Khóc vì không có tiền cho con trai du học
Tin rằng không phải ngẫu nhiên mà tuần lễ trước đây, rất nhiều tòa soạn báo chí cho đi tin bài với tựa : "Nghệ sĩ nhân dân Công Lý khóc vì không có tiền cho con trai du học".
Nếu ông thực sự liêm chính, chỉ hưởng lương và phụ cấp theo quy định, thì có lẽ con gái của ông khó thể du học tại Anh, Mỹ
Nội dung tin thoạt nhìn cho thấy thuần tính chất giải trí. Theo đó, tối 24/1, Nghệ sĩ nhân dân Công Lý chia sẻ hình ảnh bé Kiến (Thục Anh) và Tít (Gia Bảo) qua thăm bố kèm dòng trạng thái : "Bố yêu các con". Sau đó, MC Thảo Vân (người vợ thứ hai của Công Lý) đăng tải hình ảnh này và bày tỏ sự yên tâm khi con trai đã lớn, chủ động tới chúc Tết ông bà nội và bố.
Bà Ngọc Hà – vợ Nghệ sĩ nhân dân Công Lý được cho là chủ động nói với báo chí là chồng của bà bật khóc khi con trai Gia Bảo chia sẻ dự định sẽ đi du học Đức vào cuối năm nay. "Anh Công Lý khóc và bảo con đi du học bố không có tiền cho con. Hy vọng cuối năm anh Công Lý khỏe hơn, có thể đi làm và có tiền tặng Tít khi đi học" – Ngọc Hà nói.
Vẫn theo tường thuật của báo chí, biết được tâm tư và tình cảm của Công Lý dành cho con, Thảo Vân nhắn Ngọc Hà : "Khổ thân bố Lý. Em động viên anh ấy đừng nghĩ gì nhiều".
"Chúc bố Tít năm nay khỏe lên thật nhiều. Yêu các con thì phải khỏe để các con vui nhé bố Tít", Thảo Vân gửi lời chúc tới Công Lý.
MC Thảo Vân và Nghệ sĩ nhân dân Công Lý kết hôn năm 2004. Họ có chung một cậu con trai là Gia Bảo. Sau 6 năm chung sống, cả hai đường ai nấy đi.
Ở đây có một vài tình tiết đáng lưu tâm về ẩn ý "tiền đâu để chu tất con cái du học" : đó là nghệ sĩ chuyên diễn vai hài Công Lý có danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" từ năm 2019, và vào năm 2011, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" – tức các sô mời ông tham dự sẽ có mức thù lao thay đổi phù hợp với danh hiệu mà Nhà nước phong tặng. Hiện tại ông đang là Phó Giám đốc của Nhà hát kịch Hà Nội.
Không chỉ là diễn viên hài trên sân khấu kịch, Công Lý còn tham gia rất nhiều bộ phim truyền hình trên kênh VTV Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo trang web Tin tức nước Đức, ở bài viết "Du học Đức 2023 : Hướng dẫn chi tiết từ A-Z", thì, "Hầu hết các trường đại học Đức đều không thu học phí của sinh viên nên dù gia đình bạn không có điều kiện cho lắm thì bạn vẫn có thể đi du học Đức. Việc miễn học phí cho sinh viên nhằm khuyến khích các bạn đi học đại học dù không có khả năng tài chánh và đảm bảo tạo cơ hội giáo dục bình đẳng cho người dân".
Nếu chọn trường tư, theo bài viết trên, "mức học phí khoảng €20.000/năm học". Lưu ý, "Nếu bạn du học Đức sau đại học cho chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ, thì học phí vẫn đóng bình thường".
"Theo yêu cầu của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng như Sở Ngoại kiều tại Đức, du học sinh cần chứng minh khả năng tài chính cho thời gian lưu trú, hiện nay tối thiểu là 861 EUR/ tháng. Trung bình một sinh viên nước ngoài du học tại Đức sẽ chi khoảng 850 EUR một tháng (theo study-in.de). Tuy nhiên, thực tế các bạn sinh viên Việt Nam sang Đức du học chỉ chi tiêu trung bình khoảng 500 – 700 EUR/tháng" – trích bài viết "Du học Đức 2023 : Hướng dẫn chi tiết từ A-Z".
