Anh Ba Sàm : Ngày về của 'một tù nhân bận rộn' (BBC, 05/05/2019)
Trước ngày blogger Nguyễn Hữu Vinh được trả tự do, gia đình ông chia sẻ với BBC rằng ông "đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian ngồi tù để đòi quyền lợi cho tù nhân".
Bìa cuốn sách Anh Ba Sàm của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội năm 2016. Cuốn sách được tái bản, bổ sung năm 2019, ngay trước khi ông Vinh được thả tự do
Cựu thiếu tá công an, nhà báo độc lập, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn gọi là Anh Ba Sàm, dự kiến sẽ được trả tự do hôm 5/5 sau 5 năm tù giam với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
"Anh Vinh nói thời gian ngồi tù với anh là một trải nghiệm, một trường học. Anh ấy ngồi tù mà lúc nào cũng kêu bận", bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, chia sẻ với BBC hôm 2/5.
"Anh ấy vẫn tiếp tục con đường 'khai dân trí' đã lựa chọn. Chỉ có điều lần này là ở trong tù".
'Một tù nhân bận rộn'
"Có ai đi tù mà lại bận như thế không ? Lúc nào gặp, anh ấy cũng nói 'bận quá', 'không đủ thời gian'. Trong 60 phút gặp mỗi lần tôi vào tù thăm anh ấy, chúng tôi gần như không bao giờ có thời gian để nói điều gì riêng tư", bà Minh Hà nói.
Theo bà Minh Hà, trong suốt 5 năm ngồi tù, ông Hữu Vinh giành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, đồng thời viết kiến nghị để đòi quyền lợi cho tù nhân, và giúp những người bạn tù hiểu họ có quyền gì.
Đã có một số kiến nghị của ông Vinh được trại giam giải quyết, cải thiện đáng kể đời sống người tù.
"Anh ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trước phiên phúc thẩm, tôi nhớ anh ấy đã đưa ra hơn 60 kiến nghị viết trong thời gian tạm giam. Từ đó đến nay tôi không thể nhớ và cũng chưa có thời gian tổng kết anh Vinh đã đưa thêm bao nhiêu kiến nghị nữa".
"Riêng trong năm 2017, anh Vinh gửi đi 21 kiến nghị thì có 16 cái được giải quyết. Trong đó có những quyền vô cùng quan trọng như quyền được tiếp xúc với văn bản pháp luật, quyền được có tủ sách, được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu trú".
"Anh ấy chỉ đau đáu là khi ra tù rồi, họ còn tiếp tục thực hiện các quyền đó cho tù nhân hay không. Và các tù nhân có biết quyền của mình để đấu tranh hay không".
Gần ngày mãn hạn tù, ông Vinh "chạy đua với thời gian" để kịp hoàn thành những việc còn dang dở.
Trở về để khai dân trí theo cách 'mềm mại' hơn
Trong lần thăm chồng gần đây nhất hôm 19/4, bà Hà nói khi chia tay, ông Vinh giơ hai bàn tay nắm chặt lên cao, ý nói "Chúng ta sẽ chiến thắng".
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một trong những blogger được nhiều người biết đến trên truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam
Bà Hà kể trong suốt những năm tháng qua ông Vinh làm việc không ngưng nghỉ dù khi tự do hay tù tội. Nên điều bà mong muốn sau khi ông ra tù là được nghỉ ngơi. Sau đó có thời gian để cập nhật tin tức, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
"Muốn khai dân trí thì phải nắm được thông tin. Thời gian ngồi tù các thông tin bên ngoài anh Vinh có được rất hạn chế. Tôi mong anh sẽ lấy lại sức khỏe và có có thời gian đọc sách, xem tin tức".
"Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau này, tiếp tục con đường khai dân trí nhưng anh Vinh sẽ thực hiện theo cách 'mềm mại' hơn, bởi vì anh ấy luôn là một người rất cẩn trọng".
Trước thời điểm bị bắt năm 2014, ông Nguyễn Hữu Vinh là chủ blog Ba Sàm có lượng truy cập lên tới 200.000 lượt mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm, cao hơn nhiều so với nhiều tờ báo chí lúc đó. Ông cũng mở hai trang blog là diendanxahoidansu.wordpress.com (blog "DÂN QUYỀN") và blog chepsuviet.wordpress.com (blog "CHÉP SỬ VIỆT").
Ông Vinh đã đăng tải hàng nghìn bài báo, bài bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội, tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế, thu hút cộng đồng độc giả đọc và bình luận sôi nổi dưới mỗi bài viết.
Cáo trạng năm 2016 nói một số bài viết trên các trang này có "nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân".
Không chỉ viết báo, ông Vinh còn có nhiều hoạt động dân chủ khác, trong đó nổi bật là việc ông cùng một nhóm nhân sĩ trí thức ký bản kiến nghị yêu cầu sửa Hiến pháp 1992 vào năm 2003.
Bà Lê Thị Minh Hà, ông Nguyễn Quang A và nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Đức, ông Martin Patzel, trước phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016
Năm 2016, khi cuốn sách song ngữ 'Anh Ba Sàm' - từng được coi là 'xuất bản phẩm hiếm có của phong trào dân chủ Việt Nam' được bán trên Amazon, bà Hà từng chia sẻ : "Chồng tôi, nếu có phạm tội gì, thì chỉ là tội yêu nước, yêu tự do, và mong muốn đất nước Việt Nam dân chủ hóa, người dân Việt Nam có quyền tự do".
Trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016, nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của nhiều bài chính luận trên mạng xã hội từng bình luận rằng "Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Hữu Vinh có thể 'uẩn khúc' và nhà cầm quyền bối rối trước những người bị bắt... Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội này".
Hành trình đấu tranh đòi tự do cho Anh Ba Sàm
Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Lê Thị Minh Hà từng là bạn học ở trường Sĩ quan An ninh, sau khi kết hôn, cả hai cùng làm trong ngành an an ninh.
"Nhưng tôi từng không thể hiểu hết lý tưởng của anh ấy. Tôi từng chỉ muốn có một gia đình yên ổn, bình thường. Trong khi anh Vinh lại có những suy nghĩ khác, và chúng tôi từng không thể chia sẻ với nhau", bà Hà kể lại.
Trang blog Anhbasam đã đưa nhiều thông tin bị nhà nước cho là "bi quan một chiều"
"Trước đây, tôi không hiểu tại sao lại cần có một tờ báo độc lập để làm gì ? Trong những ngày hỗ trợ anh Vinh trong trại giam, tôi phần nào hiểu anh ấy và công việc của anh ấy".
Để đồng hành với chồng trong suốt những năm ông Vinh bị giam, bà Hà đã từ Đức - nơi bà ở phần lớn thời gian để chữa bệnh - trở về Việt Nam giúp chồng.
"Đây là cuộc đấu tranh pháp lý nên đòi hỏi phải am hiểu pháp luật để khi cần làm việc với chính quyền hay kêu gọi trợ giúp từ quốc tế, mình phải biết để viện dẫn chính xác và thuyết phục. Do đó, tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu phát luật. Bản thân tôi cũng là người được đào tạo trong ngành công an, từng sống ở nước ngoài nhiều năm, nên tôi đặc biệt tôn trọng luật pháp".
"Ban đầu, tôi không hiểu hết những việc anh Vinh làm nên khi anh bị bắt, tôi rất băn khoăn. Tôi không biết mình có thực sự muốn dấn thân vào việc này không, nếu như anh ấy vi phạm pháp luật. Nhưng càng nghiên cứu hồ sơ vụ việc của anh, tôi càng bị thuyết phục rằng anh không làm gì sai", bà Hà chia sẻ.
Để hỗ trợ chồng, Hà đã trở thành 'nhà báo', thành một 'chuyên gia' về luật, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Để chuẩn bị cho cuộc gặp hàng tháng với chồng trong tù, ngoài đồ ăn, sách báo, bà Hà thường tổng hợp và chọn ra các thông tin trong nước và quốc tế nổi bật nhất để thuật lại cho ông Vinh.
"Tôi bao giờ cũng nói trước. Lần lượt điểm các tin, các sự kiện diễn ra thời gian qua để anh ấy nắm được. Sau đó anh ấy sẽ hỏi tôi nếu cần thiết. Rồi đến lượt anh ấy đọc lại cho tôi những điều muốn truyền đạt. Có thể là đọc một bài thơ anh sáng tác. Hoặc các kiến nghị, giải pháp.... Tôi ghi chép liên tục rồi về nhà gõ lại trên máy tính. Cứ như thế suốt mấy năm nay".
Bên cạnh đó, bà Minh Hà cũng đi vận động tại nhiều nước và gặp gỡ đại diện Liên Hiệp Quốc trong việc kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Hữu Vinh.
Chỉ muốn đón Anh Ba Sàm 'trong yên lặng'
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh nói với BBC hôm 2/5 rằng trước đó một cán bộ trại giam tên Lượng nói với bà và ông Vinh rằng nếu chỉ có gia đình đi đón thì trại giam sẽ thả ông Vinh ở cổng Trại 5, còn nếu có người đi theo mang băng rôn, biểu ngữ thì trại giam sẽ "thả ông Vinh ở một giữa đường vắng một cách bất ngờ".
Sự việc này, theo bà Hà, đã khiến ông Vinh và cả gia đình lúc đó hết sức lo lắng.
"Là người được đào tạo chính quy tại Đại học An ninh Nhân dân và đã tìm hiểu kỹ lưỡng pháp luật hiện hành, tôi cho rằng sau khi chấp hành xong bản án thì ông Vinh phải được trả tự do ngay tại cổng trại giam. Nơi đó, trên mảnh đất tự do, ông Vinh có quyền tiếp xúc với các công dân khác đang thực hiện các quyền hiến định...", bà Hà viết trong đơn gửi các cấp liên quan về vụ việc.
Bà Hà nói bà đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được để hỗ trợ chồng nên hiện giờ, khi chỉ còn vài ngày nữa ông Vinh được tự do, bà thấy mạnh mẽ, bình tâm.
"Chúng tôi chỉ muốn đón anh trong yên lặng. Nhưng tôi không thể ngăn được nếu bạn bè, những người muốn ủng hộ anh Vinh muốn đến để chào đón anh", bà Hà nói với BBC.
Anh Ba Sàm là ai ?
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh ngày 15/9/1956.
Cha ông Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Giám đốc Công an Liên khu 4, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
1979 : Ông Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan An ninh, cùng khóa với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
1984 : Ông Vinh được luân chuyển sang Ban Việt kiều Trung ương sau khi làm việc tại Tổng cục An ninh trong 5 năm
1996 - 1998 :Ông Vinh học luật tại Đại học Luật Hà Nội và tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội.
2000 : Ông Vinh chính thức rời khỏi ngành công an và mở dịch vụ thám tử tư, được coi là dịch vụ độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ
09/09/2007 : Ông Vinh mở trang blog Ba Sàm
05/2014 : Ông Vinh bị bắt và bị buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
05/05/2014 : Ông Vinh và cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
23/03/2016 : Ông Vinh bị tòa tuyên án 5 năm tù giam.
Mỹ Hằng
****************
Trang web phản động (VNTB, 05/05/2019)
Những nhà độc tài thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù ; đến nỗi gian hùng Tào Tháo đang ngủ vung kiếm chém kẻ thù trong giấc mơ hay giết cả gia đình ân nhân mổ heo đãi mình.
Biên bản tạm giữ tài sản, đồ vật của Anh Ba Sàm - Ảnh minh họa
Với bản chất độc tài, mặc dù đảng Cộng sản độc quyền quản lý nhà nước và xã hội nhưng họ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch ; đến nỗi xu thế phát triển xã hội bất bạo động, diễn ra một cách hòa bình cũng bị thù địch hóa thành "thế lực diễn biến hòa bình" vô hình. Thậm chí những "khẩu hiệu", "trang web" cũng trở thành phản động.
Trước đây tôi đã viết bài "Khẩu hiệu phản động "(1) đăng trên AnhBaSam, Bauxite. Bài viết "Trang web phản động " này kỷ niệm ngày AnhBaSam ra khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục "PHÁ VÒNG NÔ LỆ". AnhBaSam - Nguyễn Hữu Vinh ; một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an hinh hiếm hoi được cộng đồng kính trọng.
