Ngày 23/10 vừa qua đánh dấu năm năm của sự kiện bi thảm gây chấn động thế giới lúc đó, ngày mà trong thùng sau kín mít của một chiếc container chở hàng tại Anh, cảnh sát đã phát hiện ra 39 thi thể chồng chất. Toàn bộ là người Việt Nam, có cả nam và nữ. Người lớn tuổi nhất mới 44 tuổi, hai thiếu niên nhỏ tuổi nhất mới vừa 15. Họ chết vì ngạt khí và vì nhiệt độ tăng cao trong thùng xe kín.
Một phụ nữ Việt Nam mang thai được cáng đi khi chiếc thuyền chở bà cùng 60 người khác đang tìm cách vượt eo biển Manche từ thành phố cảng Calais của Pháp để đến Anh vào ngày 1/4/2021
Sau đó cảnh sát đã tìm thấy những vết rạch ngắn trên trần của thùng xe, được cho là những nạn nhân đã cố gắng dùng vật nhọn để đục thủng hay phá lớp vách của thùng xe. Họ cũng đã tìm cách bẩy, cạy, phá cửa thùng xe nhưng đều vô vọng. Nhiều dấu bàn tay lem máu vẫn còn in rõ trên vách thùng xe. 39 người sống rải rác sáu tỉnh thành của Việt Nam, tất cả đều khác nhau về tên tuổi, giới tính, hoàn cảnh bản thân và gia đình, nhưng đã cùng trải qua một cuộc hấp hối rất dài trong tuyệt vọng thảm thương.
Cả thế giới cố hiểu vì sao có đến chừng ấy con người cùng một quyết tâm gan lì đến mức dám chơi một ván bài sinh tử đến vậy. Họ nghèo túng đến cùng quẫn chăng ? Họ bị nợ nần vây hãm ? Hay họ không thể tìm được việc làm nào khác có thể nuôi sống gia đình ở Việt Nam ?
"Nô lệ hiện đại"
Thông tin mờ tỏ cho biết chiếc container nói trên chỉ là một trong đoàn xe ba chiếc chở cả trăm người tìm đường vào Anh tương tự, trong đó có không ít người Việt, hoặc cũng có thể hoàn toàn là người Việt. Sự thật là khi 39 người đang giãy chết trong chiếc xe tử thần thì số không ít đồng hương của họ đã mở bia ăn mừng ngày thắng lợi-ngày đặt chân trót lọt vào nước Anh mà không bị phát hiện, không bị trục xuất.
Báo chí Anh, trong nhiều năm trước và sau sự kiện này, kết luận sự kiện những người Việt Nam liên tiếp vượt biên trái phép vào Anh là một phần trong đường dây buôn người xuyên quốc gia. Những "thùng nhân" người Việt được mô tả là những nô lệ hiện đại, bị lừa bán vào các trang trại cần sa ẩn náu khắp nơi trên nước Anh.
Chủ nhân của những trang trại này cũng là người Việt nhưng đã sinh sống lâu dài tại Anh. Những cuộc đột kích vào các trang trại cần sa luôn phát hiện ra những nạn nhân trong tình trạng chung dường như vô cùng đáng thương : các nô lệ hiện đại bị lừa phải trả một khoản tiền rất lớn mà gia đình họ không thể trả nổi, do đó buộc phải bán thân vào làm thuê trong các trang trại cần sa. Họ bị nhốt kín trong nhà, cửa luôn luôn khóa, không thể bước ra ngoài hay thậm chí lộ diện, không được dùng điện thoại, không được liên lạc với bất cứ ai, chỉ được ăn đồ hộp, ngủ trên một tấm nệm vứt lăn lóc bất cứ nơi nào trong nhà, sống chung với mùi nồng nặc của lá cần sa quanh năm suốt tháng…
Nhưng cảnh sát Anh và Việt, trong khi truy lùng đường dây buôn người đã tìm ra chứng cứ là mỗi nạn nhân đều đã TỰ NGUYỆN đóng một khoản tiền khoảng trên dưới 23.000 USD (545 triệu đồng), thậm chí có người đóng đến 900 triệu đồng để được đưa trái phép vào Anh. Những người trong đường dây cam đoan không nhận tiền nếu chưa thành công.
Người thân cô Anna Bùi Thị Nhung khóc bên quan tài của cô. Bùi Thị Nhung là một trong số 39 nạn nhân chết trên xe container vào Anh hồi năm 2019. Reuters/Kham
"Voi" hay "chó" chỉ cách một mùa cần
Trong số những nạn nhân, có những người đã sang một nước châu Âu khác làm việc như nấu ăn thuê trong nhà hàng, nhưng rồi thu nhập ít và muốn sang Anh. Có những người đã đi xuất khẩu lao động ở nước khác trở về rồi lại tìm đường sang Anh. Có những người đã đi làm công nhân ở Sài Gòn rồi trở về quê để sang Anh. Có gia đình chạy vạy mượn nợ để đưa con đi, nhưng cũng có người đã có vợ con, đã xây được nhà to ở quê, lần này muốn sang Anh là để kiếm một số vốn trở về kinh doanh và không đi nữa. Đó cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người Việt không nằm trong con số 39 kia, nhưng đều đã cùng đi một con đường. Đó là vượt biên sang Anh để "làm ăn", giàu phất lên hoặc trắng tay và chết/tù/hoặc bị trục xuất về nước.
Vì thế, cho dù thương xót đến bao nhiêu đi nữa thì các nạn nhân đều không phải đứa trẻ con ngơ ngác bị lừa gạt, hay những nô lệ đáng thương như báo chí Anh mô tả. Những người này hoàn toàn biết họ đang muốn gì và cần làm gì để đạt mục đích.
Đích đến của đại đa số những người bỏ khoản tiền lớn theo đường dây đến Anh chính là những trang trại cần sa của người Việt. Ông chủ và người trực tiếp trồng và chăm sóc cần sa được chia nhiều tiền nhất, nhưng ngoài ra vẫn có kha khá công việc liên quan như sửa chữa nhà, lắp hệ thống điện và nước tưới, lái xe dọn đổ rác, đất thải sau khi thu hoạch... cho những người khác.
Nếu không gia nhập vào thị trường ma túy thì với tình trạng chung của đại đa số những "thùng nhân" vào Anh : không tay nghề, không vốn liếng, không người quen biết, họ sẽ bằng cách nào, làm việc gì để có tiền thật nhanh chóng, để trả được khoản nợ khổng lồ và bắt đầu dành dụm cho tương lai ? Tại sao tất cả đều muốn vào Anh, chỉ vào Anh mà thôi và vào Anh gần như với bất kỳ giá nào ? Sang để làm nail như các cô gái khai ư ? Làm nail đến bao giờ mới đủ 900 triệu đồng tiền mà cả gia đình đã gom góp vay nợ, hoặc cầm cố thế chấp nhà cửa để mua một suất đi "cỏ" (tức bám container hoặc nằm trong container) đầy nguy hiểm và rủi ro thất bại) ?
Trong vô số những câu chuyện về người Việt đi trồng cần sa ở Anh, ở Úc, … không ai lạ gì chuyện lên voi xuống chó. Có những người làm công được chia tiền rủng rỉnh sau khi người chủ trúng liên tiếp vài mùa, bèn đứng ra thuê bất động sản, lập trại trồng cần sa riêng, trở thành ông chủ mới. Ông chủ này thuê lại những người cùng làm công với mình trong những mùa trước, thậm chí có thể thuê cả một vài ông chủ do bị cảnh sát đột kích liên tiếp nên mất sạch cả vốn lẫn lãi, đến lượt mình đi làm công cho người khác.
Nhưng ngay cả ông chủ mới cũng không nằm ngoài vòng quay tàn khốc và vô vàn bất trắc. Họ có thể trúng vài mùa, tiếp tục phất lên, hoặc cũng có thể bị mất sạch, hay éo le hơn là bị chính đồng hương tổ chức cướp sạch thành quả và lại quay về thân phận "nô lệ hiện đại". Cứ thế xoay vòng.
Có những làng quê Việt Nam được báo chí trầm trồ vì tuy ở vùng nông thôn nghèo, đất đai canh tác rất ít, nghề phụ thu nhập kém, nhưng biệt thự san sát, xe hơi đầy đường, có thể sánh với khu vực giàu có của những thành phố phồn hoa nhất nước. Tất cả đều là của những gia đình có người đi tây. Có nhà tất cả con cái, dâu rể đều đi, chỉ còn ông bà và các cháu nhỏ.
Điều thú vị là mặc cho sự hân hoan thấy rõ ở nét mặt các lãnh đạo huyện, tỉnh nơi có các làng biệt thự này, nhưng khi nói về nguyên nhân, họ vẫn chỉ dám dùng uyển ngữ, gọi những người đi tây là "xuất khẩu lao động tự do". Các vị lãnh đạo này thừa nhận địa phương không nắm được những người đi tây đó hiện đang ở nước nào, làm những công việc gì, chỉ biết họ thường xuyên gửi tiền về cho gia đình.
Tuy nhiên, dù biệt thự mọc lên như nấm, nhưng hầu như chỉ còn người già và trẻ em ở nhà. Hầu như người lớn đều đang ở nước ngoài. Họ đi theo nhiều cách. Ngay cả "đường dây buôn bán người" mà báo chí nước ngoài gọi tên, nhiều khi chính là những người họ hàng đã đi nước ngoài trước, rồi lại kéo anh em thân thích đi theo. Đó là lý do khiến không ít gia đình dù có con cái chết trong vụ 39 người nhưng vẫn chịu đựng, không tố giác.
"Tai nạn nghề nghiệp"
Trong số 39 người chết tại Essex, có đa số đã từng đi xuất khẩu lao động chính thức trước đó. Họ làm công nhân hoặc làm các công việc phụ bếp tại các nước Nhật, Ba Lan, Rumania… nhưng đều không hài lòng với cuộc sống đó. Có những người không từng đi xuất khẩu lao động thì cũng đã rời gia đình, ra Hà Nội hoặc vào miền Nam làm công nhân, rồi tự móc nối tìm đường đưa sang Anh. Tất cả họ đều tự nguyện chọn con đường ấy. Thậm chí, trong những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn, khi thi thể của những người chết trong thùng container vẫn còn chưa được đưa về nước thì đã có những người khác chúc mừng nhau vì đã đến Anh trót lọt, dù vẫn bằng con đường làm "thùng nhân".
Có nhiều lý do khiến họ quyết chí đi Anh. Cuộc sống ở quê thực sự khó khăn. Làm nông hay làm biển đều thất bát, không nuôi nổi gia đình. Ở địa phương không có công ty, khu công nghiệp để xin vào làm công nhân. Trong khi đó, ngay trước mắt, những tấm "gương" làm giàu cực kỳ nhanh chóng của anh A chị B con chú Năm thím Bảy ở ngay sát nhà, chỉ ít năm đi Anh đã mang tiền tỷ tỷ về xây biệt thự nguy nga ngày ngày phóng chiếu ước mơ làm giàu, báo hiếu bố mẹ và đổi đời cho cả gia đình. "Đã xác định ra đi làm kinh tế thì chỗ nào OK là mình làm" "Ở cái xã này có hàng nghìn người đi Anh, mà Anh nhiều tiền như thế đấy, giờ mình có về (Việt Nam) hoặc là có tiền tấn tiền tỷ cũng chả là cái gì" - vài người nói. Họ là những người đã từng "nhảy công" sang Anh rồi hoặc bám lại được, hoặc bị trục xuất về nước, và được trích dẫn phỏng vấn trong dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại do tổ chức World Vision Internatinonal tại Việt Nam thực hiện năm 2019 với tài trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh.
Cả hai động cơ "thúc" và "đẩy" đều mãnh liệt, nhưng con người mà, ai chẳng thích tin vào điều kỳ diệu và tương lai rực rỡ. Sau vụ 39 người chết trong container, báo chí, cảnh sát và các tổ chức bảo vệ con người khắp thế giới đã lên tiếng, vẽ ra một bức tranh khủng khiếp về di cư tự do đến Anh.
Những người nhập cư vào Anh được cứu ở eo biển Manche hôm 4/8/2021. Trong số này có những người Việt Nam, Iran và Eritrea. Reuters /Peter Nicholls
"Người Việt mình chết ở bên Nga nhiều lắm. Chẳng qua nhiều khi chết một, hai người rồi tây người ta vùi lấp vì chết ở trong rừng, nhiều người. Còn so với đi sang Nga, vụ đi sang Anh mà chết ba mươi mấy người đấy là ít rồi đấy, gọi là hi hữu. Chúng em ở bên này (Anh) là lâu lắm rồi. Thỉnh thoảng có chứ không phải khi nào cũng bị. Cái đấy gọi là tai nạn nghề nghiệp".-một nhân vật được phỏng vấn trong dự án nói trên nói rất tỉnh.
Trên con đường từ Việt Nam sang Trung Quốc, qua Nga, đến các nước châu Âu rồi cập tại Pháp hoặc Bỉ, từ đó "nhảy công" vào Anh, đã có không ít người chết vì bệnh, gặp thú hoang, bị điện giật, trượt ngã xuống núi… trong rừng, tại các vùng hoang vắng ngay những chặng đầu tiên tại Nga. Nhưng, những người còn lại vẫn náo nức và quyết tâm đi, vì những cái chết kia xa xôi mơ hồ quá, mà tòa biệt thự, chiếc xe hơi ở quê, sự chi tiêu rộng rãi thoải mái của các anh lớn đang ở Anh lại gần quá, thật quá, sờ thấy được. Không ai dám đem sinh mạng ra đánh cược, họ chỉ luôn tin tưởng vào thành công, và cho những cái chết kia là sự may rủi của số phận từng người, hoặc-như trên đã trích, là một tai nạn mà trên con đường tìm kiếm sự giàu có buộc phải chấp nhận.
Điều đáng tiếc hơn cả là cho dù cuộc sống của nhiều gia đình quả thật đã giàu có lên sau những hy sinh của người thân đi "làm kinh tế", nhưng cho đến hiện tại, sự chọn lựa của nhiều người Việt dường như chưa hề thay đổi. Chỉ mới một tuần trước, 11 người Việt đã bị bắt và trục xuất về nước sau khi cảnh sát New Zealand phát hiện vụ trồng cần sa có giá trị đến 18 triệu USD. Ở Anh và Úc, cảnh sát cũng liên tiếp phát hiện những vụ trồng cần sa quy mô lớn có mặt nhiều người Việt.
Cuộc sống của người Việt trong nước hiện tại nói chung vẫn ở tầm khá thấp so với các nước phát triển, nhưng nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng đã mở ra cho cả những người lao động có trình độ văn hóa thấp hoặc không có chuyên môn. Hàng năm, các công ty ở Bắc Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều tuyển dụng rất nhiều công nhân với mức lương tạm ổn. Nếu chấp nhận lao động chăm chỉ thì vẫn có thể sống mà không phải đánh đổi sinh mạng trong một chiếc thùng container.
Cho nên, nếu gọi những người làm công cho các trang trại cần sa là nô lệ, thì có lẽ cần thêm vào một vế nữa cho rõ ràng : Họ là nô lệ tự nguyện.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 09/11/2024
Tham khảo :
https://vietnamnet.vn/nhung-bi-kich-o-lang-xuat-khau-lao-dong-lon-nhat-viet-nam-2018504.html
https://baotintuc.vn/the-gioi/vu-39-nguoi-chet-trong-container-vo-giac-mong-doi-doi-20191030094953230.htm
https://plo.vn/cau-chuyen-cua-1-nguoi-viet-tung-trong-can-sa-o-anh-post545416.html
https://nhandan.vn/theo-dau-can-sa-post814915.html
https://vietnamnet.vn/lang-ty-phu-nho-xuat-khau-lao-dong-778841.html
https://tienphong.vn/vu-39-thi-the-trong-container-dong-lanh-o-anh-am-anh-dong-tin-nhan-post1146292.tpo
https://vnexpress.net/nguoi-viet-ke-cong-viec-trong-can-sa-bat-hop-phap-o-anh-4004420.html
Hẳn chúng ta ai cũng đã nghe nói đến một đoàn nhiều ngàn di dân và người xin tị nạn đang từ từ đi bộ từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã biến cuộc hành trình của họ trở thành tin tức hàng đầu, cả quyết họ là một đe dọa cho an ninh quốc gia.
Đoàn di dân "caravan" với hàng ngàn người bên ngoài thị trấn Arriaga, tiểu bang Chiapas, Mexico, hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Mười, 2018, chuẩn bị tiến vào Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/Rebecca Blackwell)
Và để chứng tỏ lý luận của mình, ông đã đưa ra khuyến cáo thường xuyên mà ông vẫn đưa ra để khuyến cáo người Mỹ: Hãy nhìn vào cái mà ông gọi là "total mess" mà di dân đã tạo ra cho Âu Châu.
Những người Âu Châu không hiểu tổng thống nói gì. Nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống nghĩ Âu Châu là một vùng đại nạn. Ông đã từng cáo buộc Luân Đôn như là "một bãi chiến trường," nói là một người bạn bí mật của ông tên là Jim không đi đến thủ đô nước Pháp nữa vì "Paris không còn là Paris nữa," và nói đến những biến cố kinh khủng ở Thụy Điển vốn chưa từng xảy ra.
Một số người Pháp hỏi là nếu tổng thống "sợ Paris" đến thế thì tại sao tổng thống nhận lời mời đến dự cuộc duyệt binh ngày 14 tháng Bảy của Tổng thống Emmanuel Macron. Còn dân Luân Đôn thì hỏi "bãi chiến trường nào vậy" khi mà Luân Đôn là một trong những nơi tiếp đón nhiều du khách nhất thế giới với năm 2017 thành phố tiếp đón 19,1 triệu du khách quốc tế. So với thủ đô Washington DC, vốn năm 2017 chỉ có 2 triệu du khách quốc tế đến thăm và ngay cả New York cũng chỉ có 13,1 triệu khách quốc tế đến thăm.
Nhưng tổng thống đã có thành kiến với Âu Châu và nay khi cuộc bầu cử giữa kỳ gần kề, tổng thống lại nhắc lại hình ảnh kinh khủng của di dân ở Âu Châu để biện minh cho những biện pháp nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.
Thực sự thì mức độ của tình hình dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico chưa bao giờ đến mức của vấn đề mà Âu Châu đối diện năm 2015 và 2016. Chỉ xin đơn cử một vài con số. Năm 2015 có hơn 1,3 triệu đơn xin tị nạn chính trị ở Âu Châu so với chỉ có 331.700 đơn ở Hoa Kỳ.
Vả lại hầu hết sự xáo trộn về di dân không phải là về di dân mà là về sự tranh cãi bên trong Liên Hiệp Âu Châu giữa các quốc gia vì có quốc gia cảm thấy gánh nặng chấp nhận và trông nom cho di dân không được chia sẻ công bằng – và rằng chính sách biên giới của liên hiệp không đủ để đối phó với vấn đề. Là một quốc gia thống nhất, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải đối phó với những chia rẽ như vậy.
Cũng là một sự hiển nhiên là Âu Châu không sụp đổ trong một thứ xáo trộn và rối loạn mà chúng ta sẽ nghĩ nếu chỉ đọc các tweet của tổng thống. Ở Đức, nơi nhiều trăm ngàn di dân và người tị nạn đã tràn vào trong làn sóng đến Âu Châu năm 2015, thống kê chính thức cho thấy là số tội phạm giảm 10% trong năm đó.
Trong khi dân tị nạn và di dân có thể là một gánh nặng ngắn hạn cho ngân quỹ của các quốc gia Âu Châu, cũng có bằng cớ là về lâu về dài di dân có thể đóng góp. Thực vậy, ở Thụy Điển, họ có vẻ đang giúp làm nền kinh tế tăng trưởng.
Kinh tế gia Lars Christensen nói với Bloomberg Businessweek vào mùa Hè năm nay : "Những người tị nạn và di dân đến vào thời điểm đúng nhất", bởi vì Thụy Điển đang thiếu công nhân. Nhờ số di dân này là nền kinh tế Thụy Điển tăng trưởng 3% so với tốc độ trung bình của Âu Châu là 2%.
Chính trị cũng cho thấy một hình ảnh pha trộn không đơn giản. Trên toàn lục địa, những đảng mỵ dân chống di dân đã tìm cách lợi dụng. Một số đã đạt được thành công trong bầu cử – đáng kể nhất là Liên Minh Phương Bắc, đảng đang là một phần của chính phủ liên hiệp ở Ý. Sự thành công của UKIP trong việc thúc đẩy lá phiếu Brexit cũng là một thí dụ thứ nhì. Một số đã thúc đẩy các đảng dòng chính hãy có những lập trường cứng rắn hơn để giữ phiếu bài di dân của cử tri.
Nhưng đó cũng không hẳn là một chiến lược tốt. Đảng Liên đoàn Xã hội Ki-tô Giáo gọi tắt là CSU, đảng đàn em của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel ở Bavaria, đã chọn một chính sách cứng rắn về di dân để chống lại đảng cực hữu và duy trì vị thế mà đảng đã chế ngự ở Bavaria từ nhiều năm nay. Thay vì vậy, trong cuộc bầu cử địa phương hôm 14 tháng Mười, cử tri bỏ chạy. Trong khi cánh cực hữu AfD thắng khá, nhưng đảng ủng hộ di dân, đảng Xanh còn thắng hơn nữa, dành vị thế thứ nhì.
Lãnh tụ đảng Xanh Tarek Al-Wazir ở bang Hesse giải thích : "Chúng tôi là đảng duy nhất đã không bị thúc đẩy trở thành khùng điện vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu".
Nhưng có lẽ tổng thống tin là một lập trường cứng rắn về di dân vẫn tiếp tục là một vấn đề ăn khách ở Hoa Kỳ. Tạp chí online Politico nói là tổng thống và toán thăm dò dư luận của ông tin là những dữ liệu cho thấy biên giới và di dân vẫn còn nhiều âm hưởng đối với cử tri, đặc biệt là trong các cuộc bầu khít khao. Politico viết: "Những người đã nói chuyện với ông về việc này nói ông thề là sẽ đưa ra đề tài đoàn người dầu ở đâu và lúc nào, ngay cả khi ông không bị nhắc nhở bởi những người khác".
Trong tờ The Atlantic, nhà bình luận bảo thủ David Frum viết : "Đối với Tổng thống Trump, đoàn người này tiêu biểu cho một cơ hội chính trị. Đây là loại vấn đề kích thích những người Mỹ bảo thủ – và cho ông được quyền trở thành người bênh vực tức giận và hung hăng cho họ".
Có một điều giống nhau giữa những di dân đến Âu Châu và Hoa Kỳ ngày nay – nhưng có lẽ lại là điều mà tổng thống không muốn nhắc đến.
Ông Nick Miroff của tờ Washington Post viết : "Thời đại của di dân hàng loạt của những công nhân lao động người Mexico đổ vào California và vùng sa mạc của Arizona đã qua rồi" kết thúc từ những chính sách khắt khe hơn và tăng cường phòng vệ biên giới.
Đó là những người tìm đến để làm những công việc như hái rau trái, cắt cỏ, làm vườn. Họ không thực sự là di dân hay dân tị nạn. Nhiều khi họ sang Hoa Kỳ một thời gian rồi trở về quê với một số vốn. Thay vì vậy, những di dân đang đến Hoa Kỳ ngày càng giống những người đến Âu Châu trong những năm gần đây: Những người xin tị nạn, mang theo với họ "những câu chuyện về tra tấn, bị tuyển vào các băng đảng tội ác, bị tống tiền bởi cảnh sát tham nhũng".
Như Âu Châu đã học được, đối phó với những người xin tị nạn vốn có những câu chuyện có thể tin được về bị đàn áp là một tiến trình phức tạp – không những chỉ vì những lý do đạo lý, mà còn về hành chánh nữa. Số những vụ đang chờ ở các tòa án di dân Hoa Kỳ nay lên trên 750.000 hồ sơ và ông Miroff giải thích là những người nộp đơn phải chờ lâu mới có hẹn ra tòa.
Kể cũng mỉa mai là định kiến của tổng thống về di dân bất hợp pháp có thể giúp tạo nên những vấn đề mà nay đang làm ông nổi giận. Việc ông đã làm ồn lên về một đoàn người nhỏ hơn hồi tháng Ba có vẻ đã giúp thúc đẩy đoàn người lớn hơn đang tiến về Hoa Kỳ, trong khi chính sách chia cách gia đình không đủ để làm người ta sợ hãi.
Điệu này rồi Hoa Kỳ có thể gặp một cuộc khủng hoảng di dân kiểu Âu Châu mà tổng thống đã vô tình tạo nên.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 27/10/2018
Bộ Quốc phòng yêu cầu chỉnh sửa hình ảnh người lính Việt trên phim (VOA, 12/10/2018)
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa yêu cầu nhà sản xuất một bộ phim Việt hóa từ tác phẩm cùng tên rất thành công tại Hàn Quốc điều chỉnh việc thể hiện hình ảnh người lính Việt Nam mà họ cho là không đúng thực tế.
Một hình ảnh trong phim Hậu Duệ Mặt Trời phiên bản Việt của bộ phim truyền hình gây sốt của Hàn Quốc có tên Descendants of the Sun.
Hậu Duệ Mặt Trời - một bộ phim truyền hình nhiều tập về những cảnh sát biển đấu tranh chống tội phạm để bảo vệ tổ quốc, đã bị khán giả vạch ra những sai sót "nghiêm trọng" ngay từ khi mới ra mắt vào cuối tháng 9, theo truyền thông trong nước.
Và Bộ Quốc phòng đã phải vào cuộc.
"Sau khi phim phát sóng, có nhiều ý kiến khác nhau và có nhận xét nhất là về lễ tiết, tác phong mang mặc của một số quân nhân ở trong phim có sai so với điều lệnh quy định của Quân đội", Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên truyền thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - được Tiền Phong trích lời nói với các phóng viên tại một buổi họp báo hôm 9/10.
Thiếu tướng của Bộ Quốc phòng cho biết những hình ảnh của các quân nhân trên bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời do Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC phát sóng "chưa sát so với đời sống thực tế của bộ đội".
Một trong những sai sót mà độc giả của Tiền Phong chỉ ra là quân hàm và lối chào của các nhân vật lính trong phim không giống binh sỹ thật. Ngoài ra việc diễn viên biểu cảm ‘vô hồn’ và những màn ‘kịch tính hóa’ giữa vệ sỹ và quân nhân đã làm khán giả thêm phần chỉ trích bộ phim.
Cho đến ngày 10/10, VTC đã phát sóng 12 trong tổng số 48 tập của bộ phim, theo Việt NamExpress. Tuy nhiên trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng đã đề nghị đơn vị phát sóng chỉnh sửa nội dung những tập tiếp theo cho phù hợp hơn.
"Chúng tôi đề nghị VTC cần tham khảo để chỉnh sửa những sai sót trên trước khi phát sóng ở những tập tiếp theo để hình ảnh tốt đẹp của Bội đội Cụ Hồ được phản ánh một cách chân thực, đầy đủ, chính xác nhất", Thiếu tướng Đức cho biết.
Ông Đức, cũng là người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, nói với phóng viên rằng bộ không tham gia cố vấn quân sự cho bộ phim này hay thẩm định và duyệt phim.
Một cảnh trong phim Hậu Duệ Mặt Trời bị cho là kịch tính hóa.
Tuy nhiên trong phản hồi từ phía VTC, Giám đốc Nguyễn Kim Trung nói với Zing.vn rằng họ "chưa nắm được thông tin về đề nghị của Bộ Quốc phòng". Về việc chỉnh sửa cho phù hợp hơn, người đứng đầu VTC nói "hiện tại chúng tôi chưa có phát ngôn về vấn đề này".
Theo truyền thông trong nước, nhà sản xuất phim nói có tham khảo ý kiến của một số chuyên gia quân đội trong đó có nhà văn xuất thân từ quân đội Chu Lai trong việc thể hiện hình ảnh người lính Việt.
Nhà văn Chu Lai không phản hồi cuộc gọi của VOA để xin bình luận về vấn đề này.
Không rõ liệu các tập tiếp theo của bộ phim có tiếp tục được trình chiếu trước khi các sai sót trên được sửa chữa hay không.
Trước Hậu Duệ Mặt Trời, một số bộ phim của Việt Nam đã từng bị dừng chiếu hoặc phải sửa nội dung vì mắc ‘lỗi’. Bẫy Cấp Ba của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực và nhạy cảm trong khi Bụi Đời Chợ Lớn của đạo diễn Việt Kiều Charlie Nguyễn bị chỉnh sửa kịch bản cũng vì những cảnh phản cảm.
Bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời phiên bản Việt do đạo diễn Trần Bửu Lộc thực hiện. Ông cũng là đạo diễn bộ phim Cô Ba Sài Gòn vừa được chọn tham dự Oscar 2019 trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
****************
Ba phụ nữ Việt dùng hộ chiếu giả bị bắt ở Đài Loan (RFA, 12/10/2018)
Ba phụ nữ Việt Nam bị bắt tại Sân bay Đài Nam hôm 10 tháng 10 vì sử dụng hộ chiếu giả hay hộ chiếu ăn cắp để nhập cảnh vào đảo quốc Đài Loan.
Một bé gái người Hmong được giải cứu từ Trung Quốc hồi tháng 5/2014. AFP
Mạng Asia Times dẫn lại nguồn của Liberty Times loan tin vào ngày 12 tháng 10 cho biết rõ ba người phụ nữ từ thành phố Hồ Chí Minh khai họ đến Đài Loan với mục đích du lịch.
Tin cho biết sau khi phát hiện nhóm ba người vừa nêu không có giấy tờ hợp lệ như thế, nhân viên chức năng đưa họ đến Văn phòng Cơ quan Xuất nhập cảnh quốc gia ở Phi trường quốc tế Cao Hùng nhằm trục xuất họ.
Một trong nhóm ba người đã lẻn trà trộn vào đám đông khách đi máy bay ở phi trường Cao Hùng trốn thoát và đón ngay taxi đi Đài Bắc. Hành động của người phụ nữ 40 tuổi này được cho biết diễn ra trong khi các nhân viên đưa họ đi và lo chuyện hồi hương.
Lực lượng chức năng phát hiện việc biến mất của người phụ nữ và khoảng 12 tiếng sau, bà này bị bắt lại tại quận Nội Hồ thuộc thành phố Đài Bắc ; dù lúc đó người phụ nữ cải trang bằng cách thay đổi tóc tai và trang phục.
Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy người phụ nữ này từng đến thăm Đài Loan hồi đầu năm nay và không hề có tiền sử vi phạm gì. Văn phòng Công tố viên quận Cao Hùng sẽ tiến hành một cuộc điều tra về nhóm ba phụ nữ vừa nêu.
Cũng liên quan đến phụ nữ Việt Nam, nhưng là vấn nạn mua bán phụ nữ.
Tin từ Asia Times vào ngày 12 tháng 10 cho biết một người đàn ông Việt Nam 26 tuổi đã bị bắt với cáo buộc lừa gạt và bán một phụ nữ 27 tuổi cho một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam.
Theo cảnh sát, người bị bắt có tên Chang Mi Ly quen với một người Trung Quốc và biết được có người thân của người Trung Quốc đang tìm vợ và sẵn sàng trả với giá 435 USD.
Ông Ly được cho là đã lừa một phụ nữ 27 tuổi bằng cách hứa hẹn đưa sang Trung Quốc làm việc. Người phụ nữ này sau đó đã được giải cứu và khi trở về Việt Nam đã tố cáo ông Ly với công an.
Trong năm 2017, khoảng 670 trường hợp buôn bán người được phát hiện ở Việt Nam, bằng một nửa so với năm trước đó là 1.128 trường hợp. Nhiều phụ nữ ít học và trẻ em nghèo là những đối tượng bị nhắm đến để đem bán làm vợ hoặc làm gái mãi dâm ở Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc.
*********************
Hàn Quốc cho lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp về nước (RFA, 10/10/2018)
Bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay đến ngày 31/3/2019, Hàn Quốc áp dụng chính sách ân xá đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này. Theo quy định, nếu những lao động này tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên thì sẽ không bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc.
Hình minh họa. Công nhân Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc tại sân bay ở Hà Nội hôm 5/11/2007 - AFP
Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trước đó, cho biết nước này sẽ áp dụng chính sách truy quét và ân xá đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp trong ngành xây dựng, các công việc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người bản đại và những công việc ảnh hưởng đến thuần phòng mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành manh, kinh doanh massage.
Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, số người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong vòng 6 tháng đầu năm là 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước là 518 người.
Hiện có hơn 38.000 người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.
Trump bị chỉ trích vì gọi di dân bất hợp pháp là ‘súc vật’ (VOA, 18/05/2018)
Trong lúc lên án tiểu bang California vì cái gọi là ‘chính sách trú ẩn cho di dân’, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi những người vượt biên trái phép là ‘súc vật’. Phát ngôn này của ông đã khiến ông hứng chịu chỉ trích từ các lãnh đạo Dân chủ.
Những thành viên băng đảng MS-13 bị áp giải
Ông Trump đưa ra lời phát biểu này trong cuộc nói chuyện bàn tròn về chủ đề di dân sau khi Cảnh sát trưởng Hạt Fresno, bang California, Margaret Mims than phiền về những điều luật của tiểu bang hạn chế hợp tác với giới chức di trú liên bang. Trong cuộc thảo luận đó, ông Trump đã chào đón đến Tòa Bạch Ốc các thị trưởng, cảnh sát trưởng và các lãnh đạo địa phương khác của bang California vốn chống đối chính sách di dân của tiểu bang này và ca ngợi những nỗ lực cứng rắn của ông Trump về di dân.
"Chúng ta có những người vào đất nước này hay là tìm cách đi vào và chúng ta đã chặn được rất nhiều người trong số họ", ông nói. "Quý vị không thể tin là bọn người này tệ hại thế nào đâu. Chúng không phải là con người nữa. Chúng là súc vật".
Ông Trump đưa ra lời phát biểu này để đáp lại một bình luận về các thành viên băng đảng MS-13.
Ông Trump liên tục gọi thành viên các băng đảng bạo lực đường phố là ‘súc vật’ trong các bài diễn văn, các cuộc vận động và tại các sự kiện ở Tòa Bạch Ốc, theo hãng tin AP. Ông cũng dùng từ ngữ tương tự để mô tả những kẻ khủng bố và những kẻ xả súng ở trường học.
Phản ứng trước bình luận này của Tổng thống, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, đã viết trên Twitter rằng : "Khi tất cả những ông cố, ông sơ của chúng ta đến nước Mỹ họ không phải là súc vật, và những người này cũng vậy".
Còn lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, phát biểu : "Cứ mỗi ngày trôi qua chúng ta cứ nghĩ rằng như thế là đã hết, vậy mà vẫn có thêm một biểu hiện nữa cho thấy tại sao những chính sách của họ lại bất nhân như vậy".
Phản ứng trước những chỉ trích này, ông Trump hôm thứ Năm ngày 17/5 đã nói rằng ông vẫn sẽ dùng cách nói như vậy để mô tả những thành viên băng đảng bạo lực.
Ông cho biết lời bình luận đó của ông ‘rõ ràng nhằm vào các thành viên băng đảng MS-13".
"MS-13, chúng là những con súc vật vào đất nước chúng ta", ông nói, "Khi bọn MS-13 vào đây, khi những thành viên băng đảng khác vào đất nước chúng ta, tôi sẽ gọi bọn chúng là súc vật. Và quý vị đoán điều gì không ? Tôi sẽ luôn nói như vậy".
Những vị khách trong cuộc gặp này với ông Trump đã phê phán đạo luật mà Thống đốc California Jerry Brown ký ban hành hồi năm ngoái vốn ngăn cảnh sát xét hỏi về tình trạng di trú hay giúp đỡ giới chức liên bang trong việc thực thi pháp luật di trú. Đạo luật này yêu cầu các quan chức nhà tù chỉ chuyển tù nhân cho giới chức di trú liên bang nếu họ bị kết luận phạm một trong 800 tội, chủ yếu là tội đại hình, chứ không phải là tội vặt.
Thống đốc Brown nhấn mạnh rằng đạo luật này không ngăn cản giới chức di trú liên bang thực thi trách nhiệm. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump đã kiện đòi bãi bỏ đạo luật này vì cho rằng nó ‘không hợp hiến và nguy hiểm’.
Đảng Cộng hòa đang xem phản ứng chống đối lại luật di trú của bang California là một điểm vận động cử tri tiềm năng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, nhất là với những cử tri chống di dân của ông Trump. Bản thân ông Trump cũng đã tổ chức nhiều sự kiện trong những tháng gần đây để hướng sự chú ý của mọi người đến các chính sách của bang California.
Phát biểu trong cuộc gặp hôm thứ Tư ngày 16/5, ông Trump đã khen ngợi những người có mặt là ‘đã dũng cảm kháng cự lại những đạo luật trú ẩn chết người và vi hiến của California’. Ông nói rằng những đạo luật này đã tạo điều kiện ‘thả ra những kẻ tội phạm là di dân bất hợp pháp, những kẻ buôn ma túy, các thành viên băng đảng và những kẻ hành hung vào cộng đồng’ và ‘cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho một số những tên tội phạm độc ác và hung hăng nhất trên Trái đất.’
Thống đốc Brown đáp trả trên Twitter rằng ông Trump "dối trá về nhập cư, dối trá về tội phạm và dối trá về các đạo luật của California".
"Đưa đến một nhóm những người Cộng hòa để nịnh bợ ông ấy và ca ngợi những chính sách liều lĩnh của ông ta không thay đổi gì cả. Chúng tôi, những người dân của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, không thấy gì hay ho cả", ông viết.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray đã gọi lời bình luận này của ông Trump là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’ và rằng ‘ông sẽ phản đối chính thức với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ’.
Cũng tại cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc, Trump đã thể hiện sự thù địch với Mexico, đất nước sẽ cùng với Mỹ và Canada đứng ra vận động giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới vào năm 2026.
"Mexico không làm gì cho chúng ta cả", ông Trump nói. "Mexico chỉ nói nhưng không làm gì cả, nhất là tại biên giới. Chắc chắn là họ không giúp gì nhiều cho chúng ta về thương mại".
*************************
Tổng thống Trump lại gây ồn ào dư luận khi gọi di dân lậu là "bọn thú vật" (CaliToday, 17/05/2018)
Khi không kiềm chế được sự tức giận của mình chống lại những chủ trương dung dưỡng di dân lậu của tiểu bang California, Tổng thống Trump đã gọi một số di dân lậu vượt biên giới vào Hoa Kỳ là ‘thú vật’, khiến lãnh đạo Dân Chủ có phản ứng mạnh.
Tổng thống Trump đã gọi một số di dân lậu vượt biên giới vào Hoa Kỳ là ‘thú vật’. Photo Credit : AP
Tổng thống Trump đưa ra nhận xét nảy lửa của mình trong một cuộc họp với các lãnh đạo địa phương của California về cách thức trả lời với ta than về tệ nạn băng đảng hoành hành.
Được biết Tổng thống Trump đã nói như sau : "Chúng ta thấy có nhiều di dân lậu đã đến đất nước này hay đang tìm cách xâm nhập qua biên giới, chúng ta đã bắt khá nhiều trong số họ, các bạn không thể hình dung những kẻ này xấu xa ra sao, họ không phải là con người, họ là những thú vật".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, Chủ tịch khối thiểu số Thượng Viện, đã trả lời ý kiến của Tổng thống Trump trên trang mạng Twitter như sau : "Khi tất cả tổ tiên của chúng ta đến Hoa Kỳ, họ không phải là thú vật và những con người đang vượt biên vào Mỹ cũng thế"
Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm qua với Tổng thống Trump có nhiều thị trưởng, các cảnh sát trưởng và nhiều lãnh đạo địa phương của tiểu bang California. Họ là những người phản đối chủ trương di dân của California và hoan nghênh những biện pháp cứng rắn đối phó với di dân lậu của Tổng thống Trump.
Họ đã chỉ trích một luật mà Thống đốc California Jerry Brown đã ký vào năm ngoái, theo đó lực lượng an ninh cảnh sát của tiểu bang khộng được tra vấn tình trạng di dân của một người bị cảnh sát chận lại xét hỏi, cả nhân viên di dân liên bang cũng không nhận được sự cộng tác của nhân viên địa phương, theo lệnh này.
Thống đốc Brown cũng trả lời ý kiến của Tổng thống Trump như sau : "Tổng thống Trump đã nói dối về di dân, đã nói dối về tình hình tội phạm hình sự và về những luật lệ của California".
Đào Nguyên