Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/05/2021

Điểm báo Pháp - Belarus chặn máy bay bắt đối lập

RFI tiếng Việt

Belarus chặn máy bay bắt đối lập, Liên Âu buộc phải cứng rắn

Vụ chính quyền Belarus chặn máy bay chở khách Châu Âu, bắt giữ một nhà báo đối lập hàng đầu, là chủ đề trang nhất của hầu hết các báo hôm nay. Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của lực lượng chính trị cực hữu, một tháng trước cuộc bầu cử cấp vùng, là một chủ đề được nhiều báo Pháp bàn thảo.

bielo1

Biểu tình tại Warsawa, Ba Lan, ngày 24/05/2021, yêu cầu chính quyền Belarus trả tự do cho nhà báo đối lập Roman Protasévich via Reuters – Agencja Gazeta

Trước hết về vụ Belarus chặn máy bay Châu Âu, bắt đối lập, tờ Le Figaro đăng trên trang nhất hình ảnh chuyến bay của Ryanaire hạ cánh trên sân bay quốc tế Minsk, với hàng tựa : "Belarus trên ghế bị cáo, sau vụ bắt phi cơ chuyển hướng". "Không tặc", "khủng bố cấp Nhà nước" là những lên án ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tờ Libération đưa hình ảnh máy bay bị buộc hạ cánh ngay trên đầu trang, với nhận định : "Belarus : Lukashenko khiến chính quyền các nước phẫn nộ". Tựa trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos : "Belarus thách thức Liên Âu, có nguy cơ bị trừng phạt".

Les Echos có bài nhận định "Liên Âu buộc phải khẩn cấp có các biện pháp mạnh với Belarus", theo dõi sát các hành xử về phía Liên Âu, sau khi xảy ra biến cố này. Mở đầu bài viết, Les Echos nhấn mạnh là "áp lực đối với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tối thứ Hai này là rất lớn". Các lãnh đạo 27 nước Liên Âu phải ngay lập tức đưa ra được một câu trả lời thống nhất, "mục tiêu là bác bỏ những ai từ 24 giờ qua, liên tục lên án sự bất lực ngoại giao của Liên Âu, điều họ đã làm từ lâu nay". Liên Âu "phải nhanh chóng chứng minh được là định chế này không đồng nghĩa với yếu đuối và chậm chạp".

Có nên cô lập Belarus về hàng không ?

Les Echos ghi nhận trong ngày hôm qua, điện đàm giữa các thủ đô Châu Âu diễn ra tới tấp, các suy nghĩ đặc biệt tập trung vào việc : có nên "cô lập Belarus về mặt hàng không" hay không. Thoạt tiên, ý định cấm bay qua không phận Belarus, cũng như cấm hạ cánh tại Belarus đã được đề ra, cũng như ý định cấm hãng hàng không quốc gia Belavia của Belarus hạ cánh xuống lãnh thổ Liên Âu. Tuy nhiên, trước hội nghị tối hôm qua, một nguồn tin ngoại giao Liên Âu cho biết, nhiều cân nhắc đã đặt ra để sao cho các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu quả thực sự, lâu dài. Việc cô lập hoàn toàn Belarus về hàng không có thể gây nhiều hệ quả tiêu cực hơn là tích cực, đặc biệt là việc "xã hội dân sự Belarus" sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu quốc gia này bị cô lập.

Ông chủ của hãng Ryanair để ngỏ thông tin là trên chuyến bay nói trên có một số điệp viên KGB Nga, và những người này đã không lên lại máy bay để đi tiếp sang Litva, như lộ trình dự kiến. Vụ máy bay bị chính quyền Belarus bắt hạ cánh, không chỉ là liên quan đến quan hệ giữa Liên Âu và Minsk, mà đây cũng là vấn đề giữa Liên Âu và Moskva, "chỗ dựa" của Belarus.

Phân vân giữa phản ứng tức thời và chiến lược dài hạn

Cứ như là một điều ngẫu nhiên, vụ Belarus chặn phi cơ, bắt đối lập, xảy ra chỉ một hôm trước hội nghị tối hôm qua, mà Liên Âu dự kiến khởi sự một tiến trình xem xét lại quan hệ chiến lược về dài hạn, để có được các quan hệ chủ động hơn với Nga. Nhiều nguồn tin Châu Âu nhấn mạnh với Les Echos về việc "nhất thiết không thể trộn lẫn hoàn toàn hai chuyện" : một là phản ứng tức thời trước một biến cố bất thường và hai là chủ trương hành động chủ động về dài hạn. Tuy nhiên điều khó xử là, theo một nguồn tin Châu Âu, "vấn đề với Nga là, luôn luôn có một biến cố kiểu này xuất hiện, vào lúc mà người ta muốn thảo luận một cách bình tĩnh về quan hệ dài hạn giữa chúng ta và Moskva".

Rút cục, kết thúc buổi họp tối hôm qua, một ngày sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo các quốc gia thành viên khối 27 nước đã đạt được đồng thuận về một thông điệp "rất cứng rắn", yêu cầu trả tự do cho nhà báo đối lập và người bạn cùng đi, giao cho các lãnh đạo cấp bộ nhanh chóng xem xét các trừng phạt mới chống lại các cá nhân và tổ chức Belarus, cũng như các trừng phạt kinh tế mới. Tuy nhiên, riêng về phương diện hàng không, các lãnh đạo Liên Âu chỉ kêu gọi "tránh" không phận Belarus, chứ không đưa ra quyết định cấm triệt để.

Ban lãnh đạo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên họp khẩn ngày thứ Năm (27/05) về vụ việc này.

Thêm dấu hiệu cho thấy Lukashenko không sợ đối đầu

Phản ứng của Liên Âu là nhanh chóng, và có sự đồng thuận, nhưng thế đối đầu giữa Belarus với khối 27 nước không dừng ở đó.

Theo Le Figaro, chỉ vài giờ trước khi Liên Âu họp để bàn về loạt trừng phạt mới, chính quyền Belarus lại tiếp tục có dấu hiệu thách thức, khi ngăn chặn một chuyến bay của hãng hàng không Đức Lufthansa, nối Minsk với Francfurt. Và ngay vào lúc Liên Âu đang họp, chính quyền Belarus tung lên mạng những hình ảnh đầu tiên của nhà đối lập Roman Protassevitch, kể từ khi bị bắt. Trước camera, nhà báo trẻ - xuất hiện với những vết bầm trên mặt, rõ ràng là do bị đánh đập - nhận tội đã tham gia tổ chức "các hoạt động gây rối với đông người tham gia". Le Figaro nhấn mạnh là, trước các hành xử như trên của chính quyền Belarus, Liên Âu chắc chắn sẽ phải có các trừng phạt mạnh tay hơn.

Riêng về mặt an toàn, không phận Belarus rõ ràng là nguy hiểm. Hiện mỗi tuần có khoảng 2.000 chuyến bay thương mại đi qua không phận nước này. Một số hãng đã chủ động tránh Belarus. Sắp tới, theo Le Figaro, việc tách hoàn toàn Liên Âu và Belarus về mặt hàng không là điều chắc chắn phải xảy ra.

Giả thiết bàn tay Nga

Về giả thiết có bàn tay của Nga trong vụ này, Le Figaro trong một bài viết khác, dẫn nguồn tin từ hãng Ryanair, cho biết cụ thể có bốn công dân Nga, biến mất tại chặng dừng bắt buộc ở Minsk. Nhiều dấu hiệu cho thấy bốn nhân vật này hoàn toàn không phải là khách du lịch thông thường. Một nguồn tin từ Nga cho Le Figaro biết, vụ bắt máy bay đổi hướng để bắt đối lập này, không thể diễn ra nếu không có sự hỗ trợ của Nga. Le Figaro cũng lưu ý đến một hình ảnh ghép được lưu truyền trên mạng xã hội kể từ Chủ nhật, theo đó, hai phi công chuyến bay mang gương mặt của hai điệp viên Nga, bị tình nghi  đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh năm 2018.

Trừng phạt Belarus như thế nào là phù hợp, trong lúc sở dĩ chính quyền Minsk dám hành xử một cách táo tợn như vậy là nhờ có Nga chống lưng, cũng là câu hỏi của Libération. Theo Libération, rất khó tìm ra được tầm mức cân bằng cần có. Bởi nếu trừng phạt nặng nề dẫn đến cô lập Belarus, thì cũng tước đi cơ hội của những nhà tranh đấu Belarus có thể thoát khỏi nước này, khi cần. Tuy nhiên, chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với chính quyền Lukashenko cũng không còn mấy thực tế, bởi giờ đây, sau gần một năm đàn áp đối lập, khó tưởng tượng được là Liên Âu lại có thế mang lại những ưu đãi cho chế độ Lukashenko.

Nhà độc tài Belarus sẽ gặp tổng thống Nga Putin vào ngày thứ Sáu tới (28/05). Nhiều dấu hiệu cho thấy là Lukashenko ngày càng dựa vào Nga. Theo Libération, xu thế này cho thấy, Liên Âu và Hoa Kỳ chỉ có cách cứng rắn hơn với chính quyền Minsk.

"Chỉ với một phát súng, Lukashenko tự bắn vào chân mình 4 lần"

Có nhiều cách nhìn nhận về nguyên nhân và hệ quả của hành xử được coi là táo tợn của nhà độc tài Belarus. Libération giới thiệu bài viết của dân biểu Nghị Viện Châu Âu Bernard Guetta. Theo tác giả, "chỉ bằng một phát súng, Lukashenko đã tự bắn vào chân mình bốn lần". Phát súng thứ nhất là khiến Liên Âu phải phản ứng mạnh, khối 27 nước chắc chắn không thể ngồi yên. Hoa Kỳ với sự lãnh đạo của Joe Biden cũng sẽ không khoan nhượng với các thế lực độc tài.

Đối với người bảo trợ của chính quyền Belarus, tổng thống Nga Putin, biến cố này khiến cuộc thượng đỉnh sắp tới với tổng thống Mỹ trở nên không dễ dàng. Theo tác giả, biến cố này cũng có thể càng khiến bất bình tại Belarus gia tăng, đến mức mà điện Kremlin sẽ phải tìm người thay thế Lukashenko. Tóm lại, theo nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, tổng thống Belarus đã hành xử hoàn toàn bất cẩn, để chuốc lấy thêm phẫn nộ, tương tự như hành xử của Putin với lãnh đạo đối lập Navalny, hay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Nghị Viện Châu Âu, họ tin rằng hù dọa có thể thành công. Tác giả kết luận : "điểm yếu của những kẻ độc tài là họ luôn tin vào nỗi sợ".

Macron, Le Pen, Bertrand : cuộc đọ sức năm 2022 

Một tháng trước bầu cử cấp vùng vào tháng 6 tới, viễn cảnh chính trị nước Pháp từ nay đến bầu cử tổng thống mùa xuân năm tới là chủ đề trọng tâm của báo chí Pháp. Le Figaro chạy hàng tựa trang nhất : "Macron, Le Pen, Bertrand : cuộc đọ sức năm 2022". Nhật báo thiên hữu dẫn lại kết quả thăm dò dư luận của Ifop – Fiducial do Le Figaro đặt hàng, theo đó, ứng cử viên cực hữu Mặt trận Quốc gia nhận được sự ủng hộ của 27% cử tri, cho vòng một cuộc bầu cử tổng thống, vượt đương kim tổng thống (25%). Đứng thứ ba là chủ tịch vùng Hauts-de-France được 15% ủng hộ. Theo nhật báo thiên hữu, bất kể ứng cử viên đại diện cho cánh hữu là ai cũng không thể ngăn cản được ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng hai cuộc bầu cử. Theo Le Figaro, trong số các ứng cử viên cánh hữu, duy nhất có ông Xavier Bertrand có cơ hội "gây khó khăn" cho hai ứng cử viên hàng đầu.

Macron thành công, nhưng đảng cầm quyền là "vỏ sò rỗng"

Về phần mình, tờ Libération thiên tả có bài xã luận mang tựa đề "Nguy cơ" nhấn mạnh đến xu hướng tổng thống Pháp tiếp tục theo đuổi chính sách liên minh tình thế với đảng cánh hữu LR trong cuộc bầu cử cấp vùng sắp tới, đẩy đảng cánh hữu đến bờ vực tan vỡ. Bằng chứng mới nhất là liên minh giữa đảng cầm quyền và đảng LR tại vùng PACA, miền nam. Bên cánh tả cũng tương tự, hiện tại không ai đủ khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống, đại diện cho đảng Xã Hội (PS). Đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) quá bị cô lập, không thể đảm đương vai trò lãnh đạo cánh tả. Đảng Xanh quá phân rẽ và chưa đủ trưởng thành.

Theo Libération, Macron đang tiếp tục "chơi với lửa cực hữu", chiến thuật của tổng thống Macron làm tan vỡ các đảng phái truyền thống, vốn giúp cho ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử 2017. Chiến lược phá hủy các đảng phái truyền thống này đã thành công, tuy nhiên, bản thân đảng cầm quyền LREM chưa trở thành một đảng phái chính trị thực thụ. Thiếu các mạng lưới ở địa phương, thiếu các nhân vật có uy tín, cũng như các ý tưởng được khẳng định thông qua thảo luận rộng rãi, đảng LREM là một "vỏ sò rỗng".  

Dự luật xét lại việc miễn trách nhiệm hình sự

Một chủ đề chính khác được nhiều báo Pháp bàn đến hôm nay là dự luật xem xét lại việc miễn trách nhiệm hình sự với những người bị tâm thần, dự luật hiện đang được thảo luận tại Thượng Viện. Theo Le Figaro, việc tòa phá án khẳng định lại phán quyết miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án Halimi, với cái chết của một người theo đạo Do Thái, hồi tháng 4/2021 vừa qua, khiến đông đảo công chúng phẫn nộ. Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính để giải thích với công chúng, việc "miễn trách nhiệm hình sự" đã được quyết định như thế nào, qua giải đáp của một số chuyên gia tâm thần học.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 475 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)