Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các bạn facebooks có nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành "cuộc đổi mới lần hai" hay không ? Một số bài viết của các trí thức tiêu biểu trong nước vừa lên tiếng về sự cần thiết của một cuộc "đổi mới lần hai". Mục đích để "bảo vệ thành quả phát triển" đã đạt được từ 30 năm đổi mới đang bị đe dọa tan thành bọt biển.

Cá nhân tôi cho rằng sẽ không có cuộc "đổi mới lần hai", mà chỉ có một cuộc "đổi cũ" trở lại, như chưa bao giờ có "đổi mới".

doimoi2

Thời bao cấp trước Ðổi mới: xếp hàng, chợ trời, tem phiếu…  Ảnh T.L

Dấu hiệu của việc "đổi cũ", trước hết là ngừng việc "xây dựng một nhà nước trên nền tảng luật lệ" (mà trong nước gọi là "nhà nước pháp quyền hiện đại). Tức là lãnh đạo nhà nước sẽ không sử dụng luật lệ để quản trị đất nước, mà sử dụng các biện pháp "cách mạng".

Thí dụ trong việc "giải phóng vỉa hè" tại Q1 Sài gòn. Báo chí nói về "cuộc cách mạng của Thành phố Hồ Chí Minh".

Thực ra cách tổ chức nhà nước Việt Nam hiện nay không giống với tổ chức của các quốc gia "bình thường" trong khu vực hay trên thế giới. UBND các cấp của thành phố ở Việt Nam quả thực là "không giống ai".

UBND là "cơ quan chấp hành" của Hội đồng nhân dân và do cơ quan này bầu ra. Nó là "cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân".

Vậy thì quyền lực của các UBND thuộc về "hành pháp", "tư pháp" hay "lập pháp" ?

doimoi1

Chiến dịch giành lại vỉa hè ở Sài Gòn - Ảnh minh họa

Nếu nó là "cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương" thì nó thuộc về "hành pháp". Nhưng nếu nó "đại diện cho ý chí, nguyện vọng" của nhân dân thì quyền lực của UBND thuộc về "lập pháp", tức quốc hội. Và khi nó "đại diện cho quyền làm chủ" của nhân dân thì UBND vừa có quyền "hành pháp" lẫn "lập pháp".

Tức là UBND vừa có quyền của công an, của quân đội (đại diện quyền lực của nhà nước), có quyền của quốc hội (đại diện ý chí, nguyện vọng của người dân).

Tức là UBND là một hình thức của "chính quyền cách mạng" mà hình thức sinh hoạt là "dân chủ tập trung". Việc gì cũng nói là ý chí của "nhân dân" nhưng thực ra là "ý chí" của lãnh đạo.

Ông phó quận ra "lệnh miệng " cẩu những chiếc xe đậu trái phép. Ông này đã "vượt" qua thẩm quyền của công an. Vì chỉ có công an giao thông mới có thẩm quyền lập văn bản vi phạm. Ông phó quận cũng ra "lệnh miệng" để "hốt của" của những người bán hàng lấn vỉa hè. Ông này đã "vượt" qua thẩm quyền của tư pháp, nơi duy nhứt có thẩm quyền "truất quyền sở hữu" của cá nhân. Ông cũng ra lệnh đập phá tứ tung những công trình xây dựng lấn vỉa hè, bất kể có phép hay không có phép, bất kể thuộc diện "an ninh quốc phòng" ...

Không ai phản đối việc lấy lại trật tự đường phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Người ta phản đối là cách làm của ông phó quận.

Ông phó quận đã làm việc theo "tinh thần cách mạng" chớ không tuân theo luật lệ.

Mô hình phân bổ quyền lực của Việt Nam, như cái gọi là UBND, là một hình thức của "chính quyền cách mạng".

Hình thức "chính quyền" này tưởng rằng đã dẹp bỏ từ đầu thập niên 90, lúc Quốc hội xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" để Việt Nam vào WTO. Vì khi vào WTO, Việt Nam phải tuân thủ "luật chơi quốc tế", trong đó quan trọng hơn hết là "nhìn nhận quyền tư hữu" của cá nhân.

Hiến pháp và Luật dân sự Việt Nam sau này nhìn nhận "tư hữu" là một "quyền" được pháp luật bảo vệ.

Nếu theo đà "cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh", lan ra ở các tỉnh thành khác, thì điều chắc chắn là Việt Nam trở về thời "chính quyền cách mạng". Ý chí của lãnh đạo là ý của trời.

Vấn đề là Hà Nội làm khác Sài gòn. Lãnh đạo Hà Nội làm việc "có lý có tình", đề ra hết những khó khăn "nội tại" của Hà Nội, sau đó lần lượt giải quyết "theo pháp luật".

Vấn đề "lấn vỉa hè", nhờ lãnh đạo Hà Nội lên tiếng, ta biết nguyên nhân là do "bảo kê" của các thế lực "đen". Vì người dân nào dám lấn vỉa hè, "giỡn mặt" với chính quyền cách mạng ?

Ở Hà Nội, 187 quán bia thì có 150 quán có bảo kê của công an. Có nói ra mới biết được nguyên nhân. Biết được "bệnh" ở đâu thì nặng mấy cũng có phương pháp chữa trị.

Còn Sài gòn, ai bảo kê?

Thì ra những chuyện ở Sài gòn là chuyện "tranh giành" để "bảo kê". Phe này lên thì muốn "hạ" phe kia xuống. Chớ chẳng có đổi mới đổi cũ gì. Nhưng từ luật pháp xuống xài "luật rừng", rõ ràng Sài gòn đi khác đường Hà Nội trong vấn đề "đổi cũ" trở lại.

Sài gòn cương quyết không "đổi mới" cái gì hết.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook : nhân tuấn trương, 06/03/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn
vendredi, 03 mars 2017 14:31

Sai và sửa sai

Xây dựng quốc gia, qui hoạch một đô thị… là những công việc liên tục và "dài hơi" kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm. Thành công hay không là do sự liên tục ở việc thừa kế cũng như những nỗ lực phát huy hợp lý. Các quốc gia "trẻ", các thành phố mới thành lập kiểu Hoa Kỳ như Singapore… hay Dubai, Abu Dhabi không nói làm chi. Những công trình xây dựng đều "mới mẻ", không (hay ít) bị ràng buộc bởi yếu tố "di sản văn hóa và lịch sử", do đó dễ dàng cho sự thay đổi để phù hợp với sự tiện dụng, "trào lưu tiến bộ" hay quan điểm thẩm mỹ của thời đại. Dĩ nhiên ở các nơi đây, khi nó còn mới, thoạt nhìn ta thấy có một cái gì đó rất "hấp dẫn". Lấy thí dụ ở các thành phố Dubai, Abu Dhabi hay Singapore… Đụng vào thứ gì ta cũng thấy nó "vĩ đại", mới tinh, tiện dụng… hết cả. Nhưng đây không hẵn là mô hình "tiêu chuẩn" mà người ta ưa chuộng.

suasai1

Singapore, một thành phố-quốc gia mới thành lập - Ảnh minh họa

Nhiều thành phố lớn ở Mỹ, đi trước hàng trăm năm, ban đầu cũng đã xây dựng theo mô hình hiện đại (mà bây giờ Dubai, Abu Dhabi hay Singapore… đi theo). Nhưng dân chúng không mấy ai ở "trung tâm thành phố - downtown". Dân ở "trung tâm thành phố" hầu hết là dân nghèo. Dân chúng phần lớn sinh sống ở các vùng "ngoại ô" yên bình và rộng rãi.

Còn những thành phố "cổ" ở Châu Âu như London, Paris, Roma, Venezia (Venise)... quá trình xây dựng có cái hàng vài ngàn năm, dĩ nhiên nó không có những tiện nghi cho đời sống hay những thứ "hiện đại" chóa mắt. Nhưng rõ ràng nó có một "linh hồn". Đi đến những thành phố này ta thấy rõ ràng chúng là những bảo tàng viện lộ thiên. Có những công trình cầu cống, nhà thờ, đền đài... xây dựng hàng ngàn năm trước, đến nay vẫn nguyên vẹn và vẫn tiếp tục sử dụng. Nếu ta có đọc lịch sử về kiến trúc ở các nơi đây, ta thấy có những công trình chỉ hoàn tất sau vài thế kỷ.

Nếu không có sự kế thừa để giữ liên tục, sau đó phát huy và bồi đắp, thì những công trình này không thể thành hình.

Trở lại Việt Nam, đến nay chỉ có trời mới biết là mấy ông "trí tuệ đỉnh cao" sẽ lấy mô hình nào để xây dựng Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… ?

Cuộc dọn dẹp vỉa hè ở Quận 1 Sài Gòn mấy hôm nay rõ ràng là "đổi cũ". Tức là làm lại cho đúng "nguyên trạng" những thứ để lại từ thời Việt Nam Cộng Hòa, thời Pháp.

suasai2

Giành vỉa hè cho người đi bộ - một "cuộc chiến" thực sự

Ảnh minh họa

Hôm qua, một bạn facebooker có "khoe" các tấm hình chụp ở đường Hàm Nghi, ở Ngân hàng nhà nước… Hình như bạn này hãnh diện ghê lắm vì sự ngăn nắp và "sạch sẻ" trên vỉa hè (còn đường phố thì chưa nói, vì không thấy). Tôi thấy không có sự thay đổi nào cả, nếu so sánh với các tấm hình chụp trước 1975.

Điều đã làm "rúng động" mọi người là chiến dịch "trả lại vỉa hè cho người đi bộ", thực tế là một cuộc "sửa sai".

Gần 1/2 thế kỷ độc quyền lãnh đạo, Sài Gòn trở thành một ổ kiến hỗn loạn do bị động. Chụp giựt, mạnh ai nấy sống. Thử nhìn sân bay Tân Sơn Nhứt, sự "biến thiên" của nó theo thời gian ra sao, thì cũng đúng y như vậy ở Sài Gòn.

Trước đây ở Sài Gòn, làm gì có nạn trụ sở phường, trạm công an… xây dựng chiếm vỉa hè ? Làm gì có những con đường "hỗn tạp", sống chụp giựt, mà mỗi lần đi qua không ai cảm thấy yên tâm ? Những người "công chức" là những người phải tôn trọng pháp luật trước tiên. Công an là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp. Khi công an phạm pháp thì trong xã hội ai cũng có thể phạm pháp.

Bây giờ "lãnh đạo" mới bắt đâu "qui hoạch" sân bay Tân Sơn Nhứt, bắt đầu "chỉnh trang" lại Sài Gòn. Ông Đinh La Thăng có tuyên bố gần đây là sẽ làm cho Sài Gòn trở lại thành "hòn ngọc Viễn Đông". Dĩ nhiên mọi người ai cũng ủng hộ, hoan nghênh. Điều tiếc là lúc mới vào, tháng tư 1975, không ai nói lên được điều này.

Nhưng làm thế nào để Sài Gòn trở thành lại "hòn ngọc Viễn Đông" ?

Sai rồi sửa. Có những cái sai không thể sửa, hay phải mất rất nhiều thời gian để sửa.

Tôi thấy dường như lãnh đạo Sài Gòn đang áp dụng "mô hình" Đà Nẵng. Theo đó "đuổi cổ" bọn dân nghèo ra khỏi thành phố, "kệ mẹ" tụi nó sống ra sao thì sống.

Điều này làm rất dễ ở những xứ độc tài. Thành phố sau đó "đẹp lung linh". Nhưng nếu nhìn ở phương diện "tâm linh" thì nó rất "tổn thọ". Còn nhìn về phương diện chính trị, rõ ràng những lãnh đạo như vậy là dối trá, vô đạo đức. Làm chính trị chủ yếu là phục vụ cho người dân. Cho toàn thể người dân chớ không phải cho "giai cấp", hay tầng lớp nào đó.

Vụ giải tỏa vỉa hè Sài Gòn, thực chất là "sửa sai", mà đối tượng là lực lượng công an, cán bộ phường, khóm... Những thành phần này lạm dụng quyền lực, tham nhũng khiến việc sử dụng vỉa hè hỗn loạn, mất nét mỹ quan của thành phố. Nhưng rốt cục chỉ có người dân là "lãnh búa" của ông phó quận. Ông Tô Lâm nhân dịp này lên tiếng "lấy điểm" cho phe công an.

Nhìn những video clip được đưa lên mạng, đôi khi mồ hôi lạnh toát ra. Bởi vì "đổi mới" đến nay ba thập niên mà xem ra "tư duy" thời "đánh tư sản" vẫn còn bàng bạc. Nơi ông quận phó, nơi các cán bộ thi hành… đã đành. Nó bàng bạc ngay trong đầu của người dân, của tầng lớp trí thức.

suasai3

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp chỉ đạo các lực lượng xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè .

Nếu tiếp tục chủ trương "vô sản" thì không nói làm chi. Khi đã "muốn làm giàu" thì điều cơ bản phải tôn trọng là "quyền tư hữu". Hiến pháp và luật Việt Nam xác định "quyền tư hữu cá nhân được luật pháp bảo vệ".

Một số đoạn trong các video clip cho thấy rằng ông phó quận "ngồi xổm" lên quyền tư hữu của người dân. Một vài ki-ốt bán hàng của người dân "lấn vỉa hè". Nhưng luật không cấm việc bày ki-ốt buôn bán trên vỉa hè, ngoại trừ lúc quyền sử dụng vỉa hè của người đi bộ bị cản trở. Bất kể người ta có giấy phép hay không, ông phó quận "hốt, hốt hết". Mới đây, báo chí đưa tin có người đem theo tiền và vàng trong người bị bắt. Tài sản bị tịch thu "để điều tra".

Không hiểu tại sao công an không bắt ông phó quận, để điều tra, vì ông này cũng mang hàng (coi bộ) "xịn", trị giá bạc tỉ trong người.

Tức là quyền tư hữu của người dân bị vi phạm nặng nề. Trong khi nhiều người "hoan hô" khi thấy "bọn bán hàng rong" bị đuổi đi.

Chừng nào đất nước "giàu lên", khi mà lãnh đạo, cũng như trí thức, coi thường quyền tư hữu của người dân ?

Rõ ràng không có tư duy, không có kế hoạch xây dựng nào cả. Tư bản không ra tư bản. Cộng sản không ra cộng sản. Quốc gia gián đoạn, mất liên tục. Không có sự kế thừa. Không có kế thừa thì chỉ có đập phá, mạnh ai nấy sống. Dĩ nhiên kẻ có quyền thì tước đoạt tất cả.

Trương nhân Tuấn

Nguồn : FB nhantuan.truong, 02/03/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn