Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/06/2020

Thách thức "lão hóa trước khi kịp giàu" đối với dân số Việt Nam

Thanh Trúc

"Già trước khi giàu : thử thách của Việt Nam", là bài viết của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, sau khi thủ tướng Việt Nam công bố Quyết định 588 thực hiện Chiến lược Dân số nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.

gia2

 Hiện nay việc kỷ luật khiển trách với đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn hiệu lực.

Từ bài tham luận bằng Anh ngữ trên website ISEAS Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore hôm 16/6, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích sâu hơn về vấn đề dân số Việt Nam trong một tương lai gần :

"Trước tiên phải nói dân số là vấn đề quan trọng vì nó ảnh hưởng không chỉ tới tình hình kinh tế-xã hội mà nếu nhìn xa hơn thì nó còn ảnh hưởng tới vấn đề địa chính trị, tại vì dân số là một phần tạo nên sức mạnh quốc gia".

Quyết định 588 do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hôm 5/5, được nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp đề cập chi tiết trong bài viết tiếng Anh của ông, bao hàm vấn để dân số với chương trình do ông Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", cụ thể khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ nên sinh đưa con thứ hai trước 35 tuổi.

Quyết Định còn hứa hẹn nhiều cái được cho mỗi hộ gia đình sinh 2 con như : mua nhà xã hội, con cái được ưu tiên vào trường công lập với hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ sau sinh trở lại nơi làm việc, giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình, xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng đây là những biện pháp kịp thời và chủ động, là nỗ lực trẻ hóa đất nước vào khi dân số Việt Nam đang bị lão hóa từ năm 2011

"Dân số già hóa, bước vào tình trạng suy giảm, không chỉ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước rồi là áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, mà nhìn xa hơn nó có thể làm suy yếu sức mạnh quốc gia và có thể gây ra những hệ lụy về an ninh"

"Chính vì vậy quyết định 588 của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đấy có một số biện pháp để duy trì tổng mức sinh thay thế, đảm bảo qui mô dân số cũng như lực lượng lao động ổn định trong tương lai".

Đây cũng là tầm nhìn dài hạn để Việt Nam không rơi vào tình cảnh dân số bị lão hóa và lực lượng lao động suy giảm mà hiện tại các nước trong khu vực cũng như các nước ở Châu Âu đang phải đối mặt.

gia1

Một y tá chăm các trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội hôm 6/5/2020 AFP

Quyết định 588 của thủ tướng chính phủ, với đề nghị kết hôn sớm và có 2 con trước 35 tuổi, đã gây khá nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội trong nước, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết tiếp, đặc biệt liên quan đến ý kiến được cho là áp đặt trách nhiệm tài chính lên trên những người không mong muốn có con.

Tuy nhiên tác động quan trọng nhất mà Quyết Định 588 mang lại là dù như một quốc gia trẻ với một lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam thì hiện tượng dân số quốc gia đang già đi là một thực tế đáng lo :

"Tôi cho rằng những biện pháp này là kịp thời và chủ động, giúp Việt Nam kềm hãm đà lão hóa dân số đang diễn ra, đối phó được với những hậu quả của tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng Việt Nam là một quốc gia trẻ, đa phần là thanh niên, 60% dân số dưới 35 tuổi. Điều này hẳn nhiên không còn đúng nữa vì kể từ 2011 Việt Nam đã bước vào giai đoạn lão hóa. Nếu tình hình không được cải thiện, tức là mức sinh thay thế không được duy trì, thì trong vòng 20 năm tới Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mà số người trong độ tuổi 60 sẽ chiếm khoảng 1/5 dân số, tạo áp lực rất lớn đối với kinh tế xã hội và an ninh, nếu số lượng trẻ sinh ra hàng năm không đủ để duy trì mức thay thế đảm bảo qui mô dân số ổn định của Việt Nam".

Dân số Việt Nam đạt 92 triệu 200 ngàn vào năm 2019, số người trong độ tuổi 15 đến 65 chiếm 68%. Nhìn chung trong tổng số dân thì 24,3% dưới 15 tuổi và 7,7% trên 65 tuổi.

Đối với nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, có thể nói Việt Nam vẫn đang tận hưởng điều gọi là "golden age, lao động vàng", qua đó một người không làm việc có thể được hỗ trợ bởi 2 hoặc trên 2 người có sức lao động. Thực tế hay cơ cấu này phản ảnh cơ hội vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Một dân số trẻ trung, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết, chính là yếu tố hấp dẫn đầu tư bên ngoài vào thị trường mở của Việt Nam.

"Thách thức đối với các chính sách này của Việt Nam là trong thời gian qua tỷ suất sinh đã bước vào xu hướng giảm. một số địa phương không đạt mức sinh thay thế. Điều này cũng dễ hiểu, đặc biết ở các thành phố lớn, nhiều thanh niên có cảm giác họ không đủ điều kiện để có thể kết hôn sớm hoặc sinh 2 đứa con vì chi phí để duy trì cuộc sống gia đình như vậy rất đắt đỏ. Vì vậy rất nhiều người ngại kết hôn và ngại sinh con. Đây cũng là thực trạng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khi bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và thu nhập cao, có xu hướng kết hôn muộn và không sinh nhiều con. Điều này đã thấy ở những nước trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và ngay cả Trung Quốc. Việt Nam đang bước vào con đường tương tư khi mà tỷ suất sinh ở một số thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, chỉ 1,36 con trên 1 phụ nữ, rất cách xa mức sinh thay thế, tức khoảng 2,1 con trên 1 phụ nữ".