Để tiện hình dung, có thể thấy chi tiêu bình quân của một sinh viên người Việt tại Đức khoảng chưa đến 1.000 USD, tức chưa đến 24 triệu đồng Việt Nam ở mỗi tháng.
Số tiền dự ước trên, với một người có danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", chức danh "Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội" mà vẫn phải "khóc và bảo con đi du học bố không có tiền cho con", thì thử hỏi nếu quan chức cỡ khủng như Bộ trưởng Công an, khi ông thực sự liêm chính, chỉ hưởng lương và phụ cấp theo quy định, thì có lẽ con gái của ông khó thể du học tại Anh Quốc.
Cha ăn bò dát vàng, con du học ở Vương Quốc Anh
Ông Bộ trưởng Bộ Công an có hàm Đại tướng.
Theo Bảng 6 : Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân ; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân được ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 17/2013/NĐ-CP thì Đại tướng công an nhân dân hiện nay có hệ số lương là 10,40.
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định về mức lương cơ sở như sau : Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quy định về thực hiện chính sách tiền lương như sau :
1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội ; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022 như quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15.
Như vậy, mức lương của Đại tướng công an nhân nhân năm vừa qua được thực hiện theo quy định hiện hành với công thức sau :
Lương cơ bản = Hệ số lương x mức lương cơ sở. Trong đó : Hệ số lương của Đại tướng công an nhân dân là 10,40. Mức lương cơ sở 2022 là 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương của Đại tướng công an nhân dân là : 15.496.000 đồng/tháng.
Mức lương với sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo từng lần nâng lương được quy định tại Mục 2 Bảng 6 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 17/2013/NĐ-CP), thì Đại tướng công an, hệ số nâng lương lần 1 là : 11,00 ; mức lương nâng lần 1 : 16,390 triệu đồng/tháng.
Bài bênh vực Tướng Tô Lâm cho con gái đi du học trên trang Facebook của Học Viện Phòng Chống Phản Động
Theo trang cá nhân facebook của ái nữ Bộ trưởng Bộ Công an, thì cô học ở SOAS (School of Oriental and African Studies) tọa lạc ở London, Vương quốc Anh – một nơi vốn nổi tiếng là đắt đỏ, với khoản học phí được cho là hàng chục ngàn Mỹ kim/năm. Nếu kể cả chi phí ăn, ở, sách vở,… cho ái nữ mỗi năm, thì con số thực chi chắc phải gấp rất nhiều lần mức thu nhập chính thức/ năm của ông Bộ trưởng.
Vậy thì nếu liêm chính là có thật, thì đúng là rất đáng ngợi khen đến mức tôn vinh, khi ông Bộ trưởng xoay xở các khoản tiền để chu tất cho ái nữ du học tại xứ sở sương mù Anh Quốc.
Hoàng Mai
Nguồn : VNTB, 03/02/2023
Nguyễn, người nghiên cứu cách các quốc gia chuyển đổi sang nền dân chủ, coi Hoa Kỳ như một môi trường lý tưởng để theo đuổi chuyên môn của mình.
"Hoa Kỳ là quê hương của phần lớn của 100 tổ chức hàng đầu trên thế giới", Nguyễn, 28 tuổi, một giảng viên chính sách công tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói.
"Rosie" Nguyễn Nhung không quan tâm đến những gì Tổng thống Donald J. Trump nói.
"Những gì nhận được từ một cơ sở giáo dục Mỹ sẽ tốt cho sự nghiệp của tôi".
Nguyễn, người vừa mới bắt đầu học GRE (bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược, Luật) tại Mỹ) với một giảng viên đồng nghiệp.
Nguyễn người có bằng thạc sỹ về chính sách công từ Đại học Bristol ở Anh và đã dạy tài chính công cho các quan chức chính phủ trong hơn một năm qua.
Chính phủ Việt Nam gần đây nhấn mạnh rằng tất cả các giảng viên cần có bằng tiến sĩ, tuy nhiên, kết quả là cắt giảm nghiêm trọng giờ giảng dạy của Nguyễn, và bây giờ cô đang tìm kiếm chương trình Tiến sĩ ở nước ngoài.
Nguyễn, người nghiên cứu cách các quốc gia chuyển đổi sang nền dân chủ, coi Hoa Kỳ như một môi trường lý tưởng để theo đuổi chuyên môn của mình.
Giới giàu mới nổi và xu hướng học bên ngoài
Hiện nay, ở các gia đình nông thôn và những người giàu mới nổi có sự quan tâm đến chi phí - và Canada, Úc hay Anh, Đức cũng như các trung tâm giáo dục khu vực như Singapore đang trong tầm ngắm.
Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn về tuyển sinh giáo dục. Theo Viện Thống kê UNESCO, Việt Nam có 53.546 sinh viên ra nước ngoài vào năm 2015. Và số liệu từ StudentMarketing, cho thấy có thêm 5.257 sinh viên học ở nước ngoài ở cấp độ K-12 (nhận học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12).
Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đưa ra một bộ số liệu khác, tuy nhiên, nói rằng hơn 100.000 sinh viên ở nước ngoài - số liệu năm 2013, và hiện tại là 125.000.
Mặc dù có nhiều dữ liệu khác nhau, nhưng xu hướng giáo dục bên ngoài vẫn đang tăng. Theo IIE của Hoa Kỳ, 2015-2016 là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam đứng tóp quốc gia có số học sinh sang Hoa Kỳ.
Và, theo UNESCO, hai điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam là Mỹ, nơi có hơn 16.000 người học cấp giáo dục đại học vào năm 2015 (Bộ Thương mại Hoa Kỳ cung cấp con số ở mức 18.722), và Úc, nơi có nhiều hơn 12.000 người được ghi danh vào trường cao đẳng hoặc đại học.
Pháp đứng thứ 3 (khoảng 5.500 người), tiếp theo là Anh và Nhật, với sĩ số 4.000 và 5.000 sinh viên Việt Nam.
Nhóm tư vấn Boston, trong một báo cáo gần đây, liệt kê Việt Nam có "tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á". Báo cáo mô tả những người giàu mới nổi phân tán nhiều nơi trên dãy đất chữ S, thay vì tập trung tại các trung tâm đô thị như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, theo quan điểm của Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung Anh quốc.
Theo các phương tiện truyền thông, Việt Nam tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, tuy nhiên số lượng giảng viên đại học đủ năng lực không theo kịp tốc độ gia tăng chất lượng sinh viên hằng năm.
Ông Hiếu Đình Lê, Tổng giám đốc của Viện GAP , một chuyên gia tư vấn ở nước ngoài cho hay.
"Học sinh ở nông thôn bây giờ có thể tiếp cận được nhiều thông tin... Và chuẩn bị cho kỳ thi SAT, SAT II, [và] bài luận nhiều như ở các khu đô thị" anh nói.
Không có con số chính thức, Lê nói, nhưng Viện GAP tin rằng hơn một nửa số cha mẹ gửi con của họ ra nước ngoài là các doanh nhân ngành dịch vụ. 30% khác là nhân viên đến từ các công ty đa quốc gia và phần còn lại là các nhân viên chính phủ, ông Lê nói, cảnh báo rằng điều này dựa trên các dữ liệu của Viện GAP.
"Ở Mỹ đã có một cộng đồng người Việt mạnh mẽ"
Nguyễn có hồ sơ phù hợp, cha cô làm việc trong ngành công nghiệp dầu khí trong khi mẹ cô là kế toán trong văn phòng Chính phủ.
Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11, các sinh viên quốc tế hiện tại và tương lai trên toàn thế giới đã giải phóng sự thất vọng của họ trước chiến thắng khó chịu của Trump.
Tại Việt Nam, việc tìm kiếm các chương trình của Hoa Kỳ trên Hotcourses - một cơ sở tìm kiếm nghiên cứu ở nước ngoài - đã giảm 7,3% trong bốn tháng trước và ngay sau cuộc bầu cử. Tìm kiếm các chương trình của Anh và Úc, trong khi đó, vẫn ổn định.
"Ngày nay, người Việt đi khắp nơi", giám đốc điều hành của Viện GAP khẳng định.
"Các vấn đề chính trị không phải là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đối với người Việt Nam, mà là yếu tố tài chính", ông Lê nói thêm.
"Ở đó đã có một cộng đồng người Việt mạnh. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ ở gần một số người thân hoặc thậm chí bạn bè của họ", anh nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu của IDP đã chỉ ra rằng nhận thức của Việt Nam về Mỹ như một "môi trường an toàn" đã giảm trong những năm gần đây. Trong khi đó, Canada cung cấp giáo dục chất lượng cao lại nổi lên.
Dù vậy, các quy định về thị thực của Canada và Úc được coi là "ít có tính chào đón hơn", Varaporn Dhamcharee, giám đốc khu vực Đông Nam Á của IDP nói.
Ông Bùi Tùng, giảng viên của chương trình Executive MBA tại Trường Kinh doanh Shidler, Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) nói rằng sinh viên Việt Nam có kỹ năng tiếng Anh tốt.
Tài chính vẫn là vấn đề ?
Tài chính vẫn là vấn đề then chốt đối với nhân khẩu học nông thôn.
"Năm gia đình sẽ hỗ trợ một đứa trẻ", Cooper nói, và thêm rằng "có nhiều tiền hơn" ở Việt Nam hơn số liệu thống kê chính thức. Cooper đánh giá thấp chi phí như một rào cản và nêu bật các sáng kiến mới của Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề tuyển sinh vào các trường cao đẳng cộng đồng, trước khi chuyển sang các trường đại học bốn năm.
Tuy nhiên, ông nói rằng hầu hết các gia đình muốn trả học phí không quá 20,000 USD mỗi năm. Lê lưu ý rằng một nửa số khách hàng của ông nhận được học bổng và các quỹ khác với giá trị trung bình là 40% trên tổng chi phí của họ.
Theo Lê, xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi Việt Nam có một đại học nội địa nổi bật trong khu vực. Đại học Fulbright Việt Nam là một trong số đó.
"5 năm trước, sinh viên Việt Nam hiếm khi chọn Đức, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy,..". Lê giải thích.
"Ngày nay, sinh viên Việt Nam đi khắp nơi".
Kỳ Lâm
Nguồn : Việt Nam Thời Báo, 30/11/2017
https://thepienews.com/analysis/international-students-in-vietnam-favour-us-but-for-how-long/
Trước khi đọc bài này, tôi xin lưu ý rằng bài viết không nhằm vào nhóm người nào hay bất cứ ai hết. Có gì động chạm, quý vị thông cảm. Nhớ ngày xưa Nam Cao tả con chó thì tên say rượu trong làng cứ sang dọa đánh vì hắn bảo Nam Cao tả hắn. Khi Nam Cao tả con người thật thì bà hàng xóm bảo nhất định ông này tả con chó nhà mình. Nghề "viết" mà không biết "lách" thì đôi khi cũng khổ lắm.
Khuôn viên Đại học Georgetown ở Washington, DC nhìn từ phía dưới George Washington Parkway qua Cầu Key ở Virginia vào ngày 19 tháng 3 năm 2005 - AFP
Nói chung ở Việt Nam mình, thời nào cũng thế, không nên lấy cái gì để làm chuẩn mực để nhìn nhận năng lực con người. Họa chăng ở thời phong kiến cực thịnh, qua thi cử có thể định được tài năng, (tạm thời không nói đến đạo đức). Tốt nhất cứ phải tay sờ - tai nghe - mắt nhìn - mũi ngửi.
Hãy quay trở về những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi mà nước Nga Xô Viết còn làm anh cả đầy uy lực và gương mẫu. Ngày đó, ai được đi Liên Xô học thì oách lắm. Chữ nghĩa chỉ là một phần, quan trọng là cứu đói cho cả nhà. Đi Nga hồi đó, hầu như 100% lưu học sinh của mình tham gia buôn bán, vận chuyển hàng về VN. Mèo bé bắt chuột con, mèo to bắt chuột bự. Từ đùi đĩa, khung xe đạp, xoong nồi, vở bút giấy đến bà là, tủ lạnh, quạt điện, đồng hồ, thuốc Tây…
Bảy năm dòng dã, các lưu học sinh từ già đến trẻ, hầu như không ai đứng ngoài cuộc. Đến nỗi khi nhà văn Nguyễn Tuân sang giao lưu, thấy ông không mua hàng hóa gì, bọn nhà văn Liên Xô hỏi thật thà : "Ông không nhập hàng à ? Tôi thấy người Việt Nam ở đây, ai cũng buôn bán cả !" Nguyễn Tuân cay quá, chưởi lại : "Không phải thằng Việt Nam nào cũng sang đây để mua hàng !"
Cũng thông cảm cho dân các bác sinh viên tranh thủ buôn bán ấy vì hồi đó dân ta quá nghèo. Có cơ hội cải thiện đời sống, tội gì không làm ? Phần lớn chúng ta đều thấp hèn cả. Mấy ai như Nguyễn Tuân ?
Tuy nhiên, về chuyện đó, mấy cụ bây giờ giấu tiệt. Chỉ có những người "thành thật trước bình minh" mới nói thẳng : Ngày đấy chẳng mấy ai chú trọng học hành gì. Buôn bán là chính.
Tại sao họ vẫn có bằng cấp về nước ? Nhiều người còn bằng đỏ hẳn hoi ? Đó là chính sách ưu tiên theo kiểu ngoại giao. Liên Xô mất gì mảnh giấy mà không cho ta ? Nếu ai đó trong đám lưu học sinh mà trượt thì xấu hổ nhà trường, lại tốn công đào tạo tiếp. Vậy thì đành làm thì láo, báo cáo phải hay ! Nên nhớ cơ chế bao cấp đều có những căn bênh giống nhau, không phân biệt màu da, sắc tộc và địa lý. Chẳng những thế, làm mất lòng nước anh em, phương hại đến hữu nghị dân tộc là điều các trường đại học ở Liên Xô không mong muốn.
Sự thật này chỉ khi ngồi lê quán rượu, trà dư tửu hậu, các cụ mới nói ra. Tôi không nói 100% số lưu học sinh đó là kém mà chỉ nói tình trạng chung như thế. Không nhằm vào cá nhân cụ thể nào.
Ông Hoàng Ngọc Hiến, giảng viên Đại học sư phạm I Hà Nội, chuyên gia văn học nước ngoài, phát biểu : "Nếu dắt một con bò sang Liên Xô, khi về nó cũng có bằng Tiến sĩ". Câu này được lan truyền khá rộng rãi trong giới trí thức Việt Nam hiện nay. Đúng là một lão già bất mãn và phản động ! Nhưng qua câu này, ta cũng suy luận được nhiều điều bí ẩn thú vị.
Tại sao các vị đó vẫn giấu sự thật ? Vì phần lớn họ đang giữ trọng trách. Có đến 90% số sinh viên đào tạo cao học và tiến sĩ ở Liên Xô về hiện nay đang làm lãnh đạo khá to ở Việt Nam, ít nhất là giám đốc các trường Đại học công lập.
Bây giờ nói chuyện lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài hiện nay. Dân mình gần đây có câu : "Nếu trượt Đại học trong nước thì đi du học". Phần lớn con các đại gia đi học nước ngoài về đều không có degree mà chỉ được cái certificate. Nghĩa là nó chỉ chứng nhận cho là đã học qua khóa A khóa B nào đó. Vì phần lớn các cháu vừa thấp chỉ số IQ, lại chết ở khoản tiếng Anh. Tiếng Anh không có thì học cái gì ? Thế mà về Việt Nam, ai cũng đi đứng khệnh khạng, mặt ngửa lên trời. Làm như ở nội địa Việt Nam, ngoài mình ra, anh hùng thiên hạ đã chết hết cả rồi !
Ngoài ra, còn tồn tại một hình thức rất khốn nạn của bọn nước ngoài (điển hình là Trung Quốc). Đó là việc họ cấp bằng láo để ăn tiền và thu hút học sinh. Nói thẳng ra là bán bằng, bán điểm.
Tôi có một sinh viên (xin chả dám nêu tên nhân vật này), học ở Việt Nam kém lắm. Ngay cả tiếng Trung và cách tư duy logic đều hạn chế. Thế mà bảng điểm báo từ Trung Quốc về, toàn điểm cao tít. Tôi bổ ngửa, không hiểu tại sao. Những môn thống kê, toán cao cấp và chuyên ngành tài chính không phải dễ nuốt lắm. Thế mà em đó toàn gặt 9 với 10. Mà trường này hẳn hỏi là có danh tiếng chứ không phải trường láo lếu như ta tưởng.
Thì ra bọn nó lập hai hệ, hệ học xịn, bằng xịn và hệ tiền, bằng là tiền, điểm cũng do tiền. Thương hiệu vẫn có mà tiền vẫn có.
Trò này ở Việt Nam cũng tương tự. Chúng ta biết các trường Trung học phổ thông cấp III Chu Văn An, Amsterdam có thương hiệu rất mạnh. Họ cũng có hai hệ : Hệ cho học sinh giỏi và hệ cho con các đại gia mua danh. Thì ra thằng Tầu nó chơi đểu mình đã đành, nhưng chính dân mình cũng chơi đểu nhau. Đúng là thời đại kim tiền !
Gần đây tôi nghe có vài học sinh các trường điểm ở Hà Nội đuổi đánh giáo viên. Giết nhau. Chém nhau. Hiếp nhau. Hãi quá ! Hóa ra toàn lũ con đại gia đú đớn. Tuy nhiên, bộ phận các cháu đạo đức, nhân cách tốt thì vẫn cứ tốt. Không nên vơ đũa cả nắm.
Ở cấp Đại học thì Ngoại Thương, Bách Khoa, Kinh Tế quốc Dân đều làm kiểu hai hệ như thế cả.
Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có nên duy trì hình thức đào tạo vì tiền như đang làm không ? Nếu bỏ thì giáo viên lấy đâu ra thu nhập thêm để cải thiện bữa ăn ? Nếu để tuyển sinh nhí nhố như thế mãi thì hậu quả thật khôn lường. Câu hỏi thật khó.
Quay lại chuyện du học sinh. Tôi xin lưu ý các nhà tuyển dụng nên cẩn thận với những tay học ở nước ngoài về. Xem kỹ họ được cấp giấy gì, degree hay certificate ? Và họ học ở khoa nào ngành nào, lịch sử khoa đó ra sao. Nếu là bằng cao học và tiến sĩ thì hãy xem xét tương lai, công ty có áp dụng được gì từ cái M.A và Ph.D của họ không. Vì khá nhiều các đề tài của lưu học sinh Việt Nam nghiên cứu ở nước ngoài chẳng có liên quan gì đến thực tế kinh tế xã hội Việt Nam.
Vả lại, suy cho cùng, hiệu quả lao động và điều họ có thể làm cho công ty vẫn quan trọng hơn nhiều bằng cấp. Bất kể bằng đó được cấp ở một trường Đại học Việt Nam hay ở một trường Đại học nước ngoài.
Đỗ Cao Sang
Nguồn : RFA, 25/09/2017