Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Già trước khi giàu : thử thách của Việt Nam", là bài viết của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, sau khi thủ tướng Việt Nam công bố Quyết định 588 thực hiện Chiến lược Dân số nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.

gia2

 Hiện nay việc kỷ luật khiển trách với đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn hiệu lực.

Từ bài tham luận bằng Anh ngữ trên website ISEAS Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore hôm 16/6, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích sâu hơn về vấn đề dân số Việt Nam trong một tương lai gần :

"Trước tiên phải nói dân số là vấn đề quan trọng vì nó ảnh hưởng không chỉ tới tình hình kinh tế-xã hội mà nếu nhìn xa hơn thì nó còn ảnh hưởng tới vấn đề địa chính trị, tại vì dân số là một phần tạo nên sức mạnh quốc gia".

Quyết định 588 do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hôm 5/5, được nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp đề cập chi tiết trong bài viết tiếng Anh của ông, bao hàm vấn để dân số với chương trình do ông Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", cụ thể khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ nên sinh đưa con thứ hai trước 35 tuổi.

Quyết Định còn hứa hẹn nhiều cái được cho mỗi hộ gia đình sinh 2 con như : mua nhà xã hội, con cái được ưu tiên vào trường công lập với hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ sau sinh trở lại nơi làm việc, giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình, xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng đây là những biện pháp kịp thời và chủ động, là nỗ lực trẻ hóa đất nước vào khi dân số Việt Nam đang bị lão hóa từ năm 2011

"Dân số già hóa, bước vào tình trạng suy giảm, không chỉ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước rồi là áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, mà nhìn xa hơn nó có thể làm suy yếu sức mạnh quốc gia và có thể gây ra những hệ lụy về an ninh"

"Chính vì vậy quyết định 588 của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đấy có một số biện pháp để duy trì tổng mức sinh thay thế, đảm bảo qui mô dân số cũng như lực lượng lao động ổn định trong tương lai".

Đây cũng là tầm nhìn dài hạn để Việt Nam không rơi vào tình cảnh dân số bị lão hóa và lực lượng lao động suy giảm mà hiện tại các nước trong khu vực cũng như các nước ở Châu Âu đang phải đối mặt.

gia1

Một y tá chăm các trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội hôm 6/5/2020 AFP

Quyết định 588 của thủ tướng chính phủ, với đề nghị kết hôn sớm và có 2 con trước 35 tuổi, đã gây khá nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội trong nước, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết tiếp, đặc biệt liên quan đến ý kiến được cho là áp đặt trách nhiệm tài chính lên trên những người không mong muốn có con.

Tuy nhiên tác động quan trọng nhất mà Quyết Định 588 mang lại là dù như một quốc gia trẻ với một lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam thì hiện tượng dân số quốc gia đang già đi là một thực tế đáng lo :

"Tôi cho rằng những biện pháp này là kịp thời và chủ động, giúp Việt Nam kềm hãm đà lão hóa dân số đang diễn ra, đối phó được với những hậu quả của tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng Việt Nam là một quốc gia trẻ, đa phần là thanh niên, 60% dân số dưới 35 tuổi. Điều này hẳn nhiên không còn đúng nữa vì kể từ 2011 Việt Nam đã bước vào giai đoạn lão hóa. Nếu tình hình không được cải thiện, tức là mức sinh thay thế không được duy trì, thì trong vòng 20 năm tới Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mà số người trong độ tuổi 60 sẽ chiếm khoảng 1/5 dân số, tạo áp lực rất lớn đối với kinh tế xã hội và an ninh, nếu số lượng trẻ sinh ra hàng năm không đủ để duy trì mức thay thế đảm bảo qui mô dân số ổn định của Việt Nam".

Dân số Việt Nam đạt 92 triệu 200 ngàn vào năm 2019, số người trong độ tuổi 15 đến 65 chiếm 68%. Nhìn chung trong tổng số dân thì 24,3% dưới 15 tuổi và 7,7% trên 65 tuổi.

Đối với nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, có thể nói Việt Nam vẫn đang tận hưởng điều gọi là "golden age, lao động vàng", qua đó một người không làm việc có thể được hỗ trợ bởi 2 hoặc trên 2 người có sức lao động. Thực tế hay cơ cấu này phản ảnh cơ hội vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Một dân số trẻ trung, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết, chính là yếu tố hấp dẫn đầu tư bên ngoài vào thị trường mở của Việt Nam.

"Thách thức đối với các chính sách này của Việt Nam là trong thời gian qua tỷ suất sinh đã bước vào xu hướng giảm. một số địa phương không đạt mức sinh thay thế. Điều này cũng dễ hiểu, đặc biết ở các thành phố lớn, nhiều thanh niên có cảm giác họ không đủ điều kiện để có thể kết hôn sớm hoặc sinh 2 đứa con vì chi phí để duy trì cuộc sống gia đình như vậy rất đắt đỏ. Vì vậy rất nhiều người ngại kết hôn và ngại sinh con. Đây cũng là thực trạng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khi bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và thu nhập cao, có xu hướng kết hôn muộn và không sinh nhiều con. Điều này đã thấy ở những nước trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và ngay cả Trung Quốc. Việt Nam đang bước vào con đường tương tư khi mà tỷ suất sinh ở một số thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, chỉ 1,36 con trên 1 phụ nữ, rất cách xa mức sinh thay thế, tức khoảng 2,1 con trên 1 phụ nữ".

Trước Việt Nam thì đã có nhiều nước trên thế giới khuyến khích thanh niên sinh con, đưa ra những biện pháp khác nhau trong đó có biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính. Các cặp vợ chồng sinh con nhiều được trợ cấp nhà ở hay trợ cấp nuôi con chẳng hạn. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp trình bày tiếp, không phải biện pháp nào cũng hiệu quả, nhiều cặp vợ chồng vẫn không muốn sinh con để được hưởng ưu đãi vì cảm thấy việc sinh đẻ không chỉ là áp lực tài chính mà còn liên quan tới sức khỏe, nghề nghiệp, kể cả cơ hội hưởng thụ cuộc sống :

"Tôi e rằng kể cả khi Việt Nam có định hướng, chính sách khuyến khích kết hôn sớm và có con sớm thì chưa chắc đã thành công. Việt Nam phải có thêm nhiều chính sách khác nhau để đối phó với tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Theo tôi một trong những biện pháp quan trọng là phải nâng cao năng suất của lực lượng lao động, khi mà việc khuyến khích kết hôn sớm và sinh con không thành công. Với trình độ và kỹ năng lao động cao hơn thì Việt Nam vẫn có thể chu cấp được cho số lượng người phụ thuộc mà sẽ càng ngày càng tăng trong tương lai".

Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, là hai việc song hành với nhau thì mới đạt giải pháp lâu dài cho vấn đề lão hóa dân số, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.

Ông nói nhìn vào những con số sẽ thấy một thách thức nữa, đó là sự chênh lệch trong sinh suất vùng miền :

"Quyết định 588 cũng đề cập rõ rằng ở Việt Nam tỷ suất sinh chênh lệch nhau giữa các vùng miền. Một số vùng phía Bắc chẳng hạn, tỷ suất sinh còn hơi cao, tức là trên mức sinh thay thế và cần được kéo giảm xuống khoảng 2.1%. Trong khi đấy Đông Nam Bộ hay Tây Nam Bộ thì tỷ suất sinh đang quá thấp và cần được nâng lên để mà đạt mức sinh thay thế.

Thành phố Hồ CHí Minh chẳng hạn, tỷ suất sinh chỉ 1,36 con/1 phụ nữ, Đồng Tháp thì 1,34, Bà Rịa Vũng Tàu 1,37, Hậu Giang 1,53… Tỷ suất sinh này thấp hơn mức sinh thay thế, không đủ bù đắp và duy trì dân số bất chấp việc nhiều vùng có 2,5 đến 3 con. Đó là lý do chính phủ Việt Nam phải đề xuất chính sách nhằm đảm bảo mức sinh trên qui mô toàn quốc chứ không phải mức sinh chênh lệch vùng miền như hiện nay".

Thời kỳ lao động vàng của Việt Nam dự kiến kết thúc năm 2040, các chuyên gia lo rằng dân số nước này sẽ già trước khi giàu. Điều này cũng được chuyên gia Lê Hồng Hiệp nhắc tới trong bài viết của ông :

"Theo tôi nguy cơ đấy hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mà Việt Nam có nền kinh tế với độ mở cao, việc đi sâu sát với nền kinh tế thế giới không tác động nhiều tới triển vọng gọi là già trước khi giàu.

Nguy cơ già trước khi giàu phụ thuộc nhiều vào năng suất lao động. Làm sao nâng cấp kỹ năng lao động và leo lên cao hơn trên thang giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể tạo thu nhập cao hơn mới có thể thoát bẫy thu nhập trung bình.

Trong thời gian qua Việt Nam đã cố nâng năng suất lao động, khuyến khích đầu tư các nghành công nghệ cao, thu hút đầu tư bên ngoài vào lãnh vực này, tôi cho đó là những bước đi đúng hướng".

Nâng cao được năng suất lao động, nâng cao được hàm lượng giá trị gia tăng sản phẩm của mình trong các ngành nghề, kết hợp với việc khai thác các nguồn lực nguồn vốn từ bên ngoài thì hy vọng các biện pháp tổng hợp đó có thể giúp người dân vươn lên mức thu nhập cao trong tương lai, đồng thời giảm bớt nguy cơ già trước khi giàu.

Dân số, theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, không đơn thuần là vấn đề xã hội hay kinh tế, mà còn là vấn đề địa chính trị và an ninh quốc phòng. Mong rằng trong thời gian tới, ông nói tiếp, người dân Việt Nam sẽ chú ý hơn, nhận thức đúng hơn về vấn đề dân số, mong rằng bản thân các chính sách về chiến lược dân số Việt Nam đề ra sẽ thành công để có thể hóa giải mối nguy già đi trước khi được giàu lên.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 19/06/2020

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn

Dân số Việt Nam vượt qua con số 97 triệu người (Người Việt, 17/06/2019)

Dân số Việt Nam vào ngày 17/6/2019 là 97.394.103 người, theo thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc được công bố lại tại trang mạng danso.org/viet-nam.

quy1

Đất chật, người đông, xe cộ các loại cài vào nhau chạy trên dường phố Hà Nội, mọi người phải bịt mặt để chống khói bụi ô nhiễm. (Hình : Linh Pham/Getty Images)

Theo nguồn tin, dân số Việt Nam hiện chiếm 1,27% dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Việt Nam là 314 người/km2. Với tổng diện tích đất là 310.060 km2 có 35,92% dân số sống ở thành thị (34.658.961 người vào năm 2018).

Dự báo có từ hồi Tháng Giêng nói trong năm 2019, dân số của Việt Nam sẽ tăng 937.915 người và tổng số dân sẽ là 97.894.859 người vào đầu năm 2020. Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là dương, vì số lượng sinh sẽ nhiều hơn số người chết đến 982.307 người.

Nếu tình trạng di cư vẫn ở mức độ như năm trước, dân số sẽ giảm - 44.392 người. Điều đó có nghĩa là số người chuyển đến Việt Nam để định cư sẽ ít hơn so với số người rời khỏi đất nước này để định cư ở một nước khác.

Theo ước tính của tổ chức danso.org dựa trên tài liệu Liên Hiệp Quốc, vẫn thấy nêu những ước lượng có từ đầu năm nói tỷ lệ thay đổi dân số hàng ngày của Việt Nam vào năm 2019 sẽ như sau :

4.251 trẻ em được sinh ra trung bình mỗi ngày.

1.560 người chết trung bình mỗi ngày.

122 người di cư trung bình mỗi ngày.

Dân số Việt Nam sẽ tăng trung bình 2.570 người mỗi ngày trong năm 2019.

Nhân khẩu Việt Nam 2018

Tính đến ngày 31/12/2018, dân số Việt Nam ước tính là 96.963.958 người, tăng 950.346 người so với dân số 96.019.879 người năm 2017. Năm 2018, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là dương vì số người sinh nhiều hơn số người chết đến 997.715 người.

Dưới đây là những số liệu chính về dân số ở Việt Nam trong năm 2018 :

1.558.577 trẻ được sinh ra

560.861 người chết

Gia tăng dân số tự nhiên : 997.715 người

Di cư : - 47.369 người

47.967.516 nam giới tính đến ngày 31/12/2018

48.996.442 nữ giới tính đến ngày 31/12/2018

Tuy nhiên, những con số mà tổ chức danso.org dựa vào thống kê và dự báo của Liên Hiệp Quốc đưa ra lại khác với các con số của Tổng Cục Dân Số và Kế Hoạch Hóa Gia Ðình của Việt Nam.

Tại hội nghị "Tổng kết công tác dân số năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019", tổ chức tại Hà Nội ngày 18/01/2019, Tổng Cục Dân Số đưa ra con số thống kê nói dân số Việt Nam năm 2018 là 94.670.000 người. Con số này ít hơn con số của Liên Hiệp Quốc tới gần 1.335.000 người.

Tương tự, tình trạng nạo phá thai tại Việt Nam mà cơ quan y tế hay Tổng cục Dân số Việt Nam đưa ra cũng khác xa với các con số của các tổ chức quốc tế.

Theo báo Infonet của Bộ Thông tin và truyền thông ngày 30/9/2017, tường thuật theo Vụ Chăm sóc Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000 đến 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức trong đó có hơn 50% là có thai ngoài ý muốn.

Đến ngày 26/9/2018, tờ báo Công Lý của Bộ Tư pháp lập lại rằng : "Hằng năm, theo báo cáo chính thức, vẫn có 250.000 đến 300.000 ca phá thai ở nước ta". Tin này được đưa ra nhân dịp "Hội nghị hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9)".

Trong khi đó, đài VTV ngày 27/9/2017, cho hay : "Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất Châu Á và thuộc một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất trên thế giới với 1.520.000 vụ, Trong đó 300.000 đến 400.000 vụ là từ các trẻ vị thành niên".

Khoảng hơn 20 năm trước, để chận đà gia tăng dân số quá nhanh, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khuyến khích phá thai và triệt sản. Hàng ngày, loa phóng thanh tại các phường khóm đọc tên từng phụ nữ đi đặt vòng xoắn tránh thai và tên đàn ông ở địa phương phải đi cắt ống dẫn tinh triệt sản, theo chỉ tiêu phải thi hành. (TN)

****************

Biển thủ cả Quỹ bảo trợ trẻ em ! (RFA, 17/06/2019)

Tham ô tiền quỹ bảo trợ trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam vào cuối tháng 5 hô hào phát động tháng 6 là "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019", kêu gọi các bộ, ban, ngành, các tổ chức và địa phương cùng chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cũng như phòng, chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em.

quy2

Thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội phát hiện cán bộ sai phạm nghiêm trọng công tác quản lý tài chính Quỹ bảo trợ trẻ Quảng Bình. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn

Trong khi dư luận và những người quan tâm đến trẻ em tại Việt Nam trông đợi xem Chính phủ và các cơ quan, ban ngành bảo vệ trẻ em có những hành động thiết thực nào cho trẻ em, đặc biệt trong vấn đề giải quyết những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở mức báo động xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua ; thật là trớ trêu, họ lại nhận được thông tin rất tiêu cực liên quan vụ việc các cán bộ quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình bị phát hiện biển thủ số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Truyền thông trong nước vào ngày 11 tháng 6 đồng loạt đăng tải thông tin Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một số cán bộ bao gồm Giám đốc-ông Lê Quang Sỹ, Kế toán-bà Trần Thị Thủy và Thủ quỹ-bà Hoàng Thị Hường của Quỹ bảo trợ trẻ em bị phát hiện có nhiều sai phạm qua việc làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và tiền Quỹ hỗ trợ trẻ em. Bên cạnh đó, tin cũng cho biết còn nhiều cá nhân khác cũng liên quan đến vụ việc tham ô này.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vào tối ngày 17 tháng 6 chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên trước thông tin vừa nêu :

"Thông tin này thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện bển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật ở chỗ này chỗ kia…Mặc dù không ngạc nhiên nhưng tôi cũng vẫn rất là buồn và rất là tiếc vì chuyện đấy đã xảy ra".

Báo điện tử Đài Tiếng Nói Việt Nam (vov.vn), hồi ngày 11 tháng 6 dẫn lời của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Trường Sơn với nhấn mạnh rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm mặc dù các cán bộ bị Thanh tra phát hiện sai phạm đã trả lại số tiền biển thủ vào tài khoản của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, nhưng Sở đã báo cáo và đang chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo để chuyển hồ sơ điều tra qua công an. Giám đốc Sở Nguyễn Trường Sơn được vov.vn trích lời rằng cán bộ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm, dù đương chức hay về hưu như trường hợp của ông Lê Quang Sỹ, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã nghỉ hưu từ đầu tháng 9 năm 2018 vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có hành vi phạm tội.

Luật gia Nguyễn Trang Nhung, một người quan tâm và tích cực kêu gọi bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục cho RFA biết các cán bộ tham ô Quỹ bảo vệ trẻ em ở Quảng Bình có thể bị khởi tố hình sự theo pháp luật hiện hành :

"Hành vi của những người quản lý tài sản ở đây thì có thể bị ghép vào tội tham ô tài sản. Theo Bộ Luật hình sự 2015, hiện có hiệu lực thi hành thì tội tham ô tài sản được xem là tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội từ lớn đến đặc biệt lớn và hình phạt cho tội này ít nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy vào giá trị tài sản mà mỗi người chiếm đoạt được cũng như một số tình tiết khác. Tôi lấy ví dụ như chiếm đoạt 2 triệu đồng thôi thì có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù, còn chiếm đoạt từ 100 đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đó là chưa kể các tình tiết chẳng hạn như nếu phạm tội có tổ chức thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù".

quy3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019"., diễn ra vào ngày 25/05/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình unicef.org

Tác hại

Vào ngày 06/01/2019, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức họp hội đồng bảo trợ báo cáo kết quả hoạt động từ tháng 10/2016 đến năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, với vai trò chủ trì phiên họp, phát biểu rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch và nhiệm vụ được giao trong hai năm 2017 và 2018. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nói rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam càng phát huy vai trò và nâng cao uy tín trong cộng đồng, số nhà tài trợ đến với Quỹ ngày càng tăng và trong năm 2019 cố gắng huy động 110 tỷ đồng để chăm lo cho 110 ngàn trẻ em, do đó cần tích cực vận động có thêm nhiều người ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thông tin vụ việc các cán bộ quản lý tài chính Quỹ bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Bình tham ô số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng, Luật gia Nguyễn Trang Nhung nhận định sẽ gây tác hại rất lớn đối với lòng tin của công chúng :

"Với số tiền bị tham ô trong trường hợp này là hơn 1 tỷ so với hơn 100 tỷ mà người ta dự kiến vận động được thì rõ ràng là một con số đáng kể và đây chỉ là một trường hợp thôi. Và nếu có nhiều trường hợp giống như thế nữa thì số tiền tham ô trên cả nước sẽ là rất lớn. Do đó, rất nhiều trẻ em ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta biết là Quỹ bảo trợ trẻ em ra đời với chức năng nhằm bảo trợ cho trẻ em, nhất là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và số tiền bị tham ô như vậy thì có thể làm mất đi niềm tin đối với xã hội và vô hình trung sẽ làm cho khả năng vận động của Quỹ này sẽ kém đi khi không còn nhiều người tin vào Quỹ này nữa. Vì thế, trẻ em sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn".

Tại Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019" diễn ra vào ngày 25 tháng 5, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, nhấn mạnh trong bài phát biểu của bà về tầm quan trọng trong việc đầu tư vào phát triển trẻ thơ toàn diện rằng "đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao để các em có thể đóng góp cho đất nước".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số những người quan tâm đến tương lai mầm non của đất nước đánh giá cao những chính sách được chú trọng nhiều hơn dành cho trẻ em của Chính phủ Việt Nam trong vai năm trở lại đây, thế nhưng họ cũng bày tỏ quan ngại về hiệu quả của các chính sách đó không thực sự mang lại kêt quả tốt, điển hình không chỉ qua vụ việc tham ô mới xảy ra ở Quảng Bình mà có có những vụ việc khác gây phẫn nộ trong dư luận như ba cán bộ Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh, ở Gia Lai tham nhũng số tiền gần 6 tỷ đồng ngân sách từ năm 2013 đến năm 2017, trong đó lập chứng từ khống chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng tiền ăn của học sinh mẫu giáo bán trú hay như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tại một phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, đã phát biểu rằng "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì" khi chính bà là người tận tai nghe được những báo cáo sai phạm như trường hợp tiền dành cho chăm sóc y tế của trẻ em dân tộc thiểu số bị biển thủ hàng tỷ đồng…

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng khẳng định với RFA rằng bà vẫn còn niềm tin các vụ việc như thế sẽ được pháp luật nghiêm trị :

"Những vụ việc như vậy thì lâu lâu cũng xảy ra và chắc chắn những người đấy sẽ phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật vì những việc làm sai phạm như vậy không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, Đài RFA cũng ghi nhận ý kiến của một số độc giả chia sẻ trên trang fanpage của các báo chính thống trong nước cho rằng vụ việc mới nhất liên quan cán bộ tham ô Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình cần phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thủ trưởng của các bộ, ngành, cùng lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Đảng khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan do họ quản lý.

******************

Một nhà hoạt động bị hành hung sau khi đến Trại Nam Hà (RFA, 17/06/2019)

Một nhà hoạt động vừa bị hành hung khi đến thăm những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Trại giam Nam Hà hôm 16 tháng 6.

quy4

Ông Trương Minh Hưởng kể về chuyện bị an ninh đánh trên FB cá nhân. Ảnh chụp livestream FB Trương Minh Hưởng

Ông Trương Minh Hưởng, 70 tuổi, một dân oan Hà Nam thường xuyên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, cho biết bị công an tỉnh Hà Nam đánh gãy rẻ xương sườn số 10 sau khi ông đến thăm 7 tù nhân lương tâm ở trại giam Nam Hà. Ông Hưởng đăng tải trên Feacebook cá nhân sau khi đi chụp x-quang ở bệnh viện về.

Xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 17/6, ông Trương Minh Hưởng cho biết :

"Tôi bị an ninh tỉnh Hà Nam đánh lúc 1 giờ ngày 16. Sau khi tôi được biết tất cả anh em có quan tâm đến những người tù nhân lương tâm để đồng hành cùng gia đình tù nhân lương tâm để thăm gặp và động viên, thì sáng hôm qua tôi có ra đồng hành cùng mọi người. Sau khi gia đình người ta thăm gặp xong, chúng tôi cũng có một bữa cơm đạm bạc để thể hiện tình cảm, chia sẻ các câu chuyện về tù nhân lương tâm thì an ninh cũng đã ngồi ở bàn uống nước mía theo dõi.

Sau khi mọi người xong thì ra về. Trên đường ra về tôi đi xe máy đi trước, về đến dốc Gần Vồng, tôi rẽ về đường du lịch Tam Trúc để về nhà tôi cho gần. Đi được gần 500m có 4 thanh niên phóng xe đuổi theo. Tôi vừa dừng xe là họ ép xe đánh luôn. Người ta dùng mũ cối đấm đá vào mặt, vào người tôi liên tiếp. Đầu sưng, ngực cũng sưng, sáng nay tôi đi chứng thực thì rẽ xương sườn gãy làm đôi".

Vẫn theo ông Trương Minh Hưởng, sau khi bị hành hung, ông có gọi điện thoại cho nhóm hoạt động từ Hà Nội thì xe của nhóm đã vòng về để đưa ông về nhà an toàn.

Theo thông tin đăng tải trên Facebook nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, nhóm các nhà hoạt động tại Hà Nội vào sáng ngày 16/6 đã đến trại giam Nam Hà, trực thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an huyện Kim bảng, tỉnh Hà Nam, để thăm gặp gia đình 7 tù nhân lương tâm đang bị giam tại đây gồm ông Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh, Hồ Đức Hoà, Vũ Quang Thuận, Phạm Văn Trội, Nguyễn Viết Dũng.

Trong đó, có 4 người vừa bị kỷ luật là Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh. Nguyên nhân được cho là do 4 người ở các phòng khác nhau đã có dịp gặp gỡ nhau khi lao động lợp lại mái nhà, rồi bàn bạc viết đơn gửi Quốc Hội kiến nghị để người tù trại Ba Sao được gọi điện, viết thư, và được tiếp tế đồ ăn...

Published in Việt Nam

Dân số nhiều nước ở Châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Vấn đề đối với Việt Nam tuy nhiên lại là dân số già đi quá nhanh, trước khi đất nước trở nên giàu có. Trong bài phân tích mang tựa đề "Việt Nam đang già đi trước khi trở thành giầu có - Vietnam is getting old before it gets rich", tuần báo Anh The Economist số ra ngày 08/11/2018 đã nêu bật hệ quả của hiện tượng có thể gọi là "già trước khi giàu" này : Đó là gây thêm khó khăn cho việc chăm sóc số dân lớn tuổi.

dan1

Ảnh minh họa : Một cảnh ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Bài viết mở đầu bằng một đoạn tả cảnh một buổi sáng sớm ở các công viên Hà Nội, với những nhóm người cao tuổi thường xuyên đến tập thể dục, nhóm thì đi những bài quyền Thái Cực, nhóm thì tập nhảy theo điệu nhạc samba, nhóm khác thì đổ mồ hôi với những phương tiện tập luyện ngoài trời. Một cụ ông 83 tuổi cho biết là sáng nào ông cũng ra đây đi bộ vòng quanh hồ, bất kể trời mưa hay trời nắng.

Dân số Việt Nam tuy còn trẻ, nhưng tốc độ già hóa tăng nhanh

Đối với ký giả của The Economist, các công viên này sẽ còn tấp nập người già đến tập thể dục như vậy trong một hai thập niên tới đây. Lý do là vì cho dù dân số Việt Nam hiện chỉ có độ tuổi trung bình là 26, nhưng tốc độ già hóa lại đang diễn ra nhanh chóng.

Theo tuần báo Anh, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm khoảng 12% dân số Việt Nam, một tỷ lệ được dự báo sẽ tăng vọt lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến đà tăng vọt đó, một phần là vì tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76 tuổi hiện nay, nhờ thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, mức sống tăng cao cũng làm giảm tỷ lệ sinh đẻ trong cùng thời kỳ, từ khoảng 7 đứa trẻ trên một phụ nữ xuống còn hai đứa. Một trong những lý do của sự suy giảm nhanh chóng này là chính sách một con, được thực hiện tại Việt Nam vào những năm 1980, dù ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã làm giảm tỷ lệ sinh đẻ của Việt Nam.

Tại nhiều nước Châu Á khác, cơ cấu dân số cũng thay đổi theo chiều hướng tương tự, nhưng tại Việt Nam, thay đổi lại diễn ra vào lúc đất nước vẫn còn nghèo.

The Economist nêu bật một vài ví dụ : Khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua thực tế) của hai quốc gia này lần lượt là 32.585 đô la và 31.718 đô la. Ngay cả Trung Quốc cũng đạt mức 9.526 đô la. Còn Việt Nam, khi đạt tới đỉnh tương tự vào năm 2013, thu nhập trung bình chỉ vỏn vẹn 5.024 đô la.

Hai láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam là Indonesia và Philippines được dự kiến là sẽ đạt đỉnh dân số trong vài thập kỷ tới, với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Các khó khăn bắt nguồn từ tình trạng già trước khi giầu

Theo nhận định của tuần báo The Economist, thay đổi nhân khẩu học nói trên đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thứ nhất, liệu chính quyền Việt Nam có khả năng lo liệu cho hàng triệu người già hay không ?

Hiện nay, chỉ có những người rất nghèo và người trên 80 tuổi (tổng cộng chiếm khoảng 30% số người già ở Việt Nam) là được trợ cấp, với một khoản tiền tương đương vài đô la một tuần mà thôi.

Cuộc khảo sát gần đây nhất trên những người già, vào năm 2011, cho thấy là có đến 90% trong số những người này không có khoản tiết kiệm thực thụ nào, trong khi nợ nần là phổ biến. Việc trợ giúp người già vì thế trở nên tốn kém hơn bao giờ hết…

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn, nơi sinh sống của đa số người già. Nếu như trước đây những người trẻ sẽ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thì ngày nay họ có xu hướng rời bỏ làng quê để lên thành phố kiếm sống.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống một mình đang tăng lên đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Nhiều người vẫn phải làm việc cho đến khi chết. Việt Nam hiện có khoảng 40% nam giới ở nông thôn đang ở độ tuổi 75, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở khu vực thành thị. Để so sánh, ở Anh Quốc, tỷ lệ này chỉ là 3%. Thường thì những người này làm các công việc chân tay nặng nhọc như trồng lúa hoặc đánh bắt cá.

Cả chục triệu người già phải chăm sóc

Một khó khăn khác là vấn đề đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già, với bệnh Alzheimer, bệnh tim và các bệnh liên quan đến tuổi già đang ngày càng tăng lên.

Theo The Economist, có khoảng 1/3 số người già ngoài 60 tuổi ở Việt Nam không có bảo hiểm y tế, gây áp lực lớn về chi phí điều trị.

Nhiều bệnh viện tại các tỉnh vẫn chưa có khoa chuyên biệt dành cho người già. Các hãng bảo hiểm y tế không chính thức đã mọc lên để tìm cách trám vào lỗ hổng đó, nhưng chỉ cung cấp các dịch vụ thông thường. Chỉ có rất ít bác sĩ là được đào tạo hay trang bị để xử lý những ca nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam bắt đầu thực thi các chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đời sống cho người cao tuổi.

Năm 2017, Việt Nam đã nới lỏng chính sách một con. tháng 05/2018, chính quyền cho biết sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và 60 lên 62 tuổi đối với nam, đồng thời cải cách chế độ hưu để mở rộng ra cho nhiều người khác. Dự kiến trong năm tới, chính phủ sẽ cải tổ lại hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Cấu trúc kinh tế Việt Nam là trở ngại quan trọng

Tuy nhiên, theo The Economist, không một biện pháp nào có tác dụng thay đổi cấu trúc nền kinh tế – vốn là điều quan trọng trong cải cách.

Thông thường, khi giầu lên, các nước có xu hướng chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn, như dịch vụ. Nếu tính theo thước đo đó, Việt Nam đang tụt hậu so với các láng giềng.

Vào năm 2013, khi dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chiếm tới 18% nền kinh tế. Trong cùng một tình huống, ở Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP. Đáng ngại hơn nữa, sản lượng của nông dân có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, khác với trường hợp của giới quản lý chẳng hạn.

Sự phụ thuộc quá mức vào nông nghiệp phần nào giải thích lý do tại sao có tới 3/4 số lao động Việt Nam làm những công việc mà năng suất giảm dần theo đà tăng của tuổi tác. Tại Malaysia, chỉ có khoảng 1/2 lực lượng lao động ở trong trường hợp này mà thôi.

Đối với The Economist, thúc đẩy cho năng suất gia tăng tại Việt Nam sẽ là một vấn đề khó khăn vì chính quyền vẫn gắn bó với chủ nghĩa nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đại học đều phải lãng phí ít nhất một năm để học lý luận Mác – Lenin.

Dân số nhiều nước ở Châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Nhưng tại Việt Nam, già đi trước khi trở thành giàu có lại đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Mai Vân

Published in Việt Nam
samedi, 10 novembre 2018 21:09

Việt Nam đang già đi trước khi giàu

Điều này khiến việc chăm sóc cho người già ngày càng khó khăn.

Khi bình minh vừa ló dạng ở Hà Nội, các khu vực vườn hoa bắt đầu đông đúc. Hàng trăm người già đến đây mỗi buổi sáng để tập thể dục trước khi thời tiết nóng bứckhiến việc tập thể dục trở nên khó khăn. Nhóm những người đam mê tập thể dục ngày càng đông đúc. Những người phụ nữ cao tuổi đang tập tài chi trong một góc sân. Dưới bóng mát của một cái cây cao, hàng chục vũ công khiêu vũ đang đung đưa theo điệu nhạc samba. Những người khác đang đổ mồ hôi trên máy tập thể dục ngoài trời. Ông Thọ, 83 tuổi với bộ ria mép trắng gọn gàng, nói rằng ông đi bộ quanh bờ hồ mỗi ngày, dù trời mưa hay nắng.

giau1

Trong vài thập niên tới những khu vườn này sẽ trở nên tấp nập và trật trội hơn. Độ tuổi trung bình của Việt Nam là 26. Nhưng Việt Nam đang già đi rất nhanh. Những người trên 60 tuổi chiếm 12% dân số, được dự báo sẽ tăng lên 21% vào năm 2040, một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới (xem biểu đồ). Một phần là vì tuổi thọ đã tăng từ 60 tuổi trong năm 1970 lên 76 tuổi vào thời điểm hiện nay, nhờ thu nhập tăng. Sự phát triển đang tăng cũng đã giúp Việt Nam giảm tỷ lệ sinh trong cùng khoảng thời gian, từ khoảng 7 trẻ em xuống dưới 2 trẻ em với một phụ nữ. Vào những năm 1980, Đảng Cộng sản bắt đầu thực thi chính sách một con. Mặc dù ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc, đảng cầm quyền đã đẩy nhanh việc giảm dân số.

giau2

Nhân khẩu học (thống kê dân số) đang thay đổi theo những cách tương tự ở nhiều nước châu Á. Nhưng ở Việt Nam, nó đang xảy ra trong khi đất nước vẫn còn nghèo. Khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tăng lên cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, GDP bình quân đầu người (điều chỉnh theo sức mua thực tế) đạt ở mức 32.585 đô la ở Hàn Quốc và 31.718 đô laở Nhật Bản. Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng đã đạt được 9.526 đô la. Ở Việt Nam, mức thu nhập trung bình tương tự vào năm 2013 chỉ là 5,024 đô la. Indonesia và Philippines dự kiến ​​sẽ đạt được bước ngoặt trong vài thập kỷ tới, với mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam.

Sự thay đổi này mang đến nhiều phiền toái và thách thức cho Việt Nam. Trước tiên, liệu nhà cầm quyền cộng sản có khả năng hỗ trợ hàng triệu người Việt Nam khi họ già đi ? Chỉ có những người cực kỳ nghèo và những người trên 80 tuổi (khoảng 30% tổngsố người cao tuổi) được hưởng lương hưu nhà nướclàkhoảng vài đô la cho một tuần. Cuộc khảo sát gần đây nhất trên những người cao tuổi vào năm 2011 cho thấy rằng 90% người già Việt Nam không có tiền tiết kiệm đáng kể. Nợ nần là phổ biến. Hỗ trợ 90% người già sẽ trở nên tốn kém hơn bao giờ hết. IMF dự đoán rằng chi phí hưu trí ở mức hiện tại, có thể làm tăng chi tiêu của chính phủ lên khoảng 8 điểm phần trăm GDP vào năm 2050. Đây là tỉ lệ tăng nhanh nhất trong tổng số 12 quốc gia châu Á khác mà IMF đã đánh giá.

Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn ở nông thôn, nơi mà hầu hết là người già. Trước đây người trẻ thường chăm sóc cho Cha Mẹ khi về già. Giờ đây, họ có xu hướng bỏ cuộc sống làng quê để kiếm sống trong các thành phố. Khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống một mình đang tăng lên, đặc biệt là ở các làng quê. Nhiều người làm việc cho đến khi họ chết. Khoảng 40% nam giới nông thôn vẫn đang ở độ tuổi 75, gấp đôi tỷ lệ cư dân thành thị. Ở Anh Quốc con số này là 3%. Thường thì họ làm các công việc chân tay nặng nhọc, chẳng hạn như trồng lúa hoặc đánh cá.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn hàng triệu người già lại là một vấn đề đáng lo ngại khác. Bệnh Alzheimer, bệnh tim và các bệnh liên quan đến tuổi già đang tăng lên. Một cụ lão 78 tuổi trong một chiếc áo phông thể thao màu trắng, nói rằng ông có đơn thuốc của bác sĩ cho bệnh tim của mình và tham gia một nhóm tập thể dục. Khoảng 1/3 những người trên 60 tuổi ở Việt Nam không có bảo hiểm y tếvốn rất tốn kém. Nhiều bệnh viện ở cáctỉnh vẫn chưa có khoa riêng dành cho người già. Các nhóm bảo hiểm y tế tạmthời đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cần thiết. Với một khoản phí, các thành viên được tham gia các lớp tập thể dục và kiểm tra sức khỏe miễn phí. Nhưng ít bác sĩ được đào tạo hoặc được trang bị đủ dụng cụ để điều trị những căn bệnh nghiêm trọng hơn.

Chính quyền cộng sản đang bắt đầu thực hiện các chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện việc chăm sóc cho người cao tuổi. Năm ngoái, chính quyền nới lỏng chính sách một con. Vào tháng 5, chính quyền cho biết sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nam và từ 60 lên 62 đối với phụ nữ, và cải cách chương trình lương hưu để cung cấp bảo hiểm toàn diện hơn. Năm tới, chính quyền có kế hoạch cải tạo hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, sẽ không cósự thay đổi nào với cấu trúc của nền kinh tế. Thông thường, khi các quốc gia leo bậc thang thu nhập, họ chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành có năng suất caohơn, như dịch vụ. Bằng thước đo này, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng. Khi dân số trong độ tuổi lao động đạt mức cao nhất vào năm 2013, nông nghiệp chiếm 18% nền kinh tế. Cùng năm 2013 ở Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP.Đáng ngại hơn, sản lượng của nông dân có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, không giống như của các nhà quản lý. Sự phụ thuộc quá mức vào nông nghiệp phần nào giải thích tại sao 3/4 (75%) lao động Việt Nam làm trong những công việc mà họ ngày càng kém hiệu quả khi họ già đi. Ở Malaysia, tỷ lệ này chỉ khoảng 1/2 (50%) lực lượng lao động.

Tăng năng suất sẽ vô cùng khó thực hiện. Bởi chính phủ vẫn còn gắn bó với chủ nghĩa xã hội nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó hầu hết sinh viên đại học lãng phí ít nhất một năm để học thuyết Mác và Lenin. Các nước châu Á đang già đi nhanh chóng. Nhưng già đi trước khi trở nên thịnh vượng khiến cho các vấn đề của Việt Nam ngày càng lớn hơn.

The Economist

Mai V. Phạm chuyển ngữ

Nguồn : Vietnam is getting old before it gets rich, The Economist, 08/11/2018

Published in Diễn đàn