Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/05/2019

Dự án lấn sông Hàn, Vườn xuân Trung Nam Bắc

Tổng hợp

Dự án SunGroup lấn sông Hàn (RFA, 07/05/2019)

Tranh luận với Phó Chủ tịch Đà Nẵng Đặng Viết Dũng

danang1

Ông Đặng Việt Dũng được giới thiệu trở lại làm Phó Chủ tịch Đà Nẵng

Trong buổi hội thảo phản biện các dự án lấn sông Hàn chiều nay, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, đã đưa ra quan điểm của chính quyền thành phố mà tôi thấy cần phải tranh luận như sau : 

1. "Cả hai dự án lấn sông (Marina và Olani-SunGroup) đều có trong quy hoạch chung về phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng phê duyệt năm 2013".

Nằm trong quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt thì đã sao ? Nếu theo lập luận của thành phố - nằm trong quy hoạch Thủ tướng phê duyệt thì cứ thế làm, chắc giờ đây Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà đã phải gánh 20-30 dự án resort, khách sạn vì Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà do Thủ tướng phê duyệt cho phép như thế. Song đâu phải như vậy, chính Thủ tướng, khi thấy quy hoạch đó đi ngược lại lợi ích cộng đồng, đã cầu thị yêu cầu dừng các dự án để tiến hành rà soát, thanh kiểm tra. Vậy mà sao thành phố lại cố đấm ăn xôi ? Nếu thấy quy hoạch cũ bất hợp lý, đi ngược lại lợi ích cộng đồng thì phải đề xuất lên Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chứ sao giờ lại lấy Thủ tướng ra để bảo vệ cho dự án. 

2. "Hai dự án này cũng đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư".

SAI. Dự án của SUNGROUP có tác động môi trường được phê chuẩn tháng 12/2015 nhưng tới tháng 12/2018 mới triển khai là trái Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Theo Luật này, tác động môi trường chỉ có thời hạn 02 năm, quá hạn phải làm lại. Thêm nữa, Luật yêu cầu phải công khai các bản tác động môi trường, cũng như tiến hành lấy ý kiến cộng đồng cư dân - cả hai đều không được thực hiện [1].

3. "Trên cơ sở đó, sẽ sớm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý, với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư. Đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành !"

Nếu nói về pháp luật hiện hành thì lẽ ra thành phố phải thu hồi khu đất của SUNGROUP vì đã chậm triển khai, theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư hiện hành. Năm ngoái thành phố đã thu hồi hàng chục khu đất với lý do tương tự, nhưng không hiểu sao lại chừa khu đất này ra [2].

4. "Chính quyền Thành phố Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn".

Lấy cơ sở gì để người dân Đà Nẵng chúng tôi tin lời này của ông, khi mà Khu Đô thị Làng Châu Âu của SUNGROUP tới giờ phút này vẫn độc chiếm khúc sông Hàn đẹp nhất giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý dành riêng cho vài chục gia đình (có cả cựu Giám Đốc Công an Đà Nẵng Lê Văn Tam và những quan chức nào khác mà chúng tôi không biết), không cho cộng đồng tiếp cận.

Nguyễn Anh Tuấn

Tham khảo :

Tường thuật phát biểu của ông Dũng trên Infonet 

[1] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2461888287159383 ?hc_l...

[2] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2480095208672024 ?hc_l...

---

Đọc thêm

Chúng ta bị khinh rẻ đến bao giờ ? [Về dự án ven sông Hàn của SunGroup] 

Công viên sông Hàn

*******************

Hội nghị phản biện về dự án lấn sông Hàn (RFA, 07/05/2019)

Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Thành phố Đà Nẵng vào sáng ngày 7 tháng 5 tiến hành hội nghị phản biện về dự án lấn Sông Hàn gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

hoi1

Dự án Marina Complex lấn sông Hàn - Courtesy of bao Danang

Những phản biện nêu ra cho rằng việc dòng sông bị thu hẹp dòng chảy chắc chắn dẫn đến những tác động bất lợi. Trước hết vào mùa mưa lũ, lượng nước lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ khiến xói lở, ngập úng cục bộ ở hai bờ sông.

Nguyên trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đưa ra đề nghị tại hội nghị là không nên triển khai dự án lấn sông Hàn của Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Bến Du Thuyền Đà Nẵng.

Báo Pháp Luật dẫn ý kiến của KTS. Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng khi dòng chảy bị thu hẹp thì vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ hai bờ sông.

Trong khi đó chuyên gia nông nghiệp - thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng (thành viên hội đồng Đánh giá Tác động Môi trường dự án Marina Complex) thì cho rằng không ảnh hưởng lắm đến dòng chảy.

Dư luận xã hội cũng như báo chí nhiều lần lên tiếng rằng việc lấn sông Hàn để làm các dự án nhà ở, nhà cao tầng là phản lại quy luật tự nhiên.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về việc lấn sông Hàn làm các dự án.

*****************

"Vườn xuân Trung Nam Bắc" : Phục dựng lại là bất khả thi (RFA, 06/05/2019)

Bức tranh sơn mài ‘Vườn xuân Trung Nam Bắc’ của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí mô tả không khí ngày xuân với bối cảnh các cô gái ba miền đất nước mặc trang phục truyền thống đi tham dự lễ hội. Bức tranh được làm trong 20 năm, từ năm 1969 và hoàn thành vào năm 1989, được đánh giá là một bảo vật quốc gia.

hoi2

"Vườn xuân Trung Nam Bắc" trước (trên) và sau khi "vệ sinh" (dưới). Courtesy of anninhthudo.vn

Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991 đã mua lại bức tranh với giá 100.000 đô la Mỹ và trao lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố hồ Chí Minh.

Sau một thời gian trưng bày, vào ngày 20/08/2018, phía Bảo tàng đã trình Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu được vệ sinh bức họa và nhận được chấp thuận 8 ngày sau đó.

Đáng chú ý, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố hồ Chí Minh đã không tham vấn chuyên gia trước khi vệ sinh lại bảo vật quốc gia, mà thuê ông Lưu Minh Phụng, một người không hiểu về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nên đã dùng nước rửa chén, bột chu và giấy nhám để thực hiện công việc.

Vào ngày 27/4 vừa qua, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm do Cục trưởng vi Kiến Thành đến đánh giá mức độ hư hại của bức tranh cho biết linh hồn của bức họa đã bị hư hại trên 30%, còn xét về mức độ hư hại vật chất là khoảng 15%.

Họa sĩ Nguyễn Sơn, một người am hiểu về sơn mài, cho rằng đánh giá hư hỏng tinh thần của bức tranh trên 30% của Cục Mỹ thuật là chưa thỏa đáng vì hiện giờ không cách gì có thể cứu vãn được giá trị nghệ thuật tác phẩm này, toàn bộ phần linh hồn tác phẩm không cách gì phục dựng lại được, thậm chí dù bây giờ họa sĩ Nguyễn Gia Trí có sống lại, trực tiếp làm bức họa này thì cũng không thể phục dựng, phục chế được. Ông giải thích :

"Bởi vì đặc tính sơn mài Nguyễn Gia Trí là một tác phẩm có tính ngẫu nhiên rất cao. Về kỹ thuật, sơn mài của cụ ở bức họa đó giống như được cắt lớp nên bây giờ họ đã làm mất đi lớp bề mặt thì cũng giống như làm mất những nét quan trọng nhất của cụ Nguyễn Gia Trí. Kể cả tác giả có sống lại làm cũng không ổn bởi vì nghệ thuật ở bức họa đấy chỉ xảy ra một lần thôi, đấy là lý do tại sao gọi nó là bảo vật quốc gia, không phải vì nó to, không phải vì nó có giá trị vật chất là số tiền lớn 100.000 đô la Mỹ thời đó, mà chỉ vì nó diễn ra một lần thôi và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh không giữ được".

hoi3

Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc trước khi bị can thiệp. Courtesy of Quỹ Di sản

Vẫn theo quan sát của họa sĩ Nguyễn Sơn, ông cho rằng hiện trạng bức họa bị thay đổi và bị can thiệp vào rất nhiều lần chứ không phải một lần, nên để phục dựng lại nó là bất khả thi.

"Về kỹ thuật, nôm na là cái sơn toát bây giờ không còn nữa. Vàng mình có dát lên cũng là vàng bây giờ, không còn vàng ngày xưa nữa, vàng ngày xưa là vàng đỏ, vàng bây giờ là vàng xanh. Rồi những thủ thuật của cụ về cẩn trứng thì không ai có thể làm được. Những nhát, vết, vết bút quan trọng nhất của họa sĩ sơn mài, cụ thể là cụ Trí gồm nét chìm là nét phải làm đầu tiên, sau đó mài ra ; vỏ trứng, chỉ có kỹ thuật của cụ Nguyễn Gia Trí mới xử lý được ; nét vàng – những nét trên bề mặt bức họa ; nhưng bây giờ những nét ấy đã không còn hoặc bị tổn hại. Theo tôi đánh giá bức họa này còn chưa được phủ lớp bảo vệ, đây là cái may nhưng cũng là cái dở bởi vì sau này chỉ độ một thời gian ngắn nữa thôi thì tất cả lớp kim loại trong lớp sơn sẽ bị oxi hóa nặng hơn".

Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Sơn còn đưa ra câu hỏi liệu đã đến lúc phải vệ sinh bức tranh hay chưa.

"Bây giờ mình thực sự chỉ là một người dân, không có điều kiện quan sát thường xuyên nên không biết được trước khi vệ sinh tình trạng bức họa đó như thế nào, có cần thiết phải "vệ sinh" hay không ? Bởi vì về cơ bản một tấm tranh sơn mài có độ bền về thời gian là lâu chứ không dễ dàng hư hỏng, cái đó phải minh bạch".

Còn họa sĩ Lê Thánh Thư thì cho rằng vụ việc lần này là một sai lầm mà ông đánh giá là ấu trĩ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam :

"Hầu như người ta giấu nhẹm đi, đưa thợ đến làm cho xong việc, lãnh đạo bảo tàng bưng bít hết. Những người lãnh đạo bảo tàng không rành về chuyên môn, về bảo tàng, về mỹ thuật, về vấn đề bảo quản, tất cả mọi thứ. Nói chung về bảo quản, vật liệu, tranh quý giá, cổ vật, người ta không rành. Họ chỉ có vấn đề chính trị, người ta đặt ông đó là đảng viên làm giám đốc bảo tàng thôi, không hiểu biết gì hết. Một người không rành về chuyên môn đương nhiên sẽ sai lầm thôi, mà chuyện này xảy ra rất nhiều rồi. Đó là vấn đề lớn về vấn đề mỹ thuật ở xã hội Việt Nam hiện nay".

Nhiều chuyên gia nhận định cho rằng do các đơn vị chủ quản sau khi nhận được giấy phép chấp thuận việc trùng tu, sửa chữa đã tự ý quyết định đơn vị thi công mà không thông qua ý kiến chuyên gia, gây ra những tổn thất cho tác phẩm và công trình.

Họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết đây là hệ lụy lâu dài từ trước đến giờ, các cơ quan chính phủ không có cách làm việc khoa học, luôn luôn phải chạy theo để sửa lỗi. Ông bày tỏ :

"Với quan điểm cá nhân của một nghệ sĩ, tôi rất mong muốn các nhà quản lý phải tích cực hơn nữa trong việc tổ chức lộ trình, đặc biệt phải coi trọng ý kiến chuyên gia về kỹ thuật, nghệ thuật cũng như các biện pháp khoa học. Tôi chưa thấy những báu vật quốc gia mà còn bị coi thường, ẩu tả, cách làm việc như thế này thì rồi sẽ còn nhiều trường hợp xảy ra, đặc biệt phải cần có người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể là lỗi của chung tập thể, ban bệ gì được".

Quay lại trang chủ
Read 655 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)