Muốn biết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có giúp được 23 triệu nông dân, đặc biệt là 15 triệu nông dân trồng lúa thoát khỏi cảnh đói nghèo cần hiểu rõ lý do làm nông dân nghèo đói.
CPTPP có giúp được 23 triệu nông dân, đặc biệt là 15 triệu nông dân trồng lúa thoát khỏi cảnh đói nghèo
Tại sao nông dân lại nghèo ?
Giảm giá đồng tiền giúp hàng hóa xuất cảng rẻ hơn, xuất cảng nhiều hơn, thu được nhiều ngoại tệ hơn, nhưng việc giảm giá gạo và lương thực xuất cảng lại làm giảm thu nhập của nông dân.
Giảm giá đồng tiền lại làm tăng giá phân bón, giá nhiên liệu, thuốc trừ sâu, máy móc nhập cảng, làm tăng giá thành gạo và lương thực xuất cảng, và giảm xa hơn lợi nhuận nông dân có thể thu vào.
Chính phủ Thái Lan trợ giá gạo bằng cách mua lúa của nông dân, sau đó sẽ bán lại cho các công ty xuất cảng.
Trong vụ mùa 2018–19, chính phủ Thái hỗ trợ chừng 3 tỷ Mỹ kim cho cho ngành lúa gạo, gồm những khoản cho vay, khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân, nếu họ đồng ý giữ lúa trong kho và bán ra khi được giá.
Mức trợ giá thường được định tính ra cao hơn mức giá thị trường toàn cầu từ 40 đến 50%.
Trung Quốc, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và các quốc gia nhập cảng gạo bảo vệ sản xuất gạo nội địa bằng cách đánh thuế và quy định số gạo được nhập cảng.
Ngày 1/7/2018, Trung Quốc điều chỉnh mức thuế nhập cảng gạo từ 40% tăng lên 50%.
Từ con số Thái Lan và Trung Quốc bảo trợ nông dân, ước tính nông dân Việt đã hy sinh đến 50% lợi nhuận do sách lược tăng trưởng dựa vào xuất cảng mà nông dân Việt Nam lại không hề được bồi hoàn hay bảo trợ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam một tổ chức được Hà Nội thành lập nhằm mục đích quản lý thị trường gạo và bảo đảm số gạo xuất cảng theo kế hoạch đề ra.
Hiệp hội này đại diện cho một số doanh nghiệp nhà nước, hội đủ các quy định về kinh doanh xuất cảng gạo là phải có kho trữ gạo lớn, nhà máy xay xát thóc lớn và có vốn nhiều.
Thị trường gạo vì thế vẫn như thời bao cấp, doanh nghiệp nhà nước độc quyền thu mua và xuất cảng.
Các doanh nghiệp nhà nước thường ký những hợp đồng với giá gạo rẻ hơn giá thị trường có khi lên tới cả 100 Mỹ Kim rẻ hơn giá gạo Thái Lan.
Người nông dân Việt Nam ít ruộng, không vốn để giữ lúa, không chỗ chứa lúa khi giá rẻ, ít thông tin về giá cả và mất quyền thương lượng nên bị doanh nghiệp nhà nước ép phải bán theo giá nhà nước đưa ra nên lợi nhuận còn lại rất thấp.
Tính trung bình nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thu nhập không quá 100 Mỹ Kim mỗi tháng, thấp hơn lợi tức nông dân trồng lúa Thái Lan 2,7 lần và 1,5 lần thấp hơn so với Nam Dương và Phi Luật Tân.
Hội Nông dân bất lực vì…
Được VnEconomy ngày 23/1/2016 phỏng vấn tại Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 12, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường trả lời nguyên văn như sau :
"…Những biện pháp trợ giúp cho nông dân, tôi nói một việc cụ thể là trợ giá hoặc mua tạm trữ, nông dân không được gì cả, doanh nghiệp được hết, ở giữa ăn chặn hết.
Nhà nước có chính sách mục đích là giúp nông dân, là để cho nông dân lãi 30%. Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ, nhưng tất cả cái lợi đó vào túi doanh nghiệp hết, cái đó người ta chứng minh rất rõ rồi, trợ giúp không đến được với nông dân".
Ông Nguyễn Quốc Cường tiếp tục cho biết :
"Hội Nông dân không có sức mạnh kinh tế, bởi không phải là các tập đoàn, chỉ là đoàn thể, nên kiến nghị cao nhất là tại Đại hội Đảng toàn quốc. Vì Đại hội Đảng là cao nhất, nên tôi phải đưa ra kiến nghị ở đây, mặc dù đã kiến nghị rất nhiều lần với Chính phủ, trong Trung ương, Quốc hội rồi".
Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường trả lời khá rõ 23 triệu nông dân không có sức mạnh kinh tế và sức mạnh chính trị vì thế nông dân mãi vẫn nghèo.
Quyền tư hữu đất đai
Đến nay nông dân Việt vẫn chưa được hưởng quyền tư hữu đất đai, bao gồm quyền sử dụng đất, quyền hưởng lợi và quyền mua bán.
Có quyền tư hữu người dân mới yên tâm mua thêm đất, mở rộng cơ nghiệp, mới chí thú và mạnh dạn phát triển kinh tế nông thôn, mới đầu tư vào máy móc trang thiết bị nhằm tăng năng suất và sản lượng sản xuất.
Nông thôn có phát triển mới thu hút được đầu tư vào hạ tầng cơ sở, thu hút nhân tài về phát triển nông thôn, thu hút đầu tư vào công nghiệp nhẹ sản xuất ngay tại nông thôn…
Nông thôn có phát triển thì đời sống nông dân mới khá hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị mới thu hẹp, người trẻ không rời lên đô thị kiếm sống, giảm gánh nặng cho đô thị, đất nước mới thực sự phát triển.
Mất quyền tư hữu đất đai và không sức mạnh chính trị, nông dân liên tục bị mất đất cho việc phát triển công nghiệp và phát triển đô thị. Mất đất người nông dân không còn phương tiện trồng trọt và sinh sống.
Các yếu tố khác như các đập thủy điện đầu nguồn ngăn chặn lượng nước phù sa, gây lụt lội, nước mặn xâm nhập, việc lạm dụng nước giếng cho sản xuất và tiêu dùng, việc khai thác cát trên sông, nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm… đều ảnh hưởng đến môi trường sống và lợi tức của người dân nông thôn.
Không chỉ 23 triệu nông dân mà gần 70 triệu dân sống ở nông thôn vì bị hệ thống chính trị kềm hãm không phát triển được nên mãi vẫn đói nghèo.
Việc thông qua CPTPP buộc nhà cầm quyền Hà Nội chấp nhận nghiệp đoàn với 23 triệu thành viên nông dân, nhưng lại "không làm chính trị" thì thật khó mà nông dân có thể thoát được đói nghèo.
SunRice mua nhà máy chế biến gạo…
Ngay khi Úc và Việt Nam chính thức thông qua CPTPP, công ty SunRice cũng hoàn tất việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
SunRice được thành lập năm 1950 do các nông dân trồng lúa hùn vốn và cho tới năm 1987 thì được cổ phần hóa.
Với chỉ chừng 1.500 nông gia trồng lúa mức độ sản xuất gạo tại Úc đã lên tới hàng triệu tấn hàng năm và trên một nửa được xuất cảng.
Lúa Úc trồng theo cách luân canh hai năm trồng lúa, hai năm trồng cỏ nuôi cừu, hai năm trồng lúa mì, xong lại xoay qua trồng lúa.
Nhờ thế sản lượng sản xuất rất cao tính trung bình 10 tấn/ha và được xem là gạo sạch vì sử dụng rất ít phân bón hóa học và rất ít dùng thuốc trừ sâu.
Ngoại trừ những năm thiên tai hạn hán, còn thường xuyên ngành nông nghiệp tại Úc không được trợ giúp gì từ cả chính phủ liên bang lẫn chính phủ tiểu bang.
SunRice trong vòng ba năm gần đây đã mua 200 triệu Mỹ Kim, khoảng 5% lượng gạo Việt Nam xuất cảng. Việc SunRice gia nhập thị trường Việt Nam có 3 điểm đáng ghi nhận :
Thứ nhất, phá vỡ thế độc quyền, tạo ra cạnh tranh trong thu mua và xuất cảng gạo với các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện còn quá sớm để thấy được liệu việc này và CPTPP nói chung có giúp ích được gì cho nông dân Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy đổi mới và toàn cầu hóa đã không mang lại lợi ích như đã kỳ vọng cho tầng lớp nông dân được trình bày bên trên.
Thứ hai, SunRice có thể sẽ thu mua lúa sạch, dùng ít phân hóa học sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, như thế giúp nông dân giảm bớt bị nhiễm độc hóa chất và bớt ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, mọi trợ giúp nông dân trực tiếp từ chính phủ có thể vi phạm vào các điều khoản CPTPP và có thể bị SunRice kiện tụng, vì thế việc trợ giúp nông dân vốn đã ít nay lại còn ít hơn.
Nghiệp đoàn "không làm chính trị"
Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đã thắng tại các tiểu bang nông nghiệp và các vùng nông thôn, trong khi đảng Dân chủ được ủng hộ tại các đô thị, các vùng ngoại ô.
Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ từ đó phải đưa ra những chính sách y tế đại chúng, giáo dục, phát triển đường xá… và thậm chí trợ giá để bảo đảm quyền lợi nông dân không thua thiệt so với thành thị.
Nông gia Mỹ và các nghiệp đoàn nông gia không làm chính trị nhưng họ có quyền lực chính trị, bằng lá phiếu họ buộc hai đảng chính trị phải bảo vệ quyền lợi của họ và gia đình.
Ở Mỹ các nghiệp đoàn không là "sân sau" của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Mỗi nghiệp đoàn thường xuyên tìm hiểu và vận động các đảng phái mang đến quyền lợi thiết thực nhất cho thành viên nghiệp đoàn.
Bởi thế chỉ ba thập niên trước đây thành phần cử tri ở nông thôn và những người làm trong khu vực kỹ nghệ thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, nhưng nay lại bầu ngược lại.
Cũng là lưỡng đảng tranh quyền nhưng tại Úc một số các nghiệp đoàn lớn lại là "sân sau" của đảng Lao động.
Trong khi đó giới nông gia lại thường bỏ phiếu cho đảng Quốc gia thường liên minh với đảng Tự do.
Các nghiệp đoàn làm "sân sau" cho đảng chính trị nên bị chính trị hóa dần dần bị suy yếu. Vì thế, nhiều nghiệp đoàn, 3 thập niên qua, liên tục giảm về số lượng thành viên, giảm sức mạnh chính trị để bảo vệ quyền lợi thiết thực của thành viên.
Hệ thống chính trị Úc thì bị các phe cánh trong đảng thao túng, tranh giành quyền lực chỉ trong vòng 11 năm đã 6 lần thay đổi thủ tướng và không thủ tướng nào giữ trọn nhiệm kỳ 3 năm.
Tại Việt Nam, đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền chính trị, như ông Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã nói rõ mặc dầu Hội Nông dân đại diện 23 triệu nông dân nhưng lại không có sức mạnh kinh tế lẫn sức mạnh chính trị nên nông dân mãi vẫn nghèo.
Bởi thế việc Việt Nam tham gia CPTPP hay ký Hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn chưa có tự do chính trị thì thật khó để 23 triệu nông dân và nông thôn thoát cảnh đói nghèo.
Có tự do bầu cử, tự do ứng cử, tự do chính trị thì nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị mới có cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe, quyền lợi của họ mới được các đảng chính trị và được chính phủ bảo đảm thực thi, như thế đời sống của họ mới thực sự thoát khỏi đói nghèo.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 16/11/2018
Nguyễn Quang Duy
Vào CPTPP, Việt Nam có còn là ‘nước hưởng lợi nhất’ ? (VNTB, 04/11/2018)
Trong thâm tâm, giới chóp bu Việt Nam vẫn hy vọng Tổng thống Trump sẽ "nghĩ lại" để thay đổi quyết định Mỹ rút khỏi TPP.
Gần như chắc chắn rằng kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018 sẽ thông qua CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), để cùng với việc 6 quốc gia đã thông qua hiệp định này, CPTPP - hay còn gọi là TPP - 11 khi không còn Mỹ tham gia - sẽ có hiệu lực triển khai ngay vào đầu năm 2019 như một món ăn ngay và nhanh dành cho Việt Nam, trong bối cảnh chế độ này đang sa chân vào đêm đen kinh tế với nhiều tử huyệt về nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng ngân sách, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và cũng cạn kiệt luôn các nguồn ngoại viện từ viện trợ ODA ưu đãi và kiều hối gửi về nước từ ‘khúc ruột ngàn dặm’…
Nhưng khi không còn nước Mỹ chiếm đến 60% giá trị tổng sản lượng của TPP- 12, Việt Nam cũng đương nhiên không còn được xem là ‘quốc gia hưởng lợi nhất trong TPP’.
Tâm trạng cay đắng quá thể đã xảy đến với chính thể Việt Nam khi Donald Trump - không biết do tính khí thất thường hay một quan điểm bảo hộ thương mại ‘nước Mỹ trên hết’ - đã tung ra quyết định chấn động là Mỹ rút khỏi TPP - 12 vào đầu năm 2017, chỉ vài tháng sau khi Trump chính thức nhậm chức. Quyết định đó đã xóa tan 6 năm đàm phán hao tiền tốn của dân của chính quyền Việt Nam và biết bao công sức mà chính quyền này đã phải đổ ra nhằm trí trá và lấp liếm trước cộng đồng quốc tế về ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ của Việt Nam đã nổi bật đến thế nào khi chính quyền này bị tố cáo đã thẳng tay đàn áp các quyền làm người ngay sau khi được tham gia vào Tổ chức Thươg mại thế giới (WTO) vào năm 2017 và liên tục đàn áp nghiêm trọng nhân quyền từ đó đến nay.
Quyết định rút khỏi TPP của Trump cũng đã khiến giới chóp bu Việt Nam choáng váng và khiến lâu đài cát "GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi tham gia TPP" sụp đổ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn hy vọng vớt vát vào TPP-11 không có Mỹ nhưng vẫn còn những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Úc.
Tuy nhiên, thực tế mà việt Nam đã trải nghiệm qua những hiệp định thương mại song phương (FTA) với một số nước lại không hề "dễ ăn".
Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA).
Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và Châu Âu là còn xuất siêu được – lần lượt là 30 – 35 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là "dễ ăn", nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016 và 25 tỷ USD vào năm 2017.
Còn với Trung Quốc thì khỏi nói : con số nhập siêu chính ngạch lên đến gần 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 – 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.
Trong thâm tâm, giới chóp bu Việt Nam vẫn hy vọng Tổng thống Trump sẽ "nghĩ lại" để thay đổi quyết định Mỹ rút khỏi TPP.
Vào tháng Hai năm 2018, đã xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy Trump có vẻ hơi "nghĩ lại" về TPP : trong một bài phát biểu ở Davos, Thuỵ Sĩ nhân chuyến công du 2 ngày đến quốc gia này, Tổng thống Donald Trump có nhắc đến vấn đề TPP : "Chúng tôi đã có các thỏa thuận với một số nước trong TPP. Nước Mỹ sẽ đàm phán với những quốc gia còn lại, từng nước một hoặc một nhóm nước, miễn là lợi ích chia đều cho tất cả".
Nếu Trump thay đổi quyết định của ông ta để nước Mỹ tiến hành đàm phán và có thể chiếm cái ghế thứ 12 trong CPTPP, đó sẽ là một tin vui khó tả dành cho giới chóp bu và nhiều doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân ở Việt Nam, đồng thời phác ra hy vọng cho nền ngân sách Việt Nam – vốn đang quặt quẹo và phải đè đầu dân thu thuế để "còn nước còn tát" từng năm một cho chế độ độc đảng – có thêm một khoản thu không quá nhỏ từ việc hưởng lợi trong quan hệ thương mại song phương với Hoa Kỳ.
Còn trong thời gian chờ Trump ‘nghĩ lại’, có còn hơn không, Việt Nam đang cần có bất cứ hiệp định thương mại đa phương hay song phương nào để bù đắp cho khoảng trống toang hoác về nhập siêu trong hoạt động buôn bán làm ăn hai chiều với ‘bạn vàng’ Trung Quốc và kể cả với đối tác mới tưởng ‘ngon ăn’ là Hàn Quốc.
Minh Quân
****************
Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ thị’ Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP (Người Việt, 02/11/2018)
Hôm 2 tháng Mười Một, các báo ở Việt Nam đồng loạt đăng tin Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP (Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Việt Nam ký Hiệp định CPTPP vào tháng Ba, 2018 tại Chile. (Hình : TheLeader.vn)
Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định này dự trù vào ngày 12 tháng Mười Một là thủ tục mang tính hình thức vì tổ chức này lâu nay vẫn được truyền thông quốc tế gọi là "con dấu cao su", do luôn thông qua mọi dự luật theo chỉ thị từ Bộ Chính trị "với đa số phiếu tán thành và đạt sự đồng thuận cao".
Báo Zing dẫn lời ông Trọng : "Việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện".
Hồi tháng Ba, 2018, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký kết hiệp định này Santiago, Chile cùng đại diện mười quốc gia khác.
Hiệp định CPTPP dự trù có hiệu lực vào ngày 30 tháng Mười Hai, 2018 do đã có sáu nước chính thức thông qua gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.
Giới quan sát đánh giá nhà cầm quyền Việt Nam đang bám víu vào CPTPP cũng như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam–EU (EVFTA) và xem cả hai là "phép màu mới hồi sinh" cho nền kinh tế và làm giảm quan ngại về nợ công gia tăng sau khi từng thất vọng vì Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP hồi tháng Giêng, 2017.
Theo VnExpress, giới chức Việt Nam kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1,32% vào năm 2035 khi tham gia CPTPP và khi đó "thành tích" tăng GDP sẽ được chính phủ đem ra khỏa lấp những yếu kém trong chính sách điều hành nền kinh tế.
Đáng lưu ý, truyền thông của Hà Nội khi tường thuật về hiệp định này chỉ tập trung nhấn mạnh vào những tác động tích cực đến nền kinh tế như một cách tuyên truyền mà gần như không đề cập gì đến thách thức phải đổi mới thể chế, pháp luật cũng như cam kết bảo vệ môi trường, quyền lao động và quyền tự do thành lập nghiệp đoàn…
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bách lao động và cũng không cho thấy chỉ dấu sẽ cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp Chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích trên trang cá nhân : "Sau khi tụt ba bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cách đây hai tuần, Việt Nam tiếp tục tụt một bậc trong Doing Business 2019, từ 68 xuống 69 trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân Hàng Thế Giới (WB). Trong các thước đo của WEF và WB, năm nay Việt Nam đều tụt hạng, có lẽ đòi hỏi các cải cách trong nước cần mạnh mẽ và thực chất hơn !" (T.K.)
*************
Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua CPTPP (VOA, 02/11/2018)
Ngày 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để xem xét thông qua, sau khi Austraulia là nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định vào đầu tuần này, biến thỏa thuận thương mại của 11 nước trở nên có hiệu lực kể từ ngày 30/12 tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP.
Trong tờ trình Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc phê chuẩn CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam, theo VOV.
Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi quốc gia độc đảng phải điều chỉnh các quy định về pháp lý và thể chế, lãnh đạo Việt Nam thừa nhận trước Quốc hội.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định của 12 quốc gia, TPP-11 được đổi tên thành CPTPP nhưng phần lớn nội dung vẫn như TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), chỉ tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.
Là một đối tác trong hiệp định có quy mô chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, Việt Nam được xem là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với thế mạnh về xuất khẩu dệt may, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp. Dự kiến, hiệp định sẽ giúp tạo ra khoảng 20.000 – 26.000 việc làm mỗi năm và giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, CPTPP sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 1,3 điểm phần trăm và tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại khác như Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua CPTPP vào tuần tới.
Việt Nam sẽ phê chuẩn TPP-không-có-Mỹ vào tháng sau (VOA, 20/10/2018)
Chính phủ Việt Nam hôm 18/10 cho biết họ sẽ phê chuẩn hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi vào năm ngoái vì lo ngại công nhân Mỹ mất việc làm.
Mười một thành viên của Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút lui. Việt Nam sẽ phê chuẩn CPTPP vào tháng sau. (Ảnh chụp màn hình Báo Đầu Tư)
Mười một thành viên còn lại đã nhất trí tiếp tục theo đuổi hiệp định này với một phiên bản chỉnh sửa sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rút lui và đổi tên thành hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày làm việc cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/10 cho biết ủy ban này sẽ cho ý kiến trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này.
Theo quy trình, sau khi Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10 và kéo dài tới giữa tháng 11.
Trước đó, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều khả năng CPTPP sẽ hoàn tất trong năm nay.
"Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai", ông Phúc nói.
Về khả năng mở rộng CPTPP, Thủ tướng Phúc cho biết, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc).
Vào tháng 3, chính phủ Thái Lan đã ngỏ ý muốn tham gia hiệp định này nhưng hiện đang vấp phải phản đối từ một số tổ chức dân sự trong nước.
Thủ tướng Nhật trong tháng này nói ông sẽ "dang rộng cánh tay" chào đón Anh tham gia hiệp định này trong bối cảnh quốc gia Châu Âu này đang tiến gần tới việc hoàn tất các bước để ra khỏi Liên minh Châu Âu.
Tháng trước, Việt Nam và Nhật – hai nước vận động tích cực để TPP-11 được tiếp tục – thúc giục Mỹ quay trở lại hiệp định thương mại. TPP khi còn có 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ, bao trọn 40% kinh tế toàn cầu. Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP do sự tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ.
Hiệp định mới CPTPP, với 11 thành viên, chỉ chiếm 13,5% kinh tế toàn cầu.
CPTPP được ký kết tại Santiago, Chile, hồi tháng 3 năm nay. Mười nước thành viên khác trong hiệp định bao gồm : Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Úc.
Theo Bộ Công thương, CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây và sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị, đối ngoại và kinh tế.
Việt Nam kỳ vọng hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bàn, Úc, Canada, Mexico cũng như thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển.
****************
Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp định CPTPP vào tháng 11 (RFI, 19/10/2018)
Hôm 18/10/2018, Quốc hội Việt Nam thông báo trong kỳ họp thứ 6 khóa 14, khai mạc vào ngày 22/10, các đại biểu sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
11 nước thành viên CPTPP chụp ảnh chung sau khi ký hiệp định mới, ngày 08/03/2018. Reuters/Rodrigo Garrido
Thông báo được tổng thư ký, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội về chương trình kỳ họp cuối năm của Quốc hội Việt Nam.
Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia còn lại đã soạn thảo một thỏa thuận mới mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thay thế.
Ông Phúc đánh giá CPTPP có tầm quan trọng tác động đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và ngoại giao của Việt Nam.
Văn kiện này chỉ có hiệu lực khi tất cả các nước tham gia phê chuẩn. Hiện đã có 4 nước gồm Úc, Mêhico, Nhật bản và Singapore phê chuẩn hiệp định mới.
Mặc dù hiệp định CPTPP đã được ký kết từ tháng 03/2018, nhưng tháng trước Nhật Bản và Việt Nam vẫn kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại hiệp định cũ.
Với sự có mặt của Hoa Kỳ, 12 nước tham gia TPP chiếm tỷ trọng 40% GDP của thế giới. Giờ đây nền kinh tế của các nước CPTPP chỉ còn chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Theo AFP, gần đây tổng thống Donald Trump bắt đầu than phiền về cán cân thương mại với Việt Nam bị mất cân đối. Mỹ muốn ép Việt Nam phải nhập khẩu thêm nhiều hàng Mỹ, kể cả thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, các bất đồng về thương mại dường như không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng ở Châu Á.
Anh Vũ
Theo BBC thì 11 nước vừa kết thúc đàm phán hiệp định và dự kiến tháng ba 2018 các bên sẽ ký kết.
Nhớ lại, khoảng tháng 11, tháng 12 năm 2016, khi nghe tin Mỹ sẽ rút ra khỏi TTP, báo chí Việt Nam, trong ngoài nước rùm beng, với ý kiến của chuyên gia kinh tế, luật gia, nhà nghiên cứu… đủ thứ. Tất cả, không ngoại lệ, đều cho rằng hiệp định này xem như không còn hiệu lực. Mọi người đều dựa vào điều 30.5 của TTP để kết luận như vậy.
Bây giờ kiểm chứng lại, ta thấy các chuyên gia kinh tế, các luật gia, các nhà nghiên cứu Việt Nam… tất cả đều nói sai. TPP vẫn "sống".
Mặc dầu được mang tên khác CPTPP, nhưng vụ "đổi tên" là do nguyên nhân một số điều khoản đã ghi trong TPP phải thảo luận lại, vì Mỹ đã rút ra. CPTPP bản chất vẫn là TPP với một số điều được thay đổi.
Dĩ nhiên trong vụ này tôi là "ngoại lệ". Kiểm chứng lại, tôi là người duy nhứt "đúng".
Các bài viết trên facebook của tôi ngày 2 và 3 tháng 12 năm 2016 là bằng chứng cho việc này.
Lúc đó có đôi ba người lên báo, lên đài phê bình rằng tôi viết sai.
Thật tức cười, đúng sai bây giờ đã rõ. Vấn đề là không ai lên tiếng đính chánh lại bài viết của mình. Những bài viết (dựa lên điều 30.5 TTP) âm thầm được rút xuống. Không tờ báo nào, không chuyên gia, học giả, luật sư… nào lên tiếng xin lỗi độc giả hay đính chính, nhìn nhận cái sai của mình. Nói chi tới việc xin lỗi.
Thì "người Việt Nam mình nó vậy". Trí thức không ngoại lệ !
Nhưng sự im lặng của các nhà báo, các chuyên gia kinh tế về hiệp định mới lại là một sai sót, không chỉ trên phương diện lương tâm nghề nghiệp.
Bởi vì, theo những gì ghi lại từ BBC (dẫn từ Thanh niên), ta thấy ý kiến của bộ trưởng bộ công thương Trần Tuấn Anh (đối với yêu sách của Mexico) là "có vấn đề".
Phía Mexico đã yêu cầu Việt Nam cải cách về quyền để người lao động đàm phán tập thể và thành lập công đoàn công sở.
Ông Tuấn Anh lập luận rằng với "trình độ của Việt Nam", cộng với quy trình làm luật của Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi các điều kiện này.
"Vấn đề" ở đây Việt Nam đã "nói ngược", một điều cấm kỵ trước luật quốc tế.
Ở TPP, Mỹ cũng có yêu sách về người lao động tương tự như Mexico. Việt Nam chấp nhận tất cả các yêu sách này.
Trên nguyên tắc thì Việt Nam không thể nói ngược lại.
Điều hết sức tệ hại, để biện minh cho yêu sách của mình, ông Tuấn Anh mặc nhiên cho rằng "trình độ" của người lao động Việt Nam "thấp" lắm.
Thật là tức cười ! Ngay cả "trình độ người lao động" cũng được nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng như là một "ưu điểm" để giành thắng lợi (để cai trị đám dân ngu).
Vậy thì 40 năm qua đảng cộng sản Việt Nam đã làm gì để người lao động có trình độ "thấp" như vậy ?
Mà đảng cộng sản Việt Nam đặt nền tảng trên "người lao động".
Phải chăng điều này đảng cộng sản Việt Nam cũng tự nhận họ là thành phần có trình độ thấp kém ?
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 26/01/2018