Một bức màn sắt mới mọc lên ở Đông Âu
Trong bài "Một bức màn sắt mới ở Đông Âu", Le Monde nhận định thông điệp của Minsk và Moskva rất rõ : Châu Âu không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những nhà đối lập lưu vong. Đây là thách thức cho các nền dân chủ phương Tây.
Ảnh tư liệu chụp ngày 01/11/2020 : Cảnh sát vũ trang ngăn chặn biểu tình của đối lập ở Minsk, Belarus.AP
Từ đầu độc, bắt cóc đối lập đến bắn hạ máy bay dân sự
Bầu trời rõ ràng không khoan hòa với Đông Âu. Có hôm, một nhà đối lập hàng đầu với Vladimir Putin quặn người vì đau đớn và rơi vào hôn mê trong một chiếc phi cơ đang bay trên Siberia. Bị đầu độc bằng Novitchok, ông chỉ sống sót nhờ phi công đã sáng suốt quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk, và đội ngũ y tế nhanh chóng cứu cấp. Được chữa trị tại Đức, Alexei Navalny từ chối tị nạn, và nay đang ngồi tù tại nước Nga quê hương.
Một ngày khác, đến lượt một nhà báo trẻ chọn lựa sống lưu vong, nhưng chế độ Belarus lại truy lùng đến tận bờ biển Địa Trung Hải. Khi chiếc phi cơ Ryanair tuyến Athens-Vilnius bay ngang không phận Belarus hôm Chủ nhật 23/05, Roman Protasevich rơi vào tình thế khủng hoảng : hai, ba hành khách khả nghi lúc lên tàu, có thể là nhân viên tình báo đã tổ chức đổi hướng bay sang Minsk, được một Mig-29 kèm sát. Hai mươi bốn giờ sau, nhà đối lập với khuôn mặt sưng húp, giọng nói vô hồn, xuất hiện trong video "thú tội" và trở thành tù nhân - cũng như cô bạn gái Sofia Sapega, sinh viên người Nga ở Vilnius bị bắt cùng lượt mà lãnh sự quán Nga không hề có ý kiến.
Bảy năm trước đó, trên bầu trời Ukraine, một máy bay Malaysia Airlines bị một hỏa tiễn địa không Buk của Nga bắn hạ. Tất cả 298 thường dân trên chuyến bay MH17 đi từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đều thiệt mạng. Sau cuộc điều tra lâu dài, tỉ mỉ, Hà Lan năm 2018 kết luận hỏa tiễn trên được đưa từ Nga sang đông Ukraine, vùng xung đột với quân ly khai thân Nga, trong cùng ngày. Moskva chối cãi trách nhiệm.
Điểm chung của ba sự kiện trên là gì ? Đó là sự đàn áp mọi đối lập chính trị tại khu vực này của Châu Âu từ một thập niên qua.
Tại Moskva, tổng thống Vladimir Putin muốn duy trì chiếc ghế ở điện Kremlin từ năm 2000 cho đến tận 2036. Xã hội dân sự Nga : hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, truyền thông độc lập ngày càng bị siết chặt, với chiếc mũ "yếu tố nước ngoài" hoặc "cực đoan". "Ngay cả đang ở tù, tôi vẫn phạm thêm nhiều tội" - Navalny mỉa mai khi biết được Viện Kiểm sát vừa cáo buộc ông thêm một số tội danh.
Châu Âu cần chiến lược đối phó như với bức màn sắt cũ
Có thể điện Kremlin không ra lệnh bắn chiếc hỏa tiễn Buk vào MH17, nhưng khi cung cấp loại vũ khí như thế cho quân ly khai Donbass, Nga đã tiếp tay cho thảm kịch này. Có thể điệp vụ chuyển hướng máy bay Ryanair do cơ quan KGB của Minsk vạch ra chứ không phải "công ty mẹ" FSB ở Moskva, nhưng phải chăng Alexander Lukashenko cho rằng có thể làm mọi thứ nhờ được ông anh láng giềng Nga ủng hộ ?
Các chuyên gia cho rằng Lukashenko và Putin không ưa nhau, nhưng có thể nhà độc tài Belarus được gợi hứng từ mô hình Putin. Lukashenko không bóp nghẹt, mà đè bẹp hẳn báo mạng. Tù nhân chính trị có đến hàng trăm tại Belarus, khoảng mấy chục nhà báo bị tống giam. Chẳng hạn gia đình của tù nhân lương tâm Vitold Achourok, án 5 năm vì đi biểu tình, cuối tuần trước được báo tin ông đã chết vì "ngưng tim".
Một bức màn sắt mới đã được dựng lên ở ngay ngưỡng cửa, mà Liên Hiệp Châu Âu (EU), quá tự hào với sự sụp đổ của bức màn sắt cũ năm 1989, không nhận ra. Nhưng nay Châu Âu không còn có thể nhắm mắt làm ngơ. Thông điệp từ vụ "không tặc Nhà nước" Belarus và vô số vụ can thiệp của tình báo Nga trên lãnh thổ EU chứng tỏ Châu Âu không còn là nơi lánh nạn an toàn.
Châu Âu có thể làm gì ? Trừng phạt thì đã hẳn, vào tối thứ Hai. Bên cạnh đó cần nhắm cụ thể vào những người đã ra quyết định đàn áp, cũng như tài sản của họ ở Vienna, Luân Đôn, Berlin, Paris có được nhờ tham nhũng ; không để trừng phạt làm ảnh hưởng đến xã hội dân sự. Ăn miếng trả miếng không đủ, nay còn phải nghĩ đến chiến lược lâu dài, như trong thời kỳ bức màn sắt cũ.
Belarus : Bắt đối lập ngay trên không quan trọng hơn việc đất nước bị cô lập
Le Figarocũng nhận định tương tự về vụ Belarus cưỡng bức chiếc máy bay dân sự hạ cánh : "Châu Âu có vấn đề lớn ở sườn phía đông". Tờ báo cho rằng đối với Minsk, nguy cơ bị cô lập không quan trọng bằng việc bắt bằng được nhà báo đối lập Protasevich.
Theo David Ignatius trên Washington Post, vụ bắt cóc ngay trên không trung này cho thấy quyết tâm của Belarus với các nhà bất đồng chính kiến : họ có thể bị bắt ở bất kỳ nơi nào. Nhà phân tích Mỹ cho rằng phong trào biểu tình "mùa xuân Belarus" có thể quay lại, nhưng chính viễn cảnh ấy đã làm Lukashenko trở nên nguy hiểm hơn, vì ông ta không còn gì để mất. Nhà độc tài tuyên bố đang trong cuộc chiến chống lại "những con gián" đối lập và phương Tây.
Có nhiều điểm chung giữa Minsk và Moskva : nỗi sợ một cuộc cách mạng vì tự do của nhân dân, thẳng tay đàn áp đối lập, tuyên truyền thô bỉ chống phương Tây, tung đặc vụ hoạt động khắp Châu Âu. Trong vụ Ryanair, sự can dự của Moskva vẫn chưa rõ ràng, nhưng báo chí nhà nước Nga công khai ca ngợi "ông em" Belarus đã "ra tay rất đẹp", "kế tục truyền thống tốt đẹp của KGB thời Liên Xô trước đây".
Azerbaijan : YouTuber tị nạn ở Pháp cũng bị mưu sát
Về một đất nước thuộc Liên Xô cũ là Azerbaijan, Libérationcó bài điều tra "Đối lập Azerbaijan lưu vong : Bịt miệng xuyên biên giới". Say men chiến thắng ở Karabagh thượng, chế độ độc tài của ông Ilh am Aliyev ra sức đàn áp tất cả các nhà đối lập tị nạn ở nước ngoài, mà nạn nhân mới nhất là Mahammad Mirzali, YouTuber nổi tiếng 27 tuổi, đã bị mưu sát hai lần tại Nantes (Pháp) trong vòng chưa đầy một năm.
Vụ đầu tiên vào tháng 10/2020, khi thế giới đang chú tâm đến cuộc chiến Azerbaijan-Armenia. Mirzaliđang đi giao hàng để kiếm sống thì một người đàn ông vai u thịt bắp cố mở cửa xe và nổ ba phát súng, anh kịp lăn xuống sàn thoát chết. Hai tháng sau, anh bị bốn người nói tiếng Azerbaijan tấn công bằng dao ngay trung tâm thành phố, hậu quả là những vết thẹo chằng chịt và di chứng trên cơ thể người thanh niên có khuôn mặt hiền lành. Cảnh sát không tìm được các hung thủ, nhưng Mirzali đoan chắc kẻ ra lệnh không ai khác hơn là ông bà chủ Azerbaijan.
Trên kênh YouTube "Made in Azerbaijan" có 268.000 người theo dõi, Mirzali tố cáo nạn tham nhũng và các gia tộc đang thao túng nguồn lợi từ dầu khí. Đó là gia đình Aliyev nắm quyền cha truyền con nối từ khi Liên Xô sụp đổ, và gia đình Pashayev giàu có, xuất thân của đệ nhất phu nhân kiêm phó tổng thống Mehriban Aliyeva. Một số video của anh thu hút đến 2 triệu lượt người xem, trong khi dân số Azerbaijan chỉ có 10 triệu.
Nga, Iran, Syria : Trò hề bầu cử
Không chỉ triệt hạ các khuôn mặt đối lập nổi bật, các chế độ độc tài còn muốn bịt hẳn khả năng các đối thủ giành được chiến thắng tại các phòng phiếu. Le Mondetrong bài "Điện Kremlin loại những ứng cử viên không ưa thích ra khỏi cuộc bầu cử", ghi nhận một dự luật mới được thông qua hôm 25/05 nhắm vào tất cả các cuộc bầu cử chứ không chỉ bầu Quốc Hội, vào "tất cả các dạng thức ủng hộ", có hiệu lực hồi tố trong ba năm.
Chẳng hạn một người tweet lại tin của Alexei Navalny cách đây một năm, khi tổ chức của ông chưa bị xếp loại "khủng bố", có thể bị cấm ứng cử hội đồng địa phương ; cũng như hàng ngàn người Nga khác đã công khai bình luận về vụ đầu độc nhà đối lập. Hệ thống bầu cử Nga lâu nay chỉ cho phép các đảng trung thành với chính quyền - cộng sản, dân tộc chủ nghĩa và các đảng nhỏ khác do Kremlin giựt dây - nhưng đã phải vất vả trước chiến lược của đối lập kêu gọi bỏ phiếu cho những ứng cử viên độc lập để đánh bại đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống.
Tại Trung Đông, Libération cho biết trong số 600 ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 18/06, Hội đồng Vệ binh (tức Hội đồng Bảo hiến của Iran) chỉ duyệt cho 7 người được ra tranh cử ! Kể cả phó tổng thống cải cách Eshaq Jahangiri, niềm hy vọng của cánh tả Iran, hay cựu chủ tịch Quốc hội Ali Larijani vốn là người bảo thủ, cũng bị gạt ra bên lề.
Còn ở Syria, Le Figaronhận thấy "Assad chắc chắn tái đắc cử trong cuộc bầu cử bị phương Tây coi là vô giá trị". Ông ta còn công khai thách thức cộng đồng quốc tế khi cùng với vợ đi bỏ phiếu ở ngay Ghouta, thành trì nổi dậy đã bị Damascus tái chiếm năm 2018 sau khi thả chất độc hóa học giết hại hàng loạt dân thường vô tội. Hai ứng cử viên khác chỉ để trang trí, Bachar Al Assad nắm chắc trong tay một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư kéo dài 7 năm.
Hamas đào hầm, Israel xây tường ngầm
Nhìn sang vùng Trung Đông, Le Mondenhận xét mạng lưới đường hầm do Hamas đào dưới lòng đất dải Gaza là công cụ phòng thủ chính của phe Hồi giáo cực đoan này. Hamas đầu tư rất nhiều tiền bạc cho hệ thống được mệnh danh là "métro Gaza", đặt các cơ sở quân sự chính ở đây trong đó có các trung tâm chỉ huy, đa số quả đạn rốc-kết bắn sang Israel là từ các đường hầm. Hồi năm 2016, nhờ hệ thống này mà Hamas bắt được quân nhân Gilad Shalit. Nhưng đến tháng 3/2021, sau bốn năm xây dựng, quân đội Israel đã hoàn thành bức tường thành nằm sâu dưới lòng đất bao quanh Gaza khiến phe Hồi giáo không còn xâm nhập được.
Quân đội Israel cũng huy động người và phương tiện để xác định vị trí các đường hầm. Tháng 10/2020 tổng tham mưu trưởng quân đội Aviv Kochavi cảnh báo không thể phá hủy được 50 đến 60% mục tiêu địch nếu không cho bộ binh tiến vào Gaza. Khả năng này bị gạt sang một bên, tuy nhiên quân đội Israel hôm 13/05 đã làm cho Hamas tưởng thật khi dàn nhiều xe bọc thép dọc theo biên giới. Chờ cho quân Hamas dồn vào đường hầm trú ẩn, Israel oanh tạc ồ ạt vào "métro" Gaza, nhưng dường như phe Hồi giáo thiệt hại rất ít. Các mặt hàng lưỡng dụng (dùng cho dân sự lẫn quân sự) đưa vào Gaza được Israel kiểm tra kỹ, nhưng từ khi được mở "ngõ Saladin" thông qua Ai Cập năm 2018, giám sát có phần lơi lỏng hơn nên Hamas có thể đưa vào vật liệu như xi-măng để xây dựng đường hầm.
Ba kịch bản về con virus từ Vũ Hán
Les Echoshôm 27/05/2021 dành tựa chính cho nỗ lực vực dậy nước Pháp bằng mọi giá với kế hoạch tái thúc đẩy. Về mặt xã hội,Le Mondequan tâm đến một dự luật về người cao tuổi với tham vọng giúp một số lớn người Pháp có thể vui hưởng tuổi già tại nhà qua trợ cấp và những dịch vụ cần thiết.
Về đối ngoại,La Croixchạy tựa "Pháp-Rwanda : Một chuyến đi vì lịch sử". Hôm nay tổng thống Emmanuel Macron đến thăm đất nước mà vụ diệt chủng năm 1994 đã làm gần 1 triệu người Tutsi bị thiệt mạng. Tương tự, Libérationđưa tít "Macron đến Rwanda : Đối diện lịch sử". Không hối tiếc cũng không chối cãi, nguyên thủ Pháp sáng nay đọc bài diễn văn tại Kigali nhìn nhận vai trò của Paris trong vụ này. Một giai đoạn quan trọng đối với Elysée để vượt qua những tranh cãi về quá khứ, như trường hợp Algérie.
Le Figarođặt câu hỏi trên trang nhất "Đại dịch Covid đã ở lại phía sau ?". Chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, các chỉ số dịch tễ đã cải thiện, viễn cảnh Pháp ra khỏi khủng hoảng có vẻ chưa bao giờ hiện thực như thế. Tờ báo đưa ra ba kịch bản cho tương lai con virus Sars-CoV-2. Kịch bản đầu tiên lạc quan nhất, là diệt trừ được hẳn con virus corona trên hành tinh chúng ta. Tuy nhiên những thành công như vậy rất hiếm hoi trong lịch sử nhân loại.
Đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con virus duy nhất bị tiêu diệt là virus đậu mùa, được chính thức tuyên bố năm 1980 sau chiến dịch tiêm chủng quốc tế. Virus bại liệt cũng gần đạt mục tiêu này nhưng vẫn còn xuất hiện ở Afghanistan và Pakistan. Con virus xuất phát từ Vũ Hán có nhiều biến chủng xuất hiện nhanh chóng, khiến hy vọng đạt được miễn dịch toàn cầu chỉ có thể đến từ vac-xin, nhưng tỉ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo hiện rất thấp. Ngay cả nếu chủng ngừa được cả thế giới, cũng không diệt trừ hoàn toàn được vì nếu virus tiếp tục truyền qua một con vật trung gian, chúng có thể gây ra đợt dịch mới nơi con người.
Trong hai kịch bản còn lại, tệ hại nhất là vac-xin không chống lại được những biến chủng mới gây ra Covid dạng nặng. Trường hợp này, vac-xin ARN có thể thích ứng nhanh chóng, và như vậy phải chích ngừa hàng năm. Kịch bản cuối cùng như hiện đang quan sát được : vac-xin tỏ ra hiệu quả, tránh được những thể nặng. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn thận trọng, vì kể từ đầu đại dịch đến nay, con virus đến từ Vũ Hán vẫn không ngớt gây ngạc nhiên.
Thụy My