Con đường Tơ lụa.

tolua1

Các nhà buôn Catalonia (có lẽ là buôn lụa) trên đường từ phương Đông trở về trên Con đường Tơ lụa, tranh vẽ khoảng thời gian 1350. Hình ảnh từ tập bản đồ 'Catalan Atlas', 1375

Những hình ảnh đầy quyến rũ các thương gia đi trên xe lạc đà kéo, những khách hành hương dũng cảm đương đầu với đám lục lâm thảo khấu, những phiên chợ miền Viễn Đông bày bán đầy những món đồ quý báu ngoài sức tưởng tượng : chỉ riêng việc nhắc tới Con đường Tơ lụa với bất kỳ kẻ phiêu lưu nào thời Trung cổ cũng khiến kẻ đó phải mắt tròn mắt dẹt kinh ngạc, thán phục.

Tuyến đường giao thương xuyên lục địa này là hành lang chính giữa phương Đông và phương Tây trong nhiều thế kỷ, khởi đầu và kết thúc đều ở kinh đô Tây An (tức Trường An).

Con đường được đặt tên từ theo mặt hàng được buôn bán nhộn nhịp trên suốt chiều dài hành trình là lụa Trung Quốc. Những người đầu tiên mở đường vào năm 206 trước Công nguyên.

Việc đi lại được mở rộng đáng kể vào năm 114 trước Công nguyên, và những mối giao thiệp diễn ra trên tuyến đường đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Châu Âu và Ả-rập.

Việc buôn bán hàng hóa đã tạo giao thoa chính trị, kinh tế từ xa giữa các quốc gia. Lụa đương nhiên là mặt hàng buôn bán chính của Trung Quốc, nhưng nhiều thứ khác quan trọng không kém cũng được trao đổi, gồm cả tôn giáo, triết học và nhiều loại công nghệ khác nhau.

Bởi Tây An là nơi khởi đầu và cũng là điểm cuối của tuyến đường, các hoàng đế triều đại nhà Đường đã chọn đây làm nơi đóng đô, từ đó cai quản giang sơn dựa vào vị trí đắc địa và cơ hội biết đến và có được ngay các mặt hàng xa xỉ, được trao tay đổi chủ hàng ngày.

Di sản văn hóa

Con đường Tơ lụa nguyên sơ mà chúng ta biết tới được bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên.

tolua2

Các loại gia vị được bày bán tại một khu chợ ở Tây An, Trung Quốc

Một vị tướng tên là Trương Khiên được Hán Vũ Đế của triều nhà Hán cử đi miền Viễn Tây nhằm đặt mối bang giao với Nguyệt Chi (tức người dân các nước vùng Trung Á cổ đại), một bộ lạc du mục.

Vị hoàng đế nhà Hán e ngại rằng người Hung Nô, vốn từng định xâm chiếm tỉnh Cam Túc của nhà Hán, có thể đưa quân tới đánh. Người Nguyệt Chi khi đó là kẻ thù của Hung Nô, cho nên hoàng đế muốn liên kết với tộc người này để cùng đánh bại mối họa chung.

Thật không may, Trương Khiên đã bị Hung Nô bắt trên đường đi và bị giam cầm trong suốt 10 năm. Trong thời gian này, vị tướng đã lấy một người vợ thuộc bộ tộc du mục và có một con trai.

Tuy nhiên, ông vẫn nung nấu ý định hoàn thành bằng được sứ mệnh, và cuối cùng ông đã trốn thoát, tiếp tục tây du.

Khi ông rốt cuộc tới nơi, vào năm 128 trước Công nguyên, ông kinh ngạc phát hiện ra là người Nguyệt Chi sống yên bình và không bận tâm tới chuyện báo thù người Hung Nô nữa.

Quay trở về, Trương Khiên tâu với hoàng đế về những gì ông chứng kiến tại Tây phương và làm hài lòng đấng đế vương với những câu chuyện kể chi tiết về các vương quốc chưa từng nghe tiếng, khiến hoàng đế muốn có thêm các chuyến đi khám phá như thế nữa.

Mỗi lần cho người đi là một lần trở về với thêm những mặt hàng xa xỉ của phương Tây, từ lông thú, nước hoa cho tới thậm chí cả những con ngựa. Đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm quý của phương Đông, chủ yếu là lụa, cũng tăng nhanh chóng, dẫn tới việc trao đổi sứ thần cùng các mối quan hệ kinh tế giữa phương Đông và phương Tây.

Con đường Tơ lụa trở nên thịnh vượng trong thời nhà Đường. Các mặt hàng như đá quý, quần áo được may tinh tế, và các món gia vị, được mua bán trao đổi hàng ngày. Vào thời cực thịnh, tuyến đường trải dài tới 4.000km, ra tới tận Địa Trung Hải và hấp dẫn các nhà thám hiểm nổi tiếng như Alexander Đại đế và Marco Polo.

Con đường Tơ lụa duy trì vị thế trong suốt hơn một ngàn năm trăm năm, nhưng bắt đầu suy tàn từ thế kỷ thứ 15, khi đế chế Ottoman thống trị tại Constantinople. Các sultan vương triều Ottoman thời đó mắng nhiếc người phương Tây về các cuộc thánh chiến liên miên, và trả đũa bằng cách cấm việc giao thương với Châu Âu.

tolua3

Sách cổ Châu Âu về Con đường Tơ lụa nối Châu Âu với Phương Đông

Vào cuối thời nhà Minh, Trung Quốc một lần nữa lại bế quan tỏa cảng, dẫn tới việc chấm dứt hàng trăm năm trao đổi văn hóa và tôn giáo giữa phương Đông và phương Tây.

Món tài sản quý giá của thế giới

Dẫu đã không còn được dùng làm tuyến đường chính thức trong hàng thế kỷ qua, nhưng tầm quan trọng lịch sử của Con đường Tơ lụa vẫn còn đó, và Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã vận động để đạt được sự công nhận quốc tế.

Kể từ 1988, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã bắt đầu tìm hiểu về vai trò của tuyến giao thương này trong việc quảng bá sự đa dạng văn hóa trên khắp vùng Á-Âu ở bắc bán cầu.

Do con đường chạy qua quá nhiều quốc gia, quá nhiều điểm đáng ghi nhớ, nên tiến trình tìm hiểu để nó được công nhận là Điểm Di sản Thế giới của UNESO mất rất nhiều thời gian.

Lúc ban đầu, hồi 2008, Trung Quốc xác định 48 địa điểm dọc theo Con đường Tơ lụa có thể có tầm quan trọng. Nhưng tới 2011, UNESCO đề xuất rằng do quy mô quá lớn của Con đường Tơ lụa, hồ sơ xét duyệt cần phải được chia ra thành từng đoạn hành lang.

Một hồ sơ chung của Trung Quốc, Kazakhstan và Kyrgyzstan nêu đoạn bao quanh từ miền trung Trung Quốc tới rặng núi Thiên Sơn đã được đệ trình và được ủy ban của UNESCO phê chuẩn hồi tháng Sáu 2014.

Trong số các điểm được đưa vào quy chế bảo vệ này có một số điểm nổi tiếng nhất của Tây An, như Tháp Đại Nhạn, Đại Minh Cung và Hưng Giáo Tự.

Một số các địa điểm hấp dẫn, đáng chú ý khác có lăng mộ Trương Khiên, nhà tiên phong đã đặt nền móng ban đầu mở ra Con đường Tơ lụa, và Đền Động ở Bân huyện - một đền thờ Phật giáo được trang trí lộng lẫy, kỳ diệu nằm giữa cảnh quan Trung Hoa. Ngay cả một số đoạn của Vạn lý Trường thành cũng được gộp vào đoạn hành lang đặc biệt này.

Việc được ghi nhận là Di sản Thế giới của UNESCO khiến cho Con đường Tơ lụa thậm chí đến ngày nay vẫn nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Nó vẫn là một mạch máu chứa đầy sự phong phú văn hóa, dẫn ta quay trở về với vẻ đẹp Tây An nằm giữa trung tâm của tỉnh Sơn Tây.

Nguồn : BBC, 12/05/2017

Published in Văn hóa

Sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.

Bài 1 : Một công đôi ba việc

Từng được biết đến là Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại này đã lần đầu tiên kết nối giữa Trung Quốc và Châu Âu, mang vải vóc, đồ gia vị, gốm sứ Trung Quốc và cả thuốc súng từ phương Đông đến phương Tây. Nhưng sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.