Ngày 15/01/2013 tôi bị tên Trương Quang Rân, phó phòng PA83 công an tỉnh Quảng Ngãi bắt, thu giữ laptop và nhiều tài nguyên thông tin, tài sản trí tuệ của bản thân(2).
Công an kiểm tra trong laptop có các tài liệu, bài viết, đường link từ các trang web như RFA, BBC, Bauxite, AnhBaSam, DanLamBao, QuanLamBao, .v.v…
Vậy là cơ quan công an bắt tôi làm việc suốt 4 tháng 01 ngày với nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và tổ chức đấu tố để buộc tội dưới sự lãnh đạo của Bí thư Võ Văn Thưởng.
Phần dưới đây tóm tắt một "chuyên đề" làm việc với các anh an ninh (AN) và Tôi :
***
AN : Tại sao anh xem các trang báo đài phản động nước ngoài ?
Tôi : Trang nào phản động ?
AN : Chẳng hạn như RFA, BBC…
Tôi : Tôi đâu có thấy cơ quan chức năng nào nói phản động, cấm vào xem đâu ; tôi thấy báo chí trong nước thỉnh thoảng cũng trích đăng tin, bài trên đó mà.
AN : Anh thường xuyên vào các trang web như Bauxite, AnhBaSam… là các trang phản động, đưa tin tức bôi nhọ, nói xấu chủ trương chính sách của đảng, nhà nước… tại sao ?
Tôi : Tôi thấy các trang này cung cấp thông tin đa dạng ; không thấy họ nói xấu cái gì cả. Với lại trang Bauxite của các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng là những nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng ; còn trang AnhBaSam, thì theo tôi biết là của ông Nguyễn Hữu Vinh là một sĩ quan an ninh. Nếu các trang web này phản động (1) thì nhà nước phải có văn bản cấm và bắt những người chứa các trang web này chứ. Tôi là dân, cái gì nhà nước không cấm thì tôi được làm.
AN : Anh nói nếu các trang nào mà nhà nước cấm thì anh không vào xem, tham gia ?
Tôi : Cái gì luật pháp cấm thì tôi không làm.
AN : (hỏi có vẻ thích thú) Vậy tại sao anh vào xem các trang "Dân làm báo", "Quan làm báo"... những trang này nhà nước đã có văn bản 7169 (2) cấm xem, được thông báo rộng rãi trên báo đài và tivi. Anh có biết văn bản đó không ?
Tôi : Tôi có biết, nhưng tôi không quan tâm.
AN : Tại sao ? vậy là anh có thừa nhận vi phạm không ?
Tôi : Thứ nhất, đây chỉ là một văn bản chỉ có giá trị trong nội bộ các bên gởi và nhận ; không phải văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai : tôi không thuộc đối tượng áp dụng của văn bản ; tôi không phải cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Nên tôi không quan tâm tới văn bản 7169 này và cũng không thấy vi phạm.
…
(hai bên nói chuyện một hồi nữa rồi chuyển qua "chuyên đề" khác)
***
Chúc mừng AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh ra tù, rất mong anh sẽ tiếp tục "PHÁ VÒNG NÔ LỆ". Mặc dù từng là một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an ninh nhưng AnhBaSam đã đưa tin đa chiều, khách quan, trung thực hướng tới một xã hội phát triển nên anh Nguyễn Hữu Vinh xứng đáng được cộng đồng tôn trọng.
Có dịp nói chuyện với các anh an ninh, tôi sẽ hỏi : nếu chỉ có 2 chọn lựa cuộc đời của mình, kết cục sẽ giống như Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoặc AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh, buộc phải chọn duy nhất một trường hợp, thì anh (chị, bạn) sẽ chọn giống ai ?
Đỗ Thành Nhân
Ghi chú :
(1) Tra Google bài viết "Khẩu hiệu phản động" đăng trên các trang :
https://www.facebook.com/dotnhanvn/posts/1856594267897084
https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/25/9729-khau-hieu-phan-dong/
https://boxitvn.blogspot.com/2016/08/khau-hieu-phan-ong.html
(2) Giai đoạn này ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, nay là Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cho đến nay cơ quan công an vẫn không chịu giao trả đầy đủ tài sản lại cho tôi giá trị hàng tỷ đồng. Ít nhất đã 3 lần tôi gởi đơn cho ông Võ Văn Thưởng đề nghị giải quyết nhưng vẫn không trả lời, hoặc đối thoại ; mặc dù ông ta cứ hô hào chỉ đạo cấp dưới đối thoại.
(3) Lúc đó trang Bauxite chưa có ông Phạm Xuân Yêm ; còn anh AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh thì chưa bị bắt.
(4) Văn bản số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ ký ngày ngày 12/09/2012, V/v xử lý thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.
"… Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau :
1. Giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm ; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật. Khẩn trương trình Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
3. Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.
4. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện".
******************
An ninh ngăn chặn người đến đón và thăm Anh Ba Sàm vừa mãn hạn tù 5 năm (RFA, 05/05/2019)
An ninh đã được huy động đến nhà của Anh Ba Sàm - tức Nguyễn Hữu Vinh, ở Hà Nội sau khi ông mãn hạn tù 5 năm trở về nhà.
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm – phải) và luật sư Trần Đình Triển, ngày 5/5/2019 trước cổng Trại giam số 5, Thanh Hoá. Ảnh : Lê Thị Minh Hà/Luật Khoa.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới và các bài viết về dân chủ, nhân quyền vừa mãn án 5 năm tù giam và ra khỏi trại giam vào chiều ngày 5/5/2019.
Trên trang facebook Phan Trí Đỉnh, một người hiếm hoi được có mặt ở nhà Anh Ba Sàm vào chiều ngày 5/5, blogger Anh Ba Sàm đã lên tiếng cảm ơn mọi người đã quan tâm và cho biết anh vẫn khoẻ, đồng thời cũng cho biết nhà của blogger bị an ninh ngăn chặn rất kỹ.
Chiều ngày 5/5, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang facebook cá nhân, cho biết ông cũng bị an ninh chặn khi mang hoa đến tặng Anh Ba Sàm.
Trước khi Anh Ba Sàm được mãn hạn tù, vợ anh là chị Lê Thị Minh Hà cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã nói với chị là sẽ không để các bạn bè của Anh Ba Sàm đến đón anh theo kiểu "Trống giong cờ mở" và doạ nếu gia đình vẫn làm như vậy thì họ sẽ thả Anh Ba Sàm ở giữa đường, nơi vắng vẻ.
Từ ngày hôm trước khi Anh Ba Sàm được tự do, một số nhà hoạt động viết trên Facebook cá nhân, cho biết họ được an ninh đến tận nhà "khuyên" và ngăn không cho đi đón blogger Anh Ba Sàm
Sau khi mãn hạn trở về, Anh Ba Sàm đã trả lời Luật Khoa Tạp Chí và cho biết trước khi ra tù, an ninh đã đến phòng giam của anh và đòi thu giữ khoảng 1.000 trang tài liệu mà blogger đã viết, bất chấp sự phản đối của blogger.
Ông Vinh và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp vào ngày 05/5/2014 và phải đến 2 năm sau ngày 23/3/2016 mới đem ra xét xử sơ thẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù giam với cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS năm 1999.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị tuyên 3 năm tù giam với cùng tội danh.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan An ninh điều tra xác định, từ khi được lập đến khi ông Vinh, bà Thúy bị bắt, blog "Dân quyền" do 2 người quản trị đã đăng 2.014 bài, 38.567 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập.
Blog "Chép sử Việt" đã đăng 383 bài, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định nội dung các bài viết.
Kết luận giám định do Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an trưng cầu cho thấy, có 24 bài viết được cho là "có nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, cơ quan, tổ chức".
Ngoài ra, các bài viết này cũng được nói là "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước".
Nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án của blogger Anh Ba Sàm được chỉ ra như : sau khi 2 người bị bắt 9 ngày sau Viện Kiểm sát nhân dân mới phê chuẩn quyết định bắt người hay 2 công ty FPT và VDC bí mật theo dõi và lấy trộm dữ liệu thông qua đường truyền Internet của ông Vinh, bà Thuý một cách trái pháp luật ; dữ liệu này sau đó được làm căn cứ để khởi tố vụ án...
