Giới quan sát, cả lề phải và lề trái của Việt Nam, bày tỏ quan tâm, đưa ra bình luận sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng có bài viết ngày 17/6 về truyền thông xã hội.
Ông Võ Văn Thưởng nói báo chí "phải là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm"
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhận định : "Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp".
Nhà báo Nguyễn Văn Minh của tờ Quân đội Nhân dân nhận xét trên Facebook cá nhân rằng ông Võ Văn Thưởng "chính thức cảnh báo nguy cơ từ mặt trái của truyền thông mạng xã hội đối với sự ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam".
'Đối diện với sự thật'
Hôm 17/6, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC :
"Theo tôi, bài báo của ông Võ Văn Thưởng về tin giả và tác hại của nó không sai, nhưng phải phân biệt việc xử phạt tin giả và bịt miệng sự thật".
"Ở các nước đã có chế tài đối với tin giả. Nhưng trong bối cảnh ở Việt Nam với sự tuyên truyền một chiều và bưng bít sự thật, những ai dám nói sự thật đều bị phạt, bị đàn áp, bị bỏ tù. Đó là vi phạm hiến pháp Việt Nam cũng như tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và không còn tự do phát ngôn, thông tin".
"Tôi còn nhớ rằng ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố đối thoại với những trí thức bất đồng, nhưng sau đó không thấy ông làm việc này ? Điều đó cho thấy nhà cầm quyền không dám đối diện với sự thật".
'Tích cực triển khai Luật An ninh mạng'
Cũng trong hôm 17/6, nhà quan sát Lê Trọng Vũ nói với BBC từ Đà Nẵng :
"Mở đầu bài xã luận, ông Thưởng dẫn chứng cuộc biểu tình mang tên "Phong trào Áo Vàng" trong thời gian vừa qua ở Pháp. Ông cho rằng phong trào lan nhanh bởi những lời kêu gọi phát tán trên mạng xã hội đã thổi bùng cơn giận dữ, vượt xa mục tiêu ban đầu là kích động biểu tình để phản đối chính sách, trở thành bạo loạn".
"Bằng lối áp đặt thường thấy của giới Tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng quy chụp mạng xã hội chính là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn ở các xã hội tự do, từ phong trào áo vàng đến phong trào chiếm phố Wall ở Mỹ, từ biểu tình ở Bắc Phi đến cuộc xuống đường ở Trung Đông".
"Tiếp đó, ông ca ngợi sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam sau hơn 30 năm đất nước mở cửa. Nhờ công của Đảng, Việt Nam giữ được sự ổn định liên tục và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách, là điểm hẹn của khát vọng hòa bình thế giới".
"Rồi thì ông bắt đầu tấn công những KOLs, cho rằng những người nổi tiếng trên mạng xã hội là có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ.".
"Ở đoạn kết, ông đưa ra nhiều nhóm giải pháp để kiểm soát mạng xã hội. Từ tích cực triển khai Luật An ninh mạng chế tài thật nặng đến nhấn mạnh vai trò của báo chí để định hướng dư luận".
"Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt và thế giới đang biến đổi từng ngày, bài viết mang nặng tính giáo điều của ông trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho thấy những lo lắng về sự mất kiểm soát mạng xã hội của giới lãnh đạo Việt Nam".
"Bước ra khỏi bóng tối và hòa mình vào dòng chảy văn minh là cách tốt nhất để những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể đứng gần để lắng nghe dân".
"Làm được thế, những nhà lãnh đạo không chỉ xóa bỏ những dèm pha trên mạng xã hội mà còn là cách bảo vệ nền móng quyền lực của mình một cách vững chắc nhất", nhà quan sát Lê Trọng Vũ nói.
'Tiến hành đấu tranh'
Trong bài viết dài, ông Võ Văn Thưởng đặt ra các giải pháp cho Đảng và Chính phủ, có thể tóm tắt :
Xác định rõ, đây là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh đối với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái.
Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội.
Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ.
Cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa.
Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.
Thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí.
Khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ.
Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOLs, influencers, người trẻ trong xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh.