Tại một kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng hôm 11/7, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết, tội phạm Trung Quốc trốn truy nã đang ‘đổ về’ Đà Nẵng khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trở nên phức tạp.
Đài truyền hình VTV trích lời thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng nói "Đà Nẵng nổi lên tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng. Đến cuối năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, công an xử lý 500 trường hợp".
"Qua phối hợp với Bộ Công an, Công an Thành phố đã xác lập chuyên án, bắt giữ 35 người thì có 20 người là đối tượng hình sự, trong đó có nhiều tội phạm Trung Quốc bị truy nã. Công an Thành phố đã tiến hành đẩy đuổi. Việc đẩy đuổi cũng rất tốn công sức của lực lượng công an từ việc áp giải, đưa ra biên giới…".
Những người dân Đà Nẵng nói với VOA rằng họ rất lo ngại về hiện tượng tội phạm Trung Quốc tìm nơi trú ẩn tại thành phố biển miền trung của Việt Nam.
Anh Hồ Xuân Thịnh, một cư dân thành phố, nói :
"Tôi là người dân sống ở đây, tôi thấy vấn đề này rất nghiêm trọng. Số lượng khách du lịch Trung Quốc tăng báo động trong thời gian gần đây. Từ vụ khách du lịch đốt tiền Việt trong quán bar, du khách Trung Quốc giựt túi của chị bán hàng rong, rồi một vụ giết người ở Ngũ Hành Sơn… Tôi rất lo ngại vì lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng rất lớn, người dân sống ở đây rất lo ngại".
Anh Sơn Thừa Khúc, một người dân Đà Nẵng, nói :
"Tội phạm từ nước ngoài chạy sang Việt Nam là phạm tội quốc tế, đương nhiên mức độ phạm tội rất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm rất cao… Khi họ đưa thông tin ra như thế thì chắc chắn vấn đề đã rất nghiêm trọng.
"Trước đây ở Đà Nẵng cũng đã xảy ra một số vụ, họ qua đây bằng con đường nào đó thì tôi không biết, nhưng đã vi phạm và gây án ở Đà Nẵng rất nhiều".
Anh Hồ Xuân Thịnh nói thêm :
"Chính quyền Đà Nẵng phải mạnh tay, phải quyết liệt thì mới răn đe họ được. Lượng khách Trung Quốc rất lớn như vậy thật sự đe dọa an ninh của thành phố. Chính quyền phải mạnh tay thì mới tạo niềm tin cho người dân được".
Hôm 9/6, Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết đã phối hợp với Bộ Công an trục xuất 35 người Trung Quốc hoạt động trái phép, tổ chức đánh bạc qua mạng, sau khi nhóm người này bị bắt giữ hôm 6/6 tại 6 địa điểm khác nhau ở Đà Nẵng.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin của Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết các đối tượng trên nằm trong một tổ chức tại Trung Quốc, nhận lệnh xây dựng đường dây hoạt động xuyên quốc gia để tổ chức đánh bạc qua mạng, nhằm tránh bị truy xét tại Trung Quốc.
Truyền thông Việt Nam cho biết trong năm 2018, có 763.331 lượt khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, chiếm 26,55% tổng số du khách.
********************
Lãnh đạo tiếp tục đòi quản lý thông tin trên mạng xã hội (RFA, 11/07/2019)
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IX sáng ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho rằng việc quản lý mạng xã hội hiện nay chưa được chặt chẽ.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu. Ảnh chụp ngày 28/6. Nguồn : hochiminhcity.gov.vn
Truyền thông trong nước trích nguyên văn phát biểu của bà Tô Thị Bích Châu là "Xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố".
Vì vậy, bà đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng.
Vẫn theo bà Châu, cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Trước phát biểu này, bạn Minh, người dùng mạng xã hội và quan tâm đến tình hình chính trị cho rằng :
"Chuyện đó bà nói thì nói vì thực sự lực lượng 47, lực lượng an ninh mạng, rồi lực lượng dư luận viên... rất nhiều, không chỉ ở trên mạng mà còn hợp ở từng phường để tuyên truyền, rải tờ đơn... nhưng tại sao phải lên trên báo nói những điều đó ? Chỉ vì một câu thôi : Người dân không tin".
Đây không phải lần đầu một lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Việt Nam kêu gọi kiểm soát chặt chẽ thông tin đăng tải trên mạng xã hội.
Trước đó, vào ngày 6/6, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói trước Quốc hội rằng Bộ Thông tin- Truyền thông sắp tới sẽ có yêu cầu cụ thể đối với các nhà mạng phải có các bộ lọc để xử lý thông tin trên mạng xã hội, mà ông gọi là ‘dọn rác.’
4 người dân ở Thanh Hóa bị xử phạt vì đăng bài chỉ trích lãnh đạo trên Facebook Courtesy of Zing, RFA edit
Tuy nhiên theo bạn Minh mọi biện pháp của phía cơ quan chức năng sẽ không hiệu quả :
"Căn bản Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền nhưng bị phản tác dụng với dân, nên tình trạng của Sài Gòn năm vừa rồi khi ra dự luật An ninh mạng người ta phản đối rất nhiều. Thêm nữa họ (chính phủ) lên mạng tung những bài báo nói là dung mạng xã hội lừa đảo, cắt cổ, những thông tin sai lệch thế này thế kia nhưng thực sự ra thì bây giờ là thời buổi 4.0, bất kỳ ai cũng có thể là nhà báo, quay phim chứ không chỉ riêng nhà báo được cấp giấy, đó là lý do vì sao mạng xã hội phát triển".
Vẫn theo bạn Minh, phần lớn người Việt ngày nay biết đến tin tức nhiều đều thông qua Facebook, từ người trẻ đến người cao tuổi đều xài để biết thông tin.
Thêm vào đó, những trình duyệt của Google, Facebook hay Youtube sẽ đề xuất người sử dụng những nội dung liên quan tới từ khóa được tìm kiếm trước đây hoặc theo xu hướng đang được quan tâm nhất. Vì vậy, mọi người sẽ được tiếp cận tin tức nhiều hơn, chứ không phải chỉ biết về nội dung được báo lề đảng đăng tải như bấy lâu nay.
Vì vậy, việc định hướng mà bà Tô Thị Bích Châu nhắc đến theo bạn Minh chỉ là định hướng để người dân không biết được thông tin mà chính phủ Hà Nội không muốn cho dân biết.
Nhận xét về mặt kỹ thuật, anh Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam lại cho rằng việc kiểm duyệt thông tin trên mạng bao giờ cũng là việc khó khăn, chưa hề dễ dàng. Anh giải thích :
"Anh nghĩ việc mọi người đăng ký tài khoản trên mạng xã hội không chính danh, có thể không lấy tên thật nên rất khó để biết. Đôi khi người ta đẩy thông tin rồi xóa, sau đó thông tin được người khác đưa lại. Anh nghĩ những vấn đề này thuộc về platform nền tảng, vì lượng thông tin quá nhiều nên nếu họ quyết tâm làm thì vẫn làm được, nhưng chi phí sẽ rất lớn".
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết pháp luật Việt Nam hiện có những chế tài đối với việc đưa thông tin sai lệch, nhằm đối phó với việc tin giả lan tràn đang phổ biến trên các mạng xã hội hiện nay :
"Tại Nghị định 174 của Chính phủ có thể phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa và lưu trữ sử dụng những thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Mức phạt này được áp dụng với cả tổ chức và cá nhân, với cá nhân thì mức phạt tiền một nửa so với tổ chức".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói tiếp trong quy định của Bộ luật hình sự cũng có điều riêng nói về làm nhục người khác, nghiêm trọng hơn tức là xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc đưa thông tin không có cơ sở, có tính chất vu khống, xuyên tạc. Nếu vi phạm thì có thể bị tội vu khống theo Điều 122 Bộ Luật hình sự.
Người loan truyền những thông tin biết rõ là bịa đặt nhưng muốn xúc phạm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác nếu bị tố cáo thì các cơ quan pháp luật có thể phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc bị tù từ 2 tháng đến 3 năm.
Vào ngày 1/1/2019, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật An Ninh Mạng, một luật được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là công cụ để chính phủ Hà Nội hạn chế quyền tự do của người dân trong việc bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.
Sau khi Luật An Ninh Mạng được triển khai, ngày càng nhiều người bị bắt với các cáo buộc theo những điều luật của Việt Nam bị các tổ chức quốc tế cho là ‘mơ hồ’, đi ngược lại những công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính phủ Việt Nam tham gia ký kết.
********************
Số lợn bị dịch tả lợn phải giết ở Việt Nam hơn 3,3 triệu con (RFA, 11/07/2019)
Hơn 3,3 triệu con heo/lợn tại Việt Nam phải tiêu hủy vì bị dịch tả lợn Châu Phi. Số địa phương báo cáo có dịch là 62/63 tỉnh thành ; hiện chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa có trường hợp nhiễm tả lợn Châu Phi, nhưng diễn biến của dịch bệnh nguy hiểm này được đánh giá vẫn chưa dừng lại.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thứ 55 có dịch tả lợn Châu Phi -Nguồn : Báo Mới
Đó là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi hôm 11/7.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn và khó ứng phó như dịch này và cũng chưa có dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc như dịch tả lợn Châu Phi.
Theo thống kê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại hội nghị, tính từ đầu tháng 2/2019 đến 8/7/2019, dịch đã xảy ra tại 5.500 xã, thuộc hơn 513 huyện của 62 tỉnh, thành.
Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng nói tại hội nghị rằng hiện nay chẳng còn giải pháp nào khác ngoài chăn nuôi heo hướng tới an toàn sinh học để ‘sống chung với dịch’.
Ngày 2/7 vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi đều đã có những bước đầu thành công. Tuy nhiên, tin cho hay để cho ra được vaccine thương thẩm từ kết quả ở phòng thí nghiệm là một quá trình dài.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam hôm 1/2/2019 tại tỉnh Hưng Yên, sau đó lây lan sang nhiều tỉnh thành khác.
Tổ chức Thú y Thế giới ghi nhận có 20 quốc gia phát hiện có dịch bệnh này. Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam được cho rằng bị lây lan từ các con heo bệnh ở Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
********************
Đơn khiếu nại tố cáo liên quan tranh chấp đất đai chiếm gần 96% (RFA, 11/07/2019)
Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam vào ngày 11 tháng 7 báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm ngoái cho đến cuối tháng 5 vừa qua với đoàn Giám sát của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.
Trụ sở ban tiếp công dân của Bộ Tài nguyên Môi trường tại Hà Nội. Screen Capture
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đại diện trình báo cáo theo đó nội dung đơn thư tập trung vào khiếu nại liên quan đất đai chiếm gần 96%.
Theo báo cáo, toàn bộ nội dung khiếu nại công dân trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường và hỗ trợ về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai.
Tình trạng người dân khiếu kiện với lý do họ bị cưỡng chế khỏi nhà và đất ở hay đất canh tác một cách trái pháp luật kéo dài suốt mấy chục năm qua.
Một số vụ gần nhất đến nay vẫn chưa thể giải quyết như Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng… khiến người dân tiếp tục khiến kiện đến các cơ quan trung ương của đảng và chính phủ tại Hà Nội.
******************
Tăng thuế nilong, bớt thải nhựa
Đại biểu Võ Văn Tân huyện Củ Chi tại buổi thảo luận cho rằng, thành phố Hồ Chí minh phát động hạn chế sử dụng túi nilong nhưng không có biện pháp kinh tế thì rất khó mang lại được hiệu quả.
Túi nilong đựng đồ đạc sau khi đi siêu thị. (Ảnh minh họa) - AFP
Do đó, ông Tân có đề xuất ngành sản xuất túi nilong thông thường mỗi kilogram phải đóng thuê 10% và bây giờ tăng lên 50%. Theo giải thích của ông Tân "ví dụ muốn mua món hàng có bỏ túi nilong thí phải trả thêm từ 1000-2000 thì người dân khi đi chợ mua chừng 5 món thì mất thêm khoảng 10.000 đồng tiền túi nilong, như thế thì chẳng ai lựa chọn xài túi nilong nữa".
Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, cho rằng đó cũng chỉ là biện pháp hạn chế thôi vì việc tăng như vậy không đáng là bao so với mức thu nhập trung bình của người dân, có thể đạt mức độ hiệu quả nào đó nhưng sẽ không cao. Tiến sĩ giải thích.
"Chuyện tăng tiền người ta không sợ gì chuyện đó vì nó không ảnh hưởng đến thu nhập cuộc sống người ta là bao nhiêu. Có thể có người sẽ thực hiện việc này tuy nhiên chắc chắn không mang lại hiệu quả cao được".
Anh Nguyễn Anh Thảo, chủ cửa hàng siêu thị bán rau củ quả "Tiệm Rau Của Ba" chuyên sử dụng lá chuối thay thế túi nilong để gói rau quả có nhận xét rằng, chủ trương đánh vào kinh tế như vậy sẽ đánh vào ý thức của người dân điều này hợp lý và anh ủng hộ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là trước mắt.
"Theo em đưa ra mức phí như vậy cũng chỉ là chế tài tạm thời thôi còn việc người dân thấy có ảnh hưởng tới họ thì chắc chắn sẽ có những người họ cân nhắc việc này nên xài nhiều hay ít nhưng về mặt thói quen thì em nghĩ chưa thể làm người ta hoàn toàn không xài nilong nữa được vì tăng vài ngàn thì người vẫn có thể xài bình thường vì sự tiện dụng của nilong đã làm người ta quá quen rồi".
Đồng ý với ý kiến này, chị Cherry Châu một người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh nêu ra thói quen lâu nay của người dân :
"Hồi xưa khi tụi mình đi chợ khoảng năm 1990 – 2000 thì thường đi chợ ai cũng cầm theo cái giỏ nhựa thì thường mua xong người ta sẽ bỏ vào giỏ nhựa đó nhưng càng về sau nó không còn được tận dụng nữa vì túi nilong quá trời rồi nên ai cũng xách túi về, trong túi to còn túi nhỏ hơn rồi tùm lum túi hết, số lượng túi cho một chuyến đi chợ khoảng 250k/ngày thôi thì sẽ được cầm về rất rất nhiều túi nilong to nhỏ khác nhau".
Chị Ngọc, chuyên viên về truyền thông giải trí tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng túi nylon chưa thể giải quyết tận gốc của vấn đề :
"Vì thật sự không giải quyết được tận gốc của vấn đề vì thói quen của người dân không còn giải pháp nào để đựng khác cả chứ không phải vấn đề túi nilong mắc hay rẻ. bởi vì khi đi chợ tại Việt Nam thì người trả tiền túi nilong là người bán hàng chứ không phải là người mua. Bản thân người mua họ cũng không biết và cũng không quan tâm giá của túi nilong, ví dụ mỗi khi ra tiệm tạp hóa người ta cũng cho túi nilong miễn phí thì nó có tăng bao nhiều thì làm sao mà em để ý được. Cho nên em thấy nó không đi vào tận gốc của vấn đề".
Đồng ý với điều này, giáo sư tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho hay :
"Mấy việc đó không phải một ngày hai ngày có thể giải quyết được cần phải có thời gian, vì túi nilong nó rất là tiện lợi và nó trở thành một thói quen rồi nên giờ thay đổi là điều không dễ dàng".
"Giáo dục" thay đổi "thói quen"
Các bạn sinh viên trẻ đang sử dụng loại túi vải sau một buổi ngoại khóa. (Ảnh minh họa) AFP
Từ trước đến nay, mặc dù chính quyền và các ban ngành của thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác cũng đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và xử lý tình trạng sử dụng nilong và rác thải nhựa nhưng việc giải quyết vẫn không triệt để. Ngoài đường phố, khắp các ngõ hẻm mọi nơi vẫn tràn lan túi nylon thải bỏ ra.
Cũng tại buổi thảo luận ngày 11/7, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, tình trạng tồn tại mãi đến nay là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả cũng như thói quen xả rác bừa bãi đã ăn vào máu nhiều người dân. Do đó, ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp mạnh hơn để chấm dứt tình trạng này.
Một số người dân có ý kiến cho rằng giải pháp tốt nhất là đưa vào chương trình giáo dục ngay từ nhỏ. Anh Nguyễn Anh Thảo ý kiến.
"Nếu có những biện pháp chính sách giáo dục tốt, giáo dục con trẻ từ nhỏ phải hạn chế cái này cái kia hoặc có thể đưa ra hướng bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa thì em nghĩ nó sẽ hay hơn và từ gốc hơn rất là nhiều. Cái tác động lớn nhất là giáo dục, điểm yêu của người Việt Nam mình là giáo dục chưa thể định hướng, vẫn có chương trình nhưng chưa thật sự một cách quyết liệt để trẻ em hay thế hệ trẻ có thể nhận biết ngay từ nhỏ".
Hoàn toàn đồng ý với điều này, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ khẳng định.
"Mình đưa vào giáo dục từ bậc nhỏ nhất đến cao hơn, khi trẻ em được học ở trường thì sẽ về tuyên truyền cho cha mẹ, ông bà để biết việc đấy. Trẻ em sẽ dễ làm thay đổi nhận thức của người lớn nên tôi nghĩ hướng đi này là đúng hơn".
Biện pháp đưa vào giáo dục tương đối đúng nhưng cách triển khai thì hoàn toàn khó, như lời nhận định của chị Cherry Châu.
"Vì mình cứ thử hình dung số lượng trường có thể mở ra câu chuyện mà tiếp thu một cách năng động, kiến thức năng động như vậy thì đa số ở những thành phố lớn mà tập trung cũng chỉ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mà thôi, số lượng trường học phải là trường quốc tế, của những môi trường đầu tư khác cho phép mở rộng kiến thức cho trẻ em Việt Nam thì người ta đưa thông tin đó vô thì mình nghĩ hợp lý nhưng số lượng trường đó đối với cả dân số Việt Nam, số lượng trẻ em tại Việt Nam thì nó cũng chẳng là bao nhiêu".
Rác thải nhựa không phải là vấn nạn tại Việt Nam mà cả thế giới. Nhiều tổ chức đã lên tiếng và có những chiến dịch dọn rác thải nhựa. Việt Nam cũng lên tiếng nhưng các biện pháp quyết liệt vẫn chưa có.
*******************
Hà Nội khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (RFA, 10/07/2019)
Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, để điều tra về những sai phạm trong các dự án xây dựng và hành vi "lừa dối khách hàng".
Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Nguồn : Nhadautu.vn
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào ngày 10/7.
Tin cho biết, Tập đoàn Mường Thanh có nhiều dự án được nêu trong 12 kết luận thanh tra báo cáo kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng mà UBND thành phố Hà Nội gửi Hội đồng nhân dân thủ đô.
Cụ thể nhiều dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh vướng vào 2 sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng – phá vỡ quy hoạch được duyệt ; và sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm các dự án.
Những sai phạm vừa nêu diễn ra trong thời gian gần đây, hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Vì vậy, hàng ngàn người mua căn hộ tại các dự án có sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh đến nay vẫn không được cấp sổ đỏ do phía Tập đoàn chưa khắc phục các sai phạm.
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản được Công an Hà Nội chuyển đến Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê duyệt vào ngày 5/7.
3 ngày sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt quyết định này.
Đến sáng ngày 10/7, cơ quan tố tụng đã khám xét nhà riêng của ông Lê Thanh Thản để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ Online vào chiều cùng ngày, ông Lê Thanh Thản cho biết đang ở Phú Quốc và chưa nhận được quyết định khởi tố bị can.
"Tội lừa dối khách hàng" được quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 1985 và Điều 162 Bộ luật hình sự 1999, còn hiện nay là Điều 198 Bộ luật hình sự 2015.
Cũng tin liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lê Văn Quang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Thăng Long Group ; ông Phạm Ngọc Tuân, cựu Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền Thương mại Thăng Long cùng 6 người khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là vụ kinh doanh đa cấp mà có 36.000 người được nói bị lừa.
Việt Nam chính thức thông qua luật cấm xuất cảnh với người nợ thuế (VOA, 18/06/2019)
Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua Luật quản lý thuế sửa đối với tỉ lệ tán thành 91,32%, trong đó có quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, theo báo Tuổi Trẻ.
Sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Theo luật mới này, người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài, người Việt xuất cảnh để đi định cư ở nước ngoài, người đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trước đó, theo tờ Lao Động, tại phiên thảo luận ngày 12/6 ở Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn của đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Quốc hội "xem xét kỹ lưỡng" quy định cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế, vì theo ông, trên thực tế nhiều người không biết mình nợ thuế, mà chỉ phát hiện ra khi làm thủ tục xuất cảnh, và đôi khi số tiền nợ thuế rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho người xuất cảnh.
Báo Tuổi Trẻ cho rằng những bất cập trên được cho là vì có sự khác nhau trong quy định về việc dừng xuất cảnh đối với người nợ thuế, và thẩm quyền đề nghị dừng xuất cảnh thuộc về cơ quan thuế. Tờ báo này cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng không nên giao thẩm quyền đề nghị cấm xuất cảnh cho cơ quan thuế vì "dễ phát sinh tiêu cực và bị lạm dụng, gây khó cho người dân", mà "nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh".
Trước khi biểu quyết thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết và thông qua một số quy định về xóa nợ thuế.
Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỉ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan có thẩm quyền quyết định xóa nợ thuế từ 5-10 tỉ đồng, Bộ trưởng Tài chính quyết định từ 10-15 tỉ đồng và mức nợ thuế trên 15 tỉ đồng sẽ do Thủ tướng chính phủ quyết định.
Việc xóa nợ thuể chỉ dành cho 4 trường hợp : được tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế ; cá nhân đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm tài sản thừa kế, để nộp thuế ; khoản nợ thuế đã quá 10 năm, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được ; và trường hợp bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, không có khả năng nộp thuế.
*****************
Dư luận hoài nghi về tác dụng của công điện phòng chống tham nhũng (VOA, 18/06/2019)
Thủ tướng Việt Nam hôm 17/6 gửi công điện tới các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành đề nghị tăng cường "phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ". Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ hoài nghi về tác dụng của bức công điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện đề nghị đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, 17/6/2019
Nội dung công điện được công bố trên trang web của Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức "lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ".
Những việc làm như vậy "gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội", công điện nhấn mạnh.
Văn bản chứa đựng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được gửi ra sau khi gần đây xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng "trong một số lĩnh vực như hải quan, thuế, quản lý thị trường…, và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương, bộ, ngành", một đoạn trong công điện cho hay.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc hôm 12/6, trong đó công an bắt quả tang và tạm giữ một nữ trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng cùng hai thanh tra viên khác vì nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.
Trong bối cảnh như vậy, biện pháp hàng đầu được thủ tướng Việt Nam đưa ra trong công điện là "thực hiện nghiêm túc" các nghị quyết, chỉ thị của đảng, chính phủ về phòng chống tham nhũng, và Luật Phòng chống Tham nhũng.
Một phần trong biện pháp này, theo công điện của thủ tướng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải "đi đầu" trong việc thực hiện các quy định về chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan của họ, những vị lãnh đạo đó "phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước", công điện nêu rõ.
Biện pháp có tầm quan trọng thứ nhì được thủ tướng đề nghị là "cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể" và có cơ chế "kiểm soát hiệu quả" đối với cán bộ, công chức khi thực thi các nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…
Ý kiến của người sử dụng mạng xã hội cho rằng hai biện pháp hàng đầu kể trên vừa không có gì mới mẻ, lại vừa không cụ thể, thiết thực.
Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, một cựu đại tá an ninh, có chung suy nghĩ. Ông bình luận thêm với VOA :
"Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo. Có khi cả chục năm rồi, tôi chưa thấy có người đứng đầu nào bị kỷ luật khi mà cấp dưới của họ mắc những sai phạm, thậm chí sai phạm cực kỳ nghiêm trọng".
Trong công điện của thủ tướng, biện pháp thứ ba được nêu ra là mọi cơ quan nhà nước "phải ứng dụng mạnh mẽ" công nghệ thông tin để "hạn chế tối đa" việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tướng cũng yêu cầu "triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến" tại các địa điểm nơi cán bộ, nhân viên nhà nước có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị này của thủ tướng được nhiều người đón nhận một cách tích cực. Các Facebooker được nhiều người biết đến như luật sư Ngô Ngọc Trai và nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu "hoan nghênh" và nhận xét rằng đó là một ý kiến "có giá trị" của thủ tướng, sẽ giúp "hạn chế nhũng nhiễu".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phong, từng giữ chức Tổng Biên tập báo PetroTimes và Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, cho rằng không nên quá kỳ vọng vì biện pháp lắp camera chỉ có "tác dụng hình thức một chút, răn đe một chút". Ông giải thích :
"Nhưng để ngăn chặn tham nhũng, hối lộ, ngăn những việc đi đêm móc ngoặc với nhau thì chả có tác dụng gì cả. Bởi vì chả ai đến chỗ công đường, đến các trụ sở như thế để ngồi bàn về chuyện chung chi và các chuyện làm ăn bất chính. Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì".
Đưa ra quan điểm về nạn tham nhũng trên bình diện rộng hơn, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nước khác vì cơ sở luật pháp của đất nước liên quan đến vấn đề này "không chặt chẽ", ngoài ra người Việt "duy tình" nên dễ "bóp méo" hay "vô hiệu hóa" các luật lệ, quy định.
Hồi cuối tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của ngành nội chính thuộc đảng cộng sản, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng chống tham nhũng là lĩnh vực "khó, phức tạp" vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, cụ thể hơn, đó là "lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo", theo tường thuật của báo chí trong nước.
Cũng cuối tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2018, cho thấy tình hình tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng xấu đi khi tụt 2 điểm và 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2017, đưa Việt Nam vào vị trí 117/180 nước.
****************
Sạt lở và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (RFA, 18/06/2019)
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.
6 căn nhà bị sạt lở ở Long An ngày 18/6. Nguồn : nhandan.com.vn
Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo trình bày tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/6.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện.
Tính từ năm 2010 đến nay, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó.
Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 30 – 45 ngày, từ 60km lên đến 90km vào năm 2016.
Nguyên nhân được cho biết là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi quy luật tự nhiên tại đây.
Cũng trong ngày 18/6, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sạt lở, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm nguyên nhân được đánh giá là do ảnh hưởng của dòng chảy mạnh làm cho đất bị xói mòn, tạo hàm ếch.
Hiện chính quyền địa phương đã di dời tài sản và người dân trong 6 ngôi nhà đến chỗ an toàn.
Vẫn liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 18/6 cũng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức ở Sài Gòn.
Hội nghị lần này thể hiện cam kết của Chính phủ Hà Nội đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 20% dân số cả nước và đóng góp 18% GDP nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong Hội nghị lần đầu diễn ra ở Cần Thơ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu sẽ tổ chức hội nghị ngày ít nhất 2 năm 1 lần để thảo luận về tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, chứ không phải chỉ đưa ra chủ trương mà không kiểm tra, giải quyết, không để ‘nước chảy lá môn’.
*****************
Việt Nam tiêu hủy lợn để chặn dịch tả Châu Phi (VOA, 18/06/2019)
Một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho Reuters biết Việt Nam đã tiêu hủy hơn 2,5 triệu con lợn để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi, có nguy cơ lây nhiễm khắp mọi tỉnh thành trên cả nước.
Một trại nuôi lợn ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thủy (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ) cho biết dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019 và đến nay đã lan rộng đến 58 tỉnh thành trong tổng số 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Một quan chức cấp cao khác của Cục Thú y nói rằng việc lây lan sang tất cả 63 tỉnh thành "chỉ là vấn đề thời gian".
Hồi tháng 3, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) khuyến nghị Việt Nam nên tuyên bố vụ bột phát dịch tả lợn Châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với Reuters, ông Long nói :
"Chúng tôi sẽ không công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì virus này vô hại đối với con người, và dịch bệnh này không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia".
Ông Can Văn Lực, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, cho biết dịch bệnh này chưa có tác động đáng kể đến nền kinh tế.
******************
Ô tô Việt đầu tiên lăn bánh, cạnh tranh với Ford và Toyota (VOA, 19/06/2019)
Những chiếc ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã lăn bánh hôm 17/6 khi Vinfast bàn giao hàng trăm chiếc xe cho khách hàng, với kỳ vọng những sản phẩm "Made in Vietnam" này sẽ có thể cạnh tranh với ô tô của Nhật và Mỹ.
Hàng trăm ô tô Fadil, dòng xe hơi đầu tiên của Vinfast xuất xưởng, chờ bàn giao cho khác hàng tại TP HCM hôm 17/6. (Ảnh Vinfast.vn)
Hôm 14/6, tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, "vỏn vẹn" sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện, theo truyền thông trong nước.
Có mặt tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi sự "thần tốc" trong việc xây dựng Nhà máy ô tô VinFast.
Người đứng đầu chính phủ nói việc này "cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới".
Ông Phúc so sánh tốc độ "thần kỳ" của VinFast với cuộc hành quân vĩ đại của đoàn quân Tây Sơn trong lịch sử, theo Thanh Niên. (Quân khởi nghĩa Tây Sơn của Hoàng đế Quang Trung đã có cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để đánh tan quân nhà Thanh năm 1789).
Theo Tri thức Trẻ, VinFast đã xác lập "kỳ tích mới" trong ngành công nghiệp ô tô thế giới với 21 tháng hoàn tất việc xây dựng hãng xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt.
VinFast muốn là công ty đầu tiên của Việt Nam thành công trong việc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Toyota và Honda của Nhật, và Ford của Mỹ tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô mới đang đối mặt với những thách thức trong văn hóa khát vọng của Việt Nam.
"Chất lượng sản phẩm là một mối quan tâm của người tiêu dùng", Trúc Phạm, một nhà phân tích cao cấp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với Bloomberg. "Người Việt Nam ưu tiên các thương hiệu nước ngoài cho các sản phẩm có giá trị cao. Sẽ mất nhiều năm để khách hàng chấp nhận một thương hiệu mới trong nước".
VinFast có kế hoạch sản xuất 250.000 xe trong giai đoạn đầu hoạt động, với sản lượng dự kiến tăng lên 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Năm ngoái, công ty cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu vào giữa năm 2020.
Công ty này cho biết họ đã nhận được 10.000 đơn đặt hàng trước một năm trước, theo Bloomberg. Người Việt Nam đã đặt mua 119.497 xe mới trong năm tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Tuy nhiên, những chiếc xe của VinFast không hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam. Theo Bloomberg, dòng xe Fadil sử dụng khung gầm của mẫu Karl Rocks của Tập đoàn PSA Group Opel. Chiếc sedan và SUV được xây dựng dựa trên các khung của BMW AG, được thiết kế bởi nhà thiết kế người Ý Pininfarina và có một số thành phần được thiết kế bởi nhà thiết kế Magna Steyr. Jim Deluca, cựu phó chủ tịch sản xuất toàn cầu của General Motors Co. được thuê làm giám đốc điều hành cho VinFast.
Khoảng 650 chiếc xe hơi dòng Fadil của VinFast được giao cho khách hàng hôm 17/6, theo Tuổi Trẻ. Mỗi chiếc xe này có giá khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài ô tô, tập đoàn Vingroup còn sản xuất điện thọa thông minh. Các điện thoại "made in Vietnam" VinSmart được tung ra thị trường từ tháng 12 năm ngoái. Theo Reuters, VinGroup sẽ không dừng lại ở điện thoại thông minh mà sẽ lần lượt cho ra mắt các sản phẩm thông minh khác.
Cuối năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã ký hợp đồng đưa giải đua Công thức 1 thế giới Grand Prix tới đường phố Hà Nội trong "nhiều năm". VinGroup là nhà tài trợ của hợp đồng giữa F1 và Việt Nam mà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc giải đua Công thức 1 thế giới Chase Carey tiết lộ hôm 7/11/2018.
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động (RFA, 07/05/2019)
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động trong một số mặt hàng với lý do hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng cho hợp lý.
Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước vào ngày 7/5 loan tin dẫn nguồn từ văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố gửi Bộ Tài Chính góp ý về dự thảo đề án mở rộng thuế và chống sói mòn ngân sách quốc gia.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về thuế tiêu thụ đặc biệt thành phố đề xuất nghiên cứu soạn thảo và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng và dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game và dịch vụ thẩm mỹ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điện thoại di động là mặt hàng rất thiết yếu nên việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là hoàn toàn hợp lý.
Các chuyên gia trong nước được báo chí dẫn lời rằng, thành phố không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng điện thoại di động.
Trước đó, vào ngày 3/4 Ủy ban Nhân dân thành phố cũng từng có đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại bia rượu cao hơn một số địa phương khác.
*****************
Dịch tả lợn Châu Phi lan đến tỉnh nuôi heo lớn nhất Việt Nam (RFA, 07/05/2019)
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở tỉnh Đồng Nai ở miền nam Việt Nam. Đây là nơi cung cấp thịt heo chính cho thành phố Hồ Chí Minh.
Một trại chăn nuôi heo - Ảnh minh họa RFA
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 7/5/2019.
Bệnh do virut lây nhiễm cho heo thông qua các chất dịch cơ thể như máu và chất nhầy, gây sốt xuất huyết đã được tìm thấy tại hai trang trại ở huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch.
Chính quyền địa phương cho biết khu vực trong vòng bán kính ba cây số từ hai trang trại vừa nói đang bị đe dọa.
Cơ quan chức năng cho biết đã cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh, tiêu hủy heo bệnh và tạm thời đóng cửa các lò mổ gần đó.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tỉnh này có số lượng heo lớn nhất tại Việt Nam, hơn 2,5 triệu con, trong đó có 75% được nuôi trong các trang trại lớn và phần còn lại trong các hộ gia đình.
Đồng Nai là địa phương đầu tiên ở miền Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Trước đó dịch tả lợn Châu Phi đã bị phát hiện ở hơn 20 tỉnh thành ở miền bắc và miền trung Việt Nam trong năm 2019, với hơn 85.000 con heo đã bị tiêu hủy.
Khoảng 70% sản phẩm thịt ở Việt Nam là từ thịt heo, với hơn 10 ngàn trang trại và 2,5 triệu hộ nuôi động vật làm thức ăn.
Hiện trên thế giới chưa có cách chữa bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh này cũng chưa lây sang người.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, có 20 quốc gia phát hiện có dịch này từ năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ ba ở Châu Á bị tấn công bởi dịch tả lợn Châu Phi sau Trung Quốc và Mông Cổ.
Hưng Yên là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam phát hiện dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, sau đó dịch này lây lan nhanh chóng sang các tỉnh thành khác trên khắp miền bắc và miền trung của Việt Nam.
****************
EU từ chối 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam (RFA, 06/05/2019)
Liên Hiệp Châu Âu- EU vừa từ chối hoặc cho giám sát 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) Courtesy VASEP
Bộ Công thương Chính phủ Hà Nội công bố thông tin vừa nêu hôm 6/5/2019.
Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến 1/5/2019, có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Trong đó, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép. Một lô hàng cá da trơn đông lạnh bị Bỉ từ chối. Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát và Pháp cảnh báo 1 lô hàng cá ngừ nhiễm chất cấm nghiêm trọng.
Cũng theo Bộ Công thương Việt Nam, trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu khác cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về. Ngoài ra, hiện thuỷ sản Việt vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" vào EU.
Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu sẽ đến Việt Nam xem xét việc thực thi các khuyến nghị của EC trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Nếu các khuyến nghị được đáp ứng thì ‘thẻ vàng’ sẽ được gỡ bỏ ; còn nếu không thì có khả năng bị ‘thẻ đỏ’.
Không kiểm soát dịch tả lợn kịp thời, sẽ thiệt hại hàng tỷ USD (RFA, 14/03/2019)
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan tại Việt Nam, với tỷ lệ lợn chết khi nhiễm bệnh lên đến 100%, số lợn tiêu hủy lên đến hàng nghìn con với trọng lượng tiêu hủy hàng trăm tấn. Nếu không có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời sẽ có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Ảnh minh họa - RFA
Thông tin vừa nêu được các đại biểu đưa ra tại hội nghị Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề "Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 14/3.
Tính đến ngày 14/03/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm : Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La và Nghệ An.
Theo thông tin từ Cục Thú y, trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi có chậm lại.
Từ năm 2017 đến ngày 3/03/2019, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Trả lời báo chí hôm 14/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Ông cho rằng, quan trọng nhất là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính" ?
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có gửi công văn kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý những thông tin bị cho là sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi, gây hoang mang xã hội. Cụ thể, trong văn bản có nhắc tới nhiều fanpage và facebook cá nhân như ‘Đầm bầu thời trang Mami, Trang Thao Mandy’… đăng tải thông tin và hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người…
Cho đến ngày 14/3, có hai người đăng tin hàm ý dịch tả lợn đã về tới Cà Mau bị lập biên bản, buộc viết cam kết không tái phạm, ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau xác nhận với báo chí thông tin vừa nêu cùng ngày.
Hai người vi phạm là Nguyễn Bảo Trân, 26 tuổi, ngụ phượng 8, Cà Mau và Phạm Hoàng Yên, 22 tuổi ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngày 12/03/2019, hai người này đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình những dòng cảm thán hàm ý bệnh tả lợn đã về đến tỉnh Cà Mau, kèm ảnh. Các thông tin cụ thể gồm "Tới Cà Mau rồi, thề k ăn thịt heo luôn" ; "Thịt heo tới Cà Mau rùi ! ! ! hix… Giờ em biết lấy món gì e ăn hàng ngày đây hix hix".
Chi cục Thú ý tỉnh Cà Mau khẳng định không hề có chuyện dịch tả lợn đến Cà Mau, nên khẳng định Trân và Yên đăng tải thông tin sai sự thật, buộc gỡ bỏ toàn bộ nội dung này.
*****************
Google giúp start-up Việt Nam 'cưỡi đám mây' ra thế giới (VOA, 13/03/2019)
Google vừa công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up) Việt Nam có tên Google Cloud for Start-upsđể tìm cơ hội bước ra thế giới.
Google công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hôm 9/03/2019.
Báo Người Lao Động dẫn lời Đại diện Google tại Việt Nam cho biết chương trình khởi nghiệp này được thiết kế với mục tiêu giúp các công ty khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp của mình, vận hành dễ dàng và nhanh chóng bằng cách khai thác các ưu thế từ các công nghệ và tài nguyên của Google như "đám mây thông minh" (Google Cloud), các sự kiện cộng đồng, các chuyên gia cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ về kỹ thuật.
Chương trình đặc biệt này dành cho bất kỳ start-up nào tại Việt Nam tùy theo điều kiện của từng gói có thể nhận hỗ trợ trị giá tương đương từ 3.000 đến 100.000 đôla/năm.
Google Cloud for Startup nằm trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam của Google, theo VnExpress.
Theo Thời báo Công nghệ Việt Nam, chỉ trong vòng 8 năm, đã có hàng ngàn dự án khởi nghiệp trên thế giới tham gia với Google Cloud, với những các tên nổi tiếng như Lytro, PixLee… và Google Cloud chính thức đầu tư hàng triệu đôla vào các doanh nghiệp khởi nghiệp vì tin tưởng vào tiềm năng to lớn tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát gần đây do Temasek và Google kết hợp thực hiện, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt trị giá 21 tỉ đôla vào năm 2020.
***************
Việt Nam phạt trang Facebook đưa tin "thất thiệt" về dịch tả lợn Châu Phi (VOA, 14/03/2019)
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam phạt một chủ trang Facebook hàng chục triệu đồng vì đăng tin "thất thiệt" về dịch tả lợn Châu Phi hiện đang hoành hành tại một số nước trong đó có Việt Nam.
Trang Facebook bị phạt 20 triệu đồng đăng tải lại nội dung của trang web Đảng Cộng Sản để đính chính những thông tin mà trước đó bị cho là sai lệch. (Ảnh chụp màn hình Phapluatdansinh)
Theo truyền thông trong nước, chủ trang Facebook ‘Đầm bầu thời trang Mami’ bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng vì đưa thông tin "sai sự thật" về dịch tả lợn Châu Phi "khiến người đọc hoang mang".
Nguyễn Thị Minh Nghĩa, chủ Trang Facebook nói trên, đăng tải các bài viết cho rằng dịch tả lợn Châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi mọi người ngừng ăn thịt lợn.
Từ ngày 4/3, bà Nghĩa đã phải gỡ bỏ những thông tin này, đồng thời phải thông báo đến các đối tác rằng những thông tin đó "không đúng sự thật", theo VnExpress và Thanh Niên.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra văn bản khẳng định dịch tả lợn Châu Phi chỉ lây lan trên lợn và đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường kiểm tra, xử phạt các tài khoản mạng xã hội đăng tin sai về dịch, trong đó có trang ‘Đầm bầu thời trang Mami".
Virus dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang tiếp tục lây lan tại Việt Nam, gây lo ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực đưa tới lệnh cấm sử dụng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo nhập khẩu từ Việt Nam. Những ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền và ngay cả bị tống giam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/3 nói cần phải chiến đấu chống virus dịch tả lợn Châu Phi "như một kẻ thù", với sự tham gia tích cực của các cơ quan và bộ ngành ở nhiều cấp độ khác nhau.
Theo trang mạng Xinhua của nhà nước Trung Quốc, virus dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào đầu tháng Hai năm nay. Việt Nam trở thành nước thứ 3 bị lây lan cúm tả lợn Châu Phi, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Virus dịch tả lợn Châu Phi đã được phát hiện tại Hà nội và Hải Phòng và 4 tỉnh miền Bắc : Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và Hải Dương.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đài Loan loan báo bất cứ hành khách Việt Nam nào nhập cảnh Đài Loan với các sản phẩm làm bằng thịt heo sẽ bị phạt vạ $6.500. Nếu tái phạm, số tiền phạt sẽ tăng lên tới 33.000, và hành khách sẽ bị cấm nhập cảnh nếu không trả toàn bộ số tiền phạt.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, virus dịch tả lợn Châu Phi không ảnh hưởng tới người. Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh này là tiêu hủy lợn bệnh.