Vụ chính quyền Belarus chặn máy bay chở khách Châu Âu, bắt giữ một nhà báo đối lập hàng đầu, là chủ đề trang nhất của hầu hết các báo hôm nay. Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của lực lượng chính trị cực hữu, một tháng trước cuộc bầu cử cấp vùng, là một chủ đề được nhiều báo Pháp bàn thảo.
Biểu tình tại Warsawa, Ba Lan, ngày 24/05/2021, yêu cầu chính quyền Belarus trả tự do cho nhà báo đối lập Roman Protasévich via Reuters – Agencja Gazeta
Trước hết về vụ Belarus chặn máy bay Châu Âu, bắt đối lập, tờ Le Figaro đăng trên trang nhất hình ảnh chuyến bay của Ryanaire hạ cánh trên sân bay quốc tế Minsk, với hàng tựa : "Belarus trên ghế bị cáo, sau vụ bắt phi cơ chuyển hướng". "Không tặc", "khủng bố cấp Nhà nước" là những lên án ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tờ Libération đưa hình ảnh máy bay bị buộc hạ cánh ngay trên đầu trang, với nhận định : "Belarus : Lukashenko khiến chính quyền các nước phẫn nộ". Tựa trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos : "Belarus thách thức Liên Âu, có nguy cơ bị trừng phạt".
Les Echos có bài nhận định "Liên Âu buộc phải khẩn cấp có các biện pháp mạnh với Belarus", theo dõi sát các hành xử về phía Liên Âu, sau khi xảy ra biến cố này. Mở đầu bài viết, Les Echos nhấn mạnh là "áp lực đối với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tối thứ Hai này là rất lớn". Các lãnh đạo 27 nước Liên Âu phải ngay lập tức đưa ra được một câu trả lời thống nhất, "mục tiêu là bác bỏ những ai từ 24 giờ qua, liên tục lên án sự bất lực ngoại giao của Liên Âu, điều họ đã làm từ lâu nay". Liên Âu "phải nhanh chóng chứng minh được là định chế này không đồng nghĩa với yếu đuối và chậm chạp".
Les Echos ghi nhận trong ngày hôm qua, điện đàm giữa các thủ đô Châu Âu diễn ra tới tấp, các suy nghĩ đặc biệt tập trung vào việc : có nên "cô lập Belarus về mặt hàng không" hay không. Thoạt tiên, ý định cấm bay qua không phận Belarus, cũng như cấm hạ cánh tại Belarus đã được đề ra, cũng như ý định cấm hãng hàng không quốc gia Belavia của Belarus hạ cánh xuống lãnh thổ Liên Âu. Tuy nhiên, trước hội nghị tối hôm qua, một nguồn tin ngoại giao Liên Âu cho biết, nhiều cân nhắc đã đặt ra để sao cho các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu quả thực sự, lâu dài. Việc cô lập hoàn toàn Belarus về hàng không có thể gây nhiều hệ quả tiêu cực hơn là tích cực, đặc biệt là việc "xã hội dân sự Belarus" sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu quốc gia này bị cô lập.
Ông chủ của hãng Ryanair để ngỏ thông tin là trên chuyến bay nói trên có một số điệp viên KGB Nga, và những người này đã không lên lại máy bay để đi tiếp sang Litva, như lộ trình dự kiến. Vụ máy bay bị chính quyền Belarus bắt hạ cánh, không chỉ là liên quan đến quan hệ giữa Liên Âu và Minsk, mà đây cũng là vấn đề giữa Liên Âu và Moskva, "chỗ dựa" của Belarus.
Cứ như là một điều ngẫu nhiên, vụ Belarus chặn phi cơ, bắt đối lập, xảy ra chỉ một hôm trước hội nghị tối hôm qua, mà Liên Âu dự kiến khởi sự một tiến trình xem xét lại quan hệ chiến lược về dài hạn, để có được các quan hệ chủ động hơn với Nga. Nhiều nguồn tin Châu Âu nhấn mạnh với Les Echos về việc "nhất thiết không thể trộn lẫn hoàn toàn hai chuyện" : một là phản ứng tức thời trước một biến cố bất thường và hai là chủ trương hành động chủ động về dài hạn. Tuy nhiên điều khó xử là, theo một nguồn tin Châu Âu, "vấn đề với Nga là, luôn luôn có một biến cố kiểu này xuất hiện, vào lúc mà người ta muốn thảo luận một cách bình tĩnh về quan hệ dài hạn giữa chúng ta và Moskva".
Rút cục, kết thúc buổi họp tối hôm qua, một ngày sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo các quốc gia thành viên khối 27 nước đã đạt được đồng thuận về một thông điệp "rất cứng rắn", yêu cầu trả tự do cho nhà báo đối lập và người bạn cùng đi, giao cho các lãnh đạo cấp bộ nhanh chóng xem xét các trừng phạt mới chống lại các cá nhân và tổ chức Belarus, cũng như các trừng phạt kinh tế mới. Tuy nhiên, riêng về phương diện hàng không, các lãnh đạo Liên Âu chỉ kêu gọi "tránh" không phận Belarus, chứ không đưa ra quyết định cấm triệt để.
Ban lãnh đạo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên họp khẩn ngày thứ Năm (27/05) về vụ việc này.
Phản ứng của Liên Âu là nhanh chóng, và có sự đồng thuận, nhưng thế đối đầu giữa Belarus với khối 27 nước không dừng ở đó.
Theo Le Figaro, chỉ vài giờ trước khi Liên Âu họp để bàn về loạt trừng phạt mới, chính quyền Belarus lại tiếp tục có dấu hiệu thách thức, khi ngăn chặn một chuyến bay của hãng hàng không Đức Lufthansa, nối Minsk với Francfurt. Và ngay vào lúc Liên Âu đang họp, chính quyền Belarus tung lên mạng những hình ảnh đầu tiên của nhà đối lập Roman Protassevitch, kể từ khi bị bắt. Trước camera, nhà báo trẻ - xuất hiện với những vết bầm trên mặt, rõ ràng là do bị đánh đập - nhận tội đã tham gia tổ chức "các hoạt động gây rối với đông người tham gia". Le Figaro nhấn mạnh là, trước các hành xử như trên của chính quyền Belarus, Liên Âu chắc chắn sẽ phải có các trừng phạt mạnh tay hơn.
Riêng về mặt an toàn, không phận Belarus rõ ràng là nguy hiểm. Hiện mỗi tuần có khoảng 2.000 chuyến bay thương mại đi qua không phận nước này. Một số hãng đã chủ động tránh Belarus. Sắp tới, theo Le Figaro, việc tách hoàn toàn Liên Âu và Belarus về mặt hàng không là điều chắc chắn phải xảy ra.
Về giả thiết có bàn tay của Nga trong vụ này, Le Figaro trong một bài viết khác, dẫn nguồn tin từ hãng Ryanair, cho biết cụ thể có bốn công dân Nga, biến mất tại chặng dừng bắt buộc ở Minsk. Nhiều dấu hiệu cho thấy bốn nhân vật này hoàn toàn không phải là khách du lịch thông thường. Một nguồn tin từ Nga cho Le Figaro biết, vụ bắt máy bay đổi hướng để bắt đối lập này, không thể diễn ra nếu không có sự hỗ trợ của Nga. Le Figaro cũng lưu ý đến một hình ảnh ghép được lưu truyền trên mạng xã hội kể từ Chủ nhật, theo đó, hai phi công chuyến bay mang gương mặt của hai điệp viên Nga, bị tình nghi đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh năm 2018.