*******************
Công an ngăn chặn giới hoạt động đón Anh Ba Sàm ra tù (Người Việt, 04/05/2019)
Dự trù hôm 5/5, ông Nguyễn Hữu Vinh, thường được biết đến với biệt danh Anh Ba Sàm, blogger và là cựu sĩ quan an ninh, mãn hạn 5 năm tù.
Công an ngăn chặn giới hoạt động đón Anh Ba Sàm ra tù
Là chủ trang web Ba Sàm, ông Vinh được ghi nhận là một trong những người tiên phong "khai trí" cho người dân Việt Nam về tình xã hội, dân chủ và nhân quyền trên mạng Internet.
Ông bị bắt ngày 5/5/2014, tại một chung cư ở quận Tây Hồ, Hà Nội nhưng 5 ngày sau thì gia đình mới nhận được thông báo từ công an.
Hồi tháng 3/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Vinh 5 năm tù với cáo buộc "Bôi nhọ, xuyên tạc sự thật nhà nước".
Các bài viết được nhiều người đọc của ông Vinh bị chính quyền cộng sản Việt Nam coi là sai trái bao gồm : "Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi", "Tín nhiệm hay còn ai tín nhiệm nữa", "Không còn đảng, không còn mình – Không còn đảng, mình vẫn còn", "Khởi công xây dựng mộ treo thứ hai cho Hồ Chí Minh", "Ủng hộ thủ tướng thay đổi thể chế"…
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh cho biết trên trang cá nhân rằng trong những ngày cuối cùng ở tù, ông Vinh bị giam trong khu giam riêng K3, Trại Giam số 5,Thống Nhất, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Bà cũng tố cáo chuyện một cán bộ của Trại Giam số 5 đe dọa gia đình : "Nếu chỉ những người trong gia đình đi đón ông Vinh [hôm 5 tháng Năm] thì chúng tôi sẽ trả ở cổng chính. Còn nếu có đông người giăng cờ, biểu ngữ, trại sẽ phải tính toán thả [ông Vinh] trên đường vắng một cách bất ngờ nhất…".
Hôm 4/5, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội viết trên trang cá nhân : "Đoàn Thị Hương là ai, là một ngôi sao, một anh hùng làm rạng danh đất nước ? Vui mừng cô ấy thoát án không có nghĩa là chào đón cô ấy như một người anh hùng. Cùng lúc đó an ninh Hà Nội dốc toàn lực lượng ngăn chặn, cấm đoán dân đón ông Nguyễn Hữu Vinh một người đấu tranh cho dân chủ tự do, chủ quyền lãnh thổ, mãn hạn tù. Chỉ tính riêng mình tôi đã có bốn viên an ninh canh gác. Đất nước có bao giờ mạt như thế này không ?".
Một số nhà hoạt động, bloger khác ở Hà Nội cũng xác nhận tin họ bị công an canh cửa nhà để ngăn việc hẹn nhau đi đón ông Vinh, dù hôm 4/5, thủ đô có mưa to.
Trong khi đó, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng mô tả trên Facebook rằng việc ngăn cản đón cựu tù nhân lương tâm "đương nhiên và không mới". Bà viết : "Lúc tống người ta vào tù, chúng nó không muốn người tù thấy cả bạn bè lẫn ‘người dưng’ đến cổ vũ họ. Đến khi họ ra tù, chúng nó vẫn không muốn bạn bè lẫn ‘người dưng’ đi đón rước họ như đón người chiến thắng trở về. Chúng nó vây đánh người đi đón, chở người tù ra chỗ vắng vẻ, ‘vứt’ họ ở đó. Nhân đạo của chúng nó là thế đấy".
Luật Sư Trần Vũ Hải, người từng tham gia bào chữa cho ông Vinh trong phiên tòa hồi năm 2016, bày tỏ : "Tôi hy vọng báo chí Việt Nam và quốc tế quan tâm đến sự trở lại của Anh Ba Sàm, mạng xã hội sẽ chào đón nồng nhiệt ông, một anh hùng thật sự của thời đại thông tin 4.0 ! Bản án dành cho ông là án oan sai dựa trên quá trình tố tụng vi phạm luật nghiêm trọng !" (T.K.)