Luật Cứu Trợ Covid-19 tổng cộng 1.900 tỷ đô la đô la là con số lớn nhất, sau hai đợt cứu trợ năm 2020. Bà Janet Yellen, bộ trưởng thương mại mới đã biện minh : "Chúng ta đang cố thoát ra khỏi cái hố (kinh tế) quá sâu" nên cần một số tiền lớn như vậy. Trong Tháng Giêng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 6,3%, nhưng bà Yellen cho rằng con số thật sự là 10%, vì hàng triệu người thất nghiệp không được đếm sau khi ngưng, không đi tìm việc nữa.
Cuộc thảo luận về đạo luật cứu trợ 1.900 tỷ đô la cho thấy đại biểu quốc hội của hai đảng bỏ phiếu hoàn toàn trái nghịch nhau.
Hai mục được chú ý đến nhất là khoản 1.400 đô la cho mỗi người và thêm 300 đô la cho tiền bảo hiểm thất nghiệp, 7% sẽ dùng để ngăn ngừa bệnh dịch, 360 tỷ đô la cho các địa phương, 130 tỷ đô la để mở cửa các trường, 10 tỷ đô la tu bổ hạ tầng cơ sở.
Đạo luật mới có thể coi là "hỗ trợ các gia đình," sẽ tăng số miễn thuế để nuôi con (Child Tax Credit) 2.000 đô la lên 3.000 đô la. Những gia đình thuộc 20% lương bổng thấp nhất sẽ được tăng 20% lợi tức.
Đặc biệt, đạo luật mới còn tặng cho gia đình mỗi trẻ em dưới 6 tuổi đến 17 tuổi thêm 3.600 một năm. Tiền trợ cấp y tế cho trẻ em lên tới 39 tỷ đô la. Những người muốn mua bảo hiểm y tế qua thị trường trong Obama Care (Affordable Care Act), sẽ được trợ giúp nếu thiếu tiền. Một hệ quả của đạo luật mới là số trẻ em thuộc hạng "nghèo" ở Mỹ sẽ giảm bớt một nửa.
Cuộc thảo luận về đạo luật cứu trợ 1.900 tỷ đô la cho thấy đại biểu quốc hội của hai đảng bỏ phiếu hoàn toàn trái nghịch nhau. Đảng Cộng Hòa phản đối số tiền quá lớn, và cho rằng nhiều khoản chi tiêu không liên hệ đến Covid-19. Đảng Dân chủ biện luận rằng tất cả đều nhắm kích thích nền kinh tế đang suy yếu do trận đại dịch gây ra. Số tiền 1.400 đô la cho mỗi người Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump cũng đề nghị số trợ cấp này, sẽ giúp cho kinh tế sớm phục hồi.
Năm ngoái, những số tiền trợ cấp cho mọi người dân Mỹ đều có tác dụng như vậy. Sau đợt cứu trợ đầu tiên, 1.200 đô la mỗi người, vào tháng Ba năm 2020, những người nhận được tiền đã đi mua sắm ngay 62% trong vòng hai tuần lễ (theo Federal Reserve Bank of Chicago). Nói chung, người dân nhận được 1.200 đô la đã tiêu xài trung bình 604 đô la trong hai tuần. Các cửa hàngWalmart cho biết các khách hàng, phần lớn là người nghèo, mỗi người đã mua 94 đô la nhiều hơn trong hai tuần đó.
Người tiêu thụ là lực lượng thúc đẩy kinh tế Mỹ hoạt động, đóng góp hơn 2 phần 3 vào Tổng sản lượng nội địa mỗi năm. Khi người tiêu thụ có tiền và mua sắm là công nhân các cửa hàng, xí nghiệp có việc làm. Gia tăng tiền bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp trực tiếp tiền mặt cho mọi người là những phương pháp hữu hiệu nhất để kích thích tiêu thụ.
Hiện tượng này lại diễn ra sau đợt cứu trợ thứ nhì, 600 đô la cho mỗi người, ký ngày 27 tháng 12 năm ngoái, tổng cộng 900 tỷ đô la. Giữa Tháng Hai năm 2021, các gia đình đã chi tiêu 88% số tiền 600 đô la họ nhận được. Trong tháng Giêng, các xí nghiệp bắt đầu lại tuyển mộ công nhân, tỷ số thất nghiệp giảm từ 6,7% xuống 6,3%.
Những gia đình nghèo bao giờ cũng chi tiêu nhiều hơn người khá giả, cho thấy họ đang cần được trợ cấp thật sự. Tới ngày 10 tháng Giêng 2021, một tuần lễ sau khi Bộ Tài Chánh gửi tiền, những người lợi tức dưới 60.000 đô la một năm đã gia tăng số tiêu thụ 20%. Ngược lại, những gia đình lợi tức 100.000 đô la trở lên thì số tiêu thụ không thay đổi so với một năm trước dù họ có được tặng 600 đô la.
Nhưng số tiền trợ cấp 1.400 đô la trong đạo luật mới có quá lớn hay không ? Những người chỉ trích đạo luật 1.900 tỷ đô la cho rằng kinh tế Mỹ đang được mở cửa lại, và sẽ hồi phục, không cần kích thích nữa. Vì số người mới mắc bệnh đang giảm bớt mỗi ngày. Nhưng không ai đoán trước được bao giờ Covid-19 mới thực sự chấm dứt, vì vi khuẩn đang tiếp tục biến thái, các vaccine không biết công hiệu được bao lâu, và nhiều nơi mở cửa sớm có thể sinh ra các đợt mắc bệnh mới.
Một mối lo chính đáng được nêu ra là số tiền trợ cấp cao quá có thể thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed, Quỹ Dự trữ Liên bang), đã bác bỏ mối lo đó, khi ông tuyên bố giữ nguyên chính sách lãi suất và tiền tệ như cũ, vì không lo giá sinh hoạt sẽ tăng.
Các nhà kinh tế cũng nêu một lý luận khác để chống lại đạo luật mới, là số tiền trợ cấp lớn, cộng thêm tiền bảo hiểm thất nghiệp, có thể khiến nhiều người không muốn đi làm trở lại.
Giáo sư Casey B. Mulligan, một cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã đặt câu hỏi "Luật kích thích sẽ giết bao nhiêu công việc làm ?" (How Many Jobs Will the ‘Stimulus’ Kill ?). Ông tính rằng số tiền trợ cấp theo đạo luật mới có thể cao hơn lợi tức của 85% các gia đình ở Mỹ. Ông đưa thí dụ, một gia đình ở Kansas có hai người thất nghiệp, sẽ được đạo luật mới cung cấp 135.000 đô la một năm. Một gia đình ở Massachusetts có thể nhận được 170.000 đô la. Ngay ở một tiểu bang nghèo như Mississippi, số tiền có thể lên tới 100.000 một năm. Cứ như vậy, họ sẽ thấy không cần đi làm nữa. Người Mỹ sẽ lệ thuộc vào chính phủ, ông kết luận.
Một điều mà Giáo sư Casey B. Mulligan không nói rõ, là những món tiền ông ước tính trên đây sẽ chấm dứt cùng với chương trình cứu trợ vì bệnh Covid-19. Nếu một người thấy cơ hội đi làm, kiếm 120.000 đô la một năm trong nhiều năm tới, thì họ có thể chấp nhận từ bỏ khoản trợ cấp 170.000 đô la thế nào cũng đến ngày chấm dứt.
Đạo luật mới đã giới hạn chỉ trợ cấp 1.400 đô la cho những gia đình với lợi tức từ 150.000 đô la trở xuống. Cũng khó tiên đoán con số tiền trợ cấp nào là lớn quá hay nhỏ quá, trước khi người tiêu thụ hành động và kinh tế được kích thích sống dậy ! Nhưng chắc chắn việc trợ cấp cho người dân tiêu thụ là điều cần thiết giúp kinh tế hồi phục. Hy vọng quốc hội Mỹ sẽ không phải bỏ phiếu cho một đạo luật trợ cấp khác sau khi đạo luật này chấm dứt !
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp cho trẻ em 3.600 đô la một năm, những khoản trợ cấp về y tế cho trẻ em và các gia đình nghèo hiện nay chỉ có tính chất tạm thời. Chính phủ Biden có thể sẽ đề nghị kéo dài sau mùa Covid.
Những đạo luật đó cần được Đảng Cộng Hòa ủng hộ mới có thể thông qua tại Thượng viện, nơi cần 60 nghị sĩ chấp thuận để bỏ phiếu. Nghị sĩ Mitt Romney, đảng Cộng Hòa, đã đề nghị khoản trợ cấp hàng năm cho trẻ em 3.600 đô la. Hy vọng ông sẽ cùng nhiều nghị sĩ khác đưa ra một dự luật chung cho vấn đề này. Đây là một khoản "trợ cấp gia đình" mà nước tiền tiến nào cũng đã thi hành từ thế kỷ trước. Chỉ nước Mỹ chưa làm.
Cơn bệnh dịch Covid-19 tạo cơ hội cho dân Mỹ có thể thay đổi, với các chương trình xã hội mới. Qua kinh nghiệm chống loài vi khuẩn này, dân Mỹ có thể trao thêm trách nhiệm cho chính phủ để làm cho cuộc sống được cân bằng, bớt rủi ro hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế thời 1930 đã tạo ra cơ hội cho quy chế an sinh xã hội (Social Security) ra đời. Sau đó, đến Quỹ Y tế cho người về hưu, Medicare. Đến nay, tất cả mọi người Mỹ đều đồng ý không thể nào xóa bỏ các hệ thống xã hội đó. Nếu trong vài năm tới, quốc hội Mỹ làm một đạo luật "Bảo vệ Gia đình" với khoản trợ cấp hàng năm cho trẻ em, thì đó sẽ là một hệ quả tốt bất ngờ của trận đại dịch.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 10/03/2021
Ngân hàng Thế giới cấm vận Công ty SBD của Việt Nam 7 năm (RFA, 26/06/2020)
Ngân hàng Thế giới-World Bank vừa thông báo sẽ thực hiện cấm vận 7 năm đối với Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD), vì đã có hàng vi lừa đảo và gian lận trong hai dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (bên phải) và bà Kristalina Georgieva, Gám đốc Ngân hàng Thế giới, tại một buổi họp báo ở Hà Nội, hồi tháng 3/2017. AFP
Thông báo được công bố trên website của World Bank, vào hôm 24/6, nêu rõ việc cấm vận sẽ khiến cho Công ty SBD không đủ điều kiện tham gia vào các dự án hoặc hoạt động do các tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là một phần của các thỏa thuận giải quyết, theo đó SBD thừa nhận trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm và phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể để đủ điều kiện thoát khỏi cấm vận.
Hai dự án do SBD thực hiện bị World Bank cáo buộc gian lận và lừa đảo bao gồm Dự án phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng. Dự án này trị giá 272 triệu USD, được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường huyết mạch và giao thông công cộng tại các khu vực được lựa chọn của thành phố Đà Nẵng.
Dự án còn lại là Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được thiết kế để tăng tính lưu động đô thị tại các khu vực được nhắm đến ở Hà Nội qua việc gia tăng sử dụng giao thông công cộng và làm giảm thời gian di chuyển giữa trung tâm thành phố về phía Tây và Tây Bắc của thủ đô. Đây là dự án nhằm thúc đẩy các phương thức giao thông bền vững, thân thiện với môi trường và phát triển đô thị cho Hà Nội. Dự án này được World Bank tài trợ 295 triệu USD.
Qua thông báo, World Bank cho biết đã phát hiện nhân viên của SBD làm ảnh hưởng không đúng đến quy trình đấu thầu của hai dự án nêu trên, do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Công ty SBD đã tạo tài liệu giả mạo trong hồ sơ dự thầu và không cung cấp thông tin chính xác về sự tham dự trong giai đoạn khởi đầu của hai dự án. Đây là những hoạt động được coi là thông đồng và gian lận.
World Bank cho biết thêm việc cấm vận đối với SBD của Việt Nam đủ điều kiện thực hiện cấm vận chéo giữa các ngân hàng phát triển đa phương khác, theo Thỏa thuận Thi hành các Quyết định Tranh chấp được ký kết vào ngày 9/4/2010.
Truyền thông trong nước, vào ngày 26/6 dẫn lại thông báo cấm vận 7 năm của World Bank đối với Công ty SBD.
Công ty SBD được thành lập hồi tháng 11/1996 với vốn điều lệ ban đầu là 900 triệu đồng. Đến năm 2018, vốn điều lệ tăng lên gần 99 tỷ đồng đồng.
**********************
Ngân hàng Thế giới cấm vận công ty công nghệ Việt Nam vì gian lận (BBC, 25/06/2020)
Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu của Việt Nam vừa bị Ngân hàng Thế giới trừng phạt vì liên quan đến lừa đảo và gian lận.
Công ty Sao Bắc Đẩu bị trừng phạt liên quan đến Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 24/6 công bố cấm vận 7 năm Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) có trụ sở tại Việt Nam, liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận trong Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
WB, trong thông cáo được công bố trên website, nêu rõ : "Việc cấm vận sẽ khiến SBD không đủ điều kiện tham gia vào các dự án hoặc hoạt động do các tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là một phần của các thỏa thuận giải quyết, theo đó SBD thừa nhận trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm và phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể mới đủ điều kiện thoát khỏi cấm vận".
Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng được thiết kế để mở rộng sự tiếp cận của cư dân thành phố với hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, mạng lưới đường bộ và giao thông công cộng quan trọng tại các khu vực được chọn trên địa bàn thành phố.
Hồ sơ chính thức được công bố trên website của WB cho thấy dự án này có tổng kinh phí 272,20 triệu USD, được duyệt vào tháng 4/2013 và sẽ kết thúc vào tháng 6/2021.
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội được thiết kế để tăng tính lưu động đô thị tại các khu vực được nhắm đến ở Hà Nội bằng cách thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và giảm thời gian đi lại giữa trung tâm thành phố và phía tây và tây bắc của thành phố. Dự án nhằm thúc đẩy hơn nữa các phương thức giao thông bền vững, thân thiện với môi trường và sự phát triển đô thị lâu bền cho Hà Nội, WB cho biết.
Dự án được duyệt năm 2007 và kết thúc vào tháng 12/2016 với kinh phí 294,89 triệu USD.
Thông cáo của WB cho hay theo các chứng cứ tìm được, nhân viên SBD đã gây ảnh hưởng không đúng đắn đến các quy trình đấu thầu của hai dự án ; bao gồm tài liệu giả mạo trong hồ sơ dự thầu ; và không cung cấp thông tin chính xác về sự tham dự trong giai đoạn tiền kỳ của hai dự án. Đây là những hoạt động được coi là thông đồng và gian lận.
Thỏa thuận giải quyết có điều khoản giảm thời hạn cấm vận dựa trên những điều kiện như sự hợp tác và hành động khắc phục tự nguyện của SBD.
WB khẳng định việc cấm vận SBD thỏa điều kiện thực hiện cấm vận chéo bởi các ngân hàng phát triển đa phương khác theo Thỏa thuận Thi hành các Quyết định Tranh chấp được ký kết vào ngày 9/4/2010.
Sao Bắc Đẩu (Sao Bac Dau Technologies Corporation) là công ty chuyên về cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều khách hàng là các cơ quan chính phủ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… Theo thông tin tự giới thiệu, công ty đã có 24 năm hoạt động, từng nhận Huân chương Lao động hạng 2 và doanh thu dự kiến đến năm 2022 là 2.500 tỉ đồng.
*******************
Gói cứu trợ trong dịch Covid-19 : "Chủ trương một đàng, thực hiện một nẻo" (RFA, 24/06/2020)
Ý kiến của cử tri về gói 62 ngàn tỷ
Tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra vào trung tuần/6, các cử tri ở quận 5 phản ánh về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 ngàn tỷ của Chính phủ. Những cử tri này cho rằng điều mà người dân quan tâm sau dịch Covid-19 là Chính quyền thành phố cần có cơ chế giám sát các cơ quan ban ngành thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân thế nào.
Ảnh minh họa. Chợ Bến Thành đìu hiu vắng khách sau lệnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Courtesy : cafef.vn
Đài RFA ghi nhận truyền thông trong nước loan tin mặc dù gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ được Chính phủ và Quốc hội thông qua với quyết tâm giúp đỡ người dân một cách hiệu quả và không để tình trạng trục lợi chính sách xảy ra ; thế nhưng không ít người dân khắp các địa phương, có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thậm chí nhiều trường hợp gian lận, tham nhũng bằng các hình thức khác nhau như nâng giá thiệt bị y tế hay hỗ trợ không đúng đối tượng, bắt người dân viết giấy tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ…
Ông Nguyễn Hồng Quang, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động, vào ngày 22/6 được báo giới dẫn lời cho biết Chính phủ đã giải ngân cho khoảng 16 triệu người, với tổng kinh phí khoảng 17.500 tỷ đồng trong gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Luật sư Đặng Dũng, người làm việc nhiều năm trong cơ quan thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng với RFA dù tình hình là cấp bách và Nhà nước rất quyết tâm. Tuy nhiên :
"Việc Nhà nước nói một đàng nhưng làm lại một nẻo. Ví dụ như giá thịt heo thì nói giá như thế này, nhưng khi đi mua thì người bán bảo lên tivi mà mua giá đó. Trở lại với gói hỗ trợ thì Nhà nước cũng muốn làm rõ ràng, minh bạch nhưng mà từ lúc tuyên truyền cho đến lúc thực hiện rồi đến lúc được báo cáo lên và có giải quyết được hiệu quả hay không…thì cần có thời gian. Tuy nhiên, người dân rất mừng khi nghe có gói hỗ trợ nhưng mà lại chờ mòn mỏi. Thực tế tôi xem báo cũng chưa thấy nơi nào chụp được hình ảnh người dân hài lòng về vấn đề giúp đỡ họ trong mùa Covid-19. Kể cả doanh nghiệp nữa".
Doanh nghiệp cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ
Báo mạng Lao Động, hồi trung tuần tháng 6 cho biết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng, trung tâm kinh tế-thương mại lớn nhất khu vực miền Trung than phiền trong suốt hai tháng qua đã không thể nào tiếp cận được gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ dành cho doanh nghiệp.
Đây là gói hỗ trợ Chính phủ dành cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không những vậy, những chính sách hỗ trợ khác cũng được cho là nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp.
Tại thành phố có hoạt động kinh doanh mạnh nhất Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cuộc khảo sát, tính đến đầu tháng 5 có đến 61% doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Ba, một nhân viên quản lý của một công ty tư nhân, có trụ sở ở quận 1 cho biết vì sao những doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể nào nhận được hỗ trợ :
"Hiện tại bây giờ, những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chưa được tiếp cận tới. Lý do vì có rất nhiều điều ràng buộc. Chẳng hạn như doanh nghiệp phải có 30-35% nhân viên được mua bảo hiểm ý tế xã hội và doanh nghiệp sản xuất phải nằm trong vùng mặt hàng mà Nhà nước quy định, chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ. Kể cả nợ vay ngân hàng cũng vậy…Do đó, có thể những doanh nghiệp có xưởng may xuất khẩu tầm cỡ vài trăm đến vài ngàn công nhân thì mới được. Thành ra trong chuyện hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa Covid-19 vừa qua, chủ trương thì có nhưng kèm theo các điều kiện cần và đủ nhiều quá nên có cũng như không".
Bên cạnh đó, một số các chuyên gia kinh tế còn ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh có đến 300 ngàn hộ kinh doanh tiểu thương nhỏ lẻ, là đối tượng bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.
Vào tối ngày 24/6, Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định của ông về tình hình thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
"Tôi nghĩ rằng là sẽ rất khó khăn bởi vì hiện nay cả về khâu cung ứng vật tư nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ đều gặp khó khăn cả. Cho nên rất khó đạt được những mục tiêu đã đề ra".
Người dân nhận gạo từ máy phát gạo 24/7 trong mùa dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh hôm 11/4/2020. Reuters
Ngân hàng Thế giới-World Bank vào cuối tháng 3 đã hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 4,9%.
Vị chuyên gia cựu thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc-Tiến sĩ Lê Dăng Doanh nói rằng ông e ngại với mức dự báo GDP 4,9% trong năm 2020 cũng khó đạt được nếu như các doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời. Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh :
"Các thủ tục đối với doanh nghiệp còn phức tạp và rườm rà. Và cần cải thiện các thủ tục đó để các quỹ cứu trợ có thể đến tay doanh nghiệp. Bất kể sự chậm trễ nào về thời gian cũng gây tổn thất. Tôi hy vọng rằng với các thông tin mà doanh nghiệp và báo chí đã phản ánh thì các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp để cải thiện, cải tiến giảm bớt các thủ tục để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận được các gói cứu trợ".
Được phản ánh tại nghị trường Quốc hội
Trong phiên họp Quốc hội, vào ngày 15/6, Đại biểu Tô Văn Tám, đại diện cử tri đoàn tỉnh Kon Tum đã đề cập đến vấn đề vừa nêu.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám chuyển tải kiến nghị của cử tri với Chính phủ về xử lý nghiêm minh các cán bộ trục lợi chính sách từ những gói hỗ trợ trong dịch Covid-19. Song song đó, ông Tô văn Tám cũng đề nghị Chính phủ cần thực hiện điều cốt lõi là cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế để môi trường kinh doanh của Việt Nam được tốt và ổn định.
Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai còn vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công chậm… và để giải quyết tận gốc những vướng mắc này thì cần kiến tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý thu gọn chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc.
Luật sư Đặng Dũng vào tối ngày 24/6 nói với RFA rằng các nhà kỷ trị ở cấp thượng tầng chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và rất thận trọng để đưa ra những quyết sách quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam, sau khi bị tác động bởi Covid-19. Luật sư Đặng Dũng viện dẫn Chính phủ Hà Nội đã gây được tiếng vang trên cộng đồng thế giới trong việc điều hành và kiểm soát nạn đại dịch vừa qua, cho nên :
"Tôi mong là tiếng vang đó sẽ có những khuyến khích Nhà nước cải cách tốt hơn để đạt được những điều người dân mong muốn. Và làm cho đất nước này được ‘nở mặt nở mày, dù không đến mức đó, nhưng chúng ta thấy phần nào đã được thế giới tín nhiệm thì nên chăng chúng ta sửa đổi và có những bước tích cực hơn nữa trong vấn đề cải cách thể chế".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong hạ tuần tháng 6 vừa phổ biến một bài viết có nhan đề "Đồng bào tôi luôn là công dân hạng hai ?". Tác giả đã nhắc nhở rằng "Cách làm giàu không nhờ vào buôn bán tài nguyên hay cung cấp dịch vụ, mà là cách làm giàu nhờ sự thăng hoa của chất xám mà từ đó có được những phát minh sáng chế tiên phong".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu khẳng định "Chỉ có cách đó mới đẻ ra sự giàu có kèm theo hùng cường. Chỉ có cách đó mới không những có được sự khâm phục mà còn làm cho người phải nể, phải sợ". Ông tiến sĩ còn đúc kết rằng "Không thấy được nguyên nhân, mà chỉ so với quá khứ của chính mình rồi bằng lòng ‘chưa bao giờ được như hôm nay’ thì mãi mãi tụt hậu, mãi mãi không thể ngóc đầu lên được trước bạn bè quốc tế".
