Anh Ba Sàm : Ngày về của 'một tù nhân bận rộn' (BBC, 05/05/2019)
Trước ngày blogger Nguyễn Hữu Vinh được trả tự do, gia đình ông chia sẻ với BBC rằng ông "đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian ngồi tù để đòi quyền lợi cho tù nhân".
Bìa cuốn sách Anh Ba Sàm của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội năm 2016. Cuốn sách được tái bản, bổ sung năm 2019, ngay trước khi ông Vinh được thả tự do
Cựu thiếu tá công an, nhà báo độc lập, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn gọi là Anh Ba Sàm, dự kiến sẽ được trả tự do hôm 5/5 sau 5 năm tù giam với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
"Anh Vinh nói thời gian ngồi tù với anh là một trải nghiệm, một trường học. Anh ấy ngồi tù mà lúc nào cũng kêu bận", bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, chia sẻ với BBC hôm 2/5.
"Anh ấy vẫn tiếp tục con đường 'khai dân trí' đã lựa chọn. Chỉ có điều lần này là ở trong tù".
'Một tù nhân bận rộn'
"Có ai đi tù mà lại bận như thế không ? Lúc nào gặp, anh ấy cũng nói 'bận quá', 'không đủ thời gian'. Trong 60 phút gặp mỗi lần tôi vào tù thăm anh ấy, chúng tôi gần như không bao giờ có thời gian để nói điều gì riêng tư", bà Minh Hà nói.
Theo bà Minh Hà, trong suốt 5 năm ngồi tù, ông Hữu Vinh giành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, đồng thời viết kiến nghị để đòi quyền lợi cho tù nhân, và giúp những người bạn tù hiểu họ có quyền gì.
Đã có một số kiến nghị của ông Vinh được trại giam giải quyết, cải thiện đáng kể đời sống người tù.
"Anh ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trước phiên phúc thẩm, tôi nhớ anh ấy đã đưa ra hơn 60 kiến nghị viết trong thời gian tạm giam. Từ đó đến nay tôi không thể nhớ và cũng chưa có thời gian tổng kết anh Vinh đã đưa thêm bao nhiêu kiến nghị nữa".
"Riêng trong năm 2017, anh Vinh gửi đi 21 kiến nghị thì có 16 cái được giải quyết. Trong đó có những quyền vô cùng quan trọng như quyền được tiếp xúc với văn bản pháp luật, quyền được có tủ sách, được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu trú".
"Anh ấy chỉ đau đáu là khi ra tù rồi, họ còn tiếp tục thực hiện các quyền đó cho tù nhân hay không. Và các tù nhân có biết quyền của mình để đấu tranh hay không".
Gần ngày mãn hạn tù, ông Vinh "chạy đua với thời gian" để kịp hoàn thành những việc còn dang dở.
Trở về để khai dân trí theo cách 'mềm mại' hơn
Trong lần thăm chồng gần đây nhất hôm 19/4, bà Hà nói khi chia tay, ông Vinh giơ hai bàn tay nắm chặt lên cao, ý nói "Chúng ta sẽ chiến thắng".
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một trong những blogger được nhiều người biết đến trên truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam
Bà Hà kể trong suốt những năm tháng qua ông Vinh làm việc không ngưng nghỉ dù khi tự do hay tù tội. Nên điều bà mong muốn sau khi ông ra tù là được nghỉ ngơi. Sau đó có thời gian để cập nhật tin tức, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
"Muốn khai dân trí thì phải nắm được thông tin. Thời gian ngồi tù các thông tin bên ngoài anh Vinh có được rất hạn chế. Tôi mong anh sẽ lấy lại sức khỏe và có có thời gian đọc sách, xem tin tức".
"Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau này, tiếp tục con đường khai dân trí nhưng anh Vinh sẽ thực hiện theo cách 'mềm mại' hơn, bởi vì anh ấy luôn là một người rất cẩn trọng".
Trước thời điểm bị bắt năm 2014, ông Nguyễn Hữu Vinh là chủ blog Ba Sàm có lượng truy cập lên tới 200.000 lượt mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm, cao hơn nhiều so với nhiều tờ báo chí lúc đó. Ông cũng mở hai trang blog là diendanxahoidansu.wordpress.com (blog "DÂN QUYỀN") và blog chepsuviet.wordpress.com (blog "CHÉP SỬ VIỆT").
Ông Vinh đã đăng tải hàng nghìn bài báo, bài bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội, tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế, thu hút cộng đồng độc giả đọc và bình luận sôi nổi dưới mỗi bài viết.
Cáo trạng năm 2016 nói một số bài viết trên các trang này có "nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân".
Không chỉ viết báo, ông Vinh còn có nhiều hoạt động dân chủ khác, trong đó nổi bật là việc ông cùng một nhóm nhân sĩ trí thức ký bản kiến nghị yêu cầu sửa Hiến pháp 1992 vào năm 2003.
Bà Lê Thị Minh Hà, ông Nguyễn Quang A và nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Đức, ông Martin Patzel, trước phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016
Năm 2016, khi cuốn sách song ngữ 'Anh Ba Sàm' - từng được coi là 'xuất bản phẩm hiếm có của phong trào dân chủ Việt Nam' được bán trên Amazon, bà Hà từng chia sẻ : "Chồng tôi, nếu có phạm tội gì, thì chỉ là tội yêu nước, yêu tự do, và mong muốn đất nước Việt Nam dân chủ hóa, người dân Việt Nam có quyền tự do".
Trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016, nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của nhiều bài chính luận trên mạng xã hội từng bình luận rằng "Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Hữu Vinh có thể 'uẩn khúc' và nhà cầm quyền bối rối trước những người bị bắt... Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội này".
Hành trình đấu tranh đòi tự do cho Anh Ba Sàm
Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Lê Thị Minh Hà từng là bạn học ở trường Sĩ quan An ninh, sau khi kết hôn, cả hai cùng làm trong ngành an an ninh.
"Nhưng tôi từng không thể hiểu hết lý tưởng của anh ấy. Tôi từng chỉ muốn có một gia đình yên ổn, bình thường. Trong khi anh Vinh lại có những suy nghĩ khác, và chúng tôi từng không thể chia sẻ với nhau", bà Hà kể lại.
Trang blog Anhbasam đã đưa nhiều thông tin bị nhà nước cho là "bi quan một chiều"
"Trước đây, tôi không hiểu tại sao lại cần có một tờ báo độc lập để làm gì ? Trong những ngày hỗ trợ anh Vinh trong trại giam, tôi phần nào hiểu anh ấy và công việc của anh ấy".
Để đồng hành với chồng trong suốt những năm ông Vinh bị giam, bà Hà đã từ Đức - nơi bà ở phần lớn thời gian để chữa bệnh - trở về Việt Nam giúp chồng.