34 toa tàu, mang theo 68 container chất đầy đồ gia dụng như quần áo, giày tất, vali, túi, ví… với tổng trị giá 4 triệu bảng Anh, đã vượt qua hành trình dài 7.456 dặm, đánh dấu hành trình bằng đường sắt dài nhất thế giới, từ Trung Quốc qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đi xuống đường hầm xuyên biển và đến điểm trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường sắt Euro London gần sông Thames.

Ý tưởng khởi xướng dịch vụ đường sắt này nằm trong chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối Châu Á với Châu Âu và Châu Phi thông qua các tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cũ và tăng quy mô thị trường xuất khẩu vốn rất rộng lớn của Trung Quốc. Cái tên Đông Phong của đoàn tàu không thuần túy mang tính hình tượng mà xuất phát từ câu châm ngôn của Chủ tịch Mao Trạch Đông : "Gió Đông sẽ mạnh hơn gió Tây".

silkroad1

Trung Quốc vừa khai trương tuyến tàu lửa chở hàng dài gần 12.000 km từ tỉnh Chiết Giang đến thị trấn Barking của Anh.

Sự phúc đáp đúng lúc với Anh

Đoàn tàu Đông Phong đã kết thúc hành trình lịch sử của mình vào đúng thời điểm mọi câu hỏi đang dồn vào việc hoạt động xuất khẩu của Anh quốc với thế giới sẽ thế nào sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động tách nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Là một phần chiến lược của chính phủ Trung Quốc, tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã bắt đầu kinh doanh các dịch vụ đường sắt với 14 thành phố Châu Âu, trong đó có Madrid và Hamburg, với hơn 1.800 tuyến đường đã hoàn thành kể từ khi được phát động. Hầu hết các sản phẩm của Trung Quốc được chuyên chở trên tàu Đông Phong đến từ các xưởng sản xuất vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô, trung tâm sản xuất truyền thống ở tỉnh Chiết Giang. Nhưng các toa tàu sẽ không trở về trống rỗng. Trên hành trình ngược lại, tàu sẽ mang theo thịt hun khói, pho mát và rượu vang từ Tây Ban Nha, bia Đức và nhiều hàng hóa từ những nơi khác xuất khẩu sang Trung Quốc, tất nhiên không thể thiếu các sản phẩm của Anh quốc như xe ô tô, máy móc và thực phẩm.

Trở lại thời điểm cuối năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II, trở thành nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Anh trong vòng một thập kỷ. Chuyến thăm đã được kỳ vọng là mở ra "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Anh. Giờ đây, sẽ là không ngoa khi nói rằng kỳ vọng ấy đang trở thành hiện thực và "cơn gió Đông" ấy đã đến thật đúng lúc.

Sự đáp trả xứng đáng với Mỹ

Trong khi đó, sự kiện đoàn tàu Đông Phong vào ga Barking diễn ra chỉ một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump, người từng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn về thương mại đối với Trung Quốc.

Nguy cơ đối đầu Mỹ – Trung về kinh tế dưới thời ông Trump đã khiến Trung Quốc coi OBOR như một hòn đá tảng trong chiến lược kinh tế của mình. Nhìn vào các lực lượng biệt lập trong chính quyền Mỹ mới dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ – Trung được cảnh báo là sẽ suy yếu. Giới chuyên gia nhận định Washington sẽ tiếp tục tăng sức ép lên Trung Quốc dọc các hải trình truyền thống qua eo biển Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chính điều này buộc Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào phát triển các tuyến đường an toàn hơn trên đất liền đi qua lục địa Á – Âu. Sáng kiến OBOR vì vậy trở thành chiến lược cốt lõi cho sự ổn định và phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định sáng kiến này thậm chí có thể trở thành một sự thay thế bền vững cho quan hệ hợp tác Trung – Mỹ.

Đáng chú ý là Nga được cho là có thể đóng một vai trò lớn hơn trong dự án của Bắc Kinh, thông qua triển vọng mở các tuyến đường vận tải thay thế ở vùng Caucasus, hiện chưa nằm trong hành trình lớn này.

Cuộc xung đột hiện nay ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, vốn được thiết kế để hoàn tất hành lang vận tải nối Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được Bắc Kinh coi là một phần của Con đường Tơ lụa trên đất liền dẫn tới Châu Âu. Bối cảnh này có thể mở đường cho việc tạo ra các nền tảng hậu cần và công nghiệp chung giữa Trung Quốc và Nga ở khu vực biển Caspie và biển Đen, được xem là khu vực quá cảnh an toàn nhất ở Á – Âu. Giới chuyên gia dự báo các diễn biến này sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược Trung – Nga tại Á – Âu và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị trong khu vực.

Thảo Linh (21/01/20217)

********************

Bài 2 : Hút tài nguyên của láng giềng

Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.

Một phần của đại chiến lược gây ảnh hưởng toàn cầu

Đoàn tàu Đông Phong là một phần của dự án kết nối Đông – Tây, thực chất nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Dư luận dự đoán trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu các nguồn lực lớn để xây dựng các tuyến đường thương mại Á – Âu trong khuôn khổ OBOR.

Sau khi được gắn mác "phân xưởng của thế giới", Trung Quốc thay vì chỉ trích đường lối thể chế kinh tế của Mỹ đã nhanh nhảu gắn bó với nó. Các tuyến đường thương mại mang tên Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc đang hối hả chăng mắc như mạng nhện.

London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây. Nhưng các tuyến đường này còn mang lại lợi ích nhiều hơn thương mại. Chúng nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm xây dựng một xã hội Châu Á quốc tế và là cú hích địa chính trị có tính toán xuyên khắp Châu Á đại lục.

silkroad2

London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây.

Trung Quốc đang ngày càng nung nấu cho tham vọng bá chủ. Dự án OBOR đã được khởi xướng bên cạnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức an ninh lớn trong khu vực, và kết hợp với việc xây dựng quan hệ với các nước quanh Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực ký một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn với 10 nước Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Dự án trên là trọng tâm của chiến lược "Tây tiến" và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, tạo ra một phương tiện để tung các doanh nghiệp Trung Quốc ra khắp Châu Á. Năm 2015, 44% dự án xây dựng của Trung Quốc ở nước ngoài được thi công dọc Con đường Tơ lụa Mới. Con số này đã tăng lên hơn 52% trong năm 2016. Với 4.000 tỷ USD dành cho dự án này, đây là sức mạnh mềm được triển khai trên quy mô lớn. Với sự tham gia của 60 quốc gia, Trung Quốc đang biến Châu Á thành một thực thể khổng lồ và liên kết.

Vẫn còn một số khu vực nhỏ chưa được kết nối, nhưng có một triển vọng thực sự về một khu vực Đại Châu Á sẽ nổi lên trước khi hết thế kỷ 21. Khi trở thành hiện thực, khu vực này có thể vượt qua EU về quy mô, tầm vóc và tiềm lực kinh tế. Thương mại trong khu vực OBOR hiện đã đạt đến hơn 2.200 tỷ USD trong vòng 10 năm (gần đuổi kịp con số 3.100 tỷ USD thương mại hàng hóa nội khối của EU).

Thành công của sáng kiến trên có thể dẫn tới các tác động sâu rộng đối với các nước Châu Á có liên quan, cũng như đối với trật tự quốc tế. Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.

Việc Trung Quốc thực hiện dự án OBOR chính là một biện pháp để thể hiện sự tự tin mới của Bắc Kinh, đồng thời gửi thông điệp về nỗ lực của họ nhằm trở thành trái tim Châu Á. Dự án này cộng với một quan hệ đối tác với ASEAN và nỗ lực củng cố nhóm an ninh SCO sẽ tạo ra 3 vòng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á. Chúng giúp nhân lên sức mạnh của Trung Quốc và tạo cho họ một giọng nói đáng tin cậy, dù không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.

Thảo Linh

Nguồn : VietnamNet, 22/01/2017

Published in Châu Á

silkroad1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Con đường Tơ lụa và hợp tác khu vực Ba Lan - Trung Quốc tại Warsaw, Ba Lan, hôm 20 tháng 6 năm 2016. AFP photo

Gần bốn năm trước, khi công du tại Kazakhstan rồi Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lần đầu tiên nói tới sáng kiến tái lập Con Đường Tơ Lụa cho Thế kỷ 21. Tham vọng lớn lao của Bắc Kinh tiến được vài bước nhưng Hoa Kỳ lại có Tổng thống Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày Thứ sáu 20 tháng 1, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc. Sự tình rồi sẽ ra sao ?

Chân Như : Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông Nghĩa, hồi Tháng Chín rồi Tháng 10 năm 2013, khi thăm Cộng hòa Kazahkstan tại Trung Á và Indonesia tại Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình nói đến kế hoạch gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới. Tham vọng ấy gồm hai phần là Nhất Đới và Nhất Lộ, theo Anh ngữ là One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR. Nhất Đới là các hành lang thông thương trên bộ từ Trung Quốc tới Âu Châu qua nước Nga, Trung Á và Trung Đông ; và Nhất Lộ là đường hàng hải từ Trung Quốc qua biển Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương và các mặt biển Đông Phi, Trung Đông rồi Địa Trung Hải đến tận Âu Châu.

Sau đó báo chí Bắc Kinh so sánh tham vọng OBOR với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Nhưng, ngày nay Hoa Kỳ có lãnh đạo mới, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc, lại còn phê phán việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông. Do đó tiết mục kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu về sự khả thi của kế hoạch kinh tế này của Bắc Kinh, ông Nghĩa nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta sẽ tìm hiểu tham vọng Nhất Đới Nhất Lộ, sau đó mới xét qua quan điểm của lãnh đạo Hoa Kỳ. Đầu tiên, khi Bắc Kinh so sáng kiến của họ với Kế hoạch Marshall của Mỹ thì họ có gian ý phản ảnh tham vọng chính trị. Sau Thế chiến II, Mỹ viện trợ kinh tế và kỹ thuật để tái thiết 16 nước Âu Châu trong bốn năm qua một kế hoạch mang tên Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là Thống tướng George Marshall. Nó trị giá cỡ 13 tỷ đô la, tính theo hiện giá là gần 190 tỷ, do Quốc hội Mỹ biểu quyết thành luật vào năm 1948, chi tiết được công khai hóa qua 23 trang.

Còn kế hoạch của Bắc Kinh vẫn là sự mờ ảo, được tô vẽ bằng lời ngợi ca "tinh thần của Con Đường Tơ Lụa" đời Hán. Nếu hiểu lịch sử thì ta biết con đường tơ lụa xa xưa khởi đầu với con đường buôn ngọc từ các nền văn minh Ba Tư, Hy Lạp qua vùng Trung Á rồi chỉ được Âu Châu đặt tên là con Đường Tơ Lụa từ thế kỷ 19, trong khi nhà Hán nổi tiếng với Con Đường Tơ Lụa khi triều cống hay gả công chúa cho lãnh đạo Hung Nô để cầu hòa đằng sau Vạn Lý Trường Thành. Ngày nay, Bắc Kinh muốn bành trướng thế lực với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ nhưng không thể thành công như Kế hoạch Marshall thời trước.

Bắc Kinh không thể thành công ?

Chân Như : Xin đề nghị ông giải thích cho vì sao ngay từ đầu ông lại nói rằng Bắc Kinh không thể thành công ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Để thẩm xét, chúng ta nên dựa vào thực tế hơn là vào những phát biểu của giới học giả phục Tầu hay lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản và Nhà nước Bắc Kinh.

Thứ nhất, về thực tế thì việc xây dựng chuỗi hành lang, mà Bắc Kinh gọi là "tẩu lang", trên đất liền và ngoài biển, như xa lộ, thiết lộ, cầu đường, phi cảng, hải cảng, v.v, qua một vùng hoang vu bát ngát có hơn bốn tỷ 400 triệu dân, là hai phần ba dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất ra có một phần ba sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, hai phần ba dân số địa cầu sản xuất ra một phần ba sản lượng của thế giới, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực. Mà hiện nay và trong tương lai xa xôi, vùng đất ấy lại có quá nhiều tranh chấp và bất ổn. Đấy là về địa dư, kinh tế, xã hội và cả an ninh trong một vùng đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang.

Thứ hai, về tài chính, Bắc Kinh thiết lập Quỹ Tơ Lụa trị giá 40 tỷ đô la, có sự yểm trợ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu AIIB họ lập ra từ Tháng 10 năm 2014 với 100 tỷ đô la làm vốn, mà một phần ba là khoảng 33 tỷ là của Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn có Ngân hàng Đầu tư Mới của nhóm BRICS với 100 tỷ. Tức là kế hoạch hy vọng tìm ra một phần tài trợ trong 240 tỷ đô la để thực hiện. Đấy chỉ là bước đầu như muối bỏ biển trên cõi vạn nan, vì ngân hàng Hongkong Shanghai Bank của Anh dự phóng rằng kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ cần từ bốn đến sáu ngàn tỷ đô la trong 15 năm tới thì mới hy vọng thành hình ! Thứ ba, ngoài hứa hẹn chung chung là đem lại thịnh vượng cho cả đại lục Âu-Á, kế hoạch chưa thể và không thể có một cơ chế phối hợp và điều hành tập trung của các nước, với mục tiêu chiến lược ở trên rồi cả trăm dự án chiến thuật ở dưới được từng quốc gia đồng ý thực hiện trên lãnh thổ của mình.

Nhớ lại thì ngày xưa, Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ đã minh định mục tiêu chung rồi từng dự án cho các phần vụ tuần tự giải ngân việc thi hành. Kế hoạch OBOR của Tầu là đám mây ngũ sắc bao trùm lên nhiều dự án rời rạc không có cơ quan giải ngân và kiểm soát tiến độ trong một tổng thể nhất quán nên chỉ là một ảo giác !

INDIA-HIMALAYAN

Con đường Tơ lụa đoạn đi qua làng Himalaya ở Ladakh, Ấn Độ. AFP photo

Chân Như : Đấy là khi người ta nhìn vào tổng thể, chứ nếu nhìn từ giác độ hay mục tiêu của Trung Quốc thì hiển nhiên là Bắc Kinh đã có những tính toán xác thực trước khi tung ra kế hoạch này chứ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có hai cách nhìn. Từ thực tế thì ta thấy Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng Cơ Sở AIIB đã tài trợ một số dự án trị giá tổng cộng một tỷ bảy, thay vì một tỷ 200 triệu như dự trù. Các dự án đó là những gì ? Một dự án thủy điện và một xa lộ tại Pakistan ; một dự án cải thiện đường xá giữa hai xứ Trung Á là Tajikistan và Uzbekistan ; một dự án cải tiến mạng lưới điện lực tại Bangladesh ; một dự án nâng cấp các khu gia cư ổ chuột tại Indonesia ; và một dự án thủy điện cho Miến Điện. Tính chất phân tán ấy cho thấy quả là Ngân hàng AIIB đi được một vài bước, nhưng là bước chuệch choạc trên con đường vạn lý.

Trong khi ấy, mục tiêu đích thực của Bắc Kinh là gì ? Nhiều nhà lý luận cực hữu thì mơ ước phát huy tư thế và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán qua Con Đường Tơ Lụa, nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều ưu tiên cấp bách hơn trong nội bộ. Họ có nhu cầu sinh tử là tái phân phối lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu bị khóa ở trong nên không tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đây là loại nan đề ngàn năm của Trung Quốc mà đang thành sức ép chính trị cho lãnh đạo vì người dân đã biết và không chấp nhận được nữa.

Chân Như : Chúng ta cần được nghe ông giải thích ưu tiên sinh tử này vì cho tới nay, thế giới cứ nói đến các thành tựu kinh tế của Trung Quốc mà ít chú ý đến các yếu tố địa dư và cả tổ chức chính trị bên trong một quốc gia có diện tích trải rộng trên 10 triệu cây số vuông mà vẫn chưa có thể chế liên bang của một nước dân chủ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau hơn 30 năm cải cách thì các tỉnh miền Đông phát triển mạnh và theo kịp thế giới ở biểu hiện bề ngoài làm thế giới khâm phục như ngó vào tủ kính. Nhưng hơn hai phần ba diện tích còn lại là các tỉnh hoang vu khô cằn, thiếu mạng lưới giao thương với bên ngoài, Đa số khu vực này còn là vùng đất do Hán tộc chiếm đóng của các dị tộc mà họ khinh miệt và đàn áp, như Cao nguyên Thanh Tạng của dân Tây Tạng, đất Tân Cương của người Đột Quyết theo Hồi giáo và cả khu vực gọi là Nội Mông của dân Mông Cổ.

Mức sống dân cư ở các nơi đó quá thấp, thí dụ như tại Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ và Tân Cương, cho nên tới hơn 400 triệu người chưa kiếm đủ bốn đô la một ngày và đấy là mầm loạn như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử Trung Hoa. Do đó cái gọi là Nhất Đới hay vành đai trên đất liền, là nỗ lực xây dựng hạ tầng nhằm khai thông các tỉnh bị khóa và tận dụng nguyên vật liệu đã sản suất thừa và bị ế ẩm như than đá, xi măng, sắt thép.

Thế giới sợ Tầu thì cứ nói đến kế hoạch chinh phục thiên hạ của Bắc Kinh, chứ lãnh đạo Bắc Kinh đang sợ khủng bố Hồi giáo từ Trung Đông Trung Á lại tràn vào Tân Cương và lan ra khắp nơi. Thiên hạ cứ nói đến Con Đường Tơ Lụa của Trung Hoa ngàn đời chứ học giả Bắc Kinh thì không quên rằng vào đời Đường, từ thời Đường Thái Tông trở đi, Con Đường Tơ Lụa là vùng trưng thu tài sản của các chiến binh Tây Tạng từ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn đổ xuống ! Thành thử cái gọi là Nhất Đới chỉ là hạ tầng cơ sở an ninh cho việc bảo vệ trật tự nội địa.

Con đường trên biển

Chân Như : Thưa ông, thế còn Nhất Lộ ở trên biển là gì trong mục tiêu thầm kín của Bắc Kinh ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Muốn hiểu chuyện này, ta cần nhìn ra thế giới của Thế kỷ 21 khi người ta hết cưỡi lạc đà mà dùng các phương tiện hiện đại hơn. Thống kê quốc tế, như Nghị hội Quốc tế về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho biết hàng hải là phương tiện kinh tế nhất vì rẻ nhất : giao dịch toàn cầu chuyên chở qua thương thuyền chiếm 80% về lượng và 70% về trị giá. Hàng hóa của Trung Quốc, là xứ lệ thuộc quá nặng vào xuất khẩu, dù ở trong đất liền hay vùng duyên hải, đều phải ra tới bến cảng để chở ra ngoài qua bốn năm eo biển của miền Tây Thái Bình Dương. Trong lịch sử Trung Quốc, chưa bao giờ xứ này lại cần bên ngoài như vậy, để có nguyên nhiên vật liệu cùng thực phẩm và có thị trường xuất khẩu.

Vấn đề của Bắc Kinh là nỗi sợ của kẻ có tật giật mình vì mắc bệnh tự kỷ ám thị : họ biết mình có nhiều chiến hạm nhưng vẫn chưa có hạm đội mà vùng giao lưu sinh tử cho kinh tế lại do các hạm đội Hoa Kỳ kiểm soát và bảo vệ từ gần trăm năm nay. Thay vì hành xử bình thường và tự do như các nước Nam Hàn, Đài Loan hay Nhật Bản, Bắc Kinh lại muốn kèm vào đề nghị xây dựng hải cảng giao thương cho các nước trong kế hoạch Tơ Lụa trên biển với việc thiết lập quân cảng cho quân đội Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Tầu, nhưng không thoải mái với việc Bắc Kinh đòi quân sự hóa các hải cảng này. Vì vậy, việc Bắc Kinh lấn cướp và xây dựng các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự ngoài vùng biển Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ngày nay mặc nhiên phá hoại khả năng thành công của Con Dường Tơ Lụa Ngoài Biển !

Chân Như : Nếu như vậy, trước khi Hoa Kỳ có Chính quyền Donald Trump với lập trường bác bỏ việc Trung Quốc khống chế và quân sự hóa biển Đông hải, thì tham vọng Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh đã có nhiều trở ngại nguyên thủy từ bên trong. Thưa ông, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới lý tài và nhu nhược cứ muốn làm ăn với Trung Quốc mà vẫn trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Khi nước Mỹ xẵng giọng vì làm ăn thua thiệt mà cứ phải lo cho an ninh của thiên hạ thì người ta tìm cách đổ lỗi cho Mỹ ! Hoa Kỳ là siêu cường hải dương, có khả năng toàn cầu và đấy là thực tế quốc tế hiện nay, ít ra trong vài chục năm tới. Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, với các bài toán cụ thể về tài trợ, tổ chức và thực hiện trên nhiều vùng bất ổn, chỉ là biểu hiện vĩ cuồng, thiếu thực chất. Đấy là cái danh không thực và tội không phải là từ ông Trump, người sống và giải quyết chuyện thật ngoài đời một cách lạnh lùng với một nội các và ban tham mưu có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn là danh hão của chính trị gia.

Chân Như : Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Chân Như thực hiện

Nguồn : RFA tiếng Việt, 18/01/2017

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2