********************
Covid-19 : Việt Nam chưa mở cửa cho du khách nước ngoài (RFI, 25/06/2020)
Theo báo chí tại Việt Nam, ngày 24/06/2020, trong cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính phủ Việt Nam chưa cho phép mở cửa với khách du lịch vào Việt Nam.
3 tháng đầu năm, ngành du lịch gần như ngưng trệ vì dịch Covid - 19
Sau khi nghe báo cáo về tình hình khôi phục các hoạt động kinh tế và phòng chống dịch Covid-19, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh "chính phủ chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam, đây là quan điểm nhất quán", theo báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính phủ khẳng định Việt Nam vẫn mở cửa đón các chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng như cho phép đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài, nếu các nước tiếp nhận, nhưng phải giám sát chặt chẽ, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Theo chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hàng không Việt Nam có thể tăng tần suất các chuyến bay để phục vụ các đối tượng trên. Trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp thì sẽ cho ngừng các chuyến bay.
Về tình hình dịch Covid-19, đã hơn 2 tháng (69 ngày) Việt Nam chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca nhiễm mới đều bắt nguồn từ nước ngoài. Việt Nam có tổng số 212 ca nhiễm nhập cảnh. Trong ngày hôm qua đã có thêm 3 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm nhập cảnh lên 212 người, theo thông báo của chính quyền. Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung và được làm xét nghiệm ngay.
Anh Vũ
*********************
Việt Nam không ‘mở cửa ào ạt’ đón khách vì nôn nóng phát triển (VOA, 25/06/2020)
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực chính phủ ngày 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố "không có câu chuyện mở cửa ào ạt", vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà xoá đi thành quả đạt được trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Với báo cáo hơn 2 tháng không có ca nhiễm virus corona trong cộng đồng, tỉ lệ nhiễm bệnh thấp (352 trường hợp tính đến ngày 25/6) và không có người tử vong, Việt Nam được xem là một trong số các quốc gia phòng chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai đang đặt quốc gia Đông Nam Á vào tình trạng "cảnh giác", bất chấp sức ép lớn trong việc mở cửa trở lại các dịch vụ giao thương với bên ngoài.
Theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang thực hiện "mục tiêu kép" : vừa phòng chống dịch vừa mở cửa cho các chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, nhưng phải "giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ".
Ông Phúc cho biết tần suất các chuyến bay quốc tế đưa những người thuộc diện đặc biệt trên sẽ tăng lên.
Theo truyền thông Việt Nam, hiện có khoảng 35.000 người Việt Nam có nhu cầu về nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tạo điều kiện cho 14.000 người "đáp ứng tiêu chí" về nước sớm bằng các chuyến bay từ nhiều nơi.
"Không để tình trạng lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn cho các đối tượng khi nhập cảnh", ông Phúc đưa ra lưu ý trong cuộc họp được đăng nội dung trên trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Hồi đầu/6, Việt Nam cho biết kế hoạch nối lại các chuyến bay đến một số quốc gia không có ca nhiễm Covid-19 trong vòng 30 ngày và xem xét đàm phán mở cửa cho du khách ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam.
Trong khi đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) mới đây ra thông báo nói rằng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam vẫn không được phép chở cả hành khách lẫn hàng hoá. Thông báo có hiệu lực từ ngày 16/6 đến 19/6 dường như đi ngược lại dự tính mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế của hàng không Việt Nam.
Trước đó, lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, cho biết hãng này có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế kể từ đầu tháng 7. Hãng này cũng đã chuẩn bị phương án nối lại các chuyến bay sang Châu Âu vào cuối năm 2020 và sang Mỹ trong năm 2021, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
*******************
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông nếu kéo dài sẽ gây bất lợi cho Việt Nam & Trung Quốc (RFA, 25/06/2020)
Bí thư thành ủy Hà Nội mong muốn có thể phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và tổng thầu Trung Quốc để đưa dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông sớm đi vào hoạt động.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông - AFP
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra nhận định trên với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trong cuộc gặp gỡ diễn ra chiều 24 tháng 6 và được truyền thông loan tin ngày 25 tháng 6.
Theo tờ Tiền Phong điện tử, tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Trung Quốc khẳng định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải là dự án thương mại bình thường, mà là dự án có sử dụng vốn của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước, do đó nếu kéo dài sẽ gây bất lợi cho cả hai phía.
Ông Hùng Ba cho biết trong thời gian đến, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm tại Hà Nội, trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đồng thời Đại sứ Trung Quốc hứa sẽ đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Cũng trong buổi tiếp, Bí thư Thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn Đại sứ TQ sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ thành phố thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Bắc Kinh và các địa phương khác của Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác xảy ra cùng ngày, tại cuộc Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) năm 2020, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết do chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với chính phủ Pháp cho dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội, nên thành phố chưa ký được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và thành phố.
Ngoài ra, ông Toản cũng thừa nhận có một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA nên một số dự án đường sắt đô thị vẫn đang điều chỉnh, chưa thực hiện xong như dự án tuyền đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo ; đường sắt thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.v.v.
***********************
Đường sắt Việt Nam dự tính lỗ gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2020 (RFA, 25/06/2020)
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự tính trong năm 2020 sẽ bị lỗ nặng gần 1.400 tỷ đồng, tương đương giảm 23% so với năm 2019.
Nhân viên bảo trì của VNR làm việc tại cầu Long Biên, Hà Nội ngày 1/4/2020. AFP
Truyền thông trong nước, vào ngày 25/6, dẫn nguồn từ VNR cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bị lỗ xấp xỉ 1.400 tỷ đồng trong năm nay là do tác động của dịch Covid-19 và phải điều chỉnh hoạt động chạy tàu để phục vụ dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá 7.000 tỷ đồng.
Trong tổng số dự kiến lỗ của năm 2020, VNR bị lỗ 168 tỷ đồng và 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nôi và Sài Gòn, mà VNR là cổ đông chính, dự kiến lỗ hơn 618 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến lỗ vừa nêu là từ hoạt động kinh doanh. Phần còn lại trong tổng số dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng bao gồm xử lý tồn tại tài chính từ các công ty con chuyển về cho VNR, chi phí khấu hao, hao mòn tài sản, chi phí phải trả lương cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước…
VNR còn dự kiến đầu tư hơn 602 tỷ đồng cho đầu tư phương tiện, lắp ráp đầu máy. Đồng thời, dự kiến huy động thêm 414 tỷ đồng từ nhà đầu tư cho dự án đóng mới toa xe.
Năm tài khóa 2019, VNR đạt tổng doanh thu hơn 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 tỷ đồng.
Trong năm tài khóa 2020, VNR dự kiến bị lỗ, giảm đến 23% so với năm ngoái.
Hồi tháng 11/2019, báo giới quốc nội loan tin Bộ Giao thông-Vận tải lập kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, với mức đầu tư trị giá 100.000 tỷ đồng. Năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt này dự kiến 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được nói là do phía Trung Quốc kiến nghị cải tạo tuyến nhằm thúc đẩy giao thương của Vân Nam và thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc với các tỉnh của Việt Nam.
Dự án đường sắt này sau khi được loan báo rộng rãi đến công chúng đã vấp phải sự phản đối của giới chuyên gia, vì cho rằng lãng phí và Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn.