Trong năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật 606 tổ chức đảng và 24.162 đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Truyền thông Nhà nước dẫn báo cáo của ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết như vậy tại cuộc họp vào chiều ngày 1/2 thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc họp vào chiều ngày 1/2 thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - VietNamNet
Kết quả này được ông Dũng nhận định là do công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương.
Các con số gây chú ý, theo truyền thông Nhà nước, cho thấy số lượng đảng viên kỷ luật năm 2023 đã tăng 12% so với năm 2022. Số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là 459 người ; 8.863 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong số này, lần đầu tiên sáu người bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 (tháng 1/2021) đến nay, Đảng đã kỷ luật 105 người thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
Cũng trong thông báo mới, Ban Nội chính trung ương cho biết, trong năm 2023, kết quả nổi bật của công cuộc chống tham nhũng là công tác điều tra, truy tố, xét xử được Đảng chỉ đạo quyết liệt với các vụ án lớn bị khởi tố, đưa ra xét xử.
Cụ thể, trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022) về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ ; trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can (tăng gần hai lần về số vụ ; tăng hơn hai lần về số bị can so với năm 2022).
Các vụ mới khởi tố thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm 13 vụ với 54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án ; kết luận điều tra 18 vụ án/333 bị can, kết luận điều tra bổ sung 6 vụ án/60 bị can ; ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án/374 bị can, xét xử sơ thẩm 20 vụ án/271 bị cáo, xét xử phúc thẩm 15 vụ/113 bị cáo.
Nguồn : RFA, 01/02/2024
Ông Trọng lại 'đau xót khi kỷ luật đảng viên' : vì đảng, còn đất nước và dân ?
RFA, 10/10/2022
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam mới đây lại cho rằng 'Kỷ luật cán bộ đảng viên là rất đau xót nhưng vì sự lớn mạnh của Đảng nên phải làm'. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết như vừa nêu khi phát biểu bế mạc Hội nghị Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đã đốt rất nhiều đảng viên Đảng cộng sản
Ba trường hợp bị kỷ luật buộc thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mà ông Trọng nhắc đến là các ông : Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.
Từ Nha Trung hôm 10/10, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ý kiến của mình :
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương VI của đảng khi bình luận về việc ba Ủy viên Trung ương đảng bị xử lý lại lập lại quan điểm ‘phải kỷ lục cán bộ cao cấp của đảng là đau xót thế nọ thế kia’… đây là quan điểm của ổng và có thể có một số người trong đảng cũng vậy, chứ còn quan sát thái độ của người dân trên mạng xã hội và tôi cũng ủng hộ… thì đáng lẽ ông Trọng phải vui mừng, vì đã bắt được những con sâu núp trong hàng ngũ cao cấp của đảng để hại dân hại nước… chứ còn ông đau xót như vậy mà đến lúc nào đó bắt mấy chục % thì không biết nước mắt đâu mà khóc".
Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói câu này. Tại hội nghị trực tuyến cuối năm 2020 của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói, ông không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình mà trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung nên phải kỷ luật vài người để cứu muôn người.
Trước đó tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng được tổ chức hôm 24 tháng 2 năm 2017 tại Hà Nội, ông Trọng cũng có phát biểu tương tự, là ‘phải kỷ luật vài người để cứu muôn người’.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/10, nhận định :
"Đây là một vấn đề không thể nói đùa hay là nói khơi khơi như ông Trọng được… Mà phải có suy nghĩ vì sao xảy ra tình trạng nhiều ủy viên Bộ Chính trị từ những khóa trước và hiện nay đang ở trong tầm ngắm của dân. Đó là những tên ác ôn trong chính quyền, nhiều Ủy viên trung ương bị tống vào tù và gần đây là bảy tám người bị cách chức bị khai trừ ra khỏi đảng… Cái đó là phải đặt dấu hỏi vì sao càng ngày càng tồi tệ như thế ?"
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, vì sao ông Trọng phải nói đau xót như thế, người nào có lỗi thì phải bị trừng trị. Trong khi chính quyền tống vào tù hàng trăm người chỉ vì chống đối bằng vài câu nói. Ông Mai cho rằng ông Trọng chỉ đau đớn với vài đồng đội của ông ta, nhưng ông chưa cảm thông được, chưa đau đớn được nỗi đau của dân tộc. Ông Mai nói tiếp :
"Dân tộc này đau lắm, vì tại sao lại có những người sa sút đạo đức, vô nhân tính nằm trong chính quyền, nằm trong trung ương đảng… Dân tộc này đau gấp bội, tiền mất, người mất, đất đai mất… thì tại sao không thấy đấy là cái đau xót, mà chỉ vì một vài người, một nhóm người mà ông Trọng thương cảm, chảy nước mắt. Mà đấy là những giọt nước mắt cá sấu, đáng lẽ là phải thấy nỗi đau của dân, của nước… khi một thể chế xa đọa đến mức hàng loạt cán bộ sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, sẵn sàng cướp bóc của dân để làm giàu cho mình".
Theo số liệu được cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam công bố hôm 22/8/2022, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với các mức từ khiển trách đến khai trừ Đảng.
Trước đó, trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật một số người tượng trưng, để làm gương răn đe những người khác hay thật sự muốn làm trong sạch đội ngũ cán bộ để cứu dân ? Liên quan vấn đế này, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :
"Ông Trọng chỉ quan tâm đến đảng thôi chứ không quan tâm đến nhân dân, đất nước… nhưng ngay cả việc lựa chọn của ông Trọng rằng đảng sẽ lớn mạnh nhờ những động tác đó, thì tôi nghĩ cũng không khả thi. Vì những người có hiểu biết đều biết rằng, cơ chế độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản và luôn luôn giữ độc quyền tư tưởng thì sẽ dẫn đến hệ quả rất tiêu cực. Không cách nào nội bộ của đảng Cộng sản họ có thể giải quyết một cách căn bản những vấn nạn như thế. Mà để chứng minh điều này, trong lịch sử có có một nhà hiền triết một bình luận gia nổi tiếng ở Châu âu là Lord Acton đã nói một câu rất chính xác 'Quyền lực dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa.
