Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/06/2020

Báo chí một chiều trong nước đang va vào bức tường : bế tắc !

Nhiều tác giả

Báo chí "cách mạng" hay "phản tiến bộ" ?

Lập Quyền Dân, RFA, 20/06/2020

Nhân trong nước đang sơ kết đợt kỷ niệm 95 năm ngày "báo chí cách mạng", thiết tưởng nên nhắc lại một phát biểu nổi tiếng của Karl Marx, vốn được những người cộng sản Việt Nam vinh danh là bậc thầy cách mạng vô sản : "Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí". Ấy vậy mà những người học trò ngày nay của Marx đã không làm theo lời giáo huấn ấy của sư phụ. Theo "Thông cáo báo chí của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam", nhà cầm quyền trong nước lâu nay đã và đang thẳng tay đàn áp trắng trợn, đối xử tàn độc đối với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nói riêng và các tổ chức xã hội dân sự nói chung, cũng như những tiếng nói công dân khác sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình.

baochi1

Một sạp báo ở Hà Nội - AFP

Việc bắt giữ các nhà báo "ngoài quốc doanh" Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cùng nhiều Blogger và Facebooker vừa qua rõ ràng là hành động vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền, vi phạm ngay đến bản Hiến pháp của Việt Nam, nhằm triệt tiêu toàn bộ quá trình phản biện ôn hòa của các công dân, tiêu diệt các tổ chức xã hội dân sự. Hành động đàn áp này đi ngược lại những cam kết của chính quyền Việt Nam đối với người dân trong nước và đối với cộng động thế giới, chống lại xu thế tiến bộ của nhân loại trong việc thực thi các giá trị phổ quát.

Mà cũng không cần phải viện dẫn đến phát biểu của Karl Marx và tuyên bố của Hội Nhà báo độc lập mới thấy hết được tính chất "phản tiến bộ" của báo chí chính thống ở Việt Nam ngày nay. Hãy nghe chính những bộc bạch "gan ruột" của những người trong cuộc - các "lãnh đạo báo" ở trung ương lẫn địa phương - mới thấy hết được mức độ xuống cấp chạm đáy của cái gọi là nền "báo chí cách mạng".

Với tư cách là Tổng biên tập của tờ "Năng Lượng Mới" (PetroTimes) Đại tá Nguyễn Như Phong khuyên toàn bộ nhà báo Việt Nam hãy theo gương con chó để trở thành một nhà báo giỏi. Theo Đại tá Nguyễn Như Phong, con đường duy nhất để một nhà báo ở trong nước không bị tụt hậu lại phía sau so với đồng nghiệp là nhà báo ấy phải biến thành chó, chứ không còn cách nào khác (!) Ông Phong trước đó từng có vai vế trong tập đoàn báo chí có thể nói là khủng nhất ở Việt Nam - một tổ hợp báo chí của Bộ Công an.

Chưa hết, tính "cách mạng" của những tờ báo Việt Nam được nhà nước "nuôi" không biết triệt để đến mức nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn "báo… chó", như cách anh em làm báo thường tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Câu chuyện được thuật lại như sau : Một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ nửa khóc nửa mếu kêu lên "Lãnh đạo báo" thì được ông Phó tổng biên tập trả lời : "Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à ?". Câu chuyện ngầm này kể ra, bất cứ ai trong nghề báo lâu năm đều rành rẽ. Nhưng hụych toẹt như ông Phó tổng kể trên thì hiếm có. Chẳng khác nào so sánh đồng nghiệp của ông với các cô gái "ăn sương".

Thật ra cũng chẳng hiểu từ lúc nào, những tấm băng rôn trên các lẵng hoa - có những chậu hoa lan có giá đến nhiều triệu đồng, mà các ban ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ùn ùn khiêng đến các tờ báo nhà nước - đã được lệnh đổi từ "Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam" thành "Chúc mừng ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam". Phải chăng đây là một sự thừa nhận, bên cạnh nền báo chí có danh xưng là "cách mạng", mà thực chất là "phản tiến bộ", thì còn tồn tại một nền báo chí theo đúng nghĩa là của nhân dân, vì nhân dân và được viết bởi các đại biểu nổi bật từ xã hội dân sự. Cũng chẳng cần viện dẫn các so sánh trên đây mới thấy hết tính chất phản cách mạng, phản tiến bộ của cái gọi là nền "báo chí cách mạng".