Trừng phạt Belarus như thế nào là phù hợp, trong lúc sở dĩ chính quyền Minsk dám hành xử một cách táo tợn như vậy là nhờ có Nga chống lưng, cũng là câu hỏi của Libération. Theo Libération, rất khó tìm ra được tầm mức cân bằng cần có. Bởi nếu trừng phạt nặng nề dẫn đến cô lập Belarus, thì cũng tước đi cơ hội của những nhà tranh đấu Belarus có thể thoát khỏi nước này, khi cần. Tuy nhiên, chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với chính quyền Lukashenko cũng không còn mấy thực tế, bởi giờ đây, sau gần một năm đàn áp đối lập, khó tưởng tượng được là Liên Âu lại có thế mang lại những ưu đãi cho chế độ Lukashenko.
Nhà độc tài Belarus sẽ gặp tổng thống Nga Putin vào ngày thứ Sáu tới (28/05). Nhiều dấu hiệu cho thấy là Lukashenko ngày càng dựa vào Nga. Theo Libération, xu thế này cho thấy, Liên Âu và Hoa Kỳ chỉ có cách cứng rắn hơn với chính quyền Minsk.
Có nhiều cách nhìn nhận về nguyên nhân và hệ quả của hành xử được coi là táo tợn của nhà độc tài Belarus. Libération giới thiệu bài viết của dân biểu Nghị Viện Châu Âu Bernard Guetta. Theo tác giả, "chỉ bằng một phát súng, Lukashenko đã tự bắn vào chân mình bốn lần". Phát súng thứ nhất là khiến Liên Âu phải phản ứng mạnh, khối 27 nước chắc chắn không thể ngồi yên. Hoa Kỳ với sự lãnh đạo của Joe Biden cũng sẽ không khoan nhượng với các thế lực độc tài.
Đối với người bảo trợ của chính quyền Belarus, tổng thống Nga Putin, biến cố này khiến cuộc thượng đỉnh sắp tới với tổng thống Mỹ trở nên không dễ dàng. Theo tác giả, biến cố này cũng có thể càng khiến bất bình tại Belarus gia tăng, đến mức mà điện Kremlin sẽ phải tìm người thay thế Lukashenko. Tóm lại, theo nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, tổng thống Belarus đã hành xử hoàn toàn bất cẩn, để chuốc lấy thêm phẫn nộ, tương tự như hành xử của Putin với lãnh đạo đối lập Navalny, hay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Nghị Viện Châu Âu, họ tin rằng hù dọa có thể thành công. Tác giả kết luận : "điểm yếu của những kẻ độc tài là họ luôn tin vào nỗi sợ".
Một tháng trước bầu cử cấp vùng vào tháng 6 tới, viễn cảnh chính trị nước Pháp từ nay đến bầu cử tổng thống mùa xuân năm tới là chủ đề trọng tâm của báo chí Pháp. Le Figaro chạy hàng tựa trang nhất : "Macron, Le Pen, Bertrand : cuộc đọ sức năm 2022". Nhật báo thiên hữu dẫn lại kết quả thăm dò dư luận của Ifop – Fiducial do Le Figaro đặt hàng, theo đó, ứng cử viên cực hữu Mặt trận Quốc gia nhận được sự ủng hộ của 27% cử tri, cho vòng một cuộc bầu cử tổng thống, vượt đương kim tổng thống (25%). Đứng thứ ba là chủ tịch vùng Hauts-de-France được 15% ủng hộ. Theo nhật báo thiên hữu, bất kể ứng cử viên đại diện cho cánh hữu là ai cũng không thể ngăn cản được ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng hai cuộc bầu cử. Theo Le Figaro, trong số các ứng cử viên cánh hữu, duy nhất có ông Xavier Bertrand có cơ hội "gây khó khăn" cho hai ứng cử viên hàng đầu.
Về phần mình, tờ Libération thiên tả có bài xã luận mang tựa đề "Nguy cơ" nhấn mạnh đến xu hướng tổng thống Pháp tiếp tục theo đuổi chính sách liên minh tình thế với đảng cánh hữu LR trong cuộc bầu cử cấp vùng sắp tới, đẩy đảng cánh hữu đến bờ vực tan vỡ. Bằng chứng mới nhất là liên minh giữa đảng cầm quyền và đảng LR tại vùng PACA, miền nam. Bên cánh tả cũng tương tự, hiện tại không ai đủ khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống, đại diện cho đảng Xã Hội (PS). Đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) quá bị cô lập, không thể đảm đương vai trò lãnh đạo cánh tả. Đảng Xanh quá phân rẽ và chưa đủ trưởng thành.
Theo Libération, Macron đang tiếp tục "chơi với lửa cực hữu", chiến thuật của tổng thống Macron làm tan vỡ các đảng phái truyền thống, vốn giúp cho ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử 2017. Chiến lược phá hủy các đảng phái truyền thống này đã thành công, tuy nhiên, bản thân đảng cầm quyền LREM chưa trở thành một đảng phái chính trị thực thụ. Thiếu các mạng lưới ở địa phương, thiếu các nhân vật có uy tín, cũng như các ý tưởng được khẳng định thông qua thảo luận rộng rãi, đảng LREM là một "vỏ sò rỗng".
Một chủ đề chính khác được nhiều báo Pháp bàn đến hôm nay là dự luật xem xét lại việc miễn trách nhiệm hình sự với những người bị tâm thần, dự luật hiện đang được thảo luận tại Thượng Viện. Theo Le Figaro, việc tòa phá án khẳng định lại phán quyết miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án Halimi, với cái chết của một người theo đạo Do Thái, hồi tháng 4/2021 vừa qua, khiến đông đảo công chúng phẫn nộ. Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính để giải thích với công chúng, việc "miễn trách nhiệm hình sự" đã được quyết định như thế nào, qua giải đáp của một số chuyên gia tâm thần học.
Trọng Thành
Trọng Nghĩa, RFI, 24/05/2021
Tổng thống Belarus Lukashenko hôm 23/05/2021 bất ngờ ra lệnh cho chiến đấu cơ bay lên ngăn chặn một máy bay của hãng hàng không Ryanair từ Athens tại Hy Lạp, đến Vilnius ở Litva, buộc máy bay phải hạ cánh xuống phi trường thủ đô Minsk. Một nhà báo đối lập Belarus trong chuyến bay đã bị bắt giữ. Hành động bị coi là "không tặc" kể trên đã bị hầu hết các nước Châu Âu cũng như là Mỹ lên án.
Máy bay của hãng Ryanair chở nhà đối lập Belarus Roman Protasevich đã phải hạ cánh tại phi trường Minsk. Ảnh ngày 23/05/2021 Reuters – Andrius Sytas
Từ Moskva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin phụ trách khu vực tường trình vụ việc :
"Viện cớ có chất nổ trên chuyến bay của hãng RyanAir nối liền Athens và Vilnius, một chiến đấu cơ của Không Quân Belarus đã bay lên buộc chiếc máy bay chở khách đổi hướng, để hạ cánh xuống phi trường Minsk.
Sau kiểm tra, trên phi cơ không có chất nổ, nhưng chính quyền Belarus đã bắt giữ một hành khách là ông Roman Protassevich, một nhân vật đối lập với chế độ Lukashenko. Nhà báo trẻ này là một trong những người sáng lập Nexta, một kênh tin tức độc lập trên mạng Telegram, vốn đã trở thành một trong những nguồn thông tin chính về các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Belarus. 169 hành khách khác trên máy bay thì đã đến được Lítva muộn hơn một chút so với dự kiến.
Hành động chặn bắt máy bay hàng không dân dụng của chính quyền Belarus đã khiến nhiều nước Châu Âu phẫn nộ. Ba Lan tố cáo một hành động khủng bố Nhà nước. Pháp gọi đó là một vụ "không tặc" không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu có phản ứng kiên quyết và thống nhất.
Về phần mình, Luân Đôn đã cảnh báo tổng thống Belarus rằng ông có nguy cơ phải gánh chịu những "hậu quả nghiêm trọng" sau hành động ngông cuồng này.
Còn đối với bà Svetlana Tikhonovskaya, lãnh đạo phe đối lập Belarus hiện đang sống lưu vong, bà cũng lên án hành vi đó và nói thêm rằng bà đã sử dụng một chuyến bay tương tự cách đây một tuần".
Liên Âu chuẩn bị tăng cường trừng phạt Belarus
Vụ chuyến bay của hãng Ryanair bị Belarus chặn bắt đã làm đảo lộn chương trình nghị sự của thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu dự trù mở ra kể từ tối nay, 24/05/2021. Ngoài chủ đề chính là quan hệ với Nga và Anh Quốc, các nước Liên Âu sẽ phải xem xét các biện pháp trừng phạt Belarus.
Trong một thông cáo công bố sáng nay, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, đã cho rằng việc ép buộc một chuyến bay giữa hai thủ đô của khối Liên Âu là một hành vi "không thể chấp nhận được", và Liên Âu "sẽ xem xét hệ quả của hành động này, trong đó có những biện pháp trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm", cũng như kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về hành động của Belarus
Ngay từ hôm qua, trên mạng Twitter, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đe dọa rằng "hành vi đáng phẫn nộ và bất hợp pháp của chính phủ Belarus sẽ bị lãnh hậu quả".
Sau cuộc bầu cử tổng thống bị cho là gian lận vào năm ngoái, chính quyền Lukashenko đã bị ba loạt trừng phạt của Liên Âu, và một loạt thứ tư nhắm vào các quan chức cấp cao được dự trù, ngay cả trước khi xảy ra vụ Ryanair.
Theo hãng tin Anh Reuters, các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể bao gồm việc cấm các hãng hàng không Liên Âu quá cảnh không phận Belarus, cấm hãng hàng không Belavia của Belarus sử dụng các sân bay của Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí không cho Belarus quá cảnh Liên Âu, kể cả bằng đường bộ.
Thái độ phẫn nộ về vụ máy bay Ryanair có thể ảnh hưởng đến cuộc thảo luận hôm nay của giới lãnh đạo Liên Âu về quan hệ với Nga, chỗ dựa chính của tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Cho đến nay, Bruxelles đã miễn cưỡng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Belarus vì sợ sẽ thúc đẩy ông Lukashenko xích lại gần Moskva hơn nữa.
Hành động Belarus không chỉ khiến Liên Âu bất bình. Washington vào hôm qua cũng mạnh mẽ lên án vụ ép buộc phi cơ của hãng hàng không Ryanair chuyển hướng tới Belarus cũng như bắt giữ một nhà báo đối lập trên chuyến bay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đòi Minsk lập tức trả tự do cho nhà báo Roman Protasevich, đồng thời tố cáo một "hành động gây sốc, đe dọa tính mạng của hơn 120 hành khách, trong đó có công dân Mỹ".
Trọng Thành, RFI, 24/05/2021
Việc chính quyền Belarus điều chiến đấu cơ buộc phi cơ dân sự Châu Âu, trên đường từ Hy Lạp sang Litva, hôm 23/05/2021, phải hạ cánh khẩn cấp, với kết quả là một nhà đối lập Belarus bị bắt giữ ngay tại phi trường, là một tín hiệu mạnh gửi đến Liên Hiệp Châu Âu.
Belarus thách thức Liên Hiệp Châu Âu khi ép máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh để bắt một hành khách trên chuyến bay. Đó là nhà đối lập R. Protassevitch. AP
Truyền thông Nhà nước Belarus đồng loạt khẳng định việc chiến đấu cơ MiG-29 chặn chuyến bay FR4978 từ Athenes đến Vilnius là do "báo động có bom", và đây là một phản ứng bình thường, "phù hợp với các chuẩn mực" quốc tế. Theo truyền thông Belarus, "cơ quan điều khiển không lưu phải có trách nhiệm đề nghị phi hành đoàn hạ cánh xuống sân bay gần nhất vào thời điểm nhận được thông tin báo động, và cụ thể sân bay gần nhất trong trường hợp này là Minsk".
Báo chí Nhà nước Belarus bác bỏ việc buộc máy bay hạ cánh có mục tiêu bắt giữ nhà đối lập Roman Protassevitch, người có mặt trên máy bay. Theo truyền hình Nhà nước Belarus, hành khách Protassevitch "chỉ khiến cơ quan an ninh để ý" vào thời điểm các du khách "đi qua cửa kiểm soát". Theo kênh truyền thông không chính thức của phủ tổng thống Belarus, Telegram Pool Pervogo, "việc một kẻ khủng bố có mặt trong số các du khách không phải là lỗi của những người đã đưa ra quyết định trợ giúp hành khách chuyến bay này".
Trả lời RFI, nhà xã hội học Ronan Hervouet, chuyên gia về Belarus, giảng viên Đại học Bordeaux, nhận định rằng sự việc nói trên là "tín hiệu rất mạnh" của chính quyền Belarus gửi đến Liên Âu. Điều đó có nghĩa là chính quyền Lukashenko sẵn sàng dùng mọi cách để bóp chết phong trào đối lập, và áp lực của Liên Hiệp Châu Âu nhằm thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền Belarus và đối lập đã không hề mang lại kết quả :
"Báo đối lập Nexta đã đóng vai trò thực sự quan trọng trong phong trào phảng kháng đòi dân chủ tại Belarus vào tháng 8/2020, và nhiều tuần, nhiều tháng tiếp theo đó. Đã có nhiều thông tin, phim, video về các hành động đàn áp của cảnh sát đã được phổ biến nhờ báo mạng Nexta. Báo đối lập Nexta đã là một tác nhân làm suy yếu chế độ Lukashenko. Tôi cho rằng những người chủ trì Nexta chính là đối tượng quan trọng của chính quyền Belarus. Chế độ Lukashenko phải chấm dứt được các hoạt động của mạng báo chí độc lập này, để có thể áp đặt trở lại nền cai trị sắt đá tại quốc gia này.
Về phía phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Minsk không mấy lo ngại. Ông Lukashenko đã thành công trong việc có được sự ủng hộ của tổng thống Nga Putin. Tổng thống Nga cũng đã không lưỡng lự khi đầu độc một lãnh đạo đối lập.
Đây thực sự là một hành động cho thấy chính quyền Lukashenko có thể đàn áp, nếu họ muốn, và vào bất cứ lúc nào, để nhằm cho thấy họ đang kiểm soát toàn bộ tình hình, và tất cả những kêu gọi về chính trị, đạo lý hay ngoại giao trong hiện tại không mang lại tác động gì".
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ chính quyền Belarus, chống lại các lên án từ phương Tây. Trên Facebook, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, mỉa mai "việc các nước phương Tây coi sự cố trong không phận Belarus là một chuyện gây sốc, quả là điều chướng tai gai mắt". Phát ngôn viên ngoại giao Nga cáo buộc ngược trở lại, khi khẳng định, trong quá khứ, các nước phương Tây đã từng là thủ phạm của nhiều vụ "bắt cóc, buộc máy bay hạ cánh và bắt người bất hợp pháp".
Trọng Nghĩa, RFI, 24/05/2021
Ngay từ hôm 23/05/2021, sau vụ chuyến bay Athens-Vilnius của hãng hàng không Ryanair khi qua không phận Belarus đã bị chiến đấu cơ nước này chặn đường buộc đáp xuống phi trường Minsk, chính quyền Lukashenko đã lập tức bị nhiều nước tố cáo là đã có hành vi không tặc cấp nhà nước, thâm chí là "khủng bố Nhà nước". Những cáo buộc này dĩ nhiên đã bị Belarus và Nga bác bỏ.
Nhà báo và blogger Roman Protasevich, (áo nâu) là một trong những hành khách chuyến bay bị Belarus ép hạ cánh xuống phi trường Minks ngày 23/05/2021. © Reuters/Str
Đối với Hy Lạp, điểm xuất phát của chuyến bay Athens-Vilnius, sự cố quả đúng là một hành vi không tặc, do một Nhà nước tiến hành. Bộ ngoại giao Hy Lạp đã chỉ trích nặng nề một hành động "không tặc cấp Nhà nước".
Tại Litva, điểm đến của chiếc phi cơ, tổng thống Gitanas Nauseda cũng gọi đây là một vụ "không tặc" và là một cuộc "tấn công chưa từng có tiền lệ", đòi hỏi cả Liên Âu lẫn NATO phản có phản ứng ngay lập tức.
Nước Pháp, qua lời quốc vụ khanh đặc trách Liên Âu Clément Beaune vào sáng nay, cũng không nói gì khác hơn khi cho rằng việc làm của Belarus là "một hành động không tặc cấp Nhà nước không thể không bị trừng phạt". Ngay từ tối hôm qua, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian đã nói đến một vụ không tặc do một Nhà nước tiến hành, đòi hỏi toàn khối Liên Âu phải có phản ứng đáp trả thống nhất và đích đáng.
Về phần mình, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki còn nhấn mạnh đến vụ Belarus chận chiếc máy bay dân dụng để vụ bắt giữ một nhà đối lập, xem đấy là một "hành vi khủng bố Nhà nước".
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ cũng bày tỏ thái độ cực kỳ phẫn nộ. Theo ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, chính quyền Lukashenko đã có một "hành động trơ trẽn và không thể chấp nhận được" khi dùng máy bay quân sự để buộc một chuyến bay dân sự đổi hướng và bắt giữ một nhà báo". Ông Blinken đã lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế, tương tự như tổng thư ký khối NATO.
Dĩ nhiên là chính quyền Belarus đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc của phương Tây. Bộ ngoại giao nước này khẳng định trong một thông cáo trên trang Web của họ rằng hành động của các cơ quan chức năng Belarus đều phù hợp với các nguyên tắc quốc tế. Đài truyền hình Nhà nước Belarus thì cho rằng chiếc phi cơ chở khách đã phải hạ cánh xuống Minsk vì "báo động có bom", còn nhà báo đối lập là một kẻ khủng bố chỉ bị lực lượng an ninh chú ý khi qua cửa kiểm soát ở phi trường.
Tất cả những lập luận trên đây là nhằm bác bỏ các thông tin được phe đối lập Belarus loan tải, theo đó việc buộc máy bay hạ cánh có mục tiêu bắt giữ nhà đối lập Roman Protassevitch, người có mặt trên máy bay, là nhân viên cơ quan KGB của Belarus đã theo chân nhà đối lập này từ Athens, sau đó gây sự cố trên máy bay khi phi cơ đi vào không phận Belarus, tạo cớ cho hành vi can thiệp thô bạo.
Vai trò của tổng thống Lukashenko rất đáng ngờ, vì theo chính các nguồn tin từ Belarus và Nga, ông là người ra lệnh cho chiếc chiến đấu cơ Mig-29 bay lên để chận bắt chiếc máy bay của hãng Ryanair.
Một số nhà quan sát còn bác bỏ lập luận chính thức của Belarus là khi có tin về "sự cố", chiếc phi cơ chở khách gần Vilnius hơn là Minsk, nhưng vẫn bị bắt buộc phải đáp xuống phi trường thủ đô Belarus.
Dẫu sao thì hành động của chính quyền Belarus đã làm cho các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế rất quan ngại. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 23/05, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO cho biết là sự cố đã vi phạm Công Ước về hàng không dân dụng quốc tế, tức là Công ước Chicago năm 1944.
Theo Reuters, một tổ chức khác là Hiệp hội Vận tải Hàng Không Quốc Tế IATA cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Belarus, bị cho là "không phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế".