Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/06/2019

Dân số Việt Nam, Quỹ bảo trợ trẻ em, bị đánh khi thăm bạn tù

Tổng hợp

Dân số Việt Nam vượt qua con số 97 triệu người (Người Việt, 17/06/2019)

Dân số Việt Nam vào ngày 17/6/2019 là 97.394.103 người, theo thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc được công bố lại tại trang mạng danso.org/viet-nam.

quy1

Đất chật, người đông, xe cộ các loại cài vào nhau chạy trên dường phố Hà Nội, mọi người phải bịt mặt để chống khói bụi ô nhiễm. (Hình : Linh Pham/Getty Images)

Theo nguồn tin, dân số Việt Nam hiện chiếm 1,27% dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Việt Nam là 314 người/km2. Với tổng diện tích đất là 310.060 km2 có 35,92% dân số sống ở thành thị (34.658.961 người vào năm 2018).

Dự báo có từ hồi Tháng Giêng nói trong năm 2019, dân số của Việt Nam sẽ tăng 937.915 người và tổng số dân sẽ là 97.894.859 người vào đầu năm 2020. Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là dương, vì số lượng sinh sẽ nhiều hơn số người chết đến 982.307 người.

Nếu tình trạng di cư vẫn ở mức độ như năm trước, dân số sẽ giảm - 44.392 người. Điều đó có nghĩa là số người chuyển đến Việt Nam để định cư sẽ ít hơn so với số người rời khỏi đất nước này để định cư ở một nước khác.

Theo ước tính của tổ chức danso.org dựa trên tài liệu Liên Hiệp Quốc, vẫn thấy nêu những ước lượng có từ đầu năm nói tỷ lệ thay đổi dân số hàng ngày của Việt Nam vào năm 2019 sẽ như sau :

4.251 trẻ em được sinh ra trung bình mỗi ngày.

1.560 người chết trung bình mỗi ngày.

122 người di cư trung bình mỗi ngày.

Dân số Việt Nam sẽ tăng trung bình 2.570 người mỗi ngày trong năm 2019.

Nhân khẩu Việt Nam 2018

Tính đến ngày 31/12/2018, dân số Việt Nam ước tính là 96.963.958 người, tăng 950.346 người so với dân số 96.019.879 người năm 2017. Năm 2018, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là dương vì số người sinh nhiều hơn số người chết đến 997.715 người.

Dưới đây là những số liệu chính về dân số ở Việt Nam trong năm 2018 :

1.558.577 trẻ được sinh ra

560.861 người chết

Gia tăng dân số tự nhiên : 997.715 người

Di cư : - 47.369 người

47.967.516 nam giới tính đến ngày 31/12/2018

48.996.442 nữ giới tính đến ngày 31/12/2018

Tuy nhiên, những con số mà tổ chức danso.org dựa vào thống kê và dự báo của Liên Hiệp Quốc đưa ra lại khác với các con số của Tổng Cục Dân Số và Kế Hoạch Hóa Gia Ðình của Việt Nam.

Tại hội nghị "Tổng kết công tác dân số năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019", tổ chức tại Hà Nội ngày 18/01/2019, Tổng Cục Dân Số đưa ra con số thống kê nói dân số Việt Nam năm 2018 là 94.670.000 người. Con số này ít hơn con số của Liên Hiệp Quốc tới gần 1.335.000 người.

Tương tự, tình trạng nạo phá thai tại Việt Nam mà cơ quan y tế hay Tổng cục Dân số Việt Nam đưa ra cũng khác xa với các con số của các tổ chức quốc tế.

Theo báo Infonet của Bộ Thông tin và truyền thông ngày 30/9/2017, tường thuật theo Vụ Chăm sóc Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000 đến 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức trong đó có hơn 50% là có thai ngoài ý muốn.

Đến ngày 26/9/2018, tờ báo Công Lý của Bộ Tư pháp lập lại rằng : "Hằng năm, theo báo cáo chính thức, vẫn có 250.000 đến 300.000 ca phá thai ở nước ta". Tin này được đưa ra nhân dịp "Hội nghị hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9)".

Trong khi đó, đài VTV ngày 27/9/2017, cho hay : "Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất Châu Á và thuộc một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất trên thế giới với 1.520.000 vụ, Trong đó 300.000 đến 400.000 vụ là từ các trẻ vị thành niên".

Khoảng hơn 20 năm trước, để chận đà gia tăng dân số quá nhanh, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khuyến khích phá thai và triệt sản. Hàng ngày, loa phóng thanh tại các phường khóm đọc tên từng phụ nữ đi đặt vòng xoắn tránh thai và tên đàn ông ở địa phương phải đi cắt ống dẫn tinh triệt sản, theo chỉ tiêu phải thi hành. (TN)

****************

Biển thủ cả Quỹ bảo trợ trẻ em ! (RFA, 17/06/2019)

Tham ô tiền quỹ bảo trợ trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam vào cuối tháng 5 hô hào phát động tháng 6 là "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019", kêu gọi các bộ, ban, ngành, các tổ chức và địa phương cùng chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cũng như phòng, chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em.