Từ bảy, tám trăm năm trước, tổ tiên ta đã có quan niệm khá hiện đại về tự do ngôn luận. Thời bấy giờ có bà Bích Châu, một phi hậu của vua Trần Duệ Tông, từng khuyên nhà vua thế này : "Hãy cầu lời nói thẳng, để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở". Mở cổng thành, nghĩa là để có thông thương đi lại tự do dễ dàng, một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Trong thời hiện đại, mở cổng thành, chính là tạo điều kiện cho kết nối, giao thương thông thoáng. Còn đề cập đến đường ngôn luận rộng mở là nhằm làm cho triều đình có thể lắng nghe những nguyện vọng của dân chúng, lắng nghe những lời can gián của trung thần.

Điều nói trên cũng được phản ảnh trong tư tưởng thân dân của đời Trần, khi Thiền sư Phù Vân tâu với vua Trần Thái Tông : "Xin nhà vua lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình". Trong thời kỳ phong kiến mà lại có tư tưởng rộng mở ấy quả thật nhân văn và tiến bộ. Tiền nhân dạy : "Con hơn cha là nhà có phúc !" Nhưng ngày nay, chúng ta thua cha ông trên nhiều phương diện. Thua về tự do ngôn luận chỉ là một chiều kích. Một nền "báo chí cách mạng" với hơn 700 đầu báo, tạp chí mà chỉ có một Tổng biên tập, đó là Trưởng ban tuyên giao trung ương. Với thực trạng này, không nhẽ chúng ta "vô phúc" đến mức phải đi thụt lùi về phía văn minh nhân loại ?

Có thể các cơ quan chức năng đã có con số thông kê nhưng người ta chỉ lưu hành nội bộ. Những báo như "Nhân Dân" hay Tạp chí "Cộng Sản", có quy chế về mặt hành chính là ngang với cấp Bộ (vì thế mà Ban biên tập ở những cơ quan báo chí ấy thường được gọi là "Bộ Biên Tập"), nhưng số độc giả của những ấn phẩm ấy chắc chắn thua xa các trang mạng xã hội. Hãy vinh danh một vài cái tên có thể cạnh trang ngang ngửa với báo chí chính thống, từ "Ba Sàm" (trước đây) đến "Tiếng Dân" (ngày nay), từ Blog của "Tễu" đến Bản tin "Việt Nam thời báo"... Ở Việt Nam ngày nay, nhất là vào thời điểm cuộc đấu tranh quyền lực trước thời điểm Đại hội 13 đang diễn ra gay gắt, người người - nhà nhà đều lên các trang mạng để biết được một phần của các cuộc đấu đá "cung đình".

Chính những người làm báo "không cách mạng" ấy chẳng mấy băn khoăn trong đợt "tảo thanh" sắp tới dưới cái tên mỹ miều : "Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam" giai đoạn cuối. Từ lâu, những nhà báo trên các trang mạng xã hội đã hành nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù lực lượng của họ chưa nhiều nhưng đấy là những điểm tựa cuối cùng của công chúng hướng về một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài tờ báo tư nhân bắt đầu manh nha phải thay đổi, phải đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để sống bằng nghề báo, chứ không bán "lá cải sỉ" nữa./.

Lập Quyền Dân

Nguồn : RFA, 20/06/2020

Tham khảo :

https://www.youtube.com/watch?v=h0LGCejoyxc

https://kontumquetoi.com/2016/06/21/nha-bao-va-nha-cho-nguyen-nhu-phongpetrotimes/

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-you-need-payment-for-your-writing-07012019110934.html

https://chauxuannguyen2020.wordpress.com/2015/01/15/cach-mang-thuong-an-thit-nhung-nguoi-sinh-cua-no/

http://www.vietinfo.eu/tu-lieu/ai-phu-dinh-cac-mac-bang-luat-bao-chi.html

**********************

Báo chí đảng & báo chí người Việt

Tuấn Khanh, RFA, 20/06/2020

Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21/6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng cộng sản Việt Nam ? Dĩ nhiên, việc xét lại này, cần dựa trên lòng tự trọng và sự tử tế của trí thức Việt Nam có suy nghĩ tự do, không tư tưởng nô lệ đảng phái nào.

baochi2

Một sạp báo ở Việt Nam - Reuters

Theo những gì mà tư liệu của nhà nước hiện nay đưa ra, ngày 21/6/1925 là ngày mà ông Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh) cho ra đời tờ Thanh Niên, một tờ báo có nội dung cho phong trào kháng Pháp. Nhưng quan trọng hơn, tờ báo này còn nhằm tạo ảnh hưởng cho khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng của ông Lý Thụy - một bí danh được đặt từ Trung Quốc.

Tờ Thanh Niên, so với những bậc tiền bối của báo chí Việt ngữ, ra đời muộn hơn và thật lòng mà nói, ngoài chuyện chính trị, thì việc đóng góp mở mang nghề nghiệp không thể bì được các tờ hàng đầu như Gia Định Báo (15/4/1865), Nông Cổ Mín Đàm (1/8/1901), Nam Phong Tạp Chí (1/7/1917), Nữ Giới Chung (tháng 7/1918)… Về lịch sử, Thanh Niên có hình thức như truyền đơn, in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành bí mật và bất định kỳ, (200 - 300 bản/kỳ), mỗi kỳ hai trang, có lúc 4 trang, khổ giấy nhỏ 13x18).

baochi3

Nếu nói về truyền đơn, thì lúc đó ở Việt Nam xuất hiện vô số, trong phong trào kháng Pháp, đặc biệt phải nói là từ phía Việt Nam Quốc Dân Đảng. Với phương tiện và tài chánh hùng hậu nhất thời đó, cũng như con người vào giữa thập niên 20 và 30, ngoài truyền đơn kêu gọi yêu nước kháng Pháp, còn cả tin báo mỗi chi bộ tự phát hành rất rộn rịp cho việc kêu gọi gia nhập phong trào, tin chống Pháp... Để hình dung rõ hơn, vào thời điểm đó, không chỉ là tin báo, truyền đơn, Việt Nam Quốc Dân Đảng có khả năng dàn trải, đủ để mua súng đạn, và tự thành lập các nơi sản xuất bom (loại như tạc đạn ném tay) khắp tỉnh miền Bắc để xây dựng hệ thống quân chính và chiến khu.

Báo Thanh Niên, chủ yếu dựa vào sức viết của Lý Thụy là chính, được gọi là tuần báo nhưng phát hành không đều đến tay người đọc và ít gây ảnh hưởng (ảnh kèm theo), một phần cũng là tránh mật thám Pháp theo dõi. Thực tế, hai tờ báo mà đảng cộng sản Việt Nam tạo được sự chú ý nhiều nhất là tờ Cứu Quốc (25/1/1942) và tờ Nhân Dân (11/3/1951). Mọi vấn đề của các tờ báo này đều xoay quanh trục tuyên truyền chính trị của đảng cộng sản.

Cần phải nói thêm, công lao tạo ra những sức phát triển, khuynh hướng… cho báo chí Việt Nam, không thể không kể đến nhiều tờ khởi xướng ban đầu (bao gồm có cả ý muốn phát triển dân trí và quyền chính trị). Chẳng hạn như tờ Nữ Giới Chung (Chung có nghĩa là tiếng chuông), là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Chủ bút tờ báo này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Từ hơn thế kỷ nay, báo chí Việt Nam vẫn có lệ tạo ra ấn bản báo xuân, bản đặc biệt khác với ấn bản thường ngày, nhưng ít ai nhớ rằng, người tạo ra khuynh hướng đó là học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), ông là người tạo ra ấn bản đặc biệt chào xuân đầu tiên của người Việt Nam, và từ đó trở thành truyền thống cho đến nay. Học giả Phạm Quỳnh chết năm 1945, mà theo nhiều nguồn sử liệu khác nhau tổng hợp, là do ông khác biệt quan điểm chính trị với những người cộng sản. Hơn nữa, vào lúc đó có tin người Pháp quay lại và xây dựng một nhà nước độc lập, lại có thể yểm trợ Phạm Quỳnh trở thành người đứng đầu. Mãi đến năm 1956, người ta mới tìm thấy thi hài của ông, trong rừng.