Trước Việt Nam thì đã có nhiều nước trên thế giới khuyến khích thanh niên sinh con, đưa ra những biện pháp khác nhau trong đó có biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính. Các cặp vợ chồng sinh con nhiều được trợ cấp nhà ở hay trợ cấp nuôi con chẳng hạn. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp trình bày tiếp, không phải biện pháp nào cũng hiệu quả, nhiều cặp vợ chồng vẫn không muốn sinh con để được hưởng ưu đãi vì cảm thấy việc sinh đẻ không chỉ là áp lực tài chính mà còn liên quan tới sức khỏe, nghề nghiệp, kể cả cơ hội hưởng thụ cuộc sống :

"Tôi e rằng kể cả khi Việt Nam có định hướng, chính sách khuyến khích kết hôn sớm và có con sớm thì chưa chắc đã thành công. Việt Nam phải có thêm nhiều chính sách khác nhau để đối phó với tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Theo tôi một trong những biện pháp quan trọng là phải nâng cao năng suất của lực lượng lao động, khi mà việc khuyến khích kết hôn sớm và sinh con không thành công. Với trình độ và kỹ năng lao động cao hơn thì Việt Nam vẫn có thể chu cấp được cho số lượng người phụ thuộc mà sẽ càng ngày càng tăng trong tương lai".

Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, là hai việc song hành với nhau thì mới đạt giải pháp lâu dài cho vấn đề lão hóa dân số, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.

Ông nói nhìn vào những con số sẽ thấy một thách thức nữa, đó là sự chênh lệch trong sinh suất vùng miền :

"Quyết định 588 cũng đề cập rõ rằng ở Việt Nam tỷ suất sinh chênh lệch nhau giữa các vùng miền. Một số vùng phía Bắc chẳng hạn, tỷ suất sinh còn hơi cao, tức là trên mức sinh thay thế và cần được kéo giảm xuống khoảng 2.1%. Trong khi đấy Đông Nam Bộ hay Tây Nam Bộ thì tỷ suất sinh đang quá thấp và cần được nâng lên để mà đạt mức sinh thay thế.

Thành phố Hồ CHí Minh chẳng hạn, tỷ suất sinh chỉ 1,36 con/1 phụ nữ, Đồng Tháp thì 1,34, Bà Rịa Vũng Tàu 1,37, Hậu Giang 1,53… Tỷ suất sinh này thấp hơn mức sinh thay thế, không đủ bù đắp và duy trì dân số bất chấp việc nhiều vùng có 2,5 đến 3 con. Đó là lý do chính phủ Việt Nam phải đề xuất chính sách nhằm đảm bảo mức sinh trên qui mô toàn quốc chứ không phải mức sinh chênh lệch vùng miền như hiện nay".

Thời kỳ lao động vàng của Việt Nam dự kiến kết thúc năm 2040, các chuyên gia lo rằng dân số nước này sẽ già trước khi giàu. Điều này cũng được chuyên gia Lê Hồng Hiệp nhắc tới trong bài viết của ông :

"Theo tôi nguy cơ đấy hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mà Việt Nam có nền kinh tế với độ mở cao, việc đi sâu sát với nền kinh tế thế giới không tác động nhiều tới triển vọng gọi là già trước khi giàu.

Nguy cơ già trước khi giàu phụ thuộc nhiều vào năng suất lao động. Làm sao nâng cấp kỹ năng lao động và leo lên cao hơn trên thang giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể tạo thu nhập cao hơn mới có thể thoát bẫy thu nhập trung bình.

Trong thời gian qua Việt Nam đã cố nâng năng suất lao động, khuyến khích đầu tư các nghành công nghệ cao, thu hút đầu tư bên ngoài vào lãnh vực này, tôi cho đó là những bước đi đúng hướng".

Nâng cao được năng suất lao động, nâng cao được hàm lượng giá trị gia tăng sản phẩm của mình trong các ngành nghề, kết hợp với việc khai thác các nguồn lực nguồn vốn từ bên ngoài thì hy vọng các biện pháp tổng hợp đó có thể giúp người dân vươn lên mức thu nhập cao trong tương lai, đồng thời giảm bớt nguy cơ già trước khi giàu.

Dân số, theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, không đơn thuần là vấn đề xã hội hay kinh tế, mà còn là vấn đề địa chính trị và an ninh quốc phòng. Mong rằng trong thời gian tới, ông nói tiếp, người dân Việt Nam sẽ chú ý hơn, nhận thức đúng hơn về vấn đề dân số, mong rằng bản thân các chính sách về chiến lược dân số Việt Nam đề ra sẽ thành công để có thể hóa giải mối nguy già đi trước khi được giàu lên.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 19/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 512 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)