Nhiều người Việt từng nghe câu nói về sự lựa chọn của Đảng cộng sản Việt Nam đó là "đi với Mỹ mất đảng, đi với Trung Quốc thì mất nước" và Đảng cộng sản Việt Nam thà mất nước còn hơn mất đảng. Không ai ngạc nhiên về nhận định này. Trong suốt lịch sử của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đã làm tất cả vì sự tồn tại của họ chứ không hề vì đất nước và người dân.
Đi với Trung Quốc họ không chỉ mất nước mà có thể mất cả đảng vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước dân chủ. Nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc thì sẽ sớm bị khủng hoảng về kinh tế và sau đó là chính trị. Đảng cộng sản chỉ còn lại một con đường duy nhất là ‘xoay trục’ về phía Mỹ và các nước dân chủ.
Nếu thế giới không thay đổi thì lựa chọn đi với Trung Quốc để làm chổ dựa cho chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam là hiển nhiên không bàn cãi. Tuy nhiên thế giới liên tục vận động và đang thay đổi sâu sắc. Chủ nghĩa dân túy bùng phát trên toàn thế giới với đỉnh điểm là việc Trump trở thành tổng thống Mỹ. Chủ nghĩa dân túy cũng đưa Tập Cận Bình lên ngôi hoàng đế Trung Quốc với ‘giấc mơ Trung Hoa’. ‘Giấc mơ Trung Hoa’ với thể chế độc tài cộng sản đang đe dọa ngôi vị bá chủ của Mỹ và làm cả thế giới lo lắng.
Cuộc ‘đối đầu’ giữa các nước dân chủ đứng đầu là Mỹ với Trung Quốc đã bắt đầu từ 2 năm cuối nhiệm kỳ của Obama với dự án Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump sau khi đắc cử đã đẩy cuộc thư hùng này lên một nấc thang mới với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu suy thoái vì đã đạt đến đỉnh điểm sau những cố gắng vượt bậc trong suốt 40 năm qua. Sự gồng mình bằng cách vắt kiệt sức người, sức của và tài nguyên nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn cuối cùng. Cuộc khủng hoảng của Trung Quốc là tất yếu và vì những nguyên nhân nội bộ chứ không hẳn vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Quan hệ Việt-Trung là một mối quan hệ rất phức tạp chứ không ‘xuôi chèo mát mái’ như chúng ta tưởng. Cho dù hai nước gắn chặt với nhau trong ý thức hệ cộng sản nhưng thực lòng không có bên nào xem bên kia là đồng minh thực sự. ‘Đại cục’ ý thức hệ chỉ là hợp đồng tạm bợ và thực dụng giữa hai đảng cộng sản. Việt Nam cần Trung Quốc như là một chỗ dựa về kinh tế lẫn chính trị còn Trung Quốc thì xem Việt Nam như một đồng minh bấc đắc dĩ và chưa bao giờ tôn trọng Việt Nam. Cách Trung Quốc lên lớp hay dọa dẫm Việt Nam mỗi khi có chuyện giữa hai nước phản ánh rõ điều đó. Nếu Trung Quốc coi trọng Việt Nam thì không có chuyện lấn đất, chiếm biển và o ép Việt Nam đủ điều…
Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ hiểu rõ về Trung Quốc hơn ai hết. Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho Việt Nam vì họ đã hết tiền và đang lâm vào khủng hoảng toàn diện. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là đương nhiên vì càng ngày thế giới càng thấy Trung Quốc là một mối đe dọa cho hòa bình. Việt Nam không thể tiếp tục chính sách ‘đu dây’ mà phải chọn phe. Sự lựa chọn này quả là khó khăn cho Đảng cộng sản Việt Nam. Đi với Trung Quốc thì họ không chỉ mất nước mà có thể mất cả đảng vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước dân chủ. Nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc thì sẽ sớm bị khủng hoảng về kinh tế và sau đó là chính trị. Đảng cộng sản chỉ còn lại một con đường duy nhất là ‘xoay trục’ về phía Mỹ và các nước dân chủ.
Ai cũng hiểu Đảng cộng sản Việt Nam ‘xoay trục’ về phía Mỹ là vì quyền lợi của chính họ chứ không hẳn vì đất nước và dân tộc. Ưu tư lớn nhất của họ là sự tồn vong của chế độ. Tình hình thế giới đang có lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Khi Mỹ và các nước dân chủ ‘thư hùng’ với Trung Quốc thì việc đầu tiên là họ phải cô lập Trung Quốc bằng cách lôi kéo các nước đồng minh và hàng xóm của Trung Quốc về phía mình. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong tương quan này. Chủ nghĩa dân túy cũng là một ‘đồng minh tự nhiên’ của Đảng cộng sản Việt Nam khi nước Mỹ dưới thời Trump không quan tâm nhiều đến nhân quyền. Việt Nam hy vọng đi theo Mỹ nhưng vẫn giữ được chế độ khi nhiều quan chức cấp cao của Mỹ luôn tuyên bố là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người nắm toàn quyền sinh sát tại Việt Nam cũng thuận lợi cho việc xoay trục sang Mỹ khi có thể áp đặt được sự ‘đồng thuận’ trong nội bộ đảng.
Việc xoay trục sang Mỹ có lẽ được khởi động từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ hồi 2017 và đang tăng tốc trong thời gian qua. Video clip của tướng công an Trương Giang Long nói về Trung Quốc có lẽ không phải tự nhiên mà ‘xuất hiện’. Ngoài ra có mấy ‘sự kiện’ đáng quan tâm như việc Việt Nam tham gia tập trận với Mỹ và các nước ASEAN hồi đầu tháng 9/2019. Việt Nam cũng hủy bỏ việc hợp tác với tập đoàn viễn thông Hoa Vi trong việc phát triển mạng di động 5G. Việc dừng qui hoạch đặc khu Phú Quốc, việc phanh phui nhiều vụ án liên quan đến người Trung Quốc trong mọi lĩnh vực và mới nhất là việc dừng đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam mà mục đích là để loại các nhà thầu Trung Quốc… có vẻ cho thấy quyết tâm ‘thoát Trung’ của Đảng cộng sản Việt Nam.
Trung Quốc đã nhận ra ý đồ của Việt Nam nên họ đã đưa tàu HD-8 xâm nhập Bãi Tư Chính và sau đó còn đi sâu vào vùng biển Việt Nam. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa Việt Nam khi Hoa Vi bị loại khỏi Việt Nam. Trung Quốc không còn ‘cà rốt’ nên phải dùng đến ‘cây gậy’ để răn đe Việt Nam. Mỹ và các nước dân chủ đã nhanh chóng lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Bộ ngoại giao Mỹ đã báo cáo lên Quốc hội Mỹ về tình hình Biển Đông trong đó có việc Mỹ đã xúc tiến thành lập một liên minh các nước như Nhật, Hàn, Úc, Ấn, Anh, Pháp, Đức… để đối phó với Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Tuần trước tàu chiến của Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa và khi Trung Quốc phản đối thì Mỹ nói rõ đây là đảo của Việt Nam…
Việc Mỹ trừng phạt các nước nhập siêu vào Mỹ nhưng chừa Việt Nam ra cũng là một hành động ‘thiện chí’ của phía Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) hôm 30/06/2019, đây cũng là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Muốn tránh các đòn trừng phạt từ phía Trung Quốc thì Việt Nam phải nhanh chóng mở rộng và tìm kiếm các thị trường khác để thay thế. Các nước dân chủ là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Vấn đề là chính quyền Việt Nam phải giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường giàu tiềm năng nhưng khó tính này.
Trong ‘dự án xoay trục’ mà có lẽ là ‘sáng suốt’ duy nhất trong hơn 70 năm cầm quyền của mình thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cần phải khôn khéo và dứt khoát. Khôn khéo để tránh việc ‘đối đầu’ với Trung Quốc. Có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ không gây hấn với Việt Nam khi nội bộ họ đang khủng hoảng. Tuy nhiên dù bối rối nhưng Trung Quốc vẫn có thể gây thiệt hại nặng nề cho Việt Nam nếu họ bị khiêu khích thô bạo. Mặt khác Việt Nam cần dứt khoát ‘đi với Mỹ’ và các nước dân chủ. Nếu việc xoay trục mang tính đối phó và nửa vời thì sự háo hức và nhiệt tình của Mỹ sẽ nhường chỗ cho sự thất vọng và nản chí trong quan hệ với Việt Nam. Đàng nào thì Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác và lựa chọn ‘đi với dân chủ’ luôn là một lựa chọn đúng. Dân chủ sẽ không bức hại và nhằm tiêu diệt bất cứ ai hay bất cứ thành phần nào trong bất cứ xã hội nào. Dân chủ luôn tìm cách thỏa hiệp và đối thoại để tìm ra một giải pháp thích hợp mà tất cả đều có thể chấp nhận được.
Phong trào dân chủ Việt Nam cần phải làm gì và chuẩn bị những gì để cùng làm tác nhân thay đổi lịch sử Việt Nam ? Đây là những câu hỏi lớn dành cho mỗi người, mỗi tổ chức đang tranh đấu. Lịch sử đang sang trang. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có những dự liệu và chuẩn bị cho mình. Chúng tôi không hề bối rối hay bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của tình thế. Dự án chính trị của chúng tôi vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi sẽ có mặt và cùng đồng hành với mọi lực lượng yêu nước để cùng làm tác nhân dân chủ hóa đất nước.
Việt Hoàng
(26/09/2019)
Tính đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đã 74 năm, 44 năm sau ngày chấm dứt cuộc nội chiến ý thức hệ. Một thời gian đủ dài để Đảng cộng sản Việt Nam có thể đưa đất nước Việt Nam trở thành một đất nước phát triển về kinh tế, có vị thế trên trường quốc tế, có một môi trường sống lành mạnh, có độc lập và tự do, có những tự hào dân tộc chính đáng ; là nơi để người Việt được sống, làm việc, được tôn trọng và hưởng các quyền tự do, dân chủ. Nhưng, với từng ấy thời gian, dưới sự lãnh đạo chuyên chính và độc quyền, Đảng cộng sản đã đưa đất nước đi vào bế tắc, lụn bại về mọi mặt.
Hãy mạnh dạn lựa chọn cho mình một tổ chức chính trị sẵn có với dự án chính trị đúng đắn để gia nhập - Tranh Minh họa
Chúng ta có thể nhìn thấy, ngày càng rõ, đất nước đang bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, những bất cập xã hội, những mâu thuẫn xã hội ngày càng hiện rõ và gay gắt, những vết thương chiến tranh chưa bao giờ được hàn gắn ; môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, pháp luật không được thượng tôn gây ra nhiều oan trái ; các quyền căn bản của con người bị xâm hại, tự do ý chí bị triệt tiêu, những ý kiến phản biện bị trù dập nên hoàn toàn không có dân chủ ; tư cách công dân không được nâng cao mà còn bị hạ thấp, phẩm giá con người, các giá trị đạo đức nền tảng bị đảo lộn ; tham nhũng lũng đoạn đất nước ở mọi cấp chính quyền ; lòng người đầy nghi kỵ và cơ hội, tình yêu đất nước dần mờ nhạt, con người sẵn sàng làm điều xấu chỉ vì thấy chút lợi ích và biện luận với lý do sinh tồn ; sự giả dối, lừa lọc, luồn lách đã dần trở thành thuộc tính... Đảng cộng sản chịu trách nhiệm chính cho những điều này bởi sự lãnh đạo chuyên chính theo một ý thức hệ tồi dở và khả năng lãnh đạo, quản lý xã hội yếu kém lẫn lòng tham của họ.
Dân chủ đa nguyên là xu thế thời đại, là nền tảng cơ bản chắc chắn cho một đất nước phát triển, điều này đã được nhiều nước tiến bộ trên thế giới thực nghiệm và chứng minh. Bằng chứng là những nước dân chủ đa nguyên đều hoặc đang dần phát triển, thịnh vượng, văn minh, tạo ra các giá trị chân chính không thể chối cãi. Đất nước Việt Nam muốn phát triển, dân tộc Việt Nam muốn có một cuộc sống ổn định và tốt đẹp, nhân văn thì chỉ có một con đường duy nhất để lựa chọn : dân chủ đa nguyên.
Trong bảy mươi bốn năm cầm quyền, Đảng cộng sản có nhiều cơ hội để chuyển đổi sang chế độ dân chủ, xây dựng một nhà nước do dân vì dân nhưng Đảng cộng sản đã không thực hiện và không có dấu hiệu thực hiện trong tương lai. Họ nhất quyết bấu víu vào một hệ tư tưởng đã bị bài bỏ ở ngay chính nơi sinh ra nó. Họ cương quyết bảo vệ vị trí độc tôn lãnh đạo bằng sự đàn áp và dối lừa. Người dân Việt Nam cần phải tự quyết định vận mệnh của mình, cũng là vận mệnh dân tộc bằng cách đóng góp cho tiến trình thiết lập dân chủ đa nguyên cho đất nước.
Làm thế nào ?
Đó là một câu hỏi lớn cho bất kỳ người Việt nào và cho mọi tổ chức chính trị.
Chúng ta thấy, trong nhiều năm qua, Việt Nam có phong trào tranh đấu cho dân chủ nhưng chưa có một phong trào nào thành công. Nhiều tổ chức chính trị ra đời nhưng chưa một tổ chức nào đủ lớn mạnh để dẫn dắt quần chúng. Các cuộc đấu tranh thường rơi vào tình trạng phấn khích giai đoạn đầu rồi dần tự tan rã, lụi tàn hoặc bị đàn áp. Những người đấu tranh sau giai đoạn hoạt động phong trào bề nổi đã dần chán nản, bỏ cuộc, loay hoay không tìm ra hướng đi, nhiều người bị kết án, nhiều người tự bỏ nước ra đi và không ít người bị tống xuất.
Quần chúng không nhìn thấy ở các tổ chức, ở những người đấu tranh một phương án khả thi để có thể đặt niềm tin vào thắng lợi. Lối đấu tranh nhân sĩ, một mình không đem lại kết quả. Các tổ chức chính trị không có dự án chính trị, không có tư tưởng triết lý cũng không đem lại kết quả nào.
Một bó đũa mạnh hơn nhiều chiếc đũa rời rạc, điều đó ai cũng biết. Biến nhiều chiếc đũa rời thành bó đũa chỉ cần vài thao tác tay, nhưng muốn biến những con người, với những giấc mơ, tham vọng, nỗi sợ, định kiến, trình độ học vấn... khác nhau thành một tổ chức thực thụ thì nhiệt huyết thôi là chưa đủ. Bằng chứng là chúng ta có những người đã bỏ ra hàng chục năm nhiệt huyết, thành lập hết tổ chức này tới liên minh nọ, nhưng kết quả gần như là con số không.
Những đóng góp, những hi sinh của những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, cho đến nay, là vô cùng lớn nhưng vẫn chưa thể đem lại dân chủ đa nguyên cho Việt Nam. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những thất bại đó để thay đổi tư duy.
Mạnh dạn lên tiếng trước những bất công xã hội ; phản biện các chính sách, quyết định sai trái của chính phủ ; khơi thông sự thật và truyền bá tư tưởng tự do dân chủ ; đòi hỏi minh bạch và đòi hỏi quyền con người ; không chấp nhận dối trá lừa mị và sẵn sàng phản đối… đều là những việc đúng cần làm và phải làm nhưng chưa đủ. Mỗi người tham gia đấu tranh đều phải xác quyết một cách rõ ràng, rành mạch rằng đấu tranh chính trị phải là công việc của một tổ chức chính trị, và chỉ có tổ chức chính trị với những dự án chính trị đúng đắn mới có thể đem lại kết quả, thì mới có những đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn cho tiến trình thiết lập dân chủ đa nguyên cho đất nước.
Mạnh dạn lựa chọn cho mình một tổ chức chính trị sẵn có với dự án chính trị đúng đắn để gia nhập, hoặc tự tìm kiếm đồng đội, liên kết với nhau thành một liên minh đấu tranh dân chủ, xây dựng một dự án chính trị đấu tranh có tư tưởng, đường lối rõ ràng và đúng đắn là điều buộc phải làm nếu muốn thành công. Không có con đường nào khác. Người Việt Nam phải làm điều đó. Không thể trông chờ vào một tổng thống Mỹ nào hoặc một chính phủ nước ngoài nào, giúp đem lại dân chủ đa nguyên cho đất nước của người Việt. Chúng ta phải tự lực và giúp nhau nhận thức được điều này để cùng hành động cho một Việt Nam thay đổi và phát triển.
Tình hình đất nước đang dần tồi tệ đi thêm mỗi ngày, lịch sử không ngồi chờ chúng ta mãi và sức chịu đựng của đất nước cũng không phải là vô tận. Nếu hôm nay chúng ta vẫn bám víu vào hình thức đấu tranh cũ, vẫn loay hoay, vẫn không đặt cái tôi của bản thân xuống, vẫn đặt lợi ích trước mắt của cá nhân lên trên lợi ích dân tộc và đất nước, để nhắm mắt làm ngơ hoặc không nhìn ra hướng đi đúng đắn, thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ chỉ còn biết đến đất nước Việt Nam qua khái niệm. Con cháu chúng ta sẽ trở thành những kẻ sống tạm trên chính đất nước của chúng.
Thay đổi tư duy là điều không hề dễ dàng. Chấp nhận tham gia vào một tổ chức chính trị là một quyết định mang tính cách mạng của mỗi cá nhân. Khi và chỉ khi những người đấu tranh có thể làm cuộc cách mạng cho bản thân mình thì tổ chức chính trị mới có thể làm nên một cuộc cách mạng cho dân tộc.
Nếu không dẹp bỏ tư duy cũ, dẹp bỏ nỗi sợ hãi để tham gia vào một tổ chức chính trị, thì giấc mơ dân chủ nhân quyền của Việt Nam sẽ chỉ là viển vông.
Việt Văn
(24/09/2019)
Từ ngày 2/9/1945 đến nay đã 72 năm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một định chế chính trị trá hình của chủ nghĩa cộng sản hung bạo khiến Việt Nam ngày càng tụt hậu và suy tàn, trong nguy cơ lệ thuộc hổ nhục vào Trung Quốc. Đau xót hơn, ngày càng có nhiều người dân phải sống trong đói khổ, bất công và cơ cực trong sự thất vọng, khinh ghét và phẫn nộ với đảng cầm quyền. Tuy nhiên, Đảng cộng sản vẫn ngang nhiên tồn tại mà không gặp phải khó khăn, trở ngại lớn lao nào cho đến tận hôm nay.
Tự do phải tranh đấu mới có - Ảnh minh họa
Thành công của Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 chính thức đưa Đảng cộng sản lên nắm quyền. Vậy chúng ta, những người đang miệt mài tranh đấu ôn hòa cho yêu sách dân chủ hóa Việt Nam, rút ra bài học nào từ thắng lợi của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Theo thiển ý của người viết, có hai điều có thể rút ra được, đó là Đảng cộng sản lấy tư tưởng tuyên truyền của Lenin làm kim chỉ nam và Đảng cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, có quyết tâm cao.
1. Đảng cộng sản lấy tư tưởng tuyên truyền của Lenin làm kim chỉ nam
Vai trò lãnh đạo của Nguyễn Sinh Cung – tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh - trong Cách Mạng tháng 8 năm 1945 đóng vai trò quan trọng dẫn đến thắng lợi, đánh dấu sự nắm quyền đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1917, Nguyễn Sinh Cung đến Paris và đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc. Trong khoảng thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc chăm chỉ nghiên cứu khoa học chính trị, bị cuốn hút bởi học thuyết cộng sản, đặc biệt say mê Tư Bản Luận (Das Kapital) của Karl Marx và tư tưởng cách mạng bạo lực của Lenin. Chính Ban tuyên giáo cũng thừa nhận rằng Nguyễn Ái Quốc không có tư tưởng nào cả, ngoài tư tưởng của Marx-Lenin :
"Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng ; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo".
Lenin là bậc thầy của tuyên truyền dối trá và nhờ chủ trương này mà Lenin dễ dàng mang đến thắng lợi Cách Mạng Tháng 10 Nga năm 1917. Lenin nói : "Một lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật". Vì thế, đảng cộng sản của Hồ đã ma mãnh vận dụng cách thức tuyên truyền bịp bợm này trong suốt một thời gian dài, từ 1924 đến 1940, ở khắp mọi nơi để dụ dỗ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (Việt Minh), tên gọi che đậy của Đảng cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước chính thức tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng cách mạng.
Nạn đói năm Ất Dậu, từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945, đã khiến người dân Việt vô cùng chán nản, thất vọng với chính sách đô hộ của Nhật và sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim. Lợi dụng sự tuyệt vọng này cũng như khát vọng độc lập và tự do của nhân dân, tổ chức Việt Minh tập trung vào công tác tuyên truyền để lôi kéo nhiều thành phần khác nhau, từ nông dân, công nhân đến trí thức, tham gia vào tổ chức.
Trần Trọng Kim đánh giá khá trung thực về cách thức tuyên truyền khôn khéo của đảng cộng sản như sau :
"Về đường binh lực, lúc ấy Việt Minh không không có gì thật. Nhưng cái phương lược của họ đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng đi theo, chứ không đánh bằng binh khí. Sự tuyên truyền của họ đã có ngấm ngầm từ lâu trước khi quân Nhật đảo chính chứ không phải bây giờ mới có. Những lối họ dùng là nói dối, đánh lừa cướp bóc, giết hại tàn phá, không kiêng dè gì cả, miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được".
"Trong khi ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu để chờ đợi thời cơ, ở trong nước đâu đâu cũng có cán bộ, ngấm ngầm hành động và tuyên truyền rất khôn khéo. Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân chúng mà tuyên truyền Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả các đảng phái lấy lại độc lập cho nước nhà, vậy nên từ bắc chí nam đâu cũng có người theo".
"Cách hành động của họ thì bất cứ công sở hay tư sở hễ đâu có một tổ chức làm việc là có người của họ chen lấn vào, hoặc để tuyên truyền, hoặc để hoạt động theo chủ nghĩa của họ".
"Ðảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia. Lính bảo an ở các nơi phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa".
Đảng cộng sản đã khôn khéo và bền bỉ tuyên truyền sai trái để mị dân ở khắp mọi nơi từ lúc thành lập cho đến tận hôm nay, nhằm duy trì quyền lực cai trị. Đây là một yếu tố mà những người chủ trương đấu tranh ôn hòa cho dân chủ Việt Nam cần linh hoạt học ở họ điều này, trừ sự gian trá.
Khác với người cộng sản, những người chủ trương dân chủ hóa Việt Nam hay những người còn quan tâm đến tương lai và vận mệnh đất nước hãy truyền tải sự thật và lẽ phải về đất nước bất cứ lúc nào khi có cơ hội.
Một vài ví dụ đơn giản về những vấn nạn nhức nhối của xã hội như nạn ô nhiễm môi trường, tham nhũng, giáo dục xuống cấp… đang đe dọa đời sống và tương lai của người dân và đất nước.
Tại mỗi nơi, vào bất cứ lúc nào, những vị lãnh đạo tinh thần, những vị giáo sư và giáo chức, các bậc cha mẹ đều có thể nêu ra những vấn nạn này của đất nước trong gia đình và ngoài xã hội. Cũng nên nhắc nhở đi, nhắc nhở lại thực trạng suy đồi của xã hội, nguy cơ lệ thuộc ngày càng lộ liễu và quá đáng vào Trung Quốc… để người dân bớt vô cảm và quan tâm nhiều hơn đến đất nước. Những nhắc nhở này càng được nhân rộng và khuyến khích.
Các bậc phụ huynh trăn trở thực trạng Việt Nam, cũng có thể thảo luận, truyền tải thông tin về sự lụn bại của đất nước trong các bữa cơm gia đình, thức tỉnh sự quan tâm của người trong nhà về hiện trạng chung của đất nước.
Linh mục Nguyễn Duy Tân, giáo xứ Thọ Hòa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là một tấm gương tuyệt vời của việc kiên nhẫn truyền tải sự thật. Ông đã nhẫn nại lan truyền thông tin và sự thật trong các bài giảng cho các giáo dân, cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ giữa chủ chiên và đàn chiên. Hãy nhìn sự hiệp nhất giữa linh mục Nguyễn Duy Tân và các giáo dân đã xử lý khôn khéo, không bị rơi vào bẫy kích động bạo lực, của nhóm dư luận viên trang bị súng và dùi cui tràn đến giáo xứ Thọ Hòa gây rối vào sáng 4/9/2017. Linh mục Nguyễn Duy Tân đã không sợ hãi, kiên trì diễn giải sự thật, truyền tải thông điệp ôn hòa và bác ái đến các giáo dân, tạo nên sự hiệp nhất chặt chẽ mà bọn ác độc, bất lương không thể nào phá hoại được. Hy vọng Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những chủ chiên can trường và chính nghĩa như trường hợp Nguyễn Duy Tân.
Một nguyên nhân quan trọng khác giúp đảng cộng sản dễ dàng chiếm chính quyền từ Cách Mạng Tháng 8, đó là sự thiếu vắng những tổ chức chính trị đối lập có đường lối rõ ràng, tổ chức chặt chẽ và quyết tâm cao. Wiliam J. Duiker cho rằng các lực lượng dân tộc chủ nghĩa không cộng sản lúc đó, không thể làm được những điều mà Việt Minh đã làm, vì chia rẽ, tổ chức kém, thiếu đường lối và phương pháp rõ ràng.
Trần Trọng Kim trong Hồi kí của ông, đã lặp lại rất nhiều lần, tính tổ chức chu đáo và chặt chẽ của đảng cộng sản :
"Ðảng viên cộng sản lại biết giữ kỷ luật rất nghiêm và rất chịu khó làm việc. Xem như Hội Truyền Bá Quốc Ngữ khi mới thành lập ở Hà Nội là có ngay những người cộng sản vào hội rồi, và những người nhận việc đi dạy học rất chăm, không quản công lao gì cả. Một tổ chức có kỷ luật và chịu khó làm việc như thế, làm gì mà không mạnh".
"Đảng Việt Minh cộng sản có tổ chức rất chu mật và theo đúng phương pháp khoa học".
"Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh… Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng sản".
Thất bại của Nhật trước Đồng minh ngày 14/8/1945 trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, khiến Chính phủ Trần Trọng Kim, được Nhật bảo hộ trở nên suy yếu. Chính điều này đã tạo ra một "khoảng trống quyền lực" và Việt Minh đã biết tận dụng đúng lúc để lấp khoảng trống này.
William J. Duiker, trong cuốn Vietnam : Nation in Evolution (1983), ghi nhận rằng Cách Mạng Tháng 8 thực ra chỉ là cuộc chuyển giao quyền lực nhanh chóng và hầu như không phải đổ nhiều xương máu. Thêm nữa, Thủ tướng Trần Trọng Kim cũng đã từ chối sự trợ giúp của quân đội Nhật trong việc dẹp bỏ Việt Minh vào lúc đó :
"Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi : "Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Ðồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự". Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Ðồng Minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng "cõng rắn cắn gà nhà". Tôi từ chối không nhận".
Sau 72 năm chiếm đóng của đảng cộng sản, đất nước ngày càng suy tàn và đời sống nhân dân thêm khổ cực. Đã thế đảng còn đê tiện tận dụng chính sách "chia rẽ để trị", khoét sâu hận thù giữa người Việt Nam với nhau, nhằm duy trì quyền lực cai trị, khiến người dân ngày càng chán nản và thờ ơ với vận mệnh của đất nước. Sự thất bại thảm hại trong việc quản trị đất nước cũng như trong những quan hệ ngoại giao và thương mại quốc tế chứng tỏ rằng đảng cộng sản là một tập thể vô cùng tồi tệ và kém cỏi.
Nhìn lại thực tế Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam từ lúc hình thành từ năm 1932 cho đến nay cho dù có độc tài và tồi dở như thế nào, vẫn luôn luôn là một tổ chức, với những đảng viên hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của tổ chức. Ngược lại, những người yêu chuộng dân chủ và tự do cho Việt Nam, cho dù có tài giỏi đến đâu cũng vẫn còn chưa ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức. Đối lập Việt Nam vẫn còn yếu, và sẽ tiếp tục yếu hơn nữa, nếu không tiếp thu được bài học tổ chức của đảng cộng sản.
Xây dựng được một hoặc nhiều tổ chức chính trị, với những con người chia sẻ cùng chính kiến và theo đuổi cùng mục tiêu, bằng những phương pháp đã đồng thuận, là bước khởi đầu trong việc xây dựng một Tập Hợp đấu tranh cho dân chủ có hiệu lực.
Nhiều người cho rằng chỉ cần khai dân trí, như cụ Phan Chu Trinh đã từng khởi xướng, để rồi sau đó người dân tự thân yêu sách dân chủ, tranh đấu để có bầu cử tự do. Thật quá tuyệt vời, nhưng không phải trường hợp Việt Nam. Chế độ độc tài cộng sản tệ hại hơn bất cứ chế độ cai trị Việt Nam nào từ trước đến nay. Các chế độ phong kiến, thực dân không theo dõi và kiểm soát suy nghĩ của người dân, và trong nhiều trường hợp còn giúp người dân phương tiện để khai khẩn đất hoang và tự túc làm giàu. Dưới chế độ độc tài cộng sản, đất đai và của cải trong xã hội thuộc quyền sở hữu của nhà nước, đảng cộng sản muốn ban phát cho ai hay tịch thu bất cứ lúc nào cũng được. Những giải thích dài dòng này chỉ để chứng minh rằng chủ trương khai dân trí chưa đủ. Nhận định này là một ngộ nhận sai lầm vì 2 lý do.
Thứ nhất, chế độ độc tài toàn trị vẫn không ngừng tuyên truyền mị dân, nhấn chìm người dân trong tư tưởng nô lệ của Khổng giáo. Vì thế, khai dân trí sẽ không thể phát triển một cách trọn vẹn, bởi tư duy độc lập và ý thức chính trị là những điều tối kị trong chế độ độc tài. Nâng cao dân trí chỉ có thể thực hiện trong những môi trường tự do, giáo dục nhân bản và khai phóng. Hơn nữa, nhân dân rất thực tế nên dù biết đảng cộng sản là gốc rễ của mọi suy tàn, nhưng họ chỉ "đứng lên" khi đã tìm và tin tưởng được đường lối của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó.
Thứ hai, cho dù có hàng triệu người dân xuống đường yêu sách dân chủ mà không có bất kì một tổ chức nào hướng dẫn thì cũng không đi đến đâu. Và nếu có thành công thì sẽ xảy ra những tranh giành giữa những người có chút tiếng tăm, và kết quả như thế nào mọi người đều biết. Những cuộc xuống đuờng Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 ở Bắc Phi và Trung Đông chỉ để lại những hậu quả tai hại cho hàng chục năm sau đó. Trong thực tế, những cuộc xuống đuờng không có lãnh đạo đều dễ tan vỡ.
Nên nhớ, trên thế giới, chưa có một cuộc biểu tình thay đổi chế độ nào mà không có sự lãnh đạo của tổ chức đối lập. Nếu không có tổ chức chính trị với cương lĩnh rõ ràng, giải pháp cụ thể và lực lượng đủ lớn, thì ai có đủ tài sức và kiên nhẫn lãnh đạo quần chúng dưới sự đàn áp có tổ chức của đảng cộng sản ? Ai sẽ vận động quốc tế yểm trợ và bênh vực cho cuộc đấu tranh ? Nếu không có đảng đối lập trình bày những giai đoạn và kế hoạch xây dựng Việt Nam dân chủ sau độc tài cộng sản, đáng sống và ý nghĩa như thế nào, thì liệu có thu hút được sự ủng hộ của phần lớn người dân không ?
Tổ chức chính trị là một đội ngũ gồm những cá nhân kết hợp chặt chẽ với nhau, có kĩ luật và phân bổ, để thực hiện một cách nhịp nhàng những mục tiêu đã được đề ra, dựa trên những đường lối và tư tưởng chung. Một bó đũa sẽ khó bị bẽ gẫy hơn từng chiếc đũa riêng lẻ. Khuyết điểm của người Việt là không có văn hóa tổ chức và thói quen làm việc cung, hậu quả dễ thấy ngày nay là chỉ có những đấu tranh chính trị cá nhân hay tổ chức xã hội dân sự đơn lẻ.
Vai trò lãnh đạo của tổ chức là tối quan trọng trong bất kì một cuộc cách mạng thay đổi chế độ nào trên thế giới. Lenin ý thức được tầm quan trọng của tổ chức và đã lãnh đạo đảng Bolsheviks đến thắng lợi với Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917 và khai sinh Liên Bang Xô Viết năm 1922.
Từ Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, Đảng cộng sản Việt Nam đã biết dựa vào chủ nghĩa Marx-Lenin để làm kim chỉ nam hành động và liên kết với nhau, tạo thành một tổ chức chặt chẽ và đã thành công. Muốn thắng được sự ngoan cố của đảng cộng sản, Việt Nam ngày nay cần một tổ chức đối lập mạnh có tư tưởng và đường lối rõ ràng.
Đấu tranh có tổ chức cần được hiểu là đấu tranh theo dự án chính trị và phương pháp đã được tổ chức đồng thuận đề ra, với những giai đoạn đấu tranh khác nhau.
Đường lối và tư tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được trình bày chi tiết trong Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai.
Một tổ chức chính trị không có đường lối rõ ràng thì sẽ dễ dẫn đến thất bại. Lenin trong cuốn sách về chiến lược nổi tiếng "Cần làm gì ?" (What is to be Done ?) nhấn mạnh : "Không có tư tưởng cách mạng, thì không thể có phong trào cách mạng... vai trò của người chiến sĩ tiên phong chỉ có thể thực hiện được bởi một đảng, được hướng dẫn bởi tư tưởng tiến bộ nhất".
Một tổ chức chính trị mạnh nhất khi đã thuyết phục được phần lớn trí thức tham gia tổ chức, hoặc ít nhất ủng hộ đường lối của tổ chức đó.Đảng cộng sản đang phân hóa và chia rẽ hơn bao giờ hết. Vì thế, trí thức yêu nướccần tận dụng thời cơ : một là tham gia hoặc thành lập tổ chức ; hai là ủng hộ công khai mạnh mẽ các tổ chức chính trị có tầm vóc.
Thay lời kết
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn đang âm thầm và khiêm tốn truyền bá tư tưởng dân chủ đa nguyên và xây dựng đội ngũ nòng cốt. Giai đoạn này vẫn đang kéo dài vì chưa có được sự ủng hộ mạnh mẽ của những trí thức còn quan tâm đến Đất nước. Có thể đường lối của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa đủ hấp dẫn họ, nhưng cũng có thể trí thức Việt Nam không thích văn hóa tổ chức, nên thích hoạt động đơn lẻ. Ngạn ngữ Châu Phi có câu : "Nếu muốn đi thật nhanh, thì hãy đi một mình. Nhưng muốn đi xa, thì phải đi cùng nhau".
Con đường dân chủ hóa Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ cuộc, vì đây là cuộc chiến đấu của chính nghĩa, lương thiện, lẽ phải và lòng bao dung. Quan trọng hơn, đây là cuộc chiến chính đáng để đưa Dân tộc và Đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo ngổ sang ánh sáng của Tự do và Phồn vinh.
Xin phép được chia sẽ giấc mơ của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang theo đuổi để kết thúc bài viết :
"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện. Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát" (trích Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai).
(07/10/2017)
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa nguyên – Bất bạo động – Hòa giải và hòa hợp dân tộc"
-------------------
Tham khảo :
- http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41175474
- http://sfr-21.org/whatistobedone.html
- https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/item/602-khai-sang-k-nguyen-th-hai
- Một Cơn Gió Bụi (1969), Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Vĩnh Sơn.
Chưa bao giờ từ sau năm 1975, Đảng cộng sản Việt Nam cùng hệ thống chính quyền từ trung ương đến 63 tỉnh thành lại nằm trong thế "triệt buộc" như những ngày tháng đã đến, đang đến và sắp đến.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay bà Aung San Suu Kyi hôm 25 tháng Tám. (Hình : TTXVN)
Tất cả đều cạn kiệt
"Triệt buộc" vẫn được những người chơi cờ domino mặc định hạ bàn khi một bên bị ép vào thế không lối thoát.
Ngay cả cuộc khủng hoảng giá – lương – tiền những năm 1985 – 1986 với biến động lạm phát lên đến gần 700% cũng không thể khiến xã hội rơi vào cảnh hỗn loạn như hiện nay. Khi đó, Việt Nam vẫn còn đầy ắp tài nguyên tự nhiên.
Ngay cả cơn biến động chính trị khiến hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cùng Đông Âu tan rã, mà đã khơi dậy một làn sóng đa nguyên đa đảng ở Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, cũng không làm cho Đảng cộng sản Việt Nam lâm vào thế triệt buộc trong cơn bế tắc chính trị và quay quắt tìm lối thoát chính trị như lúc này.
Lúc này đây, "tất cả đã bỏ ta mà đi" – như một khúc ca từ buồn nẫu ruột, u ám cho cả chế độ lẫn dân chúng. Thành tựu dẫn đến tiêu vong nhanh nhất là chế độ đã tự khai thác cạn kiệt "rừng vàng biển bạc" chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ tính từ thời điểm "Mở cửa kinh tế".
Lối thoát chính trị của chính thể Việt Nam, nếu chợt hiện ra ở cuối đường hầm, cũng đừng mơ màng có thể tái hiện kinh nghiệm của nước Nga hậu Xô Viết và của Putin.
Hậu Xô Viết. Dù GDP bị giảm tới 60-70% trong khoảng 8 năm cầm quyền của Yeltsin và đẩy nước Nga vào tình trạng hỗn độn, quốc gia này vẫn còn gần như nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên mà luôn tạo thành một hạ tầng cơ sở khá chắc chắn cho bất kỳ hệ thống cầm quyền nào biết tận dụng điều đó. Trong vài chục năm qua, Putin đã phần nào biết tận dụng và do đó đã biến nước Nga từ một thực thể khá hoang tàn trở nên cái mà người đời gọi là "cường quốc".
Còn Việt Nam thì sẽ trở thành cái gì ?
‘Tự hào đi lên, Việt Nam ơi !’
Muốn trở thành cái gì cũng được, nhưng trước hết phải còn khả năng trả nợ, chưa nói đến chuyện trả hết nợ.
Nợ công quốc gia cao chưa từng có : khoảng 431 tỷ USD, tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, lên tới 210% GDP chứ không phải "chưa đụng trần 65% GDP" như các báo cáo quá đỗi chán đời của Chính phủ.
GDP lại chỉ giậm chân ở mức khoảng 200 tỷ USD/năm mà không nhích lên được chút nào.
Khác xa với thành tích tăng trưởng luôn đạt đến 6,5 – 7% GDP trong các báo cáo, tình hình kinh tế là bi đát, thật sự bi đát. Từ năm 2008, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào cảnh suy thoái, kéo đến tận năm 2017 mà vẫn chưa thấy gì gọi là "tương lai phục hồi". Cái cảnh phải cắm đầu trả nợ hàng năm bằng ngoại tệ mạnh, nhiều dấu hiệu ngân hàng nhà nước có thể đã thi hành chính sách âm thầm in tiền với giá trị in thêm có thể lên đến 500 ngàn tỷ đồng mỗi năm trong gần một chục năm qua, lạm phát thực tế luôn có thể lên đến vài ba chục phần trăm chứ không phải "dưới 5%" như báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể chẳng kém thua Hy Lạp thời khủng hoảng kinh tế với gần 30%… Trong khi đó, hầu hết các nguồn ngoại lực – từ cánh cửa cho vay của ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng phát triển Á Châu, kể cả từ Nhật Bản, kể cả nguồn kiều hối của "kiều bào ta" đều hoặc đang đóng hẳn lại, hoặc giảm sút đến phân nửa…
Làm thế nào để trả nợ khi đảng đã tự lao vào cơn tuyệt vọng của quốc nạn tham nhũng và "phá chưa từng có" thời Nguyễn Tấn Dũng chỉ trong vòng chưa đầy chục năm ?
Làm thế nào để tìm ra tiền trả cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người chỉ tăng không giảm mà có đến 30% trong số đó "không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương ?"
Năm 2016 và 2017. Làm thế nào để giảm mức bội chi ngân sách "dưới 5% GDP", trong khi thực tế bội chi có thể lên đến 9% GDP chứ không thấp hơn ?
Bội chi đã đến thế, nhưng thu ngân sách cũng từ thất vọng trở nên tắc nghẽn cho dù chính quyền đang quyết tâm "thu cùng diệt tận" đối với dân chúng bằng quá nhiều sắc thuế. Năm 2017, tỷ lệ hụt thu ngân sách so với dự toán đầu năm có thể thấp kỷ lục : 11% hoặc sâu hơn nữa.
Và làm thế nào để "triển vọng phát triển còn tốt lắm" – như lời tuyên ngôn của Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng sau khi TPP gần như tan vỡ, để "đất nước đi tới không gì cản nổi" – như một thể loại "tự sướng" từng ra rả vào thời chiến tranh, trong khi tình hình các FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi.
Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và Châu Âu là còn xuất siêu được – lần lượt là 25 tỷ USD và 20 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Nam Hàn, tưởng là dễ chơi, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến hai chục tỷ đô la vào năm 2016.
Còn với Trung Quốc thì khỏi nói : con số nhập siêu chính ngạch lên đến 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.
Vậy thì làm thế nào để "Tự hào đi lên, Việt Nam ơi !" ?
Triệt buộc
Tất cả đang đẩy nền kinh tế và xã hội vào trạng thái còn lâu mới bình yên, một trạng thái động loạn hoặc gần gần như thế.
Sau một thời gian dài bất động và bàng quan trước phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền, rốt cuộc chính những người dân phải gánh chịu nguy cơ bị chính quyền vét đến đồng cuối cùng trong túi đã phải dấy lên phong trào "bất tuân dân sự". Hình ảnh mang tính số đông đó đang xảy ra ở những trạm thu phí BOT – nơi mà Bộ Giao thông vận tải cùng các nhóm lợi ích chỉ định thầu 100%, rút rỉa ngân sách và do đó rút rỉa tiền đóng thuế của dân rồi ép dân è cổ đóng thuế tiếp.
Một nhân viên thu thuế lắc đầu : "Cứ đà thu này thì chẳng mấy chốc dân sẽ bùng !"
"Bùng nổ" là từ dễ nghe và ngày càng dễ thấy ở Việt Nam, nơi đất nước hình chữ S quặn siết trong tiếng gào thét mam rợ của nạn cường hào ác bá ở hầu hết vùng miền.
Nội tình đã thế, ngoại trị chẳng kém đau đớn hơn.
Triển vọng Bắc Kinh "kiến tạo" một chiến dịch quân sự đối với Việt Nam, không chỉ trên Biển Đông mà có thể cả trên bộ, đang lao đến với tốc độ khá nhanh, để có thể thực sự xảy ra vào năm 2018 hoặc năm 2019. Bi kịch trở nên bi hài đến độ ngay cả vào tình thế ngân sách túng quẫn và không biết tìm đâu ra ngoại tệ để trả nợ, Việt Nam có muốn khai thác dầu khí trên vùng biển của mình, ở Bãi Tư Chính hoặc ngoài khơi Đà Nẵng, cũng bị "bạn vàng" cấm cản và đẩy đuổi.
Chính sách "đu dây chiến lược" của Việt Nam cũng bởi thế đã trở nên vô vọng đến mức thảm thiết. Làm thế nào để thoát khỏi cái kiếp nạn Trung Quốc cả về nhập siêu, phá hoại kinh tế lẫn quân sự ?
Trong vô vàn cái khó, lại ló thêm… cái ngu. Năm Mười Bảy, "uy tín Việt Nam trên trường quốc tế" lao dốc chưa từng thấy sau vụ mật vụ nước này bị người Đức cáo buộc đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Cả thế giới phương Tây đang nhìn vào Việt Nam, nhưng không còn tỏ ra ngưỡng mộ vì chiến tích "đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược" như trước đây, mà với ánh mắt miệt thị và cảnh giác tối đa. Việt Nam không chỉ nằm trong danh sách đen về vi phạm nhân quyền mà còn là một tiểu nhân quá khó chơi !
Khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt của người Đức mới chỉ là sự khởi đầu cho một cú lao dốc về vị thế chính trị quốc tế của Việt Nam. Nếu vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã chứng minh rất rõ ràng việc Việt Nam quá bạc nhược, lẻ loi và không được một bàn tay nào chìa ra giúp đỡ dù có thủ trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, thì nay Việt Nam đang biến thành một nỗi cô độc của tận cùng bẽ bàng cùng liêm sỉ dưới đáy.
Đó chính là "triệt buộc".
Làm thế nào để thoát khoải tình thế đắng ngắt ấy ?
Không mở thì chết, chết cả nút !
Cả xã hội đang biến thành một quả bom sắp phát nổ.
Chẳng phải vô tình mà vào tháng Tám, 2017, bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu "thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa" trong chính thể cầm quyền ở Việt Nam.
Có lẽ cũng chẳng phải vô tình mà trong tháng Tám trên, Nguyễn Phú Trọng đã chọn Myanmar – một nước chẳng hề có chung Biển Đông với Việt Nam, cũng chẳng có giao thương và quan hệ quân sự đáng kể nào với Việt Nam – làm địa chỉ công du ; đã gặp riêng Aung San Suu Kyi với lời chúc về ba thành tựu của Myanmar – hòa hợp hòa giải, cải cách kinh tế và chính trị, hợp tác quốc tế ; rồi còn đề nghị cả việc xây dựng mối quan hệ thắt chặt giữa Đảng cộng sản Việt Nam với đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì dân chủ của bà Suu Kyi – một đảng mà theo não trạng chính trị ở Việt Nam thì đương nhiên bị liệt vào loại "phản động".
Ông Trọng đang nghĩ gì, tính gì trong đầu ?
Đã quá muộn. Nhưng cũng chẳng cần phải nói thêm "muộn còn hơn không". Đã đến nước này, không "mở" thì chết !
Hãy chờ xem Nguyễn Phú Trọng và những người trong Bộ chính trị của ông ta xoay xở ra sao trong thời gian tới.
Nhưng làm gì thì làm, phải mở dân chủ, mở nhân quyền. Không những mở mà còn phải mở một cách thành thực – như trái tim và cách thức mà Tổng thống Thein Sein đã làm ở Myanmar.
"Tự hào đi lên, ơi Việt Nam…".
Cả xã hội đã biến thành một quả bom sắp phát nổ. Mọi thứ đang tái hiện thời Lê mạt với dân tình nheo nhóc khổ sở, nạn đói kém và chết đói lan rộng, các cuộc khởi nghĩa nông dân phát ra ở nhiều nơi, giới quan chức xâu xé lẫn nhau rồi bị dân trả thù. Tất cả đều sẽ là quả báo, gieo nhân nào gặt quả nấy…
Đã đến nước này, không mở thì chỉ có chết, chết cả nút !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 01/10/2017
Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Trung Quốc ngày càng khuếch trương chủ nghĩa bá quyền, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa nhậm chức với những chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường, giáo sư Tương Lai cho rằng dân chủ hóa là vấn đề cốt lõi để tạo sức mạnh cho Việt Nam.
Giáo sư Tương Lai nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng là thành viên của Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nói với VOA rằng chưa lúc nào các trí thức Việt Nam lại ưu tư về vận nước như hiện nay. Giáo sư nói chưa lúc nào mà ý tưởng "cùng tắc biến, biến tắc thông" (có nghĩa là sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa) lại có tác động đến ông như hiện nay và nhất là không nên biến Việt Nam thành quân cờ giữa các nước lớn :
"Chưa lúc nào mà ý tưởng ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ có tác động đến tư duy của tôi bằng lúc này. Lúc mà thế giới đứng trước những chuyển biến dữ dội, trong đó có sự kiện ông Trump. Chính trong những cảnh khó lường trong quốc sách của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc, để Việt Nam không là quân cờ mạt trong cuộc chơi giữa các nước lớn, mà nước nào trước hết cũng vì dân tộc của họ. Tôi không muốn Việt Nam một lần nữa trở thành quân cờ trong cuộc chơi giữa các nước lớn".
Điều quan trọng nhất, theo giáo sư Tương Lai, giới lãnh đạo Hà Nội phải chớp lấy thời cơ này để thực hiện nhanh quá trình dân chủ hóa :
"Dân chủ hóa để tạo sức mạnh cho đất nước. Đây là một điểm tựa vững chắc cho một thế đứng mới. Tất nhiên là một điều mà ông Nguyễn Phú Trọng khó nghĩ tới lắm. Song, tôi chắc chắn rằng những người biết rõ diễn biến của thời cuộc ngay trong giới cầm quyền chóp bu và nhiều người khác nữa không thể không thấy".
Vì sao phải thực hiện quá trình dân chủ hóa ? Theo giáo sư Tương Lai, trong mấy thập niên qua, Việt Nam đã lún sâu vào sự lệ thuộc với Trung Quốc vì giới lãnh đạo Hà Nội đã chọn sai mô hình phát triển đất nước :
"Do những người lãnh đạo đã chọn sai mô hình phát triển. Một mô hình đã sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Với nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, do sự thiển cận và mù tối, với mớ giáo điều cũ mốc. Thế hệ lãnh đạo từ ông Linh về sau đã chui vào cáo thòng lọng Thành Đô (Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc năm 1991), khiến Việt Nam bây giờ trở thành một nước lạc hậu quá nhục nhã".
Theo giáo sư Tương Lai, thoát trung không phải là bài Hoa. Vị trí địa lý của Việt Nam buộc Việt Nam phải chung sống với nước láng giềng đông dân nhất thế giới. Nhưng Việt Nam phải khẳng định thế đứng của mình dựa trên lợi thế về địa chính trị để được coi trọng trong "thế cờ" giữa Mỹ và Trung Quốc. Giáo sư Tương Lai khuyên Việt Nam nên học hỏi quá trình dân chủ hóa của Myanmar :
"Hãy nhìn sang Myanmar, Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã tạo cho đất nước mình một thế đứng như thế nào. Biên giới Myanmar-Trung Quốc dài gấp đôi biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đó là tấm gương để chúng ta thấy. Việt Nam và Myanmar có nhiều quan hệ tương đồng. Vì sao bây giờ Mynamar ở một thế đứng khác với Việt Nam ? Vì ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã dám dân chủ hóa đất nước Myanmar".
Theo định nghĩa triết học phương Tây, Dân chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ các thể chế quân chủ, độc tài, toàn trị sang thể chế dân chủ. Chúng ta cũng không cần nhiều bằng chứng để chứng minh dân chủ hóa là tất yếu, một phần bởi dân chủ hóa đang ngày càng trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo của toàn thế giới.
"Theo tôi, những ai có tầm nhìn mới và đủ bản lĩnh hành động, người đó sẽ đi vào lịch sử. Nếu không, họ sẽ trở thành tội đồ của lịch sử".
Theo giáo sư Tương Lai, Việt Nam không nên trì hoãn hay né tránh vấn đề này, bởi nếu một nhà nước không tự dân chủ hóa mình thì thế giới, hay nói đúng hơn là những đòi hỏi chính trị toàn cầu, sẽ buộc nhà nước đó phải tiến hành dân chủ hoá. Đó cũng chính là bối cảnh hiện nay, như lời giáo sư nói ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ – Việt Nam đang gặp sức ép từ bên ngoài và nếu Việt Nam không phát triển thông qua dân chủ hóa thì không còn cơ hội tồn tại.
VOA tiếng Việt, 30/01/2017