baochi4

Tờ Nam Phong số Tết Tuấn Khanh

Giai đoạn từ 1939 đến 1947 ở miền Bắc là một bi kịch của người Việt Nam. Rất nhiều học giả, trí thức bị chụp mũ ghép tội, giết chết, thủ tiêu… không chỉ do phía người cộng sản gây ra, mà còn từ nhiều phe phái khác nhau, bởi xung đột về lập trường cộng sản - Quốc gia - Quân chủ.

Phóng sự đầu tiên của báo chí Việt Nam, được biết đến, là của ký giả Tam Lang. Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo đã khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề "Tôi kéo xe" của nhà báo Tam Lang (tên thật là Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự của báo chí Việt Nam. Để thức tỉnh lương tâm trong xã hội về cái nghề khốn khó này, nhà báo Tam Lang đã nhập vai, tự mình làm kéo xe để lấy tư liệu một cách xác thực và sống động về nghề này.

Kể dài dòng như vậy, để nói rằng, báo chí của người Việt là một thiên sử thi, độc đáo và thú vị. Lịch sử báo chí của những người cộng sản chỉ là mảnh ghép rất nhỏ trong ấy. Nếu như nhà nước hiện nay gọi tên 21/6 hàng năm là ngày báo chí cách mạng cộng sản, thì là điều bình thường. Nhưng nếu gọi đó là ngày báo chí chung của cả Việt Nam thì trở nên lố bịch.

Đặc biệt, ngày báo chí Việt Nam, nếu chỉ nhắc tên ông Hồ Chí Minh như một nhà báo vĩ đại, mà cố ý không nhắc tên học giả Trương Vĩnh Ký thì thật nông cạn. Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được người đương thời của ông, xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông là người yêu thương văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.

Tháng 1/2017, cuốn sách về danh nhân này, có tên "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tập hợp tài liệu bị thu hồi không có lý do, dù có giấy phép xuất bản. Trong sách, ông Đầu chứng minh được rất nhiều tư liệu, để thấy rằng học giả Petrus Ký là một người yêu nước, chẳng hạn như ông Nguyễn Đình Đầu trần tình "Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác. Tôi viết ra sau khi xin được những tài liệu mà Trương Vĩnh Ký còn chưa xuất bản mà mới chỉ là nháp".

Sau khi nắm quyền vào năm 1945, những người cộng sản có chủ trương tạo tin tức, hình ảnh để nói rằng những người có dính líu đến người Pháp, kể cả các đảng phái kháng Pháp khác, và đặc biệt là nếu không phải là có cảm tình, hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản đều là thành phần "tay sai", bất chấp các dữ kiện lịch sử từ nhiều phía cho thấy không như vậy.

Lịch sử Việt Nam nói chung, bị đọa đày không nhiều thì ít, từ chủ trương này, với nhiều nạn nhân như Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… Nên ngay cả lịch sử báo chí Việt Nam, có tồn tại như thế nào, với con người nào, vẫn bị coi là vô hình hoặc vô giá trị theo quan điểm của nhà cầm quyền.

Vì vậy, ngày 21/6, cũng cần có lúc, gọi lại cho đúng tên, của hệ thống truyền thông phục vụ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, như đúng những gì đang diễn ra hiện nay. 21/6 hoàn toàn không đủ tư cách để thay mặt cho nền báo chí của người Việt.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 20/06/2020

*******************

Thủ tướng Việt Nam lại nhắc báo chí phải lan tỏa yếu tố tích cực !

RFA, 18/06/2020

Phát biểu tại buổi Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng truyền thông trong nước cần phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch bệnh Covid-19.

baochi5

Báo in bán dạo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức với sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Vẫn theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, truyền thông cần tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Trao đổi với RFA vào tối 18/6, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định về phát biểu của người lãnh đạo chính phủ Hà Nội như sau :

"Khác với báo chí phương Tây, báo chí Việt Nam là phục vụ cho tuyên truyền của Đảng cộng sản cho nên có nhiệm vụ là thực hiện theo ý chí của Đảng cộng sản. Việt Nam muốn báo chí phản ánh cuộc sống tích cực, đặc biệt trong đợt vừa rồi dịch Covid-19 Việt Nam khá thành công trong việc bảo vệ công dân cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có những tiêu cực, cuộc sống nhân dân có những tiêu cực nhưng ý ông Thủ tướng chỉ muốn báo chí đưa tích cực".

Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch - Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV cho rằng có lẽ dịch virus Vũ Hán được xem là thành công ở Việt Nam đã làm cho ông Nguyễn Xuân Phúc cao hứng. Điều đó cũng đáng để ông cao hứng so với hiện trạng thế giới hiện nay. Tuy nhiên Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng tình với kêu gọi của Thủ tướng Phúc :

"Khi mà ông Phúc nói lan tỏa năng lượng tích cực thì đương nhiên là nói đến năng lượng tích cực phải có năng lượng tiêu cực. Như vậy lan tỏa nẳng lượng tích cực thì ém nhẹm năng lượng tiêu cực à ? Nói điều này để thấy câu chữ của họ bóng bẩy nhưng nó mang tính chất tô hồng giống như một câu Hồ Chí Minh từng nói rất nhiều lần là những gì có lợi cho cách mạng thì cứ làm. Vì vậy mới sinh ra nhiều tệ nạn, thảm trạng trong xã hội hôm nay nếu đứng ở góc độ báo chí".

Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Già, hiện tại nền báo chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bóp chặt hết tự do của những người cầm bút nên không cần phải nói cần lan tỏa năng lượng tích cực nhiều hơn :

"Tôi thấy không cần thiết vì 500-600 tờ báo, hàng chục đài truyền hình vẫn răm rắp thi hành theo lệnh của Đảng cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay là tô hồng là chủ yếu và ém nhẹm thực trạng thê lương của Việt Nam. Bấy lâu nay họ đã làm rồi, cần gì ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc thêm".

Còn theo Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì nhiệm vụ của báo chí có trách nhiệm quảng bá đất nước để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều tốt. Nhưng về cơ bản, cần xem lại câu chuyện muôn thuở về thực trạng truyền thông Việt Nam :

baochi6

Ảnh minh họa : Một sạp bán báo ở Việt Nam. AFP

"Tình hình báo chí Việt Nam từ lúc ra đời đến nay tôi thấy nó không tiến triển chút nào, nhất là trong thời đại hiện nay khi thông tin đại chúng không nằm độc quyền ở một nhà nước, tổ chức nào đó nói chung chứ không riêng gì Việt Nam. Quyền kiểm soát thông tin đại chúng không còn là độc quyền của nhà nước nữa. Những vấn đề như thế phải đặt ra trong thời đại mới là điều cơ bản nhất theo Hiến pháp là tự do ngôn luận, tự do báo chí, việc cụ thể nhất để có thể ra những tờ báo tư nhân thì việc cơ bản nhất để thay đổi báo chí thì lại không làm. Tôi không hy vọng gì tình hình báo chí Việt Nam. Người ta ngày càng quên báo chí và tìm thông tin ở những nguồn khác như mạng xã hội".

Vẫn trong buổi Hội nghị 16/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chúc mừng báo chí nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh tinh thần của báo chí là "phò chính, diệt tà", vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của mạng xã hội để đứng vững.

Nhận xét về sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay vượt xa cả báo chí, chị Uyên Phạm nhận định trong tin nhắn gửi RFA qua Facebook Messenger như sau :

"Thực ra bây giờ các báo dù vẫn đưa tin trên báo giấy, website nhưng vẫn chia sẻ những tin tức trên Facebook, thậm chí còn được nhiều view hơn trên trang web chính. Người dân cần sự tiện lợi và thường thì tin nóng được chia sẻ nhanh nhất trên mạng xã hội, thậm chí báo chí còn phải lấy tin trên mạng. Chị nghĩ từ từ báo chí cũng phải thay đổi cách làm theo hướng chia sẻ lên mạng xã hội nhiều hơn, chứ không thể đứng vững để vượt qua khó khăn như bác Phúc nói đâu".

Với góc nhìn chuyên môn, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng ngay tư duy cho rằng tinh thần của báo chí là "phò chính, diệt tà" của ông Thủ tướng Việt Nam đã là sai lầm.

"Họ vẫn nghĩ những người như họ mới là chính nghĩa và tất cả những người đi ngược lại điều đó đều là tà. Ngay cả ngôn ngữ ta cũng thấy rất bạo lực ‘phò chính, diệt tà’. Trong báo chí thì đâu phải quân đội súng ống, vũ khí, người ta bằng những ngòi bút, ngôn ngữ, phản biện, gọi là bất đồng ý kiến mặc dù từ ngữ phò và diệt làm cho người ta cảm thấy ghê sợ và chắc báo chí Việt Nam hiện tại không thể làm được chuyện đó".

Bên cạnh những kêu gọi ngành báo chí loan tin tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi hội nghị đã quyết định trao bằng khen cho 18 tập thể, đồng thời thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền thông, thông tin về Covid-19.

Ngoài ra ông Phúc còn cho biết sẽ cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ cho báo chí sau khi quy hoạch.

Người đứng đầu bộ máy chính phủ cũng không quên đề nghị báo chí tham gia tích cực, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới.

Nguồn : RFA, 20/06/2020

********************

Báo chí, truyền thông tự do - quyền lực thứ hai

Bùi Minh Quốc, BBC, 03/08/2015

Quyền lực thứ hai ?

Nghe có vẻ ngược ngạo, nhưng sự thực đúng là như thế, bởi đây là tôi nói ở Việt Nam, hiện nay, và chắc còn tương đối lâu nữa. Tôi không hề cường điệu.

baochi7

Việt Nam vẫn chưa thừa nhận và cho phép báo chí tư nhân hoạt động.

Tại các nước dân chủ, có tam quyền phân lập, thì báo chí, truyền thông tự do tự nó đã xác lập và đương nhiên được coi là quyền lực thứ tư.

Còn ở Việt Nam hiện nay không có tam quyền phân lập, tất cả quyền lực thâu tóm trong tay "Vua tập thể" (cách gọi tên sự vật rất xác đáng của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An).

Toàn xã hội nằm dưới ách cai trị độc tài toàn trị của Vua tập thể ; Vua độc quyền nắm báo chí truyền thông (nuôi bằng tiền thuế của dân nhưng thường được gọi là báo lề đảng, đây chính là hành vi tham nhũng vĩ mô chưa bị khởi tố) và dùng nó, cùng với công an quân đội, làm công cụ duy trì quyền lực độc tài của mình, thì báo chí, truyền thông tự do (thường gọi là báo lề Dân) đương nhiên phải đảm trách sứ mệnh của quyền lực thứ hai - quyền lực của những người không quyền lực - như cách gọi của Václav Havel.

Đây là đòi hỏi của chính hiện thực khách quan chứ không phải do hứng thú chủ quan của một ai.

Xác định sứ mệnh của quyền lực thứ hai để ý thức được cái gánh trách nhiệm của những người hoạt động báo chí truyền thông tự do tại Việt Nam thật nặng nề và nguy hiểm bội phần so với ở các xứ sở khác.

Tại Việt Nam hiện nay, báo chí truyền thông tự do là cái phải đấu tranh mà giành lấy. Đã hình thành một mặt trận đấu tranh giành quyền tự do báo chí, truyền thông.

Xin gọi tắt là quyền mở miệng/thông tin - cặp từ của chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi rất tâm đắc ("Dân chủ là trước hết để cho dân mở miệng").

Hành vi đầu tiên

Chẳng phải con người khi chào đời mở miệng cất tiếng khóc chính là thực hiện hành vi thông tin đầu tiên đó sao ? Mở miệng nói những điều mình nghĩ, mình thấy, mình biết, những gì đúng, thật (dẫn ý từ một bài thơ của nhà thơ cộng sản Pháp Paul Eluard : "Je dis ce que je vois/ce que je sais/ce qui est vrai").

Quyền tự do nghĩ và mở miệng nói những điều mình nghĩ là quyền tự nhiên, quyền thiêng liêng của con người, trong Hiến pháp ghi là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, thông tin.

Nhu cầu mở miệng là nhu cầu sinh tử như hít thở của từng con người và toàn xã hội nên lại phải có quyền tự do biểu tình, một dạng thức đặc biệt để thực hiện quyền mở miệng cất lên cùng một tiếng nói chung của hàng chục hàng trăm, ngàn, vạn triệu con người giữa không gian công cộng (mới đây, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã đề xuất Dự luật biểu tình được hàng ngàn người tham gia ký tên tán thành và đã gửi Quốc hội).

Dưới chế độ độc tài toàn trị ngay từ thời ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa), mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đã được các trí thức văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm, đứng đầu là nhà cách mạng nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang cùng nhà báo, nhà văn hóa Phan Khôi khởi dựng.

Cuộc đấu tranh bị đàn áp tàn bạo. Nhưng cũng không thể dập tắt hoàn toàn. Ngay giữa khi đại đa số dân chúng (miền Bắc xã hội chủ nghĩa) hễ mở miệng là ơn Đảng, ơn Bác thì vẫn có một số người dân dám mở miệng kể cho nhau nghe những chuyện tiếu lâm hiện đại rất hấp dẫn ẩn chứa nội dung chính trị, văn hóa rất sâu sắc phần lớn tập trung biểu thị thái độ chế giễu, phê phán giới cầm quyền và cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa, con người mới xã hội chủ nghĩa (chắc chắn các nhà sưu tầm nghiên cứu sẽ không bỏ quên mảng Folklor - văn hóa dân gian - hiện đại rất quí giá này).

Những năm gần đây, khi có máy photocopy, người dân tăng mạnh quyền mở miệng bằng các bản photo truyền nhau. Vua tập thể vốn luôn sợ dân mở miệng, cho công an đi thu từng bản photo. Người dân cười bảo công an : các chú chỉ làm cái trò lấy rổ múc nước ! Ngày nay, với mạng internet, người dân có một phương tiện tuyệt vời, một sức mạnh kỹ thuật gần như thần diệu của thời đại, để thực hiện quyền mở miệng. Chỉ cần một phần mười giây nhấp chuột, một người mở miệng lập tức có hàng vạn hàng triệu người nghe thấy.

baochi8

Internet mở ra cánh cửa mới để công chúng có thể tiếp cận thông tin đa chiều với tốc độ truy cập cao hơn trước đây.

Thực hiện quyền mở miệng

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng từ chỗ hình thành và phát triển tự phát, phảng phất một lối chơi tài tử, ngày càng mang tính tự giác, nghiêm túc, trách nhiệm.

Xuất hiện, thoạt tiên còn lẻ tẻ và rời rạc, những công dân trí thức văn nghệ sĩ lập các web, blog để nói lên tiếng nói độc lập của mình, thể hiện cái nhìn riêng của mình. Những tiếng nói lúc đầu đề cập những chuyện ít đụng chạm hoặc chỉ chạm nhẹ tới giới cầm quyền, rồi ngày càng hướng vào những vấn đề thế sự quốc sự hệ trọng nhất.

Một trong những trang web tiêu biểu đi tiên phong là Bauxite Vietnam, xuất xứ từ một kiến nghị do ba nhà giáo, nhà văn Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng yêu cầu dừng dự án khai thác bô-xit Tây Nguyên vì gây hại nhiều mặt cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc, với hàng vạn công dân tham gia ký tên, như một cuộc biểu tình trên giấy, dù cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố dự án này là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Một số người bị công an đe doạ ép buộc rút chữ ký, hầu hết đều kiên quyết không rút. Ý chí giữ vững và phát triển quyền mở miệng của công dân qua thử thách lại thêm vững vàng. Ba nhà khởi xướng phát triển trang web thành một tờ báo mạng làm chức năng phản biện xã hội ngày càng có uy tín lớn.

Cùng với và tiếp sau Bauxite Vietnam là hàng loạt các trang web, blog mở miệng phản biện nổi tiếng như ‘Ba Sàm (Thông tấn xã Vỉa hè)’ của cựu trung tá an ninh Nguyễn Hữu Vinh, ‘blog Phạm Viết Đào’ của nhà văn Phạm Viết Đào, ‘blog Quê Choa’ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, ‘blog Một góc nhìn khác’ của nhà báo Trương Duy Nhất, ‘blog Người lót gạch’ của Gs Hồng Lê Thọ, ‘blog Tễu’ của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, blog Nguyễn Tường Thụy, web Dòng Chúa Cứu Thế, web Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo v.v…

Vua tập thể cuống cuồng bịt miệng dân bằng cách cho công an, ngầm kết hợp cả côn đồ, liên tục sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, quản chế hàng loạt chủ blog, web. Nhưng vẫn không thể bịt miệng nổi.

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng vẫn giữ vững và phát triển. Các địa chỉ mở miệng nổi tiếng như Bauxite Vietnam, Văn Việt (của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam), Việt Nam Thời báo (của Hội Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), Dân Quyền (của Diễn đàn xã hội dân sự), blog Nguyễn Tường Thụy, web Dòng Chúa Cứu Thế, web Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không ngừng tăng cao lượt người truy cập mỗi ngày.

Việc quan trọng nhất

Trong đấu tranh, việc quan trọng nhất là lập thế trận.

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đã lập được thế thượng phong, đó là thế của các công dân cùng nhau tập hợp lại đi đòi món nợ quyền dân. Đây là món nợ xương máu.

Nhân dân đã đổ bao xương máu để có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, thông tin (cùng các quyền tự do cơ bản khác như "quyền tự do biểu tình", "quyền tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn", "quyền tự do ứng cử bầu cử"), mà người dân đã được hưởng dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa năm 1946 nhưng nay bị Vua tập thể thủ tiêu và lại ngang nhiên vỗ nợ khi tuyên bố không chấp nhận cho ra báo tư nhân (năm 1946 đã có hàng trăm tờ báo và nhà xuất bản tư nhân hoạt động sôi nổi).

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đang tập trung vào những việc sau đây :

- Vân động đòi chấm dứt dung tiền thuế của dân bao cấp cho hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thông nhà nước ;

- Vân động đòi bổ sung vào luật báo chí điều khoản công dân được quyền ra báo tư nhân ;

- Vận động kết hợp hiệp đồng tranh đấu giữa các tổng biên tập các nhà báo có lương tâm nghề nghiệp đang làm việc trong hệ thống báo chí Lề Đảng với lực lượng báo chí Lề Dân, hỗ trợ nhau tăng cường hàm lượng sự thật /thông tin, nâng cao chất lượng tác nghiệp.

- Vận động tổ chức đào tạo lớp nhà báo trẻ xuất thân từ công nhân, nông dân, dân oan, sinh viên bằng cách gửi đi tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài, nhưng trước hết quan trọng nhất là luôn chú trọng đào tạo và tự đào tạo trong thực tế tác nghiệp tại các điểm nóng của các cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ.

Đà Lạt tháng 7/2015

Bùi Minh Quốc

Nguồn : BBC, 03/08/2015

Tác giả Bùi Minh Quốc là nhà thơ, nhà báo độc lập, đang sinh sống ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lập Quyền Dân, Tuấn Khanh, Bùi Minh Quốc
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)