quy2

Thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội phát hiện cán bộ sai phạm nghiêm trọng công tác quản lý tài chính Quỹ bảo trợ trẻ Quảng Bình. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn

Trong khi dư luận và những người quan tâm đến trẻ em tại Việt Nam trông đợi xem Chính phủ và các cơ quan, ban ngành bảo vệ trẻ em có những hành động thiết thực nào cho trẻ em, đặc biệt trong vấn đề giải quyết những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở mức báo động xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua ; thật là trớ trêu, họ lại nhận được thông tin rất tiêu cực liên quan vụ việc các cán bộ quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình bị phát hiện biển thủ số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Truyền thông trong nước vào ngày 11 tháng 6 đồng loạt đăng tải thông tin Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một số cán bộ bao gồm Giám đốc-ông Lê Quang Sỹ, Kế toán-bà Trần Thị Thủy và Thủ quỹ-bà Hoàng Thị Hường của Quỹ bảo trợ trẻ em bị phát hiện có nhiều sai phạm qua việc làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và tiền Quỹ hỗ trợ trẻ em. Bên cạnh đó, tin cũng cho biết còn nhiều cá nhân khác cũng liên quan đến vụ việc tham ô này.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vào tối ngày 17 tháng 6 chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên trước thông tin vừa nêu :

"Thông tin này thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện bển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật ở chỗ này chỗ kia…Mặc dù không ngạc nhiên nhưng tôi cũng vẫn rất là buồn và rất là tiếc vì chuyện đấy đã xảy ra".

Báo điện tử Đài Tiếng Nói Việt Nam (vov.vn), hồi ngày 11 tháng 6 dẫn lời của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Trường Sơn với nhấn mạnh rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm mặc dù các cán bộ bị Thanh tra phát hiện sai phạm đã trả lại số tiền biển thủ vào tài khoản của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, nhưng Sở đã báo cáo và đang chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo để chuyển hồ sơ điều tra qua công an. Giám đốc Sở Nguyễn Trường Sơn được vov.vn trích lời rằng cán bộ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm, dù đương chức hay về hưu như trường hợp của ông Lê Quang Sỹ, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã nghỉ hưu từ đầu tháng 9 năm 2018 vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có hành vi phạm tội.

Luật gia Nguyễn Trang Nhung, một người quan tâm và tích cực kêu gọi bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục cho RFA biết các cán bộ tham ô Quỹ bảo vệ trẻ em ở Quảng Bình có thể bị khởi tố hình sự theo pháp luật hiện hành :

"Hành vi của những người quản lý tài sản ở đây thì có thể bị ghép vào tội tham ô tài sản. Theo Bộ Luật hình sự 2015, hiện có hiệu lực thi hành thì tội tham ô tài sản được xem là tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội từ lớn đến đặc biệt lớn và hình phạt cho tội này ít nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy vào giá trị tài sản mà mỗi người chiếm đoạt được cũng như một số tình tiết khác. Tôi lấy ví dụ như chiếm đoạt 2 triệu đồng thôi thì có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù, còn chiếm đoạt từ 100 đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đó là chưa kể các tình tiết chẳng hạn như nếu phạm tội có tổ chức thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù".

quy3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019"., diễn ra vào ngày 25/05/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình unicef.org

Tác hại

Vào ngày 06/01/2019, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức họp hội đồng bảo trợ báo cáo kết quả hoạt động từ tháng 10/2016 đến năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, với vai trò chủ trì phiên họp, phát biểu rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch và nhiệm vụ được giao trong hai năm 2017 và 2018. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nói rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam càng phát huy vai trò và nâng cao uy tín trong cộng đồng, số nhà tài trợ đến với Quỹ ngày càng tăng và trong năm 2019 cố gắng huy động 110 tỷ đồng để chăm lo cho 110 ngàn trẻ em, do đó cần tích cực vận động có thêm nhiều người ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thông tin vụ việc các cán bộ quản lý tài chính Quỹ bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Bình tham ô số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng, Luật gia Nguyễn Trang Nhung nhận định sẽ gây tác hại rất lớn đối với lòng tin của công chúng :

"Với số tiền bị tham ô trong trường hợp này là hơn 1 tỷ so với hơn 100 tỷ mà người ta dự kiến vận động được thì rõ ràng là một con số đáng kể và đây chỉ là một trường hợp thôi. Và nếu có nhiều trường hợp giống như thế nữa thì số tiền tham ô trên cả nước sẽ là rất lớn. Do đó, rất nhiều trẻ em ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta biết là Quỹ bảo trợ trẻ em ra đời với chức năng nhằm bảo trợ cho trẻ em, nhất là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và số tiền bị tham ô như vậy thì có thể làm mất đi niềm tin đối với xã hội và vô hình trung sẽ làm cho khả năng vận động của Quỹ này sẽ kém đi khi không còn nhiều người tin vào Quỹ này nữa. Vì thế, trẻ em sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn".

Tại Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em năm 2019" diễn ra vào ngày 25 tháng 5, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, nhấn mạnh trong bài phát biểu của bà về tầm quan trọng trong việc đầu tư vào phát triển trẻ thơ toàn diện rằng "đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao để các em có thể đóng góp cho đất nước".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số những người quan tâm đến tương lai mầm non của đất nước đánh giá cao những chính sách được chú trọng nhiều hơn dành cho trẻ em của Chính phủ Việt Nam trong vai năm trở lại đây, thế nhưng họ cũng bày tỏ quan ngại về hiệu quả của các chính sách đó không thực sự mang lại kêt quả tốt, điển hình không chỉ qua vụ việc tham ô mới xảy ra ở Quảng Bình mà có có những vụ việc khác gây phẫn nộ trong dư luận như ba cán bộ Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh, ở Gia Lai tham nhũng số tiền gần 6 tỷ đồng ngân sách từ năm 2013 đến năm 2017, trong đó lập chứng từ khống chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng tiền ăn của học sinh mẫu giáo bán trú hay như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tại một phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, đã phát biểu rằng "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì" khi chính bà là người tận tai nghe được những báo cáo sai phạm như trường hợp tiền dành cho chăm sóc y tế của trẻ em dân tộc thiểu số bị biển thủ hàng tỷ đồng…

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng khẳng định với RFA rằng bà vẫn còn niềm tin các vụ việc như thế sẽ được pháp luật nghiêm trị :

"Những vụ việc như vậy thì lâu lâu cũng xảy ra và chắc chắn những người đấy sẽ phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật vì những việc làm sai phạm như vậy không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, Đài RFA cũng ghi nhận ý kiến của một số độc giả chia sẻ trên trang fanpage của các báo chính thống trong nước cho rằng vụ việc mới nhất liên quan cán bộ tham ô Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình cần phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thủ trưởng của các bộ, ngành, cùng lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Đảng khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan do họ quản lý.

******************

Một nhà hoạt động bị hành hung sau khi đến Trại Nam Hà (RFA, 17/06/2019)

Một nhà hoạt động vừa bị hành hung khi đến thăm những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Trại giam Nam Hà hôm 16 tháng 6.

quy4

Ông Trương Minh Hưởng kể về chuyện bị an ninh đánh trên FB cá nhân. Ảnh chụp livestream FB Trương Minh Hưởng

Ông Trương Minh Hưởng, 70 tuổi, một dân oan Hà Nam thường xuyên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, cho biết bị công an tỉnh Hà Nam đánh gãy rẻ xương sườn số 10 sau khi ông đến thăm 7 tù nhân lương tâm ở trại giam Nam Hà. Ông Hưởng đăng tải trên Feacebook cá nhân sau khi đi chụp x-quang ở bệnh viện về.

Xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 17/6, ông Trương Minh Hưởng cho biết :

"Tôi bị an ninh tỉnh Hà Nam đánh lúc 1 giờ ngày 16. Sau khi tôi được biết tất cả anh em có quan tâm đến những người tù nhân lương tâm để đồng hành cùng gia đình tù nhân lương tâm để thăm gặp và động viên, thì sáng hôm qua tôi có ra đồng hành cùng mọi người. Sau khi gia đình người ta thăm gặp xong, chúng tôi cũng có một bữa cơm đạm bạc để thể hiện tình cảm, chia sẻ các câu chuyện về tù nhân lương tâm thì an ninh cũng đã ngồi ở bàn uống nước mía theo dõi.

Sau khi mọi người xong thì ra về. Trên đường ra về tôi đi xe máy đi trước, về đến dốc Gần Vồng, tôi rẽ về đường du lịch Tam Trúc để về nhà tôi cho gần. Đi được gần 500m có 4 thanh niên phóng xe đuổi theo. Tôi vừa dừng xe là họ ép xe đánh luôn. Người ta dùng mũ cối đấm đá vào mặt, vào người tôi liên tiếp. Đầu sưng, ngực cũng sưng, sáng nay tôi đi chứng thực thì rẽ xương sườn gãy làm đôi".

Vẫn theo ông Trương Minh Hưởng, sau khi bị hành hung, ông có gọi điện thoại cho nhóm hoạt động từ Hà Nội thì xe của nhóm đã vòng về để đưa ông về nhà an toàn.

Theo thông tin đăng tải trên Facebook nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, nhóm các nhà hoạt động tại Hà Nội vào sáng ngày 16/6 đã đến trại giam Nam Hà, trực thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an huyện Kim bảng, tỉnh Hà Nam, để thăm gặp gia đình 7 tù nhân lương tâm đang bị giam tại đây gồm ông Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh, Hồ Đức Hoà, Vũ Quang Thuận, Phạm Văn Trội, Nguyễn Viết Dũng.

Trong đó, có 4 người vừa bị kỷ luật là Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh. Nguyên nhân được cho là do 4 người ở các phòng khác nhau đã có dịp gặp gỡ nhau khi lao động lợp lại mái nhà, rồi bàn bạc viết đơn gửi Quốc Hội kiến nghị để người tù trại Ba Sao được gọi điện, viết thư, và được tiếp tế đồ ăn...

Quay lại trang chủ
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)