Việt Nam chính thức thông qua luật cấm xuất cảnh với người nợ thuế (VOA, 18/06/2019)
Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua Luật quản lý thuế sửa đối với tỉ lệ tán thành 91,32%, trong đó có quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, theo báo Tuổi Trẻ.
Sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Theo luật mới này, người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài, người Việt xuất cảnh để đi định cư ở nước ngoài, người đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trước đó, theo tờ Lao Động, tại phiên thảo luận ngày 12/6 ở Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn của đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Quốc hội "xem xét kỹ lưỡng" quy định cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế, vì theo ông, trên thực tế nhiều người không biết mình nợ thuế, mà chỉ phát hiện ra khi làm thủ tục xuất cảnh, và đôi khi số tiền nợ thuế rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho người xuất cảnh.
Báo Tuổi Trẻ cho rằng những bất cập trên được cho là vì có sự khác nhau trong quy định về việc dừng xuất cảnh đối với người nợ thuế, và thẩm quyền đề nghị dừng xuất cảnh thuộc về cơ quan thuế. Tờ báo này cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng không nên giao thẩm quyền đề nghị cấm xuất cảnh cho cơ quan thuế vì "dễ phát sinh tiêu cực và bị lạm dụng, gây khó cho người dân", mà "nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh".
Trước khi biểu quyết thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết và thông qua một số quy định về xóa nợ thuế.
Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỉ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan có thẩm quyền quyết định xóa nợ thuế từ 5-10 tỉ đồng, Bộ trưởng Tài chính quyết định từ 10-15 tỉ đồng và mức nợ thuế trên 15 tỉ đồng sẽ do Thủ tướng chính phủ quyết định.
Việc xóa nợ thuể chỉ dành cho 4 trường hợp : được tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế ; cá nhân đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm tài sản thừa kế, để nộp thuế ; khoản nợ thuế đã quá 10 năm, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được ; và trường hợp bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, không có khả năng nộp thuế.
*****************
Dư luận hoài nghi về tác dụng của công điện phòng chống tham nhũng (VOA, 18/06/2019)
Thủ tướng Việt Nam hôm 17/6 gửi công điện tới các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành đề nghị tăng cường "phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ". Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ hoài nghi về tác dụng của bức công điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện đề nghị đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, 17/6/2019
Nội dung công điện được công bố trên trang web của Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức "lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ".
Những việc làm như vậy "gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội", công điện nhấn mạnh.
Văn bản chứa đựng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được gửi ra sau khi gần đây xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng "trong một số lĩnh vực như hải quan, thuế, quản lý thị trường…, và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương, bộ, ngành", một đoạn trong công điện cho hay.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc hôm 12/6, trong đó công an bắt quả tang và tạm giữ một nữ trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng cùng hai thanh tra viên khác vì nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.
Trong bối cảnh như vậy, biện pháp hàng đầu được thủ tướng Việt Nam đưa ra trong công điện là "thực hiện nghiêm túc" các nghị quyết, chỉ thị của đảng, chính phủ về phòng chống tham nhũng, và Luật Phòng chống Tham nhũng.
Một phần trong biện pháp này, theo công điện của thủ tướng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải "đi đầu" trong việc thực hiện các quy định về chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan của họ, những vị lãnh đạo đó "phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước", công điện nêu rõ.
Biện pháp có tầm quan trọng thứ nhì được thủ tướng đề nghị là "cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể" và có cơ chế "kiểm soát hiệu quả" đối với cán bộ, công chức khi thực thi các nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…
Ý kiến của người sử dụng mạng xã hội cho rằng hai biện pháp hàng đầu kể trên vừa không có gì mới mẻ, lại vừa không cụ thể, thiết thực.
Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, một cựu đại tá an ninh, có chung suy nghĩ. Ông bình luận thêm với VOA :
"Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo. Có khi cả chục năm rồi, tôi chưa thấy có người đứng đầu nào bị kỷ luật khi mà cấp dưới của họ mắc những sai phạm, thậm chí sai phạm cực kỳ nghiêm trọng".
Trong công điện của thủ tướng, biện pháp thứ ba được nêu ra là mọi cơ quan nhà nước "phải ứng dụng mạnh mẽ" công nghệ thông tin để "hạn chế tối đa" việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tướng cũng yêu cầu "triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến" tại các địa điểm nơi cán bộ, nhân viên nhà nước có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị này của thủ tướng được nhiều người đón nhận một cách tích cực. Các Facebooker được nhiều người biết đến như luật sư Ngô Ngọc Trai và nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu "hoan nghênh" và nhận xét rằng đó là một ý kiến "có giá trị" của thủ tướng, sẽ giúp "hạn chế nhũng nhiễu".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phong, từng giữ chức Tổng Biên tập báo PetroTimes và Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, cho rằng không nên quá kỳ vọng vì biện pháp lắp camera chỉ có "tác dụng hình thức một chút, răn đe một chút". Ông giải thích :
"Nhưng để ngăn chặn tham nhũng, hối lộ, ngăn những việc đi đêm móc ngoặc với nhau thì chả có tác dụng gì cả. Bởi vì chả ai đến chỗ công đường, đến các trụ sở như thế để ngồi bàn về chuyện chung chi và các chuyện làm ăn bất chính. Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì".
Đưa ra quan điểm về nạn tham nhũng trên bình diện rộng hơn, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nước khác vì cơ sở luật pháp của đất nước liên quan đến vấn đề này "không chặt chẽ", ngoài ra người Việt "duy tình" nên dễ "bóp méo" hay "vô hiệu hóa" các luật lệ, quy định.
Hồi cuối tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của ngành nội chính thuộc đảng cộng sản, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng chống tham nhũng là lĩnh vực "khó, phức tạp" vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, cụ thể hơn, đó là "lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo", theo tường thuật của báo chí trong nước.
Cũng cuối tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2018, cho thấy tình hình tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng xấu đi khi tụt 2 điểm và 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2017, đưa Việt Nam vào vị trí 117/180 nước.
****************
Sạt lở và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (RFA, 18/06/2019)
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.
6 căn nhà bị sạt lở ở Long An ngày 18/6. Nguồn : nhandan.com.vn
Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo trình bày tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/6.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện.
Tính từ năm 2010 đến nay, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó.
Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 30 – 45 ngày, từ 60km lên đến 90km vào năm 2016.
Nguyên nhân được cho biết là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi quy luật tự nhiên tại đây.
Cũng trong ngày 18/6, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sạt lở, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm nguyên nhân được đánh giá là do ảnh hưởng của dòng chảy mạnh làm cho đất bị xói mòn, tạo hàm ếch.
Hiện chính quyền địa phương đã di dời tài sản và người dân trong 6 ngôi nhà đến chỗ an toàn.
Vẫn liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 18/6 cũng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức ở Sài Gòn.
Hội nghị lần này thể hiện cam kết của Chính phủ Hà Nội đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 20% dân số cả nước và đóng góp 18% GDP nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong Hội nghị lần đầu diễn ra ở Cần Thơ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu sẽ tổ chức hội nghị ngày ít nhất 2 năm 1 lần để thảo luận về tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, chứ không phải chỉ đưa ra chủ trương mà không kiểm tra, giải quyết, không để ‘nước chảy lá môn’.
*****************
Việt Nam tiêu hủy lợn để chặn dịch tả Châu Phi (VOA, 18/06/2019)
Một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho Reuters biết Việt Nam đã tiêu hủy hơn 2,5 triệu con lợn để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi, có nguy cơ lây nhiễm khắp mọi tỉnh thành trên cả nước.
Một trại nuôi lợn ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thủy (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ) cho biết dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019 và đến nay đã lan rộng đến 58 tỉnh thành trong tổng số 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Một quan chức cấp cao khác của Cục Thú y nói rằng việc lây lan sang tất cả 63 tỉnh thành "chỉ là vấn đề thời gian".
Hồi tháng 3, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) khuyến nghị Việt Nam nên tuyên bố vụ bột phát dịch tả lợn Châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với Reuters, ông Long nói :
"Chúng tôi sẽ không công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì virus này vô hại đối với con người, và dịch bệnh này không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia".
Ông Can Văn Lực, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, cho biết dịch bệnh này chưa có tác động đáng kể đến nền kinh tế.
******************
Ô tô Việt đầu tiên lăn bánh, cạnh tranh với Ford và Toyota (VOA, 19/06/2019)
Những chiếc ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã lăn bánh hôm 17/6 khi Vinfast bàn giao hàng trăm chiếc xe cho khách hàng, với kỳ vọng những sản phẩm "Made in Vietnam" này sẽ có thể cạnh tranh với ô tô của Nhật và Mỹ.
Hàng trăm ô tô Fadil, dòng xe hơi đầu tiên của Vinfast xuất xưởng, chờ bàn giao cho khác hàng tại TP HCM hôm 17/6. (Ảnh Vinfast.vn)
Hôm 14/6, tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, "vỏn vẹn" sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện, theo truyền thông trong nước.
Có mặt tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi sự "thần tốc" trong việc xây dựng Nhà máy ô tô VinFast.
Người đứng đầu chính phủ nói việc này "cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới".
Ông Phúc so sánh tốc độ "thần kỳ" của VinFast với cuộc hành quân vĩ đại của đoàn quân Tây Sơn trong lịch sử, theo Thanh Niên. (Quân khởi nghĩa Tây Sơn của Hoàng đế Quang Trung đã có cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để đánh tan quân nhà Thanh năm 1789).
Theo Tri thức Trẻ, VinFast đã xác lập "kỳ tích mới" trong ngành công nghiệp ô tô thế giới với 21 tháng hoàn tất việc xây dựng hãng xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt.
VinFast muốn là công ty đầu tiên của Việt Nam thành công trong việc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Toyota và Honda của Nhật, và Ford của Mỹ tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô mới đang đối mặt với những thách thức trong văn hóa khát vọng của Việt Nam.
"Chất lượng sản phẩm là một mối quan tâm của người tiêu dùng", Trúc Phạm, một nhà phân tích cao cấp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với Bloomberg. "Người Việt Nam ưu tiên các thương hiệu nước ngoài cho các sản phẩm có giá trị cao. Sẽ mất nhiều năm để khách hàng chấp nhận một thương hiệu mới trong nước".
VinFast có kế hoạch sản xuất 250.000 xe trong giai đoạn đầu hoạt động, với sản lượng dự kiến tăng lên 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Năm ngoái, công ty cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu vào giữa năm 2020.
Công ty này cho biết họ đã nhận được 10.000 đơn đặt hàng trước một năm trước, theo Bloomberg. Người Việt Nam đã đặt mua 119.497 xe mới trong năm tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Tuy nhiên, những chiếc xe của VinFast không hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam. Theo Bloomberg, dòng xe Fadil sử dụng khung gầm của mẫu Karl Rocks của Tập đoàn PSA Group Opel. Chiếc sedan và SUV được xây dựng dựa trên các khung của BMW AG, được thiết kế bởi nhà thiết kế người Ý Pininfarina và có một số thành phần được thiết kế bởi nhà thiết kế Magna Steyr. Jim Deluca, cựu phó chủ tịch sản xuất toàn cầu của General Motors Co. được thuê làm giám đốc điều hành cho VinFast.
Khoảng 650 chiếc xe hơi dòng Fadil của VinFast được giao cho khách hàng hôm 17/6, theo Tuổi Trẻ. Mỗi chiếc xe này có giá khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài ô tô, tập đoàn Vingroup còn sản xuất điện thọa thông minh. Các điện thoại "made in Vietnam" VinSmart được tung ra thị trường từ tháng 12 năm ngoái. Theo Reuters, VinGroup sẽ không dừng lại ở điện thoại thông minh mà sẽ lần lượt cho ra mắt các sản phẩm thông minh khác.
Cuối năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã ký hợp đồng đưa giải đua Công thức 1 thế giới Grand Prix tới đường phố Hà Nội trong "nhiều năm". VinGroup là nhà tài trợ của hợp đồng giữa F1 và Việt Nam mà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc giải đua Công thức 1 thế giới Chase Carey tiết lộ hôm 7/11/2018.