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương kg chia sẻ quyền lực, kg chấp nhận xã hội kiểm soát quyền lực, giữ độc quyền cai trị bằng mọi giá thì ngày càng tha hóa là điều tất yếu. Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp :
"Cho nên tôi nghĩ rằng có bắt hết mà cơ chế không giải quyết, thì lại đẻ ra bầy sâu khác, ông Trọng không thể nào bắt kịp được đâu. Trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng, tất nhiên người dân thấy quan tham bị trừng trị bởi pháp luật thì phấn khởi, nhưng mà họ không có suy nghĩ để biết rằng cái gì nó đẻ ra những quan tham, những con sâu đó… Chính là do cơ chế độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam nên không bao giờ có thể xóa được hết những cái đó. Cho nên tôi thấy tội nghiệp cho ông Nguyễn Phú Trọng, nếu mà làm sạch sẽ đội ngũ thì tôi sợ rằng ông Trọng không đủ nước mắt để khóc".
Ông Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói rằng tình hình Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và tự hào về một số kết quả ví dụ như tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các thứ khác… cũng như nói ‘đau xót khi kỷ luật cán bộ’… thì theo ông Nguyễn Khắc Mai, nói thế chỉ là lên dây cót cho cán bộ đảng viên thôi, chứ còn thực sự lòng dân người ta chán chê, và không thể tin được.
Thực sự chỉ có hơn 25 ngàn đảng viên suy thoái ?
RFA, 10/12/2021
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức Trung ương khi báo cáo tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 9/12 cho biết : "Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tham nhũng và tệ quan liêu vẫn còn...".
Trưởng ban Tổ chức trung ương Trương Thị Mai cho biết, 25.104 đảng viên suy thoái, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã bị kỷ luật trong 5 năm (2016 - 2020), chiếm khoảng 0,5% đảng viên.
Cũng theo báo cáo, nếu chỉ tính riêng tội tham nhũng, trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có hơn 1.600 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi.
Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA từ Nha Trang hôm 10/12, nhận định :
"Số liệu nhiệm kỳ 2016-2020 vừa rồi có tới 25 ngàn đảng viên suy thoái, bị kỷ luật cho thấy thực tế ý chí, đạo đức của đảng viên sa sút rất nhiều. Thực chất theo tôi con số 25 ngàn đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi. Tôi biết có rất nhiều đảng viên chán ngấy rồi nhưng vì có những lo ngại cho bản thân hay con cháu mà không dám ra khỏi đảng, chứ họ đã nản lòng, không còn niềm tin. Tại vì đảng viên, đặc biệt là cao cấp hư hỏng suy thoái rất nhiều, rất lộ liễu, trắng trợn Như những năm gần đây chúng ta thấy kể cả Bộ chính trị như ông Đinh La Thăng cũng vào tù. Theo tôi đấy cũng chỉ là xui xẻo cho ông Thăng, chứ làm nghiêm túc đúng luật pháp thì rất nhiều người cỡ ổng, bộ trưởng, ủy viên trung ương vào tù nhiều nữa...".
Từ năm 2016, do lo ngại dân chúng mất lòng tin với Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để chỉ ra 27 biểu tượng suy thoái trong đảng viên. Trong Nghị quyết này, Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Marx Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vậy liệu tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống của đảng viên giữ chức cán bộ lãnh đạo là vấn đề mang tính bản chất hay chỉ là hiện tượng ? Nhà báo Nguyễn Vũ Bình khi trả lời RFA cho rằng, theo lý luận của Chủ nghĩa Marx – Lenin thì bản chất là cái tồn tại khách quan gắn liền với sự vật, còn hiện tượng là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất, là cái khách quan, nó không phải do cảm giác chủ quan con người quyết định. Ông nói tiếp :
"Đó là vấn đề mang tính bản chất, vì chúng ta cần hiểu rằng nếu không có đối trọng quyền lực, không có giám sát, kiểm soát một cách độc lập, khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự lạm quyền và tha hóa. Đó là nguyên lý, trên thực tế ở Việt Nam nó đang diễn ra như vậy và nó là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy".
Trong khi ngày càng nhiều đảng viên từ cấp thấp đến cấp cao, thậm chí là ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, vướng vòng lao lý thì báo chí Nhà nước vẫn luôn tung hô ca ngợi Đảng do dân, vì dân đảng viên là những thành phần ưu tú...
Dù có đến hàng chục ngàn đảng viên suy thoái nhưng ông Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hồi tháng 10/2021, vẫn khẳng định : ‘Đảng xứng đáng là Đảng của nhân dân’...
Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA cho rằng, Đảng cộng sản Việt Nam phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân chỉ là tuyên truyền chứ không phải là lý tưởng của Đảng cộng sản dù là ban đầu hay bây giờ :
"Đảng cộng sản tuyên truyền là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, nhưng lý tưởng chủ yếu là thực thi học thuyết Mác Lê để xây dựng chế độ cộng sản. Mà để làm được việc đó thì Đảng cộng sản phải giành và giữ được chính quyền càng rộng càng tốt. Từ hoạt động bất hợp pháp, muốn giành chính quyền thì phải vận động nhân dân, vì vậy phải tuyên truyền để dân theo càng đông càng hay.
Họ đã giỏi tuyên truyền và lợi dụng được lòng yêu nước của nhân dân và đảng viên trong đấu tranh cho độc lập và thống nhất. Họ cần các điều kiện này chủ yếu không phải vì tự do và hạnh phúc của toàn dân mà là để đặt được sự thống trị trên toàn bộ lãnh thổ".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trước đây phẩm chất đảng viên khá cao, đó không phải do lý tưởng của Đảng tạo nên mà là họ vốn là những người có sẵn phẩm chất tốt. Nhưng rồi vì muốn tạo thành một "Giai cấp mới" mà Đảng đã có nhiều sai lầm trong đường lối cán bộ, kết nạp vào Đảng nhiều phần tử cơ hội, kém phẩm chất, nhiều mưu mô. Vì vậy đảng viên bây giờ, người có phẩm chất cao thì rất ít mà chủ yếu là bọn cơ hội, tập hợp trong các nhóm lợi ích.
Còn nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng việc báo chí truyền thông của Nhà nước cũng như ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ ca tụng Đảng là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, là những người ưu tú nhất thì cũng không ngạc nhiên. Theo ông Tạo, việc này đã có từ lâu nay. Ông nói tiếp :
"Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì các ổng cũng cứ hô hào như thế để cho mọi người nhất là các đảng viên, thứ hai là trong nhân dân người ta đỡ suy giảm niềm tin. Đó là thủ thuật của những người cộng sản. Nói như ông cựu Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô là Mikhail Gorbachev, ổng kết luận một câu tôi cho là rất chính xác, đó là ‘cộng sản chỉ biết tuyên truyền dối trá’ Trong lúc nát bét như thế này mà vẫn hô hào thì rõ ràng câu nói đúc kết của ông Gorbachev là vô cùng chính xác".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, trong những tình huống như vậy mà vẫn cứ hô hào, vẫn cứ lừa bịp thì cũng chẳng có gì mới. Và nếu vẫn cứ làm như thế thì không cách nào ngăn chặn được đà suy thoái, cùng đường của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Tạo cho rằng, chỉ khi nào dám nhìn thẳng vào sự thật và có những thay đổi căn bản về thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, giám sát quyền lực thì tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam mới có thể có bước nhảy vọt.
Pháp quyền, ‘logo xe vua’, Quách Duy, và Lê Chí Thành
Trân Văn, VNTB, 16/04/2021
Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam vừa tạt nước vào mặt những người còn tin rằng chống tham nhũng ở Việt Namkhông có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam thì sau 18 tháng điều tra lại vụ án "đưa hối lộ, môi giới hối lộ" (thường được gọi là vụ án "logo xe vua") theo yêu cầu của Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, họ thấy rằngkhông đủ căn cứ để xử lý 78/80 cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông về tội"nhận hối lộ" (1).
Ông Quách Duy tại phiên tòa ngày 15/4/2021. Photo Thanh Nien.
"Xe vua" là lối ví von những chiếc xe vận tải hạng nặng tuy chở quá khổ (mức độ cồng kềnh vượt khuôn khổ quy định), quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, vừa hủy hoại hệ thống giao thông (cầu, đường), vừa xâm hại trật tự, an toàn giao thông, gây ra vô số tai nạn nghiêm trọng nhưng không bao giờ bị phạt.
Vấn nạn "xe vua" xuất hiện từ thập niên 1990 và kéo dài khoảng 20 năm. Cả công chúng lẫn báo giới đã từng nói rất nhiều lần, thậm chí công bố rất nhiều bằng chứng, chứng minh chủ một số doanh nghiệp vận tải và cảnh sát giao thông (Cảnh sát giao thông), thanh tra giao thông (Trật tự giao thông) tạo ra "xe vua". Sau khi nhận tiền từ chủ một số doanh nghiệp vận tải, hệ thống Cảnh sát giao thông, Trật tự giao thông cả tỉnh, thậm chỉ một số tỉnh cùng làm ngơ cho "xe vua" tung hoành. Để tránh phạt lầm, hai bên đặt ra những dấu hiệu nhận dạng (logo). Cảnh sát giao thông, Trật tự giao thông chỉ phạt, thậm chí phạt rất nặng những xe không có logo hợp cách. Nhằm giảm bớt oán than cả của công chúng lẫn các doanh nghiệp vận tải (nhiều doanh nghiệp phá sản vì không thể cạnh tranh về cước vận tải với doanh nghiệp có "xe vua"), năm 2015, Bộ Giao thông và vận tải đề nghị Bộ Công an khởi tố hai nhóm chuyên cung cấp logo cho một số doanh nghiệp vận tải bởi có hàng ngàn xe mang các loại logo này đang làm vua trên các tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Ba năm sau (2018), vụ án vừa kể được đưa ra xét xử. 10/11 bị cáo là thường dân bị kết án vì "đưa hối lộ" khoản tiền lên tới 30 tỉ. Chỉ có một cảnh sát giao thông bị kết án vì "môi giới hối lộ" ! Năm sau (2019), Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phúc thẩm vụ án. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – nơi thực thi quyền công tố, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bốhủy bản án sơ thẩm giao cho Bộ Công an điều tra lại vì "có dấu hiệu bỏ sót tội phạm" : Hồ sơ vụ án cho thấy có tới 80 cảnh sát giao thông và trật tự giao thông dính líu đến vụ án và theo hồ sơ, việc "nhận hối lộ" không chỉ có số tiền mà còn có cả địa điểm. Thêm 18 tháng điều tra lại, Bộ Công an dõng dạc trả lời,không đủ căn cứ để xử lý 78 cảnh sát giao thông, trật tự giao thông (chỉ còn 78 vì một đã chết, một đang lẩn trốn bởi còn phạm tội khác). Hệ thống tòa án được khuyên nên xử lý 11 bị cáo theo hướng mà tòa án cấp sơ thẩm từng xử và từng bị tòa án cấp trên hủy bản án. Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có những vụ án "đưa hối lộ, môi giới hối lộ", xác định rạch ròi đưa bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu, ở đâu nhưng không có ai "nhận hối lộ" !
***
Ngoài việc giới thiệu thông báo của Bộ Công an Việt Nam về kết quả điều tra lại vụ án "logo xe vua", hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam còn loan báo hai sự kiện khác cùng liên quan đến việc xử lý hình sự của hệ thống tư pháp : Một, ông Quách Duy, cựu Chuyên viên của Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị phạt bốn năm sáu tháng tù do "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (2). Hai, ông Lê Chí Thành, cựu đại úy công an, năm ngoái bị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, vừa bị bắt do "chống người thi hành công vụ" (3). Nếu thử đặt cả hai vụ án bên cạnh thông báo của Bộ Công an về kết quả điều tra lại vụ án "logo xe vua", ắt sẽ thấy nhiều điểm hết sức thú vị về đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN trong xử lý hình sự đối với những cá nhân mà đảng từng tin cậy, lựa chọn.
Ông Duy không phải nhân vật xa lạ với công chúng Việt Nam. Vì là một trong những người nhiệt thành ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, ông Duy từng phân tích trên facebook về trách nhiệm của ba Ủy viên Bộ Chính trị và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của đảng, nhà nước trong phòng - chống tham nhũng xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với các anh Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và xử lý nghiêm minh theo quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tháng 7 năm 2019, tại hội nghị giữa Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng với Báo cáo viên của các Thành ủy, Tỉnh ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương, ông Võ Văn Thưởng dẫn trường hợp ông Duy chuyên viên Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng Ban Tuyên giáo Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam nhưng nhiều tháng không xử lý đượcnhư một ví dụ về tình trạng mà ông Thưởng xác định là không thể chấp nhận được (4).
Có thể là để được ông Thưởngchấp nhận, tháng sau (tháng 8 năm 2019), Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng Thành phố Hồ Chí Minh quyết định khai trừ ông Duy ra khỏi đảng (5). Ông Duy không nao núng mà tuyên bố sẽ vừa khiếu nại, vừatiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của đảng, nhà nước theo nguyên tắc mà người đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai (6).
Cuối cùng, đảng cũng đã kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên chưa có ai và không nơi nào xem xét, xác định trách nhiệm của ông Thưởng tới đâukhi còn là Phó Bí thư Thành ủy, ông Thưởng từng chỉ đạo giao "khu đất vàng" tại 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 cho Vũ "Nhôm" dù ông Duy tố giác,chỉ đạo ấy được ghi nhận trên "giấy trắng mực đen" (Kết luận số 318-KL/TU ngày 14 tháng 7 năm 2015 về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác "khu đất vàng") (7).
Có hai câu cần hỏi : Bản án mà Tòa án quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên đối với ông Duy liệu đã khiến ông Thưởng – giờ là Thường trực Ban Bí thư – hài lòng, cảm thấy trừng trị như thế là có thểchấp nhận ? Sau khi nhận bốn năm, sáu tháng tù vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", ông Duy còn tin vào sự sáng suốt của đảng, tin công cuộc chống tham nhũng là Tổng Bí thư"không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" ?
Giống như ông Quách Duy, ông Lê Chí Thành là một trong những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn và tất nhiên là tin đảng, chọn theo đảng. Hưởng ứng các tuyên bố, cam kết liên quan đến chống tham nhũng, ông Thành gửi đơn cho Bộ Công an, tố cáo lãnh đạo Trại giam Thủ Đức (thường được gọi là Trại Z30D, tọa lạc tại Bình Thuận) gian lận, bớt xén lương, thưởng của các giám thị, nhân viên, cho vay nặng lãi... Ông Thành không dè những tố cáo ấy trở thành nguyên nhân khiến ông bị lãnh đạo Trại Z30D đày đọa, trả thù. Để bảo vệ mình, ông bạch hóa nội dung tố cáo trên mạng xã hội và thay vì điều tra – xử lý lãnh đạo Trại giam Z30D, Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, loại Đại úy Thành ra khỏi hàng ngũ công an. Tới lúc này, ông Thành bắt đầu đồng cảm với dân oan, ông thường xuyên bình luận về oan án trên mạng xã hội và bám sát Cảnh sát giao thông để "giám sát" hoạt động của lực lượng mà ông tin rằng đã cũng như đang làm hoen ố uy tín của công an Việt Nam (8), cho đến khi bị bắt vì "chống người thi hành công vụ".
***
Tại sao 80 cảnh sát giao thông, trật tự giao thông mà cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lẫn Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng tin rằng có dính líu đến vụ án "logo xe vua" cho nên cùng yêu cầu Bộ Công an phải điều tra lại tiếp tục thoát nạn ? Tại sao những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn, dẫu bầm dập vẫn đinh ninh đảng sáng suốt, vẫn muốn góp sức chống tiêu cực, tham nhũng như ông Duy, ông Thành không hề nhận được chút đồng cảm nào từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống tư pháp như 80 cảnh sát giao thông, trật tự giao thông kia ?
Phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt lạ thường này nằm ở chỗ biết điều chứ không phải là biết phân biệt đúng – sai, phải – trái ? Không biết điều là chết chắc !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/04/2021
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/quach-duy-bi-phat/4/nam-6-thang-tu-4263147.html
(3) https://plo.vn/thoi-su/bat-tam-giam-ong-le-chi-thanh-978826.html
(5) https://tuoitre.vn/chuyen-vien-ubnd-tp-hcm-quach-duy-bi-khai-tru-dang-20190802162137182.htm
(6) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/379695496080762
(7) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/314226792627633
(8) https://danviet.vn/cuu-dai-uy-cong-an-le-chi-thanh-bi-tuoc-quan-tich-khi-nao-20210414172427014.htm
*********************
Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành bị xem xét thêm tội danh"lợi dụng tự do dân chủ"
RFA, 18/04/2021
Cựu đại úy Công an trại giam Lê Chí Thành ngoài việc bị bắt hôm 14 2021 với cáo buộc tội danh "Chống người thi hành công vụ" cũng sẽ bị cơ quan chức năng xem xét thêm tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước".
Ông Lê Chí Thành - FB của ông Lê Chí Thành
Mạng báo VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thông tin này trong buổi họp báo vào sáng 18/4/2021.
Ông Lê Chí Thành được nhiều người biết đến khi mặc quân phục công an và phát các video trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, tố cáo một số lãnh đạo của trại giam Thủ Đức (tức Z30D), nơi ông Thành làm việc.
Tháng 7/2020, Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) quyết định kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Lê Chí Thành.
Gần đây, ông Thành cùng một số người khác quay các đoạn video giám sát cảnh sát giao thông làm việc, có lúc bị một số người mặc thường phục đe dọa.
Cơ quan Công an cáo buộc chỉ trong vài tháng đầu năm 2021, ông Thành cùng một số người khác có khoảng 20 lần có mặt ở nhiều nơi để cố tình tiếp cận, khiêu khích, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường.
Việc làm này bị cho là cố tính tạo tình huống khiêu khích, nhằm ghi hình lực lượng chức năng để phát tán trên các trang mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, định hướng, dẫn dắt dư luận tiêu cực.
**********************
VOA, 15/04/2021
Một cựu Đảng viên, chuyên viên Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị tòa tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù vì viết bài trên Facebook "xúc phạm lãnh đạo", trong khi đó một cựu đại úy công an bị bắt vì "chống người thi hành công vụ".
Hôm 15/4, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Quách Duy, 39 tuổi, từng là chuyên viên Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền dự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo trang Sài gòn Giải phóng.
Trang này cho biết ông Quách Duy đã đăng tải trên Facebook một số bài viết "có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của một số nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh", trong đó có 3 bài viết "có nội dung vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định 72/2013 của Chính phủ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Trước khi bị bắt vào tháng 9/2019, ông Duy đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Sự việc được Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng thuộc Thành ủy xem là "vi phạm nghiêm trọng" sau khi ông Quách Duy viết trong bài "Đốt củi" trên Facebook, trong đó ông thông tin rằng "Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ giao "đất vàng" giá rẻ liên quan đến Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, điều tra làm rõ vụ thoái vốn gây thất thoát tài sản nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất trái phép khu đất vàng số 76 Tôn Thất Thuyết (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh)".
Ông Trần Vĩnh Tuyết cũng đã bị bắt vào tháng 7/2020 vì gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 14/4, ông Lê Chí Thành, 38 tuổi, cựu đại úy công an từng nhiều lần lên tiếng trên Facebook về tệ tham nhũng trong ngành công an thành phố, bị bắt với cáo buộc "chống người thi hành công vụ".
Truyền thông Việt Nam loan tin ông Lê Chí Thành bị bắt sau khi cảnh sát giao thông phát hiện lái xe "không có giấy đăng ký hợp lệ" trên xa lộ Hà Nội, ở quận Thủ Đức. Báo Công an Thành phố cho biết ông Thành "có hành vi cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ" khi xe của ông bị cẩu đi.
Nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ thắc mắc tại sao nhà của ông Thành ở quận 12 bị an ninh khám xét sau vụ "vi phạm giao thông" ở Thủ Đức.
Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm hôm 14/4 viết trên Facebook : "Hôm nay, cựu đại úy Lê Chí Thành bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ, nhưng đó chỉ là cái cớ họ chụp mũ cho anh. Thật sự anh bị bắt vì là cái gai trong mắt ngành công an lâu nay, do tố cáo giám thị trại giam và những tiêu cực trong ngành công an".
Ông Bùi Tuấn Lâm nói với VOA :
"Bản thân tôi nghĩ một người như anh ấy trước sau gì cũng sẽ bị bắt vì những việc làm, lời nói, và hành động của anh rất thiết thực và đụng chạm đến lợi ích của ngành công an.
"Cái nguy hiểm luôn chực chờ anh ấy, nhiều khả năng là người ta tìm cách này hay cách khác để bắt anh ấy thôi".
Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội viết trên Facebook : "Chiều nay 14/4, cựu đại úy Lê Chí Thành, người đã rất nổi tiếng về việc chống tham nhũng trong ngành công an và là người đã "đốt quân phục, bằng cấp", đã bị công an thành phố Thủ Đức bắt về hành vi "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015".
"Theo như những video tôi thường được xem của anh Thành quay gần đây thì anh chỉ thực thi quyền "giám sát" theo luật định đối với các Cảnh sát giao thông. Thế nhưng ai cũng biết rằng, việc giám sát đó chắc chắn ảnh hưởng đến "bánh mì" của các "đồng chí"," Luật sư Lê Quốc Quân nhận định.
Trong một livestream hôm 9/3, ông Lê Chí Thành nói rằng ông vừa đến Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội khóa XV. Trong một livestream khác hôm 13/4 với nhan đề "Lê Chí Thành bị đuổi khỏi thành phố", ông cho biết công an đã nhiều lần sách nhiễu và kiểm tra hành chính đối với ông.
Báo Công an Thành phố cho biết ông Lê Chí Thành thường xuyên livestream trên mạng xã hội, "có nhiều nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ".
Nguồn : VOA, 15/04/2021
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Phó thủ tướng, sau khi xem xét vi phạm của ông liên quan đến TISCO II tức Dự Án Phát Triển Công Ty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Sai phạm của ông Hoàng Trung Hải liên quan đến dự án mở rộng Công ty Gang Thép Thái Nguyên - Courtesy of Haiquan -RFA edited
Đây là dự án do nhà thầu Trung Quốc nhận nhưng không thể vận hành và đã gây thất thoát đến hơn 8 ngàn tỷ đồng. Quyết định cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải được Văn phòng Trung ương Đảng thông báo tại cuộc họp ngày 10/1 với sự chủ trì của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Theo nội dung kết luận cảnh cáo của Bộ Chính Trị đối với ông Hoàng Trung Hải, được báo chí trích dẫn lại, trong thời gian giữ cương vị Ủy Viên Ban Cán Sự đảng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cũng là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án TISCO II, tức dự án mở rộng Công Ty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, gây thất thoát khoảng 8 ngàn tỷ đồng.
"Vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân" là nguyên văn thông báo của Văn Phòng Trung Ương Đảng.
Trước đó, tin ông Hoàng Trung Hải bị đề nghị kỷ luật khiến dư luận trong dân cũng như trên mạng ở Việt Nam chú tâm theo dõi cũng như thắc mắc về mức độ kỷ luật sẽ như thế nào, và không rõ sự nghiệp chính trị của ông Hoàng Trung Hải đi về đâu trong những ngày tới.
Trước tin ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo vì sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng liên quan vụ TISCO II, nhà báo Võ Văn Tạo là người từng bày tỏ với RFA rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn công việc "đốt lò" của mình được dân tin thì nên đưa ông Hoàng Trung Hải ra xét xử trước tòa mới đúng, nay nói rằng ông không giấu được sự ngạc nhiên của mình :
"Thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải ở mức cảnh cáo làm tôi bất ngờ, bởi vì lâu nay trong dư luận cán bộ đảng viên cũng như người dân trong nước đã không hài lòng với cách xử lý trước đây đối với các quan chức sai phạm. Gần đây thì đã có thay đổi, chẳng hạn trường hợp ông Đinh La Thăng, đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, bị khởi tố hình sự và bị tuyên án với mức án cũng khá nặng nề. Dư luận đang phấn khởi là công cuộc đốt lò này đang cho không khí chính trị Việt Nam một sinh khí mới, nhưng việc ông Hoàng Trung Hải kỳ này chỉ bị cảnh cáo thì tôi thấy thất vọng, coi như chuyện đốt lò hình như không được công bằng, cũng không đến nơi đến chốn"
"Trong vụ ông Hoàng Trung Hải khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra thì chỉ nêu một trường hợp là Dự Án giai đoạn 2 mở rộng Nhà Máy Gang Thép Thái Nguyên thôi, thiệt hại 8 ngàn tỷ là nhiều hơn cả vụ AVG chứ. Hồi ông Hoàng Trung Hải làm Phó thủ tướng đặc trách khối công nghiệp thì đến giờ hậu quả của nó là 12 dự án mà cái nào cũng thua lỗ ngàn tỷ cho đến chục ngàn tỷ.Gang thép Thái Nguyên chỉ là một trong 12 dự án đó thôi. Chưa nói chuyện có tham nhũng hay không, chỉ riêng trách nhiệm Phó thủ tướng đặc trách khối công nghiệp mà để thất thoát như thế thì lôi ra tòa được rồi"
Dự án AVG được nói tới là vụ án tham nhũng liên quan đến các quan chức thuộc Bộ Thông tin Truyền thông gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và khiến cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị tuyên án tù chung thân.
Ông Phạm Thành, phóng viên lâu năm Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội, cho biết :
"Tôi không bất ngờ về chuyện ông Hoàng Trung Hải chỉ bị cảnh cáo không. Theo Luật Lao Động thì cảnh cáo là hình thức nhẹ nhất, thấp nhất trong 7 hình thức cảnh cáo".
Nhà báo Phạm Thành vẫn giữ quan điểm mà ông thường nói là có yếu tố Trung Quốc trong vụ kỷ luật Hoàng Trung Hải :
"Tôi nói lại tôi không bất ngờ vì lý do muốn xử lý Hoàng Trung Hải là phải có ý kiến của Bắc Kinh. Hoàng Trung Hải tội rất nhiều và dư luận cũng biết thế và cũng rất nhiều áp lực lên Bộ Chính Trị mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng tung ra tin lúc đầu là phải xem xét kỷ luật để làm hài lòng dân chúng và những người làm đơn tố cáo vạch tội Hoàng Trung Hải. Cái tội của Hoàng Trung Hải không chỉ là Gang thép Thái Nguyên mà toàn bộ hệ thống nhiệt điện của Trung Quốc đưa về Việt Nam khi Hoàng Trung Hải còn làm Phó thủ tướng đã rước về. Nhận mấy cái phế thải ấy về, lẽ ra Trung Quốc phải mất tiền thuê bãi làm phế thải nhưng Hoàng Trung Hải lại tổ chức đưa về thì phải trả tiền cho Trung Quốc".
Kỷ luật ở mức độ cảnh cáo thì chưa rõ nặng hay nhẹ vì chưa thấy thêm biện pháp nào đi kèm, là suy nghĩ của blogger Bùi Thanh Hiếu từ Berlin, Đức :
"Tôi không biết có thêm cái chế tài nào đấy kèm theo hay chỉ cảnh cáo không. Có những trường hợp cảnh cáo xong rồi thì có thể là họ hạ chức vụ xuống, đưa ra khỏi Bộ Chính Trị hay Trung Ương Đảng hay là dừng lại ở mức cảnh cáo. Cái này tôi cũng không ngạc nhiên, tôi từng nhận định là cảnh cáo cũng vừa đủ để con đường đi tiếp không đến mức độ nặng nề đối với ông Hoàng Trung Hải quá".
Một nhà nghiên cứu độc lập đang ở Singapore, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trước đó từng dự kiến việc xem xét kỷ luật nguyên Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính Trị Hoàng Trung Hải chỉ ở mức độ cảnh cáo hoặc khiển trách là nhiều, giải thích thêm với RFA rằng kỷ luật cảnh cáo là cảnh cáo chứ không kèm theo cái gì khác cả :
"Điều lệ của đảng cộng sản Việt Nam có mấy mức kỷ luật, thứ nhất là phê bình, thứ hai là khiển trách, thứ ba là cảnh cáo, thứ tư là khai trừ, bốn mức như thế. Phê bình thì không ghi lý lịch nhưng từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ thì sẽ phải ghi lý lịch và sẽ có hậu quả về mặt hành chính Nhà Nước chứ không chỉ là kỷ luật đảng nữa. Cho nên cảnh cáo là cảnh cáo thôi chứ không khai trừ. Không khai trừ thì ông vẫn nguyên vị trí ở đấy. Sau cảnh cáo này, người ta điều ông đi đâu, làm gì… thì sau này mới rõ được".
"Bản chất của vụ TiscoII là thỏa thuận giữa hai chính phủ và hai đảng cộng sản, đấy là mấu chốt. Hồi đó ông Hải là Phó thủ tướng, thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận và ký trả tiền cho doanh nghiệp Trung Quốc thì đấy là cái sai lầm của ông. Trong quá trình làm thì doanh nghiệp Trung Quốc không làm nổi, làm hỏng mà vẫn nhận khoản thanh toán. Nếu bình thường ra thì phải kiện cái doanh nghiệp Trung Quốc đấy, giờ thì lại thấy ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo".
"Riêng ông Hoàng Trung Hải này thì mọi người hiểu ông không dính trực tiếp mà lúc ấy ông chỉ ký những tài liệu người ta gửi từ dưới lên mà quan trong nhất là cái tài liệu thanh toán tiền cho người Trung Quốc vì người ta làm xong rồi. Thế thì lỗi phải chịu phải từ cấp bộ trưởng trở xuống. Ông Hải không có nhận hối lộ cho nên hình thức kỷ luật nói thế có nghĩa là khó có khả năng dẫn đến việc điều tra để rồi khởi tố ông ấy, rất khó".
Công cuộc chống tham nhũng thường được người dân Việt Nam gọi là "công cuộc đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát động từ khoảng giữa năm 2016 sau Đại hội đảng XII. Từ đó đến nay, đã có nhiều quan chức cấp cao của đảng từ trung ương đến địa phương bị kỷ luật với các cáo buộc cố làm trái các quy định trong quản lý hoặc tham nhũng.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng năm 2019 cho thấy đã có 92 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải, trước đó, ông Đinh La Thăng một Ủy viên Bộ Chính trị khác cũng bị kỷ luật và bị kết án tù tổng cộng 30 năm vì những sai phạm trong quản lý kinh tế.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 10/01/2020
**************
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải bị Bộ Chính trị cảnh cáo
RFA, 10/01/2020
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Bí thư Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/10/2007 khi ông Hoàng Trung Hải là Phó Thủ tướng - Reuters
Quyết định này được đưa ra tại Hội nghị của Bộ Chính trị hôm 10/1 ở Trụ sở Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp 42, ông Hải bị đề nghị xem xét kỷ luật vì đã "có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II" thời kỳ ông làm Phó thủ tướng. Dự án TISCO II là dự án mở rộng sản xuất ở Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Bộ Chính trị xác định ông Hoàng Trung Hải đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng bao gồm : thiếu trách nhiệm, không xem xét, cân nhắc thấu đáo ý kiến của các bộ, ngành, cho ý kiến không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, không đúng quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh giá trị hợp đồng gói thầu EPC số 01 của dự án và tăng chi phí một phần của hợp đồng.
Ông Hoàng Trung Hải còn bị kết luận đã đồng ý cho TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho nhà thầu MCC của Trung Quốc không đúng với hợp đồng của dự án.
Dự án TISCO II hồi năm ngoái đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Dự án trị giá 8.000 tỷ đồng hiện vẫn bị "đắp chiếu", không thể đi vào hoạt động.
CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam (VOA, 16/01/2019)
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, kỳ vọng mang lại nhiều kết quả lạc quan cho cả Chính phủ và doanh nghiệp của Việt Nam, theo trang Prensa Latina.
Các thành viên tham gia hiệp định CPTPP.
Báo Dân trí trích lời ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói : "Các doanh nghiệp chắc chắn hưởng lợi từ khả năng tiếp cận 500 triệu người tiêu dùng và từ sự rõ ràng minh bạch do hiệp định này mang lại trong bối cảnh có nhiều bất ổn về chính sách thương mại".
Báo Tuổi trẻ trích nhận định của Bộ Công thương Việt Nam cho biết các ngành có cơ hội tăng trưởng lớn như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ.
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam có thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng như mọi FTA khác, CPTPP không phải là "mỏ vàng lộ thiên".
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, với CPTPP, xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng từ 54 tỉ đôla lên 80 tỉ đôla trước năm 2030.
Theo cam kết trong CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, trong đó các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam.
CPTPP là một hiệp định tự do hóa thương mại và đầu tư tại 11 nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương bao gồm Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.
******************
Năm 2018 : Gần 100 đảng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật (RFA, 16/01/2019)
Có gần 100 đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh bị xem xét xử lý kỷ luật trong năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy. Courtesy hochiminhcity.gov.vn
Thông tin vừa nói được ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị, trong số 97 đảng viên bị kỷ luật, có 56 đảng viên bị khiển trách, cảnh cáo 33 đảng viên, cách chức 7 đảng viên và khai trừ 1 đảng viên.
Theo ông Hiếu, các nội dung vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, tài chính, tài sản công và đầu tư công…
Ngoài ra cũng có vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ ; vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ bị xử lý. Bên cạnh đó là các vi phạm về khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo, vi phạm về chống tham nhũng…
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập đoàn giám sát đối với một số tổ chức đảng về việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận việc giám sát kê khai tài sản chưa được thực hiện thường xuyên và còn nhiều hạn chế.
Cũng tại Hội nghị, ông Hiếu cho biết trong năm 2018, có tổng cộng 5 tổ chức đảng bị kỷ luật vì sai phạm.
Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 là nơi có nhiều trường hợp quan chức cấp cao của thành phố bị kỷ luật, thậm chí bị bắt giam truy tố liên quan đến đất đai. Gần đây nhất là trường hợp của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực thành ủy bị tước mọi chức vụ trong đảng. Trước ông Cang, 2 cựu Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín cùng một số quan chức quản lý đất đai của thành phố bị khởi tố vì vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
*******************
Việt Nam dự tính giảm 44.000 biên chế hưởng lương năm 2019 (RFA, 15/01/2019)
Bộ Nội Vụ dự định giảm 44.000 biên chế hưởng lương năm 2019 bao gồm 39.000 viên chức và 5.510 công chức. Đây là nội dung được Bộ Nội vụ công bố tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành nội vụ năm 2019 hôm 15/1 tại Hà Nội.
Những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam tung hô ủng hộ Đảng - Hình minh họa. AFP
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khi khai mạc hội nghị, đây là một thách thức đáng kể vì từ 2016 đến 2018 cả nước chỉ giảm được 86.300 biên chế trong đó hơn 12.000 công chức và gần 74.000 viên chức cùng người lao động. Con số này bao gồm cả những người nghỉ hưu, thôi việc ngay theo quy định.
Đây là những con số được các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Nội Vụ, trong đó có cả người về hưu, thôi việc ngày theo qui định.
Bộ Nội vụ cho biết quá trình tinh giảm biên chế thời gian qua vẫn phụ thuộc quá nhiều vào số người nghỉ hưu.
Vẫn theo lời ông Lê Vĩnh Tân, năm 2019 Bộ Nội Vụ tiếp tục việc tái cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, trong năm 2018, số lượng vụ, cục, tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang được sắp xếp lại, số vụ và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ sau xếp lại còn 248 tổ chức, giamr12 tổ chức. Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giảm 8 đơn vị còn 102 đơn vị.
Tuy nhiên, số cơ quan cấp cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ lại tăng lên 125 tổ chức, tăng 7 tổ chức, tổng cức tăng lên 29 tổ chức, tăng 2 so với năm 2015.
Gần đây dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền đảng trị đã có một hình thức kỷ luật mới đối với những cán bô đảng viên họ cho là có khuyết điểm nghiêm trọng.
Ông Vũ Kim Cự bị cách chức, bãi miễn tư cách Đại biểu quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh cách đây 8 năm.
Đó là hình thức "cách chức những chức vụ" mà đương sự đã từng trải qua trong quá khứ, "miễn nhiệm chức vụ chính quyền" đương sự đã đảm nhiệm trong một hay vài nhiệm kỳ trong quá khứ.
Hình thức kỷ luật này lần đầu tiên được áp dụng cho ông Vũ Huy Hoàng - nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2007 đến năm 2016, đã về hưu - theo quyết định của Chủ tịch nước tháng 4/2016 : "miễn nhiệm ông Vũ Huy Hoàng trong chức vụ Bộ trưởng Công thương trước đây ;" cùng thời điểm này, Ban Bí thư TƯ cũng ra quyết định "cách chức Bí thư Ban cán sự đảng bộ bộ Công Thương từ năm 2011 đến năm 2016" của ông Vũ Huy Hoàng, "nay đã về nghỉ hưu".
Người thứ 2 chịu hình thức kỷ luật này là ông Vũ Kim Cự trong vụ án phá hủy môi trường ven biển miền Trung của Công ty Formosa, bị Ban Thường vụ Quốc hội "cách chức, bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua", đồng thời bị Ban bí thư ra quyết định "cách chức Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh" mà ông Cự từng đảm nhiệm cách đây 8 năm.
Hình thức kỷ luật cách chức, bãi miễn, thu hồi các chức trách, tư cách cấp ủy, đại biểu quốc hội trong quá khứ là hình thức chưa từng có, ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Bởi vì nó vô lý, không có cơ sở thực tiễn.
Vì các chức vụ mà các đương sự đã từng đảm nhiệm, gắn bó với mọi việc làm trong quá khứ đã trôi qua là những sự thật hiển nhiên, không ai có thể xóa bỏ, thay đổi, xuyên tạc hay phủ nhận được. Đó là những sự thật cứng đầu, bướng bỉnh, tồn tại mãi như nó từng có, làm sao có thể đi ngược giòng thời gian để xóa bỏ, bãi miễn bằng quyết định chủ quan của bất cứ ai, nếu người đó không bị điên rồ, lú lẫn, mất nhận thức về sự thật.
Cũng do đó mà không có hình thức kỷ luật nào, không có một pháp luật nào quy định một hình thức xử lý sai lầm, tội lỗi, vi phạm nào vô lý, kỳ lạ như thế.
Thời gian là một hiện tượng chảy xuôi, từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai như dòng chảy của một con sông. Con người tồn tại chỉ có thể chấp nhận quá khứ, chịu đựng quá khứ, tác động đến hiện tại, đến tương lai, chứ không thể thay đổi được quá khứ như nó đã từng có.
Chính do đó mà ông luật sư Trần Quốc Thuận đã phải nhận xét hình thức kỷ luật như trên là "nhập nhằng pháp lý". Các đương sự bị kỷ luật do phạm sai lầm trong khi đảm nhận các chức vụ, nay cách chức, bãi miễn các chức vụ ấy coi như không có thật, sao lại còn kết tội họ. Thật là luẩn quẩn, phi lý.
Rất mong sẽ có nhiều nhà ngôn ngữ học, xã hội học, pháp luật học, chính trị học phát biểu về hình thức kỷ luật "mới mẻ", "sáng tạo", "độc đáo" này.
Mong rằng sau này sẽ không có chuyện ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị cách chức, bãi miễn chức tổng bí thư từ năm 2011 đến năm 20…, do thất bại nặng nề trong cam kết quét sạch nạn nội xâm tham nhũng, và do cái trọng tội hèn với giặc ác với dân, để nhân dân Việt Nam phải chịu ách thống trị Bắc thuộc khi ông là nhân vật lãnh đạo số 1 của đất nước.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 20/09/2017
Hơn 1 triệu đảng viên Trung Quốc bị kỷ luật trong năm 2016 (RFA, 10/01/2017)
Ông Xiao Tian, cựu phó giám đốc của Tổng cục Thể thao Trung Quốc và cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc, tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam hôm 26 Tháng 12 năm 2016 với tội danh hối lộ. AFP photo
Trong thông cáo phổ biến ngày hôm qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong năm vừa qua, gần 1 triệu 200 ngàn đảng viên, cán bộ đã bị truy tố, xét xử hoặc bị khiển trách vì những tội danh khác nhau, từ tham nhũng, hối lộ, cho tới sơ sót khi thi hành nhiệm vụ.
Thông cáo cho thấy trong năm 2016, có khoảng 400.000 viên chức bị xét xử, trong đó có 76 người từng giữ các chức vụ từ cấp bộ trở lên và 57.000 cán bộ tự nhận tội. Trong đó có 17 cán bộ làm việc với Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Thông cáo còn cho thấy trong năm qua, có 2.600 người trốn ra nước ngoài bị dẫn độ về Trung Quốc để xét xử. Tổng số tài sản nhà nước tịch thu của nhóm này lên đến 1 tỷ 200 triệu dollars.
*****************
Trung Quốc can dự vào mọi sinh hoạt chính trị của Hong Kong (RFA, 10/01/2017)
Ông Kurt Tong, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong phát biểu tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài hôm 10/1/2017. AFP photo
Hôm nay trong bài nói chuyện đọc tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Nước Ngoài ở Hồng Kong, ông Kurt Tong, Tổng lãnh sự Mỹ tại đặc khu cho rằng sự can dự của Trung Quốc vào sinh hoạt chính trị Hồng Kong khiến cư dân địa phương quan ngại, sợ Bắc Kinh không tôn trọng quyền tự trị của đặc khu.
Trong bài nói chuyện, ông Tong nhắc lại những sự kiện đã xảy ra trong năm 2016 vừa qua, như chuyện công an Trung Quốc bị nghi là sang Hồng Kong bắt giữ 5 người trong ngành xuất bản chủ trương in và phổ biến quyển sách nói về thâm cung bí sử của đảng Cộng sản, hay chuyện quốc hội Trung Quốc quyết định thể thức bầu cử và kết quả bầu cử hội đồng hành pháp và lập pháp của đặc khu.
Cũng trong bài nói chuyện, ông Tổng lãnh sự Mỹ dự đoán sẽ không có thay đổi lớn lao trong mối quan hệ Mỹ-Trung, cho dù Tổng thống đắc cử Donald Trump thường xuyên lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế, quân sự và ngoại giao mà Trung Quốc đang thực hiện.