"Đây là cuộc đấu tranh pháp lý nên đòi hỏi phải am hiểu pháp luật để khi cần làm việc với chính quyền hay kêu gọi trợ giúp từ quốc tế, mình phải biết để viện dẫn chính xác và thuyết phục. Do đó, tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu phát luật. Bản thân tôi cũng là người được đào tạo trong ngành công an, từng sống ở nước ngoài nhiều năm, nên tôi đặc biệt tôn trọng luật pháp".
"Ban đầu, tôi không hiểu hết những việc anh Vinh làm nên khi anh bị bắt, tôi rất băn khoăn. Tôi không biết mình có thực sự muốn dấn thân vào việc này không, nếu như anh ấy vi phạm pháp luật. Nhưng càng nghiên cứu hồ sơ vụ việc của anh, tôi càng bị thuyết phục rằng anh không làm gì sai", bà Hà chia sẻ.
Để hỗ trợ chồng, Hà đã trở thành 'nhà báo', thành một 'chuyên gia' về luật, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Để chuẩn bị cho cuộc gặp hàng tháng với chồng trong tù, ngoài đồ ăn, sách báo, bà Hà thường tổng hợp và chọn ra các thông tin trong nước và quốc tế nổi bật nhất để thuật lại cho ông Vinh.
"Tôi bao giờ cũng nói trước. Lần lượt điểm các tin, các sự kiện diễn ra thời gian qua để anh ấy nắm được. Sau đó anh ấy sẽ hỏi tôi nếu cần thiết. Rồi đến lượt anh ấy đọc lại cho tôi những điều muốn truyền đạt. Có thể là đọc một bài thơ anh sáng tác. Hoặc các kiến nghị, giải pháp.... Tôi ghi chép liên tục rồi về nhà gõ lại trên máy tính. Cứ như thế suốt mấy năm nay".
Bên cạnh đó, bà Minh Hà cũng đi vận động tại nhiều nước và gặp gỡ đại diện Liên Hiệp Quốc trong việc kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Hữu Vinh.
Chỉ muốn đón Anh Ba Sàm 'trong yên lặng'
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh nói với BBC hôm 2/5 rằng trước đó một cán bộ trại giam tên Lượng nói với bà và ông Vinh rằng nếu chỉ có gia đình đi đón thì trại giam sẽ thả ông Vinh ở cổng Trại 5, còn nếu có người đi theo mang băng rôn, biểu ngữ thì trại giam sẽ "thả ông Vinh ở một giữa đường vắng một cách bất ngờ".
Sự việc này, theo bà Hà, đã khiến ông Vinh và cả gia đình lúc đó hết sức lo lắng.
"Là người được đào tạo chính quy tại Đại học An ninh Nhân dân và đã tìm hiểu kỹ lưỡng pháp luật hiện hành, tôi cho rằng sau khi chấp hành xong bản án thì ông Vinh phải được trả tự do ngay tại cổng trại giam. Nơi đó, trên mảnh đất tự do, ông Vinh có quyền tiếp xúc với các công dân khác đang thực hiện các quyền hiến định...", bà Hà viết trong đơn gửi các cấp liên quan về vụ việc.
Bà Hà nói bà đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được để hỗ trợ chồng nên hiện giờ, khi chỉ còn vài ngày nữa ông Vinh được tự do, bà thấy mạnh mẽ, bình tâm.
"Chúng tôi chỉ muốn đón anh trong yên lặng. Nhưng tôi không thể ngăn được nếu bạn bè, những người muốn ủng hộ anh Vinh muốn đến để chào đón anh", bà Hà nói với BBC.
Anh Ba Sàm là ai ?
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh ngày 15/9/1956.
Cha ông Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Giám đốc Công an Liên khu 4, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
1979 : Ông Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan An ninh, cùng khóa với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
1984 : Ông Vinh được luân chuyển sang Ban Việt kiều Trung ương sau khi làm việc tại Tổng cục An ninh trong 5 năm
1996 - 1998 :Ông Vinh học luật tại Đại học Luật Hà Nội và tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội.
2000 : Ông Vinh chính thức rời khỏi ngành công an và mở dịch vụ thám tử tư, được coi là dịch vụ độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ
09/09/2007 : Ông Vinh mở trang blog Ba Sàm
05/2014 : Ông Vinh bị bắt và bị buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
05/05/2014 : Ông Vinh và cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
23/03/2016 : Ông Vinh bị tòa tuyên án 5 năm tù giam.
Mỹ Hằng
****************
Trang web phản động (VNTB, 05/05/2019)
Những nhà độc tài thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù ; đến nỗi gian hùng Tào Tháo đang ngủ vung kiếm chém kẻ thù trong giấc mơ hay giết cả gia đình ân nhân mổ heo đãi mình.
Biên bản tạm giữ tài sản, đồ vật của Anh Ba Sàm - Ảnh minh họa
Với bản chất độc tài, mặc dù đảng Cộng sản độc quyền quản lý nhà nước và xã hội nhưng họ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch ; đến nỗi xu thế phát triển xã hội bất bạo động, diễn ra một cách hòa bình cũng bị thù địch hóa thành "thế lực diễn biến hòa bình" vô hình. Thậm chí những "khẩu hiệu", "trang web" cũng trở thành phản động.
Trước đây tôi đã viết bài "Khẩu hiệu phản động "(1) đăng trên AnhBaSam, Bauxite. Bài viết "Trang web phản động " này kỷ niệm ngày AnhBaSam ra khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục "PHÁ VÒNG NÔ LỆ". AnhBaSam - Nguyễn Hữu Vinh ; một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an hinh hiếm hoi được cộng đồng kính trọng.
Ngày 15/01/2013 tôi bị tên Trương Quang Rân, phó phòng PA83 công an tỉnh Quảng Ngãi bắt, thu giữ laptop và nhiều tài nguyên thông tin, tài sản trí tuệ của bản thân(2).
Công an kiểm tra trong laptop có các tài liệu, bài viết, đường link từ các trang web như RFA, BBC, Bauxite, AnhBaSam, DanLamBao, QuanLamBao, .v.v…
Vậy là cơ quan công an bắt tôi làm việc suốt 4 tháng 01 ngày với nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và tổ chức đấu tố để buộc tội dưới sự lãnh đạo của Bí thư Võ Văn Thưởng.
Phần dưới đây tóm tắt một "chuyên đề" làm việc với các anh an ninh (AN) và Tôi :
***
AN : Tại sao anh xem các trang báo đài phản động nước ngoài ?
Tôi : Trang nào phản động ?
AN : Chẳng hạn như RFA, BBC…
Tôi : Tôi đâu có thấy cơ quan chức năng nào nói phản động, cấm vào xem đâu ; tôi thấy báo chí trong nước thỉnh thoảng cũng trích đăng tin, bài trên đó mà.
AN : Anh thường xuyên vào các trang web như Bauxite, AnhBaSam… là các trang phản động, đưa tin tức bôi nhọ, nói xấu chủ trương chính sách của đảng, nhà nước… tại sao ?
Tôi : Tôi thấy các trang này cung cấp thông tin đa dạng ; không thấy họ nói xấu cái gì cả. Với lại trang Bauxite của các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng là những nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng ; còn trang AnhBaSam, thì theo tôi biết là của ông Nguyễn Hữu Vinh là một sĩ quan an ninh. Nếu các trang web này phản động (1) thì nhà nước phải có văn bản cấm và bắt những người chứa các trang web này chứ. Tôi là dân, cái gì nhà nước không cấm thì tôi được làm.
AN : Anh nói nếu các trang nào mà nhà nước cấm thì anh không vào xem, tham gia ?
Tôi : Cái gì luật pháp cấm thì tôi không làm.
AN : (hỏi có vẻ thích thú) Vậy tại sao anh vào xem các trang "Dân làm báo", "Quan làm báo"... những trang này nhà nước đã có văn bản 7169 (2) cấm xem, được thông báo rộng rãi trên báo đài và tivi. Anh có biết văn bản đó không ?
Tôi : Tôi có biết, nhưng tôi không quan tâm.
AN : Tại sao ? vậy là anh có thừa nhận vi phạm không ?
Tôi : Thứ nhất, đây chỉ là một văn bản chỉ có giá trị trong nội bộ các bên gởi và nhận ; không phải văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai : tôi không thuộc đối tượng áp dụng của văn bản ; tôi không phải cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Nên tôi không quan tâm tới văn bản 7169 này và cũng không thấy vi phạm.
…
(hai bên nói chuyện một hồi nữa rồi chuyển qua "chuyên đề" khác)
***
Chúc mừng AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh ra tù, rất mong anh sẽ tiếp tục "PHÁ VÒNG NÔ LỆ". Mặc dù từng là một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an ninh nhưng AnhBaSam đã đưa tin đa chiều, khách quan, trung thực hướng tới một xã hội phát triển nên anh Nguyễn Hữu Vinh xứng đáng được cộng đồng tôn trọng.
Có dịp nói chuyện với các anh an ninh, tôi sẽ hỏi : nếu chỉ có 2 chọn lựa cuộc đời của mình, kết cục sẽ giống như Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoặc AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh, buộc phải chọn duy nhất một trường hợp, thì anh (chị, bạn) sẽ chọn giống ai ?
Đỗ Thành Nhân
Ghi chú :
(1) Tra Google bài viết "Khẩu hiệu phản động" đăng trên các trang :
https://www.facebook.com/dotnhanvn/posts/1856594267897084
https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/25/9729-khau-hieu-phan-dong/
https://boxitvn.blogspot.com/2016/08/khau-hieu-phan-ong.html
(2) Giai đoạn này ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, nay là Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cho đến nay cơ quan công an vẫn không chịu giao trả đầy đủ tài sản lại cho tôi giá trị hàng tỷ đồng. Ít nhất đã 3 lần tôi gởi đơn cho ông Võ Văn Thưởng đề nghị giải quyết nhưng vẫn không trả lời, hoặc đối thoại ; mặc dù ông ta cứ hô hào chỉ đạo cấp dưới đối thoại.
(3) Lúc đó trang Bauxite chưa có ông Phạm Xuân Yêm ; còn anh AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh thì chưa bị bắt.
(4) Văn bản số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ ký ngày ngày 12/09/2012, V/v xử lý thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.
"… Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau :
1. Giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm ; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật. Khẩn trương trình Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
3. Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.
4. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện".
******************
An ninh ngăn chặn người đến đón và thăm Anh Ba Sàm vừa mãn hạn tù 5 năm (RFA, 05/05/2019)
An ninh đã được huy động đến nhà của Anh Ba Sàm - tức Nguyễn Hữu Vinh, ở Hà Nội sau khi ông mãn hạn tù 5 năm trở về nhà.
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm – phải) và luật sư Trần Đình Triển, ngày 5/5/2019 trước cổng Trại giam số 5, Thanh Hoá. Ảnh : Lê Thị Minh Hà/Luật Khoa.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới và các bài viết về dân chủ, nhân quyền vừa mãn án 5 năm tù giam và ra khỏi trại giam vào chiều ngày 5/5/2019.
Trên trang facebook Phan Trí Đỉnh, một người hiếm hoi được có mặt ở nhà Anh Ba Sàm vào chiều ngày 5/5, blogger Anh Ba Sàm đã lên tiếng cảm ơn mọi người đã quan tâm và cho biết anh vẫn khoẻ, đồng thời cũng cho biết nhà của blogger bị an ninh ngăn chặn rất kỹ.
Chiều ngày 5/5, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang facebook cá nhân, cho biết ông cũng bị an ninh chặn khi mang hoa đến tặng Anh Ba Sàm.
Trước khi Anh Ba Sàm được mãn hạn tù, vợ anh là chị Lê Thị Minh Hà cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã nói với chị là sẽ không để các bạn bè của Anh Ba Sàm đến đón anh theo kiểu "Trống giong cờ mở" và doạ nếu gia đình vẫn làm như vậy thì họ sẽ thả Anh Ba Sàm ở giữa đường, nơi vắng vẻ.
Từ ngày hôm trước khi Anh Ba Sàm được tự do, một số nhà hoạt động viết trên Facebook cá nhân, cho biết họ được an ninh đến tận nhà "khuyên" và ngăn không cho đi đón blogger Anh Ba Sàm
Sau khi mãn hạn trở về, Anh Ba Sàm đã trả lời Luật Khoa Tạp Chí và cho biết trước khi ra tù, an ninh đã đến phòng giam của anh và đòi thu giữ khoảng 1.000 trang tài liệu mà blogger đã viết, bất chấp sự phản đối của blogger.
Ông Vinh và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp vào ngày 05/5/2014 và phải đến 2 năm sau ngày 23/3/2016 mới đem ra xét xử sơ thẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù giam với cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS năm 1999.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị tuyên 3 năm tù giam với cùng tội danh.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan An ninh điều tra xác định, từ khi được lập đến khi ông Vinh, bà Thúy bị bắt, blog "Dân quyền" do 2 người quản trị đã đăng 2.014 bài, 38.567 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập.
Blog "Chép sử Việt" đã đăng 383 bài, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định nội dung các bài viết.
Kết luận giám định do Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an trưng cầu cho thấy, có 24 bài viết được cho là "có nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, cơ quan, tổ chức".
Ngoài ra, các bài viết này cũng được nói là "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước".
Nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án của blogger Anh Ba Sàm được chỉ ra như : sau khi 2 người bị bắt 9 ngày sau Viện Kiểm sát nhân dân mới phê chuẩn quyết định bắt người hay 2 công ty FPT và VDC bí mật theo dõi và lấy trộm dữ liệu thông qua đường truyền Internet của ông Vinh, bà Thuý một cách trái pháp luật ; dữ liệu này sau đó được làm căn cứ để khởi tố vụ án...
*******************
Công an ngăn chặn giới hoạt động đón Anh Ba Sàm ra tù (Người Việt, 04/05/2019)
Dự trù hôm 5/5, ông Nguyễn Hữu Vinh, thường được biết đến với biệt danh Anh Ba Sàm, blogger và là cựu sĩ quan an ninh, mãn hạn 5 năm tù.
Công an ngăn chặn giới hoạt động đón Anh Ba Sàm ra tù
Là chủ trang web Ba Sàm, ông Vinh được ghi nhận là một trong những người tiên phong "khai trí" cho người dân Việt Nam về tình xã hội, dân chủ và nhân quyền trên mạng Internet.
Ông bị bắt ngày 5/5/2014, tại một chung cư ở quận Tây Hồ, Hà Nội nhưng 5 ngày sau thì gia đình mới nhận được thông báo từ công an.
Hồi tháng 3/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Vinh 5 năm tù với cáo buộc "Bôi nhọ, xuyên tạc sự thật nhà nước".
Các bài viết được nhiều người đọc của ông Vinh bị chính quyền cộng sản Việt Nam coi là sai trái bao gồm : "Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi", "Tín nhiệm hay còn ai tín nhiệm nữa", "Không còn đảng, không còn mình – Không còn đảng, mình vẫn còn", "Khởi công xây dựng mộ treo thứ hai cho Hồ Chí Minh", "Ủng hộ thủ tướng thay đổi thể chế"…
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh cho biết trên trang cá nhân rằng trong những ngày cuối cùng ở tù, ông Vinh bị giam trong khu giam riêng K3, Trại Giam số 5,Thống Nhất, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Bà cũng tố cáo chuyện một cán bộ của Trại Giam số 5 đe dọa gia đình : "Nếu chỉ những người trong gia đình đi đón ông Vinh [hôm 5 tháng Năm] thì chúng tôi sẽ trả ở cổng chính. Còn nếu có đông người giăng cờ, biểu ngữ, trại sẽ phải tính toán thả [ông Vinh] trên đường vắng một cách bất ngờ nhất…".
Hôm 4/5, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội viết trên trang cá nhân : "Đoàn Thị Hương là ai, là một ngôi sao, một anh hùng làm rạng danh đất nước ? Vui mừng cô ấy thoát án không có nghĩa là chào đón cô ấy như một người anh hùng. Cùng lúc đó an ninh Hà Nội dốc toàn lực lượng ngăn chặn, cấm đoán dân đón ông Nguyễn Hữu Vinh một người đấu tranh cho dân chủ tự do, chủ quyền lãnh thổ, mãn hạn tù. Chỉ tính riêng mình tôi đã có bốn viên an ninh canh gác. Đất nước có bao giờ mạt như thế này không ?".
Một số nhà hoạt động, bloger khác ở Hà Nội cũng xác nhận tin họ bị công an canh cửa nhà để ngăn việc hẹn nhau đi đón ông Vinh, dù hôm 4/5, thủ đô có mưa to.
Trong khi đó, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng mô tả trên Facebook rằng việc ngăn cản đón cựu tù nhân lương tâm "đương nhiên và không mới". Bà viết : "Lúc tống người ta vào tù, chúng nó không muốn người tù thấy cả bạn bè lẫn ‘người dưng’ đến cổ vũ họ. Đến khi họ ra tù, chúng nó vẫn không muốn bạn bè lẫn ‘người dưng’ đi đón rước họ như đón người chiến thắng trở về. Chúng nó vây đánh người đi đón, chở người tù ra chỗ vắng vẻ, ‘vứt’ họ ở đó. Nhân đạo của chúng nó là thế đấy".
Luật Sư Trần Vũ Hải, người từng tham gia bào chữa cho ông Vinh trong phiên tòa hồi năm 2016, bày tỏ : "Tôi hy vọng báo chí Việt Nam và quốc tế quan tâm đến sự trở lại của Anh Ba Sàm, mạng xã hội sẽ chào đón nồng nhiệt ông, một anh hùng thật sự của thời đại thông tin 4.0 ! Bản án dành cho ông là án oan sai dựa trên quá trình tố tụng vi phạm luật nghiêm trọng !" (T.K.)
Số lượng học sinh Việt Nam sang Canada du học tăng mạnh trong năm 2018 (RFA, 17/04/2019)
Con số sinh viên Việt Nam sang du học tại Canada trong năm 2018 đã tăng 46% lên hơn 20.000 người, đứng vị trí thứ 5 trong số những nước có nhiều học sinh đến học ở Canada nhất. Văn phòng Giáo dục Quốc tế Canada trích thống kê của Cơ quan người tị nạn và công dân Canada cho biết như vậy hồi tháng trước.
Học sinh trung học Việt Nam đứng cạnh một poster quảng cáo du học ở Hà Nội hôm 4/10/2016 - AFP - Hình minh họa.
Theo báo cáo mới, con số sinh viên Việt Nam ở Canada tăng nhanh nhất trong số các sinh viên nước ngoài và hiện chiếm hơn 3.5% tổng số sinh viên nước ngoài tại đây.
Các nước dẫn đầu về số sinh viên du học ở Canada là Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Hàn và Pháp.
Theo thống kê của chính phủ Canada, tính đến cuối năm 2018, có hơn 572.000 sinh viên nước ngoài có giấy phép du học ở Canada, tăng 16% so với năm trước đó.
Hiện Canada là một trong ba nước được nhiều học sinh Việt Nam chọn du học nhất. Hai nước kia là Nhật Bản và Mỹ.
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, Canada thường được xem là nơi đến an toàn hơn so với Mỹ vì chính sách nhập cư hấp dẫn hơn.
Theo thống kê của viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ vào năm ngoái, có khoảng hơn 24.000 sinh viên việt nam hiện đang học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ niên khóa 2017 – 2018.
*****************
Tù chính trị ‘Anh Ba Sàm’ trước ngày mãn án 5/5/2019 (RFA, 16/04/2019)
Gia đình nhà báo Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh đang rất lo lắng khi có nhiều chuyện không bình thường xảy ra đối với anh tại trại K3 thuộc Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy trước phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 22/9/2016. AFP photo
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 4 năm 2019, bà Lê Thị Minh Hà, là vợ anh Nguyễn Hữu Vinh cho biết như sau :
"Tôi bị ốm phải điều trị bên Đức, cho đến khi tôi về thì tôi có vào thăm Anh ấy hôm 27/1/2019. Sau buổi thăm gặp bình thường ấy thì có một cán bộ tên Lượng, cho tôi số điện thoại đàng hoàng, có nói với tôi là, việc đón anh Vinh, nếu chỉ các thành viên gia đình thôi thì chúng tôi sẽ thả anh Vinh ở cổng trại giam, cái kiểu nói rất xách mé. Còn nếu có ‘trống giăng cờ mở’, nói rất là chung chung như thế, thì chúng tôi buộc phải thả anh Vinh theo cách khác, chẳng hạn thả ở quãng đường nào vắng vẻ. Khi nghe xong tôi rất là ngạc nhiên".
Bà Lê Thị Minh Hà cho biết, đã viết thư để hỏi Trại giam số 5 về điều mà bà cho là đe dọa như thế. Tuy nhiên trong văn bản trả lời, trại giam bác bỏ. Bà nói :
"Tôi khá là bất ngờ, với ai thì họ có thể nói năng như thế, hoặc họ quen như thế, nhưng với tôi và anh Vinh là những người được đào tạo bài bản, mà đặt vấn đề rất là vi hiến như thế thì tôi không thể chấp nhận được. Tôi đã gởi mọi nơi có thể để bảo vệ anh ấy với khả năng của mình để tránh khỏi mọi âm mưu ám hại… mình không thể biết trước những gì họ sẽ làm… Trong khi họ làm văn bản gởi cho tôi chối phắt coi như chuyện ấy không hề xảy ra".
Vào ngày 3/4 anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh có gọi cho bà Hà và cho biết, người cán bộ tên Lượng lại gặp ông và có lời lẽ như đã nói với bà Hà. Khi trao đổi với chúng tôi, bà Hà cho biết sau khi gởi đơn đi tất cả các nơi thì có một nữ cán bộ xưng là phó giám thị trại giam đến gặp ông Vinh và khi ông này đề cập đến chuyện bị cán bộ Lượng có lời lẽ ‘đe dọa’ như vừa nêu thì người nữ cán bộ tỏ ra dường như không biết gì, và chỉ nói là đó là việc riêng của anh Vinh với cán bộ tên Lượng chứ trại giam không chịu trách nhiệm.
Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 4 năm 2019 liên lạc vị cán bộ tên Lượng 2 lần để hỏi về trường hợp Anh Nguyễn Hữu Vinh, một lần thì ông không nhận mình tên Lượng, tuy nhiên lần hai thì ông không chối bỏ mình là cán bộ trại giam :
"Anh nói đi… Tôi không biết… không biết… Tôi không biết nhe".
Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Bà Lê Thị Minh Hà cũng cho biết đã gởi thư đến nhiều nơi như Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Công An… về việc đe dọa trả tự do ông Vinh ở nơi vắng vẻ… thì sau hai ngày nhận được phản hồi từ nhiều nơi, tuy nhiên nội dung thống nhất cùng với nội dung của cục C10, do trung tướng Hồ Thanh Bình cho biết là đã chuyển hồ sơ của bà đến trại giam… và ngày đó… không có chuyện đe dọa xảy ra ! Ông Bình cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm đúng bộ luật thi hành án. Bà Hà nói tiếp :
"Tôi thấy như thế cũng không thỏa đáng, vì người ta làm ra chuyện đấy, nói ra câu chuyện đấy… và tôi đã tạo cho họ cơ hội sửa sai, mà tôi không nhận được sự sửa ai nào. Mà tôi chỉ nhận được văn bản chối phắt mọi chuyện. Đó là hiện trạng của anh Vinh hiện nay".
Một sự việc khác cũng khiến bà Lê Thị Minh Hà lo lắng, là khi bà vào trại thăm ông Vinh, được ông kể lại vào ngày 9/12/2018, có một người mặc quân phục công an vào nói chuyện, mà theo quy định thì người vào nói chuyện như thế phải được phép của trại giam. Tuy nhiên nhiên nội dung người công an này nói đã làm cho gia đình bà rất lo lắng :
"Sau khi nói chuyện thì người này để lại một phong bì và chào theo đúng kiểu điều lệnh. Trong cuộc gặp kéo dài 1 tiếng rưỡi thì nội dung ngoài nói vòng vèo thì có đề cập vấn đề khi ra tù thì Anh Vinh nên ủng hộ bạn mình là ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói nguyên văn như thế".
Bà Hà cho biết, qua hai sự việc trái ngược nhau như trên, thì ông Vinh và bà đều thắc mắc, là công an mặc quân phục đúng là người của ông Tô Lâm ? Hay không phải người của ông Tô Lâm và kịch bản như thế có thể để vừa hại ông Tô Lâm vừa hại cả anh Vinh, mới giăng bẫy như thế. Theo bà Hà, nếu không, sao lại có chuyện xử lý trong trại như thế ?
Theo bà Hà cho biết Bộ trưởng Tô Lâm và nhà báo Nguyễn Hữu Vinh là bạn cùng học tại Đại học An ninh Nhân dân trong những năm 1970.
Bà Hà cũng cho biết, qua lần thăm gần đây nhất, sức khỏe và tinh thần ông Nguyễn Hữu Vinh tốt, bình thường không có vấn đề gì.
Từ năm 2007, trang Blog Anh Ba Sàm của blogger Nguyễn Hữu Vinh, chuyên cập nhật và post lên những tin bài thời sự xã hội trong nước, trở thành trang báo mạng có nhiều người truy cập.
Những bài trên Anh Ba Sàm thường được báo chí người Việt ở nước ngoài trích đăng lại như một nguồn đáng tin cậy.
Tháng 5 năm 2014, khi ông Tô Lâm đang là thứ trưởng Bộ Công an, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành bắt giam ông Nguyễn Hữu Vinh cùng người cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy về tội lợi dụng tự do - dân chủ để đưa những bài bị cho là nói xấu Đảng và Nhà nước lên trang Anh Ba Sàm cũng như hai trang Dân Quyền và Chép Sử Việt.
Phiên tòa sơ thẩm tháng Ba năm 2016 đã chiếu theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự để tuyên án 5 năm tù giam đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm tù giam đối với bà Lê Thị Minh Thúy. Tháng Chín 2016, tòa phúc thẩm giữ y án tòa dưới, ông Nguyễn Hữu Vinh vẫn bị 5 năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy vẫn 3 năm tù.
Trung Khang
*************
Khởi tố người ngoại quốc vận chuyển 15kg sừng tê giác vào Việt Nam (RFA, 16/04/2019)
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Hà Nội vừa tiến hành khởi tố và bắt tạm giam một người nước ngoài vì đã vận chuyển 15 kg sừng tê giác trái phép bằng đường hàng không từ Châu Phi về sân bay Nội Bài hôm 11/4 vừa qua.
Người nước ngoài không công bố quốc tịch đang viết tường trình với lực lượng chức năng. Courtesy of Tổng cục Hải quan
Trang mạng của Tổng cục Hải quan loan tin hôm 16/4 cho biết lực lượng chức năng tình nghi người đàn ông đàn ông có quốc tịch nước ngoài không được công bố và đã tiến hành kiểm tra hành lý của ông tại sân bay Nội Bài.
Quá trình khám xét cho thấy 15kg sừng tê giác bị cắt nhỏ, gói trong các bọc giấy bạc và cất giấu chung với các túi bánh, hộp sữa bột trong một va ly lớn.
Sau khi bàn giao hồ sơ, tang vật, người nước ngoài cho Công an Hà Nội, nguồn tin của Cơ quan Hải quan cho biết Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam người nước ngoài ngay sau đó.
Việt Nam và Trung Quốc hiện là một trong hai thị trường lớn nhất thế giới về tiêu thụ sừng tê giác.
Với giá lên tới hàng tỷ đồng cho mỗi kg, sừng tê giác được nhiều người tin có thể chữa được nhiều loại bệnh bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã khẳng định sừng tê giác chỉ được cấu thành từ chất keratin, là một loại protein tạo ra móng và tóc của con người.
Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) xác định sừng tê giác là mặt hàng bị cấm buôn bán. Việt Nam tham gia ký kết công ước này và có luật xử phạt những đối tượng vi phạm. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, gần đây những vụ buôn lậu ngà voi, vảy tê tê với số lượng lớn tiếp tục bị phát hiện.
*******************
Malaysia bắt hai người Việt buôn lậu cơ phận động vật hoang dã (RFA, 16/04/2019)
Cơ quan chức năng Malaysia vừa bắt giữ hai người Việt bị nghi săn bắt trộm và thu giữ một số cơ phận hổ, gấu.
Hình chụp ngày 10/04/2019 : bộ đội biên phòng Việt Nam thu giữ tấm da hổ và xương hổ ở tỉnh Quảng Ninh - AFP
AFP loan tin ngày 16 tháng 4 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên Malaysia, Xavier Jayakumar. Theo đó thì hai nghi phạm người Việt, một người 25 tuổi và một người 29 tuổi, bị bắt vào ngày 15 tháng 4, tại một công viên quốc gia ở bang Terengganu.
Cả hai cũng bị nói đang sở hữu một số móng, răng hổ Malaysia ; cũng như móng, răng gấu và heo rừng. Họ bị bắt với những dụng cụ săn thú gồm mã tấu, rìu, dây làm bẫy.
Bộ trưởng Xavier Jayakumar cho biết hổ Malayan đang phải đối diện nạn tuyệt chủng dù trước đây trong rừng Malaysia có đến hằng ngàn con.
Ngoài hổ Malayan thì rừng Malaysia còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quí hiếm từ voi cho đến tinh tinh. Tất cả là đối tượng của những kẻ săn thú bất hợp pháp.
Ngày 2/10/2018, chị Lê Thị Minh Hà – vợ là là người bạn đồng hành, giúp đỡ và bảo vệ nhà báo- người tù nổi tiếng Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh sẽ phải xạ trị theo chỉ định của giáo sư, bác sĩ khoa phẫu thuật thần kinh của một trong những bệnh viện đứng hàng đầu trên thế giới.
Phiên xử Anh Ba Sàm ngày 23/03/2016 - Chị Lê Thị Minh Hà (ngồi phía sau, bên phải)
Hà không chắc chắn rằng sau đợt xạ trị này chị còn gượng dậy được mà về Việt Nam lo cho anh Vinh hay không.
Hà bình tĩnh và thản nhiên trước tính mạng mình- lẽ vô thường của cuộc sống. Điều mà Hà lo lắng trước khi nằm xuống xạ trị là khi không có chị, anh Vinh sẽ không có ai hỗ trợ khi cán bộ trại giam vi phạm luật thi hành án. Có những kiến nghị về những văn bản đã và đang có hiệu lực pháp luật còn phải tiếp tục. Rất đáng lo ngại là bệnh của anh có nguy cơ không được cứu chữa kịp thời trong tình trạng giam giữ rất ngặt nghèo của trại giam Việt Nam và đặc biệt đối với những Tù nhân nhân quyền.
Những đợt khủng bố và bắt giam người biểu tình gần đây. Việc những tù nhân lương tâm khác tố cáo là bị đánh đập, ép buộc trong tù dẫn đến việc họ phải tuyệt thực, cũng như những bản án quá sức nặng nề đối với những người chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường qua vụ Forrmosa xả độc càng khiến chị thêm lo lắng.
5/5/2019 là kết thúc bản án 5 năm giam giữ Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm khác từ trước đến nay tại VN, Vinh hoàn toàn vô tội. Nếu Việt Nam là nhà nước pháp quyền như họ đã tuyên bố, thì những người đã bắt giam, điều tra truy tố xét xử anh đều phải đền bù danh dự và thiệt hại cho anh. Chính họ mới là những người phải ngồi tù, căn cứ vào HIến pháp và Luật Việt Nam.
Trong bản ghi chép vội vàng của chị Hà qua vài chục phút thăm nuôi ngắn ngủi và bị kiểm soát gắt gao, anh Vinh dặn rõ : "Anh xác định những năm ngồi tù là tiếp tục một cuộc đấu tranh mới, trong một trường học mới, dù có thể bị tổn hại đến tính mạng nhưng không lùi bước, không bi quan và chuẩn bị tinh thần tiếp tục sứ mệnh khai dân trí của một nhà báo độc lập sau khi ra tù".
Tâm sự của chị Lê Thị Minh Hà trước khi xạ trị là của người đã vượt qua giới hạn của một cá nhân chỉ nghĩ đến sự sống chết của chính mình. Sự mở rộng trái tim và tâm hồn của chị tỉ lệ thuận cùng thời gian chị đồng hành với Anh Ba Sàm đang gắng gỏi sống và đấu tranh cho sự nghiệp Khai dân trí – Thoát vòng nô lệ :
Võ Thị Hảo : Trước khi sang đây chữa bệnh, công việc mà chị đang dồn sức giúp anh Vinh là gì, thưa chị ?
Lê Thị Minh Hà : Còn ở tù ngày nào, anh Vinh cũng nhấn mạnh : xác định rõ : sẽ tận dụng hết thời gian, công sức và bằng mọi cách trong tù để phát hiện những sai phạm, bất hợp lý trong nhà tù cho Bộ CA và các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa chữa và hoàn thiện hy vọng trả lại cho nhà tù đúng nghĩa : giáo dục cái tạo phạm nhân để trở về hoà nhập với đời sống cộng đồng. Không một lời xin xỏ hoặc tận dụng mối quan hệ thân quen, thậm chí Ba Sàm còn "gửi lời cảm ơn các bạn học như Thuận 'Chéc' (Cục trưởng An ninh mạng), Chí Thành, và các bạn giữ cương vị lãnh đạo Tổng cục An ninh và An ninh điều tra đã ra lệnh, chỉ đạo khám xét, bắt giam buộc tội Nguyễn Hữu Vinh. Việc làm đó đã vô tình phong thánh và nâng giá trị của Nguyễn Hữu Vinh lên dù chưa được vậy".
Võ Thị Hảo : Từ khi anh Vinh vào tù, ngoài chị và các con, có ai còn có thể giúp đỡ thay chị khi chị đang chữa bệnh ?
Bà Lê Thị Minh Hà gặp gỡ ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức năm 2014 để vận động sự ủng hộ cho Anh Ba Sàm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lê Thị Minh Hà : Nhiều người trước đây thân thiết nhưng do sợ liên lụy mà tránh xa. Tôi vẫn vững lòng vì những gì Vinh đã viết, đã làm là đúng, là dũng cảm, vì đất nước. Tôi trưởng thành lên, dấn thân vì anh, vì các con và vì quyền lợi chung của đất nước.
Tôi nhớ trong lời cuối cùng trước khi chủ toạ phiên toà phúc thẩm đọc bản tuyên án Vinh nói " Tôi vô cùng tự hào về 7 năm làm báo và 2 năm trong tù…". Trong tù, Vinh không sợ hãi, thậm chí còn tham gia đấu tranh cho quyền lợi của những người tù và còn nuôi chí lớn. V đọc sách báo, hành thiền, làm từ thiện, viết kiến nghị lên thủ tướng, chủ tịch nước, bộ trưởng công an…
Tôi yếu vì đã mổ não 12 năm, chỉ còn một mắt và đang điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thường xuyên phải bay đi lại giữa Đức- Việt Nam - Hà Nội – Trại giam B14 Thanh Hóa. Chưa kể chi phí đi lại, thăm nuôi anh Vinh, theo yêu cầu của anh Vinh muốn giúp đỡ bạn tù vì họ bị kết án rất nặng và hoàn cảnh khó khan, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh than, gia đình tôi có mua thêm văn phòng phẩm thực phẩm, thuốc men, sách báo, gửi thêm tiền lưu ký, trò chơi giải trí để anh Vinh chia cho các tù nhân khác. Ngoài ra, còn lo toan chi phí cho gia đình và chi phí tối thiểu mời luật sư, theo dõi hồ sơ, gửi kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp…Những nhu cầu tinh thần và vật chất Những chuyến đi quốc tế, những phiên điều trần trước Nghị viện Đức... để vận đông trả tự do cho anh, mỗi chuyến đi và về luôn phải xác định khả năng xấu nhất phải làm gì ?... Chỉ sợ mình không còn sức khoẻđể chăm sóc các con và thăm nuôi anh Vinh cho đến khi anh được trả tự do.
Võ Thị Hảo :Được biết, trong tù có lần anh Vinh đã bị chảy máu cả tuần, đến kiệt sức nhưng quản lý trại giam vẫn không cho đi bệnh viện, đến mức chị phải chạy đôn đáo để cứu anh bằng hàng chục đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đích danh các vị lãnh đạo cao nhất của hệ thống tư pháp, lập pháp và hành pháp thì anh Vinh mới miễn cưỡng được đưa đi khám. Đó là lối hành xử phạm pháp, rất tàn nhẫn, như một sự "ám sát" tù nhân. Phải chăng chị rất lo việc đó sẽ lại xẩy ra, vì bệnh của anh Vinh chưa dứt, trước khi chị buộc phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ ?
Lê Thị Minh Hà : Tôi không biết sau đợt xạ trị này, tôi có còn sức để trở về Việt Nam giúp cho anh Vinh, hỗ trợ anh cho đến ngày anh ra tù không, cầu mong làm được vậy thì trọn vẹn và sau đó tôi sẽ dành thời gian cho việc chữa trị tiếp và sẽ không làm phiền ai, tôi luôn mong ước như thế vì tôi luôn bị ám ảnh vì những việc xảy ra với anh :
Ngày 25 Tết Âm lịch năm 2016, tôi đến trại theo lịch thăm gặp và mang quà tết cho anh và mọi người, Vinh nói chuyện mà mặt xanh mướt như người sắp chết, dưới chân anh là máu chảy. Tôi hỏi tại sao thì anh nói rằng bị ra máu đằng hậu môn mấy ngày rồi, xin đi khám thì quản giáo không cho. Máu cứ tiếp tục chảy thế này, không có thuốc cầm máu qua Tết trạm xá trại nghỉ đến tận mồng 6 mới khám thì chắc chết rồi. Vinh dặn tôi ra tết thăm sớm đừng chờ đến cuối tháng xem anh còn sống không. Với sự thờ ơ của trại trước bệnh tình nguy cấp của anh Vinh, tôi vội hỏi bác sĩ và tìm bằng được thuốc cầm máu gửi lại trại cho anh.
Sau chút choáng váng trên xe nghĩ ngay đến việc làm sao để cứu anh ? Ngay khi vừa đặt chân tới nhà tôi lập tức làm đơn "Kêu cứu khẩn cấp" và nhờ dịch ra Tiếng Anh chuyển gấp tới các cơ quan quốc tế, kịp gửi bưu điện trước khi nghỉ tết và đem đơn, đập cửa các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao nhất trước khi họ nghỉ tết. Suốt tết, chờ một cuộc điện thoại của trại thông báo tin xấu, và ra tết đi thăm ngay, suốt dọc đường luôn nghĩ : Có thể bệnh nặng quá không ra được hoặc sẽ nhận thông báo của trại làm thủ tục nhận xác. Anh kể : Ngày thứ năm (9/2/2017) cán bộ trại và bác sĩ của trại đưa đi khám bệnh tại khu dành cho phạm nhân tại bệnh viện Ngọc Lặc. Đã có hẹn nhưng tới nơi bác sĩ khoa nội soi và siêu âm đi vắng, phải chờ rất lâu nên cán bộ trại giam và bệnh nhân đều rất mệt.
Khi gặp bác sĩ : Chỉ khám qua loa, không hỏi bệnh nhân, không in ra kết quả, loanh quanh cho tới khi bác sĩ trại giam phải nhắc, tìm không thấy kết quả, ghi vào sổ y bạ mới kết luận : Trĩ ngoại độ 2 phải độ 3 mới khám điều trị… Chỉ được thuốc cầm máu tạm thời, không rõ nguyên nhân có cơ sở khoa học. Sau khi đi khám về, cán bộ Tuyến đội trưởng trinh sát lại đưa biên bản nhưng ông Vinh không ký vì việc khám qua loa đại khái. Bác sĩ không ký tên và đóng dấu, không ghi đơn thuốc, nguyên nhân chảy máu bất thường chưa có chẩn đoán chính xác và không có người chịu trách nhiệm.
Uống thuốc cầm máu do gia đình kịp gửi vào anh đỡ chút thì ban giám thị trại giam cho người 1 tuần 4 lần gặp và ghi biên bản về việc bệnh tình thuyên giảm do được chữa trị, anh không ký, anh vội mừng báo cho tôi, lúc đó tôi mới cho anh xem bản kiến nghị "Yêu cầu khẩn cấp" của tôi kịp gửi trước tết đã có kết quả.
Võ Thị Hảo : Những hành vi đối xử vô lương với tù nhân, theo chị là do đâu ?
Lê Thị Minh Hà : Người ta bố trí giam "Tù chính trị" trong khu giam riêng, ở xa trung tâm nên có tai biến bất ngờ hay huyết áp cao, chảy máu ồ ạt..., bệnh tim thì sẽ không kịp cứu. Cái chết vì bệnh của tù chính trị lại là mong muốn đối với nhà cầm quyền.
Có nhiều nguyên nhân. Chỉ đơn cử với những người làm giám thị trại giam. Cái sai hiện nay của họ - người vừa đá bóng vừa thổi cỏi - sai ở đâu ? Sai ngay từ văn bản do bộ trưởng công an Lê Hồng Anh ký năm 2011 (1) trong đó có nhiêù quy định trái với Hiến pháp Việt Nam.Toàn bộ vấn đề là phải chuyển việc giam giữ sang Bộ Tư pháp để đảm bảo quyền con người và cải tạo cho các tù nhân tốt lên chứ không phải là tước đoạt quyền con người của họ không có khả năng kiểm soát như hiện nay.
Võ Thị Hảo : Tất cả mọi sai phạm và hành xử phi nhân của những người trong hệ thống, vì sao đã nhiều người lên tiếng những thậm chí còn tệ hơn, thưa chị ?
Lê Thị Minh Hà : Vì Việt Nam không có tự do tư tưởng và tự do báo chí. Đồng hành cùng anh Vinh, qua thực tế và thêm hiểu việc làm của anh, tôi ủng hộ xúc tiến và lồng vào nhận thức con người VN. Muốn Khai dân trí - Thoát vòng nô lệ - phải có tự do tư tưởng và tự do báo chí. Nếu người Việt Nam mà không có tự do báo chí và tự do tư tưởng thì người Việt Nam không có gì cả. Tôi muốn cho mọi người hiểu rằng hiện nay Việt Nam không có nhà nước pháp quyền. Vụ án anh Vinh là vi phạm luật tố tụng, không có tang chứng vật chứng cụ thể mà vẫn kết tội, bỏ tù, vậy chứng tỏ không có nhà nước pháp quyền. Anh Vinh là một người trong ngànhcông an mà còn bị oan như vậy, những công dân khác còn bị oan đến đâu ?
Anh Vinh mặc nhiên là người phá vòng nô lệ. Vụ án Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý là vụ án sai phạm điển hình nhất trong hoạt động của các cơ quan tố tụng tại Việt Nam, xác định phải tiếp tục con đường của anh bằng cách đấu tranh với nó, là phải khai trí cho hơn 4 triệu đảng viên và người Việt Nam, khai trí cho những người làm việc trong toàn bộ hệ thống tư pháp, các công dân Việt Nam. Mọi bước đi và hành động của tôi đều công khai nhằm chỉ ra những sai phạm luật tố tụng và thực hiện nhưng quyền cơ bản của người vợ khi có chồng bị bắt oan.
Trên con đường đòi công lý cho anh Vinh, tôi đã làm hết sức mình. Tất cả hành trình này, từ phia người bị bắt và gia đình đã có rất nhiều bài học.
Võ Thị Hảo : Chị dự đoán thế nào về lực lượng chính để thay đổi Việt Nam sang thành một thể chế dân chủ đa nguyên ?
Lê Thị Minh Hà : Vụ đàn áp vừa rồi về biểu tình dịp 10/06/2018 thể hiện một thực trạng : Đảng cộng sản đã đánh mất toàn bộ cơ hội để Đảng và chính quyền đàm phán với dân. Lẽ ra phải có một lực lượng thứ 3 để giúp họ đám phán với dân nhằm thay đổi chính mình và đất nước. Khi dùng Luật đặc khu – được nhiều người cho là luật "bán nước", lẽ ra Đảng đang có một "quả bom nguyên tử" trong tay là sự phẫn nộ của dân để qua đó làm sức mạnh đối trọng cả với Trung Quốc và Mỹ. Vậy mà họ đàn áp dân đến như vậy, là đã đánh mất cơ hội kích hoạt "quả bom" đó để làm sức mạnh giữ quyền lực lâu dài và cải tổ đất nước. Họ đã hợp pháp hoá viêc xâm phạm quyền con người qua luật an ninh mạng và bán nướcqua Luật đặc khu. Ngay cả lực lượng trí thức cũng chưa làm tròn vai trò của mình. Báo chí bị bóp nghẹt hơn, gần đây báo Tuổi trẻ Online bị đình bản…
Võ Thị Hảo : Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra kế hoạch và thực hiện "Chống tham nhũng", đặc biệt trong quân đội và công an việc đàn áp ngày càng tàn bạo, chị có nghĩ rằng điều đó có thể bảo vệ chắc chắn quyền lực của nhóm ông Trọng ?
Lê Thị Minh Hà : Tôi chưa tin điều đó và tin rằng những người làm việc trong 2 ngành đó hiện nay không còn lý tưởng như trước kia, còn lại chỉ vì quyền lợi và công ăn việc làm.Họ sẽ tự diễn biến và đến lúc nào đó nhận ra con cái và tương lai của họ không còn, phải tìm mọi cách ra nước ngoài để học tập, làm việc và sinh sống lâu dài thì mọi chấn động, thay đổi cũng có thể xảy ra ở Việt Nam.
Võ Thị Hảo : Là một người từng làm trong ngành công an, chị nghĩ thế nào về Luật An ninh mạng ?
Lê Thị Minh Hà : Nó sẽ biến tất cả hơn 90 triệu dân thành những tù nhân, kể cả các vị lãnh đạo quyền lực hiện nay. Không thể tưởng tượng nổi cái thảm hoạ mà các vị cầm quyền tròng vào cổ dân Việt Nam và chúng ta phải cùng thay đổi điều này. Ai cũng có thể bị buộc tội "Xâm phạm an ninh quốc gia", bị bắt, cầm tù oan ức. Vậy mọi người cần đấu tranh đến cùng để phản đối luật này. Nhiều người hiện nay còn chưa ý thức được điều đó.
Võ Thị Hảo : Trân trọng cảm ơn chị và chúc đợt điều trị bệnh của chị đạt kết quả tốt. Qua chị, xin gửi lời khâm phục và yêu thương của người viết bài này và nhiều bạn đọc tới anh Ba Sàm.
Võ Thị Hảo (thực hiện)
Nguồn : RFA, 20/09/2018
(1) Số 36/2011/TT-BCA – Ngày 26/5/2011- Thông tư Ban hành nội qui trại giam và Số 40/2011/ TT- BCA-Ngày 27/6/2011- Qui định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án