Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động (RFA, 07/05/2019)
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động trong một số mặt hàng với lý do hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng cho hợp lý.
Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước vào ngày 7/5 loan tin dẫn nguồn từ văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố gửi Bộ Tài Chính góp ý về dự thảo đề án mở rộng thuế và chống sói mòn ngân sách quốc gia.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về thuế tiêu thụ đặc biệt thành phố đề xuất nghiên cứu soạn thảo và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng và dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game và dịch vụ thẩm mỹ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điện thoại di động là mặt hàng rất thiết yếu nên việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là hoàn toàn hợp lý.
Các chuyên gia trong nước được báo chí dẫn lời rằng, thành phố không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng điện thoại di động.
Trước đó, vào ngày 3/4 Ủy ban Nhân dân thành phố cũng từng có đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại bia rượu cao hơn một số địa phương khác.
*****************
Dịch tả lợn Châu Phi lan đến tỉnh nuôi heo lớn nhất Việt Nam (RFA, 07/05/2019)
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở tỉnh Đồng Nai ở miền nam Việt Nam. Đây là nơi cung cấp thịt heo chính cho thành phố Hồ Chí Minh.
Một trại chăn nuôi heo - Ảnh minh họa RFA
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 7/5/2019.
Bệnh do virut lây nhiễm cho heo thông qua các chất dịch cơ thể như máu và chất nhầy, gây sốt xuất huyết đã được tìm thấy tại hai trang trại ở huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch.
Chính quyền địa phương cho biết khu vực trong vòng bán kính ba cây số từ hai trang trại vừa nói đang bị đe dọa.
Cơ quan chức năng cho biết đã cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh, tiêu hủy heo bệnh và tạm thời đóng cửa các lò mổ gần đó.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tỉnh này có số lượng heo lớn nhất tại Việt Nam, hơn 2,5 triệu con, trong đó có 75% được nuôi trong các trang trại lớn và phần còn lại trong các hộ gia đình.
Đồng Nai là địa phương đầu tiên ở miền Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Trước đó dịch tả lợn Châu Phi đã bị phát hiện ở hơn 20 tỉnh thành ở miền bắc và miền trung Việt Nam trong năm 2019, với hơn 85.000 con heo đã bị tiêu hủy.
Khoảng 70% sản phẩm thịt ở Việt Nam là từ thịt heo, với hơn 10 ngàn trang trại và 2,5 triệu hộ nuôi động vật làm thức ăn.
Hiện trên thế giới chưa có cách chữa bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh này cũng chưa lây sang người.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, có 20 quốc gia phát hiện có dịch này từ năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ ba ở Châu Á bị tấn công bởi dịch tả lợn Châu Phi sau Trung Quốc và Mông Cổ.
Hưng Yên là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam phát hiện dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, sau đó dịch này lây lan nhanh chóng sang các tỉnh thành khác trên khắp miền bắc và miền trung của Việt Nam.
****************
EU từ chối 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam (RFA, 06/05/2019)
Liên Hiệp Châu Âu- EU vừa từ chối hoặc cho giám sát 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) Courtesy VASEP
Bộ Công thương Chính phủ Hà Nội công bố thông tin vừa nêu hôm 6/5/2019.
Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến 1/5/2019, có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Trong đó, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép. Một lô hàng cá da trơn đông lạnh bị Bỉ từ chối. Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát và Pháp cảnh báo 1 lô hàng cá ngừ nhiễm chất cấm nghiêm trọng.
Cũng theo Bộ Công thương Việt Nam, trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu khác cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về. Ngoài ra, hiện thuỷ sản Việt vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" vào EU.
Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu sẽ đến Việt Nam xem xét việc thực thi các khuyến nghị của EC trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Nếu các khuyến nghị được đáp ứng thì ‘thẻ vàng’ sẽ được gỡ bỏ ; còn nếu không thì có khả năng bị ‘thẻ đỏ’.