Nhiều người Việt từng nghe câu nói về sự lựa chọn của Đảng cộng sản Việt Nam đó là "đi với Mỹ mất đảng, đi với Trung Quốc thì mất nước" và Đảng cộng sản Việt Nam thà mất nước còn hơn mất đảng. Không ai ngạc nhiên về nhận định này. Trong suốt lịch sử của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đã làm tất cả vì sự tồn tại của họ chứ không hề vì đất nước và người dân.
Đi với Trung Quốc họ không chỉ mất nước mà có thể mất cả đảng vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước dân chủ. Nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc thì sẽ sớm bị khủng hoảng về kinh tế và sau đó là chính trị. Đảng cộng sản chỉ còn lại một con đường duy nhất là ‘xoay trục’ về phía Mỹ và các nước dân chủ.
Nếu thế giới không thay đổi thì lựa chọn đi với Trung Quốc để làm chổ dựa cho chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam là hiển nhiên không bàn cãi. Tuy nhiên thế giới liên tục vận động và đang thay đổi sâu sắc. Chủ nghĩa dân túy bùng phát trên toàn thế giới với đỉnh điểm là việc Trump trở thành tổng thống Mỹ. Chủ nghĩa dân túy cũng đưa Tập Cận Bình lên ngôi hoàng đế Trung Quốc với ‘giấc mơ Trung Hoa’. ‘Giấc mơ Trung Hoa’ với thể chế độc tài cộng sản đang đe dọa ngôi vị bá chủ của Mỹ và làm cả thế giới lo lắng.
Cuộc ‘đối đầu’ giữa các nước dân chủ đứng đầu là Mỹ với Trung Quốc đã bắt đầu từ 2 năm cuối nhiệm kỳ của Obama với dự án Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump sau khi đắc cử đã đẩy cuộc thư hùng này lên một nấc thang mới với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu suy thoái vì đã đạt đến đỉnh điểm sau những cố gắng vượt bậc trong suốt 40 năm qua. Sự gồng mình bằng cách vắt kiệt sức người, sức của và tài nguyên nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn cuối cùng. Cuộc khủng hoảng của Trung Quốc là tất yếu và vì những nguyên nhân nội bộ chứ không hẳn vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Quan hệ Việt-Trung là một mối quan hệ rất phức tạp chứ không ‘xuôi chèo mát mái’ như chúng ta tưởng. Cho dù hai nước gắn chặt với nhau trong ý thức hệ cộng sản nhưng thực lòng không có bên nào xem bên kia là đồng minh thực sự. ‘Đại cục’ ý thức hệ chỉ là hợp đồng tạm bợ và thực dụng giữa hai đảng cộng sản. Việt Nam cần Trung Quốc như là một chỗ dựa về kinh tế lẫn chính trị còn Trung Quốc thì xem Việt Nam như một đồng minh bấc đắc dĩ và chưa bao giờ tôn trọng Việt Nam. Cách Trung Quốc lên lớp hay dọa dẫm Việt Nam mỗi khi có chuyện giữa hai nước phản ánh rõ điều đó. Nếu Trung Quốc coi trọng Việt Nam thì không có chuyện lấn đất, chiếm biển và o ép Việt Nam đủ điều…
Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ hiểu rõ về Trung Quốc hơn ai hết. Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho Việt Nam vì họ đã hết tiền và đang lâm vào khủng hoảng toàn diện. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là đương nhiên vì càng ngày thế giới càng thấy Trung Quốc là một mối đe dọa cho hòa bình. Việt Nam không thể tiếp tục chính sách ‘đu dây’ mà phải chọn phe. Sự lựa chọn này quả là khó khăn cho Đảng cộng sản Việt Nam. Đi với Trung Quốc thì họ không chỉ mất nước mà có thể mất cả đảng vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước dân chủ. Nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc thì sẽ sớm bị khủng hoảng về kinh tế và sau đó là chính trị. Đảng cộng sản chỉ còn lại một con đường duy nhất là ‘xoay trục’ về phía Mỹ và các nước dân chủ.
Ai cũng hiểu Đảng cộng sản Việt Nam ‘xoay trục’ về phía Mỹ là vì quyền lợi của chính họ chứ không hẳn vì đất nước và dân tộc. Ưu tư lớn nhất của họ là sự tồn vong của chế độ. Tình hình thế giới đang có lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Khi Mỹ và các nước dân chủ ‘thư hùng’ với Trung Quốc thì việc đầu tiên là họ phải cô lập Trung Quốc bằng cách lôi kéo các nước đồng minh và hàng xóm của Trung Quốc về phía mình. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong tương quan này. Chủ nghĩa dân túy cũng là một ‘đồng minh tự nhiên’ của Đảng cộng sản Việt Nam khi nước Mỹ dưới thời Trump không quan tâm nhiều đến nhân quyền. Việt Nam hy vọng đi theo Mỹ nhưng vẫn giữ được chế độ khi nhiều quan chức cấp cao của Mỹ luôn tuyên bố là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người nắm toàn quyền sinh sát tại Việt Nam cũng thuận lợi cho việc xoay trục sang Mỹ khi có thể áp đặt được sự ‘đồng thuận’ trong nội bộ đảng.
Việc xoay trục sang Mỹ có lẽ được khởi động từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ hồi 2017 và đang tăng tốc trong thời gian qua. Video clip của tướng công an Trương Giang Long nói về Trung Quốc có lẽ không phải tự nhiên mà ‘xuất hiện’. Ngoài ra có mấy ‘sự kiện’ đáng quan tâm như việc Việt Nam tham gia tập trận với Mỹ và các nước ASEAN hồi đầu tháng 9/2019. Việt Nam cũng hủy bỏ việc hợp tác với tập đoàn viễn thông Hoa Vi trong việc phát triển mạng di động 5G. Việc dừng qui hoạch đặc khu Phú Quốc, việc phanh phui nhiều vụ án liên quan đến người Trung Quốc trong mọi lĩnh vực và mới nhất là việc dừng đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam mà mục đích là để loại các nhà thầu Trung Quốc… có vẻ cho thấy quyết tâm ‘thoát Trung’ của Đảng cộng sản Việt Nam.
Trung Quốc đã nhận ra ý đồ của Việt Nam nên họ đã đưa tàu HD-8 xâm nhập Bãi Tư Chính và sau đó còn đi sâu vào vùng biển Việt Nam. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa Việt Nam khi Hoa Vi bị loại khỏi Việt Nam. Trung Quốc không còn ‘cà rốt’ nên phải dùng đến ‘cây gậy’ để răn đe Việt Nam. Mỹ và các nước dân chủ đã nhanh chóng lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Bộ ngoại giao Mỹ đã báo cáo lên Quốc hội Mỹ về tình hình Biển Đông trong đó có việc Mỹ đã xúc tiến thành lập một liên minh các nước như Nhật, Hàn, Úc, Ấn, Anh, Pháp, Đức… để đối phó với Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Tuần trước tàu chiến của Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa và khi Trung Quốc phản đối thì Mỹ nói rõ đây là đảo của Việt Nam…
Việc Mỹ trừng phạt các nước nhập siêu vào Mỹ nhưng chừa Việt Nam ra cũng là một hành động ‘thiện chí’ của phía Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) hôm 30/06/2019, đây cũng là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Muốn tránh các đòn trừng phạt từ phía Trung Quốc thì Việt Nam phải nhanh chóng mở rộng và tìm kiếm các thị trường khác để thay thế. Các nước dân chủ là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Vấn đề là chính quyền Việt Nam phải giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường giàu tiềm năng nhưng khó tính này.
Trong ‘dự án xoay trục’ mà có lẽ là ‘sáng suốt’ duy nhất trong hơn 70 năm cầm quyền của mình thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cần phải khôn khéo và dứt khoát. Khôn khéo để tránh việc ‘đối đầu’ với Trung Quốc. Có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ không gây hấn với Việt Nam khi nội bộ họ đang khủng hoảng. Tuy nhiên dù bối rối nhưng Trung Quốc vẫn có thể gây thiệt hại nặng nề cho Việt Nam nếu họ bị khiêu khích thô bạo. Mặt khác Việt Nam cần dứt khoát ‘đi với Mỹ’ và các nước dân chủ. Nếu việc xoay trục mang tính đối phó và nửa vời thì sự háo hức và nhiệt tình của Mỹ sẽ nhường chỗ cho sự thất vọng và nản chí trong quan hệ với Việt Nam. Đàng nào thì Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác và lựa chọn ‘đi với dân chủ’ luôn là một lựa chọn đúng. Dân chủ sẽ không bức hại và nhằm tiêu diệt bất cứ ai hay bất cứ thành phần nào trong bất cứ xã hội nào. Dân chủ luôn tìm cách thỏa hiệp và đối thoại để tìm ra một giải pháp thích hợp mà tất cả đều có thể chấp nhận được.
Phong trào dân chủ Việt Nam cần phải làm gì và chuẩn bị những gì để cùng làm tác nhân thay đổi lịch sử Việt Nam ? Đây là những câu hỏi lớn dành cho mỗi người, mỗi tổ chức đang tranh đấu. Lịch sử đang sang trang. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có những dự liệu và chuẩn bị cho mình. Chúng tôi không hề bối rối hay bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của tình thế. Dự án chính trị của chúng tôi vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi sẽ có mặt và cùng đồng hành với mọi lực lượng yêu nước để cùng làm tác nhân dân chủ hóa đất nước.
Việt Hoàng
(26/